Ảnh Hưởng của các chế độ chính trị đến Văn Hoá Việt Nam Xưa và Nay

Chương trình HỘI THOẠI Văn Hoá Việt Nam Xưa và Nay
(Được trình bày trên hệ thống truyền hình VietTV – Viet TV Networks)
(Vào ngày 17/03/2017)

Điều Hợp (Host): GS. Nguyễn Đức Lâm
Khách mời (Guest): GS. Lê Đình Cai
Đề Tài (Topic):  


Ảnh Hưởng của các chế độ chính trị 

đến Văn Hoá Việt Nam Xưa và Nay

Thời Lượng (Time): 44 phút (show 1 - 22 phút và show 2 - 22 phút)


Dàn Bài (Outline)

PHẦN 1 (Part 1):

GS Nguyễn Đức Lâm giới thiệu sơ lược về tiểu sử của diễn giả (1 phút).


LDC: (30 seconds) Xin chào quý khán thính giả của đài truyền hình VietTV.
Sau đây, sau phần nghi thức thường lệ, chúng tôi sẽ xưng hô với nhau bằng "Anh, Tôi" để giữ bầu không khí thân tình của mấy chục năm quen biết.

NDLChào anh Cai. Anh vẫn khỏe chứ? Nghe nói anh vẫn sinh hoạt hăng hái như ngày nào và lại làm đồng Trưởng Ban tổ chức kỷ niệm 60 năm Đại Học Huế vào tháng 07 năm 2017 tại San Jose.

LDC(1 phút) Cảm ơn anh Lâm đã có nhã ý mời tôi tham dự vào chương trình hội thoại về văn hoá Việt Nam xưa và nay mà đề tài sẽ tập trung vào “Ảnh hưởng của các chế độ chính trị đến văn hoá Việt Nam xưa và nay” như thế nào?
Thật ra, nói hăng hái như ngày nào, như thời sinh viên với những năm tháng sôi động của miền Trung (1963 – 1966) thì chắc không đâu vì tuổi tác nay đã lớn rồi, sức khoẻ không cho phép. Vả lại, hồi thanh xuân mình chưa vợ chưa con nên sự dấn thân vì lý tưởng là hết sức tích cực. Bây giờ nếu phải đi lại từ đầu, chúng tôi vẫn muốn dấn thân trên con đường mình đã đi hồi còn trai trẻ.

NDLThưa anh, theo những tài liệu mà tôi đã đọc được thì các chế độ chính trị đã có ảnh hưởng rõ rệt đến các sinh hoạt văn hóa của một dân tộc. Anh nghĩ sao về nhận xét này? Anh có đồng ý không? Lý do?

LDC: (2 phút) Nhận xét rằng các chế độ chính trị đã có ảnh hưởng rõ rệt đến các sinh hoạt văn hoá của một dân tộc là một nhận xét rất chính xác. Tuy nhiên, nếu nói rõ hơn thì phải nói Chính Trị và Văn Hoá đều tác động lên nhau để biến đổi lịch sử của nhân loại nói chung, cách riêng là chuyển đổi đời sống xã hội Việt Nam qua từng giai đoạn của lịch sử từ chế độ làng xã sơ khai (chế độ phong kiến) qua chế độ vua tôi (chế độ quân chủ), qua chế độ thực dân, chế độ Cộng Hoà (dân chủ), rồi chế độ Cộng Sản đương thời. Mỗi chế độ chính trị hình thành trên dòng lịch sử Việt đều để lại một dấu ấn sâu đậm lên nền văn hoá của đất nước qua dọc dài của lịch sử.

NDLNhìn vào lịch sử Việt nam, anh thấy nước Việt đã trải qua bao nhiêu lần thay đổi chế độ và mỗi chế độ có ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của người Việt ra sao? Xin đơn cử một vài thí dụ.

