Chúng ta đang sống ở thời nào?

Lm Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong

Bài giảng lễ Công lý và Hòa bình tháng 11/2016

Hôm nay, Chúa nhật thứ I Mùa vọng, Giáo Hội bắt đầu năm phụng vụ mới, một hành trình mới của đức tin, một đàng chúng ta tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu Kitô đến với chúng ta, và đàng khác, chúng ta hướng về sự viên mãn chung kết của ngày cánh chung – ngày Chúa đến lại trong vinh quang để phán xét kẻ sống và người chết, như chúng ta vẫn đọc trong kinh Tin Kính.
Đó là hai viễn tượng mà Mùa vọng nhắm tới và hai viễn tượng này đều nhắm tới một thực tại là hướng chúng ta tới sự thống trị của Chúa trên vũ hoàn, trong lòng người để mọi người được cứu độ và giải thoát. Hai viễn tượng ấy, không chỉ hướng người tin chúng ta tới tương lai, nhưng trước tiên, hai viễn tượng ấy đòi chúng ta sống phút giây hiện tại  một cách mạnh mẽ với niềm xác tín rằng chỉ có Chúa mới là Đấng cứu độ và làm cho mạnh sức, chính Ngài sẽ làm cho sự thiện thắng sự ác, công lý thắng bất công, tình yêu xua tan hận thù.
Như vậy, sống Mùa vọng hay sống niềm hy vọng Kitô giáo, không phải là ngồi đó như người ta ngồi chờ sung rụng, hay như cách nói phổ biến có phần hài hước nhưng đầy cay đắng của người Việt thời nay là: “cứ để cho đảng và nhà nước lo”. Trái lại, sống niềm hy vong Kitô giáo trong Mùa vọng là làm một cuộc lên đường, mang các giá trị Tin mừng vào các thực tại của xã hội để thức tỉnh chính mình là lương tâm con người, để hướng mọi người tới một tương lai tốt đẹp nơi công lý ngự trị, nơi hòa bình công lý giao duyên, như chúng ta sẽ hoan hỉ mừng trong ngày lễ Giáng sinh.
Trong ngày chúng ta cầu nguyện cho Công lý và hòa bình hôm nay, chúng ta không thể nói hết về mọi khía cạnh sâu xa của việc người Kitô hữu phải sống thế nào và diễn tả làm sao hành động đức tin của mình để làm cho niềm hy vọng sống động. Trong khung cảnh của ngày lễ hôm nay, với những ý chỉ cầu nguyện cho Giáo hội, cho quyền tự do tôn giáo, nhất là cầu cho các tù nhân lương tâm, chúng tôi mời gọi mọi người cùng suy niệm về một trong những thái độ căn bản nhất mà người Kitô hữu được mời gọi sống trong suốt cuộc đời, cách riêng trong mùa vọng này.
Các bài đọc Lời Chúa ngày hôm nay đều nhắc chúng ta tới một thái độ căn bản của người tín hữu, đó là việc mỗi người công giáo phải tỉnh thức và phải biết thức tỉnh lương tri con người trước những sự giả trá và hướng dẫn đồng đạo trong những sự thật khách quan mà Chúa đã an bài thiết lập.
Trong bài đọc thứ 2 mà chúng ta vừa nghe công bố, thánh Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma đã viết: “Thưa anh em, anh em biết chúng ta đang sống trong thời nào. Đã tới lúc chúng ta phải thức dậy, vì hiện nay, ngày Thiên Chúa cứu độ chúng ta đã gần hơn trước kia, khi chúng ta mới tin đạo. Đêm sắp tàn, ngày gần tới. Vậy, chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như những người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng, anh em hãy bắt chước Chúa Giê-su Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dụng vọng”.
Theo thánh Phaolô muốn thức tỉnh và tỉnh thức, chúng ta cần biết chúng ta là ai? Chúng ta đang sống trong thời nào? Và điều quan trọng là “cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” chống lại những tư tưởng, những luận điệu xuyên tạc, những tuyên truyền lừa dối, những lối sống điên rồ, nhất là những thứ ý thức hệ sai lầm.
Vậy, chúng ta đang sống trong thời nào?

