Âu Dương Thệ
Cộng hòa Liên bang Đức:
Cơ chế chính trị-kinh tế và
cách vận hành xã hội của một nước Dân chủ Đa nguyên
Cơ chế chính trị-kinh tế và
cách vận hành xã hội của một nước Dân chủ Đa nguyên
Con đường nào, thể chế chính trị và kinh tế nào biến trần thế thành thiên đàng hay biến thế gian thành địa ngục? Câu
trả lời đã rất rõ khi nghiêm túc đối chiếu và so sánh trong mọi lãnh
vực giữa Đức và VN trong 70 năm qua. Một bên là chế độ Dân chủ Đa nguyên
và Kinh tế Thị trường, còn bên kia là chế độ độc đảng toàn trị và Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN!
Đức và VN có một số điểm tương đồng. Về mặt dân số và diện tích tương
đối ngang ngửa với nhau, VN 331.114km² và gần 92 triệu dân, Đức
357.376km² và trên 81 triệu dân.[1]
Cả hai nước đều là sản phẩm của Thế chiến thứ 2 và Chiến tranh lạnh
giữa Đông và Tây, hay còn gọi là giữa Cộng sản và Tự do. Cả VN và Đức
đều bị chia đôi.
Nhưng hai nước lại có những khác biệt rất căn bản về nhiều mặt. Chế
độ độc đảng toàn trị theo chủ nghĩa Cộng sản (CS) đã dẫn VN lao vào các
cuộc chiến tranh suốt 30 năm tàn khốc và hận thù. Nhiều triệu người Việt
ở cả hai miền đã bị hi sinh. Đất nước tuy thống nhất trên 42 năm nhưng
vẫn là một trong những nước rất nghèo, lợi tức đầu người năm 2016 là
1980 USD và người dân vẫn bị tước các quyền tự do dân chủ căn bản. Chế
độ toàn trị với Kinh tế thị trường (KTTT) Định hướng XHCN đã tạo ra nạn
tham nhũng đang trở nên bất trị. Nhân quyền và tự do báo chí ở mức rất
tồi tệ đội sổ trên thế giới. Mới vài ngày trước Quốc hội (QH) sửa đổi bộ
Luật hình sự, bắt các luật sư phải tố cáo thân chủ trong các tội giải
thích rất cao su gọi là „tội xâm phạm an ninh quốc gia“. [2] Ngay trước đó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đòi hỏi phải đưa việc này vào luật.
Trong khi đó chế độ Dân chủ Đa nguyên (DCĐN) và KTTT đã làm Tây Đức
hồi phục kinh tế-xã hội rất nhanh. Tuy bị chia cắt suốt 45 năm nhưng
không có chiến tranh giữa Đông- và Tây Đức. Từ 1990 nước Đức đã thống
nhất không tốn một viên đạn. Không có cảnh hàng trăm ngàn người phải bị
giam cầm trong các trại cải tạo hết năm này tới năm khác. Từ sau khi hai
miền thống nhất, chủ trương đoàn kết và tương trợ thay cho bạo lực và
trả thù. Suốt trên ¼ thế kỉ người dân Tây Đức đã đóng góp hàng ngàn tỉ Euro
để tái thiết lại phía Đông. Đức đang là quốc gia có nền kinh tế mạnh
đứng thứ ba, thứ tư trên thế giới, là đầu tầu kinh tế của Liên minh Âu
châu (EU). Lợi tức đầu người ở Đức năm 2016 là 45.790 USD.[3]
Người đi làm đều có các bảo hiểm y tế, lao động, hưu trí…, nếu không
thì có thể xin trợ cấp xã hội. Đức còn là nước có nền dân chủ pháp trị
và tự do báo chí rất cao. Tuy chống đảng cực hữu mị dân mới ra đời vài
năm AfD (Alternative für Deutschland: Chọn lựa cho Đức), nhưng khi nhà
cầm quyền ở một thành phố tìm cách cản trở cuộc biểu tình của đảng này,
chính bà Thủ tướng (TT) Đức TS Merkel đã công khai chống lại và yêu cầu
các cơ quan chính quyền địa phương phải tôn trọng quyền này. Vì quyền
biểu tình đã được Hiến pháp Đức công nhận là một trong những quyền tự do
căn bản của nhân dân.
