Tại sao doanh nghiệp nước ngoài ồ ạt rút vốn khỏi Việt Nam?
Ô nhiễm và suy
thoái môi trường ở Việt Nam
là hai vấn đề được nhiều doanh nghiệp nước ngoài nêu lên tại một Diễn Đàn Doanh
Nghiệp gần đây. Họ cảnh báo hai vấn đề này sẽ tác động trực tiếp đến đầu tư
nước ngoài vào Việt Nam.
Tiến sỹ kinh tế Lê
Đăng Doanh khẳng định với VOA-Việt Ngữ rằng đang có 1 xu thế các doanh nghiệp
nước ngoài rút lui khỏi thị trường tài chính Việt Nam:
"Theo đánh
giá của một số chuyên gia thì 1 số quỹ đầu tư nước ngoài đã bán tháo khoảng 400
triệu đô la cổ phiếu của họ ở thị trường chứng khoán của Việt Nam. Nhìn chung
việc rút vốn của các nhà đầu tư nước ngoài là một điểm đáng chú ý."
Theo tiến sỹ Doanh
thì có 1 số nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Một trong các nguyên nhân là do
Mỹ rút ra khỏi TPP và kỳ vọng của các nhà đầu tư sẽ không được thực hiện. Ngoài
ra chuyên gia kinh tế này cho rằng tình hình nợ công và tài chính của Việt Nam đang làm
giới đầu tư lo lắng.
Tại Diễn Đàn Doanh
Nghiệp Việt Nam tổ chức hôm 5/12 tại Hà Nội, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp
nước ngoài đều nhắc đến vấn đề ô nhiễm đáng báo động ở Việt Nam, và cho đó là
lý do họ xét tới để quyết định liệu có tiếp tục kinh doanh đầu tư tại Việt Nam
hay không. Ông Dominic Scriven, chủ tịch điều hành của Dragon Capital Group và
là trưởng Nhóm Thị Trường Vốn, cho biết các lý do đưa đến quyết định rút ra
khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam của nhà đầu tư lớn nhất của tập
đoàn Dragon. Ông nói:
"Sự cố lớn
tại miền Trung năm nay, những vấn đề liên quan đến sông Mekong, hạn hán, lũ
lụt, biến đổi khí hậu, chưa kể những ảnh hưởng không tốt đối với uy tín quốc
gia từ vai trò của Việt Nam trong việc buôn bán động vật hoang dã đều là những
vấn đề mà thế giới đang chứng kiến. Rất tiếc phải thông báo rằng tuần vừa rồi
nhà đầu tư lớn nhất của công ty Dragon chúng tôi đã loan báo quyết định rút ra
khỏi thị trường Việt Nam
vì lý do thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ
môi trường."
Ngoài thảm họa cá
chết dọc theo bờ biển các tỉnh miền Trung sau đó được xác định là do nguồn xả
thải chất nhiễm độc của nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh gây ra, các hệ thống sông hồ
ở những thành phố lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng chứng kiến cảnh
cá chết hàng loạt. Ngoài ô nhiễm nguồn nước, tình trạng ô nhiễm không khí ở
Việt Nam
cũng đã lên đến mức báo động. Theo đánh giá của một tổ chức nghiên cứu môi
trường Thụy Điển, Việt Nam
nằm trong số 10 nước có không khí ô nhiễm nghiêm trọng nhất thế giới. Đây đang
là mối lo đối với những người nước ngoài muốn đến sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Ông
Kenneth Atkinson, chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam, nói tại
diễn đàn doanh nghiệp trên VTV1:
"Mức độ ô
nhiễm đang tăng cao một cách rõ rệt và ở mức báo động. Điều này sẽ có tác động
tới những người muốn chuyển gia đình tới sinh sống ở Việt Nam, từ đó ảnh
hưởng tiêu cực tới vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Chúng tôi cho rằng nguyên
nhân chính của vấn đề này nằm ở sự yếu kém trong quản lý và thực thi luật pháp,
nhất là ở các khu công nghiệp."
Bà Virginia Foote,
chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam
cũng nêu lên những quan tâm về vấn đề ô nhiễm môi trường tại Việt Nam. Bà nói
“càng ngày càng thấy áp lực giữa phát triển kinh tế và môi trường” ở Việt Nam.
Tiến sỹ Đinh Đức
Trường, phó trưởng khoa Môi Trường và Đô Thị của trường Đại học Kinh Tế Quốc
Dân ở Hà Nội khẳng định có sự đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường ở
Việt Nam. Một nghiên cứu gần đây của tiến sỹ Trường cho thấy các doanh nghiệp
với vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đóng vai trò lớn trong việc gây ra ô
nhiễm môi trường ở Việt Nam.
Ông nói:
"Đầu tư trực
tiếp nước ngoài vẫn là một cái cực, một cái trụ cột để tăng trưởng kinh tế và ở
một góc độ nào đấy thì vẫn còn có một sự đánh đổi nhất định giữa kinh tế và bảo
vệ môi trường ở Việt Nam.
Có lẽ khi chúng ta phát triển tốt hơn thì có lẽ là cái nhìn nhận sẽ tốt
hơn."
Tiến sỹ Trường ước
lượng thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra tương đương với 5% GDP của Việt Nam hằng năm và cảnh báo Việt Nam sẽ qua mặt
Trung Quốc về mức độ ô nhiễm nếu không có biện pháp đúng đắn để giải quyết tình
trạng này. Tuy nhiên, cũng theo tiến sĩ Trường, Việt Nam có thể kiểm soát mức độ ô nhiễm
bằng cách cải thiện hệ thống thể chế luật pháp và sự tham gia của người dân.
Đường dẫn trực tiếp
VOA