Về học giả Nguyễn Văn Vĩnh

http://www.tannamtu.com/?p=2822

Về học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Nguyễn Lân Bình

LỜI MỞ ĐẦU
Ngót 10 năm qua, kể từ buổi tọa đàm lịch sử tại bảo tàng Cách mạng Việt Nam nhân ngày Nhà báo Cách Mạng Việt Nam 20/6/2002, với nhan đề: “Tọa đàm về nhân vật lịch sử Nguyễn Văn Vĩnh 1882- 1936” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp cùng gia tộc học giả Nguyễn Văn Vĩnh tổ chức, tôi đã theo sát những diễn biến xã hội đối với đề tài cực kỳ đặc biệt này.
Nhân 75 năm ngày mất của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, một nhân vật kiệt xuất theo cách đánh giá của nhiều nhà nghiên cứu, tôi xin trình bày bài viết này trên cơ sở những tư liệu và những hiểu biết được hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Song song với nó, là những phản ứng của xã hội Việt Nam và quốc tế trong giai đoạn vừa qua về con người và sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Mục đích của tôi, là muốn mọi người trong xã hội, tất cả những ai quan tâm, sẽ nhìn nhận vai trò của học giả Nguyễn Văn Vĩnh trong lịch sử Văn hoá Việt Nam một cách công bằng, trung thực, vì những di sản văn hoá mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh để lại, là thực sự hiện hữu, là một phần nền tảng của văn học chữ Quốc ngữ. Văn học chữ Quốc ngữ là nét đặc trưng tiêu biểu của văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XX.

Phạm vi hoạt động của Nguyễn Văn Vĩnh có ở hầu hết các lĩnh vực xã hội, trong bối cảnh xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX là giai đoạn tiếp nhận và hình thành nhiều loại hình tư tưởng, nên việc nhìn nhận những diễn biến của nó, cần có độ lùi về thời gian để kiểm chứng và chiêm nhiệm. Bên cạnh đó, những di sản của Nguyễn Văn Vĩnh có đến 50% viết bằng tiếng Pháp, đó là rào cản tạo ra một số những nhận định mang tính phiến diện, do người đọc không có điều kiện nghiên cứu một cách đầy đủ, dẫn đến sự thiên lệch trong việc đánh giá  con người và sự nghiệp của ông.

Tôi tin bài viết này như một sự tổng hợp để người đọc hiểu Nguyễn Văn Vĩnh một cách đầy đủ hơn, qua đó sẽ có được sự phản hồi cần thiết, nhằm giúp những ai quan tâm và liên đới bớt trăn trở vì những sự bất công, khi bàn đến đề tài Nguyễn Văn Vĩnh ở những giai đoạn trước đây, từ đó có trách nhiệm hơn với sự thật, với lịch sử.

Lịch sử và văn hóa là những yếu tố căn bản tạo nên lòng yêu nước của bất cứ dân tộc nào. Để cụ thể hóa, tôi xin nêu những kiến nghị đối với Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Pháp, cùng các tổ chức Quốc tế có chức năng đánh giá những giá trị về lịch sử, văn hóa của nhân loại, xem xét, kết luận những giá trị có tính ảnh hưởng đến xã hội do Nguyễn Văn Vĩnh để lại.

I. THÂN THẾ và SỰ NGHIỆP
1. Xuất thân.
Nguyễn Văn Vĩnh sinh ngày 15/6/1882 tại thôn Phượng Vũ, xã Phượng Dực, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Phú Xuyên, Hà Nội). Ông là con cả trong một gia đình nông dân nghèo. Bố là Nguyễn Văn Trực. Đầu những năm 80 thế kỷ XIX, gia đình đã bỏ quê ra Hà Nội, sống nhờ ở nhà một người họ hàng bên vợ, tại 46 phố Hàng Giấy.
Năm 1890, khi Nguyễn Văn Vĩnh 8 tuổi, gia đình cho Nguyễn Văn Vĩnh đi chăn bò thuê ngoài bãi Long Biên (chân cầu Long Biên, cây cầu mãi đến năm 1902 mới hoàn thành, còn được gọi là cầu Paul Dumer). Do công việc chăn bò, cậu bé Vĩnh thường thả bò ngược lên phía Bắc bờ sông Hồng và được biết, tại đền Yên Phụ (Hiện vẫn còn nguyên vẹn trong khuôn viên trường PTCS.Mạc Đĩnh Chi, số 66 phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình) có lớp học do người Pháp dạy, dành cho những ngưòi đã đỗ tú tài và cử nhân, học để trở thành thông ngôn (phiên dịch). Cậu Vĩnh ngỏ ý xin bố tìm cách để được vào làm công việc gì đó cho ngôi trường này.

Thông qua gia đình ở nhờ (Chủ nhà làm công việc dạy trẻ con trong địa bàn phố Hàng Giấy) tìm manh mối… và cậu Vĩnh đã may mắn xin được làm chân kéo quạt mát cho lớp học (thời đó chưa có điện). Vậy là, 8 tuổi, cậu Vĩnh chia tay với việc chăn bò thuê, trở thành Thằng nhỏ kéo quạt. Một khóa học 4 năm, khi Nguyễn Văn Vĩnh vào làm, lớp đã học gần hết năm thứ hai. Trong quá trình làm “thằng nhỏ” kéo quạt, cậu Vĩnh mặc nhiên được cùng nghe giảng với 40 học viên. Nhiều lần cậu đã bị phạt, thậm chí bị đòn vì nói leo theo thầy giáo Tây, gây mất trật tự, và hay nhắc bài các học sinh ngắc ngứ khi trả lời thầy giáo.

Năm 1892. lớp học của Thằng nhỏ kéo quạt mãn khoá, dù bị đòn nhiều lần, nhưng cũng nhờ đó mà Nguyễn Văn Vĩnh gây được ấn tượng đối với ông giáo. Ông giáo có tên là A. D’argence, đã thử sức “Thằng nhỏ kéo quạt” bằng việc cho phép cậu được thi tốt nghiệp cùng với cả lớp, cậu đỗ thứ 12 trên 40 học viên.


Ngôi trường là nơi đào tạo thông ngôn (phiên dịch) cho chế độ cai trị của người Pháp – Collège des Interprêtes – mà sau được gọi là trường Hậu bổ, nghĩa là sau khi tốt nghiệp, sẽ được bổ nhiệm đi làm, không phải đệ đơn đi xin việc. Tuy nhiên, việc Nguyễn Văn Vĩnh tốt nghiệp ở tuổi lên 10 là điều khác thường, và 10 tuổi không thể bổ nhiệm làm viên chức. Trước thực tế đó, nhà trường đã quyết định cho Nguyễn Văn Vĩnh học lại chính khoá từ đầu.

Thằng nhỏ kéo quạt” đã thưa chuyện với bố, và được người bố trả lời như sau: “Học hành cái gì, một là tiếp tục kéo quạt, hai là lại đi chăn bò, tiền đâu mà đi học?!”. Chỉ vài ngày sau, ông giáo Tây đã đến tận nhà để tìm hiểu, vì sao Nguyễn Văn Vĩnh không đến trường?! Khi biết rõ lý do, ông giáo đã khẳng định với gia đình, rằng học không mất tiền!
Nguyễn Văn Vĩnh lại được đến trường. Sau 4 năm mãn khoá, Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa năm 1896. Tuy nhiên, dù Nguyễn Văn Vĩnh đỗ thủ khoa, nhưng ở tuổi 14, không thể vào làm cho các cơ quan chính quyền thời đó. May thay, ông D’Argence có người bạn thân làm việc ở Tòa sứ Lao Cai. Nhiều lần, do vô tình đến thăm nơi ông A. D’argence dạy học, người bạn này, đã tận mắt chứng kiến sự khác thưòng của “Thằng nhỏ kéo quạt”, bị ấn tượng mạnh, ông ta đã quyết định đứng ra xin nhà cầm quyền được dùng Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh trở thành thông ngôn cho Tòa sứ Lao Cai lúc 15 tuổi.

2. Đời Công chức
Những năm Nguyễn Văn Vĩnh làm việc cho Tòa sứ Lao Cai, là những năm đầu tiên chính quyền Thực dân khởi công xây dựng tuyến đường sắt Lao Cai – Vân Nam. Năm 1899, chính quyền thấy công việc đã khởi động tốt, họ điều Nguyễn Văn Vĩnh chuyển về làm tại Toà sứ Hải Phòng. Ở Toà sứ Hải Phòng, Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên đã tham gia viết bài cho tờ báo Tin tức Hải Phòng in bằng tiếng Pháp “Courrier de Hai Phong”. Tại đây, Nguyễn Văn Vĩnh đã học tiếng Hoa và tiếng Anh do công việc luôn phải va chạm với các thủy thủ là người nước ngoài. Cũng vào thời gian này, Nguyễn Văn Vĩnh đã tự học hết chương trình phổ thông theo sách giáo khoa tiếng Pháp, nhờ mua lại của một thuỷ thủ người Anh. Đây chính là giai đoạn Nguyễn Văn Vĩnh đã lọt vào tầm mắt của François-Henry Schneider1.

Năm 1903, Nguyễn Văn Vĩnh được điều chuyển về Toà sứ Bắc Giang. Tòa sứ Bắc Giang nằm dưới quyền của Công sứ Hauser. Năm 1905, Công sứ Hauser được điều chuyển về làm Đốc lý Hà Nội. Chứng kiến năng lực và trình độ khác thường của Nguyễn Văn Vĩnh, Đốc lý Hauser quyết định kéo Nguyễn Văn Vĩnh cùng theo về Hà Nội.


Năm 1906, nước Pháp tổ chức Hội chợ thuộc địa (còn gọi là Đấu sảo) tại thành phố cảng Mác Xây, Pháp. Chính quyền giao việc này cho Tòa Đốc lý Hà Nội, Đốc lý Hauser đã giao toàn bộ công việc chuẩn bị tham gia hội chợ cho đích danh Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Văn Vĩnh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ này, và sau đó xin lưu lại Pháp thêm 3 tháng.

Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Văn Vĩnh đã bị ngành công nghiệp báo chí và xuất bản hấp dẫn và cuốn hút, đồng thời ông kết thân với một số chí sỹ người Pháp như: Pierre Vierge, Lhermite… Cũng giai đoạn này, Nguyễn văn Vĩnh đã chính thức ra nhập vào Hội Nhân quyền Pháp (Ligue des Droits de L Homme). Những diễn biến này đã tác động mạnh vào tâm lý, tạo một động lực mạnh mẽ trong con người Nguyễn Văn Vĩnh, hướng đến sự nghiệp làm báo và xuất bản2.

Để thực hiện ý tưởng và lý tưởng của mình về việc xây dựng nền báo chí bản địa, khi trở về nước, Nguyễn Văn Vĩnh quyết định từ bỏ con đường công chức để phục vụ mục đích: xây dựng nền văn hóa của chữ Quốc ngữ, trên cơ sở ban đầu là phổ biến, quảng bá chữ Quốc ngữ thông qua việc làm báo. Cho đến cuối đời, Nguyễn Văn Vĩnh không tham gia bất kỳ một cơ quan hành chính, hoặc nhận bất kỳ một chức vị nào của bộ máy chính quyền đương thời.
Nghiệp làm viên chức của Nguyễn Văn Vĩnh chỉ vẻn vẹn đúng 10 năm.

3. Sự nghiệp Báo chí
Thông qua những suy nghĩ của Nguyễn Văn Vĩnh trong bức thư viết năm 1906 từ Mác Xây, gửi cho người bạn thân là Phạm Duy Tốn (1881-1924), cùng với những diễn biến của cách mạng tư tưởng của các chí sỹ cùng thời, như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh xác định, việc nâng cao dân trí phải là mục tiêu hàng đầu3. Theo ông, dân trí phụ thuộc căn bản ở nền văn hoá, mà văn hoá lệ thuộc vào ngôn ngữ, trong khi Việt Nam ngày đó, mọi giao dịch văn bản trong nền hành chính xã hội đều sử dụng chữ Hán và chữ Pháp. Sự vay mượn này đã đặt ngưòi Việt Nam đầu thế kỷ XX, ở tình trạng nói một cách và viết một cách khác!

Nhận thấy đây là trở ngại lớn trong việc học tập để nâng cao tri thức trong xã hội, các chí sỹ tiến bộ đã lo lắng trước mặt bằng dân trí giai đoạn này ở xã hội nước Nam quá thấp kém và mông muội, u tối, hậu quả của lối sống phong kiến kéo dài. Chế độ giáo dục khoa cử nghặt nghèo, việc dùng chữ Hán, Nôm, những loại ngôn ngữ mà chỉ có một số ít người dân có khả năng tiếp thu, đồng thời, tốn quá nhiều công sức trong việc học:
Xưa kia đàn ông dùi mài bao nhiêu lâu, tốn bao nhiêu cơm cha mẹ, mới cầm được quyển sách, miệng ngâm đùi rung, mà vị tất trong lòng đã được cái lý thú gì là lý thú thực…”4

Nguyễn Văn Vĩnh đặt mục tiêu đầu tiên, là phải tháo gỡ trở ngại này, bằng việc tìm cách quảng bá, khuyến khích người dân dùng chữ Quốc ngữ, vì chữ Quốc ngữ rất dễ tiếp thu. Ngoài ra, ông thúc đẩy nhà cầm quyền ủng hộ chủ trương này, nhằm rút ngắn quãng đường đến mục tiêu mình định hướng.

