TỪ CÁI CHẾT CỦA TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM ĐẾN SỰ CÁO CHUNG CỦA VIỆT-NAM CỘNG-HÒA, NGHĨ VỀ BÀI HỌC CHỦ QUYỀN CỦA ĐẤT NƯỚC.
Nguyễn Đức Cung
Trong lịch sử hiện đại Việt Nam, có hai ngày được gọi là Quốc hận,
đó là ngày 21 tháng 7 năm 1954 do Việt Minh Cộng Sản cấu kết với thực
dân Pháp chia đôi đất nước tại vĩ tuyến 17 (Bến Hải, Quảng Trị) khiến
cho một triệu người phải bỏ nhà cửa, ruộng vườn, mồ mả, thân thích đề
vào miền Tự do, qua đó hình thành hai thực thể chính trị đối kháng nhau:
Miền Bắc gọi là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và Miền Nam gọi là Việt Nam
Cộng Hòa.
Và ngày 30-4-1975 được gọi là ngày Quốc hận
vì Hoa Kỳ đã cam tâm bỏ rơi người bạn đồng minh của họ, ném Việt Nam
Cộng Hòa vào miệng chó sói Bắc Việt qua sự đạo diễn của Nixon và
Kissinger khiến cả một Miền Nam điên đảo, điêu linh với hơn một triệu
dân, quân, cán, chính VNCH vào tù CS, ba triệu người vượt biên, 500.000
người vùi xác dưới lòng biển cả hay trong rừng sâu núi thẳm và hệ quả
khốc hại vẫn còn cho đến hôm nay. Tất cả đều có liên hệ ít nhiều đến một
cái chết. Cái chết của Cố TT Ngô Đình Diệm qua vụ đảo chính quân sự
ngày 1-11-1963 cũng do Mỹ đạo diễn với bàn tay Henry Cabot Lodge nằm
trong tương quan mật thiết đến sự cáo chung của Việt Nam Cộng Hòa ngày
30-4-1975 qua mưu đồ độc hiểm của Henry Kissinger. Cái chết của Cố TT
Ngô Đình Diệm liên hệ đến vấn đề chủ quyền của Việt Nam. Bài học chủ
quyền của đất nước là bài học muôn thuở và cũng là lý tưởng đấu tranh
của Cố TT Ngô Đình Diệm lãnh hội được từ huyết thống cha ông của dòng
tộc và qua huấn giáo của những vị thầy trong lịch sử mà cố Tổng Thống
của nền Đệ Nhất Cộng Hòa từng được thừa hưởng. Một con người sống và
chết vì lý tưởng (chủ quyền của đất nước) nghĩ rằng là đơn giản nhưng
thật sự không đơn giản tí nào mà phải được trải nghiệm qua biết bao cuộc
huấn luyện từ trong gia đình đến ngoài xã hội, trên chính trường cũng
như trong va chạm với thực tế mà sự giáo dục của môi trường tôn giáo và
văn hóa xã hội ảnh hưởng vào không ít. Cái chết của Việt Nam Cộng Hòa
ngày 30-4-1975 tức tưởi, ngập tràn oan khiên nhưng cũng lại là một tất
yếu của lịch sử bởi vì những người lãnh đạo của nền Đệ Nhị Cộng Hòa
không học được và cũng không biết được giá trị của bài học chủ quyền đất
nước qua bản thân và qua kinh nghiệm của lịch sử.
1.- Một số định nghĩa hai chữ “chủ quyền quốc gia” theo tư liệu và sách vở.
Theo từ nguyên học (etymology) chữ Hán, chữ chủ 主 gồm chữ vương 王 là vua, và một dấu chấm丶 ở trên thường gọi là bộ chủ mà Thiều Chửu gọi là: “Phàm vật gì cần có phân biệt, sự cần biết nên chăng, lòng đã có định, thì đánh dấu chữ chủ để nhớ lấy… Chủ là một tiếng phân biệt mình với người trong khi giao tế, phàm sự gì mình khởi lên thì mình là chủ nhân” (Thiều Chửu, Hán Việt Tự-Điển, nhà xuất bản Đại Nam, tái bản lần thứ hai, trang 6).
Theo Linh mục Tiến sĩ Léon Wieger, chữ chủ 主 viết theo lối tượng hình gồm phần dưới tượng trưng chữ đăng 燈 cái đèn, và dấu chấm 丶 tượng hỏa 火. Bây giờ có người viết bên trái bộ hỏa, bên phải chữ chủ để chỉ cây đèn, chữ chủ có nghĩa prince (đấng quân vương), master
(ông chủ); bởi vì nói như các viên thông ngôn, 首 出 庶 物 , 萬 民 所 望 之 意
(thủ xuất thứ vật, vạn dân sở vọng chi ý) đấng quân vương nổi lên trên
đám quần chúng và được mọi người trông thấy, cũng như ngọn lửa nổi lên
và chiếu sáng trên cây đèn. “The inferior part represents a lamp, the
flame of which 王 像 燈, 丶像 火( Dr. L. Wieger, S.J. Chine Characters, Their Origin, Etymology, History, Classification and Signification. A Thorough Study From Chinese Documents, bản in năm 1965, trang 30; bản in lần đầu năm 1915).
Chữ 王 vương,
qua LM. Léon Wieger (S.J) cho biết theo người xưa, gồm một nét sổ từ
trên xuống dưới (tượng trưng cho một người là vua) nối ba nét nằm ngang
tượng trưng cho thiên, địa và nhân “According to the ancients the 王 king
is ! the one, the man who connects together 三 heaven, earth and
humanity”, See L. 83 C. – Phonetic series 87. ( Dr. L. Wieger, S.J. Chine Characters, Their Origin, Etymology, History, Classification and Signification. A Thorough Study From Chinese Documents, 1965, trang 29; Paragon Book Reprint Corp., New York, Dover Publications, Inc., New York). Chữ vương còn có thể đọc một âm khác là vượng mà theo Thiều Chửu có nghĩa “cai trị cả thiên hạ như dĩ đức hành nhân giả vượng 以 德 行 仁 者 王 (lấy đức làm nhân ấy được đến ngôi trị cả thiên hạ, Thiều Chửu, Sđd, trang 391).
Chữ quyền 權 có tám nghĩa: 1. Quả cân, 2. Cân lường, 3. Quyền biến, (trái đạo thường mà phải lẽ gọi là quyền, đối lại với chữ kinh, 4. Quyền bính, (quyền hạn, quyền thế), 5. Quyền nghi , sự gì hãy tạm làm thế gọi là quyền thả như thử 權 且 如 此, tạm thay việc của chức quan nào cũng gọi là quyền, 6. Xương gò má (Thiều Chửu, Sđd, trang 317). 7. Họ Quyền. 8. Lực lượng và lợi ích. Ở đây nên dùng nghĩa số 4.
Tuy
vậy, nhìn vào tự dạng, theo thiển ý của tác giả bài viết này có thể
thấy chữ quyền 權 được viết theo lối hội ý: chữ mộc 木 là cây, chỉ cán
cân (hệ thống đo lường Trung Hoa và VN dùng cái cân có cán gỗ, bộ thảo
đầu ở trên, dưới có hai chữ khẩu 口, chỉ người mua và người bán. bộ phận
chữ chuy 隹 ở dưới chỉ hai bàn cân. Quyền là sự thỏa thuận giữa hai người, là sự công bình của cán cân, và sự đồng thuận mới tạo nên vui vẻ, hòa bình, trong thương thảo.
Khi nói tới vấn đề chủ quyền, thông thường người ta hay liên tưởng đến chính trị, mà như Aristote có nói: “Con người là một con vật biết làm chính trị” (Man is a political animal). Với Tôn Dật Tiên, ông cho rằng: “chánh là việc của chúng nhơn, tức là việc của mọi người, trị là quản lý, và chánh trị là quản lý của tất cả mọi người." (Hùng Nguyên, Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn, chủ nghĩa quốc gia khoa học, quyển 2, 1964, trang 9).
Chủ
quyền của một cá nhân trên một vật sở hữu, trên bản thân mình hay có
liên hệ tới gia đình, vợ con, thân bằng đã là một điều cao quý mà chủ
quyền của một quốc gia lại càng quý trọng gấp bội.
Tự điển Larousse của Pháp có định nghĩa về chữ souveraineté nationale (chủ quyền quốc gia) như sau: “Souveraineté nationale, principe
du droit public francais selon lequel la souveraineté, jadis exercée
par le roi, l’est aujourd’hui par l’ensemble des citoyens.” (Tạm dịch: Chủ
quyền quốc gia, nguyên tắc công pháp Pháp quốc theo đó chủ quyền, ngày
xưa do vua điều hành, ngày nay nó là quyền của tập thể những công dân.” (Petit Larousse illustré, 1987, trang 950).
Tác giả Jay M. Shafritz trong Dictionary of American Government and Politics có đề cập đến chủ quyền (sovereignty) rằng “The
quality of being supreme in power, rank, or authority. In the United
States, the people are sovereign and government is considered their
agent. The sovereignty of the sovereign states of the United States is
largely a myth. However, because so much power on most crucial issues
now lies with the federal government. The literature on sovereignty is
immense and freighted with philosophy.” (Tạm dịch: Chủ
quyền là tính cách cao nhất trong quyền lực, ngôi vị hoặc quyền thế. Ở
Hoa Kỳ, người dân là chủ và chính quyền là đại diện. Chủ quyền của các
tiểu bang Hoa Kỳ xem ra là một huyền thoại, tuy nhiên có biết bao quyền
trong nhiều vấn đề then chốt lại nằm trong chính quyền liên bang. Tính
cách văn chương về vấn đề chủ quyền thật là bao la và được chuyển tải
trong phạm trù triết học.)
Trong tác phẩm Dân Tộc Sinh Tồn, chủ nghĩa quốc gia khoa học, Hùng
Nguyên Nguyễn Ngọc Huy cho biết John Locke (1632-1704) triết gia Anh và
Rousseau (1689-1755), triết gia Pháp đặt nền tảng quốc gia trên một bản
dân ước theo đó mọi người cùng vui lòng chấp nhận nhường quyền thiên
nhiên của mình cho xã hội, để bù lại, xã hội bảo đảm quyền lợi mình. Dựa
vào ý này, họ nêu ra thuyết chủ quyền phải thuộc về toàn thể dân chúng.
(Quyển I, 1964, trang 135). Tuy nhiên để bù đắp vào sự khiếm khuyết của
chủ trương này người ta nêu ra sự phân quyền của Montesquieu kể cả của
Locke để bảo đảm thêm quyền lợi của cá nhân của con người trong xã hội.
Chủ
quyền của một quốc gia ngoài ngoài tam quyền (hành pháp, lập pháp và tư
pháp) còn là một hệ thống tư tưởng chính trị, văn hóa được thừa hưởng
từ các triều đại đi trước hay do chế độ hiện tại đưa ra. Khả năng và tư
cách của vị lãnh tụ của đất nước không phải một sớm một chiều mà có
nhưng được tích lũy theo thời gian và kinh nghiệm cá nhân cũng như gia
đình. Nói như vậy để thấy rằng giữa nền Đệ I và Đệ II Cộng Hòa có những
cái tương phản trong tư cách của những người lãnh đạo, đường lối xử trí
công việc quốc gia biểu lộ qua khả năng, trình độ và phong thái nhân vật
nói rõ hơn tư cách của vị lãnh tụ và tác phong của những kẻ tự nguyện
đóng vai trò bù nhìn của ngoại bang.
2.- Bài học về “chủ quyền quốc gia” qua một số biến cố lịch sử.
Trong
dòng lịch sử dân tộc, chủ quyền đất nước thể hiện qua nhiều biến cố với
mỗi phong cách khác nhau. Truyền thống dân tộc thề hiện qua huyết
thống, văn hóa và tôn giáo sẽ được khái quát phân tích qua một vài sự
kiện lịch sử.
Trước hết có lẽ theo truyền thuyết người ta phải nhắc đến cuộc khởi nghĩa của bà Triệu Thị Trinh
chống nhà Ngô năm 248 khi bà hiệu triệu nhân dân quận Cửu Chân (Thanh
Hóa) nổi dậy khi bày tỏ ý chí kiên cường muốn nắm lấy chủ quyền đất nước
và quyết định số mệnh của mình bằng câu nói: “Tôi
chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông,
đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ tôi không
chịu khom lưng làm tỳ thiếp người khác.”
Cưỡi voi trận, mặc áo giáp vàng, bà đã cầm cự với quân Trung Quốc hàng
sáu tháng nhưng cuối cùng lực lượng của bà bị đánh tan, bà tuẫn tiết khi
ở tuổi hai mươi ba. Nếu câu nói trên (thực sự được kiểm chứng do phương
pháp sử học) là của bà Triệu thì trong thế kỷ thứ ba của giai đọan Bắc
thuộc, tư tưởng về chủ quyền đất nước nơi người dân cổ Việt đã xuất hiện
đặt nền móng cho các cuộc khởi nghĩa giành độc lập về sau. Câu nói của
bà Triệu, xem ra là một thổ dân ở quận Cửu Chân (Thanh Hóa) sao lại
giống câu nói của Tông Xác, viên tướng được vua Tống phong chức Chấn Võ
tướng quân, cử theo Đàn Hòa Chi đi đánh Lâm Ấp năm 436. Tác phẩm Tư Trị Thông Giám mà
Tư Mã Quang đã bỏ ra trên 30 năm để hoàn thành, có ghi lại câu nói mà,
thuở còn hàn vi, khi được người chú hỏi về chí bình sinh của mình, Tông
Xác thường nói: “Nguyện thừa trường phong phá vạn lý lãng”, 願 乘 長 風 破 萬 里 浪 nghĩa là ‘ước gì được cưỡi ngọn gió dài để xông pha làn sóng muôn dặm’. (Nguyễn Đức Cung, Lịch sử vùng cao qua Vũ Man Tạp Lục Thư, Nhà xb. Nhật-Lệ, 1998, trang 116). Ngô Sĩ Liên khi viết Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, đã lấy câu nói này của Tông Xác có trong Tư Trị Thông Giám, thêm thắt một số ý kiến và biến thành lời bà Triệu. Đây phải chăng còn là một nghi vấn lịch sử?
Rồi bài thơ của Lý Thường Kiệt
làm năm 1077 trên chiến tuyến sông Như Nguyệt để khích lệ quân Lý đánh
nhau có thêm hùng khí đối với giặc Tống được một số sách báo CS xưng
tụng là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên, nhưng thực tế phải nhường bước
cho câu nói của bà Triệu. Bài thơ được nói là của thần nhân cho, từ
trong đền Trương Hát, vọng tới ba quân của Lý Thường Kiệt như sau:
南 國 山 河 南 帝 居
截 然 定 分 在 天 書
如 何 逆 虜 來 侵 犯
汝 等 行 看 守 敗 虛.
