Tổ Chức FULRO Của Đồng Bào Thượng

Nguyễn Văn Nghiêm

Biến Cố Banmêthuột 20 – 9 – 1964, và
 
Tổ Chức FULRO Của Đồng Bào Thượng
 

( Viết trong ngày Father’s Day 16/6/2002, và ngày 17/6/2002, kỷ niệm ngày sinh thứ 73 )

Trong Nguyệt San Khởi Hành số 68, tháng 6, 2002, có bài Y- DUEZ- NIEZ của Bùi Đức Lạc. Đọc bài này tôi bỗng nhớ đến biến cố Banmêthuột ngày 20, tháng 9, năm 1964, và tổ chức FULRO của đồng bào Thượng. Tôi xin kể lại câu chuyện sau đây để độc giả biết thêm về biến cố này và tổ chức FULRO nói trên.

Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II đóng ở một căn cứ quân sự rất lớn ở gần Biển Hồ, Pleiku. Mỗi buổi sáng đều có cuộc họp Tham Mưu dưới sự chủ toạ của Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Tư Lệnh Quân Đoàn. Xe Jeep của các sĩ quan Trưởng Phòng Quân Đoàn và cuả các Đơn Vị Trưởng những đơn vị thuộc Quân Đoàn tấp nập chạy về toà nhà hai tầng to lớn rất đẹp của Bộ Tư Lệnh. Nhưng đã hai hôm rồi, quang cảnh Bộ Tư Lệnh rất yên tĩnh, vắng vẻ, xe cộ thưa thớt qua lại, vì không có buổi họp Tham Mưu. Tại Qui Nhơn, Bình Định đã xảy ra những cuộc biểu tình rất lớn của những vị tu hành và những tín đồ Phật Giáo. Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II và Bộ Tham Mưu nhẹ gồm một bộ phận các phòng 2, 3, 4, Chiến Tranh Chính Trị, v..v. đã phải xuống Qui Nhơn để trực tiếp chỉ huy Sư Đoàn 22 giúp Tỉnh Bình Định đề phòng bạo loạn, nếu có xảy ra.
Sáng hôm nay, sáng Chủ Nhật, ngày 20, tháng 9, năm 1964, như thường lệ tôi từ nhà riêng ở Thị Xã Pleiku lái xe Jeep đi vào Quân Đoàn để tham dự cuộc họp Tham Mưu. Lúc ấy tôi mang cấp bậc Đại Úy Tạm Thời, còn chức vụ thì làm Trưởng Phòng Thượng Vụ Quân Đoàn II. Phòng Thượng Vụ không có dự trù trong bảng cấp số của Quân Đoàn. Nó được Trung Tướng Nguyễn Khánh cựu Tư Lệnh Quân Đoàn II lập ra sau ngày 1, tháng 11, năm 1963, để giải quyết những vấn đề có liên quan giữa Quân Đoàn với đồng bào Thượng. Nhân số vẻn vẹn có hai người, Trung Sĩ Nay Puah, một người Thượng thuộc sắc tộc Jarai, nhân viên văn phòng kiêm thư ký đánh máy, và tôi. Văn phòng Thượng Vụ được đặt trong một gian phòng ở một dãy những nhà một tầng dài tường xây bằng gạch, quét vôi màu vàng, mái lợp ngói đỏ, màu đỏ vẫn còn tươi, vì Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn II mới xây xong khoảng năm 1959, 1960. Dãy nhà này là nơi đặt văn phòng của các phòng thuộc Bộ Tham Mưu Quân Đoàn. Từ dãy nhà một tầng này đi lên toà nhà hai tầng có văn phòng Trung Tướng Tư Lệnh cũng phải cách xa vài trăm thước. Hôm nay có lẽ Trung Tướng Tư Lệnh và các Trưởng Phòng còn ở dưới Qui Nhơn nên quang cảnh Bộ Tư Lệnh vẫn im lìm, vắng lặng. Chỉ có một mình tôi đi bộ trên con đường nhựa xám rộng, cong cong theo sườn đồi đất đỏ, mất vài trăm mét mới tới tòa nhà hai tầng để gặp Đại Tá Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn. Ông đang ngồi sau bàn giấy, theo dõi tin tức của đài phát thanh Sài Gòn phát ra từ một cái radio nhỏ để trên bàn. Tôi nói : “Chào Đại Tá, hôm nay chắc Trung Tướng Tư Lệnh chưa về, nên lại không có họp Tham Mưu ?” Ông trả lời với một vẻ nghiêm trọng: “Trung Tướng chưa về. Anh ngồi đây, đêm qua Lực Lượng Đặc Biệt Thượng đã nổi loạn. Chúng đã chiếm đài phát thanh Banmêthuột, và đang bao vây thành phố.” Tôi ngạc nhiên vội hỏi: “ Vậy Tỉnh Darlac, và Sư Đoàn 23 phản ứng ra sao?” Ông trả lời: “Đã ra lệnh thiết quân luật, các đơn vị đã được báo động, và đã được điều động sẵn sàng tác chiến. Trung Tướng đang từ Qui Nhơn bay lên Banmêthuột. Thủ Tướng Khánh cũng sẽ từ Sài Gòn bay lên.” Tôi sốt ruột vội hỏi: “Vậy thì nhiệm vụ tôi phải làm gì bây giờ?” “Chờ lệnh thôi!”, ông nói ngắn gọn. Tôi nói : “Vậy để tôi xuống Trung Tâm Hành Quân theo dõi tình hình, có gì Đại Tá gọi tôi ở Trung Tâm Hành Quân, hoặc ở văn phòng của tôi, tôi chỉ chạy đi chạy lại ở hai nơi đó thôi.” Nói xong tôi đi thẳng xuống Trung Tâm Hành Quân.
Các sĩ quan và quân nhân trực ở Trung Tâm đều có vẻ khẩn trương, lo lắng. Họ chỉ cho tôi những dấu hiệu ghi trên tấm bản đồ thật to gắn trên tường. “Đây là trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng Buôn Sarpa. Đêm hôm qua trại này đã nổi loạn, tiến chiếm Quận Đức Lập, rồi kéo quân về Banmêthuột, bất thần chiếm đài phát thanh. Còn đây là các trại Bu-Prăng, trại Ban-Don, trại Buôn Briêng, và trại Buôn Mi-Ga. Tất cả bốn trại này cũng đều nổi loạn, đã kéo về thành phố, và cùng với quân của trại Buôn Sarpa ở đài phát thanh, đang bao vây thị xã.” Tôi hỏi: “ Thế tình hình bên ta thế nào?” “Thị xã đã thiết quân luật, sĩ quan trực tiếp tục trả lời, dân chúng tất cả đều ở trong nhà. Ngoài đường chỉ có binh sĩ và cảnh sát của Tỉnh và Tiểu Khu canh gác khắp các ngả đường, xe bọc thép tuần tiễu trên đường phố. Toàn thể các đơn vị của Sư Đoàn 23 Bộ Binh ở Banmêthuột đã đặt trong tình trạng báo động sẵn sàng tác chiến, phối hợp cùng lực lượng của Tiểu Khu để bảo vệ thị xã.” Tôi hỏi tiếp: “Còn tình hình ở các Dinh Điền và các Buôn Thượng có tin tức gì không?” “Dạ, có lẽ vẫn yên tĩnh, không thấy Sư Đoàn 23 và Tỉnh Darlac báo cáo gì.”
Trở về Văn Phòng Thượng Vụ, tôi vừa buồn, vừa lo lắng, vừa cảm thấy mình hết sức bất lực. Tôi buồn vì tôi đã liên tục giữ những chức vụ Thượng Vận từ năm 1956 ở Bộ Tư Lệnh Quân Khu 4, Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và Quân Đoàn II cho đến hôm nay. Tôi đã thấy rõ những bất mãn của đồng bào Thượng đối với chính sách của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đối với họ từ lâu. Nhưng điều mà đồng bào Thượng căm thù Tổng Thống Ngô Đình Diệm nhất, là năm 1958, Tổng Thống đã ký một Nghị Định ấn định rằng người
Thượng không có quyền sở hữu đất đai, mà chỉ có quyền hưởng dụng hoa màu canh tác. Căn cứ vào Nghị Định này, Tổng Ủy Dinh Điền và các Tỉnh tự do chiếm đoạt đất đai màu mỡ đang canh tác của các Buôn Thượng để đưa người Kinh lên Cao Nguyên thành lập các địa điểm dinh điền mà không cần phải hỏi ý kiến các Buôn, cũng không phải điều đình lấy đất, cũng như chẳng phải bồi thường gì cho ai cả. Để chống lại Tổng Thống Ngô Đình Diệm, năm 1958, đồng bào Thượng đã thành lập Phong Trào BaJaRaKa, (Chữ đứng đầu tên của bốn sắc tộc lớn ở Cao Nguyên là Bahnar, Jarai, Rhadé, và Kahô ghép lại), và tổ chức cuộc họp ở Pleiku. Cảnh sát đã bắt tất cả những lãnh tụ của Phong Trào giam lại trong tù. Một số đông công chức Thượng thì bị thuyên chuyển về các tỉnh ở Duyên Hải miền Trung. Lợi dụng tình thế, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội đã cho những cán bộ Thượng tập kết ra Bắc năm 1954, và đã được huấn luyện, theo đường mòn Hồ Chí Minh trở về Cao Nguyên để tuyên truyền lôi kéo đồng bào Thượng đi theo Cộng Sản. Trước tình hình mỗi ngày một mất an ninh, người Mỹ đã tổ chức huấn luyện và phát súng cho dân ở các Buôn để tự bảo vệ lấy Buôn làng. Một số đoàn viên Phong Trào BaJaRaKa trẻ tuổi chưa bị bắt đã lợi dụng cơ hội, đi huấn luyện quân sự, và trở thành các cấp chỉ huy của lực lượng Dân Sự Chiến Đấu Thượng ở các Buôn. Một số khác gia nhập vào Lực Lượng Đặc Biệt, và trở thành các cấp chỉ huy của các Trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng. Một số khác như Y Bih Alêô, thì trốn đi theo Cộng Sản, được Cộng Sản cho làm Chủ Tịch Phong Trào Tây Nguyên Tự Trị, một thành phần của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam.
Là sĩ quan phụ trách công tác Thượng Vận, năm nào tôi cũng phải tổng kết tình hình trình lên các vị Tư Lệnh, và đưa ra những đề nghị để cải thiện tình hình. Đặc biệt là trong mỗi tờ trình tôi đều nhắc lại chiến lược xâm chiếm miền Nam của Võ Nguyên Giáp ghi trong những tài liệu bắt được của Việt Cộng trong các cuộc hành quân. Võ Nguyên Giáp đã đề ra một “Chiến Lược Hai Chân, đặt chân trái lên Tây Nguyên trước, đặt chân phải lên Đồng Bằng Nam Bộ sau”. Rõ ràng Cao Nguyên của chúng ta là mục tiêu đầu tiên Cộng Sản Bắc Việt nhắm đến. Vậy muốn giữ được miền Nam thì phải giữ được Cao Nguyên. Mà muốn giữ được Cao Nguyên thì phải để ý đến vai trò quan trọng của đồng bào Thượng. Rất tiếc, những đề nghị của tôi không được cấp trên chú ý đến, có lần còn làm cho vị Tư Lệnh tức giận, cầm bút gạch chéo tờ trình gần muốn rách giấy, và phê ở bên lề như sau: “Không được phấn khích tụi nó !!!” (chữ tụi nó ở đây ám chỉ đồng bào Thượng). Một lần khác tờ trình bị trả về với những lời phê như sau: “Tôi không lạ gì tên Đinh Ngô này, không cần đến anh phải đề nghị !!!” (Thiếu Tá Đinh Ngô, thuộc sắc tộc Hrê ở Quảng Ngãi, là người đã lãnh đạo bộ lạc Hrê nổi dậy tiêu diệt 6.000 tên Cộng Sản vào năm 1954, tại vùng thung lũng Sông Rê, khu vực Ba Tơ, Tỉnh Quảng Ngãi.) Năm 1963, tôi đã phải viết một cuốn sách “Thử Tìm Hiểu Công Cuộc Tranh Thủ Đồng Bào Thượng Giữa Ta và Cộng Sản” dài gần 120 trang , quay ronéo vài chục cuốn để biếu tặng những bạn bè, thân nhân, toàn là những người nắm những địa vị cao cấp trong quân đội và chính quyền để mong gây được sự chú ý đến vai trò quan trọng của đồng bào Thượng trong việc bảo vệ Cao Nguyên. Việc làm này cũng hoài công vô ích, chẳng ai quan tâm đến vấn đề này! Nay 5 Trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng lại nổi loạn, không biết tôi phải làm sao đây?
Tôi cũng rất lo lắng vì bây giờ nhiều làng Thượng đã được huấn luyện quân sự, và đã được Hoa Kỳ trực tiếp cấp phát súng đạn để thành lập Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu Thượng để bảo vệ Buôn làng. Các Dinh Điền của người Kinh cũng có súng đạn của Nghĩa Quân. Chỉ cần một sự khiêu khích nho nhỏ cũng đủ để các Buôn Thượng và các Dinh Điền Kinh tàn sát lẫn nhau. Nếu sự việc xảy ra, thì không có tài gì để dập tắt ngay được. Nhớ lại bài học trong lịch sử Cao Nguyên, năm 1471, khi vua Lê Thánh Tôn đánh thắng quân của nước Chiêm Thành, mở mang bờ cõi đến núi Thạch Bi thuộc ranh giới Phú Yên – Khánh Hòa ngày nay, thì các bộ lạc Thượng trên Cao Nguyên đã nhất tề nổi dậy đánh đuổi những địa điểm định cư của người Chàm. Chống không nổi, người Chàm đã phải bỏ làng mạc tháo chạy theo giòng Sông Ba xuống miền Duyên Hải Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận... Ngày nay người Chàm còn để lại di tích ở Cheo Reo, Pleiku, Kontum, và ở Ea Soup Bắc Banmêthuột.
