Cao nguyên phố núi cao phố
núi mù sương
Thái Công Tụng
Ngoài các đồng bằng và các châu thổ (sông Hồng,
sông Cửu Long) không cao hơn mực nước biển bao nhiêu, Việt Nam còn có những cao
nguyên nằm phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh
Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Những cao nguyên như vậy, thường được gọi là Cao
Nguyên Trung Phần, còn gọi là Tây Nguyên (dưới đây sẽ viết tắt là TN) có rất
nhiều đặc trưng nếu so sánh với các đồng bằng miền Trung, về nhiều mặt, từ khí
hậu, đất đai, chủng tộc, đến sử dụng đất đai.
Abstracts
This paper which aims at providing an
assessment of the Central Highlands of Viet Nam is structured into 10
sections.
Following the introduction on
geographical setting in section 1, section 2 describes the main ecosystems which are natural units,
relatively uniform in terms of geomorphology, climate and soils. Section 3
deals with the climatic conditions of the region. In section 4, water resources with main river
systems are appraised. In section 5, soils resources, with emphasis on soil
taxonomy and soil genesis are discussed.
In section 6, ethnic minorities of the Central Highlands are presented.
Agricultural systems with main crops
like coffee, tea, mulberry, rubber, pepper are assessed in section 7.
Demography trends are presented in section 8. Section 9 provides many
development issues such as food security, soil erosion and soil fertility,
energy, infrastructure development, education problems of ethnic minorities,
biodiversity conservation, reforestation, land tenure, agricultural credit,
off-farm income. Finally, the concluding remarks are presented in section 10 .
1. Tổng quan
Ngoài các đồng bằng và các châu thổ (sông Hồng,
sông Cửu Long) không cao hơn mực nước biển bao nhiêu, Việt Nam còn có những cao
nguyên nằm phía tây các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh
Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận. Những cao nguyên như vậy, thường được gọi là Cao
Nguyên Trung Phần, còn gọi là Tây Nguyên (dưới đây sẽ viết tắt là TN) có rất
nhiều đặc trưng nếu so sánh với các đồng bằng miền Trung, về nhiều mặt, từ khí
hậu, đất đai, chủng tộc, đến sử dụng đất đai.
Trước hết, TN gồm các tỉnh sau: Kontum, Giarai
(Pleiku), Dak Lac, Dak Nong và Lâm Đồng mà sau đây ta hãy tìm hiểu thêm về diện
tích và dân số:
Tỉnh Diện tích (km2) Dân
số (1996)
Kontum 11 560 260
000
Gia Lai (Pleiku) 16 060 824 000
DakLac(BanMeThuot) 13 062 1 667 000
Dak Nong 6 514 363 000
Lâm Đồng (Dalat)
9 953 722 322
Tỉnh Dak Lac sau
1975, gồm cả hai tỉnh Dak Lac (thị xã Ban Me Thuot) và Quảng Đức (thị xã Gia
Nghĩa) họp lại, nhưng năm 2003 lại tách ra làm 2 như trước 1975. Tỉnh Quảng Đức
đổi tên là Dak Nong.
Tỉnh Gia Lai sau
1975, gồm cả ba tỉnh Kontum, Pleiku và Phú Bổn (thị xã Hậu Bổn tức Cheo Reo cũ)
họp lại .
Tỉnh Lâm Đồng,
sau 1975, gồm hai tỉnh Tuyên Đức (thị xã Dalat) và Lâm Đồng cũ (thị xã Bảo Lộc
hoặc Blao). Tuy nhiên, cũng có thể trong tương lai, các tỉnh này lại được phân
chia như trước 1975. Bằng chứng là sau 1975, nhiều tỉnh được gọp lại: Bình Trị
Thiên, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Bắc Thái nhưng nay trở lại như trước năm 1975:
Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên (thay vì Bình Trị Thiên), Quảng Ngãi, Bình
Định (thay vì Nghĩa Bình), Phú Yên và Khánh Hoà (thay vì Phú Khánh) v.v...
Diện tích của
các tỉnh trên là 57 149 km2, tức 5.714.900 ha. Nhưng nếu kể cả các miền cao của
các tỉnh miền Trung từ Quảng Trị vào đến
Bình Thuận thì diện tích Tây Nguyên cao hơn nhiều. Vì TN có cao độ biến thiên
từ 400 mét như ở Ban Mê Thuột đến 1500 mét như ở Dalat nên khí hậu cũng có
nhiều biến thiên và đất đai cũng vậy.
TN, ngoài các
cao nguyên, còn có những thung lũng rộng hẹp khác nhau. Những thung lũng lớn,
bao quanh bởi các rặng núi cao thì phải kể thung lũng Sông Ba ở Cheo Reo (Phú
Bổn củ), thung lũng Lạc Thiện ở Đông Nam thị xã Ban Me Thuot, thung lũng sông
Sesan và các phụ lưu của sông này như Dak Poko và Dak Bla ở Kontum.
2. Các hệ sinh thái chính.
Tây Nguyên bao
gồm cả các vùng đất cao tạo ra những cao nguyên/ bình nguyên lẫn vùng đất thấp
của những đồng bằng hay thung lũng .
2.1 vùng đất cao.
Trong vùng đất
cao, có thể phân biệt những sinh hệ sau:
2.1.1 giãy
núi Trường Sơn
Từ miền núi cao phía bắc Kontum, phía sau đồng
bằng Quảng Nam, giải Trường Sơn chạy dài từ Bắc xuống Nam, ngăn cách vùng TN
với đồng bằng duyên hải Trung Việt. Giải núi này rất dốc về phía Đông vì gần
biển còn phía Tây nó thoai thoải để tạo thành nhiều cao nguyên như cao nguyên
Pleiku, cao nguyên Dak Lac, cao nguyên LangBian, cao nguyên Blao-Di Linh.. Có
nhiều chỗ giãy núi này đâm ra tận biển, tạo ra những mũi như mũi Varella, mũi
Né .
Giải núi này rất đa dạng về nhiều mặt:
-địa chất, vì có
nhiều loại đá rất cổ, trước cả đại địa chất thứ nhất, tạo thành nền đá gốc mà
các nhà địa chất học thường gọi là 'khối Kontum';
-thảo mộc vì có
nhiều loại thực vật cảnh: rừng dày, rừng thưa, thảo nguyên v.v.
.-khí hậu: giải núi này là bức tường phân biệt khí hậu
giữa Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn : phía đông, tại các đồng
bằng duyên hải, mùa mưa trễ hơn, từ tháng 10-11 trong khi phía tây, nghĩa là
phía cao nguyên, mùa mưa bắt đầu từ tháng 5. Nói khác đi, bên này là mùa nắng
thì bên kia là mùa mưa.
2.1.2 vùng
núi Ngọc Lĩnh ở thượng Kontum.
Giữa bắc Kontum
và các đồng bằng Nam-Ngãi, là giãy núi Ngọc Linh, với đỉnh cao nhất 2 598m, cấu
tạo bởi đá granit cùng các đá gơnai, đá phiến mica, riolit. Thấp hơn đỉnh Ngoc
Linh là các đỉnh khác như Ngoc Pan 2 251m, Ngoc Niay cao 2 259m, nằm giáp ranh
hai huyện Dak Gley và Dak To, Ngoc Krinh 2 025m nằm phía TB huyện Kon Plong,
tỉnh Kontum; từ đỉnh giải Ngoc Lĩnh, có thể nhìn thấy tứ phía: đồng bằng Quảng Ngãi-Quảng Nam phía đông, xứ Lào
phía tây. Sườn núi dốc và sông suối có thung lũng hẹp, dòng nước chảy mạnh và cũng
từ sườn Đông rặng núi này phát xuất nhiều dòng sông chảy xuống các đồng bằng Nam,
Ngãi. Rừng núi ở đây có nhiều loại gỗ quý và nhiều thú hiếm.
2.1.3 cao
nguyên Kon Plong
Cao nguyên này
có cao độ 1 100-1 300 mét có bề mặt bị chia cắt mạnh tạo nên những quả đồi, và
nằm phía đông Kontum, giữa Kontum với Quảng Ngãi .
2.1.4 cao
nguyên Kontum
(550m) kéo dài từ vùng Tân Cảnh, Diên Bình, Võ Định đến thị xã Kontum.
Kontum theo tiếng dân tộc bản địa Ba Na có nghĩa là làng hồ, do xưa kia có rất
nhiều hồ nước (kon= làng; tum=hồ, ao) xung quanh .. Có sông Poko giới hạn phía
Tây chảy từ thượng lưu quận DakTo chảy xuống.