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư!
(Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định phận tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời !)
“Trong
đêm tối, nghe vang lên từ trong miếu mấy câu thơ bí hiểm này, quân lính
ai nấy đều nức lòng. Quân nhà Tống hoảng sợ tháo chạy trước khi bị tấn
công.”
Năm 1283, khi giặc Nguyên Mông chuẩn bị sang xâm lăng nước ta lần thứ hai, Trần Hưng Đạo đã soạn xong cuốn Binh thư yếu lược trong đó có bài Hịch tướng sĩ, viết những câu tha thiết với sự tồn vong của đất nước như : “ Ta
đây, ngày thì quên ăn, đêm thì quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm
đìa, chỉ căm tức rằng chưa được sả thịt lột da của quân giặc, dẫu thân
này phơi ngoài nội cỏ, xác này gói trong da ngựa, thì cũng đành lòng.
Các ngươi ở cùng ta coi giữ binh quyền, cũng đã lâu ngày, không có áo
thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng
thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ
thì ta cho ngựa, lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì
cùng nhau vui cười… Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo,
trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc mà
không biết tức” (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, bản
in lần thứ VII, Tân Việt xb, 1964, trang 138). Trần Hưng Đạo đã lồng
chủ quyền đất nước vào chủ quyền của nhà Trần qua đó nói lên mối liên hệ
hữu cơ giữa dòng tộc cầm quyền với thuộc hạ và quần chúng ở dưới. Trần
Hưng Đạo đã thiết thực nói đến hệ quả tương ứng một khi kẻ thù bị đẩy
lui “chẳng
những là thái ấp của ta được vững bền, mà các ngươi cũng đều được hưởng
bổng lộc,, chẳng những là gia quyến của ta được yên ổn, mà các ngươi
cũng đều được vui với vợ con…” Tư liệu được ghi lại trong Đại Việt Sử Ký Toàn Thư
của Ngô Sĩ Liên qua bản dịch của Trần Trọng Kim diễn tả rõ chủ quyền
của một đất nước tiên vàn xuất phát từ trách nhiệm của nhà lãnh đạo đối
với sự sống còn chẳng những của triều đại mà còn với tương lai của bá
tánh nhân dân nữa.
Trong cuộc chiến tranh Nguyên Mông, chính nghĩa và chủ quyền của Đại Việt bộc lộ rõ nhất trong biến cố hội nghị Diên Hồng khi Toàn Thư chép rằng : “Tháng
chạp… Thượng hoàng (tức Trần Thánh tông) triệu tập những người lớn
tuổi trong nước lại ở trước điện Diên hồng, cho ăn tiệc để hỏi kế. Tất
cả đều nói: Đánh. Muôn người rập một tiếng như thốt ra bởi một miệng
vậy.” (Toàn Thư bản kỷ, q.5, tờ 44a). Qua sự kiện này rõ ràng chủ quyền nằm ở trong tay quần chúng.
Trong bài “Bình Ngô Đại Cáo” Nguyễn Trãi đã nói rõ chủ quyền, phương vị của đất nước Đại Việt như sau:
“Việc
nhân nghĩa cốt ở yên dân, quân điếu phạt chỉ vì khử bạo. Như nước Việt
ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vực đã chia, phong
tục bắc nam cũng khác. Từ Đinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập, cùng Hán,
Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương. Dẫu cường nhược có lúc khác
nhau, song hào kiệt đời nào cũng có.”
Nếu
chủ quyền vốn đã được hành sử trong tay của giới quý tộc nhà Trần và họ
đang cố giữ cho khỏi mất đã là một vấn đề khó khăn thì đến giai đoạn
kháng Minh của Lê Lợi thế kỷ XV, chủ quyền đất nước đã mất hẳn vào tay
ngoại bang nên việc lấy lại quyền làm chủ non sông Đại Việt càng khó
khăn gấp vạn lần, bởi lẽ Lê Lợi xuất thân chỉ là một nạn nhân như muôn
nghìn nạn nhân khác dưới nền đô hộ của quân Minh. Qua 10 năm kháng chiến
Lê Lợi đã thành công và lấy lại được chủ quyền bởi vì ông có một lòng
kiên quyết, biết nhận định tình hình, mưu lược, biết tiến, biết thoái,
biết sử dụng nhân lực, tài lực v.v… Nói như sử gia Nguyễn Phương : “Sự
xuất hiện của Lê Lợi trên chiến trường Việt Nam là sự xuất hiện của một
vị cứu tinh kiên gan, khôn khéo, và can đảm, mưu lược. Nhờ kiên gan,
khôn khéo, ông đã kích động và quy tụ được tiềm lực kháng chiến của nhân
dân, nhờ can đảm, mưu lược ông đã toàn thắng được giặc mạnh. Nhưng sự
xuất hiện của Lê Lợi không phải nói lên chỉ có thế. Nó còn chứng minh
tính cách tự tồn cố hữu của quốc gia Việt Nam.” (Nguyễn Phương, Đà lịch sử…Tập san Sử Địa số 1, Khai Trí xuất bản, Sài Gòn, 1966, trang 32).
Một biến cố trọng đại trong lịch sử Việt Nam nữa đó là việc Nguyễn Huệ
đại phá quân Thanh năm 1789 có liên quan mật thiết đến chủ quyền Việt
Nam. Tháng mười năm Mậu Ngọ (1788), Tôn Sĩ Nghị lấy quân bốn trấn Quảng
đông, Quảng tây, Quí châu, Vân nam khoảng 20 vạn người để tiến vào Đại
Việt. Phản ứng của Nguyễn Huệ là nổi giận xung thiên không ngần ngại
chửi bới: “Quân Ngô, đồ chó ấy, sang đây để mà chết.”
Trong
lời hiệu dụ trước ba quân, Nguyễn Huệ đã làm sáng tỏ chân lý về chủ
quyền đất nước và ý đồ tham hiểm của giặc phương Bắc như sau:
“Quân
Thanh sang lấn nước ta, hiện chúng đã đóng ở thành Thăng long các người
có biết hay không? Trong khoảng trời đất phận sao đã được định rõ
phương nam phương bắc, nước nào cai trị nước ấy. Người Tàu không phải
nòi giống nước ta, bụng họ ắt là khác hẳn. Từ đời nhà Hán đến nay họ đã
mấy phen chiếm cướp đất cát, giết hại nhân dân, vơ vét của cải. Người
nước ta không thể chịu nổi, ai cũng muốn đuổi chúng đi (…) Ngày nay quân
Thanh lại sang, định lấy nước ta đặt làm đất quận huyện của chúng,
không biết trông gương mấy đời Tống, Nguyên, Minh ngày xưa. Vì vậy ta
phải kéo quân ra đuổi. Các người đều đủ lương tri, lương năng nên phải
dốc lòng hết sức với ta để dựng công lớn, chớ quen thói cũ mang lòng nhị
tâm. Nếu như phát giác, ta sẽ tức khắc giết chết, không tha một người
nào. Đừng trách ta không bảo trước”. (Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam, từ 1771 đến 1802, Văn Sử Học, 1973, trang 169).
Cũng trong lời hiệu dụ đó, Nguyễn Huệ khẳng định quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước: “
…Đánh cho nó chích luân bất phát;
Đánh cho nó phiến giáp bất hoàn;
Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ.”
Và với lực lượng của ông hơn 10 vạn, Nguyễn Huệ đã viết lịch sử chiến thắng một cách vẻ vang trước bọn Thanh xâm lược.
Tuy nhiên tác giả Tùng Phong (Ngô Đình Nhu) trong “Chính Đề Việt Nam” đã viết về “tâm lý thuộc quốc” từng ghi rằng: “Họa
xâm lăng đe dọa dân tộc chúng ta đến nỗi, trong một một ngàn năm lịch
sử từ ngày lập quốc, trở thành một ám ảnh cho tất cả các nhà lãnh đạo
của chúng ta. Và do đó mà lịch sử ngoại giao của chúng ta lúc nào cũng
bị chi phối bởi một tâm lý thuộc quốc. Hai lần Lý Thường Kiệt và Nguyễn
Huệ tìm cách đả phá không khí lệ thuộc đó. Nhưng mặc dầu những chiến
công lừng lẫy và tài ngoại giao rất khéo, hai nhà lãnh đạo trứ danh của
dân tộc cũng phải khuất phục trước thực tế.” (Tùng Phong Ngô Đình Nhu, Sách đã dẫn, trang 77)
Cũng
trong tác phẩm nổi tiếng đó, Tùng Phong (Ngô Đình Nhu) còn viết về tâm
lý thuộc quốc một lần nữa và đưa ra một kiến giải mới như sau: “Tâm
lý thuộc quốc bắt đầu từ hai sự kiện. Tương quan lãnh thổ và dân số
giữa hai quốc gia là một nguyên nhân tự ty mặc cảm. Sự lệ thuộc của Việt
Nam đối với văn hóa Tàu là một lý do khác. Tương quan lãnh thổ và dân
số là hai điều kiện vật chất hiển nhiên khó thay đổi được. Tuy nhiên,
trong khung cảnh chính trị của thế giới ngày nay, sự bang giao giữa Việt
Nam và Trung Hoa không còn nằm trong khuôn khổ xưa nữa và không còn là
một sự kiện chỉ liên quan đến hai quốc gia.
Trong
lĩnh vực văn hóa, một dân tộc lớn hay nhỏ, do sự góp phần nhiều hay ít
của dân tộc ấy vào di sản của văn minh nhân loại. Trong lịch sử cổ Hy
Lạp, thành Athen nhỏ bé được tôn sùng là người hướng đạo của dân tộc hy
Lạp, vì sự góp phần to tát vào di sản văn minh Hy Lạp. Điều kiện văn hóa
này, chúng ta có thể chủ động được, miễn là công cuộc phát triển của
dân tộc thực hiện được. Và thế hệ của chúng ta có thể có đủ điều kiện và
hoàn cảnh để thực hiện ý chí của Lý Thường Kiệt và Nguyễn Huệ, tiêu
diệt tâm lý thuộc quốc đã mấy ngàn năm bao trùm dân tộc và ám ảnh các
thế hệ lãnh đạo của chúng ta. Xem thế, chúng ta càng ý thức tính cách
quan trọng của công cuộc phát triển dân tộc trong giai đoạn này.” (Tùng Phong-Ngô Đình Nhu, Sách đã dẫn, trang 110).
Trong
lịch sử cận đại, chủ quyền đất nước giai đoạn Pháp thuộc nằm gọn trong
tay người Pháp và đã có biết bao phong trào đấu tranh, tổ chức cách
mạng, nhân vật lịch sử dấn thân tranh đấu để giành lại trong gần một thế
kỷ. Những người muốn vinh thân phì gia hay cốt tìm miếng đỉnh chung thì
dù hoạt động trong môi trường chính trị họ chỉ nhìn chủ quyền đất nước
như là một chiêu bài để hoàn thành công việc của một đầy tớ với một ông
chủ, còn những người có tâm huyết thực sự sống chết đối với đất nước, họ
nhìn chủ quyền quốc gia là một lý tưởng phải tôn thờ, trân quý và xả
thân phục vụ. Công cuộc phát triển dưới thời TT Ngô Đình Diệm cho thấy
nỗ lực phá bỏ tâm lý thuộc quốc đối với Trung Hoa hay đối với Hoa Kỳ bộc
lộ qua đoạn văn nói trên dưới ngòi bút của Ngô Đình Nhu vẫn còn giá trị
hiện thực đối với đất nước VN ngày nay.
3.- Sự cần thiết trong rèn luyện kỹ năng chính trị và dấu ấn của những người đi trước…
Trong cuốn Tam Tự Kinh,
một cuốn sách mà Tiến sĩ Phùng Hữu Lan (Fung Yulan 1895-1990) cho là
căn bản của triết lý đạo học Trung Quốc, chúng ta đọc thấy câu “Nhân bất học, bất tri lý”
để nói lên rằng sự học là rất cần thiết. Nghề nghiệp tay chân cũng phải
học, phải rèn luyện huống chi là việc dấn thân vào con đường chính trị
lại càng phải học nhiều hơn nữa, học nữa, học mãi.
Ở
Hy Lạp, một nhà hiền triết, Plato (428-347 trước Công Nguyên) đã từng
đề nghị đào tạo một lớp chuyên viên lãnh đạo chính trị, những người
không phải chỉ được huấn luyện về nghệ thuật chỉ huy mà còn phải được
huấn luyện và có một truyền thống về một triết lý sống tốt đẹp. (Barbara
W. Tuchman, The March of Folly: From Troy to Vietnam (1984), Trần Bình Nam, Con đường tự diệt, Trang web Thông-Luận, 24-04-2006).
Một triết gia lừng danh thời cổ Hy-Lạp, học trò của Plato, Aristote (384-323) từng nói “Con người là một con vật biết làm chính trị” (Man is a political animal) và nhà cách mạng Tôn Dật Tiên của Trung Hoa (Sun Yat-sen 1866-1925) cũng có phát biểu : “Chánh là việc của chúng nhơn, trị là quản lý, và chánh trị là quản lý của tất cả mọi người.” (Hùng Nguyên, Chủ nghĩa Dân tộc Sinh tồn, chủ nghĩa quốc gia khoa học, Quyển II, 1964, trang 9).
Như
vậy chính trị là việc ai cũng làm được vì đó là điều “sinh nhi tri chi”
và là bổn phận của mọi người, trong khi đó một nhà đại hiền triết Á
Đông, Khổng Tử, tuy không phản đối các quan niệm nói trên, nhưng lại
nhấn mạnh rằng những người làm chính trị cần phải có khả năng và được
huấn luyện nghĩa là : “Phải học trước rồi mới làm chính sự. “ Trong thiên Tiên Tiến của cuốn Luận Ngữ, có ghi lại câu chuyện như sau: “Tử
Lộ sử Tử Cao vi Phí tể. Tử viết: “Tặc phù nhân chi tử”. Tử Lộ viết:
“Hữu dân nhân yên, hữu xã tắc yên, hà tất độc thư nhiên hậu vi học?” Tử
viết: “Thị cố ố phù nịnh giả”. 子 路 使 子 羔 爲 費 宰 . 子 曰 : 賊 夫 人 之 子. 子 路 曰, 有 民 人 焉 , 有 社 稷 焉 , 何 必 讀 書 , 然 後 爲 學.子 曰, 是 故 惡 夫 侫 者 .
Dịch : Tử Lộ (làm gia thần họ Quý), tiến cử Tử Cao làm quan tể đất Phí. Khổng tử trách: “Như vậy là làm hại con người ta”
(vì Tử Cao chưa học được bao, chưa làm quan được). Tử Lộ bảo: “(Làm
chức tể thì) có nhân dân để trị, có thần xã (đất đai), tắc (mùa màng) để
thờ (đó là học), hà tất phải đọc sách rồi mới gọi là có học?”Khổng tử
nói: “Vì thế mà ta ghét những lời lợi khẩu (cưỡng lý để tự biện hộ)”. (Nguyễn Hiến Lê, Khổng Tử & Luận Ngữ, Nhà xb Văn Học, 2003, trang 404).