***
Vì chủ nghĩa dân tộc cuồng tín và mị dân nên Hitler đã biến Đức thành
một chế độ độc tài tàn bạo nhất trong lịch sử Đức, thực hiện tham vọng
điên cuồng chinh phục Âu châu bằng vũ lực. Từ đó gây ra Thế chiến thứ
hai. Nhưng Hitler đã thảm bại và tự vẫn, Đức và Âu châu trở thành đống
tro.
Là nước chiến bại nên Đức bị chia 4, phía Đông bị Hồng quân Liên xô
chiếm, phía Tây dưới quyền kiểm soát của Mĩ, Pháp và Anh. Từ đồng minh
chống Hitler, Liên xô CS dưới quyền cai trị của bạo chúa Stalin đã trở
thành đối đầu với Hoa kì, Anh, Pháp là các nước theo DCĐN. Chiến tranh
lạnh khởi sự và cực kì căng thẳng ở Âu châu ngay sau khi Thế chiến thứ
hai chấm dứt.
Khi ấy dân tộc Đức ở phía Tây phải chọn lựa một thế chế chính trị
tương lai cho mình và cả Tây Âu cũng phải chọn lựa thái độ với nước Đức
bại trận. Tái lập chính sách của phe thắng trận như trong Thế chiến thứ
nhất (1914-18), chiếm đóng Đức và bắt phải bồi thường chiến tranh. Nếu
chọn giải pháp này là tiếp tục nuôi thù hận, xô đẩy các nước Tây Âu kình
chống lẫn nhau, như thế sẽ là cái mồi để Hồng quân Liên xô xâm chiếm và
nhuộm đỏ cả châu Âu!
Đứng trước kẻ thù cực kì nguy hiểm, lại được Hoa kì hỗ trợ -một siêu
cường nguyên tử đầu tiên khi đó, nên khi ấy các chính khách lớn và các
giới trí thức ở Pháp, Anh và Đức đã ý thức, đây chính là thời cơ phải
dựa vào nhau để ngăn chặn hiểm họa Cộng sản. Anh, Pháp, Đức và nhiều
nước Tây Âu đã dứt khoát tiếp tục hoặc triển khai thiết lập thể chế
DCĐN, KTTT, pháp trị và tự do báo chí. Hoa kì và các nước dân chủ Tây Âu
đã cùng theo đuổi các giá trị xã hội chung trên đây, nên kế hoạch
Marshall về kinh tế đã ra đời để tái thiết Tây Âu và Liên minh quân sự
Bắc đại Tây dương (NATO) được thành lập để cùng nhau ngăn chặn hiểm họa
đỏ.
***
Hệ thống chính trị và kinh tế của Đức được qui định trong Hiến pháp
công bố ngày 23.5.1949 rút kinh nghiệm từ các giai đoạn bất ổn và độc
tài trước đó.[4]
Cộng hòa Đức ra đời là một liên bang với nhiều tiểu bang (hiện nay là
16 TB), theo chính thể đại nghị và DCĐN. Các quyền lập pháp, hành pháp
và tư pháp độc lập và bình đẳng với nhau. QH liên bang (Bundestag) là cơ
quan có thẩm quyền cao nhất, cứ bốn năm bầu một lần. Thủ tướng do Quốc
hội liên bang (QHLB) bầu theo tỉ lệ quá bán trong QH. TT chỉ định các bộ
trưởng, quyết định đường lối và hoạt động của chính phủ. Các bộ trưởng
có quyền tự chủ trong các hoạt động của bộ và chịu trách nhiệm trong
lãnh vực của mình. Chính phủ liên bang có thẩm quyền chuyên độc trong
quốc phòng và ngoại giao. Các lãnh vực giáo dục, thuế vụ, giao thông, xã
hội … chia thẩm quyền giữa chính quyền Liên bang (LB) và các Tiểu bang
(TB). Rút kinh nghiệm đau thương trong quá khứ nên quân đội Cộng hòa
liên bang Đức đặt dưới quyền trực tiếp của QHLB. Việc gởi quân đội Đức
ra tham chiến ở nước ngoài đều phải do QHLB quyết định. Để tránh tình
trạng quân đội bị lợi dụng, QHLB cử ra một đại biểu theo dõi các hoạt
động của quân đội và hàng năm tường trình tình hình quân đội trước QHLB.
