QUÝ SOEUR DÒNG THÁNH PHAOLÔ HÀ NỘI KÊU CỨU

QUÝ SOEURS 

DÒNG THÁNH PHAOLÔ HÀ NỘI KÊU CỨU

Chúng tôi vừa nhận được lời kêu cứu từ soeur Cecilia Phạm Dương Quỳnh thuộc Dòng Thánh Phaolô Hà Nội liên quan đến khu vực đất của Dòng trên đường Quang Trung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Qua điện thoại, soeur Quỳnh cho biết, đêm qua một số người mang máy xúc và các phương tiện thi công vào khu vực đất số 5A-5B, Quang Trung vốn thuộc Nhà Dòng đòi thi công.
Quý soeurs đã ngăn cản, không cho nhóm người đưa máy móc vào khu đất và cắt người coi chừng suốt đêm.
Image may contain: 2 people, plant and outdoor
Đến sáng nay, thứ Ba, 08.05, xuất hiện người xưng là chủ thầu công trình đã đưa 'côn đồ' đến để sách nhiễu, đánh quý soeurs khi quý sơ cố ngăn cản việc đưa máy móc vào khu đất của nhóm người này.
Image may contain: outdoor
Soeur Quỳnh cho biết, lực lượng chức năng địa phương để mặc nhóm người đòi thi công tự do vi phạm và có hành động đe dọa, đánh quý soeurs.
Anh chị em hãy liên đới với quý soeurs và cầu nguyện cho quý soeurs trong việc bảo vệ tài sản của hội Dòng.
Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, tháng 8/2016, khu đất 5A-5B trên đường Quang Trung, Hoàn Kiếm, Hà Nội vốn thuộc quyền sở hữu hợp pháp của quý soeurs Dòng Thánh Phaolô Hà Nội từ năm 1949. (Bằng Khoán Điền Thổ, số 494, cuốn 3, tờ 94)
Ngay sau biến cố 1954, chính phủ Hồ Chí Minh đã tiến hành cho Viện Vi trùng học Việt Nam đến thuê khu vực này của Nhà Dòng, vốn là ngôi nhà Tập Viện của Dòng (nhà đào tạo các nữ tu). Sau đó, nhà cầm quyền không thuê, cũng không trả, cưỡng đoạt rồi chia cho tư nhân. Từ đó đến nay Nhà Dòng không ngừng lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền trao trả lại mảnh đất này cũng như các cơ sở khác đã bị họ chiếm dụng.
Vào cuối tháng 6/2016, bà Trần Hương Ly, tại Hà Nội đã có sổ đỏ và giấy phép thi công đối với mảnh đất số 5 Quang Trung. Trước sự việc đó, quý soeurs Dòng Thánh Phaolô đã liên tục yêu cầu nhà đầu tư phải dừng việc thi công và trao trả lại mảnh đất cho Dòng.
Sau một thời gian dừng thi công và giữ nguyên hiện trạng khu đất theo quyết định của chính quyền Hà Nội, đến nay không hiểu sao người ta lại muốn tiếp tục thi công trên mảnh đất quý soeurs đang yêu cầu trả lại Nhà Dòng.
Hành động nhóm người của chủ đầu tư đưa đến thi công trên khu vực đất đang tranh chấp và đưa côn đồ, đầu gấu bất chấp pháp luật, khủng bố, đánh người ban ngày giữa trung tâm Thủ đô cần lên án.
Truyền Thông Thái Hà
-----------------------

'Xô xát' trong vụ thi công trên đất Nhà Dòng Thánh Phaolo

BBC
Xô xát được cho là đã xảy ra giữa các nữ tu và một nhóm người trong vụ chủ đầu tư khởi công trên đất Nhà Dòng Thánh Phaolo, Hà Nội ngày 8/5.
Sáng 8/5, một nhóm người đưa máy xúc và một số thiết bị vào khu đất 5A-5B Quang Trung, Hoàn Kiếm, thuộc Dòng Thánh Phaolô Hà Nội, để thi công.
Đã có xô xát xảy ra giữa một nhóm người được mô tả là 'cầm dùi cui' tấn công khiến một số nữ tu ngất xỉu, theo nguồn tin từ Truyền thông Thái Hà. 