Tôi ngồi đây, chạy đi chạy lại giữa Trung Tâm Hành Quân và Văn Phòng Thượng Vụ mà ruột nóng như bị lửa đốt. Tôi cảm thấy mình hoàn toàn bất lực. Tôi tuy chưa phải tín đồ Thiên Chúa Giáo, nhưng từ năm 1949, là học sinh của Linh Mục Nguyễn Văn Mai, Hiệu Trưởng Trường Trung Học Dũng Lạc ở Hà Nội, tôi đã tin ở Thiên Chúa, và cảm kích trước cuộc đời của Chúa Giê Su. Trong lúc quá bất lực như thế này tôi chỉ biết một lòng cầu nguyện. Tôi cầu xin Chúa cho mọi người đều bình tĩnh, cho các Buôn Thượng, và các Dinh Điền của người Kinh đều được bình an, không có chuyện gì đáng tiếc xảy ra; cho các trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng và các đơn vị quân đội không phải nổ súng để nồi da nấu thịt có lợi cho Cộng Sản. Có lẽ lời thành tâm thiết tha cầu nguyện của tôi được Ơn Trên đáp ứng, nên tình hình vẫn tiếp tục yên tĩnh không thấy có biến cố gì thêm. Khoảng 1, 2 giờ chiều, có tin Trung Tướng Thủ Tuớng Nguyễn Khánh đã bay lên Banmêthuột và đang họp với các vị Tư Lệnh Quân Đoàn II, Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và Tỉnh Trưởng Darlac. Khoảng 3 giờ chiều, lúc tôi đang ở Văn Phòng Thượng Vụ thì có điện thoại của Đại Tá Tham Mưu Trưởng gọi tôi lên văn phòng gặp ông gấp. Tôi lật đật chạy lên ngay. Đại Tá nói: “Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn vừa điện thoại cho tôi. Ông cho lệnh tôi lấy một chiếc máy bay, đưa anh xuống Banmêthuột ngay. Thủ Tướng cần gặp anh gấp. Tôi đã cho lệnh lấy máy bay rồi, anh ra phi trường và đi Banmêthuột ngay.” Tôi chạy về Văn Phòng Thượng Vụ, điện thoại báo cho mẹ tôi biết để yên tâm, khỏi chờ tôi về, rồi hối tài xế lái xe chạy ngay ra phi trường cũng ở trong căn cứ.
Một chiếc máy bay nhỏ đã nổ máy chờ tôi. Ngoài hai sĩ quan phi công ngồi ở phía trên, phía sau có bốn ghế ngồi, hành khách chỉ có một mình tôi. Tôi nói với hai người phi công: “ Tôi có việc gấp lắm ở Banmêthuột, xin các anh vui lòng bay thật nhanh cho.” Vài chục phút sau, phi cơ bay tới ranh giới hai tỉnh Pleiku và Darlac thì thấy phía trước mây đen nghịt trời. Phi cơ cũng lao vào đám mây đen, nhưng bị gió bão đánh chao đảo như tụt xuống thật thấp gần như muốn rớt. Phi công vội vòng trở lại vượt ra khỏi đám mây. Họ định quay về, nhưng tôi năn nỉ: “Dưới Banmêthuột, năm trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng đang nổi loạn. Thủ Tướng cho lệnh tôi xuống gặp ông gấp, xin các bạn cố gắng thử xem có thể vượt qua được cơn bão này không.” Nể lời tôi, hai phi công vòng trở lại và lao thẳng vào đám mây đen kịt kia một lần nữa. Lần này bị gió mạnh, mưa quất, máy bay còn bị đánh chao đảo lộn nhào hơn nhiều nữa. Hai phi công vội vàng quay lại, vượt ra khỏi cơn giông bão kia ngay. Các anh nói: “Bão mạnh quá, không thể bay qua được đâu, đành quay về thôi.” Trời ! Tôi thất vọng làm sao!!! Về đến Văn Phòng Đại Tá Tham Mưu Trưởng, tôi chưa kịp trình báo gì, ông đã biết và nói: “ Trời bão quá, không bay được phải không? Thôi anh về nghỉ đi, sáng mai đi Banmêthuột sớm, Thủ Tướng cũng bay về Sài Gòn rồi. Ông nói 9 giờ sáng mai ông sẽ gặp anh.”
Đêm hôm đó tôi không sao ngủ được. Tôi qùy xuống và tiếp tục cầu nguyện: “Xin Chúa cho mọi sự được bình yên. Cầu xin Chúa cho mọi sự được bình yên.” Thỉnh thoảng tôi lại nhấc điện thoại gọi vào Trung Tâm Hành Quân để hỏi tình hình ở Banmêthuột. Cũng may, đêm qua đi và tình hình vẫn yên tĩnh. Tôi trở lại phi trường và đáp chiếc máy bay hôm qua đã chở tôi đi không được. Trời hôm nay, Thứ Hai 21, tháng 9, thật quang đãng. Sau cơn mưa, nắng vàng tươi hơn, trong hơn, rừng cây cũng xanh thắm hơn. Máy bay êm ả đáp xuống phi trường dành cho máy bay nhỏ ở giữa thành phố, gần nhà thờ thị xã. Một chiếc xe Jeep đã chờ sẵn đưa tôi vào ngay phòng họp của Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh. Bước vào cửa phòng họp tôi biết ngay là tôi đã đến trễ. Trên hàng ghế đầu, tôi đã thấy Trung Tướng Thủ Tướng Nguyễn Khánh, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có Tư Lệnh Quân Đoàn II, Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, và hai vị Tướng khác là Trung Tướng Tôn Thất Đính Cựu Tư Lệnh Quân Khu 4 ở Banmêthuột năm 1956 – 1957, và Trung Tướng Lê Văn Kim người đầu tiên phụ trách chương trình Dinh Điền thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và Trung Tá Tỉnh Trưởng Darlac. Một số sĩ quan Tham Mưu của Quân Đoàn tháp tùng đi theo Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, và sĩ quan Tham Mưu của Sư Đoàn 23 đã tề tựu đông đủ ngồi chật phòng họp. Chào Thủ Tướng và các vị Tướng Lãnh xong tôi vội vàng đi xuống chiếc ghế trống cuối cùng ở cuối góc phòng.
Thủ Tướng cho lệnh bắt đầu buổi thuyết trình. Lần lượt Trưởng Phòng Hai Sư Đoàn 23 trình bày tình hình các trại Lực Lượng Đặc Biệt Thượng nổi loạn đang bao vây thành phố, và tình hình các đơn vị Cộng Sản. Đặc biệt có một Trung Đoàn Cộng Sản đang trú đóng tại Ban Đon, sẵn sàng tiến về phía Banmêthuột. Trưởng Phòng Ba trình bày một kế hoạch hành quân tiến đánh quân của năm trại Lực Lượng Đặc Biệt để giải vây cho thành phố. Theo Trưởng Phòng Ba trình bày thì hiện thời trong thành phố chỉ có hai tiểu đoàn, nhưng có thể rút về được hai tiểu đoàn nữa là bốn. So quân số thì không bằng quân của năm trại kia, nhưng Sư Đoàn có phi cơ, pháo binh, và thiết giáp yểm trợ nên ông tin là có thể thắng được. Sau khi ông trình bày xong, phòng họp im phăng phắc, mọi người hồi hộp chờ quyết định của Thủ Tướng.
Bất ngờ Thủ Tướng đứng dậy quay mặt về phía tôi và hỏi: “ Anh Nghiêm, anh làm việc với người Thượng từ lâu, theo ý kiến anh thì việc này nên giải quyết thế nào?” Tuy bị bất ngờ nhưng trong lúc vị Trưởng Phòng Ba đề nghị dùng giải pháp quân sự thì tôi thấy đã không được rồi. Thứ nhất là quân Sư Đoàn và quân của năm Trại LLĐB đều là quân của mình cả. Nếu nồi da xáo thịt thì kết quả là mình bị thiệt hại và Cộng Sản được lợi to, Trung Đoàn Cộng Sản ở Ban Đon sẽ khai thác cơ hội hiếm có này. Thứ hai là chiến trận sẽ xẩy ra ngay ở thành phố, chắc chắn thành phố sẽ tan nát, dân chúng sẽ bị thiệt hại nhiều. Thứ ba là nếu các Lực Lượng Dân Sự Chiến Đấu Thượng ở các Buôn tràn vào các Dinh Điền thì một cuộc tàn sát lớn sẽ xẩy ra giữa người Kinh và người Thượng. Và còn 12 Trại LLĐB Thượng ở dọc biên giới từ đây lên Kontum cùng nổi loạn kéo về các thành phố thì ta lấy quân đâu mà đối phó. Chắc chắn sẽ có một trận nội chiến giữa Quân Đội VNCH và những lực lượng có võ trang của người Thượng. Do đó khi thấy Thủ Tướng hỏi thì tôi trả lời ngay: “ Thưa Thủ Tướng và qúy vị Tướng Lãnh, sở dĩ người Thượng nổi loạn vì trước đây chính sách đối với đồng bào Thượng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm có nhiều sự sai lầm, nếu bây giờ Thủ Tướng hứa sẽ ban hành một chính sách mới bảo đảm mọi sự công bằng đối với đồng bào, và sửa chữa tất cả những sai lầm trước thì tôi chắc người Thượng sẽ không còn chống đối chính phủ nữa. Nếu Thủ Tướng và quý vị Tướng Lãnh chấp thuận thì tôi tình nguyện sẽ đi thuyết phục các Trại LLĐB trở về trung thành lại với chính phủ.” Tôi thấy Thủ Tướng quay sang nói gì với Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II, và Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn, vì đứng ở xa tôi nghe không được rõ. Lát sau ông tiếp tục hỏi: “ Anh có chắc thuyết phục được họ trở về với chính phủ không? Và thời gian phải hết bao lâu?” Tôi trả lời: “ Nếu Thủ Tướng hứa chắc chắn sẽ ban hành một chính sách mới cho đồng bào Thượng thì tôi có thể thuyết phục họ được. Tất cả có năm Trại đóng rải rác xung quanh thành phố, chắc tôi phải cần đến 8 ngày để đi đến từng Trại và nói chuyện với họ.” Thủ Tướng hỏi: “ Anh có cần gì không?” “Thưa Thủ Tướng, tôi trả lời, thứ nhất là tôi cần 3 người Thượng đi với tôi . Đó là Thiếu Tá Ya Ba, Đại Đội Trưởng Chiến Tranh Chính Trị của Sư Đoàn, Ông Y Chôn Mlô, Tham Sự Hành Chánh của bên Tỉnh, và Đại Uý Khổng Đức Phiên, tên Thượng là Đại Uý Y Pem Knul, ở bên Tiểu Khu. Thứ hai, tôi cần một nơi lập văn phòng làm việc, và có vài thư ký đánh máy, xe cho bốn chúng tôi chạy công việc. Thứ ba, tôi cần 100 ngàn đồng để chi phí như in lời kêu gọi, in truyền đơn, và nhất là để giết trâu, uống rượu cần, bàn chuyện với họ, theo phong tục của người Thượng.” Thủ Tướng có vẻ hài lòng, ông gật đầu nói: “Được rồi tôi chấp thuận, việc này giao cho anh Nghiêm đi thuyết phục các Trại LLĐB.” Xong quay sang những Tướng Lãnh chung quanh ông ra lệnh: “ Tỉnh lấy Toà Đại Biểu Cao Nguyên Trung Phần cũ làm Văn Phòng cho anh Nghiêm, và biệt phái thư ký và máy chữ sang đặt dưới quyền anh Nghiêm để làm việc. Sư Đoàn thì cung cấp xe cho anh Nghiêm. Trong thời gian anh Nghiêm đi thuyết phục các Trại thì Sư Đoàn vẫn cứ tiến hành chuẩn bị kế hoạch hành quân. Anh Có lấy 100 ngàn giao cho anh Nghiêm để có tiền chi phí, rồi còn phải bay ngay xuống Qui Nhơn lo việc biểu tình của Phật Giáo. Tôi biết anh đang bận rộn nên đã đem Trung Tướng Đính và Trung Tướng Kim từ Đà Lạt sang đây để giúp anh. Trung Tướng Đính và Trung Tướng Kim sẽ cùng với anh Nghiêm ăn ở và làm việc tại Toà Đại Biểu Chính Phủ. Công việc tiến hành tới đâu hai anh Đính và Kim báo cáo về Sài Gòn cho tôi. Sư Đoàn và Tỉnh yểm trợ cho anh Nghiêm theo yêu cầu của anh ấy để mau chóng giải quyết vấn đề này. Sau đây tôi còn phải về gấp Sài Gòn vì còn nhiều việc phải làm lắm.”
Sau khi đã có quyết định dứt khoát của Thủ Tướng, tôi thấy các vị Tướng Lãnh và Trung Tá Tỉnh Trưởng nói chuyện với nhau. Trung Tá Tỉnh Trưởng kể lại việc Đài Phát Thanh Banmêthuột bị chiếm. Ông nói:” Đoàn xe GMC chở quân của Trại Buôn Sarpa đi về Banmêthuột lúc quá nửa khuya. Đi đầu là một xe Jeep, trên xe có anh Đại Úy Cố Vấn Mỹ của LLĐB. Vì vậy khi đến trạm gác ở đầu tỉnh, lính gác không nghi ngờ gì, nên đã
mở cửa rào cản cho đoàn xe đi qua. Không ngờ khi đoàn xe vừa qua cổng gác, chúng đã dừng lại, bọn LLĐB Thượng nhẩy xuống xe, bắt lính gác, và ào vào đài phát thanh. Chúng bắt tất cả nhân viên trong đài, nhưng ông Trưởng Đài đã nhanh trí, nhanh tay tháo ngay hai miếng Quarz ở trong ổ máy và nhẩy qua cửa sổ chạy xuống sườn đồi và men theo con suối chạy về Tòa Tỉnh báo cáo. Bọn phản loạn tính chiếm đài phát thanh là cho phổ biến ngay bản Tuyên Cáo của một tổ chức có cái tên tiếng Pháp là Front Unifié de Lutte De La Race Opprimée, Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh Của Dân Tộc Bị Áp Bức, gọi tắt là FULRO. Nhưng vì ông Trưởng Đài đã gỡ và đem đi hai miếng Quarz nên bọn chúng loay hoay mãi mà không sao phát thanh được. Bốn Trại LLĐB kia đã ở bên ngoài thành phố, chờ nghe thấy lời Tuyên Cáo trên radio thì tiến ngay vào chiếm thành phố. Nhưng bọn chúng chờ mãi không thấy gì, nên mới án binh bất động ở bên ngoài cho đến bây giờ, thì Tỉnh và Sư Đoàn đã kịp điều động quân đội và Cảnh Sát đối phó.” Thủ Tướng cười nói: “ Chiều hôm qua về đến Sài Gòn, tôi đã điện ngay cho ông Đại Sứ Mỹ. Tôi cho ông ấy biết một Đại Úy Mỹ đã dẫn đoàn xe của LLĐB Thượng, và giúp chúng nó phản loạn chiếm đài phát thanh. Tôi nói với ông, tôi không muốn thấy tên Đại Úy ấy ở trên lãnh thổ Việt Nam nữa. Ông Đại Sứ đã đồng ý và sáng nay trước khi tôi lên Banmêthuột ông đã điện thoại cho tôi biết là tên Đại Úy ấy đã được đưa ra khỏi Việt Nam rồi.” Buổi họp chấm dứt, Thủ Tướng ra phi trường Phụng Dực để bay về Sài Gòn. Mọi người đi lo công việc của mình.
