Frank Bösch *
Die Zeit số 25 (14.06.2017)
Dịch giả Pham Hồng Lam
Các tấm hình đã khiến dấy lên một làn sóng liên đới nơi người Đức: Những người tị nan chen chúc nhau trong những con thuyền quá tải, đàn ông đàn bà ướt như chuột lột đang lôi kéo nhau vào bờ, những gia đình tiều tuỵ dưới những căn lều vội vã dựng lên trong các trại tạm cư. Đó là những thuyền nhân, nhưng họ không đến từ biển Địa Trung, mà từ nước Việt Nam cộng sản, một phần đến từ Cam-bốt. Sự sẵn sàng giúp đỡ của dân chúng Tây Đức lớn lạ lùng.
Họ rộng tay tặng tiền, hăng hái tham gia vào đạo quân vớt người trên biển và nhận những người Việt vào chẳng cần phải qua thủ tục tị nạn rắc rối. Thuyền nhân việt là những nhóm người tị nạn khá lớn không phải người âu châu vào Đức. Quả là ngạc nhiên lúc đó, trong hai năm 1979 và 1980, chính những người trong đảng CDU (Liên Minh Dân Chủ Ki-tô Giáo) lại là thành phần sẵn sàng nhất chịu nhận và giúp đỡ hội nhập cho thuyền nhân việt. Như vậy, sự mở rộng vòng tay nhân ái của Angela Merkel năm 2015 chỉ là một tiếp nối tấm gương trước đây của những người trong Đảng của Bà.
Cũng như trong mấy năm vừa qua, sự dấn thân giúp đỡ thời đó đã không xẩy ra ngay. Ngay từ 1975, sau khi cộng sản miến Bắc thắng ở miền Nam, nhiều người dân đã bỏ nước ra đi. Đa số thuyền nhân đã được Hoa-kì nhận; nước này thúc ép Cộng Hoà Liên Bang Đức nhận cho một vài ngàn người. Nhưng chính quyền liên minh SPD (Đảng Dân Chủ Xã Hội) và FDP (Đảng Tự Do) của thủ tướng Helmut Schmidt (SPD) lúc bấy giờ ngần ngại. Trong vòng ba năm sau đó họ chỉ nhận 1300 người Việt vào Đức.
Cuối 1978 lượng thuyền nhân tăng nhanh. Rốt cuộc có trên dưới 1,5 triệu người tị nạn lây lất trong các trại tạm cư trong các nước lân bang, nhiều người phải bỏ xác trên biển. Trước những bản tin thương tâm hàng ngày, các chính trị gia CDU yêu cầu chính phủ tăng ngân sách giúp tị nạn và nhận họ vào nước. Ngày 24.11.1978 thủ hiến Ernst Albrecht (CDU) của bang Niedersachsen làm một quyết định đột phá: Ông cho nhận ngay lập tức 1000 người Việt tị nạn vào tiểu bang mình. Bộ trưởng nội vụ tiểu bang Wilfried Hasselmann đích thân sang các trại tạm cư ở Đông Nam Á để bay đồng hành với họ về Đức. Tới nơi, những người tị nạn được các chính trị gia lãnh đạo của Tiểu Bang chào đón trong một buổi lễ long trọng. Các tấm hình chụp bà Merkel với người tị nạn Si-ri trên máy điện thoại cầm tay (selfies) vừa rồi hoàn toàn chẳng là gì cả so với những bức hình thời đó. Ernst Albrecht lấy tình bác ái ki-tô giáo để biện minh cho quyết định của ông.
Sự dấn thân của ông cho thấy có nhiều chuyện không phải là không thể làm được. Cả các chính trị gia CDU khác giờ đây cũng câu thúc chính quyền Schmidt phải mau mắn nhận người tị nạn từ Đông Dương. Tổng thống Richard Stüklen (CSU: Liên Minh Xã Hội Ki-tô Giáo) năm 1979 cũng khuyến khích nhận ngay cả những người được các tàu ngoại quốc vớt, như tàu Ile de Lumière của Pháp. Ở Quốc Hội Âu Châu các thành viên của liên minh các đảng xã hội ki-tô giáo yêu cầu gởi tàu ra biển đông để cứu vớt những người tị nạn.
