Vua Bảo Đại và bà Mộng Điệp

Vĩnh Phúc

Mạn đàm với bà Mộng Điệp

“Cái thằng Nguyễn Đắc Xuân nó xin tôi kể. Nhưng khi viết lại, nó viết sai nhiều lắm!” – Bà Mộng Điệp.

Những năm cuối đời cựu hoàng Bảo Đại. Những nỗi long đong và kết thúc bi thảm của ấn kiếm triều Nguyễn

Đã có một số người viết về cuộc sống của cựu hoàng Bảo Đại trong những năm cuối đời, nhưng chưa tác giả nào biết rõ được những tình tiết rất riêng tư và éo le trong những sinh hoạt cuối đời của vị vua cuối cùng triều Nguyễn, mà khi còn ngồi trên ngai vàng đã được tôn là Hoàng Đế Bảo Đại.
Ngoài ra, hình như cũng chưa có ai tìm hiểu được lý do tại sao thanh kiếm báu của triều Nguyễn lại bị bẻ gẫy làm đôi khi được thu hồi cùng với bảo ấn. Vậy thì ai đã làm gẫy thanh kiếm? Và ai đã tìm thấy kiếm và ấn sau khi hai vật quốc bảo này rời khỏi Huế và trải qua một thời gian biệt tích sau lễ tuyên bố thoái vị của Hoàng đế Bảo Đại trước cửa Ngọ môn để trở thành công dân Vĩnh Thụy và trao ấn kiếm cho Trần Huy Liệu đại diện của Hồ Chí Minh?

Vua Bảo Đại thoái vị trong một buổi lễ ở Ngọ Môn, Huế vào chiều 30 tháng 8, trao quốc ấn Hoàng đế Chi Bửu và thanh kiếm bạc nạm ngọc cho đại diện của chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận. Nguồn: “バオ・ダイ帝 “ (Hoàng đế Bảo Đại) http://vietkon.blog73.fc2.com/blog-entry-454.html.