Các địa danh như
Tân Cảnh, Kontum là nơi xảy ra nhiều trận kịch chiến giữa quân đội Việt Nam
Cọng Hoà với quân Bắc Việt vào tết Mậu Thân (1968) và nhất là mùa hè đỏ lửa
(1972). Một trong những căn cứ đó có tên đồi Charlie nằm phía Bắc thị xã Kontum
đã được bất hủ hoá qua bài hát Người ở lại Charlie:
Anh! Anh! Hỡi
anh ở lại Charlie
Anh! Anh! Hỡi
anh giã từ vũ khí
Vâng, chính
Anh là ngôi sao mới, một lần này chợt
sáng trưng, là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng
2.1.5 vùng đồi Sa Thầy với đất feralit đỏ
vàng trên mácma axit (granit, rhyolite) ở phía T ây sông Poko, có nhiều đập thuỷ
điện (Sesan, Ya Ly) trên con sông Sesan .Tại đây có khu bảo tồn thiên nhiên Chư Môm Rây là một vùng rừng nguyên sinh giáp
biên giới Lào; ở đây có thể có sự tồn
tại của bò xám, một loài động vật hoang dã qúy hiếm có tên trong Sách Đỏ thế
giới .
2.1.6 cao nguyên Pleiku.
Nhắc đến
Pleiku, ta liên tưởng đến bài hát quen thuộc trong đó có các câu :
Em Pleiku má đỏ môi hồng
Ở đây buổi chiều quanh năm mù sương..,
Cao nguyên Pleiku, với diện tích 4 500 km2, có
cao độ trung bình 800 mét, trước kia là một vùng thấp nhưng có dung nham núi
lửa phun trào lên và lấp lên khá dày, lâu ngày hoá thành đất đỏ; hiện nay vẫn
còn một đỉnh núi lửa đã tắt, ngọn Chi
Hdrung có cao độ 1 025 mét và quanh ngọn núi lửa còn có những hồ miệng núi lửa
như hồ Do Nau Eng Prong.
Dạng vòm cao nguyên Pleiku tạo ra đường chia
nước của hai lưu vực: phía Đông là sông Ba chảy xuống Tuy Hoà và phía
tây là lưu vực sông Mekong.
Phía Đông cao nguyên Pleiku là những rặng núi
granit và rhyolit kéo dài của thượng Kontum; quốc lộ 19 từ Qui Nhơn lên Pleiku
phải xuyên qua đèo Mang Giang (740m).
Phía Tây
cao nguyên Pleiku có cao độ thấp hơn; đặc biệt tại đây có địa danh
PleiMe với thung lũng Ia Drang là nơi đã từng xẩy ra những trận kịch chiến với
quân đội Bắc Việt năm 1966.
Giữa cao
nguyên Pleiku và Dak Lac, có giãy núi granit Chư Pha (732m), đầu nguồn Ea Heo.
2.1.7 cao
nguyên Dak Lac.
Cao nguyên này
có cao độ trung bình 400-500 mét, và khá bằng phẳng xung quanh thành phố Ban Me
Thuot. Phía đông-nam Ban Me Thuot là các dòng sông Krong Anna, Krong Kno và có
những cánh đồng phù sa rộng lớn như quanh hồ Lạc Thiện.
Đây là nơi người
dân tộc Rhade sinh sống; tộc người Rhade có trình độ văn hoá khá cao, so với
các tộc người khác; họ biết trồng lúa nước. Ban Don phía tây Dak Lac là một địa
danh chuyên nghề săn bắt và thuần dưỡng voi.
2.1.8 cao
nguyên M 'Drak (Khánh Dương).
Cao nguyên này có cao độ quãng 500 mét, nằm
giữa Ban Me Thuot và Ninh Hoà, có dạng lượn sóng nghiêng về phía Tây. Thấp dần
về phía đông nam đến hồ Lạc Thiện (Lac), nằm ở một nơi trũng ăn thông với sông
Krong Ana, thấp dần về phía Tây xuống thung lũng sông Srepok.
2.1.9 cao
nguyên Dak Nong (Gia Nghĩa trước 1975).
Cao nguyên Dak
Nong, với diện tích 3 800 km2, nằm phía
tây cao nguyên Di Linh và phía nam cao nguyên Dak Lac. Có thị xã chính là Gia
Nghĩa, trước 1975, thuộc tỉnh Quảng Đức. Vào thời đại xa xăm của địa chất, cao
nguyên Di Linh và Dak Nong là một khối thống nhất nhưng bị các hoạt động đào xẻ
bởi sông Da Dung và các phụ lưu nên không còn giữ mặt bằng ban đầu nữa mà chia
ra các mảng nhỏ lớn khác nhau.
2.1.10 cao
nguyên Blao-DiLinh.
Cao độ 800m,
nhiều đất đỏ trên cao, cùng với các thung lũng rộng, cao nguyên này có địa hình
bằng phẳng hơn và kéo dài lên đến Đức Trọng Liên Khàng, có sông Da Dung tức
thượng lưu sông Đồng Nai, cũng có hướng nghiêng từ đông sang tây với độ chênh
cao chừng 200 mét.
2.1.11 cao
nguyên Dalat .
Dalat là do 2
chữ Đà (sông, suối) và Lạt (một tộc người tên Lạt).Với độ cao 1500 mét, bao
quanh là những giãy núi xấp xỉ 2 000 mét. Bề mặt cao nguyên bị chia cắt mạnh,
tạo ra những dãy đồi dài với sườn khá dốc; đây là một thành phố hoa, rau, quả á
nhiệt đới (mận). Phần lớn là đá phiến sét, đá granit chứ ít có đá bazan. Phía Bắc và phía Đông có hai ngọn núi là Langbian
(2153m) và Biđúp (2286m). Rừng cây gồm nhiều loài thông 2 lá, thông 3 lá.
Tây Nguyên không
phải chỉ gồm các cao nguyên mà thôi mà còn cả các đồng bằng, thung lũng, trũng,
bàu .
2.2 vùng đất thấp.
Từ Bắc xuống Nam, ta ghi
nhận các thung lũng sau đây:
2.2.1 thung
lũng sông Bla ở Kontum.
Sông Bla (Dak
Bla) chảy qua phía nam thị xã Kontum có thung lũng với đồng bằng phù sa trồng
lúa nước.
2.2.2 thung
lũng Cheo Reo-Phú Túc ( Phú Bổn).
Thung lũng này,
có cao độ 160m, ở giữa rìa nam cao nguyên Pleiku và kéo dài đến phía gò đồi
đồng bằng Tuy Hoà. Trong thung lũng, có hai sông chính là sông Ba và Ea Ayunh
chảy qua. Vào thời xưa, cách đây cả ngàn năm, chính qua thung lũng này mà người
Chăm đã sử dụng để lên TN; tại Cheo Reo còn có các di tích Chăm. Và cũng chính
qua thung lũng Cheo Reo này, năm 1975, khi Pleiku và Darlac thất thủ, quân dân
Pleiku đã nhờ đường này mà về được Tuy Hoà vì lúc đó dọc đường 19 từ Pleiku
xuống Qui Nhơn đã bị quân Cọng Sản Bắc Việt chiếm. Ngày nay, toàn thung lũng
Cheo Reo này thuộc huyện Krong
Pa, tỉnh Gia Lai (tức tỉnh Plei
Ku)
2.2.3 thung
lũng An Khê.
Thung lũng này
nằm giữa đường Pleiku đi Qui Nhơn; nhiều loại đất xám và có dòng sông Ba chảy
qua. Diện tích quãng 600-700km2, cao độ 400-450m. Vì gần Bình Định nên cư dân
thung lũng này phần lớn là người miền xuôi từ Bình Định lên khai phá..
2.2.4 thung
lũng Lạc Thiện.
Có nhiều hồ và
nhiều đất phù sa úng trũng của hai sông Krong Anna và Krong Kno. Nằm về phía
Đông Nam
thị xã Ban MeThuot, trên đường đi Đức
Trọng phía nam Dalat.
Đây là vùng sụt
lún, thấp hẳn xuống so với cao nguyên Ban Me Thuot ở phía Bắc và dãy núi Chu
Yang Sin (2 405m) ở phía Nam;
vì dễ lụt nên muốn tăng sản lượng nông nghiệp cần nghiên cứu thoát nước.
2.2.5 bình
nguyên Ia Sup (Ea Sup).
Phía Tây Ban Me
Thuot, nằm giáp với biên giới Campuchea là bình nguyên Ea Sup có cao độ 200-300
mét. Bình nguyên giới hạn về phía bắc
bởi cao nguyên Pleiku. Lượng mưa không lớn, nhưng vì ở đây có nhiều đất xám khó
thoát nước nên nhiều vùng bị ngập lụt còn vào mùa khô, các khe suối đều cạn
nước.
Trong các điều kiện ấy, thảm thực vật là
rừng dầu thưa, chỉ trừ các vùng ven suối SrePok là có rừng ẩm nhiệt đới. Một
địa danh nổi tiếng về nuôi voi, Ban Don, nằm trong sinh hệ nàỵ. Dưới rừng dầu
thưa là thảm cỏ nên trong bình nguyên
này, có nhiều loài động vật ăn cỏ .