Không chỉ có nói mà thôi. Lúc đầu, các bang do CDU nắm quyền nhận nhiều tị nạn hơn các bang do SPD nắm. Nổi bật nhất là bang Niedersachsen. Nhưng rồi bang Baden-Würtemberg với thủ hiến Lothar Späth năm 1979 tăng lên gấp đôi số lượng người nhận vào, đổ thêm tiền cho con tàu nhân đạo của Hồng Thập Tự đang giúp tị nạn trên biển đông và lập một văn phòng điều hợp các sáng kiến giúp đỡ của công chúng và chính quyền. Các bang do CDU lãnh đạo khác như Schlegwig-Holstein, Rheinland-Pfalz và Bayern cũng quyết định gia tăng số lượng người nhận vào.
Những hành động liên đới của đảng viên CDU thời đó gợi nhớ tới những hành động của các nhóm khuynh tả. Năm 1979 Liên Đoàn Sinh Viên Xã Hội Ki-tô Giáo (RCDS) mở chiến dịch „Hãy Giúp Người Việt“, Đoàn Thanh Niên (JU) của liên minh hai đảng xã hội ki-tô giáo tung ra đi tìm nhà, tìm việc làm và gia đình đỡ đầu cho người tị nạn. Họ bán cả gạo để lấy tiền và đốc thúc vị chủ tịch của họ là Matthias Wissmann phải nhận 50 000 người tị nạn và lập „cầu không vận“ để đưa họ tới Đức. Cùng với dân biểu Elmar Pieroth (CDU), Wissmann lập Văn Phòng Việt Nam (Vietnam-Büro e.V) để gom tiền và tìm việc cho người Việt.
Đâu là động cơ của tinh thần sẵn sàng giúp đỡ đó?
Yếu tố quyết định, là CDU và những người tị nạn việt nam cùng có chung một kẻ thù: chủ nghĩa cộng sản. Hình ảnh những gia đình vô vọng và tin tức về những cuộc hãm hiếp gợi họ nhớ về những cuộc tản cư cưỡng ép của người Đức phải rời các vùng quê cha đất tổ ở phía đông trước đây. Nhiều người, chẳng hạn như Helmut Kohl lúc đó là chủ tịch của khối CDU/CSU trong Quốc Hội, lấy kinh nghiệm tị nạn riêng cá nhân để biện minh cho lời kêu gọi của mình. Cũng với lí do đó lãnh đạo của các hội tị nạn người Đức như dân biểu Herbert Hupka và Herbert Czaja lên án tình trạng bất nhân ở Việt Nam.
Một yếu tố khác không kém quan trọng, là người Việt cũng như người Á Đông được tiếng chăm chỉ và có mức học vấn tương đối cao. Cũng vì có kẻ thù chung, năm 1980 CDU/CSU yểm trợ mạnh mẽ những người A-phú-hãn bị đàn áp bởi chính quyền cộng sản nước này, nhưng đã không chủ trương nhận họ vào nước.