Tổng thống Đức không do dân trực tiếp bầu lên, nhưng do Thượng viện
(Bundesrat) bầu 5 năm một lần, chỉ giữ vai trò nghi lễ ngoại giao. Chế
độ KTTT công nhận và tôn trọng quyền tư hữu, kinh tế tư nhân là nền tảng
và tự do cạnh tranh lành mạnh theo luật pháp được coi là động lực phát
triển của toàn xã hội.
Để tránh tình trạng QH bị xé lẻ, phân tán quá nhiều các chính đảng
dẫn tới tình trạng các chính phủ LB và TB không được ổn định, nên trong
luật bầu cử ở Đức có điều khoản 5%, nghĩa là muốn có đại diện vào QHLB
hay Quốc hội tiểu bang (QHTB) mỗi chính đảng phải được ít nhất 5% tổng
số phiếu trong các cuôc bầu cử liên hệ. Vì thế các nhóm cực hữu hay cực
tả (CS) thường không có đại diện trong các QHLB, nay chỉ vài tiểu bang
nhóm cực hữu có đại diện, nhưng hầu như không có ảnh hưởng. Điểm đặc
biệt nữa là, trong các cuộc bầu cử QHLB và TB mỗi cử tri có quyền sử
dụng hai lá phiếu, một phiếu bỏ cho ứng cử viên mình ủng hộ và phiếu thứ
hai bỏ cho chính đảng mình tín nhiệm. Tùy theo tỉ số phiếu bầu cho
đảng, các chính đảng có thể cử thêm đại diện vào QH, ngoài các ứng cử
viên thắng cử trực tiếp. Đây là giải pháp dung hòa để một cử tri có thể
thích ứng cử viên A, nhưng lại không ưa chính đảng của ông A… Sau Thế
chiến 2 trong các QHLB và TB ở Đức chỉ có ba chính đảng chính là Liên
minh Thiên chúa giáo (CDU/CSU), đảng Dân chủ Xã hội (SPD) và đảng Tự do
(FDP). Từ thập niên 80 đảng Xanh (die Grünen) ra đời, nay có đại diện
trong QHLB và nhiều tiểu bang. Từ khi Đức thống nhất có thêm đảng Tả
(die Linke), đảng viên phần chính từ cựu Đông Đức CS, có đại diện trong
QHLB và một số QHTB.
Đảng SPD là chính đảng lâu đời nhất, xuất thân từ các phong trào lao
động hai thế kỉ trước, nhưng các nhà lãnh đạo sau này đã dứt khoát từ bỏ
đường lối bạo lực và chủ trương giành chính quyền bằng phương pháp đấu
tranh dân chủ. Khẩu hiệu nổi tiếng của SPD là không thể dùng bạo lực để
tiêu giệt giai cấp này và hình thành giai cấp mới. Các TT nổi tiếng của
SPD là W. Brandt, H.Schmidt và H. Schröder. "[5]
Từ sau Thế chiến 2 Liên minh CDU/CSU cầm quyền lâu đời nhất ở Đức. Các
thủ tướng lâu đời là K. Adenauer, H. Kohl và hiện nay là A. Merkel (từ
2005). Cựu đảng trưởng và đương kim ngoại trưởng S. Gabriel đã từng nói,
đảng SPD không coi các chính đảng khác ở Đức là kẻ thù mà chỉ là đối
thủ chính trị, nghĩa là cùng tồn tại nhưng cạnh tranh trong chính trị.[6]
Điều đáng chú ý là, hai chính đảng lớn nhất đối lập nhau SPD và
CDU/CSU không muốn thành lập chính quyền liên hiệp của hai đảng lớn
nhất. Vì họ ý thức rằng, một xã hội thiếu đối lập, nhất là đối lập có
trọng lượng, không có lợi chung cho quyền lợi đất nước. Cho nên trong
gần 70 năm chỉ có ba lần có chính phủ liên hiệp lớn được miễn cưỡng
thành lập (1966-69), (2005-09) và hiện nay từ 2013.