Toà Đại Biểu Chính Phủ Cao Nguyên Trung Phần trước kia, nay đã là nhà vãng lai dành cho những giới chức cao cấp trong Chính Phủ tới thăm Tỉnh Darlac. Đây là một biệt thự hai tầng rất lớn xây trong một khu đất rộng, có vườn trồng rất nhiều loại hoa màu sắc rực rỡ, có vườn cỏ lúc nào cũng được cắt sén gọn gàng, chăm sóc xanh mướt, và có rất nhiều cây to bóng mát. Trên lầu có ba phòng ngủ rất rộng với đầy đủ tiện nghi sang trọng. Trung Tướng Đính và Trung Tướng Kim mỗi vị ở một phòng. Tôi cũng may mắn được cấp một phòng kế bên để có thể thường xuyên báo cáo diễn tiến công việc. Dưới nhà, bên ngoài là phòng hội rất rộng chứa được khoảng gần 200 người, có vài gian phòng làm việc. Bên trong có phòng khách, phòng ngồi chơi uống rượu, có phòng ăn, tất cả đều rộng lớn được thiết trí rất mỹ thuật và kê toàn những đồ đạc sang trọng đắt tiền. Thiếu Tá Ya Ba, Đại Úy Y Pem Knul, và ông Y Chôn Mlô đã đến. Nhân viên văn phòng cùng máy đánh chữ và văn phòng phẩm đều đã được Tòa Tỉnh Darlac cung cấp đầy đủ. Trước khi lên máy bay đi Qui Nhơn, Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II đã đến xem chỗ đặt văn phòng của tôi, dặn dò tôi phải cố gắng hết sức mình để giải quyết công việc được tốt đẹp. Cuối cùng ông nói: “Thủ Tướng có chỉ thị đưa cho anh 100 ngàn đồng để chi phí, nhưng tôi chỉ còn 50 ngàn đồng, anh cầm lấy và tùy nghi mà chi dùng trong số tiền này thôi.” Tôi ngỡ ngàng, ngần ngừ cầm lấy không dám nói một lời nào.
Chúng tôi bắt tay ngay vào công việc, không để chậm trễ một giây phút nào. Thiếu Tá Ya Ba kết anh em với tôi từ lâu. Anh hơn tuổi tôi nên làm anh, tôi làm em. Tuy anh là người Churu ở Đà Lạt, nhưng anh đã từng chỉ huy ở Darlac từ thời Pháp, nên rất được người Rhadé kính nể. Anh lại còn là một người rất khôn ngoan, có rất nhiều sáng kiến giải quyết công việc mau lẹ. Đại Úy Khổng Đức Phiên (Y Pem Knul) là một sĩ quan chỉ huy rất có kỷ luật. Trông anh rất oai vệ, lời nói của anh rất có uy, ai thấy anh cũng nể trọng. Anh Y Chôn Mlô tốt nghiệp Tham Sự Hành Chánh ở Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và là một trong số người trí thức hiếm hoi của đồng bào Thượng. Anh còn là hội viên trong Ban Trị Sự Hội Thánh Tin Lành nên rất có uy tín trong bộ lạc Rhadé. Tôi lựa anh vì anh còn là người ăn nói ôn hòa, khéo léo, có khả năng nói mọi người nghe. Cả hai anh Phiên và Y Chôn đều đã quen thân với tôi từ lâu. Chúng tôi mở ngay một cuộc họp để nhận định tình hình, hoạch định ra một chương trình làm việc để đạt được mục tiêu thuyết phục được năm trại LLĐB trở về trại, trung thành lại với Chính Phủ VNCH.
Theo những tin tức của các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, và Y Chôn Mlô thì tổ chức FULRO là do một số những đoàn viên cũ của Phong Trào BaJaRaKa đã gia nhập LLĐB ở Buôn Sar Pa, chủ trương dùng bạo lực để chống Chính Phủ VN. Ví dụ, Y Kdruin Mlô, con rể ông Phó Tỉnh Trưởng Thượng Phú Bổn, Nay Moul, cũng là anh em đồng hao với Nay Luett, một thông dịch viên của LLĐB Mỹ, và sẽ là Tổng Trưởng Bộ Phát Triển Sắc Tộc từ 1970 đến 1975 sau này; Kpa Doh, người Jarai, thông dịch viên của Mỹ; Y Dhơn Adrong, người Rhadé M’Dhur ở M’Drac, Quận Khánh Dương, Khánh Hòa, anh rể của Y Gum Buôn Yă, một sinh viên Y Khoa Đại Học Huế được Qũy Học Bổng cho Sinh Viên, Học Sinh Thượng của ba chúng tôi : Kỹ Sư Nguyễn Văn Mừng, làm việc ở Cơ Quan Nguyên Tử Lực Cuộc ở Đà Lạt, Touneh Hàn Thọ, người Churu lai Kinh, Phó Đốc Sự, (con trai của một tù trưởng Churu, Touneh Hàn Đăng, cựu Đại Diện Đồng Bào Thượng tại Văn Phòng Đức Vua Bảo Đại ở Huế. Ông Hàn Đăng đã lấy bà Nguyễn Thị Dung thuộc Hoàng Phái, và sinh ra Touneh Hàn Thọ. Tôi thấy Hàn Thọ gọi Đức Vua Bảo Đại là Cậu), và tôi âm thầm thành lập từ 1957, giúp đỡ ăn học; Y Nhuin Hmok; Trung Úy Y Nham Eban, và Ksor Dhuat... Những người này đã bị Đại Tá Um Savuth, Trưởng Phòng Nhì Quân Đội Hoàng Gia Kampuchia, và Trung Tá Les Kosem, người Miên gốc Chàm ở Kămpongcham, làm việc ở Văn Phòng Quốc Trưởng Sihanouk, móc nối, kết hợp ba tổ chức chống VN là Mặt Trận Đấu Tranh Của Người Khmer Miền Dưới Kampuchea ( Khmer of Kampuchea Krom, KKK), Phong Trào Giải Phóng Champa, và Phong Trào BaJaRaKa, thành tổ chức FULRO, chữ Pháp viết tắt của chữ Front Unifié de Lutte de la Race Opprimée, Phong Trào Thống Nhất Đấu Tranh của Dân Tộc Bị Áp Bức. Theo các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, và Y Chôn Mlô thì cuộc hành quân tiến chiếm Banmêthuột bằng 5 trại LLĐB, chắc là do người Miên hoạch định và chỉ huy. Theo lời Tuyên Cáo của FULRO thì mục tiêu là tuyên bố miền Cao Nguyên là một miền Tự Trị. Cứ xem cái cờ của FULRO có ba sọc ngang màu xanh lá cây, màu đỏ, màu xanh nước biển, và ba ngôi sao thì biết rằng chúng tượng trưng cho ba sắc dân Chàm, Khmer Krom, và Thượng.
Tôi có một nhận xét là kế hoạch hành quân của họ là dùng LLĐB Buôn Sarpa chiếm đài phát thanh, đọc bản Tuyên Cáo của FULRO làm hiệu lệnh để 4 trại LLĐB kia cùng tiến vào đánh giết người Kinh và chiếm thành phố. Như vậy thì bọn chỉ huy tiền phương có thể đi với LLĐB Buôn Sar Pa, còn 4 trại kia chỉ là thừa hành theo mệnh lệnh. Nay đài phát thanh không dùng được, Tuyên Cáo không đọc được trên đài, các trại kia đều khựng lại không tiến vào thành phố. Bây giờ thì quân đội Tỉnh và Sư Đoàn đã án ngữ các đường vào thành phố, do đó bọn họ đang ở trong tình trạng tiến thóai lưỡng nan. Nên mục tiêu cấp thời là phải thuyết phục ngay 4 trại đó trở về căn cứ trước tiên. Còn Trại Buôn Sar Pa bị bỏ lại trơ trọi một mình ở đài phát thanh thì một là họ phải rút lui, hai là việc thuyết phục họ cũng dễ dàng hơn.
Cả bốn chúng tôi cùng đồng ý với nhau như vậy. Bây giờ chúng tôi phải hành động làm sao để hoàn thành kế hoạch. Lợi dụng phong tục người già của người Thượng chúng tôi quyết định yêu cầu Tỉnh giúp mời các thân hào nhân sĩ người Thượng đến họp tại phòng họp của Tòa Đại Biểu Cao Nguyên Trung Phần cũ vào sáng ngày mai, 22, tháng 9. Khoảng gần 200 sĩ quan, công chức, và các già làng các Buôn quanh thị xã đã đến họp. Hội Nghị bầu ra một Ban Đại Diện, do Y Char Hdơk, người Mnông Rlam ở vùng Hồ Lak, Quận Lạc Thiện, giáo viên Trường Tiểu Học Nguyễn Du Banmêthuột, làm Chủ Tịch. Anh Y Char Hdơk cũng là người thân quen với tôi từ nhiều năm qua. Anh còn trẻ, không thích hoạt động chính trị, nhưng anh nuôi ước mơ phát triển được giáo dục cho con em đồng bào Thượng. Hội Nghị đã ra một Tuyên Cáo bằng tiếng Rhadé và tiếng Việt lên án những phần tử nghe lời xúi giục của ngoại bang, đã giết hại một số cố vấn LLĐB người Kinh ở các trại, gây phản loạn, làm hại cho công cuộc chống Cộng Sản đang xâm lăng miền Nam nói chung và miền Cao Nguyên nói riêng. Hội Nghị nhân danh toàn thể thân hào, nhân sĩ, và các già làng Thượng kêu gọi các cấp chỉ huy và binh sĩ của 5 Trại LLĐB mau mau ăn năn hối cải rút lui về trại tiếp tục làm nhiệm vụ chống Cộng Sản và tuyệt đối trung thành với Chính Phủ VN. Hội Nghị cũng nhấn mạnh đến những thiện chí của Chính Phủ mới đã và đang giải quyết những bất công trong chính sách của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, đồng thời Thủ Tướng Nguyễn Khánh cũng đã hứa sẽ sớm ban hành một chính sách mới để giúp đỡ đồng bào Thượng được mau chóng tiến bộ.
Bản Tuyên Cáo này đã được đem ra nhà in thuê in cấp tốc để kịp sáng ngày 23, cho phái đoàn Ban Đại Diện cùng các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, và Y Chôn Mlô đem theo đến 4 trại LLĐB và thuyết phục họ. Hội Nghị cũng thành lập nhiều nhóm nhỏ để yêu cầu Tỉnh cung cấp phương tiện chuyên chở đi đến các Buôn để khuyên nhủ đồng bào Thượng bình tĩnh, không hoang mang, hoặc nghe lời khích động của những tên phản loạn quá khích xúi giục làm bậy. Máy bay cũng được xử dụng liên tiếp nhiều ngày để thả truyền đơn Tuyên Cáo này xuống các Buôn làng. Chúng tôi cũng yêu cầu Tòa Tỉnh chỉ thị các Quận Trưởng thành lập các nhóm đi tới các Dinh Điền để trấn an đồng bào Kinh, và khuyên đồng bào phải hết sức bình tĩnh tránh mọi sự khiêu khích có thể gây ra những sự xô sát giữa đồng bào Kinh ở Dinh Điền với đồng bào Thượng ở các Buôn.
Sau cuộc họp giữa bốn chúng tôi vào chiều ngày 21/9 nói trên, các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, và Y Chôn Mlô đi tiếp xúc vận động các thân hào nhân sĩ Thượng, vận động họ sẽ đến họp vào sáng mai 22/9, đồng thời tiếp tục thu lượm thêm tin tức từ phía phe phản loạn. Riêng tôi nghĩ đến những cựu học sinh Thượng các trường Trung Học và Sư Phạm Banmêthuột đã được tôi cấp học bổng ăn học nay đã bỏ học để đi làm thông dịch viên cho Mỹ, hoặc đã trở thành những cấp chỉ huy trong các trại LLĐB để kiếm tiền. Tôi đã tìm được vài em làm việc cho cơ quan Hoa Kỳ đặt ở Bungalow, một dãy những nhà sàn lớn và dài theo kiểu nhà của đồng bào Thượng của người Pháp để lại. Trong số này có em Y Tin Hwing là người đã giúp tôi đắc lực nhất. Tôi đã hội họp các em ở văn phòng của tôi, nghe các em cho biết tin tức về tổ chức FULRO và các Trại làm phản, sau đó tôi đã giải thích cho các em cần phải cùng nhau thuyết phục các bạn hữu ở các Trại LLĐB phải từ bỏ đường lối đấu tranh bằng bạo lực, nếu không cảnh nồi da xáo thịt sẽ diễn ra, chỉ có lợi cho ngoại bang, và Cộng Sản. Các em đồng ý giúp tôi. Các em sẽ dùng xe gắn máy riêng của các em đi ngay đến 4 trại LLĐB để gặp các bạn, và trực tiếp thuyết phục họ rút quân về lại căn cứ. Đến chiều ngày 22/9, Y Tin Hwing đã lái xe gắn máy của em trở về báo cáo cho tôi biết em đã đến cả 4 Trại LLĐB, nói chuyện với họ, và họ đã đồng ý rút quân. Việc này đã giúp cho phái đoàn Ban Đại Diện Nhân Sĩ Thượng đến các trại vào sáng ngày 23/9 gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thuyết phục. Tất cả binh sĩ 4 trại này sau đó đã thật sự rút về căn cứ của họ. Thế là chỉ có 3 ngày, bốn anh em chúng tôi đã hoàn thành được mục tiêu đầu tiên là thuyết phục 4 Trại LLĐB đang bao vây thành phố trở về trại của họ. Trại LLĐB Buôn Sar Pa đang chiếm đóng đài phát thanh thấy 4 trại kia rút đi cũng rời bỏ đài phát thanh và lui về đóng quân tại Quận Đức Lập. Bây giờ là lúc nhóm chúng tôi phải tiến hành việc thuyết phục Trại LLĐB Buôn Sar Pa này.
Diễn tiến tất cả những việc làm của chúng tôi đều được tôi trình cho Trung Tướng Tôn Thất Đính và Trung Tướng Lê Văn Kim. Nhưng không hiểu vì sao, sáng sớm ngày 22/9 Trung Tướng Lê Văn Kim đã được máy bay đưa về Đà Lạt. Chỉ còn một mình Trung Tướng Tôn Thất Đính ở lại. Ông chỉ ở trong căn phòng ngủ cạnh phòng ngủ của tôi và giữ nhiệm vụ thường xuyên báo cáo diễn tiến công việc về Sài Gòn cho Thủ Tướng Nguyễn Khánh. Mỗi lần báo cáo công việc tôi lại lên lầu gõ cửa phòng xin phép được gặp và trình bày diễn tiến công việc với Trung Tướng.
