Thỏa Ước Paris và Đường Đi của Hoa Kỳ

Nguyễn Xuân Nghĩa

Thỏa Ước Paris và Đường Đi của Hoa Kỳ

Quyết định của Trump không bất ngờ, phản ứng của thiên hạ mới bất ngờ...

Sau nhiều đắn đo, hôm đầu tháng, Tổng thống Donald Trump quyết định triệt thoái khỏi Thỏa ước Paris mà Chính quyền Barack Obama đã ký kết ngày 12 Tháng 12 năm ngoái nhưng không đưa qua Thượng viện biểu quyết. Quyết định ấy khiến ông Trump bị nhiều nơi đả kích và trong nước Mỹ thì gây tranh luận về vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ. Thật ra, con đường lãnh đạo ấy không là đường thẳng và ta nên nhìn lại sự thể từ nhiều giác độ khác nhau trong lịch sử.


Từ thời lập quốc đến gần đây, Hoa Kỳ luôn luôn nghi ngờ các định chế quốc tế vì cho rằng các định chế đó có thể hạn chế quyền lực hay quyền lợi của mình. Là một quốc gia dân chủ, cơ chế Lập pháp đại diện cho người dân có thể bác bỏ các đề nghị quốc tế bên Hành pháp.

Thí dụ như cuối Thế chiến I, Thượng viện Mỹ bỏ phiếu chống Hòa ước Versailles do ba đồng minh là Anh, Pháp, Mỹ ký kết, và không phê chuẩn Công ước thành lập Hội Quốc Liên (League of Nations), tiền thân của tổ chức Liên Hiệp Quốc sau này. Bên trong Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an cũng có thể bị tê liệt vì lá phiếu phủ quyết của một trong năm hội viên thường trực, là điều quốc gia sáng lập là Hoa Kỳ phần nào trù tính vì không muốn một tổ chức quốc tế hạn chế quyền lợi quốc gia.

Gần đây hơn, Nghị định thư Kyoto – tiền thân của Thỏa ước Paris ngày nay – cũng được Chính quyền Bill Clinton ký kết năm 1998 nhưng không được Thượng viện phê chuẩn và một năm sau khi nhậm chức, Tổng thống George W. Bush quyết định không chấp hành cam kết Kytoto. Năm 2000 Tổng thống Clinton cũng ký Thỏa ước Rome lập ra Tòa án Quốc tế (International Court of Justice) nhưng không được Quốc hội phê chuẩn và Hoa Kỳ vẫn không là thành viên của Tòa án này.

Trở lại chuyện ngày nay, Thỏa ước Paris do đại diện các nước soạn thảo sau nhiều năm đàm phán là văn kiện không thể áp dụng.

Các nước đã phê chuẩn thì mơ hồ cam kết tiết giảm lượng thán khí carbon dioxide, nhưng theo mức tự nguyện của từng nước mà không bị chế tài nếu vi phạm. Thỏa ước thiếu đặc tính cưỡng hành (binding), còn thua Nghị định thư Kyoto. Nói cách khác, đây là Thỏa ước vô quyền. Nhưng, Tổng thống Barack Obama vẫn ký trước khi mãn nhiệm mà không đưa qua Thượng viện biểu quyết và… vi phạm một quy định của chính Thỏa ước, là các thành viên phải chấp thuận (qua thủ tục phê chuẩn).

Những người chống quyết định của ông Trump đưa ra nhiều luận cứ hơi lạ, mà đáng tìm hiểu.

Trong Thỏa ước Paris, Chính quyền Obama cam kết là tới năm 2025 Hoa Kỳ sẽ giảm lượng khí thải khoảng 26-28% so với mức của năm 2005. Đây không là điều bất khả vì nếu các doanh nghiệp liên can, các tiểu bang sản xuất và chính cử tri muốn giảm lượng thán khí thì sẽ bố trí hệ thống sản xuất, ban hành luật lệ áp dụng và người dân sẽ bầu cho các đại diện để thực hiện điều này. Tiến trình tự do của thể chế dân chủ cho phép người ta cải thiện sinh hoạt nhờ sự đồng thuận. Các quốc gia khác cũng vậy, nếu họ có dân chủ.

