Hôn nhân và gia đình trong thế giới ngày nay


    PHẨM GIÁ CAO QUÝ CỦA HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH*
47. Hôn nhân và gia đình trong thế giới ngày nay

Sự an lành của con người cũng như của xã hội nhân loại và Kitô giáo có liên hệ chặt chẽ với tình trạng tốt đẹp của cộng đồng hôn nhân và gia đình. Do đó, cùng với tất cả những ai biết quí trọng cộng đồng hôn nhân và gia đình, người Kitô hữu thực sự vui mừng trước sự hỗ trợ đa dạng đang giúp con người ngày nay tiến tới trong việc đề cao cộng đồng yêu thương ấy, cũng như trong thái độ tôn trọng sự sống, đồng thời cũng giúp các đôi vợ chồng và các bậc làm cha mẹ trong sứ mệnh cao cả của họ. Các Kitô hữu vẫn mong đợi và nỗ lực để mang lại những thành quả tốt đẹp hơn.

Tuy nhiên, phẩm giá của định chế hôn nhân không phải ở đâu cũng tỏa sáng, nhưng đã bị lu mờ bởi chế độ đa thê, nạn ly dị, bởi thứ tình yêu mà người ta gọi là tự do luyến ái, và những hình thức lệch lạc khác. Hơn nữa, tình yêu hôn nhân rất thường bị hoen ố bởi tính ích kỷ, chủ trương duy khoái lạc và những lạm dụng bất hợp pháp trong việc ngăn cản sinh sản. Ngoài ra, các hoàn cảnh hiện tại về kinh tế, xã hội, tâm lý và chính trị đang gây nên những xáo trộn trầm trọng nơi gia đình. Sau hết, tại một vài nơi trên thế giới, thật đáng lo ngại khi nhận thấy những vấn đề nẩy sinh do tình trạng gia tăng dân số. Tất cả những điều ấy đang là mối ưu tư đè nặng tâm trí chúng ta. Tuy nhiên, có một điều chứng tỏ sức mạnh và sự bền vững của định chế hôn nhân và gia đình, đó là các biến đổi sâu xa của xã hội hiện tại, mặc dù gây ra nhiều khó khăn, nhưng cùng lúc, bằng cách này cách khác, lại cho thấy bản chất đích thực của định chế ấy.

Bởi vậy, khi trình bày rõ ràng hơn một vài chủ điểm trong giáo lý của Giáo Hội, Công Đồng muốn soi sáng và khích lệ các Kitô hữu cũng như những ai đang cố gắng bảo toàn và cổ võ phẩm giá tự nhiên cũng như giá trị thiêng liêng cao cả của đời sống hôn nhân.
48. Sự thánh thiện của hôn nhân và gia đình

Đấng Tạo Hóa đã thiết lập và ban những qui luật riêng cho cộng đồng của sự sống và tình yêu đầy thân mật giữa đôi vợ chồng. Cuộc sống chung đó được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là do sự ưng thuận không thể rút lại của từng cá nhân. Như thế, bởi một hành vi nhân linh, trong đó, hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau, nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc có giá trị ngay cả đối với xã hội. Vì lợi ích của lứa đôi, của con cái và của xã hội, mối dây liên kết linh thiêng này không thể đặt dưới sự phân xử tùy tiện của con người. Thật vậy, chính Thiên Chúa là Đấng tác tạo hôn nhân, vốn được thiết lập với nhiều giá trị và mục đích khác nhau[1]; những điều ấy hết sức quan trọng đối với sự tiếp nối nhân loại, sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình, cũng như đối với phẩm giá, sự bền vững, an bình và thịnh vượng của chính gia đình và của toàn thể xã hội loài người. Tự bản chất, chính định chế hôn nhân và tình yêu vợ chồng qui hướng về việc sinh sản và giáo dục con cái như chóp đỉnh cao quý của hôn nhân. Như thế, bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ “không còn là hai, nhưng là một xương thịt” (Mt 19,6), họ phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hợp mật thiết trong con người và hành động, để cảm nghiệm và đạt đến sự hiệp nhất với nhau ngày càng trọn vẹn hơn. Sự hợp nhất thân xác, hành vi tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái, đòi buộc đôi vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và thúc đẩy họ kết hợp với nhau bất khả phân ly[2].