Trên kia, chúng
ta vừa đề cập đến các vùng thiên nhiên hoặc các hệ sinh thái. Có người sẽ hỏi
công việc phân loại như vậy có ích lợi gì ?
Sự phân loại
thành các hệ sinh thái như trên giúp ta hiểu thêm các vấn nạn phát triển của
từng vùng một vì mỗi hệ sinh thái có những vấn đề riêng rẽ mà hệ sinh thái
kia không có. Ví dụ: bài toán phát triển đồng bằng sông Ba, với khí hậu khô
khan khác với bài toán phát triển của cao nguyên Kontum.
Ngay cả đồng
bằng với nhau, nhưng đồng bằng Lạc Thiện với đất ẩm, úng thủy cũng khác với
đồng bằng sông Bla ở Kontum.
Thực vậy, tính
chất của đồng bằng phụ thuộc rất nhiều vào bồn lưu vực của dòng sông: một bồn
lưu vực có đá granit hay các đá gnai (gneiss) sẽ cho nhiều loại đất có sa cấu
thô, còn bồn lưu vực đá bazan sẽ cho đất mịn hơn.
3. Khí hậu
Mùa mưa TN diễn
ra từ tháng 5 đến tháng 10 với cao điểm là tháng 7. Mùa nắng kéo dài 4 tháng,
từ tháng 12 đến tháng 3, với hai tháng khô (1,2). Đó là nói trên tổng quát chứ
mỗi vùng thiên nhiên nói trên cũng có những chi tiết khí hậu khác nhau:
.cao nguyên Ban
Mê Thuột có vũ lượng chừng 1 900 mm /năm
và nóng hơn Pleiku vì cao độ thấp hơn. Tháng nóng nhất trên 25 0 (tháng
4: 250 8), tháng lạnh nhất 20 0 .
.cao nguyên
Pleiku, lạnh hơn và mưa nhiều hơn vùng Ban Me Thuot (vũ lượng 2 450mm), nhưng mùa nắng lại gắt hơn so với Ban Me Thuot.
.cao nguyên
M'Drak (Khánh Dương), giữa Ban Me Thuot và Ninh Hoà, mưa nhiều hơn Ban Me Thuot
(2 800mm) nhưng mưa khởi sự trễ hơn Ban Me Thuot.
.cao nguyên Bảo
Lộc-Di Linh mưa đến 2 500mm, tập trung 85% lượng mưa vào mùa mưa nên thích hợp
với các cây trồng lấy lá như cây trà.
.cao nguyên
Dalat, với cao độ trung bình 1 500 mét nên khí hậu mát với nhiệt độ trung bình
không dưới 160 C nhưng cũng không vượt quá 200 C. Lượng mưa trung bình 1 500mm.
Đặc biệt là về đêm, khi mặt trời vừa ngủ, sương mù dâng lên từ nhiều thung lũng dần dà tan loãng trên bầu trời đêm gây ra một
ánh trăng huyền ảo, trăng mờ đỉnh núi như bài thơ của Hàn Mạc Tử :
Trời mơ trong
cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm
đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa
một ý thơ
Ai hãy làm
thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới
nước đáy hồ reo
Để nghe tơ
liễu run trong gió
Và để xem
trời giải nghĩa yêu
.thung lũng
Cheo Reo, cao độ 160 mét thì vừa rất nóng và rất khô vì mưa ít hơn so với
các cao nguyên nói trên. Thực vậy, thung
lũng này ở giữa hai dãy núi cùng hướng
tây bắc-đông nam, nên bị khuất gió mùa tây nam lẫn gió mùa đông bắc, do đó rất
khô khan. Lượng mưa trung bình chỉ 1 300 mm.
.tại vùng
biên giới Lào-Việt ở bắc Kontum là vùng đất 'bên nắng đốt, bên mưa quay'
vì trong khi sườn núi phía đông giãy Trường Sơn (phía Việt Nam) có mưa nhiều thì giãy phía Tây
Trường Sơn (phía Lào) lại là mùa nắng.
Tóm lại, nhiều
vùng TN có mùa nắng quá dài và thung lũng lại quá sâu so với các vùng đất cao
nên thiếu nước để trồng trọt là một cưỡng chế cho sự phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, cao nguyên Trung phần có một ưu điểm khác với miền duyên hải Trung
Việt là không có bão lụt, không có gió
Lào khô cháy.
4. Sông ngòi.
Để dễ hiểu, có
thể chia hệ thống sông ngòi TN ra làm 2: hệ thống chảy ra Biển Đông và một hệ
thống khác chảy về phía sông Mekong:
4.1. hệ thống chảy về Biển Đông.
-sông Ba
phát nguyên từ núi Ngoc Lĩnh thuộc Kontum, chảy theo hướng Bắc-Nam qua An Khê,
đến Cheo Reo (Hậu Bổn) và sau đó chuyển sang phía Đông về Tuy Hoà. Sông Ba có
nhiều nhánh phụ, trong đó phải kể sông
Ea Ayunh là lớn nhất.
-sông Hinh
từ cao nguyên Dak Lac chảy vào Sông Ba ở Phú Yên.
-sông Đồng
Nai phát nguyên từ cao nguyên Dalat, chảy xuống Di Linh, qua địa phận cao
nguyên Gia Nghĩa rồi mới chảy xuống miền Đông Nam phần, gặp sông La Ngà gần
Định Quán và gặp sông Bé gần Tân Uyên sau đó mới họp với sông Saigon ở Nhà Bè
để chảy về Cần Giờ ở Biển Đông:
Nhà Bè nước
chảy chia hai
Ai về Gia
Định Đồng Nai thì về
4.2. hệ thống chảy về sông Mekong.
-sông Poko,
bắt nguồn từ phía tây núi Ngọc Lĩnh, có 3 nhánh sông lớn là: Dak Bla dài 141km,
sông Sa Thầy dài 140km, sông DakBơ dài 150km. Phía hạ lưu sông Poko là sông Sesan. Toàn lưu vực sông Sesan có
nhiều tiềm năng thủy điện và hiện có nhà máy điện Yali công suất 690 megawatt
với diện tích hồ chứa nước là 64.5 km2. Sau Yali, còn dự án xây bốn đập khác
trên sông này và tổng số megawatt của bốn đập này sẽ bằng 2.5 lần công suất
Yali nhưng có thể với phá rừng làm rẫy của các tộc người thì tuổi thọ các đập
này sẽ giảm nhanh vì lòng hồ dễ bị bùn lắng tụ làm giảm thể tích nước.
-sông Ea
H'Leo và hai chi lưu là Ia Drang và Ia Sup ở phía Tây Pleiku, bắt nguồn từ
dãy núi Chư Hron, chảy theo hướng Đông Tây rồi đổ về sông Srepok sau đó chảy
vào sông Mekong ở StungTreng (Kampuchia).
-sông Srepok
dài 332 km với hai nhánh sông chính tại Darlac là sông Krong Ana và Krong Kno:
-Krong Ana chảy ở phía Đông-Nam tỉnh Dak Lac, theo hướng
Đông-Tây và có nhiều phụ lưu như Krong Bông, Krong Buk, Krong Pak.
-Krong Knô (Krong Nô) bắt nguồn từ phía TB cao nguyên Lâm
Viên chảy theo hướng ĐN-TB
Hai sông Krong
Ana và Krong Knô họp lại thành sông Ea Krông, tạo nên nhiều đất phù sa phía Đ-N
Ban Me Thuot.
Ngoài các sông
chính trên, miền cao nguyên còn vô số suối, khe cũng như nhiều hồ, có cái thiên
nhiên như hồ Lac ở phía Đông Nam Ban Me Thuot, có cái nhân tạo như hồ Xuân
Hương, hồ Than Thở ở Dalat, hồ đập thủy điện Yali, hồ đập tưới ruộng v.v.
5. Đất đai.
Vì
TN có nhiều hệ sinh thái khác
nhau về địa mạo, khí hậu, đá mẹ v.v nên cũng có
nhiều loại đất khác nhau.
Sau đây là những
loại đất chính:
5.1 đất đỏ (còn gọi là đất feralit, đất latosol nâu đỏ) thuộc nhóm Ferralsols
(phân loại FAO).
Nhiều cao nguyên có đất đỏ do đá bazan tạo ra;
đất đỏ bao trùm một diện tích rộng lớn ở cao nguyên Ban Me Thuot, cao nguyên
Pleiku, cao nguyên Blao-Di Linh-Đức Trọng và cao nguyên Quảng Đức (Gia Nghĩa).
Về nguồn gốc,
đất đỏ do sự phong hoá của đá bazan; dưới tác dụng của vũ lượng lớn và nhiệt độ
cao, sự tan rã các đá này rất nhanh chóng; chất SiO2 trong đá bị trôi xuống sâu
còn lại chất Fe2O3 và Al2O3 và vì trong
đất có sắt (fer) và alumin (al) nên người ta còn gọi là đất feralit; vì có nhiều
oxyd sắt nên đất có màu đỏ.
Đất đỏ gặp
ở các cao nguyên Pleiku, Dak Lac, Gia
Nghĩa, Blao-Di Linh với diện tích ước
chừng 1,3 triệu ha, nghĩa là 23% tổng số đất của toàn vùng. Nói chung, đất đỏ
có độ dày sâu, có khả năng giữ ẩm độ tốt ở tầng sâu và do đó thích hợp với các
loại cây kỷ nghệ lâu năm như cà phê, cây ăn trái, cây trà v.v.tuy nhiên vì cao
nguyên có mùa nắng kéo dài nên các công trình thủy lợi như giếng nước, các đập,
hồ chứa sẽ giúp cho phát triển nông nghiệp.
5.2 đất
feralit (podzolic) vàng đỏ .
Ngoài đất đỏ,
phải kể đất podzolic vàng đỏ do diệp thạch hay đá hoa cương tạo nên. Nhóm đất
này rất nhiều vì có thể gặp trên các địa hình núi cao, địa hình đồi dốc và trên
các loại đá khác nhau như đá phún xuất (granit) hoặc các đá biến chất như phiến
thạch, sa thạch, tóm lại đây là nhóm đất có nguồn gốc địa chất phức tạp. Có thể
gặp các loại đất này ở cao nguyên Lang Biang (Dalat), cao nguyên M'Drak, các
vùng phía núi Ngoc Lĩnh ở bắc Kontum. Đất này dễ bị sói mòn và ít phì nhiêu hơn
đất đỏ. Sự xuất hiện của đá ong (laterit) ở tầng cạn gây trở ngại cho các loài
cây có hệ thống rễ sâu do đó, không thể trồng những loại cây này trên những đất
có giải đá ong gần mặt đất.
5.3 đất sét
đen nhiệt đới (Black tropical clays).
Tại thung lũng Cheo Reo, có những chỗ có đất
sét đen nhiệt đới vì vùng này khí hậu rất nóng và khô. Đây là những đất nằm trên các phù sa cổ sinh gặp ở địa hình
bằng phẳng, nhiều sét, úng thủy và có màu đen, khó cày bừa; vào mùa mưa, đất
nhão ướt, vào mùa nắng, đất này co rút lại nên đất nhiều khe hở làm sự bốc hơi
nước càng dễ dàng, do đó rất khô vào mùa nắng.
5.4 đất đỏ
bụi (Earthy Red Latosols).
Quanh thị xã
Pleiku là đất đỏ bụi; tuy cũng do đá bazan hủy hoại mà thành, nhưng thời gian
tạo thành đất đỏ bụi xưa hơn đất đỏ vùng Darlac; ngoài ra, sự thoát thủy tại
vùng Pleiku mạnh hơn, thủy cấp sâu hơn, vì dòng sông Ba và Ea Ayunh chảy qua
cao nguyên Pleiku gần biển hơn, nói khác đi các dòng sông này thoát ra biển
trên một đoạn tương đối ngắn nên sông ngòi đào xẻ dữ dội hơn khiến sự xói mòn
các cảnh quan mạnh hơn, vì vậy độ phì nhiêu thấp hơn.
5.5 đất phù sa.
Những đất phù sa ôm ấp triền sông dọc theo sông
Ba chảy qua thung lũng Cheo Reo, dọc theo sông Krong Anna ở Đông Nam Darlac.
Các dất phù sa do nhiều loại đá (bazan, granit, rhyolit) phân hủy rồi được
chuyên chở theo các dòng nước và dần dần lắng tụ lại. Ven các dòng sông, đất
phù sa thường cao hơn, dễ thoát nước hơn còn phù sa xa sông có nhiều thành phần
sét và ở các cảnh quan trủng nên khó
thoát nước. Đất phù sa có mức độ phì nhiêu thay đổi tùy theo diện tích của bồn
lưu vực, của loại đá mẹ và tùy theo khí hậu. Ví dụ: phù sa thung lũng Cheo Reo,
vì khí hậu khô khan nên pH đất cao hơn (6-6.5) trong khi phù sa các vùng khác
như Kontum, Ban MeThuot có pH thấp hơn (5-5.5).
Có thể gặp đất phù sa ở các vùng sau đây tại
TN:
.vùng Kontum, ven Dak Bla (Dak: sông).
.vùng Cheo Reo, ven sông Ba và sông Ayunh.
.vùng Ban Me Thuot, phía Đông Nam, như tại
quanh hồ Lạc Thiện cũng như dọc theo hệ thống các dòng sông Krong Anna, Krong
Pach.
5.6 đất xám.
Nhiều loại : đất xám điển hình (Haplic Acrisols),
đất xám trên các vùng đất có mực nước không xa đất mặt, còn gọi là đất xám glây
(Gleyic Acrisols), đất xám có sỏi laterit, còn gọi là đất xám kết von (Ferric
Acrisols), đất xám feralit (Ferralic Acrisols). Sau đây là vài chi
tiết :
Đất xám điển hình hoặc bạc màu (Haplic
Acrisols) có thể gặp trên đá macma
axit và đá cát (sandstone), trên phù sa cổ sinh của các dòng sông lớn như sông
Ba ở Cheo Reo, Dak Bla ở Kontum. Còn ra, có thể gặp phía tây cao nguyên Ban Me
Thuot, ở bình nguyên Ea Sup do đá cát phân hủy.
Trong nhóm đất xám, các tính chất lý hoá học
rất biến thiên:
-vùng Ban Don phía tây Ban Me Thuot có nhiều
cát thô, nghèo nàn và khô khan.
-vùng Cheo Reo, đất xám có nơi đất cát thô, có
nơi đất có khả năng giữ nước nhiều hơn. pH đất xám ở Cheo Reo cao (6-6.5) vì
khí hậu khô khan , các nơi khác thì pH thấp hơn.
-vùng phù sa cổ sinh các dòng sông Krong Kno,
Krong Anna ở Darlac có đất xám phì nhiêu hơn vì sa cấu mịn hơn, không nhiều đá
và có địa hình lượn sóng có độ dốc nhẹ, trồng lạc, hoa màu phụ ..
5.7 đất xói mòn mạnh trơ sỏi đá (Leptosols).
Đất này rải rác trên các vùng, đặc trưng ở trên
các vùng đá sát mặt đất khó trồng trọt (Lithic Leptosols).
5.8 đất mùn alit núi cao (Alisols).
Loại đất này gặp tại vùng núi cao độ từ 2 000m
trở lên như trên các đỉnh núi Ngọc Lĩnh,
Ngọc Ang, Chư Yang Sin .
5.9 đất nâu thẫm trên bazan (Chromic Luvisols)
gặp tại các địa mạo thung lũng bằng, có tầng mặt giàu mùn.
5.10 đất đá bọt (Andosols) trên đá bọt bazan.
Đây là đất trên miệng núi lửa, gặp ở các đất
gần các miệng núi lửa ở Pleiku có màu nâu đen lẫn nhiều cục đá thô.
Nhìn chung về phân phối đất thì :
-các đất đỏ nhiều nhất ở Dak Lac, Dak Nong,
Pleiku và Lâm Đồng.
-các đất podzolic (feralit) vàng đỏ thường gặp
ở Kontum và Dalat .
-các đất podzolic xám thường phân bố ở Cheo Reo
(Phú Bổn) và Tây Dak Lac.
-các đất phù sa nhiều ở Đông Nam Dak Lac.
Riêng các nhóm đất như Andosol, Alisol,
Leptosol có rất ít so với các loại đất vừa kể.
6. Các sắc tộc thiểu số .
Tây Nguyên có nhiều đồng bào sắc tộc, mỗi tộc
người có ngôn ngữ và tập quán riêng. Nói chung, ở TN, có hai họ ngôn ngữ chính:
Họ Nam Á (Austro-Asiatique) trong đó phải kể
những dân tộc theo chế độ phụ hệ như người Ba Na, Sedang, Koho, Hre, Mnong,
Stieng, Koho, Mạ , Choro. Ngôn ngữ thuộc hệ gốc Mon-Khmer vì bị ảnh hưởng hai
nước Phù Nam và Chân Lạp xưa kia
Họ Nam Đảo (Austronesien hoặc
Malayo-Polynesien) có các sắc tộc theo chế độ mẫu hệ như Gia Rai, Rhade, Churu,
Roglai, Chăm và bị nhiều ảnh hưởng của Lâm Ấp (Chiêm Thành).