Đồng thời với những tin tức từ Việt Nam, truyền hình nước Đức chiếu loạt phimHolocaust (Quốc-xã giết người Do-thái) của Hoa-kì. Sự thành công của bộ phim cũng ảnh hướng tích cực trên vấn đề thuyền nhân: đây đó thuyền nhân việt được gọi là „những người Do-thái từ đông phương“. Các dân biểu CDU của Vietnam-Büro e.V. lí luận: „Nếu ngồi yên không làm gì là chúng ta cùng có tội đối với một vụ Holocaust mới. vì lúc này ước chừng mỗi ngày có khoảng 2000 thuyền nhân chết trên biển.“
Đảng viên dân chủ ki-tô giáo tố cáo các nhóm khuynh tả đã chống lại cuộc chiến của Mĩ ở Việt Nam trong thập niên 60‘ và giờ đây lại im tiếng. Quả thật, Đảng Xanh mới thành lập đã chẳng đá động gì tới số phận của thuyền nhân. Và phía những người trước đây chống chiến tranh có người còn tỏ ra khó chịu đối với những người tị nạn. Chẳng hạn nhà thần học Helmut Gollwitzer nói tới cuộc trốn chạy „của thành phần thượng lưu và những thương lái người hoa“. Và tờ báo khuynh tả konkret nói theo giọng điệu của Đảng Cộng Sản đông đức (SED): „Nhiều thuyền nhân là đám buôn lậu, chủ nhà chứa và tay sai của Mĩ, chúng dùng tiền mua vé lên bờ mới.“ Nhà văn Heinrich Böll trả lời với giọng nhân từ không phe phái: „Tôi cũng sẵn sàng cứu một tay chủ chứa đang chết đuối. […] Ngay cả tay diệt chủng Eichmann đang có nguy cơ chết đuối tôi cũng kéo lên.“
Việc nhận tị nạn được hỗ trợ bởi các nhà báo thuộc nhiều khuynh hướng. Trước hết phải nói tới Ruprecht Neudeck, một biên tập viên công giáo của đài phát thanh đức. Hội „Một Con Tàu Cho Việt Nam“ của ông dùng tiền quyên góp tài trợ cho con tàu vang danh Cap Anamur. Cho tới 1982 nó vớt được 9507 thuyền nhân, đa số trong họ đã tới Đức. Neudeck hành động vượt trên các đảng phái và vô chính trị. Ông được sự yểm trợ của các chính trị gia CDU và của cả Johannes Rau (SPD) và nhà văn Heirich Böll. Báo Bildhăng hái đăng tin tức của Hội; nhiều báo chí của công ti xuất bản Springer quảng cáo cho Hội. Chỉ trong vòng mấy tháng Hội nhận được bảy triệu đức mã tiền quyên tặng.
Tuần báo ZEIT cũng nhập cuộc. Josef Joffe, lúc đó là biên tập viên của mục Hồ Sơ Phóng Sự, bay sang thăm các trại tạm cư ở Đông Nam Á. Sau đó tờ báo mở chiến dịch lạc quyên. Hai nữ biên tập viên Gabrielle Venzky và Margrit Gerste bay sang Kuala Lumpur, để mang 274 người Việt ngoài hạn số của chính quyền vào nước Đức. Bà chủ phát hành tờ báo, bá tước Marion Dönhoff, gợi nhớ lại những kinh nghiệm bị đuổi khỏi quê của mình sau năm 1945. Chỉ trong hai tháng, toà soạn đã quyên được 2,2 triệu đức mã; họ lấy tiền đó trả phí chuyên chở, tiền bác sĩ chăm sóc và trợ giúp thêm cho người tị nạn.
Chính quyền đức vẫn chần chừ. Dù bị công luận thúc ép, lúc đầu họ chỉ chấp thuận nhận ở mức vài ngàn người. Schmidt và bộ trưởng ngoại giao Hans Dietrich Genscher (FDP) luôn nhấn mạnh, Đức đã nhận quá nhiều những công dân tị nạn lẫn hồi hương của mình cũng như nhiều người ngoại quốc quá rồi. Thay vào đó họ cho tăng ngân sách tài trợ cho các trại tạm cư ở ĐNA. Chỉ riêng 1979, số tiền tăng gấp ba lên tới 64 triệu đức mã. Chỉ sau cuộc hội nghị của Liên Hiệp Quốc ở Genève Đức mới đồng ý nhận 10 000 người tị nạn đông dương. Do sức ép công luận, mức đó được tăng lên dần dần. Bộ Ngoại Giao một mặt chỉ trích việc làm của Cap Anamur, nhưng chịu nhận những người được tàu này cứu vớt. Nhân viên toà đại sứ đức tại các nước đông nam á tham gia hỗ trợ việc nhận người. Chẳng bao lâu có tới 30 000 tị nạn việt nam ở Đức. Những người khác tiếp tục tới, nhất là những người trong diện đoàn tụ.