Chúa Kitô ban dồi dào ơn phúc cho tình yêu đa dạng ấy, một tình yêu phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hợp giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Thật vậy, như xưa, Thiên Chúa đến với dân Ngài trong một giao ước yêu thương và trung thành[3], ngày nay, Đấng Cứu Thế, Bạn Trăm Năm của Giáo Hội[4] cũng đến với đôi vợ chồng qua bí tích Hôn Phối. Người còn ở lại với họ để hai vợ chồng mãi mãi trung thành yêu thương nhau bằng sự tự hiến cho nhau, như Người đã yêu thương Giáo Hội và đã nộp mình vì Giáo Hội[5]. Tình yêu vợ chồng đích thực được kết nhập trong tình yêu Thiên Chúa, được hướng dẫn và thêm phong phú nhờ quyền năng cứu chuộc của Chúa Kitô và hoạt động đem lại ơn cứu rỗi của Giáo Hội, để hai vợ chồng được dẫn dắt cách hữu hiệu đến cùng Thiên Chúa, cũng như được nâng đỡ và kiên cường trong nhiệm vụ cao cả làm cha mẹ[6]. Bởi đó, vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như thể được thánh hiến[7] bằng một bí tích riêng biệt để đảm nhận các bổn phận và sống đúng phẩm giá bậc sống của họ, nhờ sức mạnh của bí tích này, trong khi chu toàn bổn phận hôn nhân và gia đình, đồng thời sống theo tinh thần của Chúa Kitô để tất cả đời sống được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, họ càng ngày càng nên trọn lành nơi bản thân và thánh hóa lẫn nhau, và như thế, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.
Từ đó, nhờ có gương sáng của cha mẹ và lời cầu nguyện trong gia đình, con cái, và tất cả những ai thuộc về gia đình, sẽ đi vào con đường nhân ái, cứu độ và thánh thiện dễ dàng hơn. Về phần đôi vợ chồng, bởi đã lãnh nhận phẩm giá và chức vụ làm cha mẹ, sẽ tận tâm chu toàn bổn phận giáo dục, nhất là về phương diện tôn giáo, vì họ là những người đầu tiên phải đảm nhận bổn phận này.

Con cái là những phần tử sống động trong gia đình nên cũng góp phần vào việc thánh hóa cha mẹ theo cách thức riêng của mình. Thật vậy, con cái sẽ đáp đền công ơn cha mẹ với lòng biết ơn, thái độ hiếu thảo và lòng tin tưởng, họ sẽ theo đạo làm con mà phụng dưỡng cha mẹ trong những lúc khó khăn cũng như trong tuổi già cô quạnh. Mọi người hãy tôn trọng đời sống góa bụa được can đảm tiếp nhận như một tiếp nối ơn gọi hôn nhân[8]. Các gia đình hãy quảng đại san sẻ cho nhau những của cải thiêng liêng. Như thế, mỗi gia đình Kitô hữu, vì xuất phát từ hôn nhân, là hình ảnh và được tham dự vào giao ước yêu thương giữa Chúa Kitô và Giáo Hội[9], nên sẽ biểu hiện trước mặt mọi người sự hiện diện sống động của Đấng Cứu Thế trong thế giới và bản chất đích thực của Giáo Hội qua tình yêu, qua sự quảng đại chấp nhận sinh sản con cái, qua nếp sống hợp nhất và trung tín của đôi vợ chồng, cũng như qua sự cộng tác thân ái của mọi thành phần trong gia đình.
49. Tình yêu vợ chồng