Phục vụ cho lý tưỏng này, Nguyễn Văn Vĩnh đã hợp tác với F. H. Schneider. Cuộc hội ngộ này là sự trùng hợp ngẫu nhiên, hệ quả của những đòi hỏi lịch sử, trong một giai đoạn nhất định giữa mưu đồý đồ. Bên cạnh lý tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh, muốn xây dựng một nền tri thức độc lập, trên cơ sở tiếng nói mẹ đẻ với chữ viết được Latin hóa, nhưng phía đối diện là chính sách cai trị của Chính quyền Thực dân, cần phát triển chữ Quốc ngữ để phục vụ cho việc tuyên truyền cho chủ trương đô hộ lâu dài. Nguyễn Văn Vĩnh ngày đó mới hơn 20 tuổi, một người chỉ với 2 bàn tay trắng, khó để có sự lựa chọn nào khác, nếu không dựa vào sự hợp tác để thực hiện lý tưởng của mình.


Nguyễn Văn Vĩnh hiểu rõ, muốn cho người dân học chữ Quốc ngữ, nhất thiết phải có văn học chữ Quốc ngữ. Vậy văn học chữ Quốc ngữ lấy từ đâu? Sau nhiều lần thương thảo, giữa một bên có cơ sở vật chất và chuyên môn (Francois Henri Schneider), với một bên chỉ có trí tuệ và lý tưởng (Nguyễn Văn Vĩnh), để rồi trở thành sự gắn bó lâu dài đến tận năm 1918.

Xác định được hướng đi, đặt được quyết tâm sống còn của mình, cũng là lúc, Nguyễn Văn Vĩnh bắt gặp tư tưởng của Phan Châu Trinh (1872-1926)5 . Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời, một trào lưu tư tưởng hoàn toàn mới. Nguyễn Văn Vĩnh chính thức bước chân vào nghề làm báo từ diễn biến lịch sử này. Ông tin, đây là phương tiện văn hóa đầu tiên, tạo được tác động mạnh vào cuộc sống tinh thần của xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX.

Nguyễn Văn Vĩnh đã là Chủ bút các báo:
· 1907 Đăng cổ Tùng báo – (Tiếng nói của Đông kinh Nghĩa thục) .
· 1908 Notre Journal (tiếng Pháp).
· 1910 Notre Revue (tiếng Pháp).
· 1913 Đông dương Tạp chí. (Tờ báo đầu tiên ở Bắc kỳ quy tụ được hầu hết các chí sỹ cùng thời nổi danh nhất Bắc và Trung kỳ trong Ban Biên tập)6.
· 1917 Trung Bắc Tân văn. (Nhật báo đầu tiên của lịch sử báo chí Việt Nam).
· 1919 Trung Bắc Chủ Nhật.
· Học Báo.
· 1931 L’Annam NouveauNước Nam mới (Tiếng Pháp) – Tờ báo được giải thưởng Grand Prix tại Paris 1932).7

Người Pháp thực dân, đã không tính hết được sự lợi hại của việc truyền bá chữ Quốc ngữ mà có lúc, họ đã thoáng ân hận, dẫn đến việc dập vùi Phong trào Đông kinh Nghĩa thục, cũng như tìm mọi biện pháp để khống chế Nguyễn Văn Vĩnh. Kể cả về sau này, họ từng lấp liếm những giá trị trong tư tưởng tiến bộ của ông, những tư tưởng ông đã tiếp thu được nhờ ở chính các tác phẩm, những quan điểm triết học kinh điển của các triết gia Âu Châu hiện đại, của văn hoá Pháp, cũng như nền báo chí phát triển tiến bộ của Tây phương.

4. Sự nghiệp dịch thuật
Nguyễn Văn Vĩnh nhận thức rất sâu về vai trò của ngôn ngữ đối với bản sắc văn hoá của một dân tộc, ông đã ra công tìm kiếm, lựa chọn những tinh hoa trong kho tàng văn hoá nhân loại, lấy đó làm hạt nhân để phát triển trí tuệ cho đồng bào của ông, thực hiện lý tưởng của chính mình và của các nhân sỹ tiến bộ cùng thời. Ông xác định, muốn người dân học chữ, cần có gì đó để đọc, muốn người dân có trí tuệ, cần thu nhận những kiến thức tiến bộ của nhân loại, và đó sẽ là vũ khí để đấu tranh đòi sự tôn trọng lẫn nhau với Nhà cầm quyền, để đề đạt nguyện vọng cần có một cuộc sống dân chủ, đồng thời cũng để chứng minh tinh thần văn hóa của dân tộc mình, và Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch:

Thư Trước tác hậu bổ” của Phan Châu Trinh gửi Toàn quyền Đông dương“Lettre de Phan Chu –Trinh au gouverneur général en 1906”. ngày 15 tháng 9 năm Thành Thái thứ 18 (1906) từ Hán văn ra Pháp văn8 .
– Năm 1909, cùng Phan Kế Bính (1875-1921) dịch trọn bộ tác phẩm“Tam quốc chí diễn nghĩa” từ Hán văn ra Quốc ngữ. Ông là người hiệu đính và viết lời tựa. Trong lời tựa, Nguyễn Văn Vĩnh lần đầu tiên đã xác định vững vàng:
Nước Nam ta sau này hay dở, cũng ở như chữ Quốc ngữ”.
– Năm1911, tác phẩm“Quan Âm Thị Kính” lần đầu tiên được in bằng chữ Quốc ngữ và  người xuất bản là Nguyễn Văn Vĩnh9.
– Từ số 15 của “Đông dương tạp chí” – 1913, trong mục Giáo dưỡng đạo lý, Nguyễn Văn Vĩnh đã trích dịch từ Pháp văn ra Việt văn các bài viết của những nhà tư tưởng Châu Âu như: J. J. Rousseau (1712 – 1778), Blaise Pascal (1623-1662), Francois Rabelais (1494-1553) … Từ số 28 trở đi, Nguyễn Văn Vĩnh dịch các bài viết về triết học của các nhà triết gia cổ điển nổi tiếng thế giới.

Trong những năm hai mươi của thế kỷ XX, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch:
Ba chàng ngự lâm pháo thủ” của A.Dumas (1802-1870). “Telemaque phiêu lưu ký” của Fenelon (1651-1715). Các vở hài kịch của Moliere (1622-1673). Tập truyện thơ ngụ ngôn của Jean de La Fontaine (1621-1695).“Lesage” của Gil-Blas de Santillane (1715-1735). “Manon Lescaut” (Mai nương Lệ cốt) của Abbé Prevots. Sách in năm 1731 bị cấm ở Pháp. “Những kẻ khốn nạn” – Les misérablés – của V.Hugo (1802-1885). “Miếng da lừa” LaPeau de chagrin – của H. De Balzac (1799-1850). “Sử ký thanh hoa” – Le Parfum des humanités – của E. Vayrac.“Ba chàng ngự lâm pháo thủ” – Les Trois Mousquetaires – của A. Dumas (1802-1870). “Truyện trẻ con” của Charles Perrault (1628-1703). “Tục ca lệ” – Turcaret – của René Lesage (1668-1747). “Chuyện các bậc danh nhân Hy Lạp và La Mã” – Les vies parallèles des hommes illustres de la Grèce et Rome – của Plutarque (Plutarch).“Dulivê du ký” – Les voyages de Gulliver – của Jonathan Swift (1667-1745). “Tiền Xích bích và Hậu Xích bích” từ Hán văn ra Pháp văn của Tô Thức – Tô Đông Pha (1037-1101), Toàn bộ “Truyện Kiều” của Nguyễn Du ra tiếng Pháp10, và còn rất nhiều nữa…

Các tác phẩm nêu trên, đều là những tác phẩm được xuất bản lần đầu tiên ở Việt Nam. Một số được xuất bản theo phương thức in nhiều kỳ trên những tờ báo do Nguyễn Văn Vĩnh là Chủ bút, một số ít được xuất bản ngay thành sách bán ra thị trường. Giá trị không thể chối bỏ của Nguyễn Văn Vĩnh trong lĩnh vực dịch thuật, đó là việc đã chứng minh được khả năng chuyển tải những tinh hoa trí thức của kho tàng văn hóa thế giới, và tính phong phú có thật của tiếng Việt, đập tan quan niệm cho rằng chỉ có tiếng Hán mới thể hiện được đầy đủ tinh thần của tác phẩm11 .

Thành viên hội Khai trí tiến đức – Ảnh lấy từ blog PhamTon

Hội Khai Trí Tiến Đức, còn được gọi là hội AFIMA (viết tắt nguyên tên tiếng Pháp của hội l’Association pour la Formation Intellectuelle et Morale des Annamites)
Thành tựu đáng ghi nhớ nhất của Hội là việc soạn cuốn từ điển tiếng Việt mang tựa Việt-Nam Tự-điển do nhà in Trung-Bắc Tân-Văn xuất bản năm 1931. Tiểu ban phụ trách soạn thảo gồm các ông Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Dương Bá Trạc, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục, và Đỗ Thận.

II. NHỮNG HOẠT ĐỘNG và ĐÓNG GÓP XÃ HỘI. 
Năm 1906 – Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Hội Nhân quyền Pháp   (Ligue des Droits de l’homme). Nghi thức kết nạp ông, được thực hiện tại Paris12.
Năm 1907 – Nguyễn Văn Vĩnh đứng đơn xin phép Nhà Cầm quyền mở trường Đông kinh Nghĩa thục ở số 10 phố Hàng Đào, Hà Nội, do Lương Văn Can (1854-1927) là Thục trưởng13. Là người từ chối búi tó, mặc áo the, đội khăn xếp và đi guốc, để thể hiện tính cải cách – Tân học. Ông chính thức lấy bút danh là “Tân Nam tử” khi viết báo. Là người đầu tiên đứng ra thành lập “Hội dịch sách” tại Hội quán Trí tri ở 47 phố Hàng Quạt, Hà Nội14.
Năm 1908 – Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam duy nhất đứng ra ký đơn gửi Toàn quyền Đông Dương (Haut-commissaire de France en Indochine) đòi thả Phan Châu Trinh khi bị bắt, vì Phan Châu Trinh vô tội15. Ông cũng là người bảo lãnh cho Phan Kế Bính thoát án tử hình do tham gia Đông kinh Nghĩa thục16.
1918 – Là người từ chối nhận Kim khánh của Triều đình Huế17.
1920 – Là người đầu tiên dàn dựng, đạo diễn các vở hài kịch của đại văn hào Pháp Moliere, do ông dịch sang tiếng Việt. Ông đã cùng các con trai của mình, thủ vai trong một số vở hài kịch của Moliere, diễn trên sân khấu Nhà Hát lớn Hà Nội.
1922 – Là người đầu tiên quyết định xây dựng việc in ấn trở thành ngành công nghiệp18.
1924 – Là người đầu tiên thực hiện việc sản xuất phim điện ảnh (cinematographie) với tác phẩm Kim Vân Kiều (phim câm)19.
1926 – Là người Việt Nam đầu tiên hợp tác với E. Vayrac thành lập Trung tâm phát hành các ấn phẩm văn hóa mang tên “Âu Tây tư tưởng”.
Là người phát động phong trào cải tiến chữ Quốc ngữ20.
1930 –  Là người từ chối Bắc đẩu Bội tinh của Chính phủ Pháp.
1931 – Từ chối làm Thượng thư cho Triều Đình Huế.
1935 – Là người từ chối mọi ân sủng của Chính phủ Thuộc địa, không chấp nhận thỏa hiệp khi bị cấm viết. Ông chấp nhận “đi đày” ở Sê Pôn – Lào21, với danh nghĩa đi tìm vàng để trả nợ ngân hàng.


http://www.tannamtu.com/?p=2842
23/11/2016 11:04 pm
 
III. NHỮNG HỆ LỤY CHÍNH TRỊ QUA CÁC THỜI KỲ.
Nguyễn Văn Vĩnh là người Việt Nam sớm có tư tưởng dân chủ. Ông phải chứng kiến và bị giày vò trước sự lạc hậu cùng cực của một dân tộc nô lệ, ông đã quyết định làm mọi khả năng theo cách tư duy trí tuệ mình có, để giải thoát sự khủng hoảng xã hội. Theo Nguyễn Văn Vĩnh, xã hội bế tắc, lối sống lạc hậu, cuộc sống lầm than của người dân là hệ quả của tư duy và lối sống của xã hội phong kiến. Xã hội đã đẩy người dân đến chỗ thiếu hiểu biết, không có tri thức, và đó là nguyên nhân chính của sự khổ cực.