Công việc thuyết phục Trại LLĐB Buôn Sar Pa gặp rất nhiều khó khăn và mất rất nhiều thì giờ. Trong khi chờ đợi Sư Đoàn và Tỉnh xin được trực thăng của các cố vấn Mỹ đưa chúng tôi xuống Đức Lập gặp các cấp chỉ huy của trại, chúng tôi chỉ dùng được máy bay rải truyền đơn xuống Quận Đức Lập để kêu gọi họ. Tôi cũng cho thu băng lời kêu gọi của tôi đến các cấp chỉ huy của Trại, mà một số trong bọn họ đã từng là những em học sinh nhận học bổng từ Quỹ Học Bổng cho Sinh Viên, Học Sinh Thượng đã nói ở trên, và cho loa phóng thanh phát ra từ trên máy bay rải truyền đơn. Chiều 25/9, chúng tôi được tin là sáng 26/9 sẽ có trực thăng của Mỹ đưa xuống Đức Lập. Tôi dự trù 4 anh em trong nhóm của tôi và Y Char Hdơk cùng đi, nhưng anh Ya Ba và tất cả các anh khác đều nói: “Chúng tôi là người Thượng, chúng tôi xuống nói chuyện với họ dễ dàng hơn. Anh là người Kinh, anh không nên đi vội. Sau khi chúng tôi gặp được họ rồi, nếu tình thế thuận lợi, anh sẽ gặp họ sau thì tốt hơn, an toàn hơn. Hơn nữa, cũng cần phải đề phòng, nếu chúng tôi xuống gặp họ có điều gì không may xẩy ra còn có anh ở nhà liên lạc với Sư Đoàn và Tỉnh để giải quyết.” Lời nói của các anh rất hợp lý, tôi phải nghe theo, nhận nhiệm vụ ở nhà theo dõi công việc. Sáng 26, tôi chuẩn bị tiễn các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, Y Chôn Mlô, và Y Char Hdơk ra phi trường. Chúng tôi đứng giữa phòng hội của Tòa Đại Biểu. Anh Ya Ba xúc động nói với tôi: “ Anh và các bạn đây đi chuyến này dữ nhiều lành ít, chưa biết sự thể sẽ ra sao. Nếu có điều gì xẩy ra, mà anh không trở về được thì em phải có nhiệm vụ lo cho hai chị (anh Ya Ba lấy hai chị em gái làm vợ), và giúp đỡ cho các cháu.” (Đây là một phong tục kết anh em rất đẹp của đồng bào Thượng. Những người đã đồng ý kết anh em với nhau sẽ thương yêu nhau, trung thành với nhau, tin cậy ở nhau, có khi còn hơn anh em ruột thịt. Tôi bị ảnh hưởng rất nhiều ở phong tục đẹp đẽ này, bởi vì làm việc với đồng bào Thượng một thời gian dài tôi đã có không biết là bao nhiêu anh em kết nghĩa ở rất nhiều bộ lạc trên Cao Nguyên.) Nghe anh Ya Ba nói tôi cũng vô cùng xúc động, tôi thành thật hứa sẽ theo đúng lời căn dặn của anh, sẽ giúp đỡ các chị và các cháu với tất cả khả năng của mình. Nghe tôi hứa, anh cũng tỏ vẻ yên tâm, anh đưa tôi một cái thơ ngỏ anh viết tối hôm qua như là một lời trăn trối với vợ con, và dặn hai chị có thể tin cậy ở sự trông nom giúp đỡ của tôi. Đọc những lời anh viết nước mắt tôi tự động trào ra !!! Chúng tôi cùng đứng thành vòng tròn quay mặt vào giữa, anh Ya Ba cất tiếng cầu nguyện Chúa theo lối cầu nguyện của đạo Tin Lành. Đại ý anh cầu nguyện: “Lạy Chúa! Chúng con đặt hết niềm tin ở Chúa. Xin Chúa gìn giữ chúng con, xin cho chúng con hoàn thành nhiệm vụ bình an trở về. Xin Chúa mở lòng các anh em LLĐB để các anh em lắng nghe những lời nói của chúng con, và từ bỏ đường lối dùng bạo lực, để cho máu những anh em Kinh Thượng vô tội không còn đổ ra thêm một cách vô ích nữa. Xin Chúa cho anh em người Kinh, người Thượng chúng con biết thương yêu nhau trong hòa bình, trong hạnh phúc, cùng nhau xây dựng đất nước Việt Nam này của chúng con. Amen !”
Viết đến đây, nhớ lại những kỷ niệm xưa tôi không sao cầm được nước mắt. Tôi sẽ mãi mãi nhớ anh Ya Ba, nay anh đã già lắm rồi vì anh hơn tôi năm sáu tuổi. Anh hiện tị nạn Cộng Sản ở North Carolina. Anh Khổng Đức Phiên sau lên tới Đại Tá, làm Đại Diện Bộ Phát Triển Sắc Tộc tại Vùng II Chiến Thuật thuộc phạm vi Quân Đoàn II, tại Pleiku. Mùa hè 1972, Cộng Sản pháo kích vào căn cứ của Quân Đoàn II. Một viên đạn đã rớt trúng xe Jeep của anh khi xe đang chạy ở trên đường, làm anh bị thiệt mạng. Anh Y Chôn Mlô hơn tôi vài ba tuổi, anh hiện làm mục sư Tin Lành ở Banmêthuột. Y Char Hdơk, vì còn trẻ tuổi hơn tôi nên làm em, sau được đi học ở Southern Illinois University ở Hoa Kỳ năm 1967. Tốt nghiệp về nước em được cử làm Phó Hiệu Trưởng Trường Sư Phạm và Kỹ Thuật Thượng Cao Nguyên ở Banmêthuột. Sau 1975, em bị Cộng Sản bắt bỏ tù, gọi là đi “học tập cải tạo” 12 năm. Được tha về, người ốm yếu sức khoẻ không còn, vài năm sau em qua đời, để lại trong lòng tôi niềm thương tiếc khôn nguôi !!!
Cầu nguyện Chúa xong, tôi bùi ngùi tiễn các anh lên xe ra phi trường đáp trực thăng đi Đức Lập. Ngồi chờ tin tức ở Văn Phòng lòng tôi như lửa đốt. Quá trưa tôi thấy xe các anh trở về, người nào cũng có vẻ mệt mỏi chán chường. Thì ra các anh đã chờ trực thăng trong căn cứ của Hoa Kỳ suốt mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng người Mỹ cho biết : “Hôm nay không có trực thăng, chuyến trực thăng dự trù đã bị hủy bỏ.” Chúng tôi nghĩ rằng người Mỹ có lẽ đã không muốn cho chúng tôi tiếp xúc với trại LLĐB Buôn Sar Pa. Ngày nào trực thăng của họ cũng bay qua bay lại giữa Bungalow và Quận Đức Lập nhiều lần, nhưng phía VN xin trực thăng để chở chúng tôi đi thì họ đều trả lời chưa có. Chỉ còn hai ngày nữa là hết hạn 8 ngày tôi hứa với Thủ Tướng, tôi phải tìm cách để gặp bằng được các anh em chỉ huy Buôn Sar Pa. Chiều hôm 26/9 ấy tôi đề nghị với Trung Tướng Tôn Thất Đính là xin Sư Đoàn chuẩn bị cho mở một cuộc hành quân xuống Quận Đức Lập vào sáng ngày 28/9. Mục đích đầu tiên là cho bốn anh em chúng tôi cùng một nhân viên truyền tin mang máy đi theo một cánh quân. Khi gần đến Quận Đức Lập thì dừng lại, tiến hành bao vây Quận, để bốn anh em chúng tôi và nhân viên truyền tin đi sang gặp các cấp chỉ huy Trại LLĐB để thuyết phục họ buông súng , trung thành lại với chính phủ. Nếu chúng tôi làm được công việc này, chúng tôi sẽ gọi máy về và xin Thủ Tướng và các vị Tướng Lãnh, cùng ông Tỉnh Trưởng đáp trực thăng xuống tiếp nhận họ. Cũng xin cho chuẩn bị đoàn xe, nếu mọi việc suông sẻ đúng với dự trù thì sau khi xong việc sẽ cho chở hết vũ khí về kho, còn những binh sĩ LLĐB thì cho trở về một chỗ tạm trú nào để chúng tôi tổ chức giết trâu, cúng Yang (Thần) mừng sự trở về của họ, và cho họ tuyên thệ trước Thần Linh, từ nay trung thành với Chính Phủ, không còn nghe theo lời dụ dỗ của ngoại bang nữa. Còn nếu có chuyện không may xẩy ra, không nhận được sự liên lạc thường xuyên bằng máy truyền tin của chúng tôi nữa thì Sư Đoàn tùy nghi dùng biện pháp tấn công đơn vị phản loạn này để dứt điểm. Không biết Trung Tướng Tôn Thất Đính trình với Thủ Tướng như thế nào, nhưng tôi thấy những đề nghị của tôi được chấp thuận hoàn toàn.
Sáng sớm ngày 28/9, cuộc hành quân bắt đầu. Bốn anh em tôi và một nhân viên truyền tin mang máy trên vai đi theo một cánh quân. Hôm nay không có Y Char Hdơk đi theo. Cánh quân này không đi trên Quốc Lộ 14, mà băng thẳng qua các ngọn đồi đất đỏ đi xuống Quận Đức Lập. Khi đi đến bờ con suối ngăn ngang hai ngọn đồi, bên này đồi là cánh quân của Sư Đoàn 23 có nhóm của chúng tôi đi theo, bên kia đồi là quân của Trại LLĐB Buôn Sar Pa rút từ Đài Phát Thanh Banmêthuột về còn đóng ở đấy chứ không rút thẳng về căn cứ ở Buôn Sar Pa. Tôi nói với sĩ quan chỉ huy cánh quân: “ Tất cả ngừng bên này đồi và bố trí sẵn sàng chờ lệnh được rồi, để nhóm chúng tôi đi qua suối lên đồi bên kia, vào Quận Đức Lập nói chuyện với các cấp chỉ huy của LLĐB.” Lính Thượng của LLĐB núp trong những bụi cây canh phòng thấy các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, và nhất là thấy anh Y Chôn Mlô thì mừng rỡ lễ phép chào hỏi. Họ báo cáo vào trong Quận rồi đưa chúng tôi lên đồi. Chúng tôi còn đang leo dốc thì đã thấy các cấp chỉ huy của Trại chạy ào xuống bắt tay chào mừng rối rít. Những em học sinh Trung Học trước kia đã nhận học bổng hoặc đã quen biết tôi nay là các cấp chỉ huy thì chạy lại nắm chặt lấy hai tay của tôi. Họ nói: “Ayong Khăp! Ayong Khăp! Chúng em đã nhận được rất nhiều truyền đơn và thơ kêu gọi của anh gửi cho chúng em, được nghe thấy cả tiếng kêu gọi của anh trên máy bay nhưng chúng em không làm sao liên lạc được với anh.” (AyongAnh, Khăp Yêu Thương, là tên Thượng các em học sinh Thượng đặt cho tôi, sau trở thành tên Thượng riêng mà người Thượng dùng để thân mật gọi tôi: Ayong Khăp, Anh Yêu Thương!) Vì đã là anh em từ lâu, tôi trách họ: “ Các em làm bậy quá, khi không nghe theo lời xúi giục của người ta giết hại bao nhiêu người, rồi về chiếm đài phát thanh nữa. Nay Thủ Tướng Nguyễn Khánh đã hứa ban hành một chính sách mới giúp đỡ đồng bào Thượng rồi, các em phải ngưng ngay, không được dùng bạo lực nữa. Cũng may có các anh được Thủ Tướng cho đi thuyết phục các em, chứ nếu không Thủ Tướng cho quân đội, máy bay, pháo binh, thiết giáp tấn công thì chết rồi. Thêm nữa nếu các Buôn Thượng và các Dinh Điền Kinh xô sát với nhau thì các em làm sao mà bảo vệ được gia đình vợ con các em.” Dĩ nhiên là tôi dùng tiếng Rhadé để nói chuyện với họ. Ngay từ năm 1956, được cấp trên đề cử phụ trách về Thượng Vận tôi đã phải tự học lấy tiếng Thượng. Trung Sĩ Rcom DamJu’ là thư ký đánh máy của tôi ở phòng năm Quân Khu 4 là người đầu tiên dạy tôi tiếng Rhadé, và tiềng Jarai. Anh cũng là người đầu tiên cùng tôi dự lễ giết một con gà cúng Yang kết làm anh em trước sự làm chứng của Thiếu Tá Nay Lô. Sau này anh Damju đắc cử Dân Biểu Khóa 2, thời Tổng Thồng Ngô Đình Diệm. Chính anh là người đề nghị Tổng Thống cho thành lập một tỉnh mới ở quê hương của anh, và đã được Tổng Thống chấp thuận. Vì vậy Tỉnh Phú Bổn đã ra đời. Sau chính biến ngày 1 – 11 – 1963, chính quyền cũ không còn nữa, anh được Trung Tá Ya Ba sau này làm Tỉnh Trưởng Pleiku, bổ nhiệm làm Phó Tỉnh Trưởng Thượng. Anh giữ nhiệm vụ này cho đến 1975, Cộng Sản tiến chiếm Pleiku sau khi Quân Đoàn II rút khỏi Cao Nguyên. Vì anh mang họ Rcom, một họ rất lớn, rất giàu có, nhiều thế lực, đời đời làm tù trưởng người Jarai vùng Cheo Reo, nên Cộng Sản cũng không bắt anh đi cải tạo mà còn lợi dụng anh để chiêu dụ đồng bào Thượng. Cộng Sản ép anh làm một chân trong Mặt Trận Tổ Quốc, và cho phép anh vẫn được giữ khoảng 6 sào ruộng, trong khi những người Thượng khác chỉ được giữ một hai sào, hoặc 3 sào là tối đa.