Linh mục Tiến sĩ Séraphin Couvreur, S.J. trong bản dịch bộ Tứ Thư tái bản ở Paris năm 1981 (Les Quatre Livres de Confucius), đã bổ túc một vài chữ giải thích trong đoạn trích trên như sau: “Tzeu Iou avait nommé Tzeu kao gouverneur de la ville de Pi. Le Maitre dit: “C’est faire grand tort à ce jeune et à son père.”… (trang 193). Linh mục Couvreur là một nhà Trung Hoa học nổi tiếng trong thế kỷ trước, đã cho biết con người ta mà cụ Nguyễn Hiến Lê nói không rõ lắm đó là “người trẻ đó và cha anh ta” (ce jeune et son père).
Về sau người ta lại có thể hiểu đoạn văn đó là : Khổng tử chủ trương rằng ”phải
học trước đã rồi mới làm chính sự được. Nếu kẻ vô học cai trị dân thì
theo Khổng Tử, thế là “làm hại con người ta” (Tiên Tiến, XI/24). (Hoàng Văn Lân, 7 luận điểm về kẻ sĩ trong học thuyết Khổng Tử, Trang điện tử Talawas, 10-3-2007). Con người ta ở đây là bàn dân thiên hạ, là các thế hệ tương lai, khắp nơi, khắp chốn.
Lời nói của Khổng Tử thật là sâu sắc, tuy ngắn nhưng có nhiều gợi ý và điều này cũng nói lên giá trị ngàn đời của cuốn Luận Ngữ, và ngài được vua Khang Hi (1654-1722) phong bốn chữ “Vạn Thế Sư Biểu” cũng là đúng thôi.
Ngày
nay trong các trường đại học trên thế giới nhất là Hoa Kỳ đều có dạy
môn chính trị học, và chính trị được coi là một môn khoa học (Political
Science). Alexis Tocqueville (1805-1859) một văn sĩ và chính khách người
Pháp, một trong những nhà kinh điển hàng đầu của khoa chính trị học và
từng được coi là “Montesquieu của thế kỷ XIX”, trong cuốn sách danh
tiếng (De la Démocratie en Amérique) đã có nói: “Cần
có một khoa học chính trị mới mẻ cho một thế giới hoàn toàn mới.” (Il
faut une science politique nouvelle à un monde tout nouveau).
Đối
với một quốc gia nhược tiểu như đất nước VN, người Pháp luôn luôn thẳng
tay đàn áp các phong trào nổi dậy mà không thực tâm khai hóa để giúp
dân tộc chúng ta tiến lên, vì thế không như Ấn Độ là nơi mà người Anh
không nặng tay lắm nên Ấn Độ có một tầng lớp chính trị gia bản xứ đông
đảo thuộc tầng lớp trung lưu, Việt Nam trái lại không được như vậy. Nhận
định sau đây của sử gia Nguyễn Thế Anh cho thấy rõ hơn tình trạng khiếm
khuyết về lãnh đạo khi dân tộc chúng ta có cơ hội giành được độc lập: “Chính
sách của chính phủ bảo hộ có một hậu quả không mấy tốt đẹp là nó khiến
những phần tử ôn hòa từ bỏ hoạt động chính trị vì không muốn bị khó khăn
với chính quyền; trái lại, những người không bị ràng buộc bởi những
liên hệ hay quyền lợi xã hội lại hướng tới các phương pháp bạo động của
sự đấu tranh bí mật nhiều hơn trước. Tình trạng này làm cho nước Việt
Nam có nhiều cán bộ cách mạng hơn là chính trị gia, nghĩa là thiếu những
nhân vật có khả năng nghiên cứu và giải quyết những vấn đề hành chánh
quốc gia, một khi giành được độc lập.” (Nguyễn Thế Anh, Việt Nam thời Pháp đô hộ, Tủ sách Sử-Địa học, Lửa Thiêng xb., 1970, trang 432).
TT
Ngô Đình Diệm vốn xuất thân từ một gia đình có thân nhân làm quan triều
Nguyễn, được huấn luyện kỹ càng trong lãnh vực quản trị hành chánh, tư
cách đạo đức của người cầm quyền và đời sống gương mẫu của một tín đồ
Công Giáo. Trong cuốn The Two Vietnams, sử gia Pháp Bernard B. Fall (Frederick A. Praeger, USA, 1967, trang 240) viết: “Ông
Hồ vốn biết ông Diệm có thiên tài về hành chính và quản trị, và cũng
thấy rõ sự kém khủng khiếp của đàn em mình trong lãnh vực khó khăn đó,
nên đã cho mời vị quan này đứng về phe mình và đề nghị trao ông chính
cái công việc mà ông đã làm dưới quyền Bảo Đại: Bộ Nội Vụ.”
Có
ba người đã để lại dấu ấn trong chính sách và đường lối của TT Ngô Đình
Diệm đó là cụ Ngô Đình Khả, cụ Nguyễn Hữu Bài và cụ Phan Bội Châu.
Một sử gia nổi tiếng của Hoa Kỳ, Mark Moyar, trong tác phẩm Triumph Forsaken, The Vietnam War, 1954-1965, đã viết về dòng tộc của Cố TT Ngô Đình Diệm như sau : “The
son of the famous mandarin Ngo Dinh Kha, Diem could trace his roots all
the way back through Ngô Quyen, the first king of Vietnam.” (Cambridge University Press, 2006, trang 10). Dịch: “Là
con trai của vị đại thần danh tiếng Ngô Đình Khả, Ngô Đình Diệm có thể
vạch lại toàn bộ nguồn gốc của mình lên tới Ngô Quyền, vị vua tiên khởi
của Việt Nam.”
Theo
Lữ Giang, một tài liệu nói dòng họ Ngô Đình Diệm trước sinh sống ở Sơn
Tây, một tỉnh ở phía tây bắc Hà Nội, cách Hà Nội khoảng 42 cây số. Dòng
họ này đã di cư vào Quảng Bình khoảng thế kỷ 15 dưới thời Lê Tháng Tông,
lúc đầu cư ngụ ở thôn Xuân Dục, xã Xuân Ninh, phủ Quảng Ninh, bên bờ
sông Long Đại… Nhưng ông Ngô Vui, Chủ tịch Hội đồng Ngô tộc Việt Nam,
cho biết hiện nay đã liên kết được 208 chi họ nhà Ngô có gia phả ở 29
tỉnh thành trong cả nước và được biết gia tộc giòng họ Ngô Đình Diệm
phát xuất từ ông Ngô Trừng, Tham Đốc Nghị Quốc Công, hậu duệ là họ Ngô
Lạc Nghiệp ở Thọ Nghiệp, Xuân Trường, Nam Định. Họ Lạc Nghiệp phân chi
đi nhiều nơi, trong đó có họ Ngô Vạn Xuân đi vào xã Vạn Ninh, huyện
Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Gia tộc của TT VNCH Ngô Đình Diệm phát xuất
từ nhánh đó. Trong họ Ngô Vạn Xuân cũng có một nhánh đổi sang họ Vũ.
(Lữ Giang, Đài RFA của Mỹ trúng kế Việt Cộng? Hãy nhìn lại số phận mình, Bài
trên mạng, ngày 10-11-2015. Một vài người được cho là có nghiên cứu sử
học đưa ra luận điệu sai lạc về dòng tộc Ngô Đình với mục đích “bần cùng
hóa” và “cô độc hóa” gia thế cụ Diệm dần dần đã không che dấu nổi sự
thật về việc làm và chủ đích của họ.
Trong cuốn La République du Việt-Nam et les Ngô-Đình, các tác giả Ngô-Đình Quỳnh, Ngô-Đình Lệ-Quyên (mất năm 2012), Jacqueline Willemetz đã ghi về cụ Ngô Đình Khả như sau: “ Homme
de belle intelligence, de vaste culture et de grande probité, Ngô Đình
Khả fonde une école privée avant d’entrer à la cour de Huế comme
précepteur. Puis il devient ministre des cultes et enfin conseiller de
l’empereur Thanh Thai à qui il restera toujours fidèle. En Asie, le rôle
du maitre est tellement respecté qu’il précède même celui du père dans
l‘échelle hiérarchique.” (Nhà xb. L’Harmattan, 2013, trang 13). Dịch: “Là
một người rất thông minh, kiến thức văn hóa rộng, và rất mực thanh
liêm, cụ Ngô Đình Khả đã xây dựng một tư thục làm quản giáo trước khi
vào trong triều Huế. Cụ đảm nhận chức Thượng thư bộ Lễ và sau cùng thành
cố vấn của vua Thành Thái người mà cụ trung thành cho đến suốt đời. Ở Á
châu, vai trò của bậc thầy được coi trọng và kể theo thứ bậc thì còn
đứng trước cả bậc cha mẹ.”
Ngôi
trường nói ở đây thật sự không phải là trường tư mà là một trường công
do nghị định của vua Thành Thái ban hành đó là Trường Quốc Học ở Huế rất
nổi tiếng, nơi đào tạo biết bao nhân tài của đất nước. (Nguyễn Đức
Cung, Diên-Lộc Quận Công NGUYỄN THÂN, Nhà xb. Nhật-Lệ, 2002, trang 380-387).
Trong cuốn sách Misalliance: Ngo Dinh Diem, the United States, and the Fate of South Vietnam, Edward Miller có viết về cụ Ngô Đình Khả như sau: “ Suốt thời thơ ấu của Diệm, cha ông là người có ảnh hưởng nhất trong gia đình họ Ngô ở Huế. Ngô
Đình Khả là hiện thân của tất cả những trào lưu tôn giáo, văn hóa và
chính trị định hình nên cuộc sống thời trẻ của Diệm. Ngoài việc là một
tín đồ Công giáo sùng đạo, ông Khả còn có một sự nghiệp thành công trong
bộ máy chính quyền bảo hộ và sau lại trở thành quan đại thần trong
triều nhà Nguyễn. Là người thông thạo cả chữ Latinh lẫn chữ Hán cổ, ông
Khả quyết tâm bảo đảm cho các con trai mình được học cả kinh Công giáo
lẫn các tác phẩm kinh điển của Nho giáo. Nhưng ông Khả không phải là một
“vị quan Công giáo” nệ cổ cứng nhắc.” (Bản dịch Việt ngữ, nhóm Minh Thu-Trọng Minh-Kim Thoa, Nhà xb Chính Trị Quốc Gia - Sự Thật, Hà Nội, 2016, trang 34).
Cũng trong tác phẩm đó, Edward Miller viết tiếp: “Ngô
Đình Khả là một người cha khắt khe và tác động của ông đối với thời trẻ
của Diệm rất sâu sắc. Hồi còn bé, Diệm mắc chứng dị ứng với món cá.
Thật không may, cái lệ Công giáo ăn cá vào những ngày thứ Sáu được gia
đình họ Ngô tuân thủ nghiêm ngặt, và ông Khả bắt Diệm ăn bằng hết những
gì được bưng ra, dù rằng sau đó Diệm thường nôn mửa. Ngoài việc thực thi
gắt gao chế độ ăn của gia đình, ông Khả còn kỳ vọng rất nhiều vào việc
học hành của con trai mình. Trước yêu cầu cương quyết của ông Khả, Diệm
buộc phải đăng ký vào học tại Trường dòng Bình Linh (cũng gọi Trường
dòng Pellerin), một trường tiểu học Công giáo ở Huế. Giống như Trường
Quốc học, trường Bình Linh có chương trình học Pháp-Việt kết hợp và được
giảng dạy bằng cả tiếng Pháp, tiếng Latinh lẫn tiếng Hán cổ. Diệm nhanh
chóng thông thạo ba thứ tiếng này và sau này có người còn cho rằng ông
học chăm chỉ đến mức gần như bị ám ảnh. Sự nỗ lực của ông xuất phát một
phần từ tư tưởng ganh đua dữ dội của người một nhà với hai anh ruột của
ông là Ngô Đình Khôi và Ngô Đình Thục. Khôi lớn hơn Diệm 10 tuổi, quyết
tâm theo nghiệp ông Khả, theo học quản lý hành chính để sau này tham gia
vào bộ máy công chức, quan lại. Thục hơn Diệm bốn tuổi, lựa chọn con
đường sự nghiệp mà ông Khả đã từ bỏ và trở thành một học sinh trường
đạo.” (Edward Miller, Sách đã dẫn, trang 36).
Năm
1907, cụ Ngô Đình Khả quyết liệt phản đối việc người Pháp truất quyền
và đày vua Thành Thái vì cho rằng nhà vua mắc chứng tâm thần. Sử gia
Edward Miller viết: “Thất
vọng vì những kế hoạch cải cách của mình bị phá hỏng, ông Khả từ quan
và xin rút khỏi triều đình. Khi tin tức về những hành động của ông Khả
lan rộng, các nhân vật chống thực dân trên toàn Đông Dương ngợi khen ông
là nhà yêu nước. Trong số những người từng bày tỏ sự khâm phục dành cho
ông Khả có người thanh niên mà sau này được thế giới biết đến với tên
Hồ Chí Minh. Nhiều thập niên về sau sự phản kháng của vị quan già này
vẫn được nhớ tới và tán dương trong một câu truyền miệng dân gian như
sau: “Đày vua không Khả/ Đào mả không Bài.” (Edward Millers, Sách đã dẫn, trang 36).