Nguyễn Văn Vĩnh tham gia mạnh mẽ vào các phong trào xã hội, chống lại những hủ tục cổ, bài trừ các tệ nạn của chế độ Phong kiến, theo phương thức viết bài và tổ chức diễn thuyết trước công chúng, nhằm phơi bày những căn cốt xấu xa của xã hội đương thời, vì điều này, ông đã tự biến mình thành kẻ “đáng ghét” trong con mắt của những thành phần được hưởng lợi từ bộ máy cai trị. Nguyễn Văn Vĩnh mặc nhiên là đối tượng bị phản bác gay gắt trong từng giai đoạn, và từng bộ phận các quan lại của xã hội cùng thời.

Song song với việc đó, ông từng là viên chức trong bộ máy các cơ quan đại diện của người Pháp, nói thạo và giỏi tiếng Pháp, thường xuyên giao dịch với những nhân vật quyền thế của hệ thống cai trị, tác phong sinh hoạt phóng khoáng, ảnh hưởng phương Tây, Nguyễn Văn Vĩnh đã bị nhìn bằng con mắt ác cảm, thậm chí đến mức trở thành định kiến của một bộ phận quan lại trong bộ máy chính quyền đương thời.

Triều đình Nhà Nguyễn.
Năm 1907, Nguyễn Văn Vĩnh là ngưòi làm công việc giảng dạy Quốc ngữ và tiếng Pháp, diễn giả của các buổi diễn thuyết và hội giảng trong Đông kinh Nghĩa thục. Việc ca ngợi sự tiện lợi và tiến bộ của chữ Quốc ngữ, đã làm mếch lòng một số các nho sỹ, sản phẩm của nền giáo dục khoa cử Hán học. Quan điểm của Nhà nước Phong kiến Việt Nam: Chữ Quốc ngữ là sản phẩm của ngoại bang, của bọn Tây, bọn xâm lược! Mặc nhiên, việc Nguyễn Văn Vĩnh ca ngợi chữ Quốc ngữ, ủng hộ nền văn minh phương Tây, là theo Tây!

Chân dung các quan lại Việt Nam trong phẩm phục năm 1915.

Ở các buổi diễn thuyết, Nguyễn Văn Vĩnh từng lên án thậm tệ các tệ nạn và các tập tục lạc hậu của xã hội, ông chứng minh, điều đó không phải chỉ là gánh nặng đối với người dân, mà còn là cơ hội để những kẻ có chức quyền bòn rút, bóc lột dân thường. Phát biểu trong Đông Kinh Nghĩa Thục, ông từng nói:
Kẻ thù của chúng tôi khá đông đảo. Các hội giảng của chúng tôi về việc ăn của đút, về các hủ tục trong làng xã cũng khiến nhiều quan lại, thông ngôn và kỳ hào chống lại chúng tôi22.

Mặc nhiên, Nguyễn Văn Vĩnh trở thành kẻ thù của bộ máy vua quan. Rõ ràng, ông đã chặn đường vơ vét của họ, đồng thời tố cáo sự xấu xa của hệ thống quan lại phong kiến.

Những năm 1910, Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh là những chí sỹ thành danh, có uy tín với cộng đồng xã hội, đồng thời đều là những đối tượng nguy hiểm dưới con mắt của Chính quyền Thực dân. Song, vào thời điểm đó, hai con người này đi theo hai khuynh hướng chính trị khác nhau trong đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc.

Phan Bội Châu chủ trương bạo động và cầu viện ngoại bang để giành tự do cho dân tộc. Phan Châu Trinh chủ trưong cải cách xã hội theo con đường dân trí để xây dựng một quốc gia thịnh vượng, và Nguyễn Văn Vĩnh tán thành khuynh hướng của Phan Châu Trinh23.

Sự khác biệt này, cộng với tính cách bộc trực của ông, đã trở thành lý do để một bộ phận các nhân sỹ nho học kết án Nguyễn Văn Vĩnh, là kẻ chống lại Phan Bội Châu! Với tính cách và tư chất riêng của mình, qua một số bài viết trên tờ báo do chính Nguyễn Văn Vĩnh chịu trách nhiệm24, ông đã thẳng thắn đến mức trần trụi trong việc bài bác phương thức động viên cách mạng gây đổ máu của Phan Bội Châu, cùng một số vụ bạo động trong dân chúng.

Ở một mặt nhất định, Nguyễn Văn Vĩnh nhìn nhận rằng, vai trò người Pháp ở Việt Nam là hy vọng lớn nhất để phá huỷ hệ thống truyền thống này (phong kiến), chứ không phải là phương tiện để duy trì hệ thống đó!

Năm 1913, thực hiện tiến trình trong chủ trương khai dân trí, Nguyễn Văn Vĩnh tận dụng những cơ sở vật chất và ý đồ của nhà cầm quyền trong chính sách cai trị, ông đã cùng F.H.Schneider, một nhân vật có quyền và có lực, thành lập tờ “Đông dương Tạp chí”. Nguyễn Văn Vĩnh vốn vẫn lo lắng, thậm chí bất bình trước những diễn biến mang tính bạo động của xã hội, chẳng những sẽ không đạt được thắng lợi cần thiết trong việc thay đổi đất nước, mà có thể tạo nên sự hỗn loạn, cản trở con đường và lý tưởng cải cách mà Nguyễn Văn Vĩnh theo đuổi, vốn đòi hỏi sự kiên nhẫn và ổn định.

Nguyễn Văn Vĩnh đã có những bài viết phê phán các cuộc bạo động nhỏ lẻ, là hệ quả của cách suy nghĩ thiển cận và nóng vội, không thể hy vọng giành được thắng lợi bền vững. Thật đáng tiếc, vì ông đã không kịp giúp dư luận và các lực lượng yêu nước khác nhau trong xã hội hiểu đúng tư tưởng của mình, nhất là khi Phan Châu Trinh, người đã xác định:
Vô bạo động, bạo động tắc tử, vô vọng ngoại, vọng ngoại tắc ngu”.

Cách ứng phó đơn thuần này của Nguyễn Văn Vĩnh, đã dẫn đến những phản ứng bất lợi cho ông, và là lý do để dư luận nhận thức về lý tưởng cách mạng của Nguyễn Văn Vĩnh một cách méo mó. Họ cáo buộc ông thân Pháp, tạo ra thực trạng tình ngay, lý gian. Trong khi, thực chất, các vụ bạo động lúc đó đều đã thất bại, sự trả giá đắt là xương và máu của người dân do sự bất cân đối về lực lưọng, trong khi lịch sử dân tộc đã từng mất quá nhiều máu xương rồi.

Ngài Toàn quyền và quan địa phương Bắc kỳ thăm xưởng làm gốm của ông Nguyễn Văn Tân
Hải Phòng, ngày 16 tháng 3 năm 1926

Tờ Đông Dương Tạp Chí 1913 do Nguyễn Văn Vĩnh là Chủ bút, bao hàm rất nhiều lĩnh vực mà đối với xã hội Việt Nam lúc đó đã được khẳng định, là những sự mới mẻ và tiến bộ. Nội dung căn bản của tờ báo là phổ biến việc phổ cập chữ viết của người Việt được La tinh hóa, hướng đến việc xây dựng một xã hội có nền chính trị dân sự, nền hành chính dân chủ và các khái niệm mới về quyền làm chủ cuộc sống của mỗi một cá thể sống trong xã hội.

Vào giai đoạn cuối những năm 10 ở thế kỷ XX, chế độ phong kiến Việt Nam luôn thể hiện sự đối lập với tư tưởng dân chủ. Triều đình Huế là đại diện cuối cùng của Chủ nghĩa Phong kiến Việt Nam, lúc này, Nhà Nguyễn nhìn nhận Nguyễn Văn Vĩnh như một đối tượng phản diện, vì rõ ràng: Phong kiến là bảo thủ và Nguyễn Văn Vĩnh là tân học. Việc các quan trong triều dâng sớ trình Vua Khải Định đòi chém Nguyễn Văn Vĩnh (1918) vì mắc tội khi quân do dám bắt tay Vua, để những người bảo thủ lấy đó là cái cớ loại bỏ Nguyễn Văn Vĩnh một cách hợp pháp ra khỏi đời sống chính trị, cũng là việc làm dễ hiểu25.

Hệ thống chính trị mang nặng định kiến và mặc cảm về một người Tân học, Nguyễn Văn Vĩnh, kẻ luôn đòi cải cách, đòi loại bỏ những cái cũ lạc hậu trong xã hội, thường xuyên chứng minh tính bù nhìn của bộ máy vua quan, thậm chí sau sự kiện trên, mâu thuẫn đôi bên ngày càng sâu sắc. Từ đó, ông đã từ chối cả việc nhận Kim khánh do Vua ban, một điều xa lạ với xã hội đương thời, với lý do: “Xin giữ cho cái ngực được ‘trinh’ suốt đời26.

Năm 1930, sau hàng loạt những năm tháng hoạt động tích cực trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, cộng với sự trau dồi những kiến thức tiến bộ về dân chủ và tự do theo xu hướng đối lập với chính sách thuộc địa già cỗi của chính quyền thực dân, vô hình chung, Nguyễn Văn Vĩnh đã  thực sự trở thành vật cản trong chính sách cai trị của Vương triều. Hàng loạt các cuộc mặc cả giữa chính quyền với Nguyễn Văn Vĩnh, yêu cầu ông phải chấm dứt việc truyền bá những tư tưởng tiến bộ và dân chủ, thông qua các sản phẩm văn hoá của mình. Đặc biệt, họ kiên quyết đòi Nguyễn Văn Vĩnh không được viết các bài đả phá bộ máy quan lại của Triều đình Huế!27 Chính quyền đương thời đã phải dùng cả chiêu bài bổ nhiệm Nguyễn Văn Vĩnh làm Thượng thư (Bộ Trưởng) trong Triều đình, nhằm kéo ông xa rời sự nghiệp cầm bút. Nguyễn Văn Vĩnh đã từ chối tất cả!

Một số các sỹ phu, sản phẩm của nền giáo dục Nho học Phong kiến, đã từng đả phá Nguyễn Văn Vĩnh gay gắt, và họ cũng đã thất bại vì không ngăn cản được sự nghiệp Tân học của Nguyễn Văn Vĩnh, đi tới chỗ oán giận và kết án Nguyễn Văn Vĩnh là kẻ phản bội lại truyền thống dân tộc, cắt đút mạch văn hoá Hán Nôm, mà họ tuyệt nhiên không nhận thức rằng, việc động viên cuộc cải cách văn hoá đầu thế kỷ XX ở Việt Nam là một đòi hỏi tất yếu, mang tính quy luật của sự phát triển đối với lịch sử dân tộc28 (28).

Kết luận: Triều đình Nhà Nguyễn không chấp nhận Nguyễn Văn Vĩnh!
Người Pháp thực dân và Chính phủ Thuộc địa.
Việc xuất hiện Nguyễn Văn Vĩnh trong xã hội Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX là điều hoàn toàn không có tính dự báo, bởi lẽ, xuất thân của Nguyễn Văn Vĩnh thật sự là hiện tượng trái với thông lệ, “tập quán” xã hội. Gia đình sinh ra Nguyễn Văn Vĩnh hoàn toàn là những người dân thường, không có ai trong dòng họ từng đỗ đạt, hoặc có chân trong hệ thống quan trường của xã hội đương thời.

Trong con mắt cai trị của các chế độ xã hội ở bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, quan niệm:“con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”, đã trở thành “quy luật” trong quan niệm dân gian. Việc Nguyễn Văn Vĩnh trở thành con người xuất sắc trong học hành, là sự ngẫu nhiên vượt ra khỏi sự tưởng tượng của xã hội đương thời. Nguyễn Văn Vĩnh đã không mảy may được quan tâm, hậu thuẫn bởi bất kỳ một lực lượng xã hội nào đó, mang tính “chăm sóc”, hoặc “nuôi dưỡng” đào tạo, để phục vụ những mục đích cụ thể cho thể chế.

Chuyến công du sang Pháp của vua Khải Định năm 1922.

Chính quyền Thực dân cũng đã vô cùng ngạc nhiên khi sử dụng Nguyễn Văn Vĩnh29. F.H.Schnaider có mặt ở Việt Nam từ 1882, đã từng tiếp cận và hợp tác thử nhiệm với cả Trương Vĩnh Ký (1837-1898) và Huỳnh Tịnh Của (1834-1907) của Đàng Trong, với mục tiêu phát triển nghành báo chí và xuất bản, song ông ta đã thất bại, vì không xây dựng được văn hoá chữ Việt được La tinh hóa trở thành phổ thông. Cho đến 20 năm sau (1902),
F.H.Schnaider mới “giật mình” phát hiện ra Nguyễn Văn Vĩnh. Từ 1904 đến 1906 là giai đoạn căng thẳng trong đời tư của cậu thanh niên mới qua tuổi hai mươi, khi phải đối mặt với sự lựa chọn một con đường sự nghiệp mang tính sinh tử của mình, do cậu “được” F.H.Schneider tiếp cận và thuyết phục.

