Tương lai nào cho môi trường Việt Nam?

Tương lai nào cho môi trường Việt Nam? 

Năm 2016 đã chứng kiến một loạt cuộc khủng hoảng môi trường ở Việt Nam mà tiêu biểu nhất là vụ cá chết hàng loạt trên các vùng biển miền Trung. Tình trạng này đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về mức độ ô nhiễm cao đến mức báo động ở Việt Nam. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phải cảnh báo rằng môi trường Việt Nam “đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa.” Nhưng liệu vấn nạn này sẽ được giải quyết như thế nào khi lợi ích kinh tế được đặt trên vấn đề bảo vệ môi trường?
Luật môi trường của Việt Nam ra đời cách đây hơn 1 thập kỷ và theo đánh giá của 1 chuyên gia về môi trường, bộ luật này được chỉnh sửa và qua 2 lần cải tiến đã làm cho hệ thống pháp luật của Việt Nam về môi trường trở nên “khá đầy đủ về mặt quy định và chi tiết.” Nhưng tại sao tình trạng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam lại vẫn xảy ra và những vụ việc nghiêm trọng nhất lại xảy ra trong những năm gần đây? Giáo sư của khoa Môi Trường và Đô Thị của trường đại học Kinh Tế Quốc Dân Đinh Đức Trường giải thích về điều này với VOA Việt Ngữ: "Cái khó của Việt Nam lại nằm trong quá trình giám sát thực thi và quá trình xử lý vi phạm tức là bao gồm việc giám sát người ta có thực thi đúng hay không và cái thứ 2 là khi phát hiện ra rồi thì cái cơ chế và chế tài sử phạt sẽ như thế nào thì hiện nay ở Việt Nam, tôi nghĩ, là vẫn chưa hoàn thiện, đặc biệt là việc giám sát."
Và theo nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, luật của Việt Nam được ban hành rất nhiều trong những năm gần đây nhưng việc thực thi luật thì lại không có hiệu quả. "Việt Nam đã có gấp 5 lần luật so với cách đây 20 năm. Quá nhiều luật và bây giờ thực sự một thủ tướng hay một chủ tịch nước hay là những bộ trưởng, họ không thể nhớ nổi là luật như thế nào. Trong bối cảnh có tới hơn phân nửa số văn bản văn phạm pháp quy từ chính phủ truyền xuống là các địa phương không thi hành. Và hơn 1 nửa số văn bản từ cấp ủy ban nhân dân tỉnh thành truyền xuống các quận huyện cũng không được thi hành."
Đó là nguyên nhân, theo nhà báo Dũng, vì sao luật môi trường được đưa ra mà vẫn “đều đều xảy ra các vụ Vedan, Sonadezi và gần đây nhất là Formosa.”
Thiên đường cho ô nhiễm
Trong 3 năm từ 2008-2011 Sonadezi Long Thành đã xả chất thải chưa qua xử lý vào hệ thống sông ngòi Đồng Nai gây thiệt hại cho người dân địa phương. Trước đó, vào năm 2009, nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan Vietnam của Đài Loan cũng đã gây ra ô nhiễm nguồn nước khi xả chất thải độc chưa qua xử lý ra sông Thị Vải chảy qua thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu và Đồng Nai. Vụ ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung do một công ty khác của Đài Loan, Formosa, gây ra trong năm nay được coi là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng môi trường ở Việt Nam. Theo sau đó là những vụ cá chết hàng loạt trên các sông hồ ở những thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh. Trong năm qua, tình trạng ô nhiễm không khí nhất là ở Hà Nội cũng đã lên đến mức báo động. Ô nhiễm không khí ở Việt Nam, theo nhiều khảo sát quốc tế gồm cả Mỹ và Thụy Điển, luôn đứng ở trong nhóm tồi tệ nhất thế giới.
Ô nhiễm môi trường hàng năm ở Việt Nam đang gây ra thiệt hại tương đương với 5% GDP theo đánh giá của Ngân Hàng Thế Giới. Tuy nhiên, theo cảnh báo của tiến sỹ Đinh Đức Trường, nếu ô nhiễm môi trường theo đà tăng tiến như hiện nay mà không có biện pháp hữu hiệu nào được thực hiện thì Việt Nam có thể sẽ vượt qua Trung Quốc về mức độ ô nhiễm.
Vậy hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường được coi là đầy đủ của Việt Nam đang có những lỗ hổng để cho sự vi phạm môi trường diễn ra không?
Theo một nghiên cứu mới nhất của tiến sỹ Đinh Đức Trường có tên “Việt Nam – thiên đường ô nhiễm cho doanh nghiệp nước ngoài” 80% các khu công nghiệp ở Việt Nam đang vi phạm luật môi trường và trong số những khu công nghiệp vi phạm này, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm đến 60%. Theo tiến sỹ Trường, "hiện tại đang bị một vấn đề là các khu công nghiệp (trong đó) một số khu công nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ví dụ như Formosa rồi Vedan cách đây mấy năm, cũng là những vụ điểm thôi, nhưng cái đấy nó cũng thể hiện rằng mình vẫn còn những khe hở, lỗ hổng nhất định trong quá trình thanh tra, kiểm tra, giám sát cũng như là xử lý các bài toán môi trường, các vấn đề ô nhiễm môi trường này. Vẫn còn những khe hở của pháp luật."
