Trịnh Thanh Thủy
Âm nhạc hải ngoại Đi cho biết đó biết đây
Chiều chủ nhật nhân lúc rảnh, tôi lấy CD Người con gái trong tranh của Hoàng Thị Bích Ngọc ra nghe lại. Say sưa với những ca từ đẹp và nhẹ như tơ uốn lượn bềnh bồng trên cung điệu réo rắt của Violin, tôi thấy mình chơi vơi trong lòng chảo âm sắc độc đáo đầy tính sáng tạo trong lối hoà âm và phối khí của Duy Cường.
Tôi cảm thấy mình giàu có và hạnh phúc. Hạnh phúc vì được nghe một CD hay. Giàu có vì có cơ hội được thưởng thức bức hoạ lập thể đa sắc, đa hình, đa văn hoá của âm nhạc Việt Nam hải ngoại.
Tôi cảm thấy mình giàu có và hạnh phúc. Hạnh phúc vì được nghe một CD hay. Giàu có vì có cơ hội được thưởng thức bức hoạ lập thể đa sắc, đa hình, đa văn hoá của âm nhạc Việt Nam hải ngoại.
Tôi chợt liên tưởng tới nhạc sĩ Quốc Bảo (QB) với bài viết Nhạc sĩ Quốc Bảo nói về nhạc hải ngoại được đăng ngày 24/5/2004 trên VnExpress, tôi thấy mình sung sướng hơn nhạc sĩ QB vì trong bao màu sắc tươi đẹp khác nhau ông chỉ nhìn được màu đỏ chói lọi trong một vài sản phẩm âm nhạc có tính cách thương mại của chương trình Thúy Nga Paris trên bức tranh đa dạng, đa sắc, đa văn hoá âm nhạc hải ngoại. Chắc có lẽ nhạc sĩ Quốc Bảo chưa từng sống ở hải ngoại hay tiếp xúc nhiều với các nhạc sĩ cũng như giới thưởng ngoạn âm nhạc hải ngoại nên ông mới có cái nhìn về nhạc sĩ và âm nhạc hải ngoại như trong bài viết trên.
Những gì bên ngoài Việt Nam là hải ngoạị. Hải ngoại bao gồm nhiều nơi trên thế giới hiện người Việt tị nạn đang sinh sống. Vì tính quá bao quát của địa dư nên các nhạc sĩ ở rải rác khắp nơi trên thế giới, mỗi người hùng cứ một phương. Gom họ lại để làm thống kê cũng khó như việc biết đến tên tuổi của họ vậy.
Ngồi ôn lại ký ức thư viện âm nhạc hải ngoại của mình, tôi thấy mình may mắn và ước gì QB có được cái may mắn ấy. Tôi hãnh diện về thư viện âm nhạc hải ngoại vì nó phong phú và đầy ắp. Đầy ắp sản phẩm âm nhạc với hàng ngàn băng nhựa, đĩa CD, video do nhiều nhạc sĩ từ khắp mọi nơi sáng tác và đóng góp. Tôi vui vì sau gần ba mươi năm xa xứ người Việt vẫn bảo tồn và phát huy được một nền âm nhạc hải ngoại đa dạng, đa văn hoá. Đa dạng vì nó kết hợp nhiều dòng (luồng) âm nhạc khác nhau. Đa văn hoá vì mỗi nhạc sĩ sinh sống ở mỗi nơi khác nhau không những chịu ảnh hưởng văn hoá gốc của mình còn thấm nhuần văn hoá địa phương mình sinh sống nên không ít thì nhiều đứa con nghệ thuật của họ cũng có tinh thần đa văn hoá. Tinh thần này cũng phù hợp với đường lối tư duy hậu hiện đại (post-modernism) của tiến trình toàn cầu hoá âm nhạc đang phát triển trên thế giới. Nghĩa là âm nhạc thế giới sẽ trở thành một thế giới đa văn hoá mở rộng cho các quốc gia, mọi dân tộc đến với nhau để trao đối, học hỏi, thâu thái những cái đặc thù của nhau mà không ai phải từ bỏ cái “gốc” của mình.