Nguyễn Văn Vĩnh chỉ có quyết định dứt khoát việc lựa chọn con đường làm báo, sau khi dự Hội chợ đấu xảo Mác Xây (1906). Ông đã tự nguyện từ bỏ cuộc đời là công chức trong bộ máy hành chính lúc 24 tuổi (Toà Đốc lý Hà Nội), để bắt đầu sự nghiệp làm báo, chính xác là: Làm báo tự do! Chỉ có làm báo tự do, ông mới không bị quá lệ thuộc vào sự sai khiến của hệ thống chính trị. Việc phải hợp tác với Schneider, người có đầy đủ những nền tảng như: nghiệp vụ, cơ sở vật chất, nhà in, nguồn tài chính… và ông ta là người Pháp, trong khi Nguyễn Văn Vĩnh là ai?! Một viên chức thôi việc, không tài sản, không văn bằng chứng chỉ, không con ông cháu cha….

Cái duy nhất Nguyễn Văn Vĩnh sở hữu: đó là trí tuệ, sự thông minh kiệt xuất và lòng huý tâm văn hoá, cùng với tình yêu bất diệt đất nước An Nam của mình. Vì thế, ông đã thai nghén một mục đích quá lớn, là xây dựng một bản sắc văn hoá riêng cho đồng bào của ông, cho người dân An Nam. Cuộc “kết hôn văn hoá” này, như 2 nửa cần nhau, dựa vào nhau để… sử dụng, tận dụng và lợi dụng lẫn nhau. Một bên là lý tưởng chói sáng của Nguyễn Văn Vĩnh, một bên là sứ mạng của bản hợp đồng mà Schneider đã ký và đã nhận tiền.

Sau sự kiện đàn áp phong trào Đông kinh Nghĩa thục (1907), Nguyễn Văn Vĩnh đã bị nhà cầm quyền đe dọa rằng: “Đảo Côn Lôn còn rộng chỗ lắm đấy …!” Việc kết án và bắt Nguyễn Văn Vĩnh lúc đó là không thể, vì ông là hội viên Hội Nhân quyền Pháp! Bắt Nguyễn Văn Vĩnh sẽ động chạm đến rất nhiều các nhân sỹ, các tổ chức tiến bộ của Pháp. Hơn nữa, dù sao mâu thuẫn giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Bộ máy cai trị chưa đến mức phải huỷ hoại mối quan hệ đôi bên, và cuộc chơi “lợi dụng” lẫn nhau mới chỉ là bắt đầu…

Đó là chưa nói đến khả năng tự bảo vệ, cũng như các mối quan hệ cá nhân mà Nguyễn Văn Vĩnh đã dành được thiện cảm với một số gương mặt người Pháp có uy tín trong quá trình làm công chức ở các toà sứ, vào những giai đoạn khác nhau trước đó.

Trước những căng thẳng diễn ra trong biến cố Đông kinh Nghĩa thục, Nguyễn Văn Vĩnh luôn sẵn sàng đối mặt với bộ máy cai trị, bởi lẽ Nguyễn Văn Vĩnh vẫn tin một cách giản dị (cũng như Phan Châu Trinh), rằng: Đông Kinh Nghĩa Thục là để nâng cao dân trí, mở mang văn hoá, và đó cũng chính là cam kết của Chính phủ Bảo hộ!!! Không dễ dàng để Nguyễn Văn Vĩnh dám kết án việc đàn áp Phong trào Đông Kinh Nghĩa thục của Chính quyền với ngài Hause – Đốc lý Hà Nội rằng:
“Tôi xin phép được nói, là biện pháp vừa thi hành (của Nhà Cầm quyền) là vô chính trị!”30. 

Phải nhiều năm sau, những người quan sát mới được thấy sự dối trá trong đường lối chính trị thực dân. Rất có thể, ngày ấy, vào giai đoạn đó, cả Phan Châu Trinh và Nguyễn Văn Vĩnh cũng chưa có “cơ hội” để hiểu rõ bản chất của Chủ nghĩa Thực dân.

Bất chấp những sự cố chính trị đó, F.H.Shcneider vẫn kiên nhẫn duy trì mối quan hệ với Nguyễn Văn Vĩnh. Hai tờ báo tiếng Pháp ra đời năm 1908 và 1910 là minh chứng cụ thể. Cho dù, cả hai tờ báo này đều không đạt được thành công như mong muốn của cả đôi bên. Nguyễn Văn Vĩnh có phần thất vọng, cụ thể là chấp nhận vào Sài Gòn tham gia vào Ban biên tập tờ “Lục tỉnh Tân văn”. Nhưng nhiệt huyết của Nguyễn Văn Vĩnh vẫn luôn luôn ở cao độ (Shcneider nắm bắt được điều này), và khi có thời cơ, Shcneider đã hướng tới việc tổ chức tờ “Đông Dương Tạp chí” 1913.

Tờ báo định mệnh “Nước Nam mới”, ra đời năm 1931, bằng chứng cho sự đối đầu giữa Nguyễn Văn Vĩnh và Nhà Cầm quyền Thực dân. Trang nhất báo L’Annam Nouveau số 1 ra ngày 21.1.1931

Báo  L’ANNAM NOUVEAU tôn trọng chính quyền đã được lập nên, trọng con người của tất cả những đại diện của nó, nhưng không sợ ai và không nịnh ai.
(L’ANNAM NOUVEAU Respecte l’autorite Étabelie danns la personne ces tous ses representants mais ne craint personne et neflatte personne).
Những gì Nguyễn Văn Vĩnh đã thể hiện trong 6 năm trước đó, đã hấp dẫn được đa số các chí sỹ cùng thời. Đông Dương Tạp chí là bước ngoặt lớn của lịch sử báo chí bản địa, chứa đựng đầy đủ ý đồ của cả đôi bên, thể hiện cuộc sống trí thức của xã hội, và là “nhu cầu” của cả hai phía. Đó là lý do mà Ban trị sự của tờ báo đã quy tụ được toàn bộ các nhân sỹ hàng đầu của Bắc và Trung kỳ tham gia. Giá trị của Đông dương Tạp chí còn được Chính quyền thuộc địa duy trì cả đến sau khi Nguyễn Văn Vĩnh qua đời, và họ đã dùng làm con bài xoa dịu nỗi đau sau cái tang Nguyễn Văn Vĩnh 1936, bằng việc đặt người con trai thứ hai của ông là Nguyễn Giang (1904- 1965) làm chủ bút tờ tạp chí này.

Sau năm 1915, xuất hiện sự phân hoá trong bộ máy Ban biên tập “Đông dương Tạp chí”, Nguyễn Văn Vĩnh càng thể hiện bản lĩnh của một người làm báo đích thực. Ngoài việc tiếp tục cho ra những tờ báo mang đậm bản sắc riêng của người Việt như:“Trung Bắc Tân văn”, “Học báo”, “Trung Bắc Chủ Nhật”. Nguyễn Văn Vĩnh đã dám bộc lộ tính độc lập, không chịu sự chi phối gắt gao của chính thể. Kết quả này đã dẫn Nguyễn Văn Vĩnh đi xa hơn, say mê hơn trong sự nghiệp làm báo và xuất bản.

Năm 1922, một lần nữa, Nguyễn Văn Vĩnh lại có cơ hội đến Pháp, cũng để dự Hội chợ Thuộc địa. Đạt được những kết quả liên tiếp trong lĩnh vực văn hoá, đặc biệt là ngôn ngữ và xuất bản, Nguyễn Văn Vĩnh đã không có thái độ thoả mãn, trái lại, ông càng tự tin hơn. Ông quyết định cách mạng công nghệ, thiết bị in ấn và phát hành. Trong chuyến đi lần thứ hai này, Nguyễn Văn Vĩnh đã tìm đến nước Đức để hiểu, để học, thậm chí dám đặt hàng mua dây chuyền kỹ thuật công nghệ in ấn thế hệ mới, nhằm thay thế dây chuyền kỹ thuật cũ, do Schneider đã sử dụng qua hàng chục năm.

Cũng năm 1922 này, F.H.Schneider đã chính thức từ giã Việt Nam, sau gần 40 năm tồn tại.
Những diễn biến vừa nêu, đã trở thành sự cộng hưởng trong lý tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh, vì sau một quãng đường dài trong sự nghiệp của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã yên tâm rằng, lý tưởng khai dân trí của mình đang được thực hiện có kết quả. Ông luôn nhắm tới nhận thức giống như Phan Châu Trinh rằng: chúng ta nghèo khổ và mất tự do, không phải vì số phận, mà vì dân ta thiếu tri thức. Hãy giúp mọi người có được tri thức, có tri thức, họ sẽ tìm được con đường hạnh phúc cho chính mình. Tư tưởng của Nguyễn Văn Vĩnh ngày càng trở nên phấn khích, vì các kết quả đạt được trong đời sống văn hoá xã hội, cụ thể như:

– Chữ Quốc ngữ đã được sử dụng chính thức trong cả nước. Văn học chữ Quốc ngữ đã hình thành, thông qua việc hàng loạt các tờ báo in tiếng Việt của các tổ chức khác nhau xuất hiện trong cả nước31.
– Những tác phẩm văn học, lý luận, triết học, phê bình… của nền văn hóa Pháp và thế giới được dịch ra tiếng Việt, đã chứng minh được sức sống của ngôn ngữ mẹ đẻ. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ đủ sức thay thế chữ Hán và chữ Nôm, kể cả văn xuôi, văn vần và các tác phẩm nghệ thuật sân khấu đỉnh cao. Tất cả đã trở thành chất kích thích, sinh sôi nảy nở ra hàng loạt các loại hình văn hóa nghệ thuật như: Thơ mới, kịch nói, điện ảnh, sách, báo…. Quan trọng hơn cả, những cái mới này, đã trở thành cao trào, cơ sở cho sự phát triển của nghành công nghiệp in ấn và xuất bản.

Những thành quả này, đã thúc đẩy Nguyễn Văn Vĩnh táo bạo nghĩ đến việc cho ra đời, nghành công nghiệp tri thức ở một đất nước nông nghiệp truyền thống. Nguyễn Văn Vĩnh quyết định thành lập Trung tâm Âu Tây tư tưởngLa pensée de l’Occident32.

Suốt cả cuộc đời, sự nghiệp, Nguyễn Văn Vĩnh luôn coi mục tiêu tối thưọng, là hãy giúp mọi người hiểu và nhận thức được thế nào là “Tư duy lô zích Châu Âu33. Ông lấy Trung tâm  làm cái nôi để phát triển trí tuệ cho người dân bản xứ, thông qua việc trau dồi tri thức. Việc dồn mọi nỗ lực vào quyết tâm xây dựng Trung tâm, là quyết định táo bạo và tai hại nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Văn Vĩnh, vì ông đã không quan tâm tới:
– Bản chất của Chủ nghĩa Thực dân với việc ngu dân hóa, đó là một chiến lược.
– Mục đích ban đầu trong chính sách cai trị của Thực dân Pháp, họ muốn chữ Quốc ngữ thay thế Hán Nôm, vì họ đã thất bại trong việc phổ cập Pháp văn đối với người bản xứ. Thực tế, chữ Quốc ngữ dễ học và điều này giúp việc cai trị người dân bản xứ thuận lợi hơn.
– Chính quyền thực dân cần kìm hãm sự phát triển trí tuệ của dân tộc An Nam, mà Nguyễn Văn Vĩnh đã ngồi được lên chiếc ghế của một kẻ cầm đầu, vượt xa những toan tính ban đầu của chính họ.
– Chính quyền Thực dân đã nhìn thấu tâm can của Nguyễn Văn Vĩnh, kẻ đã sống mái trong quyết định thành lập một trung tâm nuôi dưỡng và phát triển tri thức, cây cầu nối với văn minh nhân loại, để rồi từ đó, kẻ bị trị sẽ có khả năng nhìn thấu tâm đen của kẻ cai trị, điều này sẽ đe dọa, làm lung lay vị thế của kẻ cai trị. Với bản chất quỷ quyệt, Nhà Cầm quyền, thay vì ngăn cản Nguyễn Văn Vĩnh như một kẻ “thân Pháp”, họ đã đồng ý để Nguyễn Văn Vĩnh vay một khoản tiền khổng lồ từ hệ thống tài chính của hệ thống cai trị.
– Bộ máy cai trị phát hiện chính xác, sự liều lĩnh của Nguyễn Văn Vĩnh, khi dồn toàn bộ cơ sở vật chất và tài chính do F.H.Schneider giao lại, đem thế chấp với Ngân hàng Đông Dương34, đầu tư cho việc đổi mới về căn bản toàn bộ dây chuyền công nghệ in ấn, xuất bản, mục đích để có những sản phẩm mới chất lượng hơn, số lượng lớn hơn, phục vụ cho mục tiêu truyền bá kiến thức của Trung tâm. Nhà cầm quyền đương nhiên đã giành vị thế của kẻ nắm đằng chuôi về tài chính trong quan hệ với Nguyễn Văn Vĩnh.
– Nguyễn Văn Vĩnh chưa bao giờ thể hiện là người muốn làm chính trị, và biết làm chính trị, “Nguyễn Văn Vĩnh, nhà báo có tài nhưng lại là nhà chính trị vụng về (Albert Sarraut)35.  Nguyễn Văn Vĩnh chỉ thuần túy lao theo lý tưởng của mình, tuyệt nhiên không hề tính đến những ý đồ chính trị nham hiểm của Nhà Cầm quyền. Thời nay, ngưòi ta có thể kết luận, đó là sự ngây thơ của Nguyễn Văn Vĩnh.

