Trung Quốc, lòng dạ hiểm sâu

Hoàng Minh Tuấn
 
Trung Quốc, lòng dạ hiểm sâu
 
Trong cuộc Họp báo thường kỳ Quý I.2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức chiều 05/04/2017, vấn đề ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần biên giới Việt Nam đi vào hoạt động đã được báo giới đặt ra đối với các lãnh đạo của Bộ KHCN cùng các Cục liên quan. Xin được đăng lại bài viết cách đây 6 tháng mà cá nhân tôi dày công nghiên cứu. Mong mọi người hãy chia sẻ để hiểu rõ hơn lòng dạ hiểm sâu của người bạn vàng “4 tốt” và hiểm họa đang đến với đất nước, với dân tộc ta.
clip_image001
Nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc gần như hoàn toàn là hàng “made in China”, đây là mối lo ngại lớn.
clip_image002
Bản đồ bố trí ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc.
clip_image003
Lộ trình phát tán của phóng xạ trong trường hợp nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành gặp sự cố trong các tháng mùa đông.
clip_image004
Lộ trình phát tán phóng xạ trong trường hợp nhà máy điện hạt nhân Sương Giang gặp sự cố bằng mô hình READY/HYSPLIT.
QUẢ LÀ THÂM ĐỘC
Mới đây, Trung Quốc vừa mới đưa vào vận hành thương mại 7/18 tổ máy của ba nhà máy điện hạt nhân nằm gần biên giới phía bắc Việt Nam gồm Phòng Thành (Quảng Tây) công suất 1000 MW cách Móng Cái (Quảng Ninh) 50 km, Trường Giang (Quảng Đông) 600 MW cách biên giới Việt Nam hơn 200 km và Sương Giang (đảo Hải Nam) 650 MW cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 100 km. Sự kiện này khiến nhiều người từ các nhà khoa học đến người dân bình thường ở Việt Nam đều tỏ ra lo ngại. Là người từng được đào tạo chuyên ngành hạt nhân và đã có thời gian học tập, nghiên cứu tại Viện hạt nhân Đà Lạt, người viết xin gửi tới bạn đọc quan tâm các cơ sở khoa học về những ảnh hưởng của ba nhà máy điện hạt nhân của Trung Quốc đối với Việt Nam.
Phải nói cho rõ: Trung Quốc có quyền xây dựng NMĐHN trên đất của họ. Không ít người (điển hình là ông Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) cho rằng không có gì đáng lo ngại khi ba nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc ở gần biên giới đã đi vào vận hành. Đây là quan niệm quá đơn giản và thiếu chính xác về mặt khoa học. Trên thực tế, các bụi chất phóng xạ rơi lắng xuống đất, xuống biển, tích tụ lại trong các lớp trầm tích, mùn hữu cơ, động vật phù du…, nơi khởi đầu các chuỗi thức ăn cho con người và động thực vật. Những chất phóng xạ thoát ra từ NMĐHN có chu kỳ phân rã rất lâu: như Cs-137 (tích lũy vào mô thịt), Sr-90 (tích lũy vào mô xương) sau 60 năm mới tự phân rã hết. Chất Pu-239 còn sống lâu hơn, đến hàng nghìn năm. Các chất phóng xạ này là nguyên nhân gây ra các dị tật bẩm sinh, quái thai, bạch cầu, ung thư, biến đổi gen… khi bị nhiễm xạ. Một năm, một lò phản ứng… có thể chưa đáng lo. Nhưng hàng chục năm với nhiều nhà máy thì hậu quả sẽ khác hẳn, mà còn tạo ra nguy cơ cho sức khỏe con người và nền kinh tế.
Điều quan ngại nhất là các NMĐHN của Trung Quốc được xây dựng theo công nghệ CPR-1000 thuộc thế hệ II+, nguyên bản từ công nghệ Pháp – Mỹ đã hoàn thiện từ những năm tám mươi thế kỷ trước, nhưng được Trung Quốc nội địa hóa đến hơn 80% nên xác xuất gặp sự cố là rất cao. Với một mật độ lò phản ứng dày đặc như vậy nằm trên đầu nguồn các khối khí lạnh lục địa thường xuyên kéo xuống nước ta về mùa đông, thì các NMĐHN chẳng khác gì những quả bom hạt nhân nổ chậm đặt trên đầu chúng ta mà không biết khi nào phát nổ. Nếu sự cố mất an toàn xảy ra trùng với các đợt gió mùa đông bắc hay những cơn bão ngoài biển Đông, chất phóng xạ sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Miền Bắc nước ta với địa hình vòng cung, gió mùa đông bắc di chuyển với tốc độ 20 – 25 km/giờ, dưới chiều gió này, nếu nhà máy gặp sự cố phát lên bầu không khí những ion nhiễm xạ thì 10 giờ sau đã gây ảnh hưởng tới Hà Nội. Và miền Bắc Việt Nam hoàn toàn có thể thành một vùng đất trắng. Đến đây có nhiều người đặt ra câu hỏi: Tại sao chỉ quan tâm đến mùa đông chứ không phải mùa hè? Bởi vì, do khí quyển phát tán mạnh hơn về mùa hè nên các sol khí phóng xạ tiêu tan rất nhanh. Ngược lại, về mùa đông sol khí phóng xạ sống lâu hơn nhiều.
Cơ quan Khí quyển và Hải dương học (NOAA) của Hoa kỳ đã khảo sát lộ trình phát tán của phóng xạ trong trường hợp nhà máy Phòng Thành gặp sự cố trong các tháng mùa đông như sau (Hình 03).
NOAA cũng đã khảo sát lộ trình của phóng xạ trong trường hợp nhà máy Sương Giang gặp sự cố bằng mô hình READY/HYSPLIT. Theo bản đồ (Hình 04) cho biết phóng xạ sẽ tiến thẳng vào bờ biển Bắc bộ và Bắc Trung bộ trước khi quay ngược về Trung Quốc. Lộ trình này cho thấy các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa và Vinh sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
Qua đó thấy rõ ràng rằng, một khi sự cố xảy ra Việt Nam hứng chịu hậu quả phóng xạ từ các NMĐHN này nhiều hơn Trung Quốc. Người Trung Quốc có thấy điều đó không? Họ hiểu rõ điều đó hơn chúng ta rất nhiều nhưng họ chỉ muốn tổ quốc Trung Hoa vĩ đại của họ chịu ít rủi ro nhất. Quả là thâm độc!!!