Một
người như Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi được Cụ Nguyễn Hữu Bài tiến cử
với vua Bảo Đại để ra làm Thượng thư Bộ Lại và chủ tịch Hội Đồng Cải
Cách năm 1933, vốn đã học hỏi rất nhiều và có lắm kinh nghiệm về vấn đề
chính trị và quản trị hành chánh. Điều này dĩ nhiên ông phải học từ
những vị được giao tiếp thường ngày như cụ Ngô Đình Khả, cụ Nguyễn Hữu
Bài, rồi cụ Phan Bội Châu, và các vị giám mục, linh mục trong hàng ngũ
chức sắc Công Giáo ngoại quốc cũng như Việt Nam, các vị bề trên dòng tu,
các tu sĩ và giáo dân v.v… Ngoài việc học được những kinh nghiệm xử
thế, kiến thức, chữ nghĩa, có lẽ ông cũng học được nơi các bậc tiền bối
và nhiều người các đức tính khác của một nhà lãnh đạo một đất nước. Việc
giới thiệu này chắc chắn đã được cân nhắc rất kỹ càng giữa người tiến
cử và người được tiến cử. Hơn nữa, TT Ngô Đình Diệm đã chứng tỏ khả năng
và tinh thần làm việc của mình từ thời gian làm công tác phiên dịch một
số tài liệu Pháp Văn, Hán Văn (thời gian là học viên Trường Hậu Bổ ở
Huế) cho Tòa báo Bulletin Des Amis Du Vieux Hué
(Đô Thành Hiếu Cổ), mà đối với giới nghiên cứu sử học đó là những tư
liệu rất quý. rồi đảm nhận chức vụ tri huyện Hải-Lăng (Quảng Trị), Quản
đạo Ninh Thuận rồi Tuần phủ Bình-Thuận…
Theo
gia phả của cụ Nguyễn Hữu Bài, thủy tổ của cụ là Nguyễn Trãi
(1380-1442) tức Nhị Khê Hầu, đệ nhất công thần đời Hậu Lê. (Nguyễn
Thúc, Thơ Nôm Phước Môn, Bảng Thế-hệ Họ NGUYỄN-HỮU, bản
in lần thứ nhất, 1959, trang 26-30). Trong dòng tộc của cụ Nguyễn Hữu
Bài, người ta đọc thấy các danh nhân như Nguyễn Triều Văn tước Triều-Văn
Hầu thời Lê. Ông Nguyễn Triều Văn sinh ra tướng Nguyễn Hữu Dật giúp
triều Nguyễn có công đánh Trịnh lấy được Nghệ An, Quảng Bình. Con ông
Dật là Nguyễn Hữu Hào và Nguyễn Hữu Cảnh có công đánh Chiêm Thành, Chân
Lạp. Nguyễn Hữu Cảnh xây dựng sự nghiệp lớn của mình trong cuộc Nam
Tiến. Ông Nguyễn Hữu Cảnh (Lễ Thành Hầu) sinh ra Nguyễn Hữu Tứ (tính từ
Nguyễn Trãi xuống ông nầy là 12 đời). Ông Tứ sinh ông Hiệp. Ông Hiệp
sinh ra ba ông Nguyễn Hữu Hoãn,
Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Hữu Quỳnh. Ông Nguyễn Hữu Quỳnh theo Công Giáo
được chức Vệ-Úy dưới thời Gia Long, có nhiều công trạng nhưng vì trung
thành với Đức tin Công giáo, ông chịu bỏ đạo nên ông bị vua Minh Mạng xử
giảo (thắt cổ) ngày 10-7-1840, được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô
II phong làm Hiển Thánh ngày 19-6-1988. Ông Hoãn sinh ra ông Nguyễn Hữu
Trí và Nguyễn Hữu Huệ. Ông Trí sinh ra ông Nguyễn Hữu Tín đi tu làm
linh mục.
Ông
Nguyễn Hữu Ba sinh ra ông Đài. Ông Nguyễn Hữu Đài sinh ra ông Các. Ông
Nguyễn Hữu Các sinh ra ông Nguyễn Hữu Bài. Theo cụ Nguyễn Hữu Bài cho
biết dòng tộc chuyên nghề làm thuốc.
Ông
Nguyễn Hữu Bài sinh ngày rằm tháng 8 năm quý hợi tức 28-9-1863 tại làng
Cao-xá, tổng Xuân-hòa, phủ Vĩnh-linh, tỉnh Quảng-Trị, gia đình theo
Công Giáo, cháu của Linh mục Nguyễn Hữu Thơ. Được bà mẹ hết lòng dạy dỗ
và khi ông Bài lên 10 tuổi mẹ ông cho đi tu tại Tiểu chủng viện An Ninh.
Trong thời gian 10 năm tu học ở đây, ông học rất thông minh, luôn luôn
đứng đầu lớp và theo Nguyễn Thúc, biên giả cuốn Thơ Nôm Phước Môn chính Giám Mục Caspar “khen ông là một thanh niên anh tuấn, tương lai thành tài đạt đức, sẽ nên đại dụng.” Sau
hòa ước Patenôtre, triều đình Huế cần sử dụng một số người biết tiếng
Pháp để giúp việc tại Nha Thương bạc Huế, ông cùng nhiều tu sĩ khác (như
các linh mục Nguyễn Hoằng và Nguyễn Cư) quyết tâm ra đảm đương việc
nước. Lúc đầu ông làm thừa phái ở Thương Bạc Ty, rồi qua Ký lục và Thông
sự tại Tòa Khâm Sứ. Năm 1886, Triều đình cử ông đi với phái bộ quan
binh Pháp để phân định biên giới Bắc kỳ, tiếp giáp nước Tàu. Năm 1887,
Nguyễn Hữu Bài đi quân thứ đánh dẹp thổ phỉ quấy nhiễu miền thượng du
Bắc kỳ. Năm 1897 ông làm Ngự Tiền Thông Sự, hộ giá vua Thành Thái đi Sài
gòn. Năm 1898 ông làm Bố chánh Thanh Hóa và chính tại đây ông gặp ông
Ngô Đình Khả và được ông Ngô Đình Khả vận động cho về làm việc tại Huế
chức Thị lang bộ Lại rồi Tham tri bộ Hình. Năm 1902 ông ở trong phái bộ
của ông Nguyễn Thân sang chính thức viếng thăm nước Pháp. Ông Nguyễn
Hữu Bài là người có cùng một lập trường với ông Ngô Đình Khả trong việc
chống lại người Pháp phế bỏ vua Thành Thái. Ngày 17-01-1913, Khâm sứ
Georges Mahé cho đào lăng vua Tự Đức để tìm vàng nhưng bị ông Nguyễn Hữu
Bài phản đối quyết liệt nên người Pháp bỏ chiến dịch này. Dân gian có
câu : “Đày vua không Khả, Đào mả không Bài” là đề khen cụ Ngô Đình Khả
và cụ Nguyễn Hữu Bài”. Các đức tính liêm khiết, chính trực, “uy vũ bất
năng khuất” của các bậc tiền bối chắc chắn có ảnh hưởng trên chính sách
của TT Ngô Đình Diệm về sau.
Đối
với một người ảnh hưởng phần nào trên chính sách của TT Ngô Đình Diệm
có lẽ là cụ Phan Bội Châu, khi Bernard Fall cho biết sau vụ từ chức năm
1907, cụ Ngô Đình Khả đã bắt đầu vận động giúp đỡ cho Phan Bội Châu lúc
bấy giờ hoạt động dưới ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên qua các đồng chí của
ông ở Hà Nội. (Fall, The Two Vietnams, trang
235 và chú thích trang 479). Năm 1925, người Pháp đưa cụ Phan Bội Châu
về giam lỏng ở Bến Ngự, Huế và trong thời gian từ 1925-40, cụ Ngô Đình
Diệm đã có nhiều dịp tiếp xúc với cụ Phan Bội Châu.
Edward Miller ghi nhận rằng: “Diệm
thần tượng Phan Bội Châu về những gì ông đã làm được với tư cách là một
nhà cách mạng, vậy nên không có gì ngạc nhiên khi hai người trở nên
thân thiết kể từ khi Diệm từ chức vào năm 1933 đến khi Phan Bội Châu qua
đời vào năm 1940. Diệm cũng rất kính trọng Phan Bội Châu về kiến thức
Nho giáo, nhất la 2những bình luận thong thái của Phan Bội Châu về
những bản văn Nho giáo kinh điển vào những năm tranh tối tranh sáng đó.” Ở một đoạn khác, sử gia này còn cho biết Phan Bội Châu “quả
quyết rằng, Nho giáo, khi được gạn lọc về nội dung cốt lõi, có thể trở
nên rất linh hoạt và có thể trả lời cho rất nhiều câu hỏi và vấn đề hiện
thời.” Đối với tư tưởng này của “ông già Bến Ngự”, “Diệm hoàn toàn tán thành quan điểm của Phan Bội Châu về
Nho giáo như một dạng triết lý xã hội linh hoạt, có thể áp dụng vào các
vấn đề đương đại của Việt Nam. Sau năm 1954, người ta sẽ nhận thấy sự
rập khuôn theo quan điểm của Phan Bội Châu trong quan điểm về chế độ dân
chủ và các nỗ lực của Diệm nhằm đưa ngôn ngữ và những khái niệm Nho
giáo vào các chương trình xây dựng quốc gia của mình.” (Edward Miller, Sđd, trang 42).
Một
số tác giả Hoa Kỳ coi TT Ngô Đình Diệm là người theo chủ nghĩa Khổng tử
cuối cùng (The Last Confucean) nhưng họ không hiểu con người Ngô Đình
Diệm, nhất là những nhà báo trẻ trẻ tuổi ít kiến thức về Á châu học như
David Halberstam, Neil Sheenan chẳng hạn.
4.- Tổng Thống Ngô Đình Diệm và vấn đề chủ quyền đất nước.
Trong cuốn Chính Đề Việt Nam, tác giả Tùng Phong (Ngô Đình Nhu) cho biết :“Thi
hành đúng theo chủ nghĩa Đế quốc của họ chủ trương, người Pháp không
bao giờ muốn, và cũng không bao giờ thực hiện việc đào tạo những người
bản xứ có đủ khả năng để làm những công việc mà người Pháp đang làm và
để, trong tương lai thay thế họ. Thoảng như có những người bản xứ, nhờ
những nỗ lực riêng, mà thâu thập được một sự đào tạo lý thuyết ngang
hàng với những nhân viên cao cấp của họ, thì không bao giờ người Pháp
lại giúp cho những người ấy những hoàn cảnh thuận lợi để họ có thể thâu
thập những kinh nghiệm lãnh đạo cần thiết.”(Tùng Phong, Nhà xb. Hùng Vương, trang 26, dựa theo bản in của Nhà xb Đồng-Nai).
Cụ
Ngô Đình Diệm chính là điển hình của một người Việt Nam mà đoạn văn
trên vừa mô tả. Là người đã thừa hưởng một nền giáo dục nghiêm túc trong
gia đình, đã trải nghiệm nhiều năm trong vấn đề quản trị hành chánh,
tiếp xúc nhiều với đủ hạng người trong xã hội, thu tập được nhiều kinh
nghiệm với giới trí thức ngoại quốc cũng như quốc nội, đã được huấn
luyện để có đủ khả năng điều hành một quốc gia và điều này trái ngược
với chủ trương cố hữu của người Pháp như đã thấy ở trên, Cụ đã tự rèn
luyện, tự học hỏi để trở thành một bậc xuất chúng, đã khiến cho nhiều sử
gia ngoại quốc, nhiều chính khách phải đi từ ngạc nhiên đến thán phục.
Qua cuốn sách chính luận nói trên, tác giả Tùng Phong đã viết rằng: “Những
nhà lãnh đạo xứng danh bao giờ cũng hành động theo một triết lý chính
trị mà họ đã nghiền ngẫm lâu ngày, trước khi mang ra thực hành.” Vấn
đề chủ quyền đất nước đối với TT Ngô Đình Diệm là một chủ đề đã được
suy tư, biện giải, nghiền ngẫm để trở nên một lý tưởng, và bao lâu chưa
làm hết sức mình để đạt cho được lý tưởng đó Cụ vẫn còn nhất quyết đấu
tranh từ khởi thủy cho đến chung cuộc. Ý thức rằng chủ quyền nằm tản mạn
trong dân chúng cho nên để có sức mạnh huy động được dân chúng, người
lãnh đạo phải làm việc vì dân, sống chết vì dân, đi sát vào cuộc sống
của người dân nhất là ở nông thôn.
Thời
cụ trấn nhậm vùng Phan Rang là một thời bất an, vì bấy giờ Cộng sản bắt
đầu bạo hành trên toàn cõi Đông Dương. Nhưng càng gặp khó khăn, cụ Diệm
càng tỏ ra tài cán. Thay vì đục nước béo cò, nước càng đục phèn càng
quý. Đang khi phòng Nhì Pháp bắt bớ dân chúng vì tình nghi Cộng sản, cụ
lại càng ra tay bênh vực dân lành. Một tác giả không mấy tử tế với họ
Ngô (Denis Warner, The Last Confucean, New York, MacMillan, 1963, tr. 70) đã phải nói tóm tắt về Cụ trong thời đó như sau:
“Đối với Pháp, Ông là một công chức gương mẫu, đối với người Việt, Ông
là một nhà cầm quyền trẻ tuổi mà tài cán, hết mực cần cù, làm tròn phận
sự mà bàn tay không bị vấy bẩn.” (Nguyễn Phương, A parade of American puppets, trang 14).
Trong
cương vị là quản đạo hay tuần phủ ở một tỉnh nhỏ hay tỉnh lớn, cụ được
cấp phương tiện xe kéo, lính hầu nhưng cụ dùng ngựa, vừa nhanh và có thể
đi sâu vào các vùng xa xôi, hẻo lánh, thấy rõ được dân tình.
Đồng
liêu với cụ Ngô Đình Diệm vào giai đoạn này có cụ Tôn Thất Hoàn làm tri
huyện Nghi Lộc, Nghệ An, đã bị Cộng Sản huy động dân quê trong Phong
trào Xô viết Nghệ Tĩnh giết vào ngày 2-01-1931 khi cụ Hoàn tới hiểu dụ
đám đông giải tán mặc dù có đem theo hộ vệ. Cuộc đời liêm chính của cụ
Tôn Thất Hoàn và sự hiến thân vì lý tưởng đất nước của cụ cũng không
khác gì tinh thần làm việc của cụ Ngô Đình Diệm; bởi vậy mà sau cái chết
của cụ Hoàn, Thượng Thư Bộ Binh Phạm Liệu, người Quảng Nam, Tiến sĩ
khoa Mậu Tuất (1898) có đôi câu đối khắc treo ở miếu thờ cụ Tôn Thất
Hoàn tại Nghi Lộc, Nghệ An đã được nhân dân lưu truyền như sau:
爲 國 亡 軀 勇 敢 一 身 行 獨 馬
出 家 化 佛 英 雄 千 古 塟 雙 魚
Phiên âm:
Vị quốc vong khu, dũng cảm nhất thân hành độc mã,
Xuất gia hóa Phật, anh hùng thiên cổ táng Song ngư.
Dịch nghĩa:
Vì nước quên thân, dũng cảm một mình lên đường với một ngựa.
Xuất gia hóa Phật, anh hùng muôn thuở vùi thây tại Song ngư (Cửa Lò).
Tinh
thần làm việc vì quốc gia, vì dân tộc của các bậc tiền nhân dưới triều
nhà Nguyễn thật đáng khâm phục, không như ‘cán bộ’ đảng Cộng sản Việt
nam ngày nay chỉ biết tham nhũng mà thôi.