Suốt giai đoạn cuối những năm 20, Nguyễn Văn Vĩnh dồn toàn tâm, toàn ý vào việc xây dựng Trung tâm. Ông ra sức dịch, xuất bản và viết bài, làm nguyên liệu cho chủ trương khai hóa của mình. Ông càng viết, càng chứng minh vốn tri thức uyên thâm, tư duy ngay thẳng, ông càng va đập mạnh với đường lối và chủ trương cai trị của Chính phủ Thuộc địa và Triều đình Nhà Nguyễn.

Năm 1930, trước hàng loạt những hệ quả trong đời sống văn hoá và tư tưởng mà Nguyễn Văn Vĩnh tạo nên trong xã hội, thông qua việc xuất bản, truyền bá các tư tưởng triết học tiến bộ phương Tây, mà ông tiếp thu được từ chính nền văn minh và kho tàng tri thức của nước Pháp, Chính quyền Thục dân hết bình tĩnh, đã quyết định dùng mọi biện pháp ngăn chặn, bẻ gẫy ngòi bút của Nguyễn Văn Vĩnh.

Năm 1931, trước sự dồn ép, thương lượng, thậm chí đe dọa từ phía Nhà Cầm quyền, Nguyễn Văn Vĩnh đành chọn việc viết bằng tiếng Pháp. Ông cho ra đời tờ báo định mệnh “L’Annam NouveauNước Nam mới” (In bằng tiếng Pháp không phải xin phép)36 Nguyễn Văn Vĩnh, thông qua tờ báo tiếng Pháp này làm mặt trận sống còn, để bày tỏ chính kiến, quan điểm chính trị của mình với công chúng và chính thể. Ông hoàn toàn tự tin vào những lập luận chính trị của mình, khi viết hàng loạt bài phê phán xã hội, phê phán đường lối của Chính phủ, đến mức không hề bận tâm tới sự “cay cú” của Nhà Cầm quyền.

Với tờ báo này, cuộc đấu tranh nghị trường giữa Nguyễn Văn Vĩnh với Nhà Cầm quyền đạt đến mức báo động. Vì in tiếng Pháp, ở mức độ nào đó, tờ báo đã bộc lộ sự hạn chế trong việc chia sẻ chính kiến với độc giả là người Việt, nhưng là sự đối mặt trực diện với Chính phủ Thuộc địa cũng như Triều đình Huế. Nó đã trở thành diễn đàn tố cáo trước dư luận và chính trường nước Pháp, những chính sách cằn cỗi và bần cùng hoá dân tộc Annam. Vậy nên, mẫu thuẫn giữa ông và Nhà Cầm quyền về chính trị đã đạt đến tột đỉnh.

Năm 1935, Chính quyền đương thời coi đó là giọt nước tràn ly, đã ra tối hậu thư đòi Nguyễn Văn Vĩnh phải đi tù với lý do nợ quá hạn! Chính quyền Thực dân đã sử dụng vai trò nắm đằng chuôi trong vấn đề tài chính, điều mà họ đã dự kiến từ khi đồng ý để Nguyễn Văn Vĩnh ký khế ước vay nợ ngân hàng Đông đương năm 1926. Việc xiết nợ là vũ khí lợi hại của giới tài phiệt thực dân, mặc dù khế ước có thời hạn 20 năm.

Chính phủ Thuộc địa còn sảo quyệt đến mức tạo ra việc xuất hiện một nhân vật có tên là Amédée Climente, người Pháp có gốc ở đảo Coóc, lấy vợ ngưòi Việt ở tỉnh Hưng Yên, và cũng đang trong cơn nợ nần bê bối, tìm đến Nguyễn Văn Vĩnh “rủ nhau sang tìm vàng ở Sê Pôn – Lào theo gợi ý của Chính quyền!37.

Sự việc Nguyễn Văn Vĩnh đi “tìm vàng để trả nợ”, tạm thời chấm dứt các hoạt động xã hội, mà hệ trọng nhất là việc dừng viết, diễn ra đầu năm 1936. Trong lúc Nguyễn Văn Vĩnh đang “tưng bừng” với 11 bài phóng sự “Một tháng với những người tìm vàng38, nguời vợ ba là Suzanne Vĩnh, đã gửi một bức thư vào tận Sê Pôn, đề nghị ông quay về Hà Nội khẩn cấp, nhanh chóng rời bỏ công việc tìm vàng, vì: đã “thoả thuận” xong với những nhân vật tai mắt trong bộ máy cầm quyền, sẽ thoát được việc xiết nợ, thậm chí cũng sẽ không phải ngồi tù!
Chính vào thời khắc này, người ta đã thấy sụ vắng mặt “vô tình” của Climente (bạn đường với Nguyễn Văn Vĩnh) ở Sêpôn. Ngày 1.5.1936, người ta đã tìm thấy sau một đêm mưa gió thân xác Nguyễn Văn Vĩnh, trên chiếc thuyền độc mộc, một thân một mình, cơ thể tím đen, đến mức, khi người nhà đến nơi, còn không nhận ra được?!

Người ta loan báo rằng, Nguyễn Văn Vĩnh đã chết vì sốt rét và kiết lỵ!39. Chính phủ Thuộc địa đã đồng ý để Hội Tam điểm (Franc-Maconnerie) đứng ra tổ chức đưa thi hài Nguyễn Văn Vĩnh về Hà Nội để làm tang. Cùng thời gian đó, Chính phủ đã nhanh chóng hoàn tất việc bán hoá giá toàn bộ tài sản cùng những cơ sở vật chất của Trung tâm Âu Tây tư tưởng, toà soạn báo L’Annam Nouveau, đẩy toàn bộ gia đình Nguyễn Văn Vĩnh vào chỗ khổ đau, tan nát. Họ đã kết thúc sự nghiệp của Tân Nam tử khi ông mới 54 tuổi!

Như vậy, Chính phủ Bảo hộ đã thực sự thất vọng với Tân Nam tử Nguyễn Văn Vĩnh, vì sau một chặng đường dài, sự “hợp tác” đã không “thuần dưỡng” được Nguyễn Văn Vĩnh, để trở thành công cụ đắc lực cho chính sách cai trị lâu dài, đặc biệt trong lĩnh vực văn hoá tư tưởng. Ngược lại, đã “giúp” Nguyễn Văn Vĩnh thành công trong việc xây dựng nền văn hoá chữ Quốc ngữ cho người dân An Nam, tạo tiền đề để phát huy tính trí tuệ, mở ra xu hướng đòi độc lập cho dân tộc mình, làm tăng khả năng nhận thức về giá trị của xã hội khoa học, của triết học, và biện chứng học, tác động mạnh đến tư duy đòi bình đẳng, nhân quyền, đe doạ sự tồn vong của Chủ nghĩa Thực dân Pháp tại Việt Nam.

Chính quyền thực dân đã thực sự lo lắng về Nguyễn Văn Vĩnh từ 1926, khi Nguyễn Văn Vĩnh đã vô tư bộc lộ nguyện vọng chính trị của mình với điều tra viên của Chính phủ Thuộc địa – ngài  Bertrand – trong buổi câu lưu của nhà cầm quyền, vào hồi 8h30, ngày 15/5/1926. Ông đã nói như sau:
 “Trong chuyến thăm Huế tháng Một vừa rồi (1926), tôi đã gặp cụ Phan Bội Châu và nhiều nhân vật chính trị An Nam. Chúng tôi đã thoả thuận thành lập ở Đông Dương một Đảng Cộng hoà tiến bộ. Chúng tôi đã soạn thảo Điều lệ và đã trình lên quan Toàn quyền để ngài chuyển tới quan Thống sứ Bắc kỳ và quan Khâm sứ Trung kỳ để xem xét…”40.

Kết luận: Việc Chính quyền Thực dân phải loại bỏ Nguyễn Văn Vĩnh, là chuyện dễ hiểu!


http://www.tannamtu.com/?p=2855

1. Đảng Cộng sản Đông Dương.
Đảng Cộng sản Đông dương ra đời năm 1930, hợp với bối cảnh khi Chính phủ Thuộc địa và Triều đình Nhà Nguyễn lâm vào giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng về chính sách cai trị, cộng với tình hình thế giới và nước Pháp lâm vào suy thoái kinh tế nặng nề. Hàng loạt các biến động xã hội, có tính phong trào, đòi tự do, dân chủ và giải phóng khỏi chế độ cai trị của Thực dân, là thể hiện sự khát khao của một dân tộc bị đè nén, áp bức kéo dài.

Các phong trào phản kháng do những gương mặt ái quốc khác nhau lãnh đạo, đều theo các phương thức riêng lẻ. Để quy tụ được các lực lượng đòi cách mạng xã hội, việc một cá nhân hay một tổ chức tìm cách giành lấy vị thế độc tôn, trở nên một yêu cầu sống còn. Trong hoàn cảnh của một đất nước đang thoát thai khỏi chế độ Phong kiến cực kỳ lạc hậu, lại chịu sự cai trị của chế độ Thực dân kiểu cũ hà khắc, đặc biệt khi nền văn hoá bản xứ đang hình thành theo mô hình mới đầy lực hấp dẫn, đã tạo nên những giằng xé dữ dội trong cuộc sống chính trị hàng ngày. Cuộc giằng xé này, đã tạo ra những nhận thức và những đánh giá vội vàng, phiến diện của một số trào lưu có tính tổ chức, đối với nhiều gương mặt có danh của những khuynh hướng chính trị khác. Đặc biệt đối với những nhân sỹ có những xuất xứ khác với hệ tư tưởng của những ngưòi theo chủ thuyết Vô sản, lực lượng đang thai nghén một cuộc cách mạng nổi dậy.

Cần nhận thấy, trong quá khứ, kể cả những phong trào khác nhau, có cùng mục đích đấu tranh nhắm đến yêu cầu giải phóng đất nước khỏi vòng nô lệ, mong muốn xây dựng một cuộc sống tự do, một xã hội dân chủ, đều đã không được những ngưòi theo chủ thuyết Vô sản thừa nhận.

Toàn cảnh ngôi đình Yên Phụ số 66 phố Phó Đức Chính, quận Ba Đình, Hà Nội. Đây từng là Trường Hậu bổ (Thông ngôn) những năm cuối thế kỷ XIX, và Nguyễn Văn Vĩnh là “Thằng nhỏ kéo quạt” từ năm 1890 đến 1892

Tóm lại, khái niệm: mỗi người có một cách yêu nước riêng, là một khái niệm xa lạ! Chính vì tồn tại quan điểm như vậy, nên tất cả những gương mặt hoạt động xã hội theo những chủ thuyết khác, không cùng với quan điểm của những người theo tư tưởng và học thuyết Vô sản, đều đã bị coi là theo Chủ nghĩa Cải lương (Văn kiện Đảng CS Đông dương)41.

Những đánh giá vội vàng này, đã tạo một nhận thức tiêu cực đối với các tầng lớp quần chúng ít có điều kiện nhìn nhận xã hội ở một bình diện rộng và sâu, nhất là các chí sĩ cùng thời như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Vĩnh… Vì vậy, thực tế này, một mặt phủ nhận những dâng hiến của những con người điển hình trong hoạt động cách mạng nói chung đối với lịch sử dân tộc. Mặt khác, tạo sự ngờ vực trong nhận thức của người dân về lòng yêu nước của họ.

Trong văn kiện Đảng 1930-194542(42), Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng lại đã xác định một lần nữa, tính đối lập của nhóm các nhà yêu nước này. Những đánh giá đáng tiếc đó, đã trở thành định kiến trong một bộ phận những người làm công tác tư tưởng của Đảng cầm quyền. Điều này, đã tồn tại dai dẳng trong quá trình vận động của lịch sử, tạo ra một cách nhìn sai lệch về quá khứ sự thật. Sự hiểu biết sai lệch do không nhìn toàn cục những diễn biến lịch sử, không phải chỉ gây tổn hại về danh dự của những danh sỹ đó ở từng giai đoạn, mà còn ảnh hưởng đến cả sự nhận thức về quá trình hình thành lịch sử đấu tranh văn hoá của một đất nước (Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900-1930)43.