Tôi có đọc một bài tổng kết bằng Anh ngữ rất công phu và đầy đủ về âm nhạc và đời sống âm nhạc hải ngoại sau năm 1975 của nhạc sĩ Trần Quang Hải. Dựa theo tài liệu trên, tôi có thể tạm chia nền âm nhạc hải ngoại sau 1975 làm 3 dòng chính: nhạc cổ truyền, nhạc cổ điển & cận đại Tây phương và tân nhạc.
- Nhạc cổ truyền:
- Bao gồm nhạc cổ truyền và cải lương. Nhạc cổ truyền hải ngoại tuy không được giới trẻ ưa chuộng nhiều nhưng vẫn được gìn giữ và tiếp tục trình diễn đến ngày nay vì nhu cầu bảo tồn bản sắc văn hoá đặc thù Việt Nam. Nhạc sĩ trình diễn và sáng tác (Musicians and Composers): Trần Quang Hải, Nguyễn Thuyết Phong, Nguyễn Đình Nghĩa, Lữ Liên, Quỳnh Hạnh, Ngọc Dung, Phương Oanh, Phạm Đức Thành, Khắc Chí, v.v.
- Nhạc cận đại Tây phương (Western Contemporary Music)và nhạc cổ điển Tây phương (Classical Music):
Có thể nói dòng nhạc này mới bắt đầu phát triển nhưng cũng có sức thu hút người Việt rất mạnh. Nhạc sĩ trình diễn và sáng tác: Nguyễn Văn Tường , Nguyễn Thiện Đạo, Tôn Thất Tiết, Trương Tăng, Trần Quang Hải, Cung Tiến, Hoàng Ngọc-Tuấn, Phạm Quang Tuấn, Trụ Vũ, Hồ Đăng Long, Vũ Nhật Tân, Nguyễn Mạnh Cường, Lê Tuấn Hùng, Đặng Kim Hiền, Phan Quang Phục, Trinh Bạch, Nguyên Lê (jazz), Duy Cường, Vũ Cường, Trần Chúc (Ca Đoàn Ngàn Khơi), Lê Văn Khoa (Hội Hiếu Nhạc Việt Mỹ -The Vietnamese American Philharmonic Association), Đặng Huy Hoàng, Lưu Trọng Đạt, Huỳnh Hữu Đoan, Đỗ Thu Giang, Đỗ Quân Phong, Đặng Thái Sơn, Vũ Tôn Bình, Nghiêm Phú Phi, v.v.
- Tân nhạc:
Có thể nói đây là dòng chính của âm nhạc hải ngoại vì nó đa dạng, được yêu chuộng và phát triển mạnh mẽ. Chúng ta có thể phân nó ra những dòng phụ:
- Nhạc hoài hương: dòng nhạc mang tâm trạng luyến tiếc quá khứ, nhớ nhung quê hương. Nhạc sĩ sáng tác: Nam Lộc, Nguyễn Đình Toàn, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng (từ trần năm 2000), Song Ngọc, Lam Phương, v.v.
- Ngục Ca: Nói về những người tù cải tạo. Nhạc sĩ trình diễn và sáng tác: Phạm Duy (phổ thơ Nguyễn Chí Thiện), Hà Thúc Sinh, v.v.
- Bi Ca: khóc thương cho thảm kịch đớn đau cùng cực của người vượt biển tìm tự do, xót xa cho những thân phận Việt Nam tha phương tị nạn. Nhạc sĩ sáng tác: Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Phạm Duy, v.v.
- Hưng Ca, Du Ca và Dân Ca: dòng nhạc đối kháng, phục hưng đất nước, nói lên hiện thực đời sống và nỗi khát khao cùng lý tưởng của tuổi trẻ hải ngoại. Nhạc sĩ sáng tác: Phạm Duy, Hà Thúc Sinh, Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Phan Văn Hưng, Châu Đình An, Khúc Lan, Nguyễn Đức Quang, Nguyễn Hữu Nghĩa, Phan Ni Tấn, Nguyễn Công Anh, Phan Kiên, Nguyễn Quyết Thắng, Trần Đình Quân, Nguyễn Văn Thành, v.v.