Sáng ngày 13/11 vừa qua, tham dự ngày hội đại đoàn kết dân tộc, tại thôn Phật tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, ông Nguyễn Phú Trọng đã mạnh mẽ khẳng định: “Tệ nạn tham nhũng, cán bộ hư hỏng đều có cả, nhưng nhìn tổng quan lại đất nước ta bao giờ được thế này không?”. Trước đó, ngày 17/10, tại cuộc tiếp xúc cử tri Hà nội, ông nói: “Chống tham nhũng khó lắm vì là ta tự đánh ta”.
Chúng ta đang sống ở thời nào? Có người cho rằng chúng ta đang ở vào thời “đồ đểu lên ngôi”. Thời của những cán bộ sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về. Thời của một thế hệ người dân cúi đầu trước oan khiên, bất công; thời của những nhà lãnh đạo chỉ lo cho lợi ích của phe nhóm, đảng phái, mặc cho đất nước bị xâm lấn từng ngày; thời của những người như Trịnh Xuân Thanh, ôm tiền tham nhũng của dân bỏ chạy trong cuộc chiến phe nhóm lợi ích, nhưng lại được người dân ủng hộ, khuyến khích để những thành phần khác cũng ôm tiền của người dân bỏ nước ra đi. Đó là thời của những người dân lương thiện, vì dân vì nước, thì lại bị nhà nước tìm cách ngăn chặn, bắt bớ cách hợp pháp bằng những khoản luật vi hiến do quốc hội thông qua…
Đức Nguyên Giáo hoàng Bê-nê-đích 16, trong Thông điệp Spe Salvi, về “Niềm Hy vọng Kitô giáo”, khi nói về sự chuyển đổi của niềm tin hy vọng Kitô giáo trong thời đại mới, có nhắc tới Chủ nghĩa Cộng sản, thứ chủ nghiã với những hứa hẹn về một thế giới đại đồng, không còn người bóc lột người, đã một thời làm say mê lòng người. Tuy nhiên, dần dà với thời gian, thay vì chứng kiến sự phát triển vượt bậc như đã hứa hẹn, người ta chỉ còn thấy sự tàn phá khủng khiếp của chủ nghĩa cộng sản, trên mọi bình diện của cuộc sống.
Theo Đức nguyên Giáo hoàng, sai lầm lớn nhất của Mark, ông tổ của cộng sản chính là đã cổ võ cho chủ thuyết duy vật, coi kinh tế là cứu cánh của con người và con người là sản phẩm của kinh tế, khiến người ta đối xử với nhau không có tình người. Theo Đức Giáo hoàng, trong bối cảnh xã hội toàn cầu ngày nay, khi mà chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hưởng thụ ngày càng thống trị, người công giáo chúng ta phải nhận ra sứ mạng vĩ đại của một người đang sống niềm hy vọng, đó là sứ mạng đào tạo con người, chăm sóc người yếu đuối và kẻ khổ đau. Muốn được như vậy, họ phải tỉnh thức trước cạm bẫy và thức tỉnh anh chị em mình trước những khuynh hướng, những học thuyết xa lạ nhằm mê hoặc con người, nhất là họ phải trở về với niềm tin đích thực, tin rằng chỉ có Chúa là đấng cứu độ và giải thoát. Mọi hứa hẹn giải thoát kiểu trần thế chỉ là những lời hứa hão huyền. Mọi khẩu hiệu với những cái đuôi “hoành tráng”, như “đời đời, vĩ đại, quang vinh, sống mãi trong sự nghiệp, muôn năm” chỉ là những khẩu hiệu mị dân, tạo ra những thứ thần linh giả tạo đi ngược lại với các chân lý khách quan, với niềm tin đích thực của các tôn giáo, và nếu các khẩu hiệu ấy cứ tiếp tục được nhồi nhét, tuyên truyền sẽ chỉ làm cho xã hội ngày càng băng hoại hơn mà thôi.
Người Công giáo Việt Nam, sống Mùa vọng trong khung cảnh Việt Nam hôm nay, thiết nghĩ, trước hết phải nhìn ra được sự thật đó: sự thật về một đất nước đã bị chủ nghĩa cộng sản tàn phá suốt hơn 70 năm qua, gây nên tình trạng băng hoại đạo đức xã hội, phàm tục hóa tôn giáo, biến tôn giáo chỉ còn là một phương tiện đáp ứng các nhu cầu vật chất; sự thật về một đất nước, dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng cộng sản đã biến một dân tộc anh hùng, thành một dân tộc nhu nhược trước ngoại xâm, đã tạo nên một thế hệ con người cúi đầu trước những điều sai quấy.
Thời đại rực rỡ, thời đại mà “không có thời nào như thời này” theo cách nhìn của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hay thời của những sự giả trá, đớn hèn, đến độ, điều các “giáo viên đi tiếp khách” cũng được gọi bằng một cụm từ có vẻ thiêng liêng là “làm nhiệm vụ chính trị”… đang là thời đại của chúng ta. Chúng ta được mời gọi diễn tả niềm hy vọng trong khung cảnh đó, bằng cách “cầm lấy vũ khí của sự sáng” là đức tin, đức cậy, đức mến, và mang lấy các giá trị “sự thật, công lý, tự do và tình yêu” vào các thực tại của đời sống xã hội, để biến đổi xã hội mỗi ngày một thiện hảo hơn.
Hôm nay, Chúa nhật I Mùa vọng. Vậy là chúng ta lại đã bắt đầu một năm phụng vụ mới. Mùa vọng là Mùa chờ mong Chúa đến canh tân đời sống con người, là mùa hy vọng vào những điều tốt đẹp vẫn con đó. Mỗi mùa vọng về, ngoài sự chờ mong cho một tương lai tươi sáng đến trên cuộc sống cá nhân và gia đình, chúng ta cũng được mời gọi chờ mong một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc, cho đất nước.
Mỗi Mùa vọng về, ta lại được mời gọi “tỉnh thức và sẵn sàng”. Ngạn ngữ Pháp có câu: “Hãy tự giúp mình, rồi trời sẽ giúp”. Chúng ta không thể ngồi nhìn đất nước ngày càng đi vào chỗ diệt vong mà không lên tiếng. Chúng ta không thể chỉ sống tinh thần cá nhân chủ nghĩa hay phó mặc cho người khác kiểu “để người khác lo”, trái lại, đất nước này là của tất cả chúng ta, không phân biệt chính tà, miền Nam hay miền Bắc, đảng phái, chính trị hay tôn giáo. Tất cả chúng ta đều chịu trách nhiệm về sự tồn vong của dân tộc này.
Xin Chúa chúc lành cho chúng ta. Amen.





 Kính chuyển tường và xin phổ bo
Bài giảng lễ Công lý và Hòa bình tháng 11/2016