Các cấp chỉ huy LLĐB đưa chúng tôi vào Quận. Các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, Y Chôn Mlô, và tôi cho họ biết, quân đội đã vây quanh đây rồi. Thủ Tướng cũng đã hứa khoan hồng cho tất cả những người lầm lỗi. 4 Trại LLĐB kia đã rút về trại an toàn, Thủ Tướng cũng không truy cứu tội làm phản nữa. Chúng tôi khuyên họ nên buông súng trở về với chính phủ. Họ hỏi: “Nếu chúng em buông súng quân đội sẽ tràn sang giết chúng em thì sao?” Tôi nói: “Các em hãy tập trung súng ở dưới chân cột cờ kia, rồi xếp hàng đứng ở đây. Anh Ya Ba, anh Y Pem Knul (Khổng Đức Phiên), anh Y Chôn Mlô, và anh sẽ xếp hàng đứng trước các em. Nếu họ bắn thì bọn anh sẽ chết trước.” Các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, Y Chôn Mlô cũng nói y như vậy. Thời giờ cấp bách, quân đội của Sư Đoàn đã bao vây sát bên ngoài nên họ đành phải nghe lời khuyên của bốn anh em chúng tôi. Tất cả súng, đạn đều được dựng thành hàng dưới chân cột cờ. Binh sĩ LLĐB đứng sắp hàng dài trước cột cờ Quận. Bốn chúng tôi đứng hàng ngang xếp hàng trước họ. Chúng tôi đã dùng máy truyền tin báo kết quả về Bộ Chỉ Huy cuộc hành quân. Ít lâu sau quân đội đã vượt đồi sang sát hàng rào quận bố trí, hờm súng giữ an ninh. Một chiếc trực thăng đã đưa Thủ Tướng, Trung Tướng Tôn Thất Đính, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có Tư Lệnh Quân Đoàn II, Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm Tư Lệnh Sư Đoàn 23, và Trung Tá (dường như là Trung Tá Lê Văn Thành, tôi xin lỗi đã không còn nhớ chính xác tên ông) (Theo lá thư của anh Dương Thượng Từ, Sĩ Quan Quân Cụ, Cựu Chỉ Huy Trưởng Kho Đạn Banmêthuột mà tôi trình bầy ở cuối bài này, thì Trung Tá Tỉnh Trưởng lúc bấy giờ là Trung Tá Giá) Tỉnh Trưởng Darlac xuống ngay sân bay trực thăng của Quận. Y Tlur Trưởng Trại LLĐB chỉ huy hàng quân trong đó có cả bốn chúng tôi đứng nghiêm chào Thủ Tướng và các vị Tướng Lãnh. Thủ Tướng chỉ thị tôi nói Y Tlur cho làm lễ hạ cờ FULRO treo trên ngọn cột cờ xuống và làm lễ thượng Quốc Kỳ Việt Nam lên. Xong rồi cử hành lễ tuyên thệ trung thành với Chính Phủ VN. Thủ tục cử hành đã diễn ra trong không khí rất trang nghiêm. Những tiếng hô “Xin thế!” của binh sĩ LLĐB vang dội núi đồi Quận Đức Lập. Thủ Tướng hài lòng, ân cần khuyên nhủ các binh sĩ đang đứng sắp hàng ngay ngắn, lễ phép, kỷ luật, phục tùng trước mặt ông, mà mới một tuần trước đây đã là những kẻ phản loạn hung hăng dữ tợn bắn giết các cố vấn LLĐB người Kinh trong trại của họ với hàng trăm viên đạn lên trên mình mỗi người, như trút tất cả những hận thù ra ngoài trong lúc cơn phẫn nộ bị kích thích lên tới tột đỉnh. Nhất là khi được nghe chính Thủ Tướng tuyên bố khoan hồng cho họ, và sẽ cho họ trở về nghỉ ngơi ở Banmêthuột để giết trâu cúng Yang ăn mừng sự ăn năn hối cải trở về với chính phủ, và để được thăm gặp gia đình vẫn được chính quyền đối xử tử tế mặc dù họ đã làm phản loạn, họ đã nhiệt liệt hoan hô tỏ lòng biết ơn Thủ Tướng. Thủ Tướng và phái đoàn đã lên ngay trực thăng dời khỏi Quận Đức Lập. Binh sĩ hành quân của Sư Đoàn đã thu dọn súng đạn ra xe chở về kho. Bốn anh em chúng tôi và quân nhân mang máy truyền tin cùng với binh sĩ Trại LLĐB Buôn Sar Pa được hướng dẫn đi ra cổng Quận. Một đoàn xe GMC đã đậu dài theo Quốc Lộ 14 trước cổng Quận chờ sẵn để chở binh sĩ của LLĐB về Banmêthuột. Chúng tôi cũng lên những chiếc xe Jeep của Sư Đoàn dành riêng để chở chúng tôi. Cuộc phản loạn của 5 Trại LLĐB Thượng vào ngày 20, tháng 9, năm 1964, đến hôm nay 28, tháng 9, đã được giải quyết êm đẹp không tốn một viên đạn, không mất một giọt máu nào, và vừa đúng thời hạn 8 ngày mà tôi đã xin với Thủ Tướng và các vị Tướng Lãnh tại buổi họp Tham Mưu sáng ngày 21/9 tại phòng họp Sư Đoàn. Về đến Toà Đại Biểu bốn chúng tôi đều đứng vòng tròn, cùng nhắm mắt nghe anh Y Chôn Mlô đọc lời cầu nguyện tạ ơn Thượng Đế, tạ ơn Chúa Giê Su, trong niềm hân hoan và mừng rỡ vô biên. Tôi không còn gặp được Trung Tướng Tôn Thất Đính ở phòng ngủ trên lầu nữa. Người giúp việc ở Tòa Đại Biểu cho biết Trung Tướng đã cùng với Thủ Tướng Nguyễn Khánh bay sang Đà Lạt rồi. Mãi đến Chủ Nhật 26, tháng 5, 2002, vừa qua tôi mới được gặp lại Trung Tướng Tôn Thất Đính trong buổi họp mặt của các chiến hữu Sư Đoàn 2 Bộ Binh tại Paracel Seafood Restaurant. 38 năm đã trôi qua! Thời gian đi nhanh quá! Trung Tướng và tôi đã cười vui nhắc lại kỷ niệm những ngày giải quyết Biến Cố Banmêthuột 20, tháng 9, 1964, ở Tòa Đại Biểu Chính Phủ Cao Nguyên Trung Phần cũ.
Chiều hôm ấy, 28/9/1964, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có Tư Lệnh Quân Đoàn II đã đến Tòa Đại Biểu để họp quyết định khen thưởng bốn anh em chúng tôi. Trung Tướng ngồi một bên cái bàn họp dài quay lưng vào vách tường. Bốn chúng tôi ngồi một bên cái bàn đối diện với Trung Tướng quay lưng lại phòng họp của Tòa Đại Biểu. Trung Tướng nói: “Buổi trưa nay trong lúc tôi đưa Thủ Tướng ra sân bay, Thủ Tướng đã nói tôi phải khen ngợi các anh và thăng thưởng các anh xứng đáng. Anh Nghiêm thì được Thủ Tướng cho thăng lên cấp bậc Thiếu Tá và được cấp cho một cái Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Anh Ya Ba được thăng lên cấp bậc Trung Tá và được thưởng một Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng. Anh Y Chôn Mlô thì được Bộ Nội Vụ cho thăng lên hai cấp bên ngạch trật hành chánh, việc này Tòa Tỉnh Darlac sẽ phụ trách. Còn anh Khổng Đức Phiên thì được thưởng một Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng.” Cả bốn chúng tôi vừa mừng vừa ngạc nhiên thất vọng. Tôi rụt rè thưa lại với Trung Tướng: “Kính thưa Trung Tướng, việc này đều do bốn anh em chúng tôi cùng cộng tác với nhau giải quyết. Không thể nói ai có công hơn ai. Do đó nếu Thủ Tướng và Trung Tướng đã quyết định thăng cấp cho các anh Ya Ba, Y Chôn Mlô, và tôi, thì xin Thủ Tướng và Trung Tướng cũng chấp thuận thăng cấp cho anh Khổng Đức Phiên nữa vì anh cũng rất có công, và cũng rất xứng đáng được thăng cấp như ba anh em chúng tôi.” Lời nói của tôi không có hiệu nghiệm, anh Ya Ba, anh Y Chôn Mlô cũng đều cất tiếng nói xin giúp anh Khổng Đức Phiên, trong khi tôi thấy anh Phiên lộ vẻ mặt rất buồn tội nghiệp. Trung Tướng vẫn chưa chấp thuận, mặc dầu tôi và hai anh Ya Ba, Y Chôn Mlô cùng năn nỉ Trung Tướng thêm nhiều lần nữa. Cuối cùng tôi ngỡ ngàng nghe anh Ya Ba nói: “Kính thưa Trung Tướng, chúng tôi đã trình Trung Tướng là việc này đều do tất cả bốn anh em chúng tôi cùng làm mà có kết quả tốt. Nếu chỉ có ba chúng tôi được thăng thưởng còn anh Khổng Đức Phiên thì không, như thế anh Khổng Đức Phiên sẽ rất buồn, mà ba anh em chúng tôi cũng chẳng được vui. Tôi thấy rằng tôi đã có cấp bậc Thiếu Tá rồi, tôi xin nhận cái huy chương Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng cũng được, còn cấp bậc Trung Tá thì thôi, xin nhường cho anh Khổng Đức Phiên để xin Thủ Tướng và Trung Tướng chấp thuận cho anh ấy được thăng lên cấp bậc Thiếu Tá.” Nghe xong lời nói của anh Ya Ba, thật tình trong lòng tôi cảm thấy mắc cỡ cho người Kinh mình quá! Tôi thấy Trung Tướng cũng có vẻ ngượng ngùng và miễn cưỡng nói rằng: “Anh Ya Ba đã nói thế thì thôi ... tôi cũng chấp thuận cho anh Khổng Đức Phiên được thăng lên cấp Thiếu Tá, còn anh Ya Ba thì vẫn được thăng lên cấp Trung Tá như tôi đã quyết định từ đầu.” Tất cả bốn anh em chúng tôi đều vui mừng ngỏ lời cảm ơn Thủ Tướng và Trung Tướng. Trước khi chấm dứt buổi họp, Trung Tướng dặn chúng tôi phải có mặt sáng ngày mai sau buổi chào cờ của Sư Đoàn để được gắn cấp bậc và huy chương.
Tôi cũng không quên công lớn lao của em Y Tin Hwing. Sau này khi Chính Phủ chấp thuận cho các cấp chỉ huy FULRO về hợp tác được đi học một khóa đồng hóa sĩ quan ở Trường Đồng Đế Nha Trang, thì tôi cũng đã đề nghị cho em được đi dự khóa ấy, mặc dù em không phải là một cấp chỉ huy của FULRO. Ra trường em được phong cấp Trung Úy. Em được Ông Tổng Trưởng Phát Triển Sắc Tộc Paul Nưr bổ nhiệm làm Trưởng Ty Phát Triển Sắc Tộc Tỉnh Khánh Hòa. Sau về làm Trưởng Ban Nghi Lễ của Bộ. Ngày 10, tháng 3, năm 1975, Cộng Sản tấn công và chiếm thành phố Banmêthuột, Đại Úy Y Tin Hwing đã chỉ huy một đơn vị võ trang Thượng chiến đấu đến kỳ cùng ở miền Tây Nam Banmêthuột. Cuối cùng Cộng Sản đã bắt vợ con Y Tin đến mặt trận làm áp lực buộc Y Tin phải buông súng đầu hàng, nếu không chúng sẽ giết vợ con Y Tin. Vì sợ vợ con bị giết, Y Tin đã phải buông súng, và để Cộng Sản bắt đi tù 12 năm. Khi có chương trình H.O. đi Hoa Kỳ, Cộng Sản cũng không cứu xét hồ sơ cho Y Tin Hwing và gia đình đi. Nhờ sự can thiệp của Chính Phủ Mỹ, mãi năm 1999, Y Tin Hwing cùng vợ và những đứa con chưa lập gia đình mới sang định cư được ở Greensboro, North Carolina. Cựu Đại Úy Y Tin Hwing hiện là Chủ Tịch Hội Cựu Chiến Binh Thượng tại Hoa Kỳ.
Sáng hôm sau chúng tôi chờ cho Sư Đoàn chào cờ xong thì được Thiếu Tá Nguyễn Phán Trưởng Phòng Nhất Sư Đoàn và vài nhân viên của phòng đưa ra xếp hàng trong sân Sư Đoàn. Trung Tướng Nguyễn Hữu Có Tư Lệnh Quân Đoàn II và Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm đến. Thiếu Tá Nguyễn Phán chỉ huy cuộc gắn cấp bậc và huy chương. Một quân nhân bưng một chiếc gối bằng sa tanh đỏ, xung quanh có những tua tua vàng rủ xuống. Trên mặt gối có gắn những chiếc lon cấp bậc và huy chương. Tôi là người được gắn đầu tiên. Trước là đượcTrung Tướng Có gắn lon Thiếu Tá, sau đến gắn huy chương. Bỗng nhiên tôi thấy Thiếu Tá Phán nói: “Kính thưa Trung Tướng, Đại Úy Nghiêm chưa có Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng, mà theo thủ tục của Bộ Tổng Tham Mưu thì chỉ những ai đã có Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng mới được cấp Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương. Vì vậy, Phòng Nhất đề nghị Trung Tướng gắn cho Đại Úy Nghiêm Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng thôi.” Trung Tướng khựng lại một chút rồi quay sang Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm hỏi: “ Có thủ tục như vậy à?” Thiếu Tướng Lãm trả lời: “Dạ, đúng như vậy. Thiếu Tá Phán Trưởng Phòng Nhất đã trình cho tôi rồi.” Trung Tướng Có quay sang tôi Ông an ủi: “Thôi tôi gắn cho anh Nghiêm cái Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng cũng được.” Lần lượt các anh Ya Ba, Khổng Đức Phiên, đều được thăng thưởng như đã được Trung Tướng Có quyết định trong buổi họp chiều hôm qua. Sau buổi gắn cấp bậc và huy chương này, tôi mới linh cảm thấy dường như là tôi đã vô tình làm mất lòng các bạn hữu của tôi trong Bộ Tham Mưu Sư Đoàn từ trong buổi họp Tham Mưu sáng ngày 21/9. Tôi đã đề nghị giải pháp thuyết phục các Trại LLĐB làm phản loạn, trong khi Sư Đoàn đề nghị dùng biện pháp quân sự. Thủ Tướng lại chấp thuận đề nghị của tôi và còn giao cho tôi đặc trách giải quyết biến cố này, trong khi nơi đây thuộc quyền hạn của Tỉnh Darlac và Sư Đoàn 23 Bộ Binh.
Ngày hôm đó bốn chúng tôi còn bận rộn chuẩn bị cho cuộc lễ chém trâu, cúng Yang, và ăn mừng sự trở về của Trại LLĐB sẽ được tổ chức vào chiều ngày mai tại nơi mà binh sĩ của Trại LLĐB này đang nghỉ ngơi. Số tiền 50 ngàn đồng Trung Tướng Có giao cho tôi đã trả cho nhà in, in mấy trăm ngàn truyền đơn, mất một số rồi. Số còn lại chỉ đủ mua một con trâu cỡ vừa và một số chóe rượu cần để làm lễ. Không có tiền để giết trâu cúng Yang theo phong tục của đồng bào Thượng cho 4 Trại khác đã quy thuận lại Chính Phủ ngay từ ba ngày thuyết phục đầu tiên! Trong buổi lễ này anh em Thượng đã cho tôi biết Đại Tá Um Savuth Trưởng Phòng Nhì Quân Đội Kampuchia, Trung Tá Les Kosem, và một vài đoàn viên cũ BaJaRaKa chủ trương dùng bạo lực như Y Dhơn, đã phối hợp hoạch định cuộc hành quân phản loạn này. Bộ chỉ huy hành quân do Đại Tá Um Savuth và Les Kosem vượt biên giới sang đóng ở đồn điền Dak Mil Quận Đức Lập để chỉ huy. Khi cuộc hành quân không tiến hành được như dự trù Les Kosem có đến Trại LLĐB Buôn Sar Pa mấy ngày, rồi sau đó toàn Bộ Chỉ Huy rút sang biên giới Miên, và đã về lại Phnom Penh rồi .