Khi còn sinh thời, bà Mộng Điệp đã dành cho người viết mấy buổi mạn đàm trong đó bà kể nhiều về cuộc đời của bà, cuộc sống trong những năm cuối đời của cựu hoàng, về các người con của bà với cựu hoàng, và về lý do tại sao thanh kiếm báu triều Nguyễn bị bẻ gẫy, và tại sao kiếm và bảo ấn lại được tìm thấy để bà có nhiệm vụ đem sang Pháp trao cho cựu Hoàng hậu Nam Phương.
Bà Mộng Điệp tên thật là Bùi Mộng Điệp, sinh ngày 22 thàng6 năm 1924, nguyên quán Bắc Ninh, nhưng lên Hà Nội sống. Tại đây, năm 16 tuổi, bà gặp và trở thành người yêu của bác sĩ Phạm Văn Phán tốt nghiệp Y Sĩ Đông Dương khoá 1935. Tiếng tăm và địa vị xã hội của một bác sĩ vào thời đầu thập niên 1940 ở Hà Nội đã đủ hấp dẫn người thiếu nữ Mộng Điệp. Còn ông Phán thì bị thu hút bởi nhan sắc của nàng. Hai người có với nhau một con trai năm 1944.
Nhưng điều bất hạnh cho Mộng Điệp là khi nàng muốn bác sĩ Phán chính thức làm đám cưới thì ông cho biết điều này không thể thực hiện được. Lý do là vì ông đã có gia đình và là người theo đạo Công Giáo nên không được phép có hai vợ. Do đó, Mộng Điệp dứt khoát cắt đứt liên hệ với bác sĩ Phán và tự lực nuôi con. Nàng đặt tên cho con trai là Bùi Hữu Hưng, lấy họ của mẹ. Sau này khi Mộng Điệp ở với cựu hoàng Bảo Đại và được ông nhận Hưng làm con đỡ đầu và khi ở Pháp thì Bùi Hữu Hưng có thêm tên Jean Bùi. Jean Bùi được đi học và thành đạt ở Pháp, nhưng trong lòng lúc nào cũng căm hận ông bố ruột đã bỏ rơi mình. Cho nên năm 1996 bác sĩ Phạm Văn Phán trước khi qua đời ở Paris xin được gặp mặt người con mà ông đã không nhìn nhận cưu mang trước kia. Nhưng Jean Bùi từ chối. Thật cũng đau lòng. Phần Jean Bùi cũng qua đời năm 2009.
Về số phận long đong của cặp ấn kiếm triều Nguyễn, ngược dòng lịch sử, chúng ta còn nhớ: tài liệu của phe Việt Minh nói là ngày 30 tháng Tám, năm 1945 vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị trong một buổi lễ tại cửa Ngọ môn, Huế, và trở thành công dân Vĩnh Thụy. [Nhưng tác giả Đoàn Thêm – trong cuốn Hai Mươi Năm Qua -1945 – 1964, Việc Từng Ngày, trang 12 – ghi là 24/8/1945? ]
Ngay sau đó, Hồ Chí Minh đã cho mời ông ra Hà Nội để làm cố vấn tối cao cho chính phủ do ông Hồ thành lập. Thực ra, đây chỉ là một cách để giam lỏng vị vua đã mất ngôi, thất thế. Họ Hồ vốn là người xảo quyệt và nhiều mưu lược, vẫn ngại rằng có thể có những thành phần dân chúng hay đảng phái còn luyến tiếc nhà Nguyễn, sẽ tôn ông Vĩnh Thụy lên làm lãnh tụ để chống lại Việt Minh. Hoặc cũng có thể người Pháp sẽ tìm cách dùng cựu hoàng để qui tụ lại những người thân Pháp và những phần tử yêu nước đã nhìn thấy chân tướng cộng sản của Hồ Chí Minh, đế chống Việt Minh. Cho nên ngoài mặt thì họ Hồ rêu rao cho mời ông Vĩnh Thụy ra Hà Nội làm cố vấn tối cao cho chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà mới được thành lập, nhưng dụng ý ngầm là giam lỏng ông tại đó để ông hết đường cựa quậy, nếu còn có ý đó. Nhưng chưa hết! Vốn biết vị vua trẻ tính tình trăng hoa, gặp gái đẹp là như mèo thấy mỡ, nên HCM đã ngầm ra lệnh cho bộ hạ đem Mộng Điệp lại với Vĩnh Thụy. Qủa nhiên hai bên vừa gặp nhau là “kết” liền. Phần ông Vĩnh Thụy thấy nhan sắc khá mặn mà của “gái một con trông mòn con mắt” thì mê liền. Còn Mộng Điệp hồi đó cũng không hẳn có một cuộc sống và nghề nghiệp vững vàng, cho nên dễ dàng bị hào quang của một vị vua (dù đã thất thế) làm cho lóa mắt. Riêng Hồ Chí Minh hẳn phải xoa bụng cười, vì thấy kế hoạch mình đặt ra đã thành công. Đó là làm sao cho ông vua vừa mất ngôi kia vì say mê nữ sắc mà quên hết mọi chuyện quốc gia đại sự.
Hồ Chí MInh và Bảo Đại (25/8/1945). Nguồn: www.maguytran-pinterville.com

Trong thời gian được Việt Minh nuôi và cho ở ngôi biệt thự số 51 đường Trần Hưng Đạo, Hà Nội, ông Bảo Đại đã đem Mộng Điệp về đó. Rồi bà Mộng Điệp sinh với ông người con đầu lòng – con gái – đặt tên là Phương Thảo, sinh năm 1946 (nhưng trong chỗ riêng tư rất thân, Phương Thảo còn được mẹ và mấy bà bạn thân của mẹ gọi là Hường). 

