Nguyễn Xuân Nghĩa - Nguyên Lam
Mâu Thuẫn về Thương Mại
..kinh tế xuất phát từ người dân để tạo lợi ích cho người dân, không cho nhà nước.
Trong thượng đỉnh tại Florida vào Tháng Tư vừa qua, lãnh đạo hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc định ra thời hạn 100 ngày đàm phán về mâu thuẫn mậu dịch giữa hai nước. Thời hạn đó sẽ chấm dứt vào tháng tới, nhưng mâu thuẫn thì vẫn còn. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về những mâu thuẫn đó, nhưng trong một bối cảnh mở rộng ra toàn cầu.
Trong thượng đỉnh tại Florida vào Tháng Tư vừa qua, lãnh đạo hai nền kinh tế dẫn đầu thế giới là Hoa Kỳ và Trung Quốc định ra thời hạn 100 ngày đàm phán về mâu thuẫn mậu dịch giữa hai nước. Thời hạn đó sẽ chấm dứt vào tháng tới, nhưng mâu thuẫn thì vẫn còn. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về những mâu thuẫn đó, nhưng trong một bối cảnh mở rộng ra toàn cầu.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào tái ngộ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa quý thính giả, qua hai ngày gặp gỡ tại Mar-a-Lago của tiểu bang Florida vào Tháng Tư vừa qua, lãnh đạo Hoa Kỳ và Trung Quốc đồng ý là hai nước sẽ đàm phán về mâu thuẫn mậu dịch giữa đôi bên trong thời hạn 100 ngày. Kỳ hạn đó sẽ kết thúc vào trung tuần Tháng Bảy tới mà hai nước chưa có bước đột phá đáng kể nào nên các thị trường trên thế giới mới quan tâm theo dõi. Đã vậy, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump vừa qua năm tháng nhậm chức giữa quá nhiều sóng gió trên chính trường Hoa Kỳ khiến các nước đều lo ngại và thất vọng. Một trong nhiều mối ưu lo lại là chính sách mậu dịch hay thương mại của Hoa Kỳ. Diễn đàn Kinh tế kỳ này sẽ tìm hiểu về chính sách đó vì ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế của nước Mỹ với Trung Quốc và cả Việt Nam. Ông Nghĩa nghĩ sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi lại xin nói về bối cảnh trước để ta cùng hiểu ra các yếu tố đang chi phối những gì mình quan tâm. Đầu tiên, có lẽ người ta hiểu lầm về Hoa Kỳ vì Tổng thống Mỹ không có toàn quyền quyết định như lãnh đạo của nhiều nước dân chủ khác mà phải dung hòa quan điểm với các cơ chế khác ở cấp liên bang, tiểu bang hay địa phương và với thị trường, là doanh giới, nhà đầu tư, dân tiêu thụ lẫn người lao động. Thứ hai là hiểu lầm về Chính quyền Donald Trump. Ông Trump đắc cử trong hoàn cảnh bất thường của nước Mỹ với nhiều bài toán tích lũy từ mấy chục năm và đắc cử nhờ một số chủ trương khá đặc biệt. Vì vậy, thế giới cứ sợ là Hoa Kỳ dưới thời Donald Trump sẽ lui về mục tiêu ích kỷ, gây hấn với nhiều nước khác vì bị nhập siêu về mậu dịch mà phó mặc chuyện thiên hạ cho các nước. Sự thật thì Hoa Kỳ vẫn đang bung ra giải quyết khủng hoảng ở mọi nơi, từ Bắc Hàn tới Đông Nam Á, Trung Á và Trung Đông, và nếu Chính quyền Trump có đề ra ưu tiên khác thì chỉ để các nước quan niệm lại chiến lược liên kết với Mỹ chứ không thể ỷ lại vào Hoa Kỳ như trong mấy chục năm qua. Thứ ba, và riêng về ngoại thương, ban tham mưu của ông Trump có vài người chủ trương bảo hộ mậu dịch nhưng nội các của ông lại có chuyên gia hay doanh gia nắm vững thực tế kinh tế và chính trị toàn cầu nên khéo kết hợp ngôn từ với hành động để đạt mục tiêu của Hoa Kỳ chứ không hề thoái lui về chủ trương bảo hộ mậu dịch hay tự cô lập như báo chí vẫn nói.