Lời Chúa đã nhiều lần mời gọi những người sắp kết hôn hãy nuôi dưỡng thời kỳ đính hôn bằng một tình yêu trong sạch và những người đã thành vợ chồng hãy nâng đỡ cuộc sống lứa đôi bằng một tình yêu không rạn nứt[10]. Nhiều người hiện thời vốn coi trọng tình yêu đích thực giữa vợ chồng, biểu hiện bằng nhiều cách theo những tập tục lành mạnh của mỗi thời đại, mỗi dân tộc. Tình yêu ấy có đặc tính nhân linh cao cả vì từ một nhân vị hướng đến một nhân vị khác bằng một tình cảm tự ý, nên bao gồm hạnh phúc toàn diện của con người, do đó tình vợ chồng có thể đem lại một phẩm giá đặc biệt cho những biểu lộ của thể xác và tâm hồn, và khiến chúng trở nên cao quí như những yếu tố và dấu hiệu đặc thù của tình yêu đôi bạn. Bởi một ơn ban đặc biệt của ân sủng và tình thương, Chúa đã đoái thương chữa trị, cải thiện và nâng cao tình yêu ấy. Một tình yêu kết hợp yếu tố nhân loại với yếu tố thần linh như thế phải thấm nhuần cả đời sống, và hướng dẫn đôi vợ chồng biết tự do trao hiến cho nhau, qua những tâm tình và cử chỉ trìu mến[11]; hơn nữa, chính nhờ những hành vi quảng đại của mình mà tình yêu giữa hai người được hoàn thiện và tăng trưởng. Tình yêu vợ chồng, do đó vượt xa xu hướng nhục dục thuần túy, và xu hướng này, nếu được tôn thờ một cách ích kỷ, sẽ mau chóng tan biến và kéo theo những hậu quả thảm hại.

Tình yêu âu yếm đó được biểu lộ và hoàn thiện cách đặc biệt qua những động tác riêng của hôn nhân. Bởi vậy, những hành vi thực hiện sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng đều cao quí và chính đáng. Được thi hành cách thực sự nhân linh, những hành vi ấy biểu hiện và khích lệ sự trao hiến hỗ tương, nhờ đó hai người làm cho nhau thêm phong phú trong niềm hoan lạc và lòng biết ơn. Vì được kết ước từ sự tin tưởng lẫn nhau và nhất là vì đã được thánh hiến bởi bí tích của Chúa Kitô, nên tình yêu ấy, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, luôn trung thành bất khả phân ly cả nơi thể xác lẫn trong tâm trí, và do đó loại hẳn mọi hình thức ngoại tình và ly dị. Phải nhìn nhận phẩm giá nhân vị bình đẳng giữa vợ và chồng trong tình yêu thương nhau trọn vẹn, để nhờ đó biểu hiện rõ ràng tính cách duy nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận. Để kiên trì gánh vác những bổn phận của ơn gọi Kitô hữu này, cần phải có một nhân đức phi thường: vì thế, đôi vợ chồng đã được ân sủng củng cố để sống thánh thiện, sẽ ân cần nuôi dưỡng và cầu xin cho được một tình yêu vững bền, một tâm hồn đại lượng và một tinh thần hy sinh.

Tuy nhiên, tình yêu vợ chồng chân chính sẽ được quí trọng hơn và người ta sẽ nghĩ tưởng về hôn nhân cách lành mạnh hơn, nếu các đôi vợ chồng Kitô hữu nêu rõ chứng tá về sự trung thành và hòa hợp trong tình yêu cũng như trong việc chăm lo giáo dục con cái, và nếu họ biết góp phần vào công cuộc chấn hưng thật cần thiết về văn hóa, tâm lý và xã hội, để mang lại lợi ích cho hôn nhân và gia đình. Phải biết giáo dục hợp thời và hợp cách các thanh thiếu niên về phẩm giá, phận sự và hành vi thể hiện tình vợ chồng, tốt nhất là trong chính khung cảnh gia đình. Nhờ vậy, những người trẻ học biết quí trọng sự trong trắng, để khi đến tuổi thích hợp, có thể từ thời đính hôn đúng đắn tiến tới hôn nhân.
50. Sự sinh sản trong hôn nhân

Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính, qui hướng về sự sinh sản và giáo dục con cái. Con cái là ơn huệ cao quí nhất của hôn nhân và đóng góp rất nhiều vào niềm hạnh phúc của cha mẹ. Thiên Chúa đã phán: “Đàn ông ở một mình không tốt” (St 2,18). Ngài là Đấng “...từ buổi đầu, đã dựng nên con người có nam có nữ” (Mt 19,4), vì muốn cho con người được dự phần đặc biệt vào công trình tạo dựng, nên đã chúc lành cho người nam và người nữ khi phán: “Các ngươi hãy sinh sản và tăng số thêm nhiều” (St 1,28). Từ đó, thái độ quí trọng đích thực tình yêu vợ chồng cũng như tất cả định hướng của đời sống gia đình phát xuất từ thái độ ấy, đều nhằm giúp đôi vợ chồng, trong khi vẫn không loại bỏ các mục đích khác của hôn nhân, biết sẵn sàng cộng tác cách can đảm với tình yêu của Đấng Tạo Hóa và Cứu Thế, Đấng đang muốn nhờ họ làm cho gia đình Ngài ngày càng phát triển và phong phú hơn.

Khi thực thi bổn phận truyền sinh và giáo dục với nhận thức đó chính là sứ mệnh riêng của mình, đôi vợ chồng nhận ra họ là những người đang cộng tác và diễn đạt tình yêu của Thiên Chúa Tạo Hóa. Vì thế, họ sẽ chu toàn bổn phận với ý thức trách nhiệm vừa của con người, vừa của những Kitô hữu, và, trong thái độ tôn kính tuân phục Thiên Chúa, với sự đồng ý và nỗ lực chung, họ sẽ cùng đưa ra một phán đoán chính xác, bằng cách xét đến thiện ích của họ cũng như của con cái đã sinh ra hay tiên liệu sẽ có, nhận định về những điều kiện vật chất cũng như tinh thần của tình trạng sinh sống theo từng thời điểm, sau hết cũng biết quan tâm đến thiện ích của gia đình, của xã hội trần thế và của chính Giáo Hội. Chính đôi vợ chồng phải chịu trách nhiệm cuối cùng về phán đoán ấy trước mặt Thiên Chúa. Trong cách thế hành động, vợ chồng Kitô hữu hãy ý thức là mình không thể làm theo sở thích, nhưng phải luôn luôn tuân theo tiếng nói của lương tâm phù hợp với lề luật Chúa, luôn vâng phục Huấn quyền của Giáo Hội, người có thẩm quyền giải thích luật Chúa dưới ánh sáng Tin Mừng. Luật Chúa tỏ rõ ý nghĩa đầy đủ của tình yêu vợ chồng, bảo vệ và mang lại cho tình yêu ấy phẩm chất nhân bản trọn vẹn đích thực. Như thế, trong khi luôn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng và vun đắp tinh thần hy sinh[12], các vợ chồng Kitô hữu tôn vinh Đấng Tạo Hóa và tiến tới sự hoàn thiện trong Chúa Kitô, khi chu toàn bổn phận sinh sản cách quảng đại, trong ý thức trách nhiệm của con người và của những Kitô hữu. Trong số những đôi vợ chồng theo phương thức ấy để chu toàn bổn phận Thiên Chúa trao phó, phải đặc biệt kể đến những người sau khi thận trọng suy xét và cùng nhau chấp thuận, đã quảng đại nhận lãnh trách nhiệm dưỡng dục cách xứng đáng số con cái khá đông[13].

Tuy nhiên, hôn nhân không phải được thiết lập chỉ để truyền sinh mà thôi, nhưng chính đặc tính bất khả phân ly của giao ước giữa hai người và lợi ích của con cái đòi hỏi tình yêu tương giao của đôi vợ chồng phải được biểu lộ, thăng tiến và triển nở một cách chính đáng. Cho nên, ngay trong trường hợp không có con như hằng tha thiết mong mỏi, hôn nhân vẫn tồn tại như một cộng đồng hiệp thông suốt đời, và vẫn bảo toàn giá trị cũng như đặc tính bất khả phân ly của mình.
51. Tình yêu vợ chồng và việc tôn trọng sự sống con người

Công Đồng vẫn biết rằng, trong cuộc sống gia đình vốn cần phải được xây dựng cách tốt đẹp, các đôi vợ chồng thường gặp trở ngại do một số điều kiện sinh sống hiện nay, và có thể lâm vào những hoàn cảnh khiến họ không thể gia tăng số con cái, ít là trong một thời gian, và đó là lúc việc duy trì tình yêu trung thành và sự chung sống trọn vẹn cũng gặp nhiều khó khăn. Khi đời sống thân mật vợ chồng bị gián đoạn, sự chung thủy thường bị đe dọa và lợi ích con cái có thể bị sút giảm: vì lúc ấy, việc giáo dục con cái cũng như sự can đảm để chấp nhận có thêm một người con đều đang bị thử thách.

Có những người dám đưa ra những giải pháp không chính đáng để giải quyết vấn đề, đến độ không ngần ngại sử dụng cả hành động sát nhân; nhưng Giáo Hội nhắc lại rằng không thể có mâu thuẫn thực sự giữa những lề luật của Thiên Chúa liên quan đến việc truyền sinh và những luật liên quan đến việc phát triển tình yêu vợ chồng đích thực.

Thật vậy, Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho con người nhiệm vụ cao cả là bảo toàn sự sống, và họ phải chu toàn bổn phận ấy theo cách thức xứng hợp với con người. Do đó, ngay từ lúc thụ thai, sự sống phải được bảo toàn hết sức cẩn thận; phá thai và sát nhi là những tội ác ghê tởm. Dục tính cũng như khả năng sinh sản của con người trổi vượt một cách kỳ diệu hơn những gì có nơi những sinh vật cấp thấp; do đó, những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người, đều phải được hết sức tôn trọng. Vì thế, khi phối hợp tình yêu vợ chồng với việc sinh sản có trách nhiệm, phải ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ tùy thuộc vào ý hướng chân thành và việc thẩm định các lý do, nhưng phải được xác định theo những tiêu chuẩn khách quan, được ấn định do chính bản tính của nhân vị và của hành động nơi con người ấy; những tiêu chuẩn ấy, trong bối cảnh của một tình yêu đích thực, sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái; điều đó không thể thực hiện được nếu không thực tâm vun trồng đức khiết tịnh trong bậc vợ chồng. Trong việc điều hòa sinh sản, con cái của Giáo Hội trung thành với những nguyên tắc vừa viện dẫn, không được dùng những phương pháp mà Huấn quyền đã bác bỏ khi giải thích luật Thiên Chúa[14].

Ngoài ra, mọi người đều phải ý thức rằng đời sống nhân loại và bổn phận lưu truyền sự sống ấy không thể bị hạn hẹp cũng như không thể lượng định và giải thích theo tiêu chuẩn trần thế, nhưng luôn qui chiếu về định mệnh vĩnh cửu của con người.
52. Bổn phận của mọi người trong việc thăng tiến hôn nhân và gia đình

Gia đình là trường học phát triển nhân tính. Nhưng để gia đình có thể sống trọn vẹn và chu toàn sứ mệnh của mình, cần phải biết tạo nên mối tâm giao đầy chân tình, vợ chồng phải cùng nhau bàn định công việc cũng như cha mẹ phải nhiệt tình cộng tác trong việc giáo dục con cái. Sự hiện diện đầy năng động của người cha giúp ích rất nhiều cho việc đào tạo con cái, nhưng cũng phải làm sao để cho người mẹ vẫn giữ được vai trò chăm sóc gia đình, vì con cái, nhất là khi còn thơ bé, rất cần đến sự chăm sóc ấy; trong khi vẫn không coi nhẹ sự thăng tiến hợp lý của người phụ nữ trên bình diện xã hội. Phải giáo dục con cái thế nào để khi đến tuổi trưởng thành chúng có thể chọn bậc sống và theo ơn gọi, ngay cả ơn gọi tu trì, với ý thức trách nhiệm đầy đủ; và nếu kết hôn, chúng có thể lập gia đình riêng trong những điều kiện luân lý, xã hội và kinh tế thuận lợi. Bổn phận của cha mẹ hay người giám hộ là hướng dẫn những người trẻ trong việc lập gia đình, biết dùng lời khuyên nhủ khôn ngoan sao cho họ sẵn sàng nghe theo; tuy nhiên, phải cẩn thận tránh không dùng áp lực trực tiếp hay gián tiếp để ép buộc trong việc kết hôn hay chọn lựa người bạn đời.