Trong QHLB hiện nay có 631 dân biểu, bao gồm các chính đảng CDU/CSU (311), SPD (193), đảng Tả (64) và đảng Xanh (63).[7]
Hiện nay các chính đảng đang chạy đua tranh cử vào giai đoạn cuối trước
cuộc bầu cử QHLB mới (24.9.17). Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ngoài
4 chính đảng trên, có thể đảng Tự do sẽ trở lại QHLB và đảng AfD cũng
có thể nhẩy vào QHLB lần đầu. Đây là một đảng cực hữu, có khuynh hướng
chống EU và người nhập cư, mới ra đời từ vài năm, đặc biệt từ khi bà
Merkel ban hành chính sách tiếp nhận ồ ạt người tị nạn từ Hè 2015.
Về mặt nội trị, sự hoạt động song hành của chính phủ liên bang và các
chính phủ tiểu bang cho thấy sự tản quyền đã được đặt ưu tiên. Ngoài ra
Hiến pháp 1949 thiết lập chế độ đại nghị với QHLB là cơ quan có quyền
lực cao nhất, Thủ tướng lãnh đạo chính phủ do QHLB bầu ra và qui định
các chính đảng phải hội đủ 5% tống số phiểu cử tri mới được cử đại diện
vào QH. Cách tổ chức hệ thống công quyền như thế ở Đức cho thấy vừa phân
quyền, tản quyền và đề cao hiệu năng. Việc này chứng tỏ các giới chính
trị, chuyên viên, trí thức và đa số nhân dân Đức không muốn tái diễn
nguy cơ chế độ độc tài cá nhân và đảng trị cực kì nguy hiểm thời Quốc xã
của Hitler. Nhưng đồng thời cũng muốn tránh tình trạng đất nước chia
năm xẻ bẩy thời Cộng hòa Weimar (1918-33).
Điểm nổi bật nhất phải nói tới là sự trưởng thành của các chính đảng
dân chủ ở Đức và các quyền công dân căn bản không những chỉ được thừa
nhận trong Hiến pháp mà còn được thực thi nghiêm túc trong cuộc sống
hàng ngày. Trong đó phải nói tới các quyền tự do dân chủ căn bản của các
công dân, quyền tự do thành lập các tổ chức dân sự, các tổ chức nghề
nghiệp và tự do báo chí. Ngay trong Điều 1 Hiến pháp 23.5.1949 đã qui
định „Phẩm giá của con người không được xâm phạm. Tôn trọng và bảo vệ nó là trách nhiệm của tất cả các cơ quan công quyền“.[8] Mọi
công dân và đoàn thể đều có quyền viết thư yêu cầu Tòa án Hiến pháp tối
cao liên bang (Bundesverfassungsgericht) phản đối và kiện các quyết
định của chính phủ và QHLB, nếu họ cảm thấy nó vi phạm tới các quyền căn
bản ghi trong Hiến pháp. Ngay cả nhóm cực hữu hậu thân của Quốc xã
(NPD) cũng đã hành xử quyền này. Cho tới nay Tòa án Hiến pháp tối cao
liên bang đã ra nhiều bản án nổi tiếng, chứng tỏ sự công minh và độc lập
trong vai trò bảo vệ các quyền tự do dân chủ của công dân ngăn cản các
quyết định sai lầm hoặc bất công của các cơ quan công quyền.