- Dòng nhạc “new wave” và nhạc phim bộ Trung Hoa. Nhạc được sáng tác theo thể điệu “new wave” và phim bộ Hồng Kông, Đài Loan.
- Nhạc tiền chiến. Sự tái sinh của dòng nhạc tiền chiến làm sống lại một thời đại Sài Gòn vang bóng.
- Nhạc Tình ca: Đây là giòng nhạc phong phú nhất nói về tình yêu. Nhạc sĩ trình diễn và sáng tác: những nhạc sĩ đã từ trần như Phạm Đình Chương (1993), Trần Văn Trạch (1994), Hoàng Trọng (1998), Văn Phụng (1999), Lê Uyên Phương (1999), Ngọc Bích (2001), Hoàng Thi Thơ (2001), Nhật Bằng (2004), Duy Khánh (2003), Vô Thường (2003), mdtt, Xuân Lôi, Xuân Tiên, Lương Ngọc Châu, Phạm Duy, Đan Thọ, Vân Sơn Trường, Lê Mộng Nguyên, Lê Dinh, Vũ Thành An, Cung Tiến, Trần Quang Hải, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Võ Tá Hân, Trần Quảng Nam, Trịnh Nam Sơn, Tùng Giang, Vũ Đức Nghiêm, Nhật Vũ, Phạm Anh Dũng, Nguyên Bích, Hoàng Việt Khanh, Nguyễn Phước Nguyên, Tạ Văn Phước, Nguyễn Hiếu Anh, Như Thu Nguyên, Mai Đức Vinh, Mai Anh Việt, Mai Anh Tuấn, Bảo Trâm, Nguyên Chương, Hoàng Quốc Bảo, Hoàng Vỹ, Hoàng Kim Chi, Nguyễn Thiện Doãn, Lê Văn Thành, Vũ Hữu Toàn, Cát Biển, Lê Xuân Hân, Mỹ Ngọc, Lê Tín Hương, Nguyên Nhu, Nguyễn Trọng Khôi, Nguyễn Tuấn Phước, Trần Duy Việt, Linh Phương, Nhật Trung, Hoàng Trọng Thụy, Trọng Nghĩa, Quách Vĩnh Thiên, Trang Thanh Trúc, Linh Chi, Vũ Thái Hòa, Nguyễn Minh Châu, Mộng Trang, Nguyễn Linh Quang, Lê Như Quốc Khánh, Duy Thiện, Hàn Lệ Nhân, Ngô Minh Khánh, Lê Khắc Thanh Hoài, Jazzy Dạ Lam, Quách Nam Dung, Phan Văn Hưng, Nguyên Chương, Trần Duy Đức, Trần Thụy Minh, Minh Thao, Anh Tú, Ian Bùi, Nguyễn Tiến Dũng, Thơ Thơ, Nguyễn Công Hùng, v.v.
- Nhạc Pop: bao gồm Pop ngoại quốc và Việt. Theo định nghĩa, cũng như cái tên gọi, Pop được viết tắt từ chữ “popular”, tức là phổ thông, đại chúng, được nhiều người biết đến. Giới trẻ đặc biệt ưa chuộng loại nhạc này. Đặc tính của nó là giản dị, dễ nghe, dễ nhớ, theo thị hiếu của đại chúng, và nhạc cụ làm nền phần lớn là synthesizer. Người thưởng ngoạn thường chỉ chú ý đến phong cách trình diễn, quần áo, lối nhảy và vẻ đẹp của ca sĩ hơn là giai điệu và ca từ của nhạc Pop. Nhạc sĩ sáng tác trình diễn: Nhóm ASIA4, nhóm Heart2, Hevin và Kristine Sa, Sỹ Đan, Tú Minh, Vũ Tuấn Đức, Trúc Hồ, Trúc Sinh, Trọng Nghĩa, Đức Huy, Trịnh Nam Sơn, Diệu Hương, v.v.