Năm 1948 Bảo Đại thành lập Chính phủ Quốc Gia Việt Nam. Từ đó cho tới tận ngày nay, báo chí, sách vở, và người ta vẫn gọi bà Mộng Điệp là Thứ phi. Gọi như vậy e rằng không được chính danh. Bởi vì khi thoái vị, Hoàng Đế Bảo Đại với câu nói đi vào lịch sử “thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ”, đã trở thành công dân Vĩnh Thụy. Rồi khi lập ra chính phủ Quốc Gia Việt Nam, ông Bảo Đại chỉ xưng là Quốc Trưởng (Head of State) chứ không xưng là Quốc vương hay Hoàng đế. Như thế không thể tôn bà Mộng Điệp là Thứ phi được. Vì theo thứ phi, từ Hán Việt ngĩa là vợ bé của một ông vua. Hơn nữa, dù đã có với ông Bảo Đại mấy mặt con, nhưng ông không làm hôn thú với bà.
Năm 1949, Quốc trưởng Bảo Đại đem bà Mộng Điệp lên Đà Lạt ở. Bà cũng được ra mắt cựu hoàng thái hậu, tức là bà Từ Cung. Bà vốn khéo léo và tính tình cũng cởi mở, thẳng thắn nên ăn ở rất đẹp lòng đức Từ Cung. Và bà Mộng Điệp rất lấy làm hãnh diện đã được bà cụ ban khăn áo và dặn dò hãy cố gắng đẻ cho cụ một đứa con trai. Điều này dễ hiểu, vì hoàng hậu Nam Phương từ khi về triều cũng như khi đã có con với Bảo Đại, song bà và tất cả con của bà theo đạo Công giáo, và quá xa cách với bà cụ. Trong khi đó bà Mộng Điệp theo đạo Phật nên cụ mong có một cháu trai để sau này khi cụ khuất bóng thì mẹ con bà Mộng Điệp sẽ lo phần hương khói cho cụ, cũng như trông nom lăng mộ các tiên đế.


http://dcvonline.net/wp-content/uploads/2017/06/mongdiep2.jpg


Bà Bùi Mộng Điệp trên bậc thang của biệt điện ở Hồ Lắk (Đăk Lăk). Nguồn: OntheNet
Năm 1953, bà Mộng Điệp được Quốc trưởng Bảo Đại uỷ nhiệm đem thanh kiếm báu và chiếc kim ấn nhà Nguyễn sang Pháp. Nhân dịp này, bà mang luôn cả Phương Thảo lẫn người con riêng Bùi Hữu Hưng theo. Tại Pháp, bà trao trả ấn kiếm cho cựu hoàng hậu Nam Phương và Bảo Long. Sau đó, bà lại sinh tiếp cho Ông Bảo Đại hai người con trai đặt tên là Bảo Hoàng và Bảo Sơn. Bảo Hoàng sinh năm 1954 nhưng vắn số, chỉ sống được một tuổi, đến năm 1955 thì qua đời vì bệnh. Còn Bảo Sơn sinh năm 1955, lớn lên được đi học ở những trường danh tiếng, đỗ đạt và có địa vị trong xã hội. Nhưng đến năm 1987 đi du lịch ngoại quốc, khi tắm biển không may bị sóng lớn đánh va đầu vào ghềnh đá nên tử nạn khi mới 32 tuổi. Từ đó bà Mộng Điệp chỉ còn lại người con gái là Phương Thảo. Phương Thảo kết hôn với một người Pháp khá giàu, nhưng cô này bị bệnh tim nên theo bà Mộng Điệp thì cũng mấy lần “sống dở chết dở” song cũng may là cô vẫn còn sống cho tới nay. Tuy nhiên, sau khi mất cả ba người con trai (một với bác sĩ Phán và hai với ông Bảo Đại), chỉ còn lại người con gái, nhưng cô này cũng không sống gần với mẹ, nên càng ngày bà Mộng Điệp càng cảm thấy cô đơn.
Bà sống lẻ loi trong căn nhà thuộc hạng trung bình nằm trong một dãy chung cư trên đường Neuilly, quận 12, Paris. Cho nên hễ có thân hữu hay khách quen đến thăm thì bà vui lắm. Có lần vợ chồng tôi cùng bà Lan Phương đến thăm (bà LP chủ quán Đào Viên, quận 13, nay đã nghỉ hưu, vốn rất thân với bà Mộng Điệp). Quá vui vì gặp lại người quen để hàn huyên, bà Mộng Điệp để quên nồi cá đang kho trên bếp khiến bị cháy khét khói um nhà. Bà phải mở hết các cửa cho khói và mùi cá cháy thoát ra, làm khổ lỗ mũi các ông Tây bà Đầm hàng xóm!
Trên tường phòng khách đã từ nhiều năm có treo bức họa chân dung vị vua trẻ đang ngồi, khoảng mười sáu, mười bẩy tuổi, mặc hoàng bào. Bà Mộng Điệp bảo rằng bức chân dung này do một nữ họa sĩ người Pháp vẽ. Nhưng không hiểu tại sao nó lại bị đem bán ở một chợ trời. May mắn có người báo cho bà biết nên bà vội tới ngay và cố mua cho bằng được bức họa. Kể từ ngày đó bức họa vẫn có vị trí trang trọng trên bức tường ở phòng khách.