Thậm chí cho đến năm 1999, trên tờ “Nhân dân cuối tuần”, số 35 (552), ngày 29.8.1999, trong mục trao đổi ý kiến của tác giả Nguyễn Thành, khi nêu những nhận định về Nguyễn Văn Vĩnh, có đoạn viết: “… Nguyễn Văn Vĩnh đả kích đích danh Phan Bội Châu, Kỳ Đồng… lại cũng là người yêu nước sao?”. Rồi tác giả tự kết luận:“Vẫn một luận điệu trước sau như một: bảo vệ thực dân, chống người yêu nước!”.

Cách tư duy thiếu tính biện chứng, mang nặng tính chụp mũ như vậy của tác giả bài viết, thật là sự trớ trêu và đáng buồn cho sự hiểu biết của các thế hệ đi sau, vì nó mâu thuẫn với bản chất của mối quan hệ Nguyễn Văn Vĩnh – Phan Bội Châu.

.
Ngôi nhà 25 phố Nguyễn Gia Thiều, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội của gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh. Tại đây, năm 1955, người con trai thứ năm của Nguyễn Văn Vĩnh là Nguyễn Phổ (1913-1997) bị bắt và ở tù 17 năm. Năm 1982, Nhà nước Việt Nam đã truy tặng các quyền lợi chính trị cho ông, vì Nguyễn Phổ là Nhà tình báo ngoại tuyến của QĐND VN

Gần đây, những ai từng quan tâm đến mối quan hệ đặc thù Nguyễn Văn Vĩnh – Phan Bội Châu (hai người cách nhau 15 tuổi), đều biết đến bài điếu khóc của Phan Bội Châu, gửi từ Huế ra đám tang Nguyễn Văn Vĩnh ngày 8.5.1936 tại Hà Nội, bằng cả chữ Hán và bằng cả chữ Quốc ngữ, đã bắt đầu bằng câu:
Tôi đau cảm quá…”.

Tác giả bài báo và những người có cùng suy nghĩ như ông ta, làm sao biết được, Nguyễn Văn Vĩnh đã bị điều tra viên Bertrand, một chuyên gia khét tiếng về an ninh của Phủ Toàn quyền Đông Dương, đã nghi ngờ và xét hỏi Nguyễn Văn Vĩnh về mối quan hệ với Phan Bội Châu ra sao không? Nguyên văn như sau:
Bertrand:
Vì sao ông xem Phan Bội Châu như một người đứng trên các quan lại?
Nguyễn Văn Vĩnh:
Ngày xưa các quan lại là “phụ mẫu” của dân, nhưng ngày nay họ là viên chức, nghĩa là người làm công ăn lương của người đóng thuế, nhưng họ không phục vụ dân, không phục vụ nhà nước Bảo hộ, ngược lại họ là những kẻ lừa dân. Bằng những việc xấu xa đó, họ đã làm dân chúng căm phẫn Chính quyền. Tôi không thể tôn trọng họ chút nào. Tôi nghĩ rằng, những bậc khoa bảng nói chung, và cụ Phan Bội Châu nói riêng, là những người đứng trên những kẻ đó.
Cụ Phan Bội Châu là một vị anh hùng, bởi lẽ cụ bao giờ cũng chỉ đi theo lý tưởng của mình và không bao giờ chịu khuất phục cường quyền44.
(TT Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp CAOM – Mã số SPCE 374)

Một trong những nghi ngại lịch sử mà những người theo lý tưởng Vô sản đã từng đặt vấn đề về tư tưởng chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh, đó là thuyết: Trực trị. Song song với Phạm Quỳnh là thuyết: Quân chủ lập hiến.

Thực chất, Nguyễn Văn Vĩnh đã theo đuổi học thuyết Trực trị vào một bối cảnh mà người đời sau rất khó để chia sẻ, vì nó hoàn toàn là sản phẩm tư duy của bối cảnh xã hội chính trị lúc đó. Sau này, khi xã hội nằm trong những biến chuyển khác hẳn với thời đại mà Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh tồn tại, người ta đã đứng ở hoàn cảnh xã hội khác hẳn đó, để phán quyết. Đó là một sự khập khễnh.

Suốt hàng thập kỷ qua, nhiều nhà chuyên môn đã luận bàn về học thuyết này của Nguyễn Văn Vĩnh, song chưa có nhà khoa học nào đưa ra nhận định một cách cụ thể. Gần đây, trong một sự kiện mang tính cục bộ, diễn ra tại quê hương của Nguyễn Văn Vĩnh, vào ngày 05/12/201045, nhà nghiên cứu và phê bình văn học Lại Nguyên Ân, đã lý giải trước diễn đàn như sau:
Cụ Vĩnh đề xuất thuyết Trực trị. Nghe nói, nhiều người hiểu rằng, cụ lệ thuộc vào nước Pháp! Theo tôi, cụ Vĩnh đã biết dựa vào chế độ chính trị thực tế ở Việt Nam lúc đó, tức là: Đặt trực tiếp sự cai trị, không thông qua trung gian là bộ máy quan chức của chế độ quân chủ, vì nó vừa cồng kềnh, vừa ít hiệu quả, và quá nhiều sự nhũng lạm. Nam kỳ là Trực trị, guồng máy hoạt động được, chứ Bắc kỳ không hoạt động được. Đặt chế độ Trực trị thời điểm đó, sẽ được nhiều sự tự do hơn, dân chủ hơn, ảnh hưởng tiến bộ của nước Pháp được rộng rãi hơn. Cụ Vĩnh là người có tính thực tế và tiến bộ sâu sắc… Cụ đã có được một tư tưởng sáng suốt và cấp tiến hơn nhiều các chính khách khác cùng thời!”.

Nhìn lại quá trình tồn tại lịch sử, Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng như tiếp theo là Đảng Lao động Việt Nam, đều có quan điểm nhìn nhận sự nghiệp văn hoá, cuộc sống chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh theo nguyên tắc của một góc chiếu, và đó không phải là sự đối đầu!
Việc có những cách nhìn tiêu cực về Nguyễn Văn Vĩnh, đã chỉ diễn ra trong những bối cảnh nhất định, do những cá nhân giữ trách nhiệm từng lĩnh vực, của từng thời kỳ trong đời sống văn hoá xã hội, các vị đó, đã không có điều kiện để bao quát các diễn biến lịch sử, nên đã có những đánh giá thiếu công bằng, kèm theo cả những định kiến chủ quan. Thực tế này đã không chỉ sảy ra với một mình Nguyễn Văn Vĩnh.

Thời gian đã tạo điều kiện để Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng kế nhiệm Đảng Cộng sản Đông Dương và Đảng Lao động Việt Nam), thực hiện việc điều chỉnh những nhận định chưa thấu đáo của mình, về các danh sỹ trong đời sống chính trị và xã hội của quá khứ. Đây là điều không chỉ diễn ra đối với lịch sử Việt Nam, mà cả trong lịch sử Thế giới.

Mặt khác, hoàn cảnh xã hội Việt Nam trong suốt thời kỳ từ khi Nguyễn Văn Vĩnh qua đời, đến khi chấm dứt chiến tranh 1975, hoàn toàn là giai đoạn khắc nghiệt với hai cuộc chiến tranh tàn khốc, mà ưu tiên của Đảng cầm quyền là động viên toàn xã hội, dành mọi quan tâm đến việc giành được thắng lợi khi kết thúc chiến tranh, vì vậy, việc xem xét và điều chỉnh những đánh giá lịch sử chưa công bằng trong quá khứ đã không thực sự được chú trọng!

Kết luận: Đảng Cộng sản Đông Dương với Nguyễn Văn Vĩnh, thực chất không phải là sự đối đầu, nhưng là sự khác biệt về tư duy trong phương thức động viên cách mạng của lịch sử.

2. DƯ LUẬN, PHẢN ỨNG XÃ HỘI Ở VIỆT NAM và QUỐC TẾ về ĐỀ TÀI NGUYỄN VĂN VĨNH TỪ NĂM 2000 ĐẾN NAY.
Với độ lùi của thời gian, với những tình cảm sâu nặng của thế hệ cùng thời Nguyễn Văn Vĩnh, với sự biết ơn của những nhóm trí thức của thế hệ kế tiếp, và với những thiện cảm hình thành thông qua những di sản hiện hữu do Nguyễn Văn Vĩnh để lại, năm 2001, Đại sứ quán nước Cộng hoà Pháp tại Việt Nam đã quyết định:

Chương trình Hỗ trợ xuất bản (PAP) được triển khai từ năm 1990, với mục tiêu trợ giúp các nhà xuất bản Việt Nam, thực hiện chính sách dài hạn trong việc xuất bản các ấn phẩm văn học bằng tiếng Pháp, tiếng Việt hoặc song ngữ… từ nay mang tên NGUYỄN VĂN VĨNH. Lý do Đại sứ quán Cộng hoà Pháp quyết định việc Quỹ mang tên Nguyễn Văn Vĩnh có đoạn viết:
Thông qua các bài báo và các công trình dịch thuật của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần vào cuộc cách mạng chữ viết tại Việt Nam vào đầu thế kỷ XX, và biến chữ Quốc ngữ thành chữ viết Quốc gia. Nhờ Nguyễn Văn Vĩnh, nhiều thế hệ trẻ Việt Nam đã có thể tiếp xúc với tư tưởng và văn hoá Pháp… dựa trên sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau”.

Tháng 6 năm 2002, lần đầu tiên, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đã kết hợp với gia tộc của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, tổ chức buổi tọa đàm về: “Nhân vật lịch sử – Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh tại Bảo tàng Cách mạng Việt Nam. Buổi tọa đàm đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong dư luận, đặc biệt với những nhà nghiên cứu lịch sử, văn hoá.

Bàn thờ các nhân sĩ Đông Kinh Nghĩa Thục tại Văn Miếu

Nhân dịp 85 năm bãi bỏ chữ Nho (1919), và 80 năm (1924) quyết định đưa chữ Quốc ngữ vào dạy tại cấp tiểu học ở Việt Nam, báo Quân đội Nhân dân số 15657, ra ngày Chủ Nhật 28/11/2004, trên trang Văn hoá, đã trang trọng đăng bài “Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh và sự ra đời của chữ Quốc ngữ” của tiến sỹ khoa học Nguyễn Đình Đăng, có đoạn viết:
“… Hàng ngàn người dân Hà Nội đứng chờ trong sự yên lặng vô cùng trang nghiêm trước quảng trường nhà ga để đưa tiễn ông – con người bằng tài năng và sức lao động không biết mệt mỏi của mình đã góp phần làm cho chữ Quốc ngữ trở thành chữ viết của toàn dân Việt”.

Cũng trong năm 2004, Nhà xuất bản Thế giới đã cho ra mắt “Từ điển Văn học – Bộ mới”. Bình luận về nội dung cuốn từ điển này, ngày 18/5/2005, Đài phát thanh BBC đã nhận định: Việc ra đời cuốn từ điển Văn học bộ mới cho thấy, sự thay đổi của Việt Nam trong việc nhìn nhận lại những nhân vật lịch sử, mà cụ thể là trường hợp Nguyễn Văn Vĩnh được nêu trong từ điển”. 

Báo An ninh Thế giới cuối tháng, số 44 ra tháng Ba năm 2005 với bài “Học giả Nguyễn Văn Vĩnh – Ta tắm ao ta” của tác giả Hoàng Nguyên, cũng nhìn nhận sâu sắc về vai trò nổi bật của Nguyễn Văn Vĩnh trong lịch sử văn hoá nước nhà.

Tạp chí Văn Hiến số 4(48), ra ngày 20/5/2005, trong trang Di sản, đăng bài phân tích khá sâu sắc với nhan đề: Nguyễn Văn Vĩnh – Từ ‘Bản năng chữ’ đến ý thức về một công cụ văn hoá của cố giảng viên Học viện Báo chí tuyên truyền Trần Hoà Bình. Trong bài viết, đã phân tích một cách khoa học tư duy bản năng của Nguyễn Văn Vĩnh khi nhận thức được giá trị của chữ viết đối với sự phát triển nền văn hoá của một dân tộc. Tác giả nhận định:
“…Tất cả những tờ báo tiếng Việt (của Nguyễn Văn Vĩnh), đã chứng minh cho một nỗ lực thường xuyên của Nguyễn Văn Vĩnh về phương diện truyền bá chữ Quốc ngữ – điều mà trước đó, trong lời tựa của cuốn sách Tam quốc chí diễn nghĩa (1909) do ông cùng với Phan Kế Bính dịch từ Hán văn ra Việt văn, ông đã viết: ‘Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ Quốc ngữ!’. Nói ra điều ấy trong bối cảnh một đất nước có đến 90% dân số mù chữ, đủ thấy tầm nhìn văn hoá của Nguyễn Văn Vĩnh”.