Trong bài viết của nhạc sĩ QB, ông có nhắc đến nhạc trẻ và các nhạc sĩ trẻ hải ngoạị. Nhạc trẻ là một khái niệm khá mơ hồ. Nhạc trẻ và nhạc sĩ trẻ cũng như thơ trẻ và thi sĩ trẻ, dường như cách gọi này chỉ có ở Việt Nam. Ở hải ngoại người ta chia âm nhạc thành từng dòng và các nhạc sĩ đi chung với dòng nhạc đó chứ ít khi nào họ chia theo cái mốc thời gian của người thưởng ngoạn tỷ như cái nghĩa nhạc trẻ dành cho giới trẻ nghe. Tôi không nên lan man thêm về từ “nhạc trẻ” rồi bàn luận dài dòng cách dùng từ này đúng hay sai mà có lẽ nên chấp nhận một giải thích tương đối như "nhạc trẻ" như một phong cách, một dòng nhạc, hoàn toàn không có nghĩa là nó còn trẻ hay chỉ dành cho giới trẻ. Nó chỉ có ý nghĩa phân biệt với các dòng nhạc như nhạc cổ truyền hay nhạc cận đại Tây phương.
Vì vậy tôi xin xếp hạng và đồng hoá nó với nhạc Pop vì những đặc tính chung của nhạc trẻ giống như nhạc Pop.
Vậy nhạc sĩ trẻ? Họ là ai? Tôi đoán, chắc QB muốn nói đến những người trẻ khoảng dưới bốn mươi, viết, sáng tác và trình diễn nhạc trẻ.
Những người vào lứa tuổi hai mươi, phần lớn sinh ra và lớn lên ở hải ngoại. Họ nói và sử dụng ngôn ngữ nơi họ đang sống là ngôn ngữ chính và tiếng Việt biến thành ngôn ngữ phụ. Tiếng Việt đối với họ là một thử thách lâu dài. Nhưng không phải nói như thế là tất cả lớp người trẻ sinh ra tại hải ngoại đều có vốn liếng Việt ngữ nghèo nàn. Cũng có người đọc và viết tiếng Việt rất lưu loát. Phần còn lại ngoài hai mươi hoặc trên một chút đều rành rẽ tiếng Việt nhất là những người mới sang định cư sau này.
Viết, trình diễn và sáng tác nhạc Việt là sự chọn lựa riêng của từng người. Có nhiều nhạc sĩ bước hẳn vào dòng chính âm nhạc Âu Mỹ như nhóm Heart2Exit sáng tác và trình diễn nhạc hip hop, R&B, ballad, rap, soul, and a twist of heart với sự pha trộn nhạc cụ và văn hoá Việt Nam. Nhóm ASIA4 cũng vậy, họ viết cả nhạc pop Mỹ và Việt trình diễn ở Mỹ và cả Á Châụ.
Tại Canada có Hevin và Kristine Sa, vũ, viết và trình diễn nhạc pop ở Hoa Kỳ, Canada, Taiwan, Australia và The UK. Họ quan niệm bước hẳn vào dòng chính âm nhạc Âu Mỹ là một cơ hội cho người Việt bước hẳn vào thị trường âm nhạc quốc tế. Họ ước mơ sau khi thành công họ sẽ viết cả nhạc Việt khi có cơ hộị. Tất cả đều thừa nhận văn hoá Việt Nam có ảnh hưởng trực tiếp trong những sáng tác của họ.
Một số nhạc sĩ bước vào dòng nhạc cận đại Tây Phương, rất thành công và nổi tiếng như Phan Quang Phục đã đoạt giải âm nhạc The Prize of Rome năm 1988. Anh đã được xem như một trong 6 nhạc sĩ trẻ sáng tác có tài năng nhất Hoa Kỳ. Anh có bằng bác sĩ âm nhạc tại đại học Michigan và dạy sáng tác ở đại học Mỹ. Trịnh Bạch, Hoàng Ngọc-Tuấn, Phạm Quang Tuấn cũng vậy, họ đều gây được những tiếng vang trong cộng đồng quốc tế.