Chiều cùng ngày, các nữ tu Dòng Thánh Phaolo đã tới trụ sở UBND quận Hoàn Kiếm để gửi đơn và yêu cầu can thiệp, buộc bên chủ đầu tư ngừng thi công trên mảnh đất số 5A-5B của Hội Dòng.
Theo các nữ tu, họ chỉ được tiếp 'qua loa' và không được đưa ra hướng giải quyết nào.
Trong sáng 9/5, các nữ tu Dòng Thánh Phaolo ở số 5 Quang Trung, Hà Nội tiếp tục xuống đường với băng rôn, biểu ngữ phản đối việc thi công trên đất mà họ tuyên bố 'có bằng chứng sở hữu hợp pháp'.

Tranh chấp nhiều năm

Dòng Thánh Phaolô khẳng định họ có giấy từ sở hữu hợp pháp mảnh đất hơn 200m2 tại số 5 phố Quang Trung từ khoảng năm 1883.
Đến năm 2016, một chủ đầu tư, được cho có tên là Trần Hương Ly, được cấp phép xây dựng trên mảnh đất này và bắt đầu khởi công xây dựng. Tuy nhiên sau khi vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Nhà Dòng, giới chức phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã ra quyết định buộc chủ đầu tư dừng thi công vào giữa năm 2016.
Tuy nhiên theo cáo buộc, chủ đầu tư cho người và máy móc tới khởi công lại vào ngày 8/5, với giấy phép thi công do UBND phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, cấp và ký cùng ngày.
Soeur Saint-Jean de Marie Trần Thị Anh, Giám tỉnh Dòng Thánh Phaolô Hà Nội cho biết trên trang Truyền thông Thái Hà rằng Nhà Dòng không hề nhận được thông báo nào của giới chức.
"Nếu có thì cấp lãnh đạo phường không phải là nơi đủ thẩm quyền để đưa ra bất cứ quyết định nào liên quan đến việc này", soeur Trần Thị Anh nói.
Trao đổi với BBC qua điện thoại ngày 9/5, linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, giáo xứ Thái Hà cho biết các vấn đề tranh chấp đất đai giữa chính quyền và các tổ chức tôn giáo đã diễn ra nhiều năm nay.
Linh mục Phong nói Dòng Thánh Phaolo, có trụ sở ở Roma, không trực thuộc Giáo hội Hà Nội, vốn đã 'mất rất nhiều đất' cho chính quyền. Nguyên do là hàng chục năm trước, nhà nước từng 'mượn' đất của giáo xứ này sử dụng cho một số mục đích, ví dụ như xây bệnh viện, nhưng sau này không trả lại.
Dù các soeur trong giáo xứ vẫn có đầy đủ giấy tờ sờ hữu, nhưng nhà nước lại không công nhận những giấy tờ này.
Cũng theo linh mục Phong, nhiều phần đất đã được nhà nước phân lô và chia cho tư nhân.
BBC gọi điện thoại nhiều lần trong ngày 9/5 cho ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch thường trực, đại diện phát ngôn của UBND quận Hoàn Kiếm, theo số điện thoại công khai trên website của quận, nhưng ông Phong không nhấc máy.

vViệt Nam, Nhà thờ Thái Hà
Bản quyền hình ảnh Truyền thông Thái Hà
Image caption Các nữ tu dòng Thánh Phaolo, Hà Nội, biểu tình phản đối việc thi công trên đất nhà dòng ngày 8/5
 
Việt Nam, Nhà thờ Thái Hà
Bản quyền hình ảnh Truyền thông Thái Hà
Image caption UBND quận Hoàn Kiếm trong một buổi làm việc với các nữ tu nhà dòng thánh Phaolo liên quan đến việc thi công trên đất nhà dòng ở số 5 Quang Trung

Nan giải tranh chấp

Nhà, đất có nguồn gốc tôn giáo và các bất đồng, tranh chấp có thể nảy sinh liên quan tới nhà đất thuộc diện này là vấn đề khó giải quyết cho các cấp chính quyền.
Riêng trong lĩnh vực đất đai, chính quyền đã cụ thể hóa quyền sử dụng đất đai của các cơ sở tôn giáo bằng Luật Đất đai được Quốc Hội thông qua năm 2013.
Theo đó, "Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam."