Aleppo và cuộc đấu trí giữa Nga và Mỹ

Lữ Giang

Aleppo và cuộc đấu trí giữa Nga và Mỹ

Lợi dụng tình trạng tranh tối tranh sáng trong giai đoạn chuyển tiếp giữa chính quyền cũ và chính quyền mới ở Mỹ, Nga và chính quyền Assad của Syria đã quyết định thanh toàn Aleppo một cách nhanh chóng. Tối 22.12.2016, quân của chính quyền Assad đã chiếm lại hoàn toàn Aleppo, thành phố lớn thứ 2 của Syria. Đây là chiến thắng lớn và có ý nghĩa quan trọng nhất của chế độ kể từ khi Mỹ phát động cuộc nổi dậy chống chính quyền Assad từ năm 2011.
Trang infopolk.ru của Nga ngày 18.12.2016 đăng bài “Quân đội Syria đã bắt giữ hơn 130 sĩ quan của Liên minh quốc tế chống IS” bao gồm những người có quốc tịch Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Đức, Israel, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia..., trong đó có 22 sĩ quan Mỹ, 16 sĩ quan Anh, 21 sĩ quan Pháp, 7 sĩ quan Israel và 62 sĩ quan Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là lý do giải thích tại sao đến nay Aleppo mới bị thất thủ.


Các bài phân tích của các chuyên gia đã giúp chúng ta hiểu rõ hơn cuộc tranh giành quyền lực giữa Mỹ và Nga ở Trung Đông, chiến lược và chiến thuật của mỗi bên, và rồi Trung Đông sẽ đi về đâu. Nghiên cứu cuộc chiến này rất thú vị, nó cũng gióng như chuyện Mùa Hè Đỏ Lửa và cổ thành Quảng Trị 1972. Để thấy rõ tấm quan trọng của trận đánh Aleppo, trước hết chúng tôi xin tóm lược lại diễn biến kế hoạch đánh chiếm Syria của Mỹ, sau đó sẽ nói về tầm quan trọng của Aleppo và cuộc đấu trí gay cấn giữa Mỹ và Nga.

DIỄN BIẾN KẾ HOẠCH CHIA CẮT SYRIA
Chúng tôi đã nhắc lại nhiều lần, ngày 17.8.2006, Tổng Thống Bush tuyên bố rằng một Trung Đông Mới (New Middle East) sẽ xuất hiện trong đó nền dân chủ sẽ chứng tỏ là một sức mạnh không thể kháng cự lại, sẽ lan rộng và diệt trừ khủng bố và chế độ chuyên chế” (would spread and eradicate terrorism and despotism). Kế hoạch này gồm 3 điểm chính sau đây:
(1) Thanh toán các lãnh tụ Hồi Giáo có chủ trương hình thành một chính quyền mạnh có thể lãnh đạo khối Hồi Giáo gióng như đế chế Ottoman ngày xưa.
(2) Chia 5 nước trung tâm ở Trung Đông ra thành 14 nước để không còn sức mạnh, và
(3) Áp dụng chiến lược chiến tranh ủy nhiệm (proxy war) để làm cho hai khối Hồi Giáo Sunni và Shia vốn có mối thù truyền kiếp, thường xuyên đối đầu nhau làm cho khối Hồi Giáo Trung Đông bể ra từng mãnh, còn Mỹ bán vũ khí.
Với mục tiêu thứ nhất, Hoa Kỳ chỉ mới thanh toán được Saddam Hussein, Mubarak và Gaddafi, nhưng chưa thanh toán được Assad. Nếu không thanh toán được Assad, không thể chia cắt Syria thành ba vùng tự trị được. Vì thế, Hoa Kỳ đã cho thành lập các kế hoạch lật đổ Assad.
[“Syria’s war splits nation into 3 distinct regions” by Keina Karam, Times of Israel's Daily Edition].
1.- Thành lập lực lượng nổi dậy
Tại Syria, hiện nay phái Sunni chiếm đến 74%, nhưng phái Shia đã nắm quyền từ 1963 đến nay. Do đó, bắt đầu từ năm 2011, Hoa Kỳ kêu gọi những quân nhân Sunni trong quân đội Syria tách ra khỏi quân đội này và hình thành một lực lượng nổi dậy lấy tên là “Quân đội Syria Tự do” (Free Syrian Army) để lật đổ Bashar al-Assad. Lúc đầu toán quân đào ngũ quy tụ được khoảng 15.000 quân do Đại tá Riad Assad, một sĩ quan của chế độ Assad bỏ ngũ, làm Tư lệnh. Lực lượng này được Liên đoàn A-rập bảo trợ, còn Hoa Kỳ đã giúp huấn luyện và trang bị ở Jordan. Khi Đại tá Riad Assad bị thương, Tướng đào ngũ Salim Idriss lên thay. Tháng 7 năm 2012, quân đội này đã tấn công vào Aleppo, chiếm một phần của thành phố và biến nơi này thành căn cứ địa của họ. Nhưng sau đó lực lượng này đã bể thành nhiều mãnh vì tranh giành quyền lực.
2.- Mỹ muốn tấn công Syria nhưng không làm được
Ngày 21.8.2013, Tổng Thống Obama tuyên bố sẽ tấn công Syria vì “xử dụng võ khí hóa học”. Trong cuộc họp báo hôm 31.8.2013 tại Vladivostok, Tổng Thống Putin kêu gọi «những người bạn Mỹ» nếu thật sự có chứng cớ Damas dùng vũ khí hóa học thì hãy «cung cấp cho Liên Hiệp Quốc». Nếu «không đưa tức là không có». Đức, Anh và Ba Lan tuyên bố không tham gia tấn công nếu không có sự chấp thuận của Hội Đồng Bảo An LHQ. Nga và Trung Quốc tuyên bố sẽ phủ quyết nếu vụ này được đưa ra  trước Hội Đồng Bảo An LHQ. Hoa Kỳ lâm vào thế kẹt.
Hôm 9.9.2013 tại Moscow, Ngoại Trưởng Nga đề nghị Syria chấp nhận (1) đặt kho vũ khí hóa học của Syria dưới sự kiểm soát quốc tế, (2) phá hủy kho vũ khí này và (3) Syria tham gia công ước cấm vũ khí hóa học. Tối 10.9.2013, Tổng Thống Obama đành tuyên bố: “Tôi đồng ý, và tôi luôn ưu tiên giải pháp hòa bình...” Nhiều người không nắm vững tình hình đã hỏi tại sao Obama không diệt Assad!
3.- Lập vùng Nhà Nước Hồi Giáo Iraq – Syria
Theo Washington Post, Abu Bakr al-Baghdadi sinh năm 1971 tại Samarra, Iraq, từng bị Mỹ giam giữ tại trại tù Bucca, một nhà tù gần Umm Qasr, Iraq, trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 12/2004, được Hội đồng liên quân và Ban đặc xá đề nghị thả vô điều kiện. Sau khi ra tù, lúc đầu al-Baghdadi tham gia nhóm al-Qaeda ở Iraq. Tài liệu nói rằng Abu Bakr al-Baghdadi đã được cơ quan tình báo Mossad của Israel huấn luyện quân sự trong suốt một năm, bên cạnh các khóa học về thần học và nghệ thuật phát biểu.

Ngày 20.9.2014, tờ New York Times dẫn lời ông Bahaa al-Araji, Phó Thủ Tướng Iraq, cho biết: "Chúng tôi biết ai đã tạo ra Daesh (tức IS)". Ông Ayatollah Ali Khamenei, lãnh tụ tối cao của Iran, nói thẳng rằng Mỹ, Israel và Anh đứng đàng sau tổ chức IS.
Năm 2010, Abu Bakr al-Baghdadi thành lập Nhà Nước Hồi Giáo (IS). Vào tháng 4/2013, al-Baghdadi qua Syria lập căn cứ địa tại Ar-Raqqah (thường gọi là Raqqa), một thành phố ở phía bắc Syria, và tuyên bố thành lập Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria (ISIS). Khoảng giữa năm 2013, nhóm ISIS và al-Qaeda đã có những tranh chấp. Sau 8 tháng tranh giành quyền lực, vào tháng 2/2014 al-Qaeda cắt đứt mọi liên hệ với nhóm này.
Ngày 29.6.2014, một tuyên bố của nhóm ISIS phổ biến trên internet, cho biết lãnh tụ của họ là Abu Bakr al-Baghdadi sẽ trở thành “Vua Hồi giáo” và kêu gọi các tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới hãy thuần phục ông ta. Một điều mà al-Qaida không ngờ là khi tách ISIS tách ra khỏi tổ chức, có đến 65% chiến binh của của al-Qaida đã bỏ đi theo ISIS. Trong chớp mắt ISIS trở thành lực lượng tiên phong trong cuộc chiến chống Hồi Giáo Shia.
Hôm 11.6.2014 ISIS đã mở cuộc hành quân thần tốc, vượt qua biên giới Iraq, đánh chiếm thành phố Mosul của Iraq, thủ phủ tỉnh Nineveh, cách thủ đô Baghdad khoảng 400 km về phía tây bắc. Đây là thành phố lớn thứ hai của Iraq, có khoảng 1.800.000 dân và 30.000 quân Iraq đang trấn giữ. Hãng thông tấn AFP cho biết: "Quân chính phủ đã vứt bỏ vũ khí, thay quần áo, bỏ lại xe và rời bỏ thành phố." Có khoảng 8.000 xe tăng đã bị bỏ lại với nhiều đại pháo. Quân Iraq cho biết họ đã thiêu hủy các kho đạn.
Sau đó ISIS đã tràn qua một vùng lãnh thổ rộng lớn ở phía bắc và phía tây Iraq, bao gồm luôn phía đông Syria. Họ khai thác dầu lửa và chở qua Thổ Nhĩ Kỳ bán, nhưng Mỹ để yên. Như vậy ISIS đã hình thành một vùng tự trị xuyên quốc gia, làm cho cả Iraq và Syria đều bể thành 3 như kế hoạch của Mỹ.
3.- Kế hoạch chiếm Aleppo của Mỹ bị bại lộ
Syria có 14 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh phía bắc nằm sát với biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, từ Tây qua Đông là:  Latakia, Idlib, Aleppo, Raqqah và Hassakah. Latakia nằm sát Địa Trung Hải do quân chính phủ trấn giữ, Idlib do al-Nusra (al-Qaeda) chiếm. Tại Aleppo, quân chính phủ chiếm một phần, lực lượng Syria Tự Do của Mỹ chiếm một phần. Raqqah là hậu cứ của ISIS, còn Hassakah do người Kurd giữ. Trong 5 tỉnh này Aleppo quan trọng nhất, ở đó có thành phố lớn thứ hai của Syria và có đường cao tốc Reyhanli – Aleppo nối Syria với Thổ Nhĩ Kỳ. Mất con đường này, loạn quân sẽ bị cô lập nên Mỹ phải cho đánh chiếm toàn bộ Aleppo bằng mọi giá.
Vì loạn quân Syria Tự Do của Mỹ quá yếu, theo yêu cầu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và Qatar đã phối hợp tuyển mộ, huấn luyện và trang bị cho một tố chức mới được đặt tên Lữ đoàn Ahrar al-Sham gồm tứ 10 đến 15 ngàn quân. Nhóm này và nhóm Jaish al-Fatah đang chiếm giữ thành phố Ariha ở Idlib có thể đánh chiếm Aleppo nếu có không lực yểm trợ. Muốn vậy, phải lùa dân ra khỏi các tỉnh liên hệ.
Bắt đầu từ ngày 7.9.2015, các nhóm buôn người được huy động đến phía bắc Syria, lùa khoảng 3 triệu người Syria vượt biên giới Thổ Nhĩ Kỳ chạy qua Châu Âu. Sau đó dùng không quân yểm trợ cho hai lực lượng Jaish al-Fatah và Ahrar al-Sham chiếm các tỉnh phía Tây biên giới, còn sắc tộc người Turk (Turkmen) tràn qua phía Đông biên giới, biến vùng Bắc Syria thành vùng tự trị. Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ tích cực cho kế hoạch nầy, còn Châu Âu lãnh họa!