LDC: (6 phút) Chúng ta thường nghe đến câu nói, “Việt Nam trải qua 4,000 năm văn hiến”. Câu nói này là câu nói khoa đại để biểu lộ lòng tự hào của dân tộc nhưng kỳ thực lịch sử Việt Nam có một đoạn đường hình thành dài lâu như vậy hay không? Đây quả thật là một vấn đề cần bàn thảo và các sử gia vẫn chưa có kết luận dứt khoát. Tuy nhiên, theo các sử gia thời trước thì lịch sử Việt tộc kể từ thời nước Văn Lang (từ 2,879 trước CN, đến thế kỷ thứ 3 TCN) của các vua Hùng với thành Cổ Loa kiên cố, khởi đầu giai đoạn của một chế độ tập quyền gia trưởng. Buổi đầu các thị tộc Lạc Việt còn là những bộ lạc đặt dưới quyền của một tù trưởng và khi thị tộc Lạc Việt đến vùng Bắc Việt thì khuynh hướng tập trung bắt đầu rồi một chế độ phong kiến sơ sài hình thành với Lạc Vương đứng đầu, có Lạc Hầu, Lạc Tướng, Bố Chính, giúp Vương cai trị, cát cứ các thái ấp lớn nhỏ rồi thống nhất thành nước Văn Lang. Trong cuốn, “Les Grandes époques de L’Indochine”, Bulletin de la S.E.M du Tonkin, tome XV_No 2, pp 281_287, ông L. Finot đã viết, “Dân Văn Lang trước thế kỷ thứ 2 và thứ 3, còn sống trong trạng thái gia đình mẫu hệ (matriarcat), và có tục đàn bà goá phải tái giá với anh em chồng”. (Phạm Văn Sơn, “Việt Sử toàn thư”, nxb Đại Nam, tái bản tại Glendale, California, không đề năm, trang 34).
    Cho đến khi Thục An Dương Vương lên thay các Vua Hùng biến nước Văn Lang thành Âu Lạc tương đối có quy cũ hơn (đây là sự kết hợp của bộ tộc Âu Việt và Lạc Việt vào nửa sau thế kỷ thứ 3 TCN). Xã hội Âu Lạc cũng như Văn Lang trước đó đều là xã hội văn minh nông nghiệp với cơ sở hạ tầng là công xã nông thôn (danh từ của các sử gia Mác-xít hay dùng). Nhưng dưới thời Âu Lạc, chế độ mẫu hệ đã chuyển qua chế độ phụ hệ (patriarcat) theo quan niệm của người Tàu dưới thời Triệu Đà đến cai trị nước ta, khởi sự cho một thời kỳ Bắc Thuộc kéo dài hơn 1,000 năm. Mãi cho đến trận chiến thắng Bạch Đằng (938) với Ngô Quyền xưng Vương đóng đô ở Cổ Loa (939 - 965), thì đất nước chúng ta mới khởi sự được một thời kỳ tự chủ lâu dài. Kể từ Triều Ngô, rồi Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, chế độ quân chủ Trung Ương tập quyền đã ngự trị trên dòng lịch sử Việt tộc từ thế kỷ thứ X cho đến giữa thế kỷ XX (từ năm 939 – 1945). Nhưng theo sử gia Nguyễn Phương, trong “Việt Nam thời khai sinh” thì Đinh Bộ Lĩnh đã thống nhất 12 sứ quân đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Đây mới chính là thời kỳ Việt Nam định hình trong thực tế vào thế kỷ thứ 10 (968 – 980). Dưới thời Bắc thuộc cho đến thời tự chủ, Việt Nam đã chịu ảnh hưởng Nho giáo sâu đậm và Phật giáo cũng phát triển nhiều trên đất nước ta vào thời lệ thuộc nhà Đường bên Trung Quốc.
    Ngày 04/11/1857, khi tiếng đại bác của Trung tướng Rigault De Genouilly bắn phá vào thành Đà Nẵng, thì gót chân xâm lăng của đế quốc Pháp chuẩn bị tràn vào đất Việt. Hoà ước Patenôtre (1884) đã đặt triều đình Huế dưới sự bảo hộ hoàn toàn của người Pháp. Quan Khâm sứ Rheinard, họp các quan lại tại toà khâm Huế làm lễ thủ tiêu cái ấn của nhà Thanh đã trao cho vua Gia Long khi phong vương. Hành động này chấm dứt ảnh hưởng của Trung Hoa và mở ra thời kỳ mới: Thời kỳ Việt Nam lệ thuộc Pháp. Sự chuyển đổi xã hội vào giai đoan này thực sự lớn lao, nếu không muốn nói là đã thay đổi từ cơ bản trong mọi địa hạt của cuộc sống về văn hoá, giáo dục, xã hội… Nền văn hoá Tây phương là một nền văn hoá năng động, còn văn hoá của chúng ta là văn hoá “tĩnh”. Từ mấy ngàn năm dưới thời phong kiến, quân chủ, nền văn hoá Việt Nam dù có biến thiên nhưng cái cốt tuỷ vẫn không lung lay bởi vì xã hội của chúng ta thời đó là xã hội nông nghiệp, xã hội tự cung tự cấp, bế quan tự thủ, chưa từng tiếp xúc với nền văn minh Tây Phương, chỉ giao thiệp với Trung Quốc qua một thời gian dài Bắc thuộc (hơn 1,000 năm). Bây giờ tiếp xúc với Tây phương với nền văn minh tiến bộ, với sức mạnh vật chất và tư tưởng khoa học phóng khoáng, xã hội “tĩnh” của chúng ta bị đẩy lùi trước đà tiến vũ bão của văn hoá Tây phương.
    Trở lại với câu hỏi của anh NDL, mỗi lần thay đổi thể chế chính trị, thì sự thay đổi đó ảnh hưởng lên đời sống Văn hoá của người Việt ra sao? Dĩ nhiên, ảnh hưởng lên nhiều lãnh vực của đời sống xã hội Việt Nam lắm. Ở đây chúng ta có thể chọn lựa một lãnh vực thuộc về “văn hoá y phục” để thấy tác động của chính trị lên cách ăn mặc như thế nào? Từ trước trong xã hội Việt Nam ở miền Bắc vì chịu ảnh hưởng cách ăn mặc của Trung Hoa, đàn bà thường mặc váy. Từ năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi Vương, tức Võ Vương, đã cho thay đổi phẩm phục quan lại, còn chú trọng thay đổi y phục của dân chúng, điển hình là dân Đàng Trong đã bỏ “váy” để mặc “quần”. Qua năm Kỷ Hợi (1829), vua Minh Mạng ban hành chiếu chỉ cấm dân miền Bắc không được mặc váy, phải mặc quần như dân Đàng Trong, cho nên mới có câu ca dao:

