Tiết Trực (từ Việt Nam)
Từ Formosa, nhìn lại Vedan
Tại sao các tổ chức xã hội dân sự/tôn giáo phải vào cuộc trong vụ ngư dân Nghệ An kiện Formosa?
Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhắc lại những diễn tiến trong
vụ kiện Vedan để đòi bồi thường thiệt hại cho nông dân bị ảnh hưởng vì
chất thải của Vedan. Phần thông tin về Vedan trong bài viết này được lấy
chủ yếu trong tài liệu Tình huống Vedan (Nghĩa, 2011).
Công ty Cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam đặt tại xã Phước Thái, huyện
Long Thành, tỉnh Đồng Nai trên diện tích 120 ha theo Giấy phép đầu tư số
171/GP do Uỷ Ban nhà nước và hợp tác đầu tư cấp ngày 08/03/1991. Đây là
doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài với tổng vốn dự án là 432.419.416 USD,
số lao động dự kiến 1.800-2.600 người. Công ty Vedan bắt đầu hoạt động
từ năm 1993, sản xuất bột ngọt, lysine, tinh bột, nước đường, xút
(NaOH), axit (HCL), thức ăn chăn nuôi, phân bón và một số sản phẩm khác.
Công ty Vedan sử dụng nước cấp trung bình 20.000-25.000 m3/ngày và nước làm mát lấy từ sông Thị Vải khoảng 40.000 m3/ngày.
Trước năm 1993, khoảng 40% số hộ dân của các xã ven sông huyện Long
Thành, Đồng Nai, sống bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Sau khi
Vedan hoạt động vào năm 1993 cho tới giữa năm 1994 nhiều xã của huyện
Long Thành đã bắt đầu nhận thấy sông Thị Vải bị ô nhiễm, cá chết ngày
càng nhiều. Họ đã làm đơn khiếu nại nhiều nơi song yêu cầu của họ không
được giải quyết. Do sản lượng thủy sản giảm nhanh, bắt đầu từ tháng
10/1994, nhiều người kinh doanh nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Thị
Vải thông báo với Chi Cục Thuế huyện Long Thành tạm ngưng kinh doanh,
không nộp thuế.
Năm 1995, Vedan đã lâp Báo cáo đánh giá tác động môi trường, được Bộ
Khoa học công nghệ và môi trường thẩm định ngày 04/05/1995. Cùng năm
này, dưới danh nghĩa hỗ trợ cho ngư dân chuyển đổi nghề nghiệp, Vedan đã
trả cho các hộ dân khoảng 15 tỉ đồng thông qua chính quyền tỉnh Đồng
Nai.
Việc gây ô nhiễm sông Thị Vải tiếp tục kéo dài cho đến ngày
08/09/2008, sau ba tháng sử dụng trinh sát cải trang mật phục, Cục Cảnh
sát phòng chống tội phạm về môi trường và Đoàn kiểm tra liên ngành bắt
quả tang Vedan xả chất thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải qua những
đường ống ngầm. Ngày 13/09/2008 đoàn kiểm tra đã lập biên bản hành vi xả
nước thải chưa qua xử lý thông qua những đường ống ngầm ra sông Thị
Vải. Ước tính Vedan xả 3.500-4.500 m3 chất thải/ngày ra sông Thị Vải qua hệ thống những đường hầm bí mật và tinh vi.
Hành vi xả thải không qua xử lý của Vedan làm thiệt hại đến nghề đánh
bắt và nuôi trồng thủy sản của hàng ngàn nông dân và ngư dân của ba địa
phương sống hai bên bờ sông Thị Vải, cụ thể như sau: Đồng Nai, số hộ bị
thiệt hại khoảng 5.600 hộ, tập trung ở hai huyện Long Thành và Nhơn
Trạch; Bà Rịa-Vũng Tàu, khoảng 1.255 hộ; Huyện Cần Giờ, TPHCM, khoảng
839 hộ.
Sau khi vi phạm của Vedan bị phát hiện, từ tháng 11/2008- cuối tháng
12/2009, nông dân các địa phương trên đã làm đơn yêu cầu Vedan bồi
thường thiệt hại.
Phản ứng của chính quyền ở ba địa phương liên quan có khác nhau. Tại
TPHCM, sau khi xin ý kiến của Thành ủy và UBNDTP để Hội nông dân TP
hướng dẫn bà con huyện Cần Giờ đấu tranh với Công ty Vedan, Hội nông dân
TPHCM chỉ đạo Hội nông dân Cần Giờ đứng ra làm đầu mối tiếp nhận đơn
thư khiếu nại, khiếu kiện của 1.824 hộ dân.