Như thế, gia đình trở thành nền tảng của xã hội vì là nơi mà nhiều thế hệ gặp gỡ và giúp nhau nên khôn ngoan sáng suốt hơn, cũng như giúp nhau hòa hợp những quyền lợi cá nhân với những đòi hỏi khác của cuộc sống xã hội. Bởi đó, tất cả những người có ảnh hưởng trên các cộng đoàn và tập thể xã hội phải góp phần hữu hiệu trong việc thăng tiến hôn nhân và gia đình. Chính quyền dân sự phải nhìn nhận, bênh vực và phát huy bản chất đích thực của hôn nhân và gia đình, phải bảo vệ nền luân lý chung và giúp cho gia đình được sung túc, đó là những bổn phận mà chính quyền phải coi như một sứ mệnh thiêng liêng phải chu toàn. Cũng phải bảo đảm cho cha mẹ quyền sinh sản và giáo dục con cái ngay tại gia đình. Phải định liệu những khoản luật và đề xuất nhiều sáng kiến để bảo vệ và nâng đỡ thiết thực cho cả những người bất hạnh vì thiếu vắng cuộc sống gia đình.

Các Kitô hữu, bởi biết sử dụng cách hữu ích thời giờ hiện tại[15] và biết phân biệt những thực tại trường tồn với những gì là ngoại tại chóng qua, phải tích cực đề cao những thiện ích hôn nhân và gia đình bằng chứng tá của chính đời sống cũng như bằng hành động hợp tác với những người thiện chí, và như thế, sau khi giải quyết những khó khăn, họ sẽ đem đến cho các gia đình những gì cần thiết và thuận lợi, phù hợp với thời đại mới này. Muốn đạt được mục đích ấy, rất cần đến cảm thức Kitô giáo của các tín hữu, lương tâm luân lý ngay thẳng của mọi người, cũng như sự khôn ngoan và khả năng chuyên môn của những ai am tường các môn thần học.

Các vị thông thạo khoa học, nhất là các khoa sinh học, y học, xã hội và tâm lý học, có thể giúp ích rất nhiều cho hôn nhân và gia đình cũng như cho sự an bình trong lương tâm nhiều người, nếu họ hợp lực nghiên cứu để cố gắng làm sáng tỏ hơn nữa những điều kiện thuận lợi cho việc điều hòa sinh sản cách lương thiện.

Phần các linh mục cũng cần phải được học hỏi đầy đủ về các vấn đề thuộc lãnh vực gia đình, có bổn phận nâng đỡ ơn gọi của các đôi vợ chồng trong đời sống hôn nhân và gia đình bằng những phương thức mục vụ đa dạng, như rao giảng lời Chúa, lễ nghi phụng vụ hay những hỗ trợ khác về mặt tu đức, đồng thời phải nhân hậu và nhẫn nại nâng đỡ họ trong lúc gặp khó khăn, và khích lệ họ trong tình bác ái để giúp họ kiến tạo những gia đình luôn rạng rỡ hạnh phúc.

Các tổ chức hoạt động tông đồ, nhất là những hiệp hội gia đình, phải cố gắng bằng lý thuyết và hành động nâng đỡ các thanh thiếu niên và các đôi vợ chồng, nhất là những đôi mới kết hôn, đồng thời huấn luyện cho họ về đời sống gia đình, xã hội và việc tông đồ.

Sau hết, chính các đôi vợ chồng, được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa hằng sống và được an định trong trật tự hài hoà của các nhân vị, hãy luôn hợp nhất với nhau trong tình yêu thương, đồng tâm hiệp ý và thánh hóa lẫn nhau[16], để trong khi bước theo Chúa Kitô là nguyên lý sự sống[17], giữa bao niềm vui cũng như hy sinh trong ơn gọi, và qua tình yêu chung thủy, họ trở nên chứng nhân của mầu nhiệm tình thương mà Chúa đã tỏ ra cho thế giới qua sự chết và sự sống lại của Người[18].
Còn tiếp nhiều kỳ