Đoạn Kết:
Họa Phúc Khôn Lường ! Trong Phúc đã sẵn có Họa, và trong Họa đã tiềm tàng có Phúc !

Hôm nay là ngày lễ Giáng Sinh, 25 – 12 – 1964, tôi được nghỉ, không phải đi làm. Gia đình tôi có nhiều sự vui mừng. Tôi vừa giải quyết xong biến cố Banmêthuột 20/9/1964, được thăng cấp Thiếu Tá. Trong 3 ngày 15, 16, 17, tháng 10, 1964, tôi lại vừa tổ chức thành công Đại Hội Đại Diện Đồng Bào Thiểu Số tại Pleiku. Trong Đại Hội này tôi đã được Thủ Tướng và Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn chỉ định thuyết trình về “Vấn Đề Đồng Bào Thiểu Số Việt Nam” trước cuộc họp của Hội Đồng Nội Các vào đêm 16/10/1964, tại Biệt Điện của Tổng Thống, một biệt thự rất đẹp bằng gỗ trên những cột cao theo kiến trúc nhà sàn của đồng bào Thượng. Buổi họp kéo dài từ 8 giờ 30 tối đến mãi 1 giờ sáng ngày hôm sau. Kết quả những đề nghị của tôi đều được Thủ Tướng và Hội Đồng Nội Các chấp thuận. Đến 1 giờ sáng Thủ Tướng nói: “Vấn đề đã được đồng ý cả như thế. Thôi bây giờ tôi và các vị đây đi ăn cháo gà, còn anh Nghiêm thì thảo ngay một Thông Điệp của tôi gửi Quốc Dân Đồng Bào về việc ban hành một chính sách mới theo như anh đã đề nghị. Anh thảo gấp, đánh máy trình tôi duyệt ngay để sáng mai tôi đọc trước Đại Hội Đại Diện Đồng Bào Thiểu Số.”
Sáng hôm sau tôi đứng ở dưới tận cùng phòng họp Đại Hội ở Hội Quán Phượng Hoàng Pleiku, sau lưng tất cả các đại diện đồng bào thiểu số. Trong khi Thủ Tướng đọc Thông Điệp, nước mắt tôi ràn rụa tuôn trào lăn xuống hai gò má theo từng chữ đọc một của Thủ Tướng. Tôi phải cố gắng hết sức mới kìm hãm được bản thân mình không bật lên những tiếng khóc nức nở vì sung sướng. Giấc mơ sửa chữa chính sách sai lầm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm đối với đồng bào bằng một chính sách công bằng hơn mà tôi ấp ủ, nghiên cứu, tìm tòi với sự giúp đỡ tài liệu của Giáo Sư Nhân Chủng Học Nghiêm Thẩm, Giám Đốc Viện Bảo Tàng Quốc Gia, cùng sự tham khảo nguyện vọng của những anh em Thượng ở các bộ lạc từ 1956 đến nay 1964, sau 8 năm mới trở thành hiện thực. Giờ phút ấy quả là những giờ phút sung sướng nhất, hạnh phúc nhất trong cuộc đời binh nghiệp của tôi.
Chỉ có một trở ngại nhỏ trong đêm thuyết trình trước Hội Đồng Nội Các. Hội Đồng Nội Các gồm có: Thủ Tướng Trung Tướng Nguyễn Khánh chủ tọa, hai vị Phó Thủ Tướng , mà một trong hai vị tôi còn nhớ tên là Bác Sỹ Nguyễn Lưu Viên, hai vị Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp và Bộ Văn Hóa Giáo Dục, Trung Tướng Nguyễn Hữu Có Tư Lệnh Quân Đoàn II, Ông Tổng Giám Đốc Tổng Nha Điền Địa, và Trung Tá Ngô Văn Hùng cựu Giám Đốc Nha Công Tác Xã Hội Miền Thượng ở Huế, thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nay là Phó Giám Đốc Nha Đặc Trách Thượng Vụ thuộc Bộ Quốc Phòng. Trong khi tôi thuyết trình, trả lời những câu hỏi của các vị hiện diện, không hiểu sao những gì tôi nói ra đều bị Trung Tá Ngô Văn Hùng dèm pha, bài bác. Tôi còn nhớ Trung Tá đã trình trước Hội Đồng Nội Các là tôi đã lựa chọn và cấp học bổng cho những em Thượng ăn mặc lố lăng, tóc tai bờm sờm, quần áo Jean theo kiểu cao bồi của Mỹ. Vì có chủ đích trình bày cho Hội Đồng Nội Các hiểu rõ vấn đề và có những quyết định tốt cho đồng bào thiểu số, nên tôi cứ tiếp tục thuyết trình và trả lời những câu hỏi của mọi người, tránh trả lời hay bào chữa trước những lời nói của Trung Tá Hùng. Nhờ đó tôi đã không mất thì giờ và tránh được sự va chạm với Trung Tá Hùng trong buổi họp. Thật là hết sức may!
Ngoài những điều vui mừng may mắn nói trên, gia đình tôi cũng mới có một sự vui mừng lớn nữa. Trong thời gian tôi đi giải quyết biến cố ở Banmêthuột thì nhà tôi đã đem 3 đứa con của chúng tôi về Sài Gòn ở nhà Ba Má vợ tôi từ một hai tháng trước để nhờ các cụ giúp trông nom trong lúc sinh nở. Nhà tôi đã sinh được một cháu gái, là đứa con thứ tư của chúng tôi, vào ngày 26, tháng 8, năm 1964. Mãi đến gần Noel, khi đứa con vừa sinh đã được cứng cáp, nhà tôi mới đem các con trở về Pleiku. Vì vậy, sáng nay nghỉ lễ Noel, tôi lái xe Jeep đưa nhà tôi và bốn đứa con đi du ngoạn ở Biển Hồ. Mẹ tôi ở nhà, trông nhà. Đến trưa chúng tôi trở về. Vừa lái xe vào sân nhà đã thấy mẹ tôi chạy ra nói có hai sĩ quan lại tìm tôi và đang ngồi đợi ở phòng khách. Tôi vội bước vào cửa thì hai sĩ quan kia đứng dậy. Họ cho biết đã đợi tôi từ sáng. Họ là sĩ quan Sở An Ninh Quân Đội Pleiku, được lệnh của Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II đến “mời” tôi về sở An Ninh Quân Đội. Tôi sửng sốt từ giã gia đình lên xe với họ ngay, trước sự sợ hãi thất thần của mẹ và vợ tôi, và trước những đôi mắt ngây thơ ngơ ngác của các con tôi vừa xuống xe còn đứng cả ở giữa sân. Tôi bị tạm giữ ở Sở ANQĐ. Hai ba ngày sau Trung Tá Ya Ba vào thăm tôi. Ông vẫn còn ở Pleiku chờ giấy thuyên chuyển về làm Giám Đốc Nha Đặc Trách Thượng Vụ, từ nay sẽ trực thuộc Phủ Thủ Tướng theo quyết định của Thủ Tướng đã tuyên bố trước Đại Hội hôm 17/10 vừa qua. Ông nói thật nhỏ vừa đủ mình tôi nghe: “Tin anh bị An Ninh Quân Đội bắt làm anh em thân hào nhân sĩ Thượng và nhất là các em học sinh Trung Học Thượng Pleiku rất tức giận. Tối hôm qua họ đã họp, và quyết định sẽ biểu tình yêu cầu thả anh ra. Họ nhờ tôi vào thăm anh và hỏi ý kiến anh...” Tôi giật mình sợ hãi cắt ngang lời anh Ya Ba: “Chết! Chết! Các anh em đừng làm như vậy. Em chưa biết bị bắt về tội gì, nhưng em tin là em không làm điều gì vi phạm luật pháp cả. Chờ điều tra xong, chắc em sẽ được thả ra. Nhờ anh về nói với anh em là em cám ơn anh em đã quan tâm đến em. Nhưng xin anh em đừng làm thế. Có thể quân đội, cảnh sát sẽ đàn áp biểu tình, bắt bớ anh em, và có thể họ còn ghép cho em cái tội là đã xúi giục anh em biểu tình nổi loạn nữa.” Anh Ya Ba ra về, và may mắn cuộc biểu tình đã không xẩy ra. Thật là hú vía, không thì chắc chết!!!
Tôi bị tạm giữ ở Sở An Ninh Quân Đội khoảng hai tuần lễ, chẳng thấy hỏi han, hay điều tra gì. Một hôm tôi được lệnh lên xe theo một sĩ quan ANQĐ đưa ra phi trường và hộ tống tôi đem về nộp cho Nha An Ninh Quân Đội. Đại Úy Nguyễn Thiện là một Chánh Sở của Nha ANQĐ nhận và tạm giữ tôi trong một gian phòng có đầy đủ tiện nghi. Gặp ai thì lo chứ gặp Đại Úy Nguyễn Thiện thì tôi yên trí lớn. Anh là bạn thân, đồng khóa I Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ 1951. Chúng tôi lại còn là anh em. Tôi lấy em con nhà chú họ của anh. Còn anh thì lấy cháu gái con một của người chị họ tôi. Tuy vậy trước mặt mọi người tôi phải tỏ ra không quen biết gì anh để giữ cho sự làm việc của anh được dễ dàng. Nhưng khi chỉ còn hai chúng tôi thì lúc ấy anh mới cư xử thân tình với tôi đúng như anh em trong nhà. Anh chỉ tiết lộ sơ sơ cho tôi biết: “Có một đứa viết thư gửi cho Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo. Nó vu khống cho Nghiêm là : 1/ nghi là Cộng Sản nằm vùng vì có nhiều liên hệ rất khả nghi với người Thượng, 2/ nghi là đoàn viên trong tổ chức FULRO vì FULRO đã nghe theo những lời thuyết phục của Nghiêm không làm phản loạn nữa, 3/ Nghiêm đã nói xấu Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II với các đại biểu Thượng trong cuộc họp ở Đà Lạt do Nha Đặc Trách Thượng Vụ tổ chức vào tháng 8/1964. Phủ Đặc Ủy đã gửi thư này sang Bộ Tổng Tham Mưu. Nơi đây đã gửi cho Trung Tướng Tư Lệnh Quân Đoàn II, và Nha ANQĐ. Có lẽ nhận được thư, thấy nói Nghiêm đã nói xấu ông nên ông nổi sùng lên, gọi điện thoại cho Chánh Sở ANQĐ Pleiku cho người đến bắt và nhốt Nghiêm ngay. Bây giờ đã về đây thì yên trí. Dường như Trung Tướng Linh Quang Viên, Giám Đốc Nha ANQĐ cũng biết Nghiêm. Ông giao cho Thiện phải điều tra vụ này. Ông dặn nếu Nghiêm không có gì thì thanh minh cho Nghiêm với Bộ Tổng Tham Mưu.” Tôi tò mò muốn biết ai viết cái thư tố cáo ấy thì anh Thiện từ chối không tiết lộ.
Ở Nha ANQĐ ít ngày thì có Touneh Hàn Thọ, Phó Đốc Sự Hành Chánh, người cùng tổ chức Quỹ Học Bổng cho Sinh Viên, Học Sinh Thượng với tôi và Kỹ Sư Nguyễn Văn Mừng mà tôi đã giới thiệu ở trên, vào thăm. Có lần Hàn Thọ đã đưa tôi về Đơn Dương thăm ông Hàn Đăng là cha của em. Nghe Hàn Thọ giới thiệu về tôi nồng nhiệt quá, ông đã nhận tôi làm con nuôi. Gặp tôi, Hàn Thọ nói: “Nghe tin anh bị bắt, Ba tức giận lắm. Ba nói thằng Nghiêm nó làm gì mà bắt nó. Rồi Ba đòi Ba chống gậy đi Sài Gòn xuống gặp Thủ Tướng Khánh đấy. Em phải cản mãi Ba mới chịu ở nhà để em xuống thăm anh xem sự việc làm sao, rồi về cho Ba biết.” Tôi rất cảm động, nhưng tôi nói: “Anh bị người vu khống hãm hại thôi. Chờ điều tra xong, anh sẽ được thả ra, em về thưa với Ba như vậy hộ anh. Ba đã già, mắt không nhìn thấy gì, Ba không nên xuống Sài Gòn.”
Vài ngày sau tôi đang ở trong buồng tạm giam, anh Thiện báo cho tôi biết có Trung Tá Ng. V. H. Phó Giám Đốc Nha Đặc Trách Thượng Vụ vào thăm. Có lẽ anh tức giận nên buột miệng nói: “Chính cái thằng gửi thư vu khống Nghiêm nó vào thăm đấy.” Nhưng chợt nhớ ra mình lỡ lời nên anh dặn: “Gặp nó, Nghiêm phải bình tĩnh đừng tỏ vẻ Nghiêm đã biết nó là thủ phạm nhé.” Theo lời anh tôi cố giữ vẻ tự nhiên. Hôm ấy tôi đã được xem người hãm hại tôi đóng kịch trước mặt tôi thật khéo. Trung Tá H. tiến vào phòng làm việc của Đại Úy Thiện. Đại Úy ngồi trên ghế sau bàn giấy, chứng kiến sự gặp gỡ giữa hai người, Trung Tá H. và tôi. Đại Úy không nói một lời nào, chỉ đưa mắt quan sát thôi. Trung Tá H. và tôi ngồi đối diện nhau trên hai cái ghế kê trước bàn giấy. Suốt buổi thăm lúc nào anh H. cũng tỏ vẻ aí ngại, thương cảm cho hoàn cảnh của tôi. Anh nói: “Được tin Nghiêm gặp hoạn nạn, tôi vội xin phép vào thăm. Bây giờ chị (ám chỉ vợ tôi) và các cháu thế nào? Có cần tôi giúp gì không?” Tôi trả lời: “Không. Nhà tôi và các cháu đã được Thông Vận Binh ở Pleiku giúp xe cộ và binh sĩ dọn đồ đạc và di chuyển gia đình tôi về nhà riêng của chúng tôi ở Banmêthuột rồi.” Anh hỏi tiếp: “Vậy anh có cần tiền không tôi sẽ gửi tiền lên giúp chị?” Tôi từ chối: “Không. Nhà tôi đã có đủ tiền chi dùng rồi. Xin cảm ơn anh.” Khi đứng dậy chào từ giã, anh đưa tôi một gói bọc bằng giấy nhật trình (giấy báo) và nói: “Tôi chẳng có quà gì, có ký pomme (táo tây) đây để tặng anh, mong anh nhận lấy.” Tôi đứng dậy nhận gói táo tây, mà cổ họng nghẹn cứng như đang nuốt không vào trái cấm của ông Adam!
Chiều 29 Tết ta, anh Thiện đem giấy tha cho về có chữ ký của Giám Đốc Nha ANQĐ, Trung Tướng Linh Quang Viên, và cho xe Jeep đưa tôi về nhà của Ba Má vợ tôi. Tết năm ấy tôi ăn một cái Tết xa gia đình! Sau Tết tôi vào Phòng Tổng Quản Trị, Bộ Tổng Tham Mưu, nhận giấy thuyên chuyển về Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ. Ở Quân Đoàn này tôi có một người bạn cùng Khóa I Nam Định, Thủ Đức là Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị. Anh Trị học ở Nam Định, khi ra trường được đổi về chỉ huy một Đại Đội ở Điền Hộ, Chi Khu Phát Diệm. Tôi học Công Binh ở Thủ Đức, khi ra trường được thuyên chuyển về một Đại Đội Công Binh ở Thái Bình. Một vài tháng sau, tôi được lệnh đem một Trung Đội Công Binh xuống nghiên cứu mở công trường lấy đá ở núi Nhân Sơn, tục truyền trên núi có mộ An Tiêm, để xây cho Đại Đội của Thiếu Úy Nguyễn Bảo Trị một cái đồn, gọi là đồn Điền Hộ. Chúng tôi gặp nhau và quen thân nhau từ dạo ấy. Tôi đã nghiên cứu rất kỹ địa hình, và đã lợi dụng tất cả những hồ ao, bãi lầy, đồng cỏ, vẽ kế hoạch xây một cái đồn thật kiên cố với 4, 5 lô cốt bằng đá tảng, có những lỗ châu mai mà hỏa lực của những súng máy đặt ở đây có thể bao che hết xung quanh đồn không chừa một khoảng trống nào ngoài tầm của hỏa lực. Công tác hoàn tất tôi trở về Đại Đội ở Thái Bình. Vài tháng sau tôi nhận được một cái thơ anh viết thật dài, đến 4, 5 trang giấy. Đọc thơ tôi mới biết đồn Điền Hộ bị Việt Cộng đến tấn công vào một đêm không trăng sao. Nhưng nhờ tài cầm quân của anh Trị, nhờ các công sự, lô cốt kiên cố của đồn, và nhất là nhờ khẩu pháo đặt trên đỉnh núi Nhân Sơn yểm trợ nên bên Việt Cộng đã bị thiệt hại nặng. Chúng đã không vào được đồn, phải rút lui, để lại xung quanh đồn la liệt xác VC và súng đạn. Đây là một chiến thắng rất lớn, nổi tiếng ngoài Bắc Việt. Anh được các Tướng Tá Pháp xuống khen thưởng, được đặc cách thăng Trung Úy ngoài mặt trận, và được gắn một Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao vàng. Có lẽ anh là người đầu tiên trong Khóa I của chúng tôi được cái vinh dự thắng trận và được vinh thăng lên Trung Úy sớm nhất. Anh vui mừng viết thư tả tỉ mỉ chiến thắng của anh và hứa hẹn muốn gặp tôi để khao thưởng tôi về cái công đã xây một cái đồn lợi hại như vậy. Nhưng ở ngoài Bắc chúng tôi chưa hề được gặp nhau. Mãi đến năm 1959, 1960, tôi lên thăm và giúp vui, khen thưởng chiến thắng Đak Rôtah Bắc Kontum của Sư Đoàn 22 Bộ Binh đóng ở Kontum tôi mới lại gặp anh. Lúc ấy anh đã là Trung Tá, rồi lên Đại Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 22, còn tôi chỉ mới là Đại Úy Phó Trưởng Phòng Chiến Tranh Chính Trị Quân Đoàn II. Gặp lại nhau sau 8, 9 năm xa cách, và dù cấp bậc hai người đã rất cách biệt nhau, nhưng anh vẫn giữ tình xưa đối xử với tôi thân thiết như những ngày ở Điền Hộ. Bây giờ tôi gặp hoạn nạn, đổi về Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ, thì anh đã là một vị Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh đóng ở Mỹ Tho. Anh cũng biết rõ công việc giúp đỡ đồng bào Thượng mà tôi đang làm vì đã chỉ huy trên Cao Nguyên anh có nhiều kiến thức về vùng này, và nhất là anh cũng thương yêu đồng bào Thượng. Trình diện xong ở Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn tôi điện thoại hỏi thăm anh. Sau khi biết rõ hoàn cảnh của tôi, anh nói ở bên kia đầu giây: “ Thôi Nghiêm về Sư Đoàn 7 với Trị đi. Trung Tướng Quang Tư Lệnh Quân Đoàn đi vắng, để Trị nói với Tướng Minh Tư Lệnh Phó Quân Đoàn cho Nghiêm về đây làm việc với Trị.” Thế là sau đó tôi đươc bổ nhiệm về Sư Đoàn 7 ở Mỹ Tho. Thiếu Tưóng Nguyễn Bảo Trị cử tôi làm Tham Mưu Phó Chiến Tranh Chính Trị Sư Đoàn. Thời gian ở với Tướng Nguyễn Bảo Trị ở Sư Đoàn 7 Bộ Binh là thời gian êm ả nhất trong cuộc đời nhà binh của tôi. Tôi đã xa lánh được công tác Thượng Vận đầy khó khăn, đau đầu, cấp trên coi thường, không để ý đến, và bản thân còn gặp những thăng trầm đầy đọa nữa. Có lẽ đây cũng là một trong những nhiệm vụ bạc bẽo nhất trong Quân Lực VNCH !
Nhưng có một hôm Trung Tướng Linh Quang Viên, bây giờ đã là Tổng Trưởng Bộ Thông Tin, đến thăm Tỉnh Mỹ Tho, và Sư Đoàn 7 Bộ Binh. Thiếu Tướng Tư Lệnh Sư Đoàn và Trung Tá Phúc Tỉnh Trưởng đã tiếp đón Trung Tướng Viên ở nhà khách của Tòa Tỉnh. Tôi cũng có mặt trong buổi tiếp tân khoản đãi này. Tôi rất mong có dịp được gặp riêng để ngỏ lời cảm ơn Trung Tướng lúc ông còn là Giám Đốc Nha ANQĐ, đã giao việc điều tra tôi cho Đại Úy Nguyễn Thiện để giúp đỡ minh oan cho tôi. Nhưng tôi chờ mãi chẳng có dịp nào. Trong lúc mọi người đang nói chuyện, tôi ra đứng dựa cửa nhìn ra vườn hoa rộng mênh mông của Nhà Khách Tòa Tỉnh với tâm sự của riêng mình. Bỗng tôi thấy Trung Tướng Linh Quang Viên cũng ra cửa đứng cạnh tôi như cũng muốn ngắm nhìn vườn hoa. Tôi chào Trung Tướng. Nhưng thấy ông nói rất khẽ chỉ riêng mình tôi nghe được. Ông nói: “Chào Nghiêm, anh khỏe không? Bây giờ ở đây với ông Trị à? Những lãnh tụ Thượng miền Bắc như tôi, Đại Tá Hoàng Văn Tỷ, và nhiều người khác nữa đều theo dõi những công việc anh làm cho Đồng Bào Thiểu Số. Thỉnh thoảng gặp nhau, chúng tôi vẫn nói với nhau về những việc làm của anh. Anh mới bị tiểu nhân hãm hại. May mà tôi đã cho điều tra và thấy không có gì, chỉ là cố tình vu khống hãm hại thôi. Tôi đã cho bạch hóa hồ sơ của anh rồi, bây giờ hãy yên tâm. Cần nhất là anh đừng nản lòng. Hãy tiếp tục công việc mà anh đang theo đuổi. Đồng bào thiểu số vẫn kỳ vọng vào anh đấy.” Tôi chỉ vừa kịp nói: “Cám ơn Trung Tướng,” ông đã quay lưng đi vào nói to với Thiếu Tướng Trị và Trung Tá Tỉnh Trưởng : “Vườn hoa ở đây rộng và đẹp quá !”