Quyền tự do báo chí của Cộng hòa liên bang Đức cũng trở thành biểu
tượng tốt và đã được chứng minh nhiều lần không chỉ đối với các nhân vật
quan trọng trong chính quyền, các cơ quan công quyền mà cả với chính
một số nhà báo. Nổi tiếng nhất là vụ „Die Spiegel-Affäre“ vào cuối 1962.
Der Spiegel là tuần báo rất có uy tín và có số độc giả đông. Vì một bài
tường thuật về chính sách quân sự của NATO khi ấy đã bị bộ trưởng Quốc
phòng và đảng trưởng CSU F.J. Strauß buộc tội là „phản quốc“. Một số kí
giả và cả Tổng biên tập Rudolf Augstein đã bị bắt giam. Quyết định của
Strauß đã tạo ra nhiều phản ứng cực mạnh trong nhân dân lẫn chính giới.
Báo chí cấp tiến, nhiều chính đảng trong QH và nhiều nhân vật có uy tín
đã yêu cầu phải trả tự do cho các nhà báo bị bắt và đòi truy tố Strauß.
Áp lực của dư luận đã dẫn tới khủng hoảng chính phủ. Cuối cùng TT
Adenauer đã cách chức Strauß khỏi bộ trưởng Quốc phòng và sau đó tòa án
đã trả tự do cho các nhà báo và Tổng biên tập der Spiegel.[9]
Chuyện thứ hai liên quan tới báo chí bị lợi dụng. Đầu 1983 tuần báo
Stern đã cho phổ biến loạt bài gọi là „Hitler-Tagebücher“ (Nhật kí
Hilter)[10]
, nhờ đó số phát hành đã gia tăng vọt, từ 400.000 lên 2,2 triệu và giá
bán mỗi tập Stern từ 0,50 DM vọt lên 3,5 DM. Nhưng ngay sau đó các cơ
quan điều tra đã chứng minh đây là tài liệu giả mạo. Họa sĩ K. Kujau,
người giả mạo chữ viết của Hitler, và nhà báo Heidemann của Stern đã bị
xử nhiều năm tù. Ban biên tập tuần báo Stern đã phải từ chức và tờ báo
bị mất uy tín.
Một thí dụ khác về quyền lực không minh bạch sẽ bị dư luận kết án
nghiêm khắc trong xã hội DCĐN ở Đức bất kể nhân vật nào: TT Kohl vừa từ
trần và sẽ được EU tổ chức tang lễ chung vào 1.7. Ông đã đóng góp nhiều
cho sự lớn mạnh của EU và được coi là người cha tạo dựng nước Đức thống
nhất. Nhưng chính vào những năm cuối của thập niên 90 TT Kohl đã bị dư
luận Đức kết án và ngay đảng CDU của ông cũng phê bình, vì những liên hệ
của ông trong vụ nhận khoản tài chánh lớn (khoảng trên 2 triệu Đức mã)
giúp CDU nhưng không công khai minh bạch. [11]
Nói tới sự thống nhất Đức kì diệu trong hòa bình những năm 1989-90
không thể không nói tới chính sách „Ostpolitik“ (Hướng Đông) của cố TT
W. Brandt từ đầu thập niên 70. Khi ấy Tây Đức là một cường quốc kinh tế
trong EU và đồng minh quan trọng của Hoa kì trong việc ngăn chặn sự xâm
lược của Liên xô. Nhưng Brandt đã nhận ra, nếu tiếp tục chủ trương thù
địch với Mạc tư khoa thì tình hình an ninh của Tây Đức và Âu châu tiếp
tục căng thẳng và hòa bình bị đe dọa. Vì thế chính phủ của ông đã chủ
trương dựa vào Mĩ để điều đình và mở cửa với Liên xô về các mặt ngoại
giao, kinh tế và an ninh. Nhiều hiệp ước quan trọng đã được Tây Đức kí
kết với Mạc tư khoa, Đông Đức và Ba lan, công nhận biên giới của Âu châu
sau Thế chiến 2. Hiệp ước An ninh và Hợp tác Âu châu được 35 nước Âu
châu cùng với Mĩ và Gia nã đại kí 1975 tại Helsinki (Thủ đô Phần lan) là
kết quả đưa tới hòa hình và hợp tác kinh tế giữa hai bên Đông Tây. Nó
mở cửa để chính phủ Đức của TT H.Kohl thương lượng với Chủ tịch nước và
Tổng bí thư Gorbatschow của Liên xô trong các năm cuối thập niên 80.
