Vấn đề triết học
trong thời đại
khoa học
GS Nguyễn Đăng Trúc
Vấn đề triết học
Việt Nam có triết học hay không? Câu hỏi nầy đặt ra cho chúng ta, tưởng chừng như triết học là một yếu tố quan trọng cho sinh mệnh của dân tộc.
Nhưng lịch sử của nhân
loại vào cuối thế kỷ 20 đồng thời cho chúng ta có cảm tưởng lối đặt vấn đề như
thế xem ra phản động, lỗi thời.
Cuối thế kỷ 19, F. Nietzsche khám phá rằng bước đi của triết học truyền thống khởi từ thời Socrate của Hy-lạp đã dựa trên những nền tảng lung lay; tiến trình của triết học đó không phải là sự sinh động của tư tưởng con người, nhưng là một giấc mơ liên lỉ của những con người trốn chạy trước những thách đố đầy cam go của cuộc sống, vốn là một bi kịch của Thiên nhiên. Nói cách khác càng hướng về tương lai, vận mệnh của nhân loại chịu sự chi phối của lối tư tưởng triết học truyền thống sẽ đi dần đến cảnh tiêu điều. Ông gọi tiến trình đó là "sa mạc lớn dần".
Trong tiền bán thế kỷ
20, triết gia M. Heidegger dựa vào sự kiểm thảo về nền tảng triết học của Kant,
xác minh rằng hư vô chủ nghĩa mà F. Nietzsche nêu lên trong câu nói "Thượng đế đã chết" đi liền với thắc
mắc "Phải chăng chúng ta sẽ lạc loài
trong cõi hư vô bất định?" không phải chỉ là một chủ trương nói ngược
lại những nội dung tích cực về hữu thể của triết học truyền thống.
Nhưng
"hư vô chủ nghĩa đúng hơn, nếu được suy tư
ngay tự yếu tính của nó, là một vận hành nền tảng của Lịch sử Tây phương. Nó
mang một tầm quan trọng sâu xa đến độ tiến trình khai triển nó chỉ có thể được
đem lại những tai ương cho toàn thế giới. Hư vô chủ nghĩa, trong lịch sử của
thế giới, là một vận hành đẩy đưa các dân tộc trên trái đất vào khối quyền lực
của thời tân kỳ" [1][1].
[1][1] M. Heidegger, Chemins qui ne mènent nulle part, 1949, trad. Wolfgang Brokmeier -
Nlle, éd., Gallimard, 1962.
Nói cách khác, các nhà
tư tưởng đã thấy rằng chuyển biến của lịch sử nhân loại được điều hành bởi lối
triết học truyền thống nầy sẽ đào thải chính sinh hoạt gọi là triết học, đồng
thời xoá luôn ý định nguyên thủy đồng hóa tư tưởng con người với lối suy tư
triết học đó. Vào thời kỳ mà Martin Heidegger nêu lên những nhận định trên,
sinh hoạt triết học đang phát triển cao độ, đặc biệt những năm sau cuộc đại
chiến lần thứ hai [2][2]. Cũng khoảng vào thời gian nầy, vào giữa
thế kỷ 20, G. Gusdorf nhận định rõ hơn về sự suy tàn hầu như tất yếu của triết
học trong Thời tân kỳ của lịch sử nhân loại đang diễn ra như sau:
" Sự phân công trí thức càng ngày càng rõ nét
giản lược nhà siêu hình học, không còn có một lãnh vực rõ rệt nào để đối chiếu,
vào vai trò đáng phiền của một chuyên gia về các ý tưởng tổng quát. Mỗi một
lãnh vực của hiểu biết chịu chi phối bởi sự hướng dẫn của những kỹ thuật gia có
khả năng chuyên môn, không chỉ giỏi nói mà còn hoạt động hữu hiệu. Triết gia
được đánh giá là một mẫu người không có tài năng chuyên môn nào cả, lời nói ra
không có một ý nghĩa gì thiết thực, nên vấn đề đặt ra là có nên nuôi thêm một miệng
ăn không mang lại lợi ích gì nữa hay không - Vấn đề mà một vài chế độ chính trị
đã có cách trả lời thoả đáng...Nhân loại ngày nay đã trở nên trưởng thành, sở
đắc những phương tiện mới để hiểu biết và hành động. Siêu hình học từ nay chỉ
là bộ xương khô đã bị chôn vùi từ một thời dĩ vãng. Sự ngoan cố tồn tại có thể
làm trở ngại cho sự tiến bộ cần thiết của văn minh. Vấn đề là xem xét siêu hình
học ngày nay có một ý nghĩa và một phần vụ nào không? " [3][3].
Câu trả lời vào cuối thế
kỷ 20 dựa vào thực tế lịch sử, là "không".