[1] x. T. AUGUSTINÔ, De bono conjugali: PL 40, 375-376 và 394; T. TÔMA, Summa Theol., Suppl. Quaest. 49, art. 3 ad 1; Decretum pro Armenis: DS 702 (1327); PIÔ XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1933), tr. 543-555; DS 2227-2238 (3703-3714).
[2] x. PIÔ XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 546-547; DS 2231 (3706).
[3] x. Os 2; Gr 3,6-13; Ez 16 và 23; Is 54.
[4] x. Mt 9,15; Mc 2, 19-20; Lc 5,34-35; Ga 3,29; 2 Cor 11,2; Ep 5,27; Kh 19,7-8; 21,2 và 9.
[5] x. Ep 5,25.
[6] x. CĐ VATICAN II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen Gentium, 11. 35. 41.
[7] x. PIÔ XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 583.
[8] x. 1 Tm 5,3.
[9] x. Ep 5,32.
[10] x. St 2,22-24; Cn 5,18-20; 31,10-31; Tb 8,4-8; Dc 1,1-3; 2,16; 4,16-5,1; 7,8-11; 1 Cr 7,3-6; Ep 5,25-33.
[11] x. PIÔ XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 547-548; DS 2232 (3707).
[12] x. 1 Cr 7,5.
[13] x. PIÔ XII, Huấn từ Tra le Visite, 20.1.1958: AAS 50 (1958), tr. 91.
[14] x. PIÔ XI, Thông điệp Casti Connubii: AAS 22 (1930), tr. 559-561: DS 2239-2241 (3716-3718); PIÔ XII, Huấn từ cho Đại hội Hiệp hội các Nữ Hộ Sinh Ý, 29.10.1951: AAS 43 (1951), tr. 835-854; PHAOLÔ VI, Huấn từ cho các Nghị phụ Hồng Y, 23.6.1964: AAS 56 (1964), tr. 581-589. Theo lệnh của Đức Giáo Hoàng, một số vấn đề cần tìm hiểu sâu xa hơn đã được trao cho một ủy ban đặc trách nghiên cứu về dân số, gia đình, tỉ lệ sinh sản, để sau khi có được kết quả, Đức Giáo Hoàng sẽ đưa ra quyết định. Thánh Công Đồng vẫn giữ giáo huấn hiện thời của Giáo Hội, không có ý đưa ra ngay những giải pháp cụ thể.
[15] x. Ep 5,16; Cl 4,5.
[16] x. Sacramentarium Gregorianum: PL 78, 262.
[17] x. Rm 5,15 và 18; 6, 5-11; Gl 2,20.
[18] x. Ep 5,25-27.

* HIẾN CHẾ MỤC VỤ[1]VỀ GIÁO HỘI TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY GAUDIUM ET SPES
Ngày 7 tháng 12 năm 1965


[1]  Hiến chế Mục Vụ về “Giáo Hội trong thế giới ngày nay” tuy có hai phần rõ rệt nhưng làm thành một khối duy nhất.
Hiến Chế được gọi là “Mục Vụ” vì sẽ dựa trên những nguyên tắc giáo lý để trình bày thái độ của Giáo Hội với thế giới và con người ngày nay. Do đó, phần I vẫn có chủ đích mục vụ, còn phần II chứa đựng nhiều điểm giáo lý.
Trong phần I, Giáo Hội trình bày giáo lý về con người, về thế giới con người đang sống và về thái độ của Giáo Hội đối với con người và thế giới. Trong phần II, Giáo Hội khảo sát tường tận hơn những khía cạnh khác nhau trong cuộc sống hiện nay và trong xã hội nhân loại, nhất là những thắc mắc, những vấn đề xét ra có vẻ khẩn thiết hơn trong thời đại chúng ta. Do đó, trong phần II, dựa trên những nguyên tắc giáo lý, nội dung không những bao hàm những yếu tố vĩnh cửu mà còn cả những yếu tố thời gian nữa.
Vì thế, phải giải thích Hiến chế theo những nguyên tắc tổng quát của khoa chú giải thần học và đặc biệt trong phần II, phải lưu ý tới những hoàn cảnh tự bản chất gắn liền với những vấn đề được nêu lên, nhưng đang có những biến chuyển.