Như tôi đã trình bày ở trên, hải ngoại quá bao la nên tôi không kể ra hết được số các nhạc sĩ ở khắp nơi, đây chỉ là một số nhạc sĩ tôi biết và nghe đến qua các CD, băng nhựa và Internet. Tôi biết chắc rằng mỗi cộng đồng đều có người Việt sinh hoạt âm nhạc nghệ thuật, thật lấy làm tiếc khi còn có bao nhiêu nhạc sĩ mà tôi chưa có phương tiện để biết đến.
Sau khi phân loại âm nhạc hải ngoại ngỏ hầu giúp bạn đọc có cái nhìn tổng quát về âm nhạc hải ngoại, tôi cũng bàn thêm về nhạc trẻ. Chắc bạn đọc có thể nhìn thấy nhạc Pop hay nhạc trẻ chỉ là một mảng màu đỏ nhỏ bé trong bức tranh nhiều màu sắc của âm nhạc hải ngoại. Vì tính đa dạng này, nếu chúng ta chỉ xem, nghe vài bài nhạc trẻ trong chương trình Thúy Nga Paris rồi đi đến kết luận như QB đã phê bình thì thật thiếu công bằng cho âm nhạc hải ngoại quá. Nó giống chuyện người mù xem voi vậy.
Ở hải ngoại có nhiều trung tâm sản xuất âm nhạc mà Thúy Nga Paris và Asia là hai trung
tâm lớn nhất. Các ca, nhạc sĩ mới xuất hiện sẽ có nhiều cơ hội nổi danh nếu được hai trung tâm này chú ý và nâng đỡ.
Sản phẩm của Thúy Nga, tuy gần đây có nhiều tính thương mại, chiều theo thị hiếu đại
chúng nhưng được dàn dựng công phu, nghệ thuật và tốn kém. Tôi ghi nhận công sức của họ trong việc đem lại những chương trình âm nhạc giải trí súc tích, tuy nhiên họ chưa bao giờ đại diện cho âm nhạc hay giới thưởng ngoạn nào tại hải ngoạị (Chẳng lẽ lấy một chương trình video nhạc thương mại nào đó tại Việt Nam để đánh giá giá trị âm nhạc Việt Nam hiện nay?)
Còn việc QB nhận định rằng Thúy Nga và Asia dùng nhạc quốc nội mới sáng tác trong sản phẩm nghệ thuật của họ. Điều này chỉ đúng với Thúy Nga vì Thuý Nga theo sát thị hiếu đại chúng, Asia thì không. Asia có nét riêng trong chương trình của họ và dường như chưa hoặc rất ít khi nào đem những bài hát mới sáng tác trong nước vào chương trình.
Trở lại việc phê bình ngôn ngữ nhạc trẻ hải ngoại của QB. Lời phê bình nhạc trẻ hải ngoại đơn giản, lời lẽ ít trau chuốt, ý tưởng nghèo nàn, thiếu sâu sắc, của QB, nó cũng na ná như việc chúng ta phàn nàn tại sao con voi thì quá to, con kiến sao mà bé thế vậy.
Đặc tính của nhạc trẻ cũng như nhạc Pop là phổ thông, dễ nhớ, dễ hiểu, thời thượng, đáp ứng được nhu cầu nghe và nhìn của giới trẻ. Đối tượng của nhạc trẻ là những người trẻ đam mê, sôi động và mau chán. Họ thích được xem ca sĩ vừa trình diễn, vừa múa, hát nên họ không đòi hỏi những tiết tấu quá cầu kỳ phức tạp, ngôn từ trau chuốt sâu xa, chỉ cần dễ nghe, dễ nhớ. Người viết nhạc trẻ đều dựa trên những đặc tính này mà viết. Thường thì nhạc sĩ trẻ viết lên những gì họ thấy, nghe và hiểu theo lối tư duy đơn thuần của mình về tình yêu và cuộc sống vì họ chưa trải qua và chiêm nghiệm. vì họ chưa có vốn sống sâu sắc.