NGA QUYẾT ĐỊNH CAN THIỆP
Quan sát những gì Mỹ đang làm ở Bắc Syria, Nga chuẩn bị ra tay để bảo vệ chỗ đứng của Nga ở Syria. Ngày 10.9.2016 Nga cho xe tăng đổ bộ vào tỉnh Latakia, đồng thời cho các chiến đấu cơ ném bom các nơi tập trung của các lực lượng nổi dậy, nhất là tuyến đường cao tốc Reyhanli - Aleppo, con đường tiếp vận chính giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ngăn chận kế hoạch đánh chiếm các mục tiêu của Mỹ. Chỉ trong một tháng, không quân Nga đã thực hiện gần 1.400 phi vụ, phá huỷ hơn 1.600 mục tiêu. Với sự yểm trợ của không quân Nga, Quân đội của Assad cũng đã giải tỏa được hầu hết các vùng bị bao vây. 
Tuy nhiên, Nga nhận thấy rằng nếu không chiếm toàn bộ tỉnh Aleppo và cắt đứt con đường tiếp tế của Mỹ và LHQ dưới danh nghĩa “cứu trợ”, cuộc chiến sẽ kéo dài. Nhưng tại đông Aleppo, loạn quân đóng lẫn lộn với dân chúng trong thành phố và biến dân trở thành bia đỡ đạn, do đó nếu muốn đánh chiếm chỉ còn một cách là phải không cần biết dưới đất có gì khi thả bom xuống, giống khi Mỹ ném bom xuống các tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An trong chiến tranh Việt Nam. Mỗi khi thấy tình trạng của những “đứa con” bị lâm nguy, Mỹ thường kêu gọi ngưng chiến để tìm một giải pháp hòa bình, cho LHQ đưa đồ tiếp tế đến cho dân chúng…, hay tố cáo Nga đang phạm tội ác chống nhân loại. Nhưng Nga tuyên bố rút khỏi Tòa Án Hình Sự Quốc Tế và tiếp tục hành động.
Ngày 28.11.2016, với hỏa lực áp đảo của pháo binh và không quân, lực lượng của chính phủ Syria đã chiếm được khu phố đông bắc Aleppo, cắt vùng kiểm soát của loạn quân ra làm đôi.
CUỘC ĐẤU TRÍ GIỮA MỸ VÀ NGA
Thấy con đường tiếp tế huyết mạch Reyhanli – Aleppo sắp bị cắt, ngày 19.12.2016, Mỹ đã yển trợ chính quyền Iraq mở cuộc tấn công đểchiếm lại thành phố Mosul đang trong tay của ISIS để khai thông một thông lộ khác từ Iraq qua Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là thành phố lớn thứ 2 của Iraq nằm gần sát biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, song song với Aleppo của Syria. Thành phố này có 3.000 năm tuổi và được coi là một trong những biểu tượng của đất nước này.
Khi cuộc giao tranh bắt đầu, hãng thông tấn RIA-Novosti của Nga loan tin cơ quan tình báo Nga đã phát hiện Mỹ và Saudi Arabia đã có một thoả thuận bí mật để cho nhiều toán chiến binh ISIS rút ra khỏi thành phố Mosul theo một lộ trình an toàn trước khi cuộc tấn công truy quét bắt đầu. Khoảng 9.000 tay súng khủng bố ISIS đã rút khỏi Mosul theo hướng tây và tiến về tỉnh Deir-Ez-Zor ở phía đông của Syria sát với biên giới Iraq. Trước đây, trực thăng của Mỹ đã từng yểm trợ đoàn xe của ISIS rút quân từ Raqqah về Deir-Ez-Zor lập căn cứ mới vì Raqqah không còn an toàn.