Tháng Tám có chiếu Vua ra
Cấm quần không đáy người ta hãi hùng
Không đi thì chợ không đông
Đi thì phải lột quần chồng, sao đang?
(Võ Hương An, “Từ điển nhà Nguyễn”, Tập II,
tái bản lần thứ 1 (2014), nxb Nam Việt, CA, tr. 286, 287)

    Một ví dụ khác, xã hội Việt Nam thời trước, đàn ông thường mặc áo dài, khăn đóng để râu và búi tóc, nhưng từ ngày người Pháp đến đô hộ vào cuối thế kỷ thứ 19, đầu thế kỷ 20, thì thanh niên thường cắt tóc ngắn, mặt quần short, bỏ áo vô quần, đi xăng đan, hay đi giày, thay vì đi guốc mộc như trước. (Xin xem thêm Đào Duy Anh, “Việt Nam Văn hoá Sử cương”, nxb Bốn Phương, tái bản 1951, không thấy đề nơi xuất bản). Ngay sau ngày 30/04/1975, khi Cộng sản chiếm đóng miền Nam, họ ra lệnh cho giới phụ nữ không được mặc áo dài, chỉ mặc quần dài đen và áo bà ba, ngay cả các giáo viên cũng không được ăn mặc theo kiểu của chế độ miền Nam. Sau này dần dà, đến 13 năm sau (1988), dân chúng tự động thay đổi lại cách ăn mặc như trước và đã lôi kéo luôn dân miền Bắc ăn mặc theo lối miền Nam.  

NDLCó khi nào thay đổi chế độ chính trị mà văn hóa không bị ảnh hưởng không?