Sau đây là vài chi tiết :
Bahnar. Người Bahnar ở Kontum, Pleiku, Bình Định, dân
số trên 100 000 người và địa bàn cư trú nằm ở các huyện Mang Yang và An Khê,
một phần lãnh thổ huyện Dak To và Kon Plong. Bahnar là dân tộc nói tiếng
MonKhmer có dân số đông nhất.
Sedang. Địa bàn cư trú người Sedang ở Bắc Kontum tận
mãi đến bắc Quảng Ngãi và huyện Trà Mi thuộc Quảng Nam và dân số trên 70 000
người.
Hré. Người H'Rê gần 70 000 người sinh sống ở Quảng
Ngãi và Bình Định.
Mnong. Người Mnong ở Dak Lac, tây nam Lâm Đồng và bắc
sông Bé; họ sống xen kẻ với vùng cư trú của người Rhade ở Dak Lac và Mạ ở Lâm
Đồng nên văn hoá Mnong chịu ảnh hưởng hai văn hoá trên. Trong làng, có nhiều
nhà dài và trên nền đất (chứ không phải
nhà sàn như người Rhade), trong các nhà dài ấy, thường có năm sáu đôi vợ chồng
ở đó. Người Mnong có tục cà răng và căng tai để đeo đồ trang sức. Họ hiếu chiến
và một thủ lãnh người bộ lạc này đã cầm chân các nhà thám hiểm Pháp rất lâu;
mãi khi thủ lãnh này chết đi, người Pháp mới đi thám hiểm lại.
Nguời Mnong được thế giới bên ngoài biết đến
nhiều, nhờ một nhà dân tộc học người Pháp, Condominas, đã từng chung sống tại
chỗ với họ nhiều năm và có viết nhiều tác phẩm mô tả cuộc sống liên quan đến họ
trong cuốn Nous avons mangé la forêt.
Koho (Cờ Ho). Người Koho ở Di Linh Lâm Đồng và miền núi Phan Thiết, dân
số trên 70 000 người. Dân tộc Koho sinh sống ở Lâm Đồng, nam Di Linh hoặc trên
đường Di Linh đi Phan Thiết, hoặc quanh thị xã Dalat. Họ biết làm ruộng sớm hơn
các sắc tộc khác và ở trong nhà sàn dài, có cái dài hàng trăm mét, trong đó có
nhiều gia đình nhỏ.
Mạ. Người Mạ ở nhà sàn, tại vùng lưu
vực sông La Ngà, Đồng Nai Thượng, cao nguyên Blao-Di Linh. Trước kia cũng có
tục cà răng căng tai và làm rẫy, săn bắn nhưng những năm gần đây, họ cũng như
người Koho đã bắt đầu phát triển nghề làm vườn như trồng cà phê, trà . Sống
theo chế độ phụ hệ.
Gié-Triêng. Sắc tộc này có địa bàn sinh
sống khá rộng lớn, từ rìa đông cao nguyên Boloven (Lào) sang Dak Glây (bắc
Kontum) đến huyện Phước Sơn tỉnh Quảng Nam-Đà nẳng. Ở Tây Nguyên, người bộ lạc
này, ngoài nương rẩy, còn có nghề dệt vải và đãi vàng.
Rhade . Người Rhade chủ yếu sống ở Dak Lac dân số trên 140 000 người.
Ngoài rẩy, họ còn biết làm ruộng nước tại vùng hồ Lak, ven sông Krong Knô,
Krong Anna; người Rhade nuôi trâu bò và voi. Phụ nữ Rhade biết dệt, làm đồ gốm,
đàn ông biết rèn và đan lát. Người Rhade có những trường ca (Đăm San, Đăm Di
..) mang tính chất huyền thoại như người Kinh có tích Sơn Tinh Thủy Tinh.
Truyện thơ Đăm San kể rằng chàng này là một tù trưởng đẹp trai, đầy khát vọng
tự do và các tù trưởng khác muốn chiếm đoạt người vợ đẹp của Đăm San nên gây ra
những chiến tranh khốc liệt. Đăm San thắng nhưng vẫn muốn giàu mạnh hơn nữa,
chàng kéo quân lên Trời bắt Nữ Thần Mặt Trời làm vợ. Nhưng chàng đã chết vì sự
ngông cuồng đó.
Jarai. Người Jarai ở Pleiku, Kontum, miền núi Phú Yên, vùng Cheo Reo,
trên 180 000 người. Tộc Jarai có thể chia ra những nhóm căn cứ vào khác biệt
giữa cách phát âm:
Ja Rai Chor (còn gọi là Cheo Reo. Cheo Reo là
từ phiên âm ghép hai từ Chu và Chreo, tên 2 tù trưởng nổi tiếng của vùng này
vào cuối thế kỷ 19)
Ja Rai Hdrung (vùng núi lửa Hàm Rồng) sống
quanh thị xã Pleiku, Chư Prông
Đàn ông thường đóng khố, phụ nữ quấn váy. Ngoài
làm rẩy còn đan đồ tre, mây và biết vẽ, khắc các hoa văn trên nhiều kiến trúc
như nhà mả, cột đâm trâu, ống tên ..; đàn bà biết dệt.
Churu. Người Chu Ru sinh sống tập trung ở thung lũng
Dran trên cao nguyên Lang Biang (Dalat). Nằm giữa vùng cư trú của người Cơ Ho ở
phía tây và người Raglai phía đông thuộc các huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di
Linh thuộc Lâm Đồng và hai huyện Bình Thuận
là An Sơn và Đức Linh. Người Chăm và Chu Ru có chung nguồn gốc nên tín
ngưỡng, kỷ thuật canh tác nông nghiệp như người Chăm, nghĩa là định cư và làm
ruộng nước.
Trên TN,
có hàng chục sắc tộc, nhưng chỉ có vài sắc tộc sau đây là quan trọng: Bahnar và
Sedang (ở Kontum, Pleiku ), Djarai (ở Pleiku), Rhade (ở Darlac). Tổ tiên họ là
những ngưòi Mélanésien và Indonésien lưu lạc đến Đông Dương rồi phải ẩn náu
trên cao nguyên trong cuộc chiến giành đất đai với người Chăm và người Việt.
Indonésien chỉ là một danh từ nhân học, chỉ chung các tộc thiểu số ở các vùng
núi Việt, Miên, Lào, Miến, Phi luật tân. Cũng cần nhớ là trong thời đại băng
giá lần cuối trong kỷ địa chất thứ tư này, mực nước biển sụt xuống đến 120 mét
nên các xứ Đông Dương và Indonesia, Mã Lai đều còn dính liền với nhau (land
bridge), sự qua lại các giống người bản địa tại các vùng này rất dễ dàng..
Các liên lạc Kinh-Thượng.
Theo lịch sử thì năm 1711, có một phái đoàn
người Thượng đến từ Nam Bàn và Trà Lai gặp Minh vương Nguyễn Phúc Khoát tại Phú
Yên xin thần phục. Lúc đó, lãnh thổ 2 xứ miền Thượng này -Pleiku và Kontum ngày
nay- do 2 lãnh chúa Jarai cai trị, Đôn vương (Thủy xá) và Nga Vương (Hoả Xá),
hoàn toàn độc lập với Phú Xuân. Lãnh thổ xứ Đàng Trong chỉ là những đồng bằng
từ chân giãy Trường Sơn ra biển.
Kontum có những dấu vết định cư của người Việt
từ xưa . Thực vậy, dưới trào vua Minh Mạng và Tự Đức, công giáo bị đàn áp nên
một số tu sĩ miền Bình Định chạy lên An
Khê, lần mò dọc theo thượng lưu sông Ba đến cao nguyên Kontum truyền đạo. Hội
Truyền giáo Kontum được thành lập từ 1851 và từ đó nhiều giáo dân người Kinh từ
các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục lên xây dựng họ đạo và mở rộng sang các
làng của các sắc tộc Rơ ngao, Sedang.
Các liên lạc Chăm-Thượng.
Người Chăm (Chiêm) có quan hệ mật thiết với
người Thượng hơn là với người Việt. Các vua Chiêm Thành khi xây dựng các đền
đài ở Trà Kiệu, Mỹ Sơn tại Quảng Nam ngày nay phải huy động một số dân lao động
rất lớn nên đã tổ chức các cuộc săn bắt người Thượng ở ven núi Trường Sơn để
xây dựng đền đài nhưng dần dà các dân này trốn lên lại các miền núi, hỗn huyết
với các nhóm cư dân bản địa (gốc Mélanésien và Indonesien) để trở thành các
nhóm Bru, Giẻ- Triêng, Tà Oi sinh sống các vùng núi Bình Trị Thiên.