Một vài nhạc sĩ trẻ hải ngoại khi sáng tác, dùng ca từ có hình ảnh Sài Gòn hay Việt Nam trong nhạc phẩm của họ, bị QB phê bình là tâm cảm dựng lên thiếu cơ sở, giả tạo, ý tưởng phiến diện, kỳ quặc, méo mó. Tôi nghĩ QB hơi khe khắt và kỳ thị trong cách phê bình của mình. Quốc Bảo làm như hình ảnh Sài Gòn hay Việt Nam chỉ dành riêng cho người trong nước được dùng, nhạc sĩ hải ngoại không được dùng hay dùng mà chưa sống hay chưa thấy là méo mó, giả tạo. Nếu bảo là chưa thấy những hình ảnh này, làm sao QB khẳng định rằng họ chưa bao giờ thấy. Giả sử nếu họ chưa sống, chưa thấy, thì việc họ vay mượn hình ảnh Việt Nam làm nền cho tác phẩm của mình, tôi nghĩ đó là một điều tốt đáng khen hơn là kết tội hoặc chê trách.Vì sao? Vì nếu họ là những người trẻ lớn lên ở hải ngoại dù chưa biết quê hương Việt Nam là gì mà vẫn nghĩ đến và biết đem những hình ảnh trừu tượng, hư cấu đó vào tác phẩm của mình thì chúng ta những người đã may mắn được thấy, được sống phải khích lệ, hãnh diện hơn là chỉ trích, phê phán gay gắt. Tôi thấy nó chỉ giống hành động một nhà văn dùng những hình ảnh hư cấu (ngoài những dữ kiện thật) trong truyện của mình.
Ông QB nhận định thêm, để che giấu vốn tiếng Việt ít ỏi của mình, các nhạc sĩ hải ngoại chọn cách pha Anh ngữ vào bài hát. Tôi nghĩ điều này không phổ biến và nếu có thì vì dụng ý thay vì thiếu ngôn từ
Cuối cùng ông kết luận: “Tôi cho rằng tâm lý người Việt vẫn muốn yên tâm bằng các nghề bác sĩ, kỹ sư hơn là học nhạc và làm nhạc sĩ. Nếu không trang bị được cho mình đủ vốn kiến thức, kỹ thuật cũng như niềm đam mê cháy bỏng, một nhạc sĩ a ma tơ chưa chắc đã lập thân nổi trong cộng đồng người Việt, chứ đừng nói đến thị trường âm nhạc bản xứ. Hơn nữa, bao giờ tâm lý người xa xứ cũng bị đè nặng mặc cảm thua kém trước nền âm nhạc phát triển quá lớn mạnh ở Âu Mỹ, và sẽ rất hiếm hoi cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của một thiên tài lưu vong.”
Ông QB đã lẫn lộn giữa việc sáng tác nhạc Việt hải ngoại và việc học âm nhạc. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Học nhạc để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp chưa chắc sẽ trở thành nhạc sĩ tài danh. Một nhạc sĩ amatơ không cắp sách tới trường học âm nhạc mà tự học, nếu có năng khiếu và thiên tài cũng có thể nổi tiếng lẫy lừng.
Để trao đổi thêm thông tin, tôi xin nói thêm về việc học nhạc ở hải ngoại để các độc giả trong nước rõ.
Theo tôi biết, việc này đã và đang xảy ra ở Hoa Kỳ nơi tôi định cư (nơi khác thì tôi không rõ). Cứ trung bình theo tôi nhận xét, khoảng ít nhất 60% gia đình Việt Nam khá giả ở Mỹ cho con cái đi học Piano, Violin thêm tại các trung tâm dạy nhạc tư. Số tiền chi phí học nhạc riêng này rất cao, khoảng trên dưới 60 đô la một giờ. Ngoài ra tại các trường trung học, từ lớp 6 trở lên trẻ em đều có môn nghệ thuật trong giáo trình và các em có thể chọn lựa môn âm nhạc nếu thích. Nghĩa là trẻ em từ bậc trung học đã trang bị sẵn tại trường vốn kiến thức âm nhạc của mình để khi lên đại học có thể bước hẳn vào chuyên ngành nếu chúng thích. Vì vậy giới thưởng ngoạn có kiến thức âm nhạc ở Hoa Kỳ rất cao. Nếu một nhạc sĩ trẻ quyết định bước vào thế giới sáng tác âm nhạc, tôi không tin rằng họ không có một kiến thức kỹ thật âm nhạc vững vàng. Nếu khiếm khuyết họ có thể đi học thêm tại các đại học cộng đồng mà chi phí rất hạ, nếu có tiền họ có thể đi học tư ở các trung tâm dạy nhạc nổi tiếng điạ phương.
Phần lớn các nhạc sĩ Việt Nam ở hải ngoại đều là những nhạc sĩ nghiệp dư, nghĩa là âm nhạc không phải là nghề chính có thể nuôi sống họ. Họ học nhạc, sáng tác nhạc với tinh thần học hỏi và yêu mến nghệ thuật hơn là mong muốn nổi tiếng và sống nhờ tiếng tăm của mình. Do đó, tình trạng sáng tác để sống còn, không phải nhu cầu, nên tính thương mại và chiều theo thị hiếu đại chúng ít hơn trong nhạc phẩm của họ. Những tác phẩm sáng tạo hay, lừng lẫy thường không phải những tác phẩm chiều theo thị hiếu quần chúng.
Thiên tài âm nhạc là một tài năng đầy sáng tạo, nổi trội và vươn ra tới tầm vóc quốc tế. Ông QB tỏ vẻ lo lắng và bi quan cho một sự khó có thể trỗi dậy của một thiên tài âm nhạc hải ngoại vì mặc cảm thua kém ở xứ người. Sự quan tâm này của ông khiến tôi ngồi ôn lại trong gần 80 triệu người Việt trong nước có thiên tài âm nhạc nào nổi trội và lẫy lừng tiếng tăm vang vọng quốc tế chưa và trong số khoảng 2 triệu người Việt hải ngoại có ai xứng danh thiên tài âm nhạc không?
Tôi, một người không rành rẽ âm nhạc cho lắm, nên không dám đánh giá hay dùng từ “thiên tài âm nhạc” bừa bãi. Tuy nhiên tôi rất ngưỡng mộ những người đã có công gìn giữ, phát huy, giới thiệu và vinh danh âm nhạc Việt Nam với cộng đồng quốc tế như Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong(Hoa Kỳ), giáo sư Trần Văn Khê (Pháp), giáo sư Trần Quang Hải (Pháp). Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thuyết Phong là người đã được National Endowment for the Arts trao tặng danh hiệu “Di sản quốc gia”. Ông đã được tổng thống Bill Clinton tiếp đón tại White House. Ông đồng thời giữ chức vụ chủ tịch Hội Quốc Tế nghiên cứu Âm Nhạc Việt Nam. Giáo sư Tiến sĩ Trần Văn Khê là cựu giám đốc nghiên cứu (Director of research) thuộc trung tâm quốc gia nghiên cứu khoa học CNRS, Giảng sư đại học Sorbonne của Paris, Hội viên danh dự The International Music Council (UNESCO), Hội viên the European Academy of the Sciences, huy chương Officier des Arts et des Lettres của Pháp. Giáo sư tiến sĩ Trần Quang Hải nhận huy chương vàng âm nhạc của the Asian Cultural Academy, The Cristal Medal of the National Center for Scientific Research, làm việc với the National Center for Scientific Research (CNRS) ở Pháp, huy chương bắc đẩu bội tinh (Chevalier de la Légion d’Honneur) của tổng thống Pháp Jacques Chirac ban tặng. Ngoài ra ông còn nhận hơn 20 giải âm nhạc quốc tế khác tại hơn 120 đại hội liên hoan âm nhạc quốc tế (International Music Festivals) ở 60 quốc gia trên thế giới từ 1970 tới nay. Ngoài ra ở Pháp còn có Nguyễn Thiện Đạo, nhạc sĩ sáng tác lừng danh, Tôn Thất Tiết , nhạc sĩ sáng tác nổi tiếng viết nhạc cho 3 cuốn phim của đạo diễn Trần Anh Hùng (Mùi đu đủ xanh, Xích lô, v.v.) và Guitar Nguyên Lê nổi tiếng nhạc jazz, Nguyễn Mạnh Cường đoạt giải sáng tác The Asia Pacific Festival và Composers Conference ở New Zealand.