Lần đầu tiên, dư luận ở Việt Nam đã đặt câu hỏi lịch sử đối với trách nhiệm của cả hai Chính phủ Việt Nam và Pháp, về cái chết bất bình thường của Nguyễn Văn Vĩnh ngày 1/5/1936, qua bài viết của nhà báo Xưân Ba, đăng trên Văn nghệ Trẻ – Tết  Đinh Hợi (2007), xin trích đoạn:
“… Cụ đã vỡ nợ rồi gục ngã theo nghĩa đen với cái chết ở bên Lào, bởi sự phối hợp cấu kết nhịp nhàng của thực dân với giới tài phiệt thuộc địa. Có lẽ mai hậu, cái chết của nhà văn hoá, học giả Nguyễn Văn Vĩnh ngày 1/5/1936, vẫn còn là một nghi án?! … Khéo khen thay cho sự giàn xếp của Toàn quyền Pháp lẫn hệ thống cai trị ở Đông dương khi ấy!”.

Năm 2007, với nỗ lực cùng sự đau cảm bất tận, hậu duệ trong gia tộc nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, đã lao tâm khổ tứ, bằng kinh phí tự túc, đã hoàn thành việc xây dựng bộ phim tài liệu dài 4 tập mang tên “Mạn đàm về Người Man di hiện đại”, tổng thời lượng 215 phút, nói về cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh. Bộ phim ra đời, đã lập tức dành được sự quan tâm rộng lớn của nhiều tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người quan tâm và yêu mến lịch sử, văn hoá nước nhà, không phải chỉ ở trong nước mà cả trong dư luận  quốc tế. Nhiều tổ chức xã hội đã tiếp cận với bộ phim theo những điều kiện riêng của mình. Bộ phim đã được mời trân trọng, chiếu tại Tỉnh uỷ Tỉnh Quảng Nam, tháng 12/2007 (quê hương Phan Châu Trinh), với tình cảm vô cùng quý hóa của người xem.

Giáo sư Chương Thâu, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi và Giáo sư Đinh Xuân Lâm thắp hương tại bàn thờ cụ Vĩnh (Từ trái sang phải )

Bộ phim cũng được trình bày tại Viện Nghiên cứu Văn học, Viện Nghiên cứu Văn hóa, khoa Báo chí trường Đại học Quốc gia, khoa Việt Nam học, khoa Ngữ văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khoa Sáng tác trường Đại học Văn hoá… với cả ngàn lượt sinh viên tham dự. Qua các buổi chiếu, bao giờ những người làm phim cũng nhận được sự chia sẻ chân thành, xúc động, và đầy tự hào, khi các sinh viên được biết, trong quá khứ, Việt Nam ta có người tài xuất chúng như Nguyễn Văn Vĩnh.

Tháng Ba năm 2008 , bộ phim đã được Ban Tổ chức kỷ niệm ngày Quốc tế Pháp ngữ (Francophonie), mời trình bày tại Các Viện Đại học, thuộc thành phố Montpellier – Cộng hoà Pháp, với sự có mặt của đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp.

Long trọng hơn nữa, tại buổi chiếu phim, Ban Tổ chức đã công bố bức thư của ngài Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia nói tiếng Pháp ABDOU DIOUF, gửi tới Hội nghị, ca ngợi Nguyễn Văn Vĩnh. Trong thư có đoạn:
“…Và thật may mắn, khi để kết giao tinh thần của hai thứ ngôn ngữ, Nguyễn Văn Vĩnh, người chiến sỹ trên mặt trận trao đổi kiến thức, đã chọn những tác phẩm mà qua nhiều thế kỷ vẫn giữ nguyên vẹn tính đại chúng .”

Ngày 15 Tháng Tư năm 2009, được sự nhất trí của các bên liên quan, Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Hà Nội, đã quyết định trình chiếu bộ phim tài liệu “Mạn đàm về Người Man di hiện đại” tại Trung tâm Văn hoá Pháp L’Espace. Buổi chiếu diễn ra trong bầu không khí đặc biệt trang trọng, và thiêng liêng. Hầu hết các báo giấy ở khắp cả ba miền, và các trang tin điện tử ở trong nước, đều đưa tin, hoặc bình luận về sự kiện văn hoá này.

Bộ phim tài liệu về con người và sự nghiệp của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, đạt được sự thành công, hoàn toàn là nhờ vào sự nhiệt tình, sự kính trọng, và lòng ngưỡng mộ của những nhà khoa học, các học giả, những người trân trọng giá trị thực của sự nghiệp văn hóa của Nguyễn Văn Vĩnh, như các vị: Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm, giáo sư Sử học Chương Thâu, giáo sư Nguyễn Đình Đầu, giáo sư Âm nhạc Trần Văn Khê, cựu Đại sứ Việt Nam ở Italia – bà Phan Thị Minh (tức Lê Thị Kinh), giáo sư sử học Trịnh Văn Thảo – Đại học Aix Provence, và nhiều nhân sỹ có uy tín khác ở Việt Nam cũng như ở Pháp.

Những phản ứng tích cực của xã hội, thể hiện sự suy nghĩ trân trọng của tầng lớp trí thức Việt Nam trước nhân vật lịch sử đặc sắc của văn hoá nước nhà. Đồng thời, đã tác động một mặt nào đó đến công tác giáo dục, đào tạo của đất nước. Trong ba năm liên tiếp, đã có ba nghiên cứu sinh làm luận văn bảo vệ Thạc sỹ về đề tài Nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh:
Nguyễn Văn Vĩnh trong sự hình thành và phát triển báo chí Việt Nam” của nhà báo Nguyễn Văn Yên (Yên Ba), báo Quân đội Nhân dân. Luận văn được bảo vệ tháng 12.2007 tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH QG Hà Nội.

Sự nghiệp văn học của Nguyễn Văn Vĩnh và vấn đề tiếp nhận các tác phẩm của ông” của giảng viên Tạ Anh Thư, trường Đại học Sư phạm Bình Dương. Luận văn được bảo vệ tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐH QG TP HCM năm 2009.

Đặc biệt, tháng 10. 2010, tại Học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, nghiên cứu sinh, nhà báo Mai Thành Chung, đã đạt 9,7/10 điểm khi bảo vệ đề tài “Nguyễn Văn Vĩnh trong bối cảnh văn hoá Việt Nam đầu thế kỷ XX”.

Cũng trong dòng chảy này, báo Nhân dân ngày 21/4/2009, đã nhìn nhận, bộ Truyện Kiều do Nguyễn Văn Vĩnh dịch sang tiếng Pháp do nhà xuất bản Alexander de Rhodes ấn hành năm 1942, là hiện vật quý của Quốc gia.

Đó là chưa nói đến trên trường quốc tế, Tiến sỹ Christophe Goscha, một giáo sư người Mỹ, giảng viên Đại học Montreal – Canada, với bài viết năm 2001, gồm 26 trang, nhìn nhận tổng quát vai trò lịch sử trong văn hóa Việt Nam của Nguyễn Văn Vĩnh. Chủ đề mang đậm quan điểm lịch sử khoa học có tên: “Nguyễn Văn Vĩnh và tính phức tạp của công cuộc hiện đại hóa thuộc địa ở Việt Nam”. Năm 2006, cô Emanuelle Effidi, một người Pháp, đã bảo vệ thành công luận văn tiến sỹ tại đại học Paris VII, với đề tài: “Nghiên cứu Đông dương tạp chí 1913”.

Cũng cần phải nói đến tấm lòng của người dân thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng ND TP năm 1999, đã ghi danh Nguyễn Văn Vĩnh khi quyết định đặt lại tên một con đường ở quận Tân Bình, mang tên ông.

Điểm lại các bản báo, trong 10 năm qua đã có gần 50 bài viết, hầu hết đều ca ngợi vai trò của Nguyễn Văn Vĩnh gắn liền với lịch sử báo chí và văn hoá Việt Nam ở thế kỷ XX.
Sự tóm tắt trên đây về thái độ của xã hội trước chủ đề Nguyễn Văn Vĩnh, thật khó có thể nói khác nếu không kết luận, rằng: Xã hội đã tôn vinh Nguyễn Văn Vĩnh theo bản năng của mình. Sự thật này, đã thể hiện đúng bản chất cao quý của loài người, rằng dù sống trong hoàn cảnh xã hội nào, thì cũng không thể thiếu lòng biết ơn của hậu thế đối với những dâng hiến của các bậc tiền nhân, trong sự nghiệp xây dựng đất nước thành một Quốc gia độc lập, tiến bộ!

Đành rằng, trong đời sống hàng ngày, có nhiều sự việc chớ trêu đến mức vô tình, cản trở hoặc làm méo mó nhận thức của xã hội và dân chúng trước một sự thật, hoặc một con người cụ thể của lịch sử, và đó chính là trường hợp nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh!

Bất chấp những thăng trầm của lịch sử dân tộc, những xô đẩy của thời gian, kể cả những tính toán có chủ ý trong các bối cảnh chính trị qua từng giai đoạn nghiệt ngã của đất nước Việt Nam, vai trò của nhà báo Nguyễn Văn Vĩnh, những cống hiến hiện hữu trong lĩnh vực văn hoá xã hội mà Nguyễn Văn Vĩnh để lại, vẫn in đậm trong tình cảm, ý thức của các tầng lớp dân chúng ở mọi giai đoạn lịch sử, suốt thế kỷ XX đầy máu và nước mắt ở đất nước Việt Nam.

Nguyễn Văn Vĩnh là nguyên khí của quốc gia!

1 François Henry Schneider sinh ngày 1.12.1851 tại Paris. Ông là chuyên gia về in ấn và xuất bản. Đến Việt Nam tháng 8 năm 1882 theo Hợp đồng ký với Hải quân Pháp, lúc đầu là 3 năm. Điểm đến của ông là Nam kỳ. Trong những năm đầu, Schneider đã từng hợp tác với Trương Vĩnh Ký và Huỳnh Tịnh Của, nhưng không đạt được kết quả như dự định trong lĩnh vực phát hành báo chí và xuất bản.  F.H.Schneider chính thức chuyển ra phía Bắc đầu thế kỷ XX, bằng một thoả thuận miệng với Toàn quyền de Lanessan, F.H. Schneider cho xuất bản tờ công báo bằng chữ Hán đầu tiên tại Bắc Kỳ, tờ “ Đại-nam Đồng-văn Nhật-báo”(1891-1907), tiền thân của tờ báo đầu tiên in bằng chữ Quốc ngữ ở Hà Nội “ Đăng cổ Tùng báo”, và cử Nguyễn Văn Vĩnh là Chủ bút. Đến năm 1918, F.H.Schneider ở VN đã quá lâu, nền công nghiệp xuất bản tại VN đã thành hình, ông quyết định dừng các công việc kinh doanh để trở về Pháp. Năm 1920, ông bán lại cơ sở báo “Lục Tỉnh Tân văn” trong Sài Gòn cho ông huyện Của (Nguyễn Văn Của) và trao lại toàn bộ cơ sở vật chất ở Hà Nội cho Nguyễn Văn Vĩnh với lý do tạ ơn! Theo Nguyễn Văn Vĩnh, F.H.Schneider mất tại Pháp khoảng năm 1923 hay 1924 gì đó.
2 Ngày 27/6/1906, nhân chuyến đi lần đầu tiên tham dự Hội chợ Thuộc địa, Nguyễn Văn Vĩnh gửi thư cho Phạm Duy Tốn từ Mác-Xây, bộc lộ khát vọng này.
3 Huỳnh Thúc Kháng, Chiêu Hồn Nước, 1902-1903:
Chữ Quốc ngữ là hồn trong nước
Phải đem ra tính trước dân ta
Sách Âu Mỹ, sách Chi Na
Chữ kia, chữ nọ dịch ra tỏ tường
Nông, công, cổ trăm đường cũng thế
Họp bàn nhau thì dễ lo toan
Á Âu chung lại một lò
Đúc nên tư cách mới cho rằng người.
4 – Người dịch Phan Kế Bính
Lời tựa và hiệu đính (nhuận sắc) Nguyễn Văn Vĩnh năm 1909.