Cho tới lúc đó người ta gần như chỉ biết tới người nhập cư qua khái niệm „thợ khách“. Giờ đây chính quyền phải đặt ra các chương trình hội nhập cho việc định cư lâu dài. Người Việt thời đó được cấp giấy phép lao động có thời hạn 5 năm. Họ có thể xin học bổng, được nhận những khoản trợ cấp xã hội và trợ cấp học nghề. Chỉ riêng cho việc dạy tiếng Đức cho người tị nạn chính phủ tốn 15 000 đức mã cho một đầu người. So với các nhóm nhập cư khác, việc hội nhập của người Việt rất khả quan: năm 2013 có hai phần ba thiếu niên người gốc việt vào trung học tổng hợp (Gymnasium).
Thời đó, cũng như thời nay, đã có một làn sóng chống người tị nạn nổi lên. Trong khi nhóm người này hô hào đón nhận người, thì cũng có những nhóm khác la lên „Thuyền (nước Đức) đã đầy rồi“. Số người tị nạn và lượng thất nghiệp gia tăng khiến cho tinh thần bài ngoại cũng lên cao. Đặc biệt đảng CSU giờ đây phàn nàn về những người „tị nạn kinh tế“. Cả chính quyền của liên minh SPD và FDP cũng tỏ ra lo lắng trước sự gia tăng của người ngoại quốc, cho dù họ đã thôi không nhận thêm thợ khách từ năm 1973. Thủ tướng Helmut Schmidt khẳng định: „Nước Đức không phải là một quốc gia nhập cư và trong tương lai nó cũng sẽ chẳng muốn trở thành một quốc gia nhập cư.“
Các chính trị gia của CDU trước đây yêu cầu nhận thêm người, nay cũng đòi phải siết lại luật tị nạn. Năm 1981 hầu hết các tiểu bang từ chối nhận thêm thuyền nhân được Cap Anamur vớt, với lí do là các trung tâm chuyển cư của họ đã quá tải. Tháng ba năm 1982 quả thực các chính quyền liên bang và tiểu bang khoá chặt thêm cánh cửa nhận thuyền nhân. Chỉ có Ernst Albrecht vẫn cương quyết tiếp tục nhận thêm vào tiểu bang mình.
So với lượng „thợ khách“ thì thuyền nhân việt nam là một nhóm nhỏ. Vì thế họ lại càng được để í, đặc biệt họ bị lọt vào tầm nhắm của đám cực hữu mới. Ngay năm 1980 đã có hai người Việt chết trong một vụ hoả hoạn do ba tay khủng bố gây ra; hai thuyền nhân này được Cap Anamur vớt và do tuần báo Die ZEIT đưa về Hamburg. Những hành vi chống người tị nạn lại được lặp lại với quy mô lớn hơn kể từ năm 2013. Thoạt tiên những người tị nạn từ Si-ri được nhận vào Đức như là những thành phần hạn số (không cần qua thủ tục tị nạn) và đã được Bộ Trưởng Nội Vụ Liên Bang thời đó là Hans-Peter Friedrich (CSU) ra tận sân bay đón. Sự sẵn sàng mở rộng vòng tay lúc đó rất lớn. Người Si-ri được coi là thành phần học thức hơn người từ nhiều nước khác. Những nhà bình luận lại gợi nhớ tới những hình ảnh xua đuổi dân Đức sau năm 1945. Nhưng chẳng lâu sau đó, tình cảm chống người ngoài lại dấy lên và lại có những hạn chế nhận tị nạn. Những sự kiện này nói lên sự chao đảo của người Đức trong việc nhận người tị nạn. Nhưng từ gần 40 năm qua đã không có một chiến tuyến tả – hữu tại nước này.
* Tác giả là Giám Đốc Trung Tâm Nghiên Cứu Lịch Sử Hiện Đại ở Potsdam