 http://dcvonline.net/wp-content/uploads/2017/06/mongdiep.png


Bà Mộng Điệp (bên trái) và bà Vĩnh Phúc (bên phải) dưới chân dung Vua Bảo Đại. Nguồn: VP
Trở lại với thanh kiếm và chiếc bảo ấn. Theo các tài liệu của phe Việt Minh, hai bảo vật này đã được vua Bảo Đại trao tận tay Trần Huy Liệu, trưởng một phái đoàn gồm ba người đại diện Hồ Chí Minh mà hai người kia là Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận, trong buổi lễ thoái vị tổ chức tại cửa Ngọ môn ngày 30/8/1945. Hồ Chí Minh ra lệnh phải đem gấp về Hà Nội để kịp khoe ra trước công chúng vào ngày lễ 2/9/1945 của họ. Thế rồi sau đó hai bảo vật quốc gia này biến mất, không ai nghe hay biết là chúng nằm ở đâu, hoặc do cơ quan hay nhân vật nào chịu trách nhiệm bảo vệ. Mãi tới năm 1952 khi toán công binh của quân đội Pháp bất ngờ tìm thấy, thì người ta mới hiểu cớ sự. Thì ra, đêm 19/12/1946 xảy ra cuộc đụng độ lớn giữa quân Pháp với quân Việt Minh và lực lượng thanh niên sinh viên ở Hà Nội. Vào khoảng 20 giờ, nhà máy đèn bị phá, điện tắt hết và súng nổ nhiều nơi trong thành phố. Trước tình hình nguy ngập, Hồ Chí Minh cùng một số cơ sở quan trọng của Việt Minh phải lén lút rời Hà Nội, chạy lánh vào tỉnh lỵ Hà Đông và những vùng phụ cận. Và trên đường hoảng loạn chạy trốn, chẳng biết ai đã ra lệnh đem chôn kiếm và ấn. Hai báu vật quốc gia bị bỏ vào trong một cái thùng bằng sắt tây, loại có dung tích 20 lít nguyên thuỷ để đựng dầu hôi (người Bắc gọi là dầu lửa), thường được dân chúng dùng làm thùng gánh nước. Thanh kiến dài nên bị bẻ gập đôi. Và thùng sắt tây được bịt kín bằng nhựa đường, rồi chôn. Bởi vậy mà sau này có những tài liệu và một số người nói rằng ấn kiếm bị sơn đen. Có tài liệu lại nói rằng chúng có màu đen vì rỉ sét! Thực ra, hai bảo vật đều làm bằng vàng, ngọc, và thép, toàn là những chất không thể nào rỉ sét được. Chính bà Mộng Điệp bảo rằng chỉ cái thùng sắt tây bị mít kín bằng nhựa đường mà thôi. Điều này dễ hiểu và hợp lý, vì chính cái thùng bằng sắt tây là vật dễ rỉ sét nên cần sơn và phủ kín bằng nhựa đường (chất nhựa tráng mặt đường, màu đen, asphalt). Chứ còn hai báu vật không thể rỉ thì đâu cần phải sơn đen để chống rỉ và ngụy trang. Lý do ngụy trang lại càng ngây thơ! Vì khi kẻ nào đó tìm thấy cái thùng, tất nhiên họ phải phá cái thùng để xem nó chứa cái gì bên trong. Thế thì cái thùng đã bị phá tất phơi bầy hai báu vật, nên còn ngụy trang cách nào được nữa?
Sự kiện thanh kiếm bị bẻ gẫy rồi nhét vào cái thùng sắt tây cùng cái ấn mà đem chôn, cho thấy những người Việt Minh (tức là cộng sản lộ mặt sau này) rất xem thường những bảo vật mang tính lịch sử và văn hoá dân tộc. Khi cần tuyên truyền thì họ cố tìm cách chiếm đoạt báu vật. Đến khi cần chạy thoát thân thì họ bẻ kiếm rồi chôn vùi cùng bảo ấn một cách vô trách nhiệm. Cho nên chính Nguyễn Đắc Xuân một người chuyên tuyên truyền rẻ tiền cho chế độ theo kiểu bịt mũi ăn phân và khen ngon, cũng đã phải viết trên Tạp Chí Sông Hương ngày 4/3/2010 trong bài “Cặp ấn kiếm triều Nguyễn — Kết thúc chặng đường bị lãng quên” như sau:
“…từ đấy toàn dân Việt Nam đinh ninh quốc ấn và quốc kiếm đã được những người có trách nhiệm (người viết gạch dưới) gìn giữ như những món quốc bảo của dân tộc.”
Vậy ai là người có trách nhiệm? Thì đó chính là người đã ra lệnh cho Trần Huy Liệu vào Huế lấy ấn kiếm của vua Bảo Đại, và cũng chính người đó có ra lệnh thì kẻ khác mới dám bẻ gẫy thanh bảo kiếm chứ?
Theo bà Mộng Điệp, khi tìm thấy cái thùng chứa báu vật, người Pháp thông cáo tìm người thân cận với ông Bảo Đại để trao trả. Vì ông Bảo Đại cùng mẹ con bà Nam Phương đều ở cả bên Pháp, nên tại Việt Nam chỉ còn có bà Mộng Điệp. Do đó họ trao cho bà trong một buổi lễ tổ chức ở Đà Lạt. Bà Mộng Điệp thì có nhìn thấy ấn và kiếm bao giờ đâu, nên phải mời bà cụ Từ Cung từ Huế lên Đà Lạt để chứng kiến. Sau đó bà sai người tìm thợ hàn thật giỏi để hàn lại thanh kiếm, rồi mài dũa chỗ hàn làm cho bóng mịn như mới. Kiếm và ấn được trao trả cho bà từ năm 1952, nhưng tới năm 1953 khi tình hình chiến sự quá rối ren nên Quốc Trưởng Bảo Đại ở lỳ bên Pháp không đặt chân về Việt Nam. Ông bảo bà Mộng Điệp mang sang Pháp cho ông ấn kiếm và một số đồ cổ quí giá. Trong chuyến đi này, bà đem theo cả hai người con là Bùi Huy Hưng 9 tuổi, và Phương Thảo 7 tuổi.

