Thủ phạm đàn áp nhân quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài

 Trà Mi - VOA

Thủ phạm đàn áp nhân quyền tại Việt Nam có thể bị Mỹ chế tài 

Quốc hội Mỹ ngày 8/12 thông qua một dự luật nhân quyền ‘bước ngoặt’ nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền và những giới chức tham nhũng trên toàn cầu.

Luật Magnitsky quy trách nhiệm nhân quyền toàn cầu do Thượng nghị sĩ John McCain và Ben Cardin giới thiệu tại Thượng viện được thông qua chưa tới một tuần sau khi dự luật tương tự do dân biểu Chris Smith và Jim McGovern ra mắt tại Hạ viện được chuẩn thuận với tỷ lệ áp đảo.

Giới hoạt động nhân quyền xem đây là một thành công lớn, một trợ lực quan trọng cho công cuộc cổ súy dân chủ-nhân quyền tại các nước lâu nay bị chỉ trích vi phạm nhân quyền như Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, một trong những nhà hoạt động trong 6 năm qua đã tích cực vận động cho dự luật này được thông qua Quốc hội Mỹ, chia sẻ với VOA Việt ngữ về nội dung và ảnh hưởng của dự luật trừng trị các cá nhân vi phạm nhân quyền trên thế giới đang chờ được Tổng thống ký ban hành, dự kiến trước cuối năm nay.

Thượng nghị sĩ John McCain.

Thượng nghị sĩ John McCain.

Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn

0:00:00 /0:06:43


Đường dẫn trực tiếp


TS Nguyễn Đình Thắng: Luật này được thông qua ở Hạ lẫn Thượng viện với tỷ số quá bán 2/3, cho nên nếu bị Tổng thống phủ quyết, Quốc hội có thể phủ nhận phủ quyết đó rồi bỏ phiếu lại, cuối cùng cũng phải thông qua. Thứ hai, luật này kèm trong luật chi ngân sách quốc phòng trên 600 tỷ Mỹ. Cho nên, nếu phủ quyết luật này thì các chương trình quốc phòng sẽ bị đình trệ.

VOA: Tầm quan trọng của luật này ra sao?

TS Nguyễn Đình Thắng: Rất quan trọng vì nó hoàn toàn là phương thức mới trong việc chế tài. Trước đây, việc chế tài gắn vào cả quốc gia, nên các nước, kể cả Hoa Kỳ, rất ngần ngại. Chế tài cả quốc gia khó khăn, ảnh hưởng nhiều chính sách khác như hợp tác quốc phòng hay mậu dịch..v..v.v. Ngoài ra, còn có quan ngại rằng chính người dân bị đàn áp ở quốc gia bị chế tài lại chịu ảnh hưởng nhiều hơn trong khi kẻ vi phạm lại phây phây. Bây giờ, luật chế tài này nhắm trực tiếp từng cá nhân các giới chức chính quyền vi phạm nhân quyền trầm trọng.

VOA: Những biện pháp chế tài thấy rõ nhất trong luật này?

TS Nguyễn Đình Thắng: Gồm hai điểm chính. Thứ nhất, cấm nhập cảnh Hoa Kỳ kể cả đi công vụ. Nếu muốn được bãi miễn lệnh cấm này thì Tổng thống phải có sự bãi miễn đặc biệt và phải giải thích với Quốc hội. Thứ hai, chính phủ Mỹ đóng băng tất cả các tài sản của những cá nhân vi phạm nhân quyền, cho dù họ che dấu bằng bất kỳ hình thức nào hay gửi gắm ai đứng tên. Vì sao? Vì trong rất nhiều các nước độc tài, kẻ vi phạm nhân quyền cũng chính là những tay tham nhũng lớn, dấu của cải ở các nước phương Tây. Quan trọng hơn, luật áp dụng với tất cả các loại nhân quyền được quốc tế công nhận. Theo luật này, những người cưỡng đoạt tài sản của nhân dân cũng bị xem là những kẻ vi phạm nhân quyền trầm trọng. Chúng ta biết rằng tình trạng dân oan bị mất đất ở Việt Nam rất phổ biến. Thứ ba, những giới chức tham nhũng mà đi trừng trị những người tố cáo tham nhũng cũng bị xem là vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Quốc hội Mỹ ngày 8/12 thông qua một dự luật nhân quyền ‘bước ngoặt’.