Kết quả là Đức thống nhất trong tự do, các nước Đông Âu chuyển sang DCĐN
và chế độ toàn trị Liên xô chấm dứt. Lúc đầu Liên minh CDU/CSU đã kịch
liệt chống lại chủ trương Ostpolitik của Brandt, nhưng sau này chính cố
TT Kohl cũng đã nhìn nhận sự đóng góp của SPD đứng đầu là Brandt khi đó,
đã giữ phần quan trong cho tiến trình thống nhất Đức và hòa bình giữa
Đông và Tây Âu.[12]
Điều này cho thấy, chế độ DCĐN đã giúp Đức thay đổi chính quyền trong
trật tự và từ đó dẫn tới những thay đổi trong chính sách đối nội và đối
ngoại hợp lí hơn. Trái với lập luận rất sai lầm của những người cầm đầu
chế độ toàn trị CSVN cho rằng, đa đảng chỉ dẫn tới rối loạn!
Nói tới sự thành công của Đức xuyên qua chế độ DCĐN và KTTT không thể
không nói tới sự tiến lên của EU trên 60 năm vừa qua. Như phần mở đầu
đã khái lược, nhờ sự thông minh và tầm nhìn xa nên nhiều nhà lãnh đạo
Tây Âu, đặc biệt là giữa Pháp và Đức, đã cùng với Hoa kì biết chuyển thù
thành bạn. Các nước DCĐN chính ở Âu châu đã từng bước thấp đến cao, nhỏ
đến lớn khởi đầu từ 6 nước nay lên tới 27 nước với nửa tỉ người; từ
liên kết chỉ trong vài lãnh vực thương mại, rồi từng bước mở rộng hợp
tác trong kinh tế, tài chính, tiền tệ, ngoại giao và quốc phòng. Sau các
cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chánh, Brexit và bất đồng về chính sách
tiếp nhận người tị nạn Phi châu, trong Hội nghị Thượng đỉnh mới nhất của
EU vào giữa tháng 6 vừa qua cho thấy đã có những chuyển biến tích cực
sau những thất bại của các đảng cực hữu trong các cuộc bầu cử ở Pháp và
Hòa lan. Tổng thống mới của Pháp E. Macron và Thủ tướng Đức Merkel, hai
đầu tầu của EU, đã đưa ra những đề nghị cải tổ quan trọng về kinh tế,
tài chánh và quốc phòng để đối phó với căng thẳng ở Âu châu và thế giới
do một số những chính quyền độc tài cực hữu gây ra như Putin (Nga),
Erdogan (Thổ nhĩ kì) và chủ trương rất cực đoan và thiển cận của tân
Tổng thống Trump.
***
Khi so sánh cuộc sống của nhân dân ở Đức và VN về mức sống vật chất,
an sinh xã hội và các quyền tự do căn bản của con người thì ai cũng thấy
sự khác biệt như ngày với đêm, trắng với đen. Sau 70 năm xây dựng xã
hội DCĐN và KTTT, tuy chưa phải là tuyệt hảo, nhưng đại đa số nhân dân
Đức có đời sống vật chất và phúc lợi rất cao, nhân phẩm và các quyền tự
do dân chủ được tôn trọng và bảo vệ. Các cuộc thay đổi chính quyền từ
chính đảng này sang chính đảng khác diễn ra rất trật tự và ổn định qua
các cuộc bầu cử dân chủ và tự do cho mọi thành phần trong xã hội Đức.