Thiên đường cho công nghệ lạc hậu
Ngoài những khe hở về pháp luật, các chính sách đầu tư và phát triển, theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam đang hấp dẫn những công nghệ lạc hậu vào đây.
Giáo sư của trường đại học Kinh Tế Quốc Dân nói nhiều doanh nghiệp FDI đang mang công nghệ lạc hậu và bị cấm ở các nước phát triển vào Việt Nam nhằm kéo dài tuổi thọ của máy móc và hưởng lợi từ chi phí môi trường thấp.
Với việc quá chú trọng vào sự phát triển kinh tế, chính phủ Việt Nam đã đưa ra những tiêu chuẩn thấp về môi trường và theo vị giáo sư này, “thỏi nam châm” thu thút FDI vào Việt Nam là ngành dệt may, thép, giấy đều là những ngành có tiềm năng gây ô nhiễm cao với hàng loạt dự án vốn đầu tư lớn từ Trung Quốc và Đài Loan.
Ngoài phát triển công nghiệp, vấn đề đô thị hóa nhanh chóng cũng là nguyên nhân cho vấn nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, theo giám đốc trung tâm Nghiên Cứu Môi Trường và Cộng Đồng Nguyễn Ngọc Lý. "Trong sự phát triển nhanh về công nghiệp và về đô thị hóa hiện nay, nó đã đẩy đi quá nhanh và việc bảo vệ môi trường đang rất bị hạn chế, không theo kịp với sự phát triển đó. Và nó cũng như là các nước, nó sẽ phải đi theo 1 lộ trình khá là vất vả."
Mức độ ô nhiễm môi trường đáng báo động ở Việt Nam cũng đang làm cho những doanh nghiệp nước ngoài lo ngại và có nhà đầu tư đã rút vốn ra khỏi Việt Nam chỉ vì lý do này. Chủ tịch điều hành của Dragon Capital Dominic Scriven gần đây tiết lộ tại Diễn Đàn Doanh Nghiệp Việt Nam rằng nhà đầu tư lớn nhất của quỹ này quyết định “rút ra khỏi thị trường Việt Nam vì lý do thiếu vắng những chính sách và hành động thuyết phục trong việc bảo vệ môi trường.”
Với tất cả những lý do này, theo tiến sỹ Đinh Đức Trường, trong tương lai tiêu chuẩn của Việt Nam sẽ phải thay đổi theo hướng thắt chặt hơn và gia tăng hơn để thỏa mãn nhu cầu trong nước và khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Nhưng vị tiến sỹ này nói quá trình đó sẽ không đơn giản:
"Sẽ phải có sự tham gia của nhà nước – tham gia của nhà nước ở đây (bao gồm) cả việc cung cấp vốn, hỗ trợ các cơ chế chính sách cho các doanh nghiệp để họ đổi mới các công nghệ thân thiện. Mặt khác thì nhà nước cũng phải cập nhật những thông tin về các tiêu chuẩn môi trường trên thế giới, đặc biệt là của các tổ chức thương mại thế giới và các khách hàng trên thế giới. Tôi nghĩ rằng bảo vệ môi trường là cái không thể đẩy lùi được nữa, bắt buộc phải làm thôi."
Thực hiện theo 1 lộ trình với sự tham gia từ cả phía doanh nghiệp và chính phủ để việc giải quyết vấn nạn ô nhiễm môi trường hiện nay ở Việt Nam, theo đề xuất của tiến sỹ Trường, sẽ hữu hiệu nhưng rất là khó. Theo con số mà tiến sỹ Trường cho VOA Việt Ngữ biết, Việt Nam sẽ thực hiện tăng trưởng xanh từ 2016-2030 và cần phải đầu tư 30 tỷ đô la cho đổi mới công nghệ mà trong đó nhà nước chỉ có thể chi 30% và phần còn lại là do các khu vực tư nhân và sự hợp tác công tư. "Như vậy là các cụm doanh nghiệp phải huy động một nguồn vốn chắc phải đến khoảng 18-20 tỷ đô la cho việc bảo vệ môi trường và đó là một điều cực kỳ khó đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hiện tại."
Bộ trưởng Trần Hồng Hà, trong một buổi họp quốc hội tại Hà Nội đầu tháng 11 vừa qua, đã cho rằng “để giải quyết căn cơ vấn đề môi trường thì chính là tái cơ cấu nền kinh tế. Thay đổi từ 1 nền kinh tế thâm dụng vào nguồn vốn tài nguyên tự nhiên, xâm dụng vào chi phí môi trường” sang 1 nền kinh tế xanh và sạch.
"Sau một loạt sự cố về môi trường thì chúng ta cũng nhận thấy rằng là môi trường của chúng ta đã đến ngưỡng không thể chịu thêm được nữa. Trước đây môi trường thường là đi sau so với hoạt động phát triển – phát triển trước làm sạch sau. Thì hiện nay vấn đề môi trường cần phải đi trước và đi ngay vào trong quá trình đó. Trước đây chúng ta bảo vệ môi trường trong phát triển. Nhưng bây giờ môi trường phải nằm ngay trong từng dự án đầu tư, trong chiến lược và quy hoạch."
Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh tại hội nghị thượng đỉnh Việt Nam tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh đầu tháng 11 vừa qua cũng đã khẳng định Việt Nam sẽ không phát triển kinh tế bằng cái giá của môi trường. Còn bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nói trong một buổi đối thoại gần đây với các luật sư và ngư dân Hà Tĩnh rằng giải quyết vụ môi trường biển miền Trung là “sinh mệnh chính trị” của ông. Và chúng ta sẽ phải chờ xem các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ đi từ lời nói đến hành động như thế nào.

VOA