Hội đồng Giám mục: Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo ‘bước thụt lùi’
Hội đồng Giám mục Việt Nam vừa công bố thư ‘Nhận định về Luật Tín
ngưỡng, Tôn giáo 2016’. Trong thư, các lãnh đạo Công giáo cho rằng bộ
luật mới “có những bước thụt lùi”, “tiếp tục củng cố cơ chế xin-cho” và
ẩn chứa cách nhìn các tôn giáo “như những lực lượng đối kháng”.
Trong thư gửi cho Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Hội đồng
Giám mục Việt Nam lấy ví dụ so sánh cụ thể về quy định tham gia hoạt
động trong lĩnh vực giáo dục và y tế của các tổ chức tôn giáo để cho
thấy “bước thụt lùi” của Luật mới.
Theo Hội đồng Giám mục, bản Dự thảo trước đó quy định các tổ chức tôn
giáo “được thành lập cơ sở giáo dục theo hệ thống giáo dục quốc dân”
(Điều 53) và “được thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ
xã hội, nhà xã hội” (Điều 54). Nhưng Bộ Luật mới đưa ra quy định “tổng
quát và mơ hồ” trong điều 55 rằng các tổ chức này “được tham gia các
hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, bảo trợ xã hội và từ thiện, nhân đạo,
theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Hội đồng Giám mục Việt Nam nói Bộ Luật mới “tiếp tục củng cố cơ chế
xin-cho” mặc dù trên bề mặt từ ngữ đã thay những từ “xin phép”, “cho
phép” bằng các từ “đăng ký, thông báo, đề nghị”, nhưng thực chất các tổ
chức tôn giáo vẫn phải thông báo và cần phải có sự chấp thuận của chính
quyền. Điều này, theo Hội đồng Giám mục, “cho thấy tự do tín ngưỡng tôn
giáo không thật sự được coi là quyền của con người mà chỉ là ân huệ cần
phải xin và được ban phát”.
Đi kèm với các nhận định trên, tổ chức đại diện cho các giám mục Việt
Nam còn đưa ra một số suy nghĩ, cho rằng ẩn dưới những bất cập là cách
nhìn của chính quyền về tôn giáo và các tổ chức tôn giáo.
“Chính quyền nhìn các tôn giáo thuần túy trên bình diện chính trị,
xem các tổ chức tôn giáo như những thế lực đối kháng”, trích thư của Hội
đồng Giám mục Việt Nam.
Từ cách nhìn đó, chính quyền có khuynh hướng quy kết trách nhiệm và
lên án các tổ chức tôn giáo khi không hài lòng, đồng thời tiêu tốn nhiều
tiền của, nhân lực vào việc theo dõi, dò xét, kiểm soát mọi hoạt động
tôn giáo. Trong khi đó, những hoạt động tôn giáo trong các lĩnh vực từ
thiện, y tế và giáo dục lại không được đánh giá đúng mức, “thậm chí bị
ngăn cản”.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Human
Rights Watch, cho rằng mấu chốt chính ở đây là do chính quyền muốn kiểm
soát những điều mà lẽ ra phải được độc lập.
“Đây là điều mà chúng ta đã thấy lâu nay giữa chính quyền và các tổ
chức tôn giáo. Chính quyền muốn kiểm soát mọi thứ, trong khi các tổ chức
tôn giáo cố gắng kháng cự lại sự kiểm soát đó”.
Hội đồng Giám mục Việt Nam cho rằng cần phân biệt khái niệm “dân tộc”
và “chế độ”, vì dân tộc thì trường tồn, còn chế độ thay đổi theo thời
gian. Do đó, cần “đặt lợi ích của dân tộc lên trên hết”.
Đại diện của HRW cho rằng những lời lẽ có phần “cứng rắn” trong nhận
định mới nhất của Hội đồng Giám mục Việt Nam là kết quả của những căng
thẳng trong suốt một thời gian dài giữa chính quyền Việt Nam và Giáo hội
Công giáo vì nhiều vấn đề, trong đó có những vụ cưỡng chế đất đai của
các tổ chức Công giáo và việc thắt chặt kiểm soát của chính quyền.
Những căng thẳng vì vụ ô nhiễm môi trường Formosa hồi gần đây cũng là một nguyên nhân, theo ông Robertson:
“Tôi cho rằng nhận định của Hội đồng Giám mục còn xuất phát từ một số
sự kiện lớn, chẳng hạn như ở khu vực bị ảnh hưởng bởi chất thải độc của
Formosa, giáo dân và linh mục đã đóng vai trò dẫn đầu để giúp người dân
đòi công lý”.
Vụ ô nhiễm biển miền Trung được xem là thảm họa môi trường lớn nhất
trong lịch sử Việt Nam. Trong khi đó, việc khắc phục hậu quả vẫn là một
vấn đề gây bất bình cho nhiều người dân trong khu vực.
Các cuộc biểu tình liên tiếp diễn ra vì nhiều người dân bị thiệt hại không được xếp vào danh sách được đền bù.
Một số linh mục giúp đỡ các nạn nhân vụ ô nhiễm đã bị tấn công dưới
nhiều hình thức, từ “đấu tố” trên báo chí đến bị côn đồ hành hung.
Tháng trước, Giám mục Giáo phận Vinh Nguyễn Thái Hợp đã đích thân đi
vận động ở châu Âu và trao thỉnh nguyện thư của người dân về vụ ô nhiễm
Formosa cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế.
Chính quyền muốn kiểm soát mọi thứ, trong khi các tổ chức tôn giáo cố gắng kháng cự lại sự kiểm soát đó.
Vào thời điểm tân chính quyền Trump mới lên nắm quyền ở Mỹ và vấn đề
nhân quyền chưa được chú trọng nhiều, ông Robertson khẳng định cộng đồng
quốc tế “không chỉ có Mỹ”, mà còn rất nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế
khác rất quan tâm đến nhân quyền.
Ông nói: “Hiện các nhóm Liên Hiệp Quốc ở các quốc gia và các tổ chức
quốc tế đóng một vai trò lớn hơn trong việc nêu lên những quan ngại về
cách chính quyền Việt Nam đối phó với các vấn đề về nhân quyền”.
Quốc hội Việt Nam thông qua Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo vào tháng
11/2016. Luật mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2018. Nhưng trong thời
gian qua, nhiều tôn giáo bày tỏ lập trường phản đối Bộ Luật mới vì cho
rằng có nhiều quy định vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Trong
khi đó thì Báo Công an trong bài viết ngày 24/10/2016 nói: “Luật tín
ngưỡng tôn giáo được nhiều đại biểu [Quốc hội] đánh giá là một ‘tuyên
ngôn về nhân quyền’”.
Đường dẫn trực tiếp