Nga tin rằng Washington chỉ vờ đánh Mosul, còn thực tế là thả cho ISIS từ Iraq sang Syria để tấn công tỉnh ở Deiz ez Zor và thành phố cổ Palmyra ở tỉnh Homs thuộc miền trung của Syria, buộc Nga phải rút quân về bảo vệ Palmyra, vì Palmyra chỉ cách thủ đô Damacus khoảng 215km.
Sự tiên đoán này hoàn toàn đúng. Ngày11.12.2016 tổ chức ISIS tuyên bố chiếm được thành phố cổ Palmyra từ tay quân chính phủ Syria vì nơi đây chỉ có khoảng 1.000 địa phương quân trấn giữ. Tuy biết trước ISIS sẽ đánh Palmyra, nhưng Nga tạm bỏ qua Palmary, quyết tâm thanh toán Aleppo, vì khi cắt được con đường huyết mạch Reyhanli – Aleppo, quân ISIS sẽ bị cô lập, không còn tiếp tế, chỉ một thời gian sau sẽ tan rã. Nay chiếm được Aleppo rồi, quân Assad và Nga đang phản công chiếm lại Palmary.
SỐ PHẬN TÀN QUÂN SYRIA TỰ DO
Khi chiếm Aleppo, Nga không tiêu diệt tàn quân Syria Tự Do của Mỹ mà lại cho đám tàn quân này cùng gia đình di tản đến một nơi khác. Lúc đầu, tàn quân định đem theo cả võ khí, kể cả xe tăng và đại bác, nhưng đã bị chận lại. Theo kế hoạch, các dân thường và những người bị thương sẽ được di tản trước, sau đó phe nổi dậy sẽ rút khỏi Aleppo thông qua cửa ngõ ngoại ô Ramouseh, từ đó tiến về tỉnh Idlib. Tỉnh Idlib là tỉnh nhỏ nằm ở hướng tây, giữa Latakia và Aleppo đang bị quân al-Nusra của al-Qaeda chiếm đóng. Có khoảng 5.000 tàn quân và 4.000 thường dân được di chuyển đến Idilb.

Sở dĩ Nga không tiêu diệt tàn quân Syria Tự Do của Mỹ vì ba lý do chính: Lý do thớ nhất là không muốn biến Aleppo thành một thành phố đổ nát khi tiếp thu. Lý do thứ hai là tàn Quân Syria Tự Do và đám al-Nusra của al-Qaeda chẳng có hòa thuận với nhau, nên cho chúng qua đó để gây thêm chia rẽ. Lý do thứ ba, tỉnh Idlib tuy có biên giới sát Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng núi non hiểm trở, khó qua được. Đợi khi Idlib cạn tiếp tế sẽ san bằng dễ dàng.
CUỘC CHIẾN CHƯA CÓ GIẢI PHÁP
Chiến thuật tới của Nga là bao vây ISIS tai hai tỉnh Deir-Ez-Zor và Homs ở miền Trung Syria và bao vây al-Nusra và tàn quân của Syria ở Iblib, đợi cho hao mòn dần rồi tiêu diệt. Mỹ tạm thời phải bỏ Syria và mấy thằng con ở đó. Obama cũng không cho chiếm Mosul vì nơi đây có quá nhiều lâu đài và đường hầm chằng chịt, phải “dội bom lầm” mới thanh toán được. Vả lại, Mỹ cũng muốn tiếp tục duy trì ISIS để lực lượng này chia cắt Iraq và Syria như kế hoạch “Một Trung Đông Mới” đã ấn định.
Ông Donald Trump tuyên bố sẽ đem quân tiêu diệt ISIS với mục tiêu giúp công ty Exxon Mobil quay trở lại khai thác dầu mỏ ở Iraq, nhưng chuyện không dễ vì sự “nhạy mồm” của Donald Trump đã để lộ các tính toán hết rồi. Đây là vấn đề chúng tôi sẽ bàn trong bài nói về cuộc chiến giữa tài phiệt dầu mỏ và tài phiệt võ khí Mỹ trong chế độ Donald Trump.
Ngày 29.12.2016
Lữ Giang