Nhìn
vào mối liên hệ giữa Ngô Đình Diệm với cụ Nguyễn Hữu Bài rất mật thiết
sau khi cụ Ngô Đình Khả mất (1923) người ta thấy được lý tưởng trong
sáng đó. Theo Edward Miller, mặc dầu cụ Nguyễn Hữu Bài bị mất chức trong
cuộc cải tổ nội các của Bảo Đại năm 1933, nhưng để xoa dịu vị quan già
này, người Pháp đã đưa đệ tử ruột của cụ là Ngô Đình Diệm vào vị trí
Thượng thư bộ Lại, nhưng chưa đầy hai tháng sau khi được đề bạt vào nội
các, ông Diệm từ chức. “Trong
một bức thư gửi vua nhà Nguyễn - một thiếu niên được gọi là Bảo Đại,
người sẽ có nhiều mối tiếp xúc khác với Diệm vào những năm sau này -
Diệm dẫn ra những lời phàn nàn về sự hà hiếp của Pháp đối với chủ quyền Việt Nam mà ông Bài đã dâng thưa trước đó…”
(Edward Miller, Sđd, trang 39). Hành động từ quan, mà là một chức quan
lớn đầu triều của cụ Ngô Đình Diệm, khi mới 32 tuổi, không chỉ khiến cho
nhiều người trong triều Nguyễn và khắp nước thán phục mà còn làm một
nhà cách mạng đã một đời dấn thân vì đất nước, cụ Phan Bội Châu cũng
phải kính trọng với những lời như sau: “Ông
Ngô Đình Diệm, con người có tâm huyết, biết thương giống nòi, biết nhục
vong quốc, nên ông mới dám chống lại cường quyền, lui về ẩn tích, đợi
thời tuyết sỉ. Đó mới là đáng bậc CHÍ SĨ, VĨ NHÂN, tất sau này cuộc Phục
Hưng chỉ có hạng người ông Diệm mới làm nổi… Ta muốn tặng ông Diệm một
bài thơ để tỏ lòng kính trọng bậc thiếu niên hiền triết… Ông Diệm bây
giờ mới là ông lớn thật sự.” (Minh Võ, Ngô Đình Diệm: Lời khen tiếng chê, Thông
Vũ tái bản lần thứ nhất, California, tháng 10-1998, trang 42). Biết
rằng người Pháp còn quyết liệt nắm lấy chủ quyền đất nước và mình sẽ
không làm được gì nên cụ Diệm đã từ chức.
Tháng
2 năm 1946, khi bị Hồ Chí Minh bắt và đưa về gặp họ Hồ ở Bắc Bộ phủ, cụ
Ngô Đình Diệm lúc đó đang bị bệnh sốt rét nặng, đã từng tỏ khí phách
can trường trong một cuộc đối thoại căng thẳng, giữa hai người qua đó cụ
Ngô đã từ chối đề nghị cộng tác với Hồ Chí Minh qua chức vụ Bộ trưởng
Nội vụ:
-“Không
thể được, ông có chính sách cứu nước của ông, và tôi có chính sách cứu
nước của tôi. Ông có cam đoan được rằng ông sẽ bỏ thuyết vô sản chuyên
chính không? Khắp nơi, cán bộ ông đang thi hành thuyết đó. Họ giết hết
các nhà quốc gia chân chính. Họ giết cả anh em tôi.”
Đến đây Hồ Chí Minh cảm thấy phải chữa mình. Ông nói:
-“Vậy mà tôi không hay biết gì cả. Nước đang lâm cảnh loạn ly. Xin ông ở lại với tôi để cùng nhau chống Pháp.” Dường như cả hai người đều hiểu rằng chỉ có vì sợ cụ Diệm mới chấp nhận. Cụ lên tiếng: “Ông biết tôi là ai không? Tôi không phải hạng hèn nhát”. Hồ Chí Minh vội vàng nói đỡ: “Không, ông không hề hèn nhát”. Cụ Diệm tiếp: “Vậy thì để cho tôi đi”. Và Hồ Chí Minh để cụ Diệm ra đi. (Trúc Long Nguyễn Phương, Sơ lược về thân thế & sự nghiệp của Cố TT Ngô Đình Diệm, Trích Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, số 118).
Edward Miller trong bài viết được Hoài Phi và Vy Huyền dịch ra Việt ngữ có tên “Viễn kiến, quyền lực và tính chủ động: Con đường lên nắm quyền của Ngô Đình Diệm, 1945-1954” (Talawas 9.8.2007) đã có viết: “Không
có lý do gì để nghi ngờ việc Ngô Đình Diệm tuyên bố ông dùng những lời
lẽ sắc bén và chua chát trong cuộc gặp đó, vì ông biết rằng quân Việt
Minh bắt và xử tử người anh cả Ngô Đình Khôi của mình mấy tháng trước
đó. Mặt khác, khi câu chuyện được Ngô Đình Diệm kể lại về cuộc gặp này
vào sau năm 1954 lược bỏ sự thực rằng ông đã sẵn lòng tham gia một chính
phủ Việt Minh nếu như Hồ Chí Minh chỉ cần đồng ý với yêu cầu để ông nắm
giữ một số mặt trong chính sách.”
Trong chú thích số 13 ở dưới Edward Miller có viết : “Ngô
Đình Diệm trước đó đã từng công nhận rằng mình hẳn đã tham gia chính
phủ của Hồ Chí Minh để đổi lấy việc được nắm quyền trong chính sách an
ninh của Việt Minh; xem Ellen J. Hammer, The Struggle for Indochina, 1940-1955 (Stanford: Stanford University Press, 1966), trang 149-150; và Memorandum of Conversation, Edmund S. Gullion, 8 May 1953, Foreign Relations of the United States [FRUS] 1952-1954, vol. 13 (Washington: Government Printing Office, 1982), trang 553-554.”
Một nhà nghiên cứu sử, Minh Võ cung cấp thêm một chi tiết cần được kiểm chứng là trong biến cố gặp gỡ này “Ông đòi quyền thay đổi, chi phối chính sách của ông Hồ, như một điều kiện để hợp tác.” (Minh Võ, Ngô Đình Diệm và chính nghĩa dân tộc, Hồng
Đức xb. 2008, trang 122). Thật sự thì cụ Ngô đã thẳng thừng (carrément)
bác bỏ đề nghị hợp tác của Hồ Chí Minh ngay trong vài phút của cuộc gặp
gỡ đầu tiên và cũng là cuối cùng.
Đây
là trận đánh cân não giữa một bên là chủ quyền dân tộc và một bên là
chủ quyền của vô sản quốc tế. Cụ Ngô Đình Diệm thừa biết Hồ Chí Minh là
tay sai của Cộng sản Quốc tế không hề có ý thức về chủ quyền mà chỉ làm
việc theo lệnh của Liên Xô và Trung Cộng nên cụ đã không sợ chết một khi
cần bảo vệ và công khai hóa lý tưởng và con đường đấu tranh của mình.
Lý
tưởng bênh vực chủ quyền của đất nước vẫn luôn là điểm quy chiếu trong
lịch trình hoạt động của TT Ngô Đình Diệm trong các giai đoạn tranh đấu
trước khi nắm được chính quyền. Sử gia Edward Miller trong bài báo trích
dẫn bên trên cho biết: “Vào
tháng Hai năm 1948, Ngô Đình Diệm và các lãnh đạo khác thuộc phe quốc
gia gặp tại Sài Gòn để thảo ra một khung đàm phán với Pháp về vấn đề độc
lập của Việt Nam. Sau đó Ngô Đình Diệm quay trở lại Hồng Kông vào tháng
Ba để cố gắng thuyết phục Bảo Đại ủng hộ kế hoạch này; ông cũng vận
động các quan chức Pháp nhượng bộ thêm về phạm vi chủ quyền của Việt Nam…”
Ba năm sau, vấn đề chủ quyền đất nước cũng được chính khách Ngô Đình Diệm tỏ rõ một lần nữa. Theo tác giả Minh Võ, qua tờ Écho du Vietnam đăng lời tuyên bố của Ngô Đình Diệm ngày 16-6-1949 “ nhận định một cách chính xác rằng chỉ có dành được độc lập hoàn toàn và giữ đúng cương vị của một quốc gia có chủ quyền mới có thể thi đua với Việt Minh, và đánh thắng Việt Minh.” (Minh Võ, Ngô Đình Diệm và Chính Nghĩa Dân Tộc, Hồng Đức xb, 2008, trang 37).
Trong bản tuyên bố đó, cụ Diệm cho biết thêm: “Nên
biết rằng cuộc tranh đấu hiện tại không chỉ là một cuộc chiến đấu cho
độc lập Tổ quốc về phương diện chính trị, mà còn là một cuộc cách mạng
xã hội để khôi phục độc lập cho nông dân và thợ thuyền Việt Nam. Để tất
cả mọi người ở Việt Nam có đủ phương tiện sống xứng đáng với phẩm cách
con người, con người tự do thực sự, tôi chủ trương những cải cách xã hội
hết sức tân tiến và mạnh bạo, miễn là phẩm cách con người luôn được tôn
trọng và tự do nảy nở.”
(Lời tuyên bố của Chí-sĩ Ngô-đình-Diệm ngày 16 tháng 6 năm 1949”, trong
CĐCN, 1:221-222, dẫn theo Edward Miller, Sđd, trang 54).
Ngày 16 tháng sáu năm 1954, ở Ba-Lê, khi nhận lập chính phủ, cụ tuyên bố “một
nền hòa bình lâu dài và trù phú, đặt trên một nền tảng độc lập của quốc
gia và tự do của dân tộc, đưa ra một vấn đề có một tính cách đáng quan
ngại. Chỉ có một cuộc chuyển hướng chính trị mới mẻ, mới có thể đưa đến
mục đích đó.” (Nguyễn Phương, Ánh sáng dân chủ, 1957, trang 121). Chỉ hơn một tuần sau, ngày 25 tháng sáu, khi đặt chân xuống Sài-gòn, cụ liền tuyên bố cụ về là để “cứu
vãn tình thế, thực hiện hòa bình với sự thống nhất lãnh thổ và chủ
quyền quốc gia, hoàn bị một nền hòa bình trong tự do, trong sự tôn trọng
nhân phẩm và gia đình. Vì chỉ nền hòa bình ấy mới phù hợp với nguyện
vọng đồng bào là an cư lạc nghiệp trong một xã hội công bình dân chủ.” (Nguyễn Phương, Sđd, trang 122).
Trong
bản Hiến pháp của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, công bố ngày 26-10-1956, ở
Thiên Thứ Nhất, mục Điều Khoản Căn Bản, Điều 2 có ghi: “Chủ quyền thuộc về toàn dân”.
Muốn
hiểu rõ xin đọc đoạn văn trích dẫn sau đây của sử gia Nguyễn Phương đã
làm sáng tỏ tinh thần “tôn trọng chủ quyền của dân” của TT Ngô Đình Diệm
như sau:
“Như
mọi người đều biết, Ông Ngô Đình Diệm đã đảm đương nhiệm vụ cứu nước
trong những trường hợp độc nhất của lịch sử Việt Nam. Ở Bắc, Cộng-sản
đang nắm chặt một nửa giang sơn, và như con hùm dữ, đang há miệng sặc
nồng mùi máu đợi thời gian đem cả miền Nam dâng tiến cho. Và bấy giờ
miền Nam lại là một con mồi như càng ngày càng hấp dẫn. Thực dân đang cố
tiêu hủy những lực lượng quốc gia còn lại. Quân chủ phong kiến trước
khi tàn tạ đang bộc lộ tất cả phần thối tha mục nát của mình ra. Thật là
một mớ bong bong, nhìn vào đã đủ chóng mặt, không nói gì đến chuyện gỡ
ra và xây dựng lại. Nhưng, lo ngại như một người ý thức rõ rệt tất cả sự
quan trọng của tình hình, và đồng thời quả cảm như một kẻ đã nắm bí
quyết của thành công trong tay, Ông Ngô Đình Diệm đã hiên ngang đương
đầu với trở ngại một cách mạnh dạn và sáng suốt. Ngày 16 tháng sáu,
1954, ở Ba Lê, khi nhận lập chính phủ, Ông nói: ‘Giờ phút nầy là giờ
phút quyết định. Cố nhiên, tôi quan tâm đến một tình hình quân sự rất
nghiêm trọng; nhưng ta có thể và rất cần gỡ lại tình thế ấy, bởi vì nó
chỉ là hậu quả dĩ nhiên của một chuỗi dài những sự không hiểu biết và
lầm lỗi. Nền hòa bình, một nền hòa bình lâu dài và trù phú, đặt trên một
nền tảng độc lập của quốc gia và tự do của dân tộc, đưa ra một vấn đề có một tính cách khác đáng quan ngại. Chỉ có một cuộc chuyển hướng chính trị mới mẻ, mới có thể đi đến mục đích đó.’
Thế
rồi, Ông không để dân Việt Nam phải đợi lâu mới cho biết hướng chính
trị mới mẻ Ông vừa đề xướng đó. Chỉ hơn một tuần sau, ngày 25 tháng sáu,
khi đặt chân xuống Sài gòn, Ông liền tuyên bố Ông về là để “cứu vãn
tình thế, thực hiện hòa bình với sự thống nhất lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, hoàn
bị một nền hòa bình trong tự do, trong sự tôn trọng nhân phẩm và gia
đình. Vì chỉ nền hòa bình ấy mới phù hợp với nguyện vọng đồng bào là an
cư lạc nghiệp trong một xã hội công bình dân chủ.”
Khi
lập nội các xong, ngày mồng 7 tháng 7, Ông còn cho quốc dân biết rõ hơn
rằng : “Quốc dân mong mỏi công lý và an ninh. Quốc dân có thể tin cậy ở
chính phủ tôi để tổ chức một nền hành chánh và tư pháp công minh và
liêm chính. Quốc dân khát vọng những tự do và dân chủ. Chính phủ sẽ xây
dựng một Quốc gia dân chủ có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với dân chúng.” (Nguyễn Phương, Sđd, trang 122).
Còn
có lời nào tha thiết hơn, chí tình hơn những lời nói của một vị nguyên
thủ trong một chế độ dân chủ, tự do thấu hiểu khát vọng ngàn đời của
người dân?
.” Điều 8 (cũng trong Thiên Thứ Nhất) của Hiến Pháp có ghi: “Nước Việt-Nam Cộng-Hòa chấp thuận những nguyên tắc quốc tế pháp không trái với sự thực hiện chủ quyền Quốc-Gia và sự bình đẳng giữa các dân tộc.”