Nguyên Lam: Xin ông đơn cử cho một số ví dụ để thính giả của chúng ta hiểu được sự tình ở đằng sau những tường thuật của báo chí hay cảm quan của nhiều người.
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Hoa Kỳ có hai bạn hàng then chốt là Canada và Mexico với Hiệp ước Tự do Thương mại Bắc Mỹ gọi tắt là NAFTA. Từ khi tranh cử đến kỳ nhậm chức, ông Trump hăm dọa hủy bỏ Hiệp ước vì quá bất lợi cho kinh tế và công nhân Mỹ. Sự thật thì Hoa Kỳ không xé nát hiệp ước đó mà chỉ đòi rà soát lại quan hệ buôn bán giữa ba nước trong một số khu vực thôi. Lý do là ba nền kinh tế đã quá hội nhập với nhau và ba nước phải căn cứ trên sự vận hành xây dựng từ năm 1994 để cải sửa một số điều bất lợi cho kinh tế Mỹ. Cụ thể thì nhiều tiểu bang, như Texas, hay thành phần cử tri đã bầu cho ông Trump lại gặp bất lợi nếu Hoa Kỳ đòi trừng phạt Mexico vì đạt xuất siêu quá lớn với kinh tế Mỹ. Chúng ta sẽ chứng kiến sự thật này khi việc đàm phán giữa ba nước sắp bước vào vòng đầu.
- Thí dụ thứ hai là quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Thiên hạ cứ sợ Mỹ sẽ chối bỏ các quy định của WTO mà phá vỡ hệ thống giao dịch toàn cầu hoặc nhẹ ra thì bất chấp WTO mà áp đặt quy định riêng trong quan hệ song phương với từng nước. Sự thật thì Hành pháp Mỹ bị chi phối bởi một cơ chế độc lập, lưỡng đảng là gồm cả hai đảng, có quyền khuyến cáo và phản bác cả Chính phủ lẫn Quốc hội về chính sách ngoại thương, là Hội đồng Thương mại Quốc tế, US International Trade Commission. Ngoài trận đánh về pháp lý hay chính trị thì Chính quyền còn gặp áp lực từ các tiểu bang và doanh giới nên không dễ gì tự tiện hành động. Nhưng vì quan hệ kinh tế giữa các nước cũng cần sửa chứ không tự do như xưa nên tại Thượng đỉnh tới của G-20 vào hai ngày 7-8 Tháng Bảy ở Hamburg, ông Trump sẽ đặt vấn đề với Thủ tướng Đức, và nhiều nước khác, như Trung Quốc hay Đức, cũng đã nói tới nhu cầu cải sửa đó.
Nguyên Lam: Chúng ta trở về chuyện Trung Quốc trong quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Thưa ông, vì kỳ hạn trăm ngày sẽ hết từ giữa Tháng Bảy này mà hai nước chưa khai thông được nhiều mâu thuẫn thì rồi đây tình hình sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ mâu thuẫn Mỹ-Hoa không chỉ có hồ sơ mậu dịch vì còn nhiều vấn đề khác, như thái độ khiêu khích của Bắc Hàn mà Bắc Kinh không thể hay không muốn giải quyết, hoặc sự bành trướng của Bắc Kinh xuống vùng biển Đông Nam Á như muốn đẩy Mỹ ra khỏi Á Châu và cả chuyện biến đổi khí hậu hay ô nhiễm mà Trung Quốc không xử lý. Chuyện thứ hai mà thế giới lý tài cứ hiểu lầm, Trung Quốc chưa là siêu cường cấp toàn cầu có sức mạnh về kinh tế, quân sự hay tinh thần để các nước có thể noi theo. Đấy chỉ là chế độ đang phát huy chủ nghĩa dân tộc Đại Hán và áp dụng một số quy luật thị trường để khỏi tụt hậu mà vẫn cố kiểm soát người dân và ưu tiên bảo vệ khu vực kinh tế nhà nước và công nghiệp nặng. Huống hồ, nội bộ cũng có bao vấn đề kinh tế như nạn đầu cơ địa ốc và vay mượn thả giàn, kể cả hồ sơ chính trị gay gắt khi họ chuẩn bị Đại hội khóa 19, nên không có thế mạnh như ta nghĩ.