LDC: (5 phút) Tuỳ chúng ta đề cập đến dạng văn hoá nào hay nói đúng hơn ta giới hạn nghĩa rộng của “văn hoá” lại. Chẳng hạn có thể nói đến từ “văn hoá chính trị” (political culture), hay “văn hoá ẩm thực”, “văn hoá giải trí”, “văn hóa ăn mặc”, “văn hoá thờ cúng tổ tiên ông bà”, “văn hoá hôn nhân”, “văn hoá mai táng”, …
    Khi có cách nhìn của từng góc cạnh văn hoá như thế chúng ta rất dễ khẳng định rằng, nhiều khi thay đổi chế độ chính trị, mà văn hoá không bị ảnh hưởng nhiều lắm. Khi văn hoá được hiểu là cốt lõi của bản chất dân tộc, chẳng hạn việc thờ cha kính mẹ, nghĩa tào khang (vợ chồng), thì qua bao nhiêu lần thay ngôi đổi chủ từ phong kiến đến chế độ vua tôi, đến dân chủ rồi qua cộng sản, quan niệm về việc thờ cúng tổ tiên ông bà, cha mẹ, sự gắn bó vợ chồng con cái, là sợi chỉ nối xuyên suốt qua nhiều thế hệ, có thay đổi với quan niệm tinh thần gia tộc (ngày xưa) và chủ nghĩa cá nhân thực dụng (ngày nay), nhưng cốt lõi của tình nghĩa gia tộc vẫn bền chặt qua mọi thời đại. Việc thờ cúng tổ tiên ông bà, ngày giỗ, ngày Tết, ngày chạp… vẫn không thay đổi nhất là ở thôn quê.

NDLCảm ơn anh. Thưa quý vị Phần 1 của chương trình Hội Thoại của chúng tôi đến đây xin tạm ngưng. Chúng tôi sẽ trở lại sau phần giải lao. Cảm ơn sự theo dõi của quý vị.

PHẦN 2:

NDL: Bây giờ xin mời quý vị theo dõi Phần 2 của buổi Hội Thoại hôm nay.

NDL: Chào anh Cai. Xin cảm ơn phần trình bày của anh mới đây.
Bây giờ đi sâu vào vấn để một chút, dưới thể chế nào thì nền văn hóa của người Việt bị ảnh hưởng sâu đậm nhất? Tôi muốn nói đến phong tục, tập quán.

LDC: (7 phút) “Văn hoá” đề cập ở đây được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả những sinh hoạt về kinh tế, chính trị, giáo dục, xã hội… của con người. Cho nên chữ “phong tục”, “tập quán” là hình thái văn hoá lâu đời, truyền qua nhiều thế hệ.
·         Phong tục (customs): còn được hiểu là tục lệ có nghĩa là cách cư xử, làm việc, thói tục được mọi người chấp nhận từ lâu đời.
  •  
·         Tập quán (habits): thói quen thường lập đi lập lại hằng ngày. Khi hành xử theo tập quán, có nghĩa là làm việc gì như là một quán tính (không còn suy nghĩ).
  •  
Theo cách hiểu đó, thì dưới chế độ đô hộ của người Tàu qua hơn 1,000 năm, nền văn hoá Việt Nam chịu ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là theo chế độ phụ quyền. Người gia trưởng có quyền uy tuyệt đối ở trong nhà, còn người đàn bà phải phục tùng gia trưởng (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô). Mối tương quan trong gia đình, ngoài xã hội, phải theo luân lý “tam cương, ngũ thường” (Vua là cương của bầy tôi, cha là cương của con, chồng là cương của vợ. Ngũ thường là nhân (benevolence), nghĩa (righteousness), lễ proprieties), trí (wisdom), tín (fidelity)). Rồi còn phải theo “tam tòng” (trong gia đình, người con gái phải theo cha, lấy chồng phải theo chồng, chồng chết phải theo con (Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử)). Còn phải theo “tứ đức” là công, dung, ngôn, hạnh nữa.
Trên đây là theo quan niệm của Nho gia. Còn dưới chế độ thực dân, tinh thần gia tộc bị chủ nghĩa cá nhân lấn át. Theo nhận định của Hoài Thanh và Hoài Chân trong “Một thời đại trong thi ca”, tác giả viết, “Một xã hội suốt mấy ngàn năm kéo dài, một cuộc sống gần như không thay đổi, về hình thức cũng như về tinh thần, nhưng nhất đán một cơn gió mạnh bỗng từ xa thổi đến. Cả một nền tảng xưa bị một phen điên đảo, lung lay. Sự gặp gỡ phương Tây là một cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỷ (trích “Thi nhân Việt Nam”, trong Bách khoa toàn thư mở Wikipedia).
Với xã hội Việt Nam xưa, chúng ta chỉ biết có Khổng Tử, Mạnh Tử, Lão Tử… Bây giờ đã tìm hiểu về tư tưởng tiến bộ của Baron de Montesquieu, của JJ Rousseau, của Voltaire…
·         Baron de Montesquieu sinh 1689, viết “De l’esprit de lois” (Spirit of the Laws) ủng hộ tam quyền phân lập (Tư pháp, Hành pháp, Lập pháp).
·          
·         JJ Rousseau sinh 1712 tại Geneve, Thụy Sỹ, viết “The social contract” (Principles of Political Right), kêu gọi canh tân về chính trị, đẩy mạnh cuộc cách mạng Âu châu. Rousseau khẳng định rằng, chỉ có nhân dân (với quyền uy tối thượng, mới ban hành luật pháp chứ không phải là nhà vua (Only the people, who are sovereign, have that all-powerful right).
·          
·         Voltaire (triết gia Pháp) (1694 – 1778) thì cho rằng chính lý trí và khoa học mới là nền tảng của sự tiến bộ của nhân loại, chứ không phải là tôn giáo. Ông tham dự vào phong trào cải cách Âu Châu (Enlightenment Movement) thế kỷ thứ 18. Ông có câu nói bất hủ, “I may disagree with what you have to say, but I shall defend, to the death, your right to say it.”
·          