Tại BR-VT, một Ban điều tra xác định thiệt hại về tài nguyên môi
trường với sự tham gia của nhiều ban ngành do Phó GĐ Sở NN&PTNT chỉ
đạo được thành lập để tiếp nhận các đơn khiếu nại của các nông hộ.
Tại Đồng Nai, việc giải quyết yêu cầu đòi bồi thường của các hộ dân
được giao cho một Ban chỉ đạo do đại diện Sở TNMT chịu trách nhiệm
thường trực. Trong việc này, UBND Đồng Nai tỏ ra khá lúng túng vì số
lượng các hộ dân bị hại lớn, khoảng 5.600 hộ dân, nếu khởi kiện từng hộ
phải có chữ ký của chồng và vợ, lúng túng vì chưa chắc chắn về chứng cớ,
vùng thiệt hại, vì nông dân nuôi tôm không có hóa đơn, không rõ mật độ,
trữ lượng cá trên sông được chứng minh như thế nào. Ngoài ra còn khó
khăn vì phải tạm ứng án phí khởi kiện. Nếu tạm tính 2,5% giá trị vụ
tranh chấp của riêng nông dân Đồng Nai là 119 tỉ đồng thì nông dân nếu
muốn khởi kiện phải nộp tạm ứng án phí là 2.975.000.000 đồng.
Để xác định thiệt hại làm căn cứ đòi bồi thường, dưới sự chỉ đạo
thống kê thiệt hại của Bộ TN&MT, ngày 29/01/2010 Viện Môi trường và
Tài nguyên (ĐHQG TPHCM) công bố kết quả thẩm tra xác minh thiệt hại của
nông dân, theo đó 2.686 ha nuôi trồng thủy sản trên lưu vực sông Thị Vải
đã bị ô nhiễm, 90% tác nhân là do Vedan.
Trước tình huống nông dân muốn kiện Vedan mà không biết thực hiện như
thế nào, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai đã nhập cuộc. Theo ông Nguyễn Đức,
Chủ tịch Hội Luật gia Đồng Nai, cuối tháng 7/2010, Hội Luật gia nhận
được sự đồng ý bằng văn bản của UBND Đồng Nai, theo đó bà con nông dân
có thể chọn thỏa thuận với Vedan hoặc kiện ra tòa án, nếu kiện ra tòa án
thì Hội Luật gia tỉnh Đồng nai có trách nhiệm trợ giúp. Ngày 27/07/2010
Ban Thường vụ Tỉnh hội Luật gia Đồng Nai họp mở rộng, mời tất cả các
đảng viên tham dự, kêu gọi trợ giúp miễn phí cho nông dân hai huyện Long
Thành và Nhơn Trạch. Hưởng ứng lời kêu gọi, 40 Văn phòng với hàng trăm
luật sư đã tình nguyện tham gia hỗ trợ miễn phí cho nông dân Đồng Nai,
giúp họ thảo đơn kiện và chuẩn bị hồ sơ vụ kiện, làm đơn giảm án phí,
hoàn tất các thủ tục ủy quyền cho luật sư, giúp đỡ vẽ sơ đồ vùng thiệt
hại, tìm kiếm chứng cớ giúp nông dân. Cho đến ngày 12/09/2010, gần 5.000
đơn khởi kiện của nông dân Đồng Nai đã được nộp cho tòa án với sự tự
nguyện tham gia trợ giúp miễn phí của hàng trăm luật sư và luật gia.
Do nông dân muốn khởi kiện phải tạm ứng án phí cho tòa án nhưng họ
lại rất nghèo không có tiền làm việc đó nên Bộ TNMT đã ứng trước 2,6 tỉ
đồng từ Quỹ bảo vệ môi trường nộp tạm ứng án phí cho nông dân. Gia đình
khó khăn, gia đình chính sách được miễn hoặc giảm án phí. Các tờ báo lớn
ở Việt Nam tổ chức hội thảo, kêu gọi hỗ trợ nông dân. Các đoàn đại biểu
Quốc hội chất vấn trách nhiệm của chính quyền địa phương và lãnh đạo Bộ
TNMT.
Đứng trước phản ứng của dư luận cả nước, Vedan phải xem xét lại đối
sách của mình. Trong các năm 2008-2009, Vedan không chấp nhận bồi
thường, chỉ ưu tiên đàm phán với chính quyền, chỉ đưa ra cam kết hỗ trợ
nông dân. Từ khi Viện Tài nguyên và Môi trường tính ra con số thiệt hại
cụ thể, Vedan mới chấp nhận đàm phán về bồi thường thiệt hại với mức độ
chấp nhận mức bồi thường nhích dần lên từ từ theo thời gian.
Cuối cùng, trong tháng 8 và 9/2010, Vedan đã phải ký cam kết bồi
thường thiệt hại cho nông dân với tổng số tiền là 218,867 tỉ đồng. trong
đó 839 hộ nông dân Cần Giờ được bồi thường 45,748 tỉ đồng, 1.255 hộ
nông dân BR-VT được bồi thường 53,619 tỉ đồng, và gần 5.000 hộ nông dân
Đồng Nai với số tiền 119,5 tỉ đồng [1].
Tóm lại, từ những thông tin về vụ kiện Vedan như trên ta thấy:
- Để đòi được tiền bồi thường, bên thưa kiện phải đưa ra được các chứng cớ về thiệt hại và tính toán được diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại một cách thuyết phục. Trong trường hợp này vai trò của Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐHQG TPHCM) là quan trọng cho vụ kiện.
- Bản thân nông dân không thể lập được hồ sơ kiện mà phải có sự trợ giúp của nhiều hội đoàn tham gia như Hội nông dân, Hội Luật gia. Các hội này đều do chính quyền thành lập.
- Chính quyền ủng hộ hoàn toàn cho vụ kiện của nông dân bằng cách chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan tham gia trợ giúp từ cấp trung ương đến địa phương, kể cả việc tạm ứng án phí cho nông dân.
- Luật về trách nhiệm pháp lý (Luật Bảo vệ Môi trường) là cơ sở để đòi bồi thường vì nếu không có luật này thì không khi nào bên bị kiện chấp nhận bồi thường. Thường thì bên bị kiện rất ngại vụ việc dẫn đến tòa án vì nhiều lý do nên họ có thể chấp nhận thương lượng để bồi thường thay vì đưa nhau ra tòa để chấp nhận phán quyết của tòa án.
- Dù vụ việc được giải quyết thông qua thương lượng nhưng bên đi kiện cũng mất rất nhiều thời giờ, công sức và tiền bạc để chuẩn bị cho vụ kiện. Thời gian từ khi bắt quả tang đến cam kết bồi thường mất hai năm (từ tháng 9/2008-tháng 9/2010).
Từ vụ kiện Vedan, nhìn lại vụ kiện Formosa của ngư dân tỉnh Nghệ An,
chúng ta thấy có sự khác biệt gì? Vì sao ngư dân Nghệ An khởi kiện?
Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa được cho là đã gây ra thảm họa môi
trường biển cho 4 tỉnh Miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,
Thừa Thiên-Huế do xả thải qua đường ống ngầm đi ra biển. Hiện tượng cá
chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 06/04/2016 và kéo dài cho tới nhiều ngày
sau gây sự phẫn nộ của cả nước. Để trấn an dư luận, Chính phủ chỉ đạo
các cơ quan liên quan như Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Công an, Bộ Khoa
học Công nghệ,…điều tra và sau đó công bố nguyên nhân cá chết là do
nguồn thải ở khu vực Vũng Áng - Hà Tĩnh chứa keo sắt dưới dạng mixel hấp
phụ các chất như Phenol, Xyanua… di chuyển theo dòng hải lưu.
Ngày 30/06/2016 là ngày họp báo của chính phủ công bố nguyên nhân cá
chết và thỏa thuận bồi thường 500 triệu USD của Formosa cho các thiệt
hại kinh tế và môi trường cho các vùng bị ảnh hưởng ở Miền Trung, sau
quá trình chính phủ đàm phán với Formosa với tinh thần “phải đảm bảo
quyền lợi của hàng triệu người dân miền Trung nhưng cũng đảm bảo lợi ích
các bên, đảm bảo Thỏa thuận về xúc tiến và bảo hộ đầu tư giữa VN và Đài
Loan”[2]. Trong buổi họp báo này, để trả lời phóng viên hãng Nikkei: “Số tiền 500 triệu USD là cao, cao nhất trong lịch sử bồi thường ở VN, đã được tính toán như thế nào? Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết:
“Mục đích của chúng tôi đặt ra 500 triệu USD là rất nhỏ. Đây mới là
tính sơ bộ thiệt hại người dân, thiệt hại sơ bộ về biển còn những thiệt
hại rất nhiều như tổn thương tâm lý, hệ lụy sau này nhưng chúng tôi
không cần thiết bao nhiêu mà yêu cầu Formosa chuyển đổi công nghệ và
thực hiện nghiêm việc xử lý ô nhiễm môi trường”[3].
Do thông báo của chính phủ chỉ bồi thường cho 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế nhưng ảnh hưởng của chất thải Formosa không chỉ giới hạn trong phạm vi 4 tỉnh mà còn lan sang tỉnh giáp ranh Hà Tĩnh là Nghệ An. Một số vùng ở Nghệ An cũng bị thiệt hại do biển không còn cá để đánh bắt nên tàu nằm bờ không ra khơi đánh bắt được làm thiệt hại sinh kế của người dân rất nhiều mà đây lại là sinh kế duy nhất của họ (ví dụ như Giáo xứ Song Ngọc ở Nghệ An). Những ngư dân bị thiệt hại ở Nghệ An đã không được chính phủ kể vào danh sách được bồi thường trong số tiền 500 triệu USD. Chính vì vậy mà họ muốn khởi kiện để thủ phạm Formosa phải bồi thường cho họ. Và những người giúp họ làm đơn kiện là những người tình nguyện hoặc các vị chức sắc tôn giáo đã thể hiện lương tri con người trước nỗi đau của đồng loại, không tỏ ra vô cảm trước bất công xã hội. Nhưng việc kiện của ngư dân Nghệ An bị nhà cầm quyền địa phương cản trở quyết liệt, kể cả sử dụng bạo lực ngăn không cho họ có cơ hội tới tòa án thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh để nộp đơn [4].
Tới đây, so sánh vụ kiện của ngư dân Nghệ An với vụ kiện Vedan, ta thấy có những điểm khác biệt. Đó là:
- Vụ kiện Formosa không được chính quyền ủng hộ vì chính quyền trung ương đã ký thỏa thuận với Formosa miễn tất cả những trách nhiệm pháp lý của Formosa về bồi thường thiệt hại môi trường sau khi Formosa nhận tội và cam kết trả 500 triệu USD cho chính phủ.
- Do muốn Formosa nhận trách nhiệm nhanh chóng khi vụ cá chết hàng loạt xảy ra và để giảm nhiệt cơn phẫn nộ của nhân dân sau tuyên bố của ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại của công ty Formosa về việc dân Việt Nam phải lựa chọn một trong hai sản phẩm cá hoặc thép nếu không có được cả hai, Chính phủ, vì không muốn mất nhiều thì giờ để điều tra thiệt hại thực tế như trong vụ Vedan, đã sớm thỏa thuận cả gói với Formosa số tiền 500 triệu USD. Số tiền này được nhiều chuyên gia đánh giá là không thấm vào đâu nếu tính đúng tính đủ mức thiệt hại thực sự. Thực ra số tiền 500 triệu USD là quá ít vì chỉ với 4 tỉnh trong danh sách mà theo thông báo của chính phủ mỗi hộ được bồi thường thiệt hại sinh kế chỉ trong thời gian 6 tháng thì thời gian còn lại không có cá biển để đánh bắt thì họ sống bằng gì. Như vậy ta hiểu tại sao chính phủ không muốn đưa thêm Nghệ An vào danh sách được bồi thường.
- Vì vụ kiện Formosa không được chính phủ ủng hộ như vụ kiện Vedan nên không có cơ quan ban ngành, đoàn thể nào của chính quyền dám tham gia giúp ngư dân Nghệ An chuẩn bị hồ sơ kiện như đã giúp nông dân trong vụ Vedan.
- Chính vì lẽ đó, những người yêu chuộng công lý, công bằng xã hội bên ngoài bộ máy chính quyên như các tổ chức xã hội dân sự và các chức sắc tôn giáo đã tự nguyện đứng ra giúp đỡ ngư dân Nghệ An làm đơn khởi kiện vì cũng giống như nông dân ven sống Thị Vải, ngư dân là những người chỉ biết lao động kiếm sống chứ không thể biết những thủ tục cần thiết cho một vụ kiện. Để chuẩn bị cho vụ kiện cần phải tốn nhiều nguồn lực cho hồ sơ kiện và tạm ứng án phí nên nếu chỉ bản thân ngư dân thì không có tiền vì đã bị thảm họa môi trường triệt tiêu sinh kế. Vì lẽ đó có những người có lòng từ tâm trong và ngoài nước đã cùng nhau quyên góp tiền để giúp trang trải cho chi phí vụ kiện được dự kiến là rất lớn.