Đây
là một trong những nguyên tắc hành sử bất biến của TT Ngô Đình Diệm kể
từ khi dấn thân vào con đường tranh đấu với các thế lực thù nghịch với
chính nghĩa quốc gia, thí dụ thực dân Pháp, cộng sản và ngay cả sau này
đối với ngoại bang khác như Hoa Kỳ. Cụ Diệm không chỉ thể hiện nỗ lực
bảo vệ chủ quyền đất nước qua tư tưởng, suy nghĩ, nhận thức hay quan
điểm mà còn bằng các hành động cụ thể của mình. Người Mỹ khi đổ tiền bạc
vào giúp cụ Diệm, họ nghĩ rằng họ có quyền đưa ra những quyết định
trong chính sách của Miền Nam nhưng với cụ Diệm việc đó không thể được
vì chạm vào một nguyên tắc tối kỵ, và vì thế Hoa Kỳ bắt đầu nói xấu cụ
bằng dư luận, bằng báo chí sau hết là bằng hành động. Họ sử dụng Phật
giáo làm công cụ đánh phá chế độ qua những cuộc tự thiêu được dàn dựng
trước để vu cho chế độ của TT Ngô Đình Diệm đàn áp Phật Giáo. Người Mỹ
dùng báo chí làm công cụ đổi trắng thay đen chẳng hạn từ tình hình chống
Cộng rất khả quan tháng 10-1963 trở thành trạng huống nguy ngập về một
cuộc chiến tranh không thể thắng được nếu còn chế độ của Cụ Diệm. Một vị
Bộ Trưởng của Cụ Diệm kể lại chuyện cụ với một nhà báo Mỹ: “Hình
như cả thế giới nổi dậy chống chúng tôi. Không phải chỉ báo chí Mỹ, mà
ngay đến cả Tiếng Nói Hoa Kỳ là cơ quan chính thức của chính phủ Mỹ cũng
không ngớt nhã ra toàn là những lời tố cáo chúng tôi như là những kẻ
dở, làm gì cũng là làm bậy hết. Tưởng như đài BBC trong Đệ Nhị Thế Chiến
bỗng nhiên nổi dậy tố cáo Mỹ và hô hào lật đổ Roosevelt…”
Tất cả chỉ vì vấn đề chủ quyền, nghĩa là cố vấn Mỹ phải ở khắp nơi,
quân đội Mỹ phải vào Việt Nam, Cam Ranh phải được nhường, Cao nguyên
phải được nhường. Nói cách khác, Việt Nam không còn chủ quyền nữa.
Trong
cuộc đảo chính long trời lở đất dồn vào Dinh Gia Long ngày 1-11-1963,
đã xảy ra cuộc đối thoại sau đây giữa TT Ngô Đình Diệm và Đại sứ Hoa Kỳ
Cabot Lodge. Sau đây là báo cáo của Lodge gửi về Hoa Thịnh Đốn:
Ông Diệm: Vài đơn vị đã nổi loạn và tôi muốn biết thái độ của Hoa Kỳ.
Ông
Lodge: Tôi cảm thấy không biết khá đủ để có thể nói cho ông hay. Tôi
nghe tiếng súng nổ, nhưng không biết tất cả các dữ kiện. Bây giờ là 4
giờ 40 sáng tại Hoa Thịnh Đốn và chính phủ Mỹ không thể có một nhận định
được.
Ông
Diệm: Nhưng ông phải có một vài ý niệm tổng quát. Sau hết, tôi là quốc
trưởng. Tôi đã cố gắng làm bổn phận của tôi. Bây giờ tôi muốn làm cái gì
mà bổn phận và thiện ý đòi hỏi. Tôi tin tưởng vào bổn phận trên hết.
Ông
Lodge: Chắc là ông đã làm bổn phận của ông. Như tôi đã nói với ông sáng
nay, tôi thán phục lòng can đảm và sự đóng góp lớn lao của ông cho xứ
sở. Không ai có thể lấy đi được danh tiếng về những gì ông đã làm. Bây
giờ tôi lo âu về sự an ninh của ông. Tôi được báo cáo rằng những kẻ phụ
trách vụ bạo động đang tiến hành đồng ý để hai anh em ông ra khỏi nước
an toàn nếu ông từ chức. Ông đã nghe điều này chưa?
Ông Diệm: Không (rồi sau khi ngưng một chốc). Ông có số điện thoại của tôi?
Ông Lodge: Vâng. Vậy nếu tôi có thể làm gì được cho sự an toàn của ông, ông cứ điện thoại cho tôi.
Ông Diệm: Tôi đang cố gắng tái lập trật tự.
(The Pentagon Papers, Key Documents, văn kiện số 59, trang 232, dẫn theo bản dịch Việt ngữ của Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Quang Vinh & Kim Loan & Quang Hiếu xuất bản, in lần ba 1999, trang 432).
Lúc
bấy giờ cũng như trước đây, chủ quyền đất nước là điều tối thượng đối
với cụ Ngô Đình Diệm chứ không phải là sinh mạng của chính Cụ và Cụ tìm
cách tái lập trật tự tức là tái lập chủ quyền đất nước đang bị ngoại
nhân dùng bọn ngoại nô để phá hoại, chiếm đoạt.
Ngày
7 tháng 4 năm 1985, mười năm sau cái chết của Việt Nam Cộng Hòa, đài
truyền thanh KFWB/98 thông báo nhiều lần kết qua thăm dò dư luận của
hãng Gallup cho biết 63% dân chúng Mỹ đã công nhận rằng việc Mỹ can
thiệp vào chiến tranh Việt Nam là một lầm lẫn. Dưới ngòi bút Trúc Long,
sử gia Nguyễn Phương nhận định rằng: “”Mỹ
đã lầm lẫn ngay từ nguyên nhân. Khi can thiệp vào Nam Việt Nam, họ đã
tuyên bố là giúp Nam Việt Nam để đánh Cộng sản. Nhưng họ đã giúp Nam
Việt Nam thật hay không? Tổng thống Nam việt Nam lúc bấy giờ là Cụ Ngô
Đình Diệm đã dựa vào những lời tuyên bố như thế để xử sự. Cụ Diệm nghĩ
rằng Mỹ giúp, tất nhiên Mỹ phải đóng vai phụ vì phụ là giúp, và Nam Việt
Nam đóng vai chính, cả về chính trị, cả về quân sự. Với quan niệm đường
đường chính chính như thế, Cụ đã không nhường một tấc đất cho Mỹ để làm
căn cứ, cũng không để cho Mỹ nắm một quyền chủ động nào trong vùng đất
nhỏ bé mà Cụ có bổn phận nắm giữ chủ quyền. Đang khi Cụ Diệm đinh ninh
xử sự như vậy mới là làm xong phận sự thì Mỹ lại không cho rằng phận sự
đó là đúng. Thế là Cụ Diệm bị tố là quan liêu lỗi thời, là cục bộ, là
lạc hậu…Ở Hoa Thịnh Đốn, một Tổng Thống John được hoan nghinh vì dùng
bào đệ Robert làm cố vấn nhưng ở Sài Gòn bào đệ Nhu bị coi như một ác
quỷ nhất thiết phải trục xuất ra khỏi chính quyền chỉ vì lý do là làm cố
vấn cho đại huynh Diệm. Và điều kiện dứt khoát của Hoa Thịnh Đốn là Cố
vấn Nhu phải ra đi, nếu không Mỹ sẽ cắt đứt hết mọi viện trợ vừa kinh tế
vừa quân sự cho Nam Việt Nam. Cuối cùng, chỉ vì không thể chịu được cái
ức của kỳ thị mà Cụ Diệm đã bị đảo chánh và bị giết. Không may, Cụ Diệm
chết thì chủ quyền của Nam Việt Nam cũng hết sống. Kể từ ngày 1-11-1963, cho đến ngày 30-4-1975, Nam Việt Nam chỉ còn là một cái xác không hồn…” (Tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong, số 224, bài Một lầm lẫn được thú nhận).
Mục
đích Hoa Kỳ lật đổ chế độ hợp pháp của TT Ngô Đình Diệm là đổ quân vào
Nam Việt Nam, dành toàn bộ công cuộc chống Cộng vào tay quân đội Mỹ,
dưới tác động của nhóm siêu quyền lực để tiêu thụ số vũ khí còn lại
trong thời Đệ Nhị Thế Chiến. Theo cụ Diệm như vậy là Miền Nam sẽ mất
chính nghĩa và Cộng Sản Bắc Việt sẽ khai thác nhược điểm này để tuyên
truyền trước mặt quốc tế. Với TT Ngô Đình Diệm, khi cần, VNCH sẽ thông
qua quốc hội ký một thỏa ước kêu gọi Hoa Kỳ tham dự vào cuộc chiến ở VN
và quân đội Hoa Kỳ sẽ chỉ đóng ở vùng biên giới thuộc vĩ tuyến 17.
Quả
thật, sau cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chủ quyền đất nước đã
không còn và Hoa Kỳ đã không hiểu rằng vì vấn đề chủ quyền của đất nước
mà Việt Nam đã phải chống Tàu hơn một nghìn năm, chống thực dân Pháp
trong một trăm năm, và đang long đong lận đận chống lại bọn Cộng Sản
Việt Nam đang làm đầy tớ cho Trung Cộng, để giành lại chủ quyền của
người dân.
Sau
Tổng Thống Ngô Đình Diệm, những người do Hoa Kỳ đưa lên lãnh đạo VNCH
không có đạo đức và khả năng cho nên việc mất nước vào tay Cộng Sản chỉ
còn là vấn đề thời gian. Sau đây là nhận xét của Giáo sư Hoàng Ngọc
Thành dựa trên sự phân tích của cơ quan tình báo Hoa Kỳ:
“Nhưng
phân tích và tìm hiểu đến tận cùng, như cơ quan CIA đã làm về các tướng
lãnh và nhân vật tại Nam Việt Nam, các ông Trần Văn Đôn, Lê Văn Kim,
Dương Văn Minh, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Khánh, Nguyễn Ngọc Lễ và một số
khác nữa chỉ là về căn bản những người đánh thuê cho thực dân Pháp rồi
vì thức thời nên đã theo ủng hộ ông Diệm. Họ đã được đổi đời nhưng tận
đáy lòng họ, căn bản vẫn thế. Điều này không có nghĩa là họ không muốn
trở thành người tốt, người “yêu nước”đúng nghĩa của danh từ. Nay ông
Diệm gặp khó khăn vừa trong nội bộ và nhất là đối với đồng minh khổng lồ
Hoa Kỳ, họ cũng lăm le muốn làm “cách mạng”, làm người yêu nước yêu nòi
như ai. Nhưng như sự diễn tiến tình hình cho thấy, họ đâu có tầm vóc,
đức tính và khả năng để làm đúng theo tham vọng của họ được. Nên họ cũng
trở lại làm tay sai. Một số sách và báo chí ngoại quốc có chỉ trích
tổng thống Diệm về sự thiếu cương quyết và cứng rắn trong cách đối xử
với một số tướng tá. Điều nhận xét này có thể xem là đúng.” (Hoàng Ngọc Thành & Thân Thị Nhân Đức, Sách đã dẫn, trang 392).
Có
ba nhân vật phải được thêm vào đây để mọi người nhớ đến, kể về quá
trình có mặt trong lực lượng quân sự Pháp và chịu sự chỉ đạo của Tòa Đại
sứ Mỹ cùng với các nhân vật nói trên đó là Nguyễn Văn Thiệu, Tôn Thất
Đính và Đổ Mậu là ba nhân vật chủ chốt trong vụ đảo chính 1-11-1963.
Trong
thực tế, TT Ngô Đình Diệm không kỳ vọng gì vào các lớp sĩ quan trong
Quân lực VNCH ở chung quanh đã một thời phục vụ cho Pháp, mà Cụ chỉ nhắm
và hy vọng nhiều vào thế hệ thanh niên trẻ đang được đào luyện ở Trường
Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, Trường Võ Khoa Thủ Đức. Rủi cho Cụ và cũng là
cho đất nước khi các thế hệ trẻ này chưa có cơ hội cầm nắm giềng mối
trong Quân đội, thì đã nổ ra vụ đảo chính 1-11-63, đưa đất nước ngày
càng chìm xuống vực thẳm.
Dưới ngòi bút cẩn trọng, nhà biên khảo Minh Võ, khi trích dẫn đoạn văn sau đây của Giáo sư Hoàng Ngọc Thành, cho rằng “ông
Thành đã so sánh một cách hết sức tế nhị và kín đáo người yêu nước Ngô
Đình Diệm với những người lãnh đạo quốc gia sau ông như sau : ‘Lằn ranh
giới giữa người yêu nước thực sự và tên tay sai là người yêu nước tìm đủ
mọi cách để bảo vệ chủ quyền của xứ sở, đến tận cùng, dù phải hy sinh
tính mạng, phú quý của cá nhân và dòng họ, còn tên tay sai dù có phản
đối nhưng rút cục cũng buông xuôi theo thực dân để khỏi tổn thương đến
tính mạng, phú quý của cá nhân và gia đình. Dù lỗi lầm gì đi nữa, người
yêu nước thực sự NGÔ ĐÌNH DIỆM CÓ THÁI ĐỘ QUYẾT LIỆT TRONG SỰ BẢO VỆ CHỦ
QUYỀN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM.. Thái độ này làm chính quyền Mỹ John F.
Kennedy mưu đồ đảo chính và sát hại ông. Và biến miền Nam thành một “xứ
bảo hộ” của Hoa Kỳ.’ ” (Minh Võ, Sđd, trang 257).
Trong cuốn sách Ngô Đình Diệm, Lời khen tiếng chê,
nhà biên khảo Minh Võ đã cho biết sự liên hệ rất mật thiết bộ ba Rufus
Philip - Lê Văn Kim - Bùi Diễm (nhân viên CIA), mà Kim là người phụ
trách vấn đề chính trị của cuộc đảo chính 1-11-1963 tất nhiên Bùi Diễm
cũng là một trong những người quyết định số mạng của TT Ngô Đình Diệm và
Cố Vấn Ngô Đình Nhu (trang 54). Và đó cũng là những người đã góp công
sức biến Nam Việt Nam trở thành “xứ bảo hộ” của Mỹ sau ngày TT Ngô Đình
Diệm bị thảm sát cũng là ngày chủ quyền VN lâm vòng cáo chung.
Trong cuốn sách viết bằng Anh ngữ có tên A
Parade of American Puppets, A story of South Vietnam from 1954 to 1975,
(Cuộc diễn hành của những tên bù nhìn Mỹ, Câu chuyện Miền Nam Việt Nam
từ 1954 đến 1975), sách
dày 399 trang khổ 8/11, in ronéo năm 1978, gồm có một bài tựa, một bài
dẫn nhập, mười bốn chương, và lời bạt.Trong phần Dẫn nhập ở trang XVIII,
sử gia linh mục Nguyễn Phương có viết : “…But
the man who resented most the partition of Vietnam was Ngo Dinh Diem
who viewed the fate of his fatherland more important than his own”
(…Nhưng người oán hận nhất về sự phân chia đất nước là cụ Ngô Đình Diệm
vốn đã coi số phận của tổ quốc còn quan trọng hơn sinh mệnh của mình).