Tại Hoa Kỳ, nhiều tổ hợp năng lượng như Exxon, Chevron hay BP đã thấy vậy và tiến hành cải cách. Giới bảo vệ môi sinh hay cánh tả có chủ trương can thiệp quốc tế công kích ông Trump bằng cách viện dẫn hậu thuẫn của các tập đoàn dầu khí đó là điều hơi lạ - mà họ chẳng thấy là kỳ!

Những người triệt để nhất thì đả kích Tổng thống Trump là làm biến đổi nhiệt độ và hủy hoại địa cầu. Hiện tượng nhiệt hóa quả là một vấn đề nghiêm trọng và đáng quan tâm. Nhưng đòi giải quyết mối nguy này bằng một văn kiện vô quyền thì có lẽ người ta tin vào cõi ảo.

Một số người khác thì đem Trung Cộng ra dọa: ông Trump tạo khoảng trống cho Bắc Kinh lãnh đạo trật tự thế giới nhất là sau khi Tập Cận Bình phô trương tiềm năng của Sáng Kiến Đái Lộ (Con Đương Tơ Lụa Mới), ra sức quân sự hóa vùng biển Đông Nam Á và sản xuất thêm hàng không mẫu hạm. Thực tế thì chưa ai biết Trung Cộng sẽ hoàn thành Sáng Kiến Đái Lộ ra sao, với bao nhiêu tiền, và làm sao giải quyết nạn ô nhiễm môi sinh quá nặng trong lãnh thổ.

Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới trong một lãnh vực là hủy hoại môi trường sinh sống và chỉ có hai hàng không mẫu hạm khá tồi so với 11 đơn vị của Mỹ. Dưới sự lãnh đạo của Donald Trump, Hoa Kỳ có thể thua kém nghệ thuật tuyên truyền về thế lực của mình. Nhưng thực lực thật ra quan trọng hơn thế lực trên mặt báo hay màn ảnh.

Nói đến thực lực, truyền thông than vãn về sự thoái vị của nước Mỹ nhưng coi mối nguy của Cộng sản Bắc Hàn như một thách đố cho cá nhân ông Trump. Thật ra, Hoa Kỳ là siêu cường đang ráo riết đối phó với mối nguy đó, đang lãnh đạo việc chiến đấu và tiêu diệt tổ chức xưng danh Nhà Nước Hồi Giáo. Binh lính Mỹ đang hiện diện tại Đông Á và Tây Âu - để bảo vệ nước khác. Hoa Kỳ cũng đóng góp nhiều nhất cho Minh ước NATO và tiết giảm khí thải bằng những cải tiến thường trực.

Nhìn trên toàn cảnh, người ta có thể lo ngại rằng Chính quyền Trump phân vân giữa hai ngả. Một là chủ trương Nước Mỹ Trên Hết mà ông đã hứa hẹn khi tranh cử. Hai là chủ trương hợp tác quốc tế có chọn lọc mà ông áp dụng khi cầm quyền. Báo chí thổi phồng mâu thuẫn đó qua lập trường đối nghịch của Cố vấn Steve Bannon với hai Tổng trưởng Ngọai giao và Quốc phòng là Rex Tillerson và Jim Mattis. Việc triệt thoái khỏi Hiệp ước TPP và Thỏa ước Paris được suy diễn như sự thắng thế của chủ trương Nước Mỹ Trên Hết. Mối quan ngại đó quả là có thật. Nhưng, các quốc gia đối thủ của Hoa Kỳ lại quan ngại điều khác: chẳng biết Mỹ muốn làm gì vì nay thì nói này mai lại nói khác và nhiều khi ra đòn mà chẳng nói trước!

Riêng người viết này thì lo ngại trò chơi Twitter của một người lãnh đạo cứ tản lực về chuyện lặt vặt!