Những thay đổi chính sách về kinh tế, xã hội, ngoại giao và quốc phòng
cũng diễn ra ở những mức độ và giai đoạn khác nhau, nhưng đều có tác
dụng đưa nhân dân Đức hạnh phúc hơn, các quyền tự do căn bản được tôn
trọng hơn, ý thức trách nhiệm cao trong khu vực và quốc tế. Nhờ vậy từ
một đống tro tàn, hận thù và chia cắt sau Thế chiến 2, nay Cộng hòa liên
bang Đức đã thống nhất đất nước trong hòa bình, trở thành một cường
quốc kinh tế, khoa học tiến bộ và là một cột trụ trong EU, được cộng
đồng quốc tế nể trọng.
Trong khi đó tại VN cũng trong khoảng thời gian này, nhưng dưới chế
độ độc đảng toàn trị đã tôn thờ bạo lực và gây hận thù giữa các thành
phần dân tộc, xô đẩy đất nước hết cuộc chiến tranh tàn bạo này sang cuộc
chiến tranh tàn khốc khác. Tuy đất nước đã thống nhất trên 42 năm,
nhưng các người khác chính kiến vẫn bị đàn áp tàn bạo, khinh thường nhân
dân; thực hành các chính sách kinh tế cực kì sai lầm với cái đuôi XHCN.
Chính chế độ độc đảng toàn trị đang đẩy VN rơi vào kinh tế tụt hậu,
khoa học lạc hậu, bọn quan đỏ tham nhũng tiền bạc và quyền lực đang trở
thành các trọc phú. Trong khi ấy đa số nhân dân vẫn phải sống trong
nghèo nàn, nhân phẩm bị vùi dập và bị tước đoạt các quyền tự do dân chủ
căn bản!
Con đường nào, thể chế chính trị và kinh tế nào biến trần thế thành
thiên đàng hay biến thế gian thành địa ngục? Câu trả lời đã rất rõ khi
nghiêm túc đối chiếu và so sánh trong mọi lãnh vực giữa Đức và VN trong
70 năm qua. Một bên là chế độ Dân chủ Đa nguyên và Kinh tế Thị trường,
còn bên kia là chế độ độc đảng toàn trị và Kinh tế Thị trường Định hướng
XHCN!
26.6.17
Ghi chú:
[1] . Der neue Fischer Weltalmanach 2017, trang (tr.) 101 và 502
[1] . Der neue Fischer Weltalmanach 2017, trang (tr.) 101 và 502
[2] . Công an nhân dân 20.6.17
[3] . như 1
[5] . Diễn văn của Tổng thống Đức J. Gauck ngày 23.5.13 tại Lễ kỉ niệm "150 năm đảng Xã hội Dân chủ Đức, http://dcpt.org/thoisu/baithoisu2013/dienvan.htm
[6] . Như 5
[7] . Như 1, tr. 101
[8] . Như 4
[9] . http://www.sueddeutsche.de/medien/jahre-spiegel-affaere-der-tag-an-dem-die-republik-erwachte-1.1475071
[10] . http://www.deutschlandfunk.de/der-grosse-coup-des-konrad-kujau.724.de.html?dram:article_id=99093
[12] .Hans-Dietrich Genscher, Erinnerungen, Siedler Verlag 1995, tr. 207 tiếp; Willy Brand, Erinnerungen, Ulstein 1993, tr. 315 tiếp
Nguồn:https://vietbao.com/p112a269314/cong-hoa-lien-bang-duc-co-che-chinh-tri-kinh-te-va-cach-van-hanh-xa-hoi-cua-mot-nuoc-dan-chu-da-nguyen