Quốc hội Mỹ ngày 8/12 thông qua một dự luật nhân quyền ‘bước ngoặt’.

VOA: Những kẻ vi phạm đó làm thế nào lọt vào danh sách chế tài?

TS Nguyễn Đình Thắng: Con đường thứ nhất, một số Ủy ban của Hạ và Thượng viện Hoa Kỳ có quyền đề cử danh sách lên Tổng thống. Tổng thống có 120 ngày để ra quyết định chế tài hay không. Nếu Tổng thống từ chối không chế tài thì phải giải thích cho Quốc hội biết lý do. Vai trò của xã hội dân sự trong vấn đề này rất quan trọng vì các tổ chức theo dõi nhân quyền trên thế giới cũng có quyền đóng góp ý kiến cho Quốc hội và cho hành pháp Mỹ. Con đường thứ hai, khâu phụ trách Lao động-Nhân quyền-Dân chủ trong Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có quyền nộp danh sách lên Tòa Bạch Ốc đề nghị chế tài.

VOA: Mối quan hệ Việt-Mỹ lâu nay dựa trên nền tảng nhân quyền làm điều kiện tiên quyết. Luật này ra đời, quan hệ Việt-Mỹ có thể bị tác động thế nào?

TS Nguyễn Đình Thắng: Chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ngay cả khi hành pháp Mỹ muốn che chắn bớt cho chính phủ Việt Nam vì những lợi ích khác ngoài nhân quyền thì cũng sẽ khó hơn. Khi Quốc hội Mỹ có hồ sơ rõ ràng rằng những giới chức này đã vi phạm nhân quyền trầm trọng theo đúng định nghĩa của luật thì rất khó để bên hành pháp có thể lờ đi.

VOA: Liệu luật này sẽ làm mối quan hệ Việt-Mỹ chùn lại hay là chất xúc tác để thăng tiến hơn?

TS Nguyễn Đình Thắng: Trên nguyên tắc, nó không ảnh hưởng mọi vấn đề đối tác về quốc phòng, mậu dịch, viện trợ…v…v..Thế nhưng, khi các giới chức lãnh đạo Việt Nam nằm trong danh sách chế tài này không qua được Mỹ để công vụ thì sẽ là một sự lúng túng ngoại giao. Luật này đang lan ra rất nhiều nước. Cùng ngày Quốc hội Mỹ thông qua, Quốc hội Estonia cũng thông qua và Tổng thống đã ban hành luật. Hiện cũng có đề nghị luật này ở Canada, Anh quốc, và sắp sửa được đưa ra ở Quốc hội Na-uy.

VOA: Với tình hình nhân quyền Việt Nam, luật này đóng vai trò thế nào?

TS Nguyễn Đình Thắng: Sẽ rất quan trọng nếu chúng ta làm đúng việc, đúng cách. Chẳng hạn trong thời gian qua, chúng tôi có cách thức ‘kết nghĩa’. Cứ mỗi cộng đồng trong nước bị đàn áp như Hòa Hảo, Cao Đài, Tin lành, hay Công giáo…v.v.., chúng tôi lại kèm một nhóm ‘kết nghĩa’ để kết nối, cập nhật thông tin với nhau, liên tục theo dõi. Nếu có một dấu hiệu nào bị đàn áp thì họ lập tức thu thập thông tin và chuyển cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ lập báo cáo nộp cho Liên hiệp quốc hay Bộ Ngoại giao Mỹ. Đó là trước đây. Bây giờ, với luật mới, chúng ta có thể dùng những thông tin đó để đề nghị chế tài những giới chức can dự hay chỉ thị đàn áp người dân. Thành ra, đây là biện pháp để bảo vệ trực tiếp cho người dân bằng sự răn đe rằng người vi phạm sẽ bị chế tài.

VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.

 Trà Mi - VOA