Người Chăm cung cấp muối gạo còn người Thượng
cung cấp các phẩm vật rừng xanh như voi rừng và các loại gỗ quý cho các vua
Chiêm. Vào các thế kỷ 4 đến thế kỷ 7, một số người Chăm trốn lên cao nguyên
lánh nội chiến, và số người này mang nặng bản sắc hải đảo (malayopolynesien) và
trở thành người Jarai, ở các tỉnh phía tây các tỉnh Bình Định, Phú Yên. Sự hỗn
huyết với những nhóm có trưóc sinh ra những nhóm như Bahnar và Sedang thuộc ngữ
hệ Môn-Khmer và hải đảo .
Vào cuối
thế kỷ 8, người Java từ biển cả, tràn vào duyên hải cướp phá nên một số dân
Chăm chạy lên cao nguyên lánh nạn, hỗn huyết với các nhóm có trước và trở thành
người Rhade thuộc ngữ hệ hải đảo.
Sau này vào thế kỷ 16, một số người Chăm tránh
cuộc Nam tiến của người Việt, lên cao nguyên Dalat trở thành người Roglai và
Churu cũng thuộc ngữ hệ hải đảo.
7.
Sử dụng đất đai.
Trước 1945, người Kinh chỉ gặp ở Dalat (phần
lớn người miền Bắc từ các làng quanh Hà Nội) và tại thị xã Kontum (phần lớn
người miền Bình Định trốn đàn áp Công Giáo từ các trào vua Tự Đức) và Ban Me
Thuot là nơi Pháp có nhà tù giam giữ chính trị phạm.
Sau khi ký hiệp định Geneve 1954, nhiều đồng
bào di cư từ miền Bắc (Việt, Thái, Nùng) lên định cư nhiều ở Bảo Lộc (người
Việt), Tùng Nghĩa (người Thái), rồi đến phong trào dinh điền định cư dân Nam
Ngãi ở Pleiku, Dak Lac để khẩn hoang lập nghiệp. Do đó, dân số TN tăng lên; sau
1975, lại thêm người Kinh cùng người các sắc tộc ở Cao Bằng, Lạng sơn dến.
Sau dây là các hệ thống nông nhiệp chính:
7.1 du canh.
Phần lớn các bộ lạc Thượng làm nương rẩy du
canh; sau khi đốn cây, phát cỏ, họ đốt cỏ để sau đó cuốc đất, tỉa hạt giống;
xen canh với lúa thường có khoai lang, bắp, vài loại bí bầu . Tùy theo đất tốt
xấu, người ta sử dụng đất trong một chu kỳ dài hoặc ngắn: đất tốt thì có thể sử
dụng 10-12 năm, đất xấu chỉ làm 5-6 năm là phải dọn đi chỗ khác. Kỷ thuật canh
tác còn thô sơ nên năng suất hoa màu không cao. Làm rẫy du canh thì phải di
chuyển làng mạc và hoa màu từ vùng này sang vùng khác; sau chừng 5-10 năm lại
phải đốt rừng làm rẫy. Có nhiều điều tổn hại trong hệ thống này:
(a).hư hại tài nguyên rừng; các loại rừng bị đốn phá, nhường
chỗ cho hoa màu lương thực.
(b).hư hại tài nguyên đất. Vì không còn tàn cây che chở nên
đất đai dễ bị sói mòn, các dưỡng liệu trong đất bị cuốn trôi đi hết, làm dất
trơ trọi đá laterit. Đất mất dưỡng liệu, đất nghèo đi, và dân phải di chuyển đi
nơi khác.
(c).hư hại tài nguyên nước. Vì có rừng
nên hệ thống rễ có thể giữ lại nước trời làm sung mãn thủy cấp; nay mất rừng,
mưa không còn gì cản trở, nước chảy thẳng xuống khe suối, làm trôi mòn đất và
nước ngầm mất đi.
Vì tài nguyên quanh buôn làng bị suy thoái, nên
thiếu lương thực, do đó lại phải đi làm nương rẫy khu rừng khác và chu kì lại
tiếp diễn: thiếu lương thực-phá rừng-đất nghèo đi- du canh-thiếu lương thực. Và nghèo cứ đẻ ra
nghèo, kéo dài muôn kiếp.
Trong hệ
thống du canh, các cây trồng không đa dạng; thực vậy vào các nương rẫy, ta chỉ
gặp vài cây như bắp, lúa rẫy, hoạ hoằn vài cây rau chứ không thấy các hoa màu khác như các cây
họ đậu cũng như các cây ăn trái hoặc các cây công nghiệp dài ngày ( cà phê, trà
).
Trong hệ thống du canh, không có sử dụng phân
hữu cơ và phân hoá học; heo thì thả rong nên không có phân chuồng; trâu bò chỉ
chăn thả trong rừng, không có chuồng trại nên không có phân hữu cơ.
Các hoạt động trước sản xuất như hạt giống
tốt, nông cụ cải tiến, hệ thống nước
tưới và sau sản xuất như chế biến, tồn trữ hầu như không có nên sản xuất lương
thực thấp.
7.2 định canh.
Hệ thống nông nghiệp có tính cách bền vững hơn
với sự định canh. Bền vững vì các cây trồng đa dạng và đa niên ( trà, caphê,
dâu tằm, cây ăn trái, tiêu..) nên bớt
xói mòn, bớt hư hại tài nguyên hơn. Những loại cây đa niên thường có rễ sâu và
có tàn lá nhiều nên làm giảm tốc độ của nước mưa, làm nước mưa thấm từ từ vào
đất, thay vì chảy tràn theo sườn đồi xuống, kéo theo sự mất đi các dưỡng liệu
trong đất.
Cây ăn trái.
TN có nhiều giống cây nhiệt đới như chuối,
bưởi, dứa, sầu riêng nhưng cũng có cây á nhiệt đới như cây bơ, cây hồng, ôn đới
như đào, mận Dalat v.v.
Đặc biệt tại TN phải kể một loại cây mới du
nhập thời sau 1954 từ Phi Luật Tân, đó là cây bơ (Persea gratissima), còn gọi
là cây avoca, trồng nhiều ở Bảo Lộc và Ban Me Thuột.
Cà phê.
TN có nhiều vườn cà phê. Cà phê có hai loại
chính là cà phê chè và cà phê vối.
Cà phê chè (Coffea arabica). Có nguồn gốc ở miền núi Ethiopia Phi Châu. Đây là loại sản phẩm có
giá nhất trên thị trường quốc tế. Cà phê chè thường tự thụ phấn nên có độ thuần
giống cao hơn các loại hình cà phê khác. Tỷ lệ caffeine từ 1.3-1.7%. Giống này thường bị
bệnh gỉ sắt và sâu đục thân nên chỉ có thể trồng các vùng núi cao mà thôi. Cây
cà phê chè ưa khí hậu mát mẻ và ánh sáng tán xạ do đó cần trồng cây che bóng
vì nếu không có hệ cây che bóng thích hợp
sẽ gây ra hiện tượng cây phân hoá mầm hoa và đậu qủa quá sức
(overbearing) làm cây chóng bị kiệt sức, khó phục hồi trở lại.
Cà phê vối (Coffea robusta) . Cao nguyên Darlac trồng loại cà phê vối
vì loại này hợp với các vùng cao độ thấp, nóng ẩm, mưa nhiều. Cây cà phê vối dễ
trồng, không cần đất tốt như cà phê chè, có khả năng kháng sâu bệnh khá. Cà phê
vối rất sợ rét và không chịu được các vùng có gió mạnh. Năng suất có tưới nước
3-4 tấn một hecta.
Hiện nay, diện tích cà phê của bốn tỉnh
TN là 300 000ha (trên tổng số 350 000ha toàn quốc) trong đó Dak Lac với diện
tích 172 000 ha thu được 280 000 tấn. Nhờ năng suất cao thêm vào đó là chế
biến, phân loại nên cà phê Dak Lac cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.
Tiêu (Piper
nigrum).
Cây tiêu phân bố
chủ yếu tại vùng Di Linh, Blao dưới hai dạng: trồng quanh vườn nhà và trồng xen
trong vườn cà phê . Phần lớn nông dân trồng tiêu trên đất nâu và đất đỏ nâu. Trong việc trồng
tiêu, vốn đầu tư ban đầu khá lớn; tùy theo khả năng huy động vốn ban đầu mà
phương pháp trồng tiêu khác nhau: trồng trên nọc sống, trên nọc chết và trên
nọc xây bằng gạch..Trồng tiêu trên quy mô lớn, phải có đất thích hợp và gần
nguồn nước.
Trà.
Trà trồng nhiều nhất ở Lâm Đồng và Pleiku. Năng
suất trà ở Lâm Đồng, nhờ mưa nhiều nên đạt 16-18 tấn/ ha. Ngoài những nhà máy
chế biến trà, có một số xưởng chế biến nhỏ thuộc các gia đình có truyền thống
làm trà. Muốn phát triển ngành trà, cần các biện pháp: cung ứng phân bón, máy
bơm, cho vay vốn, hiện đại hoá qui trình chế biến để nâng cao chất lượng cho
xuất cảng, cải thiện đất đai như trồng cây bóng mát cho các đồi trà, giữ ẩm cho
đất, đa dạng hoá công nghiệp chế biến để
có sản phẩm đa dạng (trà túi, trà hoà tan, trà đen, trà xanh) có chất lượng cao
để cạnh tranh với thị trường thế giới .
Cao su.
Tại TN, caosu được trồng
tại 3 tỉnh: Kontum, Pleiku và Dak Lac. Cao su dễ xuất cảng và cũng là nguyên
liệu để sản xuất nhiều loại sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước. Biện pháp phát
triển: tăng cường vốn đầu tư trong chế biến, thâm canh, nâng cao chất lượng sản
phẩm .
Rau cải.
Dalat vốn là nơi
sản xuất rau cải cung cấp rau xanh cho các tỉnh miền Nam : các loại rau cải chính yếu là
cải bắp, cà rốt, choufleur (xúp lơ), artichaut (atisô), xà lách, cải pó xôi, củ
dền, củ rađi, ngoài ra còn là nơi sản xuất khoai tây và các loại đậu. Các khó khăn
nghề trồng rau cải Dalat là : đất đồi dốc thoải chứ không phải đất phù sa bằng
phẳng, nước tưới, phân hữu cơ và vô cơ.
Hoa.
Hoa ở vùng Dalat
rất đa dạng: mimosa, hoa hồng, thược dược, qùi, pensée, hoa violette, cúc,
layơn (glaieul), ớctăngxia, mimosa, đỗ quyên, hồng tràm, liễu tràm, nhiều màu
sắc chứ không phải là các hoa miền đồng bằng như vạn thọ, mồng gà, cẩm chướng,
huệ.
Rừng Dalat còn
nhiều hoa phong lan với vẻ đẹp diễm lệ, sang trọng; phong lan được mệnh danh là
nữ chúa các loài hoa. Dọc bờ hồ Dalat, có hoa anh đào .
Những nông dân
trồng hoa này thường gốc ở các làng Ngọc Hà, Nhật Tân, Nghi Tàm chính là các
làng hoa miền Bắc; ngoài ra, Dalat còn xuất cảng hoa địa lan. Cũng như ngành
trồng rau cải, nghề trồng hoa cũng đòi hỏi trình độ cao về sản xuất và thương
mại.
8. Dân số.
Những thập niên đầu thế kỷ 20, Tây Nguyên rất
thưa thớt dân. Chỉ có chừng 300 000 người sống ở Tây Nguyên trước 1945, trong
đó người Kinh chỉ chiếm ít hơn 10% dân số. Năm 1956, dân số tăng lên 530 000
người và năm 1976, dân số TN là 1 226 000 người. Đến 1996, là 3.2 triệu người tức 10 lần nhiều
hơn trước tháng 8-1945 và 3 lần nhiều hơn từ 1975 vì người Kinh và một số người
miền Thượng du BắcViệt (Tày, Dao, Mèo ..) lên lập nghiệp. Hiện nay người Việt
chiếm trên 50% trong dân số Tây nguyên. Hiện nay, dân số TN tăng đến 7% hàng
năm là vì:
Tăng tự nhiên: tỷ lệ sinh đẻ của các dân tộc Tây nguyên rất cao so với toàn quốc
vì tỷ lệ chết giảm đi nhiều do đó tỷ lệ tăng tự nhiên cao.
Tăng cơ học: thực vậy, hiện nay nhiều dân tộc thiểu số miền Bắc (Tày, Dao,
Nùng..) tràn lên Tây nguyên để tránh đói khổ các nơi nguyên quán. Nhiều tỉnh
như Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai cũng như các vùng duyên
hải miền Bắc Trung phần như Thanh Hoá đều có di dân nhiều tại đây sau 1976. Nếu
chia theo tộc người thì người Nùng, người Tày, người Dao, người Hmông (Mèo) đều
có mặt. Ngày nay, người bản địa như các
tộc Rhade, Jarai v.v. chỉ chiếm không tới 50% dân số trên cao nguyên và trở
thành thiểu số trên chính quê hương của họ; đó có thể là một ngòi nổ âm ỉ trong
tương lai.
9. Vài vấn đề phát triển.
9.1 phì nhiêu
đất đai .
Sự sói mòn, sự
thâm canh đòi hỏi đất đai phải được bảo vệ chống xói mòn và tăng cường độ phì
nhiêu đất. Duy trì độ phì nhiêu là duy
trì chất hữu cơ, các lý tính của đất, duy trì các chất dinh dưỡng, tránh xuất
hiện các độc tố. Muốn vậy, nhiều biện pháp cần được đặt ra. Trên các đất dốc
mạnh hoặc nhiều đá, cần duy trì và tăng cường độ che phủ bằng rừng; trên các
đất dốc vừa và nhẹ, nên phát triển vườn đồi và vườn nhà. Các buôn Thượng thường
gần khe, suối hay nguồn nước sinh hoạt do đó nên giúp họ phát triển vườn nhà,
trồng quanh nhà rau cải, cây ăn trái để giúp cải thiện dinh dưỡng trong bữa ăn.
Trồng mỗi nhà vài chục cây cà phê trong vườn vừa giúp bớt nạn xói mòn, vừa tận dụng tài
nguyên. Trong vườn đồi, nông lâm kết hợp có nghĩa là có cây cao, cây thấp, cây
tầng dưới để có thể tận dụng được ánh sáng,
có cây rễ sâu, cây rễ cạn để tận dụng sự phân phối các dưỡng liệu có
trong các tầng đất khác nhau. Sự tăng cường chất hữu cơ trong đất bằng cách sử
dụng phân chuồng, phân mục rất cần thiết
để hỗ trợ các phân vô cơ. Người Thượng chỉ chăn thả trong rừng, không có chuồng
bò, chuồng heo nên lượng phân hữu cơ bị mất đi, trong khi đó phân hữu cơ giúp
đất tạo ra nhiều chất lân vốn bị cố định hoá trong các loại đất đỏ nhiều sắt và
nhôm. Vì TN
có nhiều thảo nguyên, đồng cỏ nên có nhiều tiềm năng nuôi đại gia súc như bò
sữa. Ngành chăn nuôi tiểu gia súc (heo) cũng cần chú ý vì heo có chu kỳ nhanh,
cho nhiều phân hữu cơ cải tạo đất; tuy nhiên cần các dịch vụ yễm trợ như công
tác thú y, thực phẩm gia súc, chế biến,
tồn trữ .
9.2 an toàn
lương thực.
Các hệ thống
canh tác cổ truyền của phần đông đồng bào Thượng như chọc lỗ, châm hạt giống,
lấy chân dậm lại ..không tạo ra được nhiều sinh khối trước sự gia tăng dân số.
Như vậy, công tác khuyến nông, huấn luyện nông dân trở thành quan trọng với các
sắc tộc: cần phát triển tại các khu vực đồng bằng, các thung lũng, các nơi đất
mà thủy cấp không sâu cho lắm (2-3 mét) những hoa màu lương thực như lúa, bắp,
khoai lang cũng như đậu nành. Thủy nông,
phân hoá học, thâm canh các vùng này giúp tăng gia lương thực cho Tây Nguyên và
như vậy làm giảm bớt áp lực trồng cây lương thực trên đất dốc. Các đồng bằng Lạc
Thiện ở Dak Lac, đồng bằng sông Ba ở Phú Bổn (nay thuộc tỉnh Gia Lai), thung
lũng An Khê, dọc sông Bla gần Kontum cần được đầu tư phát triển. Nên lập các
đập thủy nông nhỏ đưa nước vào ruộng; ngoài những đập nước, có thể sử dụng các
xe quạt nước (noria) để đem nước vào ruộng vì mực nước các sông suối rất gần
mặt đất như Bình Định, Quảng Ngãi vẫn
làm.
An toàn lương
thực trên đà tăng gia dân số cũng đòi hỏi sự canh tác định canh thay vì du
canh, nông lâm kết hợp, trồng cây lương
thực với cây lâu năm, khuyến nông với các chương trình phì nhiêu đất đai.
9.3 sở hữu
đất đai (Land tenure) .
Hiện nay, trên
TN, người Kinh mua lại đất của người Thượng với giá rẽ mạt và chỉ có người Kinh
mới biết cách hợp thức hoá như xin giấy sử dụng đất đai (land use certificate)
do đó, người Thượng dần dà không còn sở hữu chủ đất đai, mất đất sản xuất mà
không có đất thì không đi vay tiền phát triển được vì đất được dùng để thế chấp
trong khi đi vay. Do đó phải ngăn cấm ngay các cuộc mua bán như vậỵ.