Nguyên Lam: Như vậy thưa ông mâu thuẫn giữa hai quốc gia này sẽ diễn biến ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Từ bối cảnh đó, ta nhớ Chính quyền Trump vẫn giàng hồ sơ an ninh vào kinh tế, như gài chuyện Bắc Hàn vào mậu dịch, để đòi Trung Quốc chấm dứt nạn xuất siêu hàng hóa lên tới 350 tỷ đô la với kinh tế Mỹ. Nếu Hoa Kỳ gây sức ép về mậu dịch, dễ nhất là để bảo vệ ngành nhôm và thép vì lý do an ninh quốc gia, thì việc Bắc Kinh tái cơ cấu kinh tế bị trở ngại. Ta sẽ thấy ra vụ này trong mấy tháng tới. Bắc Kinh có thể giải tỏa sức ép khi hứa giải quyết mối nguy Bắc Hàn nhưng đám âm binh này không dễ nghe lời phù thủy Trung Quốc, chưa kể là nhiều nước Đông Nam Á đang tập trận và trông cậy vào sự yểm trợ của Hoa Kỳ chứ không của Bắc Kinh để giải trừ nguy cơ khủng bố Hồi giáo. Cạnh đó, dự án năng lượng của Việt Nam với Hoa Kỳ cũng làm Bắc Kinh khó chịu như ta đã thấy tuần qua. Thành thử, có khi Hoa Kỳ gây sức ép với Bắc Kinh về mậu dịch để đạt mục tiêu khác, như Bắc Hàn, Đài Loan hay an ninh Đông Nam Á và Trung Quốc không có thế mạnh như báo chí vẫn loan truyền.
Nguyên Lam: Thưa ông, nếu nhìn rộng qua các nước khác tại Á Châu thì chuyện mâu thuẫn mậu dịch sẽ biến thái ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Ta không quên là lạm phát đã giảm mạnh tại Trung Quốc và các nền kinh tế lớn đang kích hoạt kinh tế, gọi là reflation, để tránh nạn giảm phát. Vì vậy, biện pháp tiền tệ như tăng lãi suất tại Mỹ, hay ngân sách là hạ thuế, sẽ còn chi phối quan hệ kinh tế giữa các nước. Đã vậy, khả năng sản xuất dầu khí của Hoa Kỳ theo công nghệ mới còn nâng số cung làm năng lượng sụt giá khiến các nước bán dầu xưa nay thêm khốn đốn. Trong bối cảnh chung như vậy, tính toán về mậu dịch hay xuất nhập khẩu sẽ khó tiến hành như ý muốn của các nước.
- Bây giờ, nói về mậu dịch thì sau khi Hoa Kỳ triệt thoái khỏi Hiệp ước TPP, 11 nước còn lại vẫn cố xúc tiến, nhất là Nhật Bản, Úc và New Zealand, trong khi hai nước đang phát triển trong nhóm này là Việt Nam và Malaysia còn do dự. Nhưng ta không nên quên là sau khi rút khỏi TPP, Hoa Kỳ vẫn tìm cách thương thảo song phương với từng nước và khi đàm phán thì không quên yếu tố an ninh, như với Nam Hàn, Nhật Bản và Việt Nam. Ngược lại, Bắc Kinh nghĩ tới cơ hội đẩy mạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện trong Khu vực Á Châu, gọi tắt là RCEP, mà sau 15 vòng đàm phán, lần cuối là tháng trước tại Philippines, tình hình vẫn chưa tiến triển và động thái hung hăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á khiến 10 nước trong Hiệp hội ASEAN cũng cẩn trọng chứ không muốn vì làm ăn với Bắc Kinh mà ra khỏi lá chắn bảo vệ của Mỹ.