http://dcvonline.net/wp-content/uploads/2017/06/batucung1980.jpg

 Bà Từ Cung, mẹ Bảo Đại, đầu năm 1980. Nguồn: www.maguytran-pinterville.com

Trong căn phòng khách nơi trên tường có bức họa chân dung nhà vua đang nhìn xuống, bà Mộng Điệp kể tiếp về cuộc sống của cựu hoàng ở Pháp. Lúc đầu khi chưa bị truất phế và vẫn được Bẩy Viễn (tức Lê Văn Viễn, tướng cưóp khét tiếng, làm chủ các sòng bạc Đại Thế Giới, Kim Chung và khu mại dâm Bình Khang ở Chợ Lớn, được Bảo Đại phong thiếu tướng, cho chỉ huy công an cảnh sát Saigon-Chợ Lớn) cung phụng tiền bạc mỗi ngày rủng rỉnh, nên ông sống rất phong lưu, xài tiền như rác. Ông có du thuyền, máy bay, và lâu đài ở miền Nam nước Pháp. Nhưng sau khi bị truất phế, Bẩy Viễn bỏ chạy sang Pháp thì ông không còn nguồn cung cấp tài chính nữa. Thấm thoát tất cả đều mất hết. Rồi ông bắt đầu cuộc sống vô định, gần như bệ rạc. Bà Nam Phương và đàn con từ lâu đã không thèm ngó ngàng tới ông, coi như đồ bỏ đi. Hồi đầu bà Mộng Điệp còn cho người theo dõi, nhưng ông tỏ ý bất bình, nên dần dà cũng thôi. Chỉ khi nào có chuyện gì khiến cảnh sát Pháp phải tìm người thân của ông để liên lạc, thì lúc đó bà mới biết. Ví dụ có lần ông sống với một cố gái ăn sương ở khu đèn đỏ gần Moulin Rouge, nơi giải trí nổi tiếng thế giới ở Paris. Buổi tối, cô đầm này đi ra đường đón khách, còn ông Bảo Đại đang lên cơn sốt nằm một mình trong căn phòng tồi tàn. Bất ngờ gendarme (tức cảnh sát) Pháp xông vào khám phòng. Họ bắt được ma tuý dấu dưới nệm. Ông bị còng tay. Rồi ông khai ra là cựu hoàng của Việt Nam. Đám cảnh sát phải gọi về Tổng hành dinh báo cáo. Tại đây cấp thẩm quyền xác nhận có một cựu hoàng đế của Việt Nam tên là Bảo Đại thật, và ra lệnh ém nhẹm vụ này đi, để giới truyền thông khỏi làm rùm beng lên, chẳng đẹp gì cho người Việt Nam. Rồi họ báo cho bà Mộng Điệp để cho người đến lãnh ông về.
Ông tiếp tục sống bệ rạc như vậy khoảng chục năm cho tới khi ở với Monique Baudot, người sau này chính thức thành vợ ông. Người phụ nữ này nguyên quán vùng Lorraine, sát biên giời Đức (nên có một số người tưởng là người Đức), trẻ hơn ông Bảo Đại tới 30 tuổi (sinh năm 1946). Monique Baudot là người rất tầm thường, ham danh và lý tài. Sở dĩ cô gặp ông Bảo Đại là vì có