- Trong vụ kiện Formosa ở Nghệ An, các vị chức sắc tôn giáo đã phải tham gia giúp ngư dân làm hồ sơ khởi kiện vì trong đó có những vùng bị thiệt hại mà ngư dân có đạo chiếm tỉ lệ lớn trong dân số. Các ngư dân này không được cơ quan đoàn thể nào của chính quyền giúp đỡ như vụ Vedan mặc dù thiệt hại có cơ sở chứng minh. Thế thì ngư dân phải trông dựa vào ai để bảo vệ quyền lợi của mình nếu không phải là dựa vào các chức sắc tôn giáo? Trong trường hợp này, các chức sắc tôn giáo ở Giáo phận Vinh đã làm đúng vai trò “Sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc”, “Công giáo đồng hành cùng dân tộc” vì ngư dân Nghệ An cũng là một thành phần của dân tộc.
Tóm lại, trong vụ kiện Vedan của nông dân Cần Giờ, Bà Rịa-Vũng Tàu và
Đồng Nai, chính quyền trung ương đứng về phía bị hại nên nông dân được
sự trợ giúp rất nhiều từ các cơ quan ban ngành đoàn thể của chính quyền
và đạt được kết quả tương đối tốt. Trong khi đó, trong vụ kiện Formosa
của ngư dân Nghệ An, do mối quan hệ “đặc biệt” của chính quyền trung
ương và địa phương với Formosa, được thể hiện qua những ưu đãi chưa từng
có mà các doanh nghiệp khác không được hưởng và thời gian hoạt động của
Formosa được nâng lên 70 năm thay vì bình thường chỉ có 50 năm, và tiền
bồi thường cho tất cả mọi thiệt hại và mọi đối tượng đều gói gọn trong
số tiền 500 triệu USD, nên khi phát sinh vụ ngư dân Nghệ An kiện Formosa
đòi bồi thường thiệt hại thì chính quyền tìm cách dập tắt quyền được
kiện chính đáng của người dân theo Luật Bảo vệ Môi trường năm 2014. Và
vì chính quyền không bật đèn xanh cho vụ kiện nên không có cơ quan ban
ngành đoàn thể nào dám lên tiếng nói ủng hộ ngư dân. Đứng trước viễn
cảnh nhiều hộ gia đình ngư dân bị triệt tiêu sinh kế vì Formosa trong
khi công ty này lại được chính quyền cam kết bảo vệ công việc làm ăn để
bảo vệ lợi nhuận của họ, các tổ chức xã hội dân sự và các chức sắc tôn
giáo địa phương đã can đảm lên tiếng trước thảm họa môi trường do
Formosa gây ra và đòi hỏi phải có sự công bằng trong xã hội nên đã đứng
ra giúp đỡ người dân trong vụ kiện.
Chúng ta biết Việt Nam là nước nghèo nên rất khao khát nguồn vốn đầu
tư từ nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm cho người
lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước. Nhưng chúng ta cũng không
nên quên rằng mục đích cuối cùng của nhà đầu tư là lợi nhuận. Mà muốn có
lợi nhuận thì phải tiết kiệm chi phí. Cho nên tiết kiệm/tránh né chi
phí xử lý chất thải cũng là một phương cách giúp nhà đầu tư tăng thêm
lợi nhuận. Vì lẽ đó các nước nghèo thường là nơi để các nhà đầu tư nước
ngoài xem là địa điểm lý tưởng để kiếm lợi nhuận và đổ chất thải của thế
giới.
Nhưng chúng ta cũng lại biết rằng một nền kinh tế muốn phát triển bền
vững phải đứng vững trên cả ba chân: kinh tế, xã hội, và môi trường.
Vậy thì sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự cũng như của các tổ
chức tôn giáo nói chung vào mục tiêu hướng tới công bằng xã hội và bảo
vệ môi trường là rất cần thiết để giúp Việt Nam phát triển bền vững cho
cả thế hệ hiện tại và các thế hệ tương lai.
Tài liệu tham khảo
[1] Tình huống Vedan. Phạm Duy Nghĩa, 2011. Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright.http://www.fetp.edu.vn/cache/MPP04-541-C04V-2012-02-08-17595994.pdf
[3]http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/cong-bo-nguyen-nhan-ca-chet-313134.html[4] http://www.viendongdaily.com/giao-dan-song-ngoc-khoi-kien-formosa-bi-cong-an-ngan-chan-QAX7jEEH.html
Nguon: VOA