Chế độ thực dân Pháp đã sử dụng chữ quốc ngữ theo mẫu tự Latin, chứ không còn lối chữ tượng hình trong tiếng Hán, tiếng Nôm. Giới thanh niên Âu Hoá ít còn gần gũi với thơ bảy chữ của Bà Huyện Thanh Quan:

“Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, rợ mấy nhà”

hay song thất lục bát của bà Đoàn Thị Điểm trong Chinh Phụ Ngâm:
“Trống tràng thành lung lay bóng nguyệt
Khói cam tuyền mờ mịt thức mây
Chín tầng gươm báu trao tay
Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh…”

mà bắt đầu làm quen với thơ mới tự do, không gò bó như trước. Tờ “Đông Dương tạp chí”, “Nam Phong tạp chí”… với sự cổ võ rộng rãi của tư tưởng mới thuộc Tây Phương, tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố chỉ trích cái hũ lậu của xã hội cũ, “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh kêu gọi đổi mới trong quan hệ nam nữ. “Tứ đức, tam tòng”, “tam cương, ngũ thường” bây giờ phải quan niệm lại với sự giải phóng giới phụ nữ. Sự ly dị vợ chồng, nay không còn là điều cấm kỵ. Nói tóm lại phong tục tập quán dưới thời đô hộ của Trung Hoa mặc dù ăn sâu mọc rễ trong xã hội Việt Nam ngày trước, nay với luồng gió mới của văn minh Tây phương đã làm bật gốc cái xã hội đóng kín thời xưa.

NDL: Về Phương diện tư tưởng thì sao? Chế độ nào đã làm thay đổi cách suy tư của người Việt?