Tất cả đã góp phần làm tươi đẹp bức tranh âm nhạc hải ngoại.
Ngày nay, với sự giao lưu văn hoá trong và ngoài nước, trong nền âm nhạc Việt Nam nói chung đang xảy ra những sự kiện đáng ghi nhận.
Giới trẻ quốc nội thích coi PBN và những chương trình nhạc hải ngoại. Thị trường ca nhạc hải ngoại bị xao động vì các nghệ sĩ quốc nội liên tiếp bay sang hải ngoại lưu diễn vì tiền thù lao “bay sô” cao. Ngược lại cũng có các nghệ sĩ hải ngoại về Việt Nam trình diễn. Thị trường âm nhạc Việt Nam trở thành thị trường mở vì băng, đĩa, sản phẩm văn hoá trong nước cũng như ngoài nước luân lưu trao đổi.
Quan sát sự việc trên, bỗng dưng lòng tôi nở hoa một giấc mơ. Mơ trong tương lai, khi tôi hay bất cứ người viết nào khi đặt bút xuống viết về âm nhạc không còn dùng từ “âm nhạc hải ngoại” hay “âm nhạ quốc nội”, mà chỉ dùng độc một từ. Âm Nhạc Việt Nam. Tất cả chúng ta, dù sống trong nước hay hải ngoại, phương nam hay phương bắc, đầu vĩ tuyến này hay cuối vĩ tuyến kia, đều mang chung một dòng máu Việt, nói cùng một ngôn ngữ, khoác chung một màu da vàng. Các ca nhạc sĩ của chúng ta cùng viết và hát một thứ tiếng, có chung một tâm hồn, một nỗi niềm và tình tự dân tộc. Tại sao lại phải phân biệt, chia rẽ và kỳ thị? Sự trỗi dậy hay thành công của một thiên tài dù trong hay ngoài nước đều làm chúng ta hãnh diện như nhau vì quốc tế sẽ trầm trồ đó là người Việt chứ họ sẽ không phân biệt đó là người Việt hải ngoại hay quốc nội. Xưa nay nghệ thuật không có biên giới và nó đã đánh đổ những rào cản bất đồng chính kiến. Tôi ước mong âm nhạc, nghệ thuật sẽ là một thông điệp hoà bình và nhân ái mang người Việt chúng ta xích lại gần nhau hơn.
Tài liệu tham khảo
- Nhạc sĩ Quốc Bảo nói về nhạc hải ngoại
(http://vnexpress.net/Vietnam/Van-hoa/2004/05/3B9D2E24/)
- Trần Quang Hải- Vietnam: Situation of Exile Music since 1975 and Musical Life in Vietnam since Perestroika.
(http://www.tranquanghai.net/)
- Hoàng Ngọc-Tuấn - Ðối thoại giả tưởng về âm nhạc thế kỷ 21 (http://www.tienve.org/)
- Giáo sư bác sĩ Trần Văn Khê (http://www.philmultic.com/tran/)
Phong Nguyen – Musician and Ethnomusicologist (http://www.phong-nguyen.com/)