Ở trang 101, sử gia Nguyễn Phương viết tiếp: “Ngo
Dinh Diem, on the other hand, was a mandarin proud of his career. He
loved his country above anything else and tried his best to make it
independent and unified. In his pursuit of national liberation, he was
not alone, but his team did not count many. He had with him a handful of
friends and especially his brother Ngo Dinh Nhu. He wielded, however, a
great political power just because of his immense popularity. Man of
integrity and righteousness, of heroic patriotism and thorough
dedication, he was de eply loved and widely respected by his fellow
countrymen.” (Ngô Đình Diệm, trái lại, là một vị quan tự hào về nghiệp
vụ của mình. Ông yêu mến quê hương hơn bất cứ một cái gì khác và nỗ lực
hết sức mình để làm cho đất nước được độc lập và thống nhất. Trong khi
theo đuổi công cuộc giải phóng quốc gia, ông không cô đơn nhưng nhóm của
ông cũng không mấy đông đảo. Ông có một ít bạn hữu và đặc biệt có em
của ông, ông Ngô Đình Nhu. Tuy nhiên, ông vẫn tạo ra được quyền hành
chính trị lớn bởi lẽ ông có uy tín trong quảng đại quần chúng. Là con
người liêm khiết chính trực và với tấm lòng yêu nước nồng nàn, hoàn toàn
tận hiến, ông được đồng bào yêu mến và kính trọng). (Nguyễn Phương, A parade of American Puppets, trang 249.)
Viết
về người Mỹ tại Việt Nam, linh mục Nguyễn Phương có lúc bộc lộ tinh
thần phẫn nộ và niềm uất ức của ngòi bút sử học như sau: “The
work of the US in South Vietnam was, in summary, a work of destruction,
systematic and thorough. There was the destruction of patriotism and
nationalism in the case of Diem’s overthrow and assassination. There was
the destruction of Vietnamese sovereignty by the establishment of a
regime of American puppets by way of aid and advice. There was the
destruction of the Vietnamese society by testing the ‘search and
destroy’ strategy which was the cornerstone of the Kennedy’s
counterinsurgency tactics, and which, as Barry Weisberg remarked, ‘has
given way to the incentive to simply destroy.’ Finally, there was the
destruction of all human rights by engineerring a total surrender of
South Vietnam to the Communists.’ “I am uniting Vietnam”, had boasted
Kissinger since 1972.”(Thành tích của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, tóm lại, là
thành tích phá hủy có hệ thống và toàn diện. Đó là sự phá hủy lòng ái
quốc và tinh thần quốc gia qua việc lật đổ và ám sát cụ Diệm. Đó là sự phá hủy chủ quyền của Việt Nam
bằng cách dựng lên một chế độ gồm toàn những tay bù nhìn Mỹ qua viện
trợ và cố vấn. Đó là sự phá hủy xã hội Việt Nam bằng cách thí nhiệm
chiến lược “lùng và diệt” vốn là viên đá gốc trong chiến thuật phản nổi
dậy của chính quyền Kennedy, và điều đó, như Barry Weisberg lưu ý, đã
nhường bước cho sự kích hứng nhằm chỉ để diệt gọn mà thôi. Cuối cùng, đó
là sự phá hủy mọi quyền con người bằng cách bố trí một cuộc đầu hàng
của toàn bộ Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản. Từ năm 1972, chính Kissinger
từng khoác lác khoe: “Tôi đang thống nhất Việt Nam.” ( Nguyễn Phương, A parade of American puppets, trang 350)
Sau
đây chúng ta đọc một đoạn tiếp về Cựu Trung Tướng cũng là Cựu TT của
VNCH Nguyễn Văn Thiệu, dưới ngòi bút của sử gia Nguyễn Phương để thấy sự
tương phản trong tư cách của TT Ngô Đình Diệm, vị sáng lập nền Cộng Hòa
ở Miền Nam Việt Nam và Tướng N.V. Thiệu (của nền Đệ II Cộng Hòa) : “Thieu
was malleable by nature. Extremely ambitious and perfidious, he was no
devotee of any ideological or nationalistic cause… He was corrupt, but
this did not bother the United States when corruption became a means to
widen the American fre edom of action in another country.”(Bản chất
Thiệu vốn dễ bảo. Rất đỗi tham vọng và hay lừa đảo, ông ta không phải là
người có thể tận hiến bản thân cho một ý thức hệ hay chính nghĩa quốc
gia… Ông ta tham nhũng nhưng điều đó không làm bận tâm người Mỹ khi vấn
đề tham nhũng đã trở thành một phương thế giúp cho họ được tha hồ tự do
hành động ở một quốc gia khác.)
Tướng
Thiệu không phải là nhà chính trị vì ông không được học tập, rèn luyện
có bài bản trong môi trường chính trị như TT Ngô Đình Diệm và các bào đệ
của Cụ. Theo sự tiết lộ của Bác sĩ Hồ Văn Châm với báo chí vào năm 1973
(?) khi ông làm Tổng Trưởng Bộ Chiêu Hồi, là vào năm 1946, ông Nguyễn
Văn Thiệu đã tham gia Mặt Trận Việt Minh với chức vụ Huyện Ủy Viên huyện
Tri Thủy, Phan Rang. Vì sự tiết lộ này mà ông Châm bị thất sủng một
thời gian. Mới đây ông Nguyễn Quang Duy ở Úc Đại Lợi có nhắc lại chuyện
“ông Thiệu là huyện ủy” trên một số trang mạng trong đó có Web BBC tiếng
Việt nhưng không nói rõ xuất xứ, vả lại câu chuyện cũng không phải mới
mẻ gì với những người hiểu biết. Trong thời gian ở tù Cộng Sản tại trại
Nam Hà (1976-1988, tỉnh Hà Nam Ninh, Bắc Việt), tôi có đọc một cuốn sách
nhan đề Books Changed The World
(lâu ngày nên quên tên tác giả) trong đó có một bài viết liên quan đến
Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ Charles Turner Joy vốn là Trưởng phái đoàn đàm
phán của Liên Hiệp Quốc tại Hội Nghị Bàn Môn Điếm (trong chiến tranh Cao
Ly). Đô đốc này về sau có viết một cuốn hồi ký ghi lại kinh nghiệm của
ông đối với người Cộng sản, có lẽ trong đó có câu được trích dẫn như sau
: “Do not believe in Communist words but look at Communist deeds”.
Lúc bấy giờ khoảng 1985 khi đọc thấy câu nói này, tôi chợt liên tưởng
đến câu khẩu hiệu mà Bộ Thông Tin Dân Vận Chiêu Hồi của ông Hoàng Đức
Nhã ngày nào cũng phát trên hệ thống truyền thanh và truyền hình ở Nam
Việt Nam: “Đừng nghe những gì Cộng Sản nói mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng Sản làm”.
Tôi tự hỏi không lẽ Bộ của ông Hoàng Đức Nhã lại “cầm nhầm” câu nói đó
của Đô Đốc C. Turner Joy để biến ra làm câu danh ngôn cho ông Tướng
Thiệu? Hồ Chí Minh từng ăn cắp câu nói của Quản Trọng, nhà chính trị có
tài nhất thời Xuân Thu (722-479) : Nhất niên chi kế mạc như thụ cốc, thập niên chi kế mạc như thụ mộc, bách niên chi kế mạc như thụ nhân
. 一 年 之 計 莫 如 樹 穀 , 十 年 之 計 莫 如 樹 木 , 百 年 之 計 莫 如 樹 人 nghĩa là:
Vì kế hoạch một năm thì trồng lúa, vì kế hoạch mười năm thì trồng cây,
vì kế hoạch trăm năm thì trồng người. Hồ Chí Minh đã lấy nhiều câu nói
của kẻ khác làm của mình, và việc này đã được nhiều học giả phanh phui.
Không lẽ người quốc gia cũng bắt chước việc làm của người CS sao?
Tôi
viết lại chuyện này trong tinh thần học hỏi và muốn làm sáng tỏ một câu
nói lịch sử nên cũng rất mong đón nhận được kiến giải của giới trách
nhiệm ngành truyền thông của VNCH trước năm 1975.
Một
vị tướng khác, Nguyễn Cao Kỳ cũng nhảy vào chính trường Việt Nam với
hai bàn tay trắng đến đổi Tổng Thống Pháp de Gaulle phải hỏi “Qui est
Ky?” thì thật là xấu hổ cho nhân dân Miền Nam như thế nào!
Trong cuốn hồi ký chính trị Gọng Kìm Lịch Sử, (trang 222) Bùi
Diễm từng cọng tác với Phan Huy Quát và thuộc nhóm “Đại Việt Quan Lại” ở
Bắc Việt giai đoạn 1945-1954, bào chữa cho Cựu Thủ tướng Phan Huy Quát
cho biết khi Hoa Kỳ đổ bộ quân vào Đà Nẵng ngày 8 tháng 3 năm 1965, Phan
Huy Quát có thái độ không bằng lòng nên chỉ được sứ thần Manfull thông
báo chứ không hề được Hoa Kỳ bàn thảo trước và như vậy có nghĩa rằng chủ
quyền Nam Việt Nam đã chết, sau cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm,
như nhận định ở trên của sử gia Nguyễn Phương, hay là vĩnh viễn thống
thuộc vào chủ quyền của Hoa Kỳ qua thực tế chứng minh. Với việc đổ quân
lên bãi biển Đà Nẵng. Hoa Kỳ đặt chính phủ của Phan huy Quát trước sự đã
rồi mặc dù trong hồi ký của Bùi Diễm tác giả này cho biết ông Quát phần
nào chưng hửng và bối rối vì sự việc xảy ra quá đột ngột làm cho ông
Quát có giọng nói hơi gắt gỏng, thiếu bình tĩnh (trang 223).
Trong cuốn hồi ký Bên Giòng Lịch Sử, hồi ký 1940-1965 của
LM Cao Văn Luận (1908-1986) có đoạn kể cuối năm 1947, Cha Luận vào Huế
gặp Ngô Đình Cẩn, Trần Điền (khuynh hướng Đại Việt), được Trần Văn Lý đề
nghị làm Giám đốc Nha Văn hóa Miền Trung, rồi từ Huế đi ra Đồng Hới
(ngụ tại Giáo xứ Tam Tòa) rồi từ đây đi ca-nô ra Quảng Khê lên Ba Đồn và
về xứ Đan Sa trông coi giáo xứ này. Lúc bấy giờ một số giáo xứ đã liên
lạc với người Pháp xin súng để rào làng chống Việt Minh. Từ tháng tư
1948 nghe nói Bảo Đại về nước. Linh mục Cao Văn Luận từ Quảng Khê vào
Đồng Hới và mua vé máy bay vào Huế. Bửu Lộc đánh điện mời Linh mục Cao
Văn Luận lên Đà Lạt ý chừng nhờ ngài thuyết phục ông Ngô Đình Diệm lúc
đó đang ở Đà Lạt ra thành lập một chính phủ nhưng khi gặp, ông Diệm lắc
đầu.
Trong lần gặp đầu tiên, ông Ngô Đình Diệm đã tỏ ra có những nhận định chính trị rất chính xác và sắc bén:
-Vùng
Cao nguyên này có một tầm quan trọng lớn về chiến lược và kinh tế. Về
chiến lược, nó nằm ở giữa ba quốc gia Việt Miên Lào. Ai chiếm giữ được
cao nguyên này có thề gây áp lực được đối với cả ba quốc gia đó. Người
Pháp gọi vùng Cao nguyên là Hoàng Triều Cương Thổ chỉ là một lối trá
hình trên thực thể, chủ tâm của họ là biến vùng này thành thuộc địa
Pháp. Về mặt kinh tế, thì vùng Cao nguyên hết sức quan trọng đối với
Việt Nam trong tương lai. Ở đó chắc chắn có nhiều tài nguyên thiên
nhiên, nhiều khoáng sản chưa được khám phá và khai thác, nhưng chúng ta
cần phải bảo vệ cho Việt Nam. Rồi còn vấn đề thể diện quốc gia, chủ
quyền nữa. Không thể bỗng dưng nhường cho Pháp một vùng đất quan trọng
như thế, nằm ngay giữa lãnh thổ quốc gia, người Việt Nam nào muốn lên
lại phải xin thông hành!
Linh mục Cao Văn Luận tiếp lời:
-Cụ
nói đúng. Tôi có đọc một cuốn sách đại ý rằng Pháp muốn ngăn chặn sức
bành trướng của dân tộc Việt Nam về phía Tây, muốn để dân tộc Việt Nam
dừng lại ở các miền duyên hải, còn Pháp thì phải giữ vững vùng Cao
Nguyên Trường Sơn, vừa để ngăn chặn sức bành trướng của dân tộc Việt
Nam, vừa canh phòng phía Lào. Như vậy khi lập Hoàng Triều Cương Thổ, đặt
trực thuộc Pháp, thì Pháp đã bắt đầu thi hành đúng cái chính sách đó
rồi.
Trong
cuộc chiến tranh 55 ngày giữa Nam Việt Nam và CS Bắc Việt, Hà Nội đã
chiếm được Ban Mê Thuột ngày 10-3-1975 và sau đó không lâu đã làm chủ
Cao Nguyên. Nhiều tư liệu cho biết Tướng Thiệu làm mình làm mẩy với Hoa
Kỳ khi bỏ Cao nguyên và với chiến thuật “đầu to đít teo” mặc cả với
người Mỹ về số tiền viện trợ. Ông Thiệu đã hoàn toàn chối bỏ cương vị là
Tổng Thống VNCH, phủ nhận chủ quyền của dân tộc để biến thành tên ngoại
nô, hay tay sai của một cường quốc, bày đặt mặc cả này nọ với Hoa Kỳ
vốn là “boss” của Thiệu từ khuya. “Khẳng khái tòng vương dị, thung dung tựu nghĩa nan 肯 慨 從
王 易 , 慵 容 就 義 難 “ (Theo vua đi kháng chiến thì dễ, Thong thả bước
lên đoạn đầu đài thì thật là khó). Câu nói này trong sách Trung Dung của Khổng Tử vẫn là lời nhắc nhở và cũng là lời thẩm định giá trị của nhiều người trong lãnh vực chính trị.
