Thư gởi các tù nhân lương tâm
nếu đến tạm dung ở nước ngoài
Đoàn Hưng Quốc
Các anh chị là viên ngọc quý của cuộc đấu tranh dân chủ tự do. Vì nhiều lý do khác nhau các anh chị đã chọn tạm dung ra hải ngoại nhưng trái tim và ý chí quật cường của các anh chị vẫn dành trọn vẹn cho quê hương. Các anh chị là những cá nhân cần được trân trọng và bảo vệ để tiếp tục cuộc đấu tranh trường kỳ cho đến ngày thành công.
Chúng tôi rất đau lòng khi một số các anh chị ngay từ những phút đầu tiên đặt chân đến bến bờ tự do đã vô tình vướng vào những cuộc tranh luận nguy hiểm đầy hiềm khích. Một phần vì an ninh cộng sản tung thủ đoạn để bôi nhọ uy tín của các anh chị, nhưng đồng thời cũng do bầu sinh hoạt chính trị tự do và những định kiến ngay trong chính cộng đồng người Việt tại hải ngoại.
Chúng tôi viết lá thư này để đóng góp một vài ý kiến, đề nghị các anh chị chuẩn bị khi phải đối diện với tình huống vô cùng phức tạp lúc vừa chân ướt chân ráo đến phi trường hay trong những năm tháng đầu tiên sống ở hải ngoại.
Một giáo sư Đại Học Hoa Kỳ bảo trợ cho Luật Sư mù Trần Quang Thành sang Mỹ đã rút kinh nghiệm rằng những nhà đấu tranh cần khoảng một năm trời để ổn định tinh thần, sức khỏe và đánh giá tình hình sinh hoạt ở nước ngoài. Cho nên góp ý đầu tiên cho các tù nhân lương tâm sang tạm dung ở hải ngoại là nên giữ im lặng và tránh xuất hiện cho đến khi các anh chị tự trang bị đầy đủ hành trang nhận thức để tiếp tục hướng dẫn công cuộc đấu tranh.
Sẽ có dư luận cho rằng các anh chị “lặng yên” khi sang được bến bờ tự do. Nhưng chúng tôi tin rằng các nhà dân chủ và dân oan trong nước tuy cần được hổ trợ cấp thiết nhưng sẽ không thất vọng vì hiểu rõ ý chí kiên cường và tấm lòng của các anh chị. Chính các anh chị cũng nóng lòng tiếp tục cuộc đấu tranh, nhưng chúng ta đều biết con đường còn dài.
Các anh chị nên tạm thời ẩn mặt, ổn định cuộc sống mới cũng như nắm rõ không khí đấu tranh hải ngoại. Khi xuất hiện đấu tranh chúng tôi tin cộng đồng sẽ tiếp tục đặt niềm tin nơi những người đã kinh qua quá trình cam khổ chớ không chỉ bằng lời nói.
Ngay vào giây phút mệt mỏi vừa bước ra máy bay cũng đầy cạm bẩy thử thách. Trong số đoàn người tiếp đón các anh chị một cách nồng nhiệt vẫn có máy quay phim và vài cặp mắt soi mói chờ đợi một sơ suất nào đó để công kích. Một cái quay lưng vô tình, một lời cảm tạ ngập ngừng cũng thành chuyện nhỏ xé ra to nhằm bôi bẩn quá trình tranh đấu của các anh chị.
Chúng tôi hy vọng tình trạng này không tiếp diễn đến mức những tù nhân lương tâm phải “giả vờ” ngất xỉu để nhân viên phi trường dùng xe cấp cứu chở đến bệnh viện mà không phải tiếp xúc với đoàn người tiếp đón. Cho dù là giả vờ nhưng hãy xem đây như một trong những cách thức mà các anh chị có thể có để tự bảo vệ mình trên con đường đấu tranh ở quốc nội và hải ngoại.
Nếu có dự tính giới hạn tiếp xúc thì các anh chị nên soạn bức thư ngắn gọn cám ơn cộng đồng cùng những người đã góp phần vận động cho các anh chị đi tạm dung, và xin được một thời gian tịnh dưỡng. Hãy khéo léo từ chối các lời mời thuyết trình hay phỏng vấn trên truyền thanh truyền hình. Thái độ nhẫn nại của các anh chị là KHOẢNG IM LẶNG CỦA SẤM SÉT, đến khi cất tiếng thì phải nhắm thẳng vào kẻ thù chung của dân tộc.
Chúng tôi cũng xin gởi đến cộng đồng, các hội đoàn và cơ quan truyền thanh truyền hình ở hải ngoại: chúng ta đều chia xẻ lòng trân quý đối với những tù nhân lương tâm, xin đừng để những định kiến, tỵ hiềm, đố kỵ giữa chúng ta trở thành cản lực cho con đường họ đang đi. Đôi khi tâm tình nồng hậu của chúng ta bị kẻ địch khai thác để phá hoại uy tín của những con người đáng kính này.
Xin quý vị trong cộng đồng, các hội đoàn và cơ quan truyền thanh truyền hình dành một quảng thời gian và khoảng cách để những tù nhân lương tâm vừa sang tạm dung có cơ hội phục hồi sức khoẻ nhằm tiếp tục thắp sáng ngọn lửa đấu tranh.
Chúng ta không quên việc hổ trợ các tù nhân chính trị tạm dung tại hải ngoại cũng khó khăn như quá trình vận động và tiếp sức cho họ trong quốc nội.
Kính thư,
- https://vietbao.com/p112a278283/thu-goi-cac-tu-nhan-luong-tam-neu-den-tam-dung-o-nuoc-ngoai