Mark Urban
2017: Bi quan cho phương Tây?
Điều gì chờ đợi thế giới trong năm 2017? Một số sự kiện gần đây cho thấy 2017 có thể sẽ rất khó khăn cho các nước phương Tây.
Có những dấu hiệu rằng ngay cả khả năng của Tây phương đặt ra quy tắc cho trò chơi quốc tế cũng đang bắt đầu tan rã.
- Cáo buộc Nga dùng tin tặc can thiệp bầu cử Mỹ
- Syria và người ủng hộ nước ngoài đè bẹp quân nổi dậy ở đông Aleppo
- Trung Quốc bỏ qua phán quyết của tòa quốc tế trong tranh chấp lãnh thổ với Philippines
- Một số nước như Nga và Nam Phi đã rút khỏi Tòa Hình sự Quốc tế
- Một số thương lượng thương mai quốc tế gặp rủi ro, như TPP sau khi tân tổng thống Mỹ Donald Trump nói Mỹ sẽ rút khỏi TPP
Các sự kiện tại Syria chứng tỏ thất bại của Hội đồng Bảo an LHQ năm thành viên khi họ không thể thỏa thuận cách dừng khủng hoảng. Nhưng nói thật, từ khi LHQ thành lập năm 1945, các tay chơi lớn ít khi nào đoàn kết trong các khủng hoảng quốc tế nghiêm trọng.
Năm 1991, LHQ đồng ý cuộc chiến do Mỹ dẫn dắt chống Saddam Hussein. Đó là ví dụ rất hiếm của Hội đồng Bảo an ủng hộ một cuộc chiến.
Quan niệm của chúng ta về trật tự thế giới "dựa trên sự thống trị của Mỹ, luôn chỉ có thời gian kéo dài hữu hạn", theo lời Giáo sư Patrick Porter của Đại học Exeter. Ông tin rằng "trật tự này đang tan rã, vì sự dịch chuyển sức mạnh kinh tế từ tây sang đông khiến phương Tây khó áp đặt ý chí của mình hơn".
Dĩ nhiên nhiều người sẽ hoan nghênh việc siêu cường Mỹ đi xuống và sự đi lên của thế giới đa phương.
Tại nhiều nước châu Phi, châu Á, còn có cảm giác mạnh lên khi một thế hệ lãnh đạo học ở Tây nay nhường chỗ cho thế hệ mới có lập trường riêng.
Nga và Trung Quốc gần đây đặt câu hỏi về LHQ liên quan các tranh chấp lãnh thổ mà họ quan tâm.
Nếu các quy tắc cũ bị xem là do "thực dân" hay các nước phương Tây hùng mạnh soạn ra và nay bị nhiều nơi xem là lỗi thời, thì ít nhất chúng cũng đại diện cho một hệ thống niềm tin mà nhiều nước chấp nhận trong nhiều thập niên, hay ít ra giả vờ chấp nhận.
Các tư tưởng mới nổi lên, như nhãn hiệu hậu cộng sản/Nho giáo của Trung Quốc, hay bản sắc Chính thống giáo Đông phương của Nga, hay tư tưởng Hồi giáo chi phối chính sách của Ả Rập Saudi hay Iran, có thể hấp dẫn dân tộc họ nhưng khó hấp dẫn người ngoài.
Các nhóm phi quốc gia như Hezbollah, Boko Haram, cũng đang là thách thức.
Giáo sư Porter cũng đề cập đến "sự phân rã từ bên trong". Phương Tây đang bất đồng lớn. Ví dụ, việc ông Donald Trump thắng cử mở ra các lo ngại mới về chiến tranh thương mại.
Có lẽ sẽ có sự nhấn mạnh vào ngoại giao song phương thay vì đa phương. Nó có thể đem lại một cảm giác thế kỷ 19 trong quan hệ quốc tế. Giáo sư Porter nói "chúng ta đang đi về hướng ngoại giao 'bình thường' trong lịch sử, khi chúng ta cạnh tranh và hợp tác đồng thời với các đại cường".
Quan hệ giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Reccep Tayip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin là ví dụ thú vị về quan hệ nhà nước.
Họ nhanh chóng chuyển từ đối đầu và trừng phạt sau khi Thổ bắn rơi một máy bay Nga, sang hợp tác chiến lược tại Syria năm 2016.
Nhưng liệu các nước châu Âu, Mỹ với truyền thống dân chủ cùng các nhóm lợi ích đối nghịch có thể chạy cùng các nước có các lãnh đạo độc đoán?
Nhà cựu ngoại giao hàng đầu của Anh, Simon Fraser, tin rằng "luật pháp, tổ chức, hiệp định, và các quy tắc khác sẽ vẫn quan trọng, nhưng có lẽ sẽ có hình thái mới, tiếp tục thay đổi bên trong cấu trúc lớn".
Những thay đổi cơ cấu của thế giới có vẻ khiến các xã hội phương Tây bị thiệt thòi: họ tôn trọng quy định quốc tế còn Nga và Trung Quốc nói có thể bỏ qua (Crimea và Biển Nam Trung Hoa).
Trong nhiều trường hợp, quân đội các nước từ bỏ việc sử dụng bom chùm hay mìn, là các vũ khí được Syria và Nga dùng trong mấy tháng gần đây.
Phương Tây chỉ có khả năng hạn chế khi muốn đáp trả Nga hay các vụ tấn công mạng.
Ngoài ra lại còn các hạn chế từ trì trệ kinh tế, chủ nghĩa bảo hộ, ngôn từ dân túy.
Ta phải tự hỏi liệu các câu lạc bộ quốc tế trong định nghĩa về "phương Tây - Nato và EU - còn có thể tồn tại như cũ trong năm 2017.
Một loạt các cuộc bầu cử ở Italy, Hà Lan, Pháp và Đức có thể thử thách EU và đồng euro.
Tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói việc Mỹ có bảo vệ thành viên Nato sẽ phụ thuộc liệu đồng minh châu Âu có chịu trả thêm tiền.
Trong giai đoạn biến động này, sẽ có cả cơ hội và nguy hiểm.
Nhưng câu hỏi hiện thời là liệu các nước phương Tây có nắm bắt được cơ hội, làm chủ tình hình, hay sẽ chỉ rơi vào thế thụ động?