Thêm Chi Tiết Về Biến Cố Banmêthuột
(Qua lá thư ngày 25, tháng 7, năm 2002, của anh Dương Thượng Từ, cựu Sĩ Quan Quân Cụ, cựu Chỉ Huy Trưởng Trại Mai Hắc Đế, Kho Đạn Banmêthuột, vào thời gian có Biến Cố Banmêthuột 20 – 9 – 1964)

Bài Biến Cố Banmêthuột 20 – 9 – 1964 trên đây của tôi đã được Nguyệt San Khởi Hành số 67, tháng 7, 2002, Tuần San Việt Tide số 51, July 5 – July 11, 2002, và một số Nhật báo ở Quận Cam đăng tải. Một vài tuần sau bất ngờ tôi nhận được một bì thư của một người bạn là cựu Đại Tá Nguyễn Trọng Liệu. Anh Liệu viết cho tôi có mấy hàng chữ như sau:
Thân gửi Anh Nghiêm,
Anh Dương Thượng Từ là sĩ quan Quân Cụ, biết tôi quen Anh nên gửi tôi bài này để Anh bổ túc vào bài viết của Anh về vụ Fulro.
Anh Từ coi Kho Đạn ở Banmêthuột. Địa chỉ của Anh Dương Thượng Từ
19140 Stevens Creek Blvd, # C 104
Cupertino, CA 95014