thời ông Bảo Đại đang sống lêu bêu thì được một mạnh thường quân thuê cho một căn chung cư trong một cao ốc trên đường Fresnel Quận 16 để ở. Và cô Monique (tên Anh là Monica) đang làm bồi phòng tại đó. Có lần ông bị bệnh. Monique nghe nói ông là một cựu hoàng đế của Việt Nam, nên tận tụy săn sóc và lấy lòng ông. Vốn đang sống cô đơn nay có người quan tâm và chăm nom nên cựu hoàng cảm động. Rồi hai người ở với nhau nhưng cũng chưa chính thức về mặt pháp lý. Tuy vậy Monique kiểm soát cựu hoàng rất khắt khe và đi đâu cũng khoe mình là “Princesse Vĩnh Thụy”!
Sự tầm thường và tham lam của Monique khiến cho những người Việt Nam nào có dịp tiếp xúc với bà cũng phải nhăn mặt. Một buổi tối, cựu hoàng gọi điện thoại cho bà Lan Phương chủ nhà hàng Đào Viên:
– Tôi thèm nem rán (chả giò) quá. “Mệ” có thể đem cho tôi một ít không?”
– Thưa Ngài, tôi sẽ đem tới ngay để Ngài xơi ạ.
Rồi bà Đào Viên sai nhân viên chiên ngay một khay chả giò, đóng cửa nhà hàng sớm, rồi lái xe đem tới … dâng Ngài ngự. Nhưng bà Monique đón lấy khay chả giò, lạnh lùng bảo:
– Tôi đã làm trứng chiên cho ông ấy rồi. Tối nay phải ăn trứng đã. Chả giò để đến mai!
Một lần cụ Hoàng Bá Vinh mời cựu hoàng đi ăn nhà hàng (cụ Vinh ngày trước rất thân với nhà Ngô, đã từng giúp ông Diệm rất nhiều khi ông còn long đong). Monique thấy bà Vinh mang cái ví đầm thuộc loại sang và đắt tiền, ngồi ăn mà cứ ngó lom lom ra vẻ thèm thuồng. Bà Vinh hỏi:
– Bà có thích cái ví này không?
Dĩ nhiên Monique thích quá! Hôm sau bà Vinh đi mua cho mụ một cái ví tương tự. Monique hớn hở như đứa trẻ được gói kẹo.
Vẫn cụ Hoàng Bá Vinh kể rằng trong một lần họp mặt có mấy người, trong đó có cựu tướng Trần Văn Đôn. Khi có một cuộc tranh luận nhỏ với vài người, mụ Monique văng ra một câu thật tục tĩu không biết đã học được ở đâu:
– Vous êtes tous des bú c… (Các anh toàn là đồ “bú c…”)
Tướng Đôn đã xáng cho mụ một bạt tai, ngay trước mặt ông Bảo Đại.
Tuy ăn ở với Monique từ năm 1971 nhưng mãi tới 1982 cựu hoàng mới chịu làm hôn thú, vì bị mụ dồn ép quá. Việc này khiến Bảo Long giận lắm. Và cựu hoàng cũng xin rửa tội để theo đạo Công giáo, tuy rằng từ xưa ông vẫn giữ đạo Phật, vì luật nhà Nguyễn qui định nhà vua phải giữ đạo Phật của tổ tiên.