LDC: (7 phút) Khi Pháp đến đô hộ nước ta từ giữa thế kỷ thứ 19 đến 20, họ đã khiến xã hội Việt Nam thay đổi tận gốc rễ về phong tục tập quán như đã đề cập vừa rồi, nhưng về phương diện tư tưởng phải nói là một cuộc cách mạng thực sự làm thay đổi cái học cũ và cái học mới. Chính phủ bảo hộ (Pháp) đã bãi bỏ lối thi cử của triều đình nhà Nguyễn ở Nam Kỳ (1864), ở Bắc Kỳ (1915), ở Trung Kỳ (1919) và hướng nền giáo dục theo Tây học. Chính nền giáo dục sử dụng chữ quốc ngữ này đã chiếm thế thượng phong trong xã hội Việt Nam từ cuối thế kỷ thứ 19. Và về sau này với hoà ước Patenôtre (1884), Pháp đã đánh dấu sự toàn thắng của đế quốc Pháp trên toàn lãnh thổ Việt Nam và sự suy vong hoàn toàn của chế độ phong kiến Việt Nam vào cuối thể kỷ 19. Theo chân người Pháp, đạo Công giáo cũng được hoạt động tự do, không bị cấm đoán như dưới triều đình nhà Nguyễn, nhất là dưới thời Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức.
Từ đây Nam Kỳ được đặt dưới sự cai trị của Thống Đốc (Gouverneur) và đã thành xứ thuộc địa của Pháp. Bắc Kỳ có viên Thống Sứ (Résident Supérieur du Tonkin) điều hành. Trung Kỳ thì được đặt dưới quyền của viên Khâm Sứ (Résident Supérieur de l'Anam) dù ở đây còn có vua và triều đình nhưng chỉ còn là hư vị mà thôi. Tóm lại kể từ hậu bán thế kỷ 19, các việc lớn nhỏ đều do người Pháp nắm giữ hết. Vì vậy, nếp sống vật chất và tinh thần dần dần cũng thay đổi theo quan niệm văn hoá và chính trị của các nhà thực dân đế quốc này. Về văn hoá, cái học của Tây Phương có phần khoáng đạt và có tinh thần dân chủ hơn. Quan niệm “Vua là Thiên tử” (con trời) dần dà thay đổi qua “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Cổ võ cho sự đổi mới của xã hội Việt Nam trong giai đoạn này, có sự xuất hiện của nhóm Tự Lực Văn Đoàn với Nhất Linh, Khải Hưng… qua chủ trương “đoạn tuyệt quá khứ” để tiến về tương lai trong xã hội mới. Trong thời gian 80 năm dưới quyền cai trị của thực dân Pháp, xã hội Việt Nam đã thực sự thức tỉnh. Trận đệ nhị thế chiến bùng nổ, cũng như nhiều quốc gia bị trị khác của vùng Đông Nam Á, Việt Nam đã vùng dậy giành độc lập, khởi đầu bằng những phong trào Việt Nam quốc dân Đảng, Đại Việt quốc dân Đảng và Đông Dương cộng sản Đảng, hoạt động từ những năm đầu của thập niên 1930. Ngày 09/03/1945, quân đội Nhật đã đánh úp quân đội Pháp ở Đông Dương và chính phủ Trần Trọng Kim ra đời thay thế nội các Phạm Quỳnh tại Huế, với những thay đổi về Quốc kỳ và Quốc Ca để biểu dương nền độc lập (cờ “quẻ ly” thay cờ “long-tinh”, vốn là dấu hiệu của thời lệ thuộc). Bài “Tiếng gọi thanh niên” của sinh viên trường đại học Hà Nội được dùng làm Quốc Ca thay bài hát ủy mị, thiếu tinh thần tự lập của bài “Đăng đàn cung”.
Việc giáo dục cũng canh tân triệt để theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn với chương trình mới phổ thông đại chúng bằng Tiếng Việt làm căn bản trong mọi giao tiếp hằng ngày. Chính phủ Trần Trọng Kim cho lệnh phá bỏ tượng Paul Bert (viên quan cao cấp nhất của chế độ thuộc địa Pháp), thay đổi các tên đường của danh nhân Pháp bằng các tên những vị anh hùng dân tộc như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi… mục đích là xoá hết tàn tích của đế quốc thực dân. “Thanh niên tiền tuyến” và “Thanh niên tiền phong” được thành lập để lôi cuốn lòng yêu nước của mọi người, nhất là lớp thanh niên trẻ tuổi của nước nhà.
Từ khi ra đời cho đến khi giải tán để nhường chỗ phong trào Việt Minh qua cuộc biểu tình ngày 15/08/1945 tại Hà Nội, dù chỉ tồn tại được 4 tháng nhưng nội các này đã thực sự đặt nền tảng cho sự đổi thay của xã hội Việt Nam thời ấy. Một xã hội đóng kín từ ngàn năm trước đã hoàn toàn lột xác qua một xã hội hướng ngoại, chịu ảnh hưởng văn minh Tây phương qua nhiều góc cạnh của đời sống, thể chế chính trị không còn theo quan niệm quân chủ (vua tôi ngày trước) mà dần dần theo quan niệm quân chủ lập hiến phôi thai (Bảo Đại trong vai trò của vị Vua còn tại vị với thủ tướng đầu tiên là Trần Trọng Kim). Nhưng sau khi Nhật đầu hàng, Bảo Đại thoái vị (25/08/1945), chính phủ Trần Trọng Kim bị giải tán, một chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm chủ tịch ra mắt quốc dân, ngày 02/09/1945. Gặp sự chống đối của phe quốc gia, Hồ Chí Minh phải thành lập chính phủ liên hiệp Quốc Cộng trong đó có Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch, Nguyễn Tường Tam làm Bộ Trưởng Ngoại Giao, nhưng chính phủ liên hiệp này không tồn tại được lâu. Và sau khi đạt được hiệp ước sơ bộ với Pháp ngày 06/03/1946, Việt Minh dốc toàn lực tiêu diệt các lưc lượng quốc gia như VNQDĐ, và ĐVQDĐ… rất tàn nhẫn (vụ Ôn Như Hầu là một thí dụ). Rồi Việt Minh khởi động phong trào toàn quốc kháng chiến chống Pháp và chiến cuộc giữa Pháp – Việt Minh kéo dài gần 8 năm sau mới kết thúc với hiệp định Geneve (21/07/1954) lấy vỹ tuyến 17 với sông Bến Hải làm ranh giới.
·      Việt Minh cai quản miền Bắc với ý thức hệ cộng sản.
·       
·      Miền Nam phát triển dưới chế độ Cộng Hoà của Tổng thống Ngô Đình Diệm lấy chủ nghĩa nhân vị làm gốc.
·       
Cuộc tranh chấp Quốc Cộng kéo dài từ 1954 đến 1975 và sau đó chế độ Cộng Sản đã chiếm đóng Việt Nam trên toàn lãnh thổ kể từ 30/04/1975 với nhiều đổi thay tiêu cực trên đời sống của các thế hệ tiếp nối.