ĐT (408) 973 – 8162


Tôi đã đọc lá thư ngày 25, tháng 7, năm 2002, của anh Dương Thượng Từ gửi cho anh Nguyễn Trọng Liệu. Tôi rất vui mừng vì lá thư này đã cho tôi biết thêm nhiều chi tiết về Biến Cố Banmêthuột đã xảy ra trước khi tôi từ Pleiku bay xuống Banmêthuột vào sáng ngày 21, tháng 9, năm 1964, và đã được Thủ Tướng giao cho nhiệm vụ đi thuyết phục 5 Trại LLĐB Thượng nổi loạn. Đây là một tài liệu rất qúy góp thêm một số sử liệu về Biến Cố này. Tôi xin đánh máy lại nguyên văn lá thư của anh Dương Thượng Từ để những ai muốn tìm hiểu về Biến Cố Banmêthuột 20, tháng 9, năm 1964, có thêm tài liệu để tham khảo. Thành thật cảm ơn anh Dương Thượng Từ và anh Nguyễn Trọng Liệu đã cung cấp cho tôi thêm những chi tiết xác thực và qúy báu này.

7 – 25 – 02
Thân gửi bạn Liệu

Vì tò mò thấy anh Nghiêm viết về biến cố ngày 20. 9. 64 tại Ban Mê Thuột nên

mình cố tìm đọc cho đủ bài viết này. Sau khi đọc xong mình thấy những điều xảy ra mà
các Ông Đính v...và anh Nghiêm giải quyết có thể nói là giai đoạn II của việc này.
Tôi phải nói rõ để bạn biết thời điểm đó tôi là Chỉ Huy Trưởng trại Mai Hắc Đế (gọi nôm na là Kho Đạn BMT.) Trước ngày 20 – 9 – 64 vài ngày có 1 phái đoàn của Bộ Trưởng Hồ Văn Trâm tới BMT. Trong phái đoàn đó tôi có 1 người bạn. Ông Hồ Văn Trâm ở tòa tỉnh với ông Tỉnh Trưởng lúc đó là Trung Tá Giá (chứ không phải là Lê V Thành như trong tài liệu của anh Nghiêm) Anh bạn tôi vào chơi trại tôi và ăn cơm với tôi và anh nói với tôi là tụi Thượng nó sắp nổi loạn và có thể là vào chủ nhật 20 . 9 . 64. Ngày đó là rằm tháng Tám năm Giáp Thìn. Tôi đã sửa soạn đèn và bánh để phát cho trẻ con ở trại gia binh. Do đó ngày 20 tôi ra lệnh cấm trại. Phải nói thêm để anh biết là dọc theo trại tôi khoảng 2 Km có một hệ thống pháo đài kiên cố béton armé và đi hết đoạn đường đó tới barrière của tôi và qua đấy là quãng đường khoảng 2 Km dẫn vào Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23. Dọc đường là các đơn vị tiếp vận của Sư Đoàn. Từ sáng sớm tôi cho binh sỹ bố trí dọc theo các pháo đài đó, súng đại bác chĩa ra ngoài để phô trương đồng thời tôi cũng cho ráp Đại Liên lên 3 xe Jeep với lính tráng trang bị có vẻ dữ dằn. Ngay chỗ barrière tôi cho 1 xe Đại Liên trấn giữ còn hai xe kia tôi cho bố hai bên hông. Quả nhiên khoảng 8 – 9 giờ sáng một đoàn xe mà mình gọi là low boy của Mỹ chạy từ hướng thác Draylinh vào phòng tuyến của tôi. Khi tụi nó tới barrière của tôi thì ngừng lại. Trưởng trạm gác điện thoại liền cho tôi. Tôi ra lệnh là bắt các xe đó ngừng lại tại bãi xe và không một tên nào được xuống xe (lúc đó tụi nó đều đứng ở trên xe vì xe không có mui) nếu xuống là Đại Liên tôi nổ liền. Và chúng nó tuân lệnh bất động.
Tôi liền điện thoại vào Sư Đoàn báo cáo tình hình. Sư Đoàn không có biết gì cả, lúc đó mới đánh kẻng báo động tùm lum. Phòng Hành Quân Sư Đoàn nói tôi chờ 1 chút chắc là để hỏi thượng cấp. Tôi cũng chờ để biết conduite à suivre của mình như thế nào theo lệnh của Sư Đoàn vì mình cấp nhỏ đâu có dám quyết định. Vì nếu tôi cho nổ súng thì tụi nó tiêu hết. Vài phút sau Sư Đoàn cho tôi biết là đuổi tụi nó quay trở lại. Tôi thi hành lệnh và đoàn xe nó cũng trở đầu lại, chạy khỏi dãy pháo đài của tôi và đi về hướng thác Draylinh. Sau khi tụi nó đi độ 15 phút thì Tỉnh Trưởng và Cố Vấn vào kho và hỏi tôi đám Thượng đâu rồi. Tôi trả lời là Sư Đoàn bảo tôi đuổi chúng nó trở lại thì tôi đuổi rồi, chẳng phải nổ phát súng nào cả.
Phải nói để bạn rõ là khi tụi nó vào tuyến của tôi là cánh quân khác của nó đã chiếm cầu 14 và Đài Phát Thanh rồi. Nó án binh bất động ở đó để chờ cánh quân ở Draylinh về. Mà nếu cánh quân này qua được phòng tuyến của tôi thì chắc chắn các đơn vị hậu cần của Sư Đoàn + Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đã tan nát rồi, và khi đó đám quân ở Đài Phát Thanh sẽ chạy vào Thành Phố BMT thì hậu quả sẽ khó lường.
Phải nói là chính tôi đã cứu Sư Đoàn và Thành Phố BMT. Mà không phải nổ một phát súng nào.
Còn phái đoàn của Ô Đính và anh Nghiêm là giải quyết giai đoạn II của biến cố này: điều đình với Thượng.
Sau khi đuổi tụi Thượng đi tôi xả trại và xuống trại gia binh phát quà rầm tháng Tám.
Vì mọi chuyện xảy ra êm ru nên chẳng ai biết tới mình cả, lon lá cũng chẳng được, một lời khen cũng không.
Tôi chơi với Đại Úy Thạnh trưởng phòng Tổng Quản Trị Sư Đoàn. Tôi bảo hắn là trình Tư Lệnh việc làm của tôi nhưng Tư Lệnh vẫn im lìm. Cho đến khi Tư Lệnh thuyên chuyển mới ký cho tôi một giấy khen, có vậy thôi.

Đại khái câu chuyện là như vậy, kể bạn nghe chơi vì Tài liệu lịch sử cần phải Trung Thực.

Dương Thượng Tứ