Cặp ấn kiếm bà Mộng Điệp đem sang năm 1953 do cựu hoàng hậu Nam Phương giữ. Sau khi bà qua đời năm 1963 thì chuyển qua Bảo Long giữ. Đến khi cựu hoàng viết cuốn hồi ký Le Dragon d’Annam” (Con Rồng An-nam) năm 1982, muốn mượn cái ấn để đóng vào cuối mỗi chương cho cuốn sách thêm trang trọng. Nhưng Bảo Long không cho mượn. Thế là cha con càng xung khắc, đối xử với nhau chẳng còn chút tình nghĩa gì nữa. Rồi cựu hoàng kiện Bảo Long để đòi lấy lại ấn kiếm. Kết quả toà án Pháp xử cựu hoàng được giữ cái ấn, còn Bảo Long giữ thanh kiếm. Thật là một mối sỉ nhục! Và điều chua sót là khi cựu hoàng qua đời, cái ấn bằng vàng nặng suýt soát 13kg (bà Mộng Điệp xác nhận chính tay bà cân ) đương nhiên thuộc về quyền sở hữu của bà Monique.
Những năm cuối đời, số phận của vị hoàng đế cuối cùng triều Nguyễn cũng long đong như số phận hai bảo vật tượng trưng cho uy quyền của ông là cặp ấn kiếm, để cuối cùng đều kết thúc trong ê chề.
Cuộc sống của cựu hoàng kể từ sau khi bị truất phế, có lẽ chỉ có bà Mộng Điệp là biết khá rõ. Bà cũng thỉnh thoảng kể lại, nhưng phần nhiều chỉ là những khúc ngắn gặp khi bà vui chuyện. Chỉ ai có cơ duyên lắm mới được bà kể tường tận đầu đuôi. Tuy nhiên, cũng có khi bà tỏ ra hối hận và bực mình vì người ta đem chuyện kể lại mà bóp méo sự thật. Một lần bà tỏ ra bất bình mà nói:
“Cái thằng Nguyễn Đắc Xuân nó xin tôi kể. Nhưng khi viết lại, nó viết sai nhiều lắm!”
Điều này không lạ! Bởi vì người được gọi là “nhà nghiên cứu” này có thói quen sử dụng lối viết của một cán bộ tuyên truyền hạ cấp để bịa đặt bóp méo sự thật và lịch sử một cách trắng trợn, không hề quan tâm đến liêm sỉ và tự trọng. Ông ta thường dùng lối viết mập mờ như “nghe nói… nghe kể …” để người đọc muốn hiểu sao thì hiểu. Ví dụ: khi tả lại chuyến đi thăm dinh Gia Long là nơi ở của TT Ngô Đình Diệm và gia đình ông Ngô Đình Nhu, Nguyễn Đắc Xuân hạ bút:
“ … khi được vào tham quan, chúng tôi đến ngay phòng ngủ của bà Lệ Xuân phía gần đường Pasteur. Cái phòng này bị dân chúng phá tanh banh. Các sĩ quan chỉ cho chúng tôi hệ thống kính soi được lắp kín bốn mặt tường và họ giải thích rằng bà Lệ Xuân lắp hệ thống kính như thế để mọi hoạt động thân thể riêng tư của bà trong phòng này bà có thể ngắm được từ nhiều phía. Và người ta cũng hướng dẫn chúng tôi rằng phòng riêng của Tổng thống Diệm gần phòng riêng của cô em dâu. Ông Ngô Đình Nhu muốn vào phòng riêng của vợ phải đi qua phòng của anh trai ông. Không rõ thực hư như thế nào, cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa hiểu có đúng như thế không và tại sao như vậy?”
(Nguyễn Văn Lục, Hai Mươi Năm Miền Nam 1955 – 1975, tr. 148.)
Nguyễn Đắc Xuân nhận xét về bà Mộng Điệp:
“Đó là một con người trọng đạo nghĩa nhưng rất thẳng tính, dám nói thẳng nói thật.”
Vâng, quả thật bà Mộng Đệp rất thẳng tính và dám nói thẳng nói thật, cho nên bà mới than:
“Cái thằng Nguyễn Đắc Xuân nó xin tôi kể. Nhưng khi viết lại, nó viết sai nhiều lắm!”
Ghi lại nhân dịp sinh nhật bà Mộng Điệp 22/6 và húy nhật 26/6