Mỗi làng trên TN
có lãnh vực đất đai tức địa vực riêng, không có làng khác lân cận đến chiếm
được. Có nhiều khu rừng gần làng, tưởng như vô chủ, nhưng kỳ thực là của làng
và người dân làng có thể đến đó bứt mây, lấy măng, hái tổ ong cho mật. Như vậy,
dân làng nào cũng chỉ được làm rẫy, hái lượm, săn bắn trong địa vực của mình.
Nay với sự gia tăng các cộng đồng người miền xuôi đến (cả Kinh lẫn Thượng du
Bắc Việt), họ không đủ đất để sản xuất, không được lấy gỗ làm nhà theo truyền
thống. Quyền làm chủ và lợi ích bị xâm phạm nên nhiều hiện tượng tranh chấp đất
đai luôn luôn xẩy ra và đây cũng là một ngòi nổ cho các xung đột về lâu về dài.
Do đó, cần qui định diện tích mỗi làng tương ứng với việc tăng gia dân số và
tập quán làm ăn của mỗi tộc người và giao đất, giao rừng cho dứt khoát để họ có
trách nhiệm gìn giữ và sử dụng lâu dài, bền vững; các cơ sở quốc doanh trung
ương tại địa phương như các nông trường chiếm qúa nhiều đất đai mà không đủ sức
quản lý, lại làm ăn thua lổ vì guồng máy hành chánh qúa nặng nề.
Lại còn có
trường hợp ngân hàng cho vay để khai hoang, nhưng nếu đáo hạn mà không đủ tiền
để trả nợ hoặc không hoàn vốn kịp thời cho ngân hàng, chính quyền lợi dụng lúc
đó xiết luôn đất và chuyển cho người di dân mới đến để thuê (ở Việt Nam, đất
đai thuộc Nhà Nước). Có chổ, người Thượng phải cho con ở đợ với chủ nợ để trừ
nợ.
9.4 hoạt động phi nông nghiệp.
Tài nguyên đất
đai có hạn, nông nghiệp tiến bộ sẽ làm trội ra một số lao động nông thôn. Do
đó, các hoạt động phi nông nghiệp như trong khu vực chế biến (chế biến các
nguyên liệu trong nông nghiệp như cà phê, cao su, cây ăn trái, lúa gạo, trà, tơ
tằm..), khu vực dịch vụ ( chuyên chở, ngân hàng, bảo hiểm, du lịch, trạm xăng,
sửa chữa xe cộ), khu vực thương mãi, khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực tiểu công nghệ truyền
thống của người Thượng như đan lát, dệt, điêu khắc, mộc v.v. để tạo ra những
mặt hàng có màu sắc TN sẽ giúp tạo công ăn việc làm cho lao động mỗi năm.
9.5 vấn đề
giáo dục và huấn nghệ.
Ai cũng biết muốn thoát khỏi chu kỳ nghèo thì
vấn đề giáo dục học vấn là một điều kiện ắt có (nhưng chưa đủ!). Tại TN,
các dân tộc thiểu số vẫn học theo các chương trình của miền xuôi và vì nội dung
các chương trình giáo khoa này không hợp với người sắc tộc nên họ bỏ học rất
nhiều. Nội dung chương trình học phải tôn trọng các khác biệt văn hoá của các
tộc ít người chứ cứ khư khư lấy chương trình miền xuôi đem lên miền Thượng áp
dụng một cách máy móc là không thực tế. Tại các vùng đông người bản địa như
Jarai, Rhade thì nên có một chương trình song ngữ, dạy tiếng địa phương vài năm
đầu rồi mới dần dần thêm tiếng Việt vào để các học sinh đỡ bỡ ngỡ. Điều này
cũng cần được ứng dụng cho vùng các tộc
khác như người Bahna ở Kontum, người Koho ở Lâm Đồng v.v.. Giáo dục cần được
đầu tư liên tục, đầu tư về lâu về dài mới có kết qủa, nhưng giáo dục sẽ kéo
theo một loạt hậu qủa bền vững như bớt sinh đẻ, chất lượng cuộc sống cao hơn,
kinh tế vững mạnh hơn. Hiện nay, số học sinh bỏ học ở TN đứng ở tỉ lệ cao nhất
nước.
Thất học sẽ kéo
theo nghèo đói vì thất học, không biết chữ thì khó huấn luyện ngành nghề cho
thanh niên. Một thành phần đông đảo không nghề chuyên môn tràn về các thị thành
sẽ kéo theo sức ép của thị trường lao động và gây ra thêm các vấn nạn xã hội.
Giáo dục phụ nữ
giúp điều hoà sinh đẻ, bớt sức ép dân số.
9.6 vấn đề
chế biến .
Các nông phẩm
sản xuất ra từ lúa, đậu nành, cà phê, trà cần được biến chế để tăng thêm giá
trị tiêu thụ, dễ thương mãi hoá, dễ xuất cảng mà lại tạo công ăn việc làm. Vai
trò của các doanh nghiệp tư nhân cần được nâng đỡ trong những đầu tư này. Cái
quan trọng là hướng vào giảm chi phí hàng sản xuất để dễ xuất cảng và chỉ đầu
tư vào các dự án công nghiệp chế biến có hiệu qủa. Thị trường trong nước cũng
cần được chú trọng vì dân số đông có thể đẩy mạnh tiêu thụ.
9.7 năng
lượng thủy điện.
TN nhiều tiềm
năng sản xuất điện; ngoài đập Yali đang xây, trước kia, thời Việt Nam Cọng Hoà
đã có nhà máy điện Da Nhim giữa đường Dalat đi Phan Rang, đó là chưa kể các nhà
máy thủy điện nhỏ ở Dalat hoặc Ban Me Thuot ( Drayling). Nhiều vị trí trên sông
suối có thể sử dụng xây các nhà máy thủy điện nhỏ (microcentrale). Để bảo đảm
tuổi thọ các hồ nước, cần tăng độ che phủ rừng quanh lưu vực. Trên cao nguyên
Kontum, đã có nhiều dự án nghiên cứu cho thấy có những vị trí có thể xây thêm
các hồ thủy điện khác như Thượng Kontum, sông Bla, sông Poko. Tại các cao
nguyên khác như cao nguyên Dak Lac, cao nguyên Dak Nong cũng có nhiều vị trí
thuận lợi trên các sông suối để tạo ra thuỷ điện
9.8 tài
nguyên bauxit.
TN cũng có nhiều nơi có quặng bauxit nghĩa là
chứa nhôm.
9.9 du lịch .
TN có nhiều đặc
điểm dễ tổ chức du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, góp phần vào sự phát triển
bền vững. Thực vậy, miền TN rất đa dạng :
-về thảo mộc:
rừng thưa, rừng dày, rừng tre, nứa, rừng thông -về động vật: khỉ, nai, mễn,
voi, thỏ rừng, heo rừng, chim rừng,
- về văn hoá bản
địa của hàng chục sắc tộc rải rác, như mừng lúa mới, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả, các
âm nhạc cồng chiêng vang dội cùng các điệu múa của các tộc thiểu số.
Những vùng núi
hoang vu, những hồ nước thủy điện, là những nơi lý tưởng tổ chức du lịch sinh
thái.
10. Kết luận.
Như trên đã trình
bày TN có nhiều triễn vọng phát triển vì có nhiều tiềm năng về đất (đất đỏ tốt,
sâu), về thủy lợi ( sông, suối ), về rừng. Nhưng tài nguyên thiên nhiên chỉ là
một yếu tố cần, nhưng chưa đủ. Thực vậy, muốn phát triển, các yếu tố khác như
quản lý, tài chính, giáo dục v.v.cũng quan trọng Hiện nay, ta chứng kiến có sự
chênh lệch lớn trong sự phát triển của
các thành phần dân tộc tại đó :
các tộc người bản địa có tỷ lệ thất học rất cao, tỷ lệ đói nghèo cũng lớn so
với người miền xuôi. Trở ngại ngôn ngữ trong các công tác xã hội, khuyến nông
khi tiếp xúc với dân cũng là một khó khăn .
Có sự liên hệ hữu cơ giữa nhiều vấn đề : nông
và lâm, nông và súc, liên hệ giữa dân số và tài nguyên, giữa dân số và môi
sinh, giữa giáo dục và dân số. Sự tiếp cận toàn bộ giúp ta hiểu các vấn đề để
tác động sao cho có hiệu qủa cao.
Một loạt chương
trình đồng bộ khác cũng cần thiết như
giáo dục cơ sở, cải thiện y tế, nước uống, khắc phục tình trạng người
dân thiếu đất sản xuất, vốn vay để sản xuất-chế biến-xuất cảng, đó là chưa nói
đến việc tạo cho các tộc người bản địa một môi trường bình đẳng với người Kinh
bằng cách giúp con em họ có cơ hội tham gia trong mọi ngành công vụ như trong y
tế, giáo viên, cảnh sát, quân đội.. tóm lại tăng cường năng lực cho các dân tộc
bản địa.
Thái
Công Tụng