5 Không tìm thấy tài liệu nào nói về những cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng hoạt động của ĐKNT thể hiện mối quan hệ này. Nguyễn Văn Vĩnh nhận dịch toàn bộ thư Trước tác hậu bổ sang tiếng Pháp do Phan Châu Trinh viết bằng tiếng Hán gửi cho Toàn quyền Đông Dương – Jean Beau ngày 15/9/1906 (năm Thành Thái thứ 18). Năm 1931, trong bối cảnh mâu thuẫn đỉnh cao giữa NVV và Chính quyền, ông đã đăng lại trên báo “L’Annam Nouveau- Nước Nam mới” số 223, 224 và 225 ngày 26,30/3 và 02/4 năm 1933. Đặng Thai Mai dịch từ chữ Hán sang Quốc ngữ đăng trên tuần báo “Tân Dân” ngày 24/3/1949 tại Hà Nội, số Đặc biệt Kỷ niệm ngày giỗ Phan Châu Trinh.
6 Số đầu tiên của “Đông Dương tạp chí” ra ngày 15/5/1913, Ban biên tập gồm: Nhóm Tân học: Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Duy Tốn, Trần Trọng Kim. Nhóm Cựu học: Phan Kế Bính, Nguyễn Đỗ Mục, Phạm Huy Lục, Hoàng Tăng Bí, Dương Phượng Dực, Tản Đà…
7 Tờ báo được giải thưởng GRAND PRIX tại Paris 1932. Tờ báo ra đời là hệ quả của sự mâu thuẫn chính trị cao độ giữa NVV (với đường lối Trực trị), và Phạm Quỳnh (với chính sách Quân chủ Lập hiến), Nhà Cầm quyền phản đối khuynh hướng chính trị của NVV. Tổng số bài viết trên “ L’Annam Nouveau” ký tên Nguyễn Văn Vĩnh khoảng gần 500 bài, bao gồm tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội như: chính trị, văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, nông thôn, thuỷ lợi, ngân hàng, phong tục tập quán, tệ nạn xã hội, công nghiệp thuỷ sản, biển đảo, ngành nghề thủ công, tổ chức hành chính và những nhận định về một số gương mặt chính khách của chính quyền  đương thời.
8 Xem chú thích 5.
9 Truyện thơ Quan Âm Thị Kính bản in đầu tiên bằng Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911. Bản này gồm có 788 câu thơ lục bát và một lá thư của Kính Tâm viết cho cha mẹ (http://chuaphatquang.com/quan_am_thi_kinh.htm).
10 Nguyễn Văn Vĩnh dịch Truyện Kiều từ chữ Nôm ra Quốc ngữ – 1913. Người giữ bản gốc Nhà giáo Nguyễn Vinh Phúc. Bản dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp được Nhà xuất bản “Alexandre de Rhoder” xuất bản lần đầu 1942 tập I và 1943 tập II.
11 Trong cuốn “Chữ, văn Quốc ngữ thời kỳ đầu Pháp thuộc” do Nhà xuất bản Nam Sơn – Sài Gòn ấn hành năm 1974, trang 69 tác giả Nguyễn Văn Trung lập luận: “Chữ Quốc ngữ chỉ ghi âm, không ghi ý, không thể dùng để diễn tả văn chương được. Theo Bonifacy (đăng trong Revue Indochinoise in năm 1905 trang 206) người Việt chỉ biết chữ Quốc ngữ cũng tựa người Pháp chỉ biết chữ tốc ký Duployé và không thể đọc được ngay cả truyện Cổ tích Perrault. Do đó, cần giữ lại nền học vấn cũ bằng chữ Nho.”
12 Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Cộng hòa Pháp tại Việt Nam ngày 09/4/2009.
13 Quan điểm của GS. Đinh Xuân Lâm, GS. Chương Thâu và Nhà Giáo Nguyễn Vinh Phúc phát biểu trong Bộ phim Tài liệu “Mạn đàm về Người Man di Hiện đại” – 2007.
14 Bài đăng trên “ Đại Nam Đăng Cổ Tùng Báo”, số 813, ngày 15–8–1907, và số 814, ngày 22-8-1907.
15 Ý kiến của GS. Âm nhạc Trần Văn Khê và GS. Sử học Nguyễn Huệ Chi, phát biểu trong Bộ phim Tài liệu “Mạn đàm về Người Man di Hiện đại” – 2007.
16 Theo lời kể của ông Lưu Văn Thành (cháu ngoại Phan Kế Bính), là người trông coi nhà thờ Phan Kế Bính (1875-1921) hiện ở số 4 /19/ngõ 123A phố Thụy Khuê, Ba Đình, Hà Nội, được phát trên VTV2-THVN năm 2006, trong chương trình “ Danh nhân Văn Hóa”.
17 Theo lời kể của Phạm Huy Lục (con trai nhà Nho Phạm Huy Hổ).
18 Sau khi Chính phủ Thuộc địa phá vỡ Công ty Nhà in Phúc Vĩnh Thành – 1925, năm 1926 Nguyễn Văn Vĩnh buộc phải thế chấp toàn bộ tài sản được định giá 2.000.000 đồng Đông Dương (Hai triệu đồng) để vay 1.000.000 đồng (Một triệu đồng) Thành lập Trung tâm Âu – Tây tư tưởng.
19 Báo Tuổi trẻ Chủ nhật 31/12/1995, tác giả Quốc Anh.
20 Báo “L’Annam Nouveau” từ số 115 đến 118 tháng 3/1932. Tiếng Việt hiện dùng trong điện tín là kết quả của sự cải tiến chữ Quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh chủ trương.
21 “…Tôi nhớ lại lúc ông Nguyễn Văn Vĩnh sắp lên đường sang Lào để tìm vàng, công nợ ngập đầu, mà cứ cố sống cố chết bám vào tờ “Trung Bắc”, “Học báo” và “L’Annam Noveau” để viết. Toàn quyền Pasquier, một hôm, gặp Nguyễn Bá Trác (lúc ấy vừa ở Nhật về), hỏi theo ý Trác thì nhà Cách mạng Việt Nam nào nguy hiểm nhất. Trác trả lời “Nguyễn Văn Vĩnh”. Toàn quyền Pasquier nhờ Sở Mật thám điều tra xem ông Vĩnh còn nợ Ngân hàng và tư nhân chừng bao nhiêu tiền. Số nợ ấy, so với lúc ấy, thật lớn: từ 60 đến 80 nghìn đồng. Toàn quyền Pasquier nhờ một người thân tín của ông Vĩnh bắn tiếng đến tai ông : nếu ông Vĩnh bằng lòng ngưng công kích Bảo Đại và bút chiến với Phạm Quỳnh, gấp đôi số nợ ấy cũng sẽ được trang trải êm ấm mà không cần phải bận tâm gì hết”. Trích trong “40 năm nói láo” của Vũ Bằng – NXB Văn hóa Thông tin năm 2001, ở trang 261 và 262.
22 Trích thư Nguyễn Văn Vĩnh gửi Hauser, Đốc lý Hà Nội ngày 11/12/1907 trình bày sự tan vỡ của Đông Kinh Nghĩa Thục. Nguồn TT Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp (CAOM)
23 Xem chú thích 5.
24 Đông Dương tạp chí số 5, ngày 12/7/1913.
25 Theo lời kể của Phạm Huy Lục (con trai nhà Nho Phạm Huy Hổ). Luật pháp nghiêm cấm việc động chạm đến thân thể nhà vua, và quy định đó là tội khi quân.
Nguyên nhân sự việc rất đơn giản: thay vì “vái” theo luật lệ của Triều đình, Nguyễn Văn Vĩnh đã dám bắt tay Vua Khải Định, khi nhà vua tới Hà Nội yết kiến Toàn quyền Đông dương Anber Sarraut (1872-1962), thay vì “vái” theo luật lệ của Triều đình. (Phản ứng của vua Khải Định khi nhận bản tấu của các quan trong triều về việc phải chém kẻ mắc tội khi quân, nhà vua nói:“Chuyện có thế mà các ông đòi chém người ta, thật kỳ quá!”).
Kỷ niệm sự kiện này, Nguyễn Văn Vĩnh đã đặt tên người con trai thứ sáu của mình là Nguyễn Kỳ.
26 Xem chú thích 25.
27 Trong cuốn “40 năm nói láo”, trang 81:“… (Ông) dịch miệng “Telemac phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện Thống sứ Pháp có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được, miễn là ông (Vĩnh) tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngừng chống nhà Vua”.
28 Nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11/2007, TT Văn Miếu Quốc tử giám và TT Minh Triết Việt, đã tổ chức Lễ tưởng niệm 100 năm các nhà giáo Đông Kinh Nghĩa Thục. Trong diễn văn khai mạc có viết:”Họ là những sĩ phu yêu nước thắp sáng tư tưởng Chấn hưng – Duy tân – Dân tộc, là những bậc thầy góp sức đặt nền móng xây dựng một triết lý giáo dục tự lập, tự nguyện, học tinh hoa dân tộc và thế giới để dạy nên những con người Việt Nam hiện đại.”
29 Vayrac – viên chức cao cấp phụ trách báo chí Phủ toàn quyền Đông Dương đánh giá về Nguyễn Văn Vĩnh trong một một báo cáo gửi toàn quyền Đông Dương năm 1937 có viết:”Sự thiếu hiểu biết của người Pháp đối với người Annam chắc chắn là ghê gớm, còn sự thiếu hiểu biết của người Annam đối với chúng ta thì thật kỳ dị, hoang đường, không thể tưởng tượng được … tôi đã có may mắn kết bạn với một số người Annam xuất chúng, nhất là đối với Nguyễn Văn Vĩnh, nhà văn Annam lớn nhất trong thời đại chúng ta. Chính ông đã khiến cho tôi dần ước lượng được cái vực thẳm ngăn cách chúng ta với nhân dân Annam và chúng ta tự hỏi bằng cách nào để đi tới chỗ xóa được sự không thông cảm toàn diện này” (người dịch Đào Hùng – 2007).
30 Xem chú thích 22.
31 – Tạp chí Nam phong 1917
       – Đại Việt tạp chí 1918
       – Ngọ báo và Thực nghiệp Dân báo 1920
       – Tạp chí Hữu Thanh 1921
       – Trung lập báo 1923
       – Annam tạp chí 1926
       – Báo Tiếng dân 1927
      – Báo Đông Pháp 1930..
32 Nhóm Tự lực Văn đoàn
33 Tòa nhà Hồng Vân – Long Vân, số 1- 3 phố Hàng Gai, quận Hoàn Kiếm, nhìn ra quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục – Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội.
34 Ngân hàng Đông Dương Thành lập năm 1875. Lãi suất năm 1928 là 56 triệu Franc (Tạp chí Xưa và Nay số 71 tháng 1/2000).
35 Albert Sarraut – Toàn quyền Đông Dương lần thứ II, 1917-1919.
36 Quan điểm này được in trên trang nhất của tờ “L’ANNAM NOUVEAU” (số 1 ra ngày 21/1/1931):
      “Người ANNAM sẽ xuất bản một cơ quan ngôn luận viết bằng tiếng Pháp:
Để tự mình làm cho dân chúng Pháp biết mình rõ hơn.
Để nói lên những điều mình suy nghĩ và những điều mình được quyền mong muốn.
Để đảm bảo những quyền lợi của mình.
Để tạo ra mối quan hệ bạn bè và đoàn kết giữa tất cả những người nói và viết tiếng Pháp.
Để đem lại sự giúp đỡ thẳng thắn, nhưng xứng đáng với công lao của nước Pháp, đồng thời làm việc để giành lại Độc lập cho nhân dân An Nam.
Để đấu tranh chống những lạm quyền bất cứ từ đâu đến.
Để làm sáng tỏ cho dư luận Pháp biết về những thực tế ở đất nước An Nam, mà vì chính trị và quyền lợi của một số người, lúc nào cũng bị làm sai lệch đi.
Báo L’ANNAM NOUVEAU tôn trọng chính quyền đã được lập nên, trọng con người và tất cả những đại diện của nó, nhưng không sợ ai và không nịnh ai”
37 Bài “Cuộc gặp gỡ tình cờ” trên “L’Annam Nouveau” số 528, 529 ngày 08/3/1936.
38 Báo “L’Annam Nouveau” từ số 530 ngày 15/3/1936 đến số 538 ngày 12/4/1936.
39 Báo “L’Annam Nouveau” ngày 05/5/1936.
40 TT Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp (CAOM) mã số – SPCE 374, người dịch Nhà giáo Đỗ Ca Sơn – 2011 (chiến sỹ Đồi A 1- Điện Biên Phủ)
41 .“Văn kiện Đảng Cộng Sản Đông Dương, từ 27/10/1929 đến 07/4/1935” – NXB Sự thật 1964, trang 290.
42 .“Văn kiện Đảng 1930-1945”, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng. NXB Hà Nội 1977, trang 52.
43 . “Văn học Việt Nam giai đoạn giao thời 1900 – 1930”, NXB Đại học và Trung học Chuyên nghiệp – 1988, trang 41.
44 Xem chú thích số 40.

45 Phát biểu trong buổi lễ gặp gỡ giữa các Nhà Nghiên cứu Văn hóa với Chính quyền Địa phương và Đại biểu các tầng lớp nhân dân xã Phượng Dực – Phú Xuyên, Hà Nội ngày 05/12/2010.