- Mặt khác, Trung Quốc có thể o bế các nước Liên Âu để hy vọng được họ nhận cho quy chế là “đã có nền kinh tế thị trường” nhưng chủ trương kinh tế nhuốm mùi quốc gia dân tộc của Bắc Kinh vẫn khiến nhiều nước Âu Châu dè dặt. Vả lại sau khi Vương quốc Anh quyết định ra khỏi Liên Âu vào năm ngoái thì cơ chế quốc tế này bèn nhượng bộ mà quy định là Quốc hội của từng quốc gia thành viên sẽ phê chuẩn các hiệp ước chứ không phó thác nhiệm vụ đó cho Liên Âu. Vì vậy, dù có tung tiền mua chuộc, Bắc Kinh vẫn chưa thuyết phục được thiên hạ và việc Tổng lý Quốc vụ viện Lý Khắc Cường ngợi ca toàn cầu hóa nhân hội nghị gọi là Davos Mùa Hè vào hai ngày 27 28 vừa qua tại cảng Đại Liên của tỉnh Liêu Ninh chỉ là màn trình diễn.
Nguyên Lam: Thưa quý thính giả, những gì mà chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa vừa phân tích khiến chúng ta thấy ra một nghịch lý. Xưa nay, Hoa Kỳ là quốc gia đã phát huy ưu thế của kinh tế tự do và góp phần dẫn tới hiện tượng toàn cầu hóa thì nay lại tỏ vẻ hoài nghi và đòi thương thuyết lại các hiệp ước tự do mậu dịch. Bên kia Thái Bình Dương, Trung Quốc vẫn có chế độ bảo hộ kinh tế nhằm duy trì lợi ích cho thiểu số cầm quyền thì lại thủ vai vô địch về kinh tế tự do và trào lưu toàn cầu hóa! Ở giữa thì các nước đang phát triển chưa biết tính làm sao vì những chuyển động trái chiều như vậy. Thưa ông Nghĩa, kết luận thế nào về nghịch lý này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Thứ nhất, sinh hoạt kinh tế giữa các nước không là quyết định của nhà nước mà là kết quả của hàng triệu hàng tỷ người trong doanh nghiệp. Lý do là kinh tế xuất phát từ người dân để tạo lợi ích cho người dân, không cho nhà nước. Thứ hai, trong quan hệ mậu dich giữa các nước, tiếng nói của người dân hay của thị trường tại các nước dân chủ vẫn có trọng lượng nên nếu Chính quyền Trump có muốn lui về chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch hẹp hòi thì cũng chẳng được như ta đã thấy và sẽ còn thấy tại Hoa Kỳ. Thứ ba, chính quyền một quốc gia chủ quan duy ý chí như Trung Quốc chưa giải quyết nổi bài toán cơ bản cho dân nghèo mà cứ tưởng rằng thế lực kinh tế của mình sẽ khuynh đảo được xứ khác. Sự thật thì trong quan hệ kinh tế giữa các nước với nhau, mậu dịch hay ngoại thương không là tất cả mà còn bao gồm nhiều yếu tố khác, kể cả an ninh và nhất là an ninh. Những mâu thuẫn về mậu dịch đang phơi bày sự thật đó và “an ninh hay sự sinh tồn của quốc gia sẽ là gì?” đang trở thành câu hỏi cho nhiều người, nhất là ở tại Việt Nam.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ ông Nghĩa về bài phân tích kỳ này.