Nói rằng
"không", không có nghĩa là bộ môn triết học không còn nằm trong các
chương trình học cấp trung và đại học ở các quốc gia, hay sách vở viết về triết
học không còn được xuất bản và lưu hành. Nhưng "không" ở đây có nghĩa
rằng vai trò mà triết học được truyền thống văn hóa Tây phương đánh giá như là
thắc mắc về nền tảng của tư tưởng và sinh hoạt con người thì ngày nay đã được
giải quyết bằng khoa học, tiêu chuẩn vững chắc để đánh giá chân lý. Triết học
bây giờ được xem là một bộ môn nghiên cứu về tiến trình kiến thức tiền khoa
học, hoặc là tổng số những giả thuyết thúc đẩy khoa học phát triển và sẽ được
xác minh lại dựa trên những tiêu chuẩn của chính khoa học.
Platon cho rằng điểm
khởi đầu và động lực thúc đẩy suy tư triết học là sự ngạc nhiên. Nhưng tâm thức con người ngày nay đánh giá sự ngạc
nhiên đó chẳng qua là tình cảm của con người ở vào tình trạng chưa phát triển
về sự hiểu biết khoa học. Jean Brun nhận định về tâm thức phổ biến của con
người văn minh ngày nay như sau:
" Các bộ môn khoa học và thiên nhiên, các bộ
môn khoa học về con người, các ngành khoa học về kinh tế, các chủ thuyết triết
học thực nghiệm, cũng như các chủ thuyết triết học về lịch sử, muốn giải thoát
chúng ta khỏi một sự ngạc nhiên được quan niệm như là mặt trái của sự ngu muội,
một dấu chứng của một tình trạng thiếu hiểu biết, vướng mắc những hậu quả của
tâm thức tiền luận lý " [4][4].
Như thế đặt vấn đề dân
tộc Việt Nam
có hay không có triết học để làm gì? Chúng ta phải chăng đang sống trong một xã
hội nới rộng có tính cách toàn cầu, mà văn minh khoa học kỹ thuật Tây phương
được tiếp nhận như một tiến trình tiến hóa phổ quát, thế thì câu hỏi có lẽ xem
ra hữu lý và cấp thiết hơn cho sinh mệnh của dân tộc là "Dân tộc Việt Nam đã có những tiến trình phát
triển khoa học như thế nào", thay vì đặt câu hỏi có tính cách xa xỉ về
vấn đề triết học?
Trước thắc mắc nầy, có
người lại nêu lên, cũng rất tổng quát, rằng khoa học chỉ giải quyết vấn đề "thành
công", còn triết học là ưu tư cho vấn đề "thành nhân".
Nhận định nầy buộc ta
phải đào sâu thêm về chính nội dung và nền tảng triết học.
Điều mà chúng ta gọi là
"thành nhân" cũng là điều mà triết học muốn tìm đến, dù chúng ta có
dùng chữ đó theo một nghĩa rộng rãi (như
khi dùng chữ triết học Đông phương, triết học Việt Nam) hay dùng
theo nghĩa hẹp đúng theo truyền thống trường ốc và lối suy tư đặc loại của Tây
phương.
Vấn đề hiện nay làm ta
ngạc nhiên là tại sao còn tồn tại một nỗi nhớ nhung nào đó để thoáng thấy một
sự phân cách giữa "thành nhân" và "thành công", trong khi
tiến trình lịch sử được hướng dẫn bởi tư tưởng truyền thống triết học Tây
phương chứng thực là khoa học được nhìn nhận như là sự hoàn thành của triết
học. Thắc mắc đó phải chăng là vết tích của một quá trình lịch sử quá khứ mà
một số người lạc hậu chưa gột bỏ được để đồng hành với đà tiến hóa của nhân
loại, hay đây chính là triệu chứng con người giật mình trước lịch sử đang trên
đà dẫn đưa nhân loại đến sự hủy diệt nhân tính.
Trả lời câu thắc mắc đó
buộc ta quay lại xem giữa mục tiêu của triết học đặt ra ngay từ bước đầu và
tiến trình mà triết học đã thực hiện qua lịch sử có ăn khớp với nhau, hay từng
gặp phải những bước sẩy trật.
[2][2] Xem câu nói của M.
Heidegger trong Qu'appelle-t-on penser?
1954 "có ai ngày nay có thể cho
rằng chúng ta chưa hề tư tưởng, khi nơi nơi đều có sự lưu tâm đến triết học,
đều muốn truyền bá triết học ngày càng rộng rãi, và mọi người muốn biết về tình
hình tiến triển của nó?" Trad. A. Becker et g. Granel, P.U.F, Paris, 1959,
tr. 23.
Nguồn: Trích từ tác phẩm: Tiếp Cận Tư Tưởng VN & Vấn Đề Triết Học - Tập I