NDL: Trong số các ảnh hưởng của các chế do chính trị đến nền Văn Hoá Việt thì những ảnh hưởng nào được coi là "tích cực" và ảnh hưởng nào bị coi là "tiêu cực". Xin cho một vài thí dụ cụ thể.


LDC: (5.5 phút) Đề cập đến các chế độ chính trị lên nền văn hoá Việt thì ảnh hưởng nào là tích cực và ảnh hưởng nào là tiêu cực.
Từ chế độ lạc hầu, lạc tướng rồi đến chế độ mẫu hệ của thời Văn Lang, chuyển qua chế độ phụ hệ của thời Âu Lạc, con người dần dần tiến lên cấp độ “dân tộc” dưới các triều đại độc lập kéo dài từ giữa thế kỷ thứ 10 đến giữa thế kỷ 20. Kỷ cương phép nước theo khuôn thước quân chủ được hỗ trợ bởi tầng lớp quan lại xuất thân từ “cửa Khổng, sân Trình” của nền học cũ căn cứ trên chữ Hán, chữ Nôm, “tứ thư, ngũ kinh”, để kén chọn nhân tài. Qua thời thuộc Pháp, kể từ hiệp nước Patenôtre (1884), xã hội thay đổi từ gốc rễ, chính quyền Pháp đã cho đào tạo lớp người giúp họ cai trị dân bản xứ theo nền học mới của Tây Phương, lấy chữ Pháp và chữ Quốc ngữ thay cho chương trình Hán Nôm của các thời vua chúa thịnh trị trước đây. Người Pháp cố đào tạo một lớp người cai trị mới theo Tây học để làm trung gian cho các quan cai trị người Pháp. Nhưng với những quan niệm mới mẻ về tự do dân chủ của Tây phương đã thực sự thay đổi lên nếp suy nghĩ, tư tưởng của giới trí thức Tây học và chính tầng lớp Tây học này của Việt Nam là thành tố cho phong trào Cách Mạng đòi độc lập cho đất nước sau đó. Những sinh viên yêu nước như Nguyễn Thái Học (VNQDĐ), hay Trương Tử Anh (ĐVQDĐ) đã xây dựng nên chủ nghĩa tam dân (dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc) hay chủ nghĩa “dân tộc sinh tồn” để chống lại chủ thuyết của Cộng Sản (Đề tài “Tranh Chấp Quốc Cộng” là đề tài cần nhiều thời gian để thảo luận trong các cuộc Hội Thoại sau này).

Xin cám ơn quý vị đã lắng nghe chúng tôi trình bày một số nhận định về ảnh hưởng của các thể chế chính trị lên nền văn hoá Việt xưa và nay. Không ai phủ nhận được rằng chính các thể chế chính trị đã làm thay đổi nền văn hoá của một quốc gia. Nhưng cũng không ai chống lại ý kiến cho rằng chính nền văn hoá hoàn thiện của một quốc gia (ý niệm văn hoá chính trị) sẽ có tác động ngược lại để một quốc gia hoàn thiện thể chế dân chủ ngày càng tốt hơn cho nhân loại trên toàn cầu.

Xin trân trọng kính chào quý vị.

NDL: Xin cảm ơn anh Cai và quý thính giả. Chương trình của chúng tôi xin tạm ngừng ở đây. Mến chúc qúy thính giả luôn được bình an, hạnh phúc bên người thân. Chào tái ngộ.