Nhưng
làm sao có thể buộc những người như Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm,
Dương Văn Minh, Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Nguyễn Khánh, Đỗ Mậu v. v…
và v… v. không biết chính trị là gì, nhưng lại muốn làm chính trị để
được ăn trên ngồi trốc – làm sao khiến họ tỏ bày được khí phách can
trường, coi thường cái chết như TT Ngô Đình Diệm không chỉ một lần mà
nhiều lần, thí dụ cuộc đối đầu với Hồ Chí Minh năm 1946, vụ Hà Minh Trí
ám sát cụ Diệm ở hội chợ Ban Mê Thuột 1957, cuộc đảo chính của Nguyễn
Chánh Thi ngày 11-11-1960, cuộc dội bom của Nguyễn Văn Cử và Phạm Phú
Quốc năm 1962, và nhất là tinh thần quốc gia coi thường cái chết của
mình, bảo vệ cuộc sống của dân lành, quân đội mà nhất quyết không phí
phạm xương máu của người lính dưới quyền? Bọn cầm đầu đảo chính theo
lệnh Mỹ đã khinh rẻ xương máu của những chiến hữu của họ như Đại Tá Hồ
Tấn Quyền, Đại Tá Lê Quang Tung, Thiếu Tá Lê Quang Triệu, thì họ ngại gì
mà không giết TT Ngô Đình Diệm và Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Ngay cả những
người như Ngô Đình Cẩn, Phan Quang Đông vốn là những người đã tiêu diệt
hầu hết cơ sở hạ tằng của CS đến nỗi Nguyễn Văn Linh đã phải thú nhận
rằng từ 50,000 cán bộ CS chỉ còn khoảng 6,000 năm 1963. Công lao như vậy
của Ông Ngô Đình Cẩn chỉ để bị Nguyễn Khánh theo lệnh của Thích Trí
Quang là phải trả bằng cái chết mà thôi. Tài năng và khí phách như Phan
Quang Đông từng làm cho hệ thống tình báo Bắc Việt phải nhiều phen xiểng
liểng suốt từ 1954-1963 để rồi bị tử hình ở sân vận động Huế sau cuộc
đảo chính bỉ ổi do Hoa Kỳ giật dây ngày 1-11-1963. Là một người chứng
kiến được những việc làm vương đạo và cũng đầy bá đạo của Hoa Kỳ khắp
nơi trên thế giới, nhất là ở Trung Đông, do bị ám ảnh bởi cái chết của
TT Ngô Đình Diệm, Tổng thống Pakistan Ayub Khan đã nói thẳng với TT
Nixon năm 1964 câu nói chí lý sau đây: “that
it is dangerous to be a friend of the United States; that it pays to be
neutral; and that sometimes it helps to be an enemy.” nghĩa là: “thật là nguy hiểm khi làm bạn với Hoa Kỳ; đứng trung lập thì phải trả giá; và đôi khi làm kẻ thù mà hay hơn”. (Richard Nixon, In the arena, A memoir of victory, defeat and renewal, Simon and Schuster, New York, 1990, trang 71).
Cuối
cùng, cái chết của TT Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu chính là cái
chết có tính toán như lời ghi nhận của sử gia Nguyễn Phương. Trong cuốn
A parade of American puppets, vị giáo sư sử học nhận định rằng: “He
refused to ask asylum in a foreign country. He did not want to confide
his fate into the hands of another, whosoever he could be. Lodge had
tried hard to bring him to safety. The American ambassador had even
asked the Apostolic Delegation to intervene for Diem to change his mind.
But in vain. Diem kept his own counsel, until death and in spite of
death, because by this gesture he meant to keep alive the sovereignty of
his nation. That’s why he was assassinated in South Vietnam on November
2, 1963.” (Ông ta từ chối xin một chỗ tị nạn ở một nước ngoài. Ông
không muốn giao phó số mệnh của mình vào tay người khác dù bất cứ là ai.
Lodge đã cố thử để đem ông tới chỗ an toàn, kể cả việc viên đại sứ Mỹ
này đã xin Tòa Khâm Mạng Tòa Thánh can thiệp để ông Diệm thay đổi ý kiến
nhưng vô hiệu. Ông Diệm vẫn giữ ý định của mình cho đến chết và bất
chấp cái chết, bởi vì với phong thái đó ông muốn giữa cho chủ quyền quốc
gia của ông được sống. Đó chính là lý do vì sao ông bị ám sát chết ở
Nam Việt Nam vào ngày 2 tháng 11, 1963.”46 (Nguyễn Phương, A parade of American puppets, trang 149).
Sau đoạn văn nêu trên, chúng ta có dịp đọc vào chú thích số 46 dẫn lời chú của sử gia Marguerite Higgins tác giả cuốn Our Vietnam Nightmare ( New York, Harper and Row, 1965) về một quan điểm có liên hệ đến vấn đề chủ quyền và cái chết của TT Ngô Đình Diệm: “Marguerite
Higgins quoted a Vietnamese philosophy professor as saying about the
reason why President Ngo Dinh Diem opted to be killed. “If Diem had
sought help of a foreign power, he would have undermined everything he
stood for. It would have destroyed the faith of the people in his
integrity and character. It would have been craven and cowardly for Diem
to seek help from the Americans; more so, because they had betrayed
him. He kept faith with his principles concerning Vietnam’s national
sovereignty. He surrended to the Vietnamese generals, not foreigners.
History will applaud this. It may be that the Americans would have
treated Diem more gently than the generals. But as a Vietnamese, it
would have been wrong for Diem to put his trust publicly in outsiders.
As a Vietnamese, he surrended to Vietnamese. The generals killed him and
the onus is on them.” (Marguerite Higgins trích dẫn lời của một giáo sư
triết học khi nói về lý do tại sao Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã chọn
việc sẽ bị giết. “Nếu ông Diệm tìm sự giúp đỡ của một cường quốc bên
ngoài thì như thế ông đã đạp đổ hết mọi cái mà ông từng tranh đấu. Điều
đó cũng phá hủy niềm tin mà người dân đặt vào sự chính trực và cá tính
của ông. Điều đó cũng nói lên sự hèn nhát của ông Diệm khi ông tìm sự
giúp đỡ nơi người Mỹ, hơn nữa vì họ đã phản bội ông. Ông giữ vững sự tin
tưởng vào những nguyên tắc của ông liên quan đến chủ quyền dân tộc Việt
Nam. Ông đã đầu hàng các tướng lãnh Việt Nam chứ không đầu hàng người
ngoại quốc. Lịch sử sẽ ca tụng điều đó. Cũng có thể rằng người Mỹ sẽ đối
xử với ông nhã nhặn hơn các tướng lãnh. Nhưng là một người Việt Nam,
ông Diệm cho rằng sẽ là một sai lầm khi đặt hết niềm tin vào người ngoại
quốc một cách công khai. Là người Việt Nam, ông đầu hàng người Việt
Nam. Các tướng lãnh đã giết ông và trách nhiệm lớn cho điều sai lầm trầm
trọng này sẽ đổ xuống trên đầu họ.” (Nguyễn Phương, A parade of American puppets, trang 372).
Đây
là lời giải đáp cho thắc mắc của cá nhân kẻ viết bài này vốn canh cánh
từ lâu, và có lẽ cũng cho nhiều người khi có những bậc vĩ nhân, như TT
Ngô Đình Diệm đã xem cái chết nhẹ tựa lông hồng vì trong con mắt họ lý
tưởng ôm ấp mới là điều cao cả nhất, và bài học chủ quyền của đất nước
cần phải là bài học suy tư, nghiền ngẫm đối với tất cả mọi người, nhất
là những người nắm nhiệm vụ trọng yếu là lãnh đạo đất nước.
LỜI KẾT
Xét
cho cùng, bài học chủ quyền không chỉ có tác động trong lãnh vực chính
trị mà còn là tác nhân trong phạm trù luân lý nữa thí dụ tương quan giữa
vua tôi, cha con, anh em, vợ chồng, bằng hữu rộng ra là người trong một
nước tức là tương quan giữa nhà với nước,
hay gia với quốc. Bài học chủ quyền không chỉ có trên sách vở mà còn
biểu lộ qua cách sống; nó không chỉ là một hữu thể nhưng phải thể hiện
một tương quan. Có nhiều sắc thái trong tương quan của người này với kẻ
khác, thí dụ như Henry Kissinger, Cố Vấn An Ninh của TT Nixon thể hiện
mối tương quan hận thù, trù dập giữa y với nhân dân Miền Nam Việt Nam,
năm 1975 sau ngày di tản Đà Nẵng, đã thốt lên: “Sao chúng không chết phứt cho rồi” (Why don’t these people die fast ?) (Nguyễn Tiến Hưng, Khi Đồng Minh tháo chạy, Cơ
sở xuất bản Hứa Chấn Minh, 2005, trang 20). TT Ngô Đình Diệm đã thể
hiện mối tương quan lo lắng, thương yêu giữa Cụ đối với đất nước trong
thời khắc cuối đời Cụ, năm 1963, trong đó có hàng chục triệu sinh linh,
đồng bào, đồng chí, chiến sĩ quốc gia, hàng chục vạn quân cán chính,
những người mà Cụ đặt hạnh phúc của họ trong nồi cơm của chính họ qua
câu hỏi thể hiện mối tương quan não lòng của Cụ được Đại Úy Đỗ Thọ, tùy
viên của Tổng Thống ghi lại trong nhật ký của mình như sau: Khi rời bỏ
Dinh Độc Lập, cũng lối 5 giờ chiều ngày 1-11-1963, “từ
Dinh đi ra xe để đến nhà Mã Tuyên, cùng với Cụ Ngô Đình Diệm đi trước,
có Cố vấn Nhu và ông Cao Xuân Vỹ. Theo ông Vỹ, Cụ vẫn không tỏ dấu lo
lắng gì. Dọc hành lang, Cụ bỗng xé bầu im lặng, tự nhiên thốt ra: “Phận tui sao cũng được, nhưng đất nước này sẽ ra thế nào đây?” (Nguyễn Phương tự Trúc Long, Tưởng niệm một cái chết, Văn Nghệ Tiền Phong số 285).
Những
người như Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm, v.v… khi lên máy bay của
Hoa Kỳ ra khỏi VN những ngày trước khi VNCH sụp đổ, đã nghĩ gì về số
phận của một đất nước còn lại sau một thời gian dài hưởng thụ đã chán
chê ?
Sau
cái chết của TT Ngô Đình Diệm, giới sử học Hoa Kỳ và nhiều nước trên
thế giới đứng vào phía phe chiến thắng tha hồ chê trách, mạt sát, mạ lị,
dèm pha chế độ của nền Đệ I Cộng Hòa, đạp xuống tận bùn đen trong khi
đó cũng có rất nhiều cây bút có công tâm, cố gắng biện minh cho chế độ
của Cụ Diệm trong đó phải kể đến Marguerite Higgins, Ellen Hammer,
Suzanne Labin, Tướng Thomas A. Lane, nhất là các tài liệu được giải mật
của Ngũ Giác Đài tức The Pentagon Papers… Càng ngày số tác giả truy tầm
sự thật về chiến tranh Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho việc phục hồi
sự thật và danh dự cho chế độ của Cụ Diệm, gần đây như tác phẩm của Mark
Moyar, Geoffrey Shaw thuộc về trường phái phi chính thống để chống lại
trường phái chính thống sau năm 1963. Sử gia Mark Moyar, trong tác phẩm Triumph Forsaken
(Chiến thắng dang dỡ) 512 trang, đã công bình khi đặt lại giá trị của
TT Ngô Đình Diệm và cuốn sách này đã gây chấn động lớn trong giới sử học
Hoa Kỳ cũng như thế giới.
Gần
đây, tác giả Geoffrey Shaw đã dành tất cả sự kính trọng để nói về cái
chết của TT Ngô Đình Diệm như là một cuộc tử đạo (martyrdom) trong cuốn
sách có tên The Lost mandate of Heaven, The American Betrayal of Ngo Dinh Diem, President of Vietnam (Ignatius Press, San Francisco, 2015, trang 23-24).
Một
số sử gia ngoại quốc khi gọi TT Ngô Đình Diệm là “Nhà Khổng Học cuối
cùng” (The Last Confucean) hay là “Vị quan cuối cùng” (The Last of The
Mandarians) đã có vài hậu ý… nhưng một học giả Trung Hoa, Tiến Sĩ Phùng
Hữu Lan (Fung-Yulan) (1895-1990) là người có quyền uy nhất trong việc
trình bày và lý giải triết học Trung quốc chừng 50 năm trở lại đây, tác
giả những bộ sách lớn về triết học Trung Quốc như Trung quốc Triết học sử, Triết học sử chính, Trung quốc triết học sử bổ, Tân lý học, Tân nguyên đạo, Tân thế huấn, Tân sự luận v.v… đã đưa ra một mẫu hình tượng về một bậc minh quân thánh chúa, có thể như Cụ Diệm, mà ông gọi tên là “nội thánh ngoại vương” 內 聖 外 王 . Giáo sư Phùng Hữu Lan viết : “Người
ta thường bảo rằng nhân cách của thánh nhân là “nội thánh ngoại vương”.
Tức là trong đức tính nội thánh, thánh nhân hoàn bị sự tu dưỡng tinh
thần của mình, và trong địa vị ngoại vương, thánh nhân cải tạo xã hội.
Thánh nhân không nhất thiết phải là một lãnh tụ chính trị. Trong thực
tế, ít có cơ hội cho thánh nhân lên cầm quyền. Câu “nội thánh ngoại
vương” chỉ có ý nghĩa trên mặt lý thuyết: người đạo đức nhất thì đáng
làm vua. Còn trong thực tế người ấy có được làm vua hay không, cái đó
không quan hệ.” (His character is described as one of “sageliness within
and kingliness without.” That is to say, in his inner sageliness, he
accomplishes spiritual cultivation; in his kingliness without, he
functions in society. It is not necessary that the sage should be the
actual head of the government in his society. From the standpoint of
practical politics, for the most part, the sage certainly has no chance
of being the head of the state. The saying “sageliness within and
kingliness without” means only that he who has the noblest spirit
should, theoretically, be king. As to whether he actually has or has not
the chance of being king, that is immaterial.” (Fung Yu-lan, A Short History of Chinese Philosophy, A systematic account of Chinese thought from its origins to the present day, Edited by Derk Bodde, The Free Press, 1966, page 8).
TT
Ngô Đình Diệm đã từ bỏ quyết định tiên khởi là sống đời tu hành làm
linh mục để dấn thân vào việc nước, rất sùng đạo, tham dự thánh lễ hằng
ngày, và trong chiếc cặp Đỗ Thọ mang theo cho Cụ chiều ngày 1-11 chỉ có
một bộ y phục đàng hoàng nhất của Cụ để dùng vào cái nghi lễ trọng vọng
nhất đối với Cụ: Lễ Các Đẳng Linh Hồn (La Fête Des Morts) vào ngày mai
qua dự Lễ và chịu Lễ ở nhà thờ Cha Tam. Theo Đại úy Thọ, tâm hồn Cụ
dường như tất cả để vào cuộc Lễ đó. Phong cách hành sử của Cụ khi ngồi
uống trà ở nhà Mã Tuyên được ghi nhận: “Dáng diệu bệ vệ thường nhật, không thay đổi tí nào” rõ là cung cách của một thánh nhân hay một đấng quân tử nên việc xưng tụng TT Ngô Đình Diệm là một bậc “nội thánh ngoại vương” tưởng cũng rất hợp lý vậy.
NGUYỄN ĐỨC CUNG,
Philadelphia, ngày 19 tháng 5 năm 2017.