Thiên Chúa Giáo
Ở Miền Nam Việt Nam:
Tay Sai Của Đế Quốc? (phần I)
Van Nguyen-Marshall | Trà Mi dịch.
Tóm tắt
Luận văn này khảo sát các hoạt động xã hội và chính trị của người Việt Nam theo Thiên Chúa giáo ở miền Nam trong giai đoạn từ những năm 1950 đến những năm 1970.
Việc người Thiên Chúa giáo tham dự vào lĩnh vực công, từ việc tham gia các tổ chức nhân đạo đến tổ chức các cuộc biểu tình trên đường phố, cho thấy họ có tổ chức và tiên phong trong việc cố gắng thay đổi môi trường xã hội và chính trị. Tuy người Thiên Chúa giáo có cùng quan điểm chính trị và những mục tiêu với chính quyền Hoa Kỳ và miền Nam Việt Nam [Việt Nam Cộng hoà], họ đã theo đuổi các mục đích của riêng họ, tham gia vào chính trị địa phương và quốc gia, phê bình chính sách của chính phủ và duy trì một độ độc lập quan trọng với quyền lực và ảnh hưởng của nhà nước.
***
Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Các hệ thống và tổ chức của Phật giáo và Thiên chúa giáo đã có một vai
trò trong việc định hình các sự kiện ở Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1954 đến
năm 1975. Không còn nghi ngờ gì, niềm tin tôn giáo, lòng trung thành và
diễn ngôn đã ảnh hưởng đến lựa chọn chính trị ở cả hai nước, Việt Nam
và Hoa Kỳ trong thời gian này. Thiên Chúa giáo đã hình thành đường biên
của Nam Việt Nam khi Việt Nam Cộng hoà thành lập năm 1954, và gần một
thập niên sau đó, năm 1963, các cuộc biểu tình Phật giáo đã góp phần lật
đổ vị Tổng thống đầu tiên của Nam Việt Nam là Ngô Đình Diệm. Sau sự sụp
đổ của nền Đệ nhất Cộng hòa [1955-1963], tôn giáo vẫn tiếp tục khẳng
định ảnh hưởng của nó trong đời sống xã hội và chính trị.Trong cuộc Chiến tranh Việt Nam[1], các cuộc biểu tình và phong trào Phật giáo đã thu hút sự chú ý của thế giới không chỉ vì sự bi thảm kể cả việc các nam, nữ tu sĩ tự thiêu, mà còn bởi vì lời kêu gọi hòa bình của phong trào Phật giáo xẩy ra trước hiện tượng bạo lực leo thang và chết chóc trong chiến tranh. Sự chú ý của giới truyền thông trong chiến tranh Việt Nam và các nghiên cứu học thuật trong vài chục năm vừa qua đã cho phương Tây một số kiến thức và hiểu biết về các hoạt động của giới Phật tử Việt Nam[2], nhưng ít được biết về người Thiên Chúa giáo và các hoạt động của họ ở miền Nam trong thời gian đó. Có một giả định trong cả hai giới học thuật và văn học đại chúng tiếng Anh là những tu sĩ Thiên Chúa giáo và giáo dân là khối người ủng hộ chính quyền trong cả hai thời kỳ – thời thuộc địa Pháp và thời kỳ chiến tranh Việt Nam.
Học thuật về thời thuộc địa của Pháp có khuynh hướng tập trung vào vai trò của các nhà truyền đạo Thiên Chúa trong việc chinh phục và cai trị của thực dân Pháp[3]. Trong giai đoạn giữa và cuối thế kỷ XX, các sử gia phần nhiều tập trung vào việc đạo Thiên Chúa ảnh hưởng đến quyết định của Hoa Kỳ ủng hộ ông Ngô Đình Diệm và phong cách Thiên Chúa giáo đã ảnh hưởng đến những chính sách và hành động của ông Diệm[4]. Một trong số ít trường hợp ngoại lệ, khác với khuynh hướng này, là nghiên cứu của Trần Thị Liên, tập trung vào vai trò của người Thiên Chúa giáo trong Chiến tranh Đông Dương thứ nhất và mối quan hệ của họ với các chính phủ của cả Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Việt Nam Cộng hoà[5]. Đối với người Thiên Chúa giáo Việt Nam nói chung, họ thường được đề cập đến trong lịch sử liên quan đến cuộc di cư vĩ đại năm 1954 và vai trò của họ như những người ủng hộ ông Diệm. Cuộc đàm phán tại Hội nghị Geneva, kết thúc Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, đi đến sự phân chia Việt Nam tạm thời ở vĩ tuyến 17 và đưa ra các quy định để người Việt Nam di cư đến khu vực họ chọn. Trong số 810.000 dân miền Bắc di cư vào nam, hơn 75% là người Thiên Chúa giáo [6].
Những người di cư Thiên Chúa giáo có khuynh hướng chống cộng và tích cực ủng hộ ông Ngô Đình Diệm, vì chính phủ của ông đã giúp cho họ tài nguyên [phần lớn là từ Hoa Kỳ] để tái định cư. Theo Seth Jacobs, chính quyền Diệm
“đã thiên vị người Thiên Chúa giáo tị nạn từ Bắc vào: một phần không cân xứng của viện trợ Mỹ được giành cho những người tị nạn; người Thiên Chúa giáo từ Bắc vào nắm giữ những vị trí đặc quyền trong quân đội và bộ máy nhà nước.”[7]Có một số sử gia không đồng ý với sự giải thích mối quan hệ của ông Diệm với khối dân Thiên Chúa giáo Việt Nam. Ví dụ Philip Catton và Lan T. Chu cho rằng mối quan hệ của ông Diệm với những người Ki-tô giáo tị nạn và Giáo hội Thiên Chúa giáo là gập ghềnh và đôi khi đầy căng thẳng[8]. Quan điểm này, tuy nhiên, vẫn là thiểu số. Sự đồng thuận dường như là người Thiên Chúa giáo Việt Nam được chính phủ miền Nam biệt đãi, nhất là với chính quyền Ngô Đình Diệm.
Hệ quả của việc chọn lọc tập trung vào người Thiên Chúa giáo Việt Nam như là một phần của cuộc di cư ồ ạt vào miền Nam và là nền tảng chống cộng cho chính quyền của ông Diệm, người Thiên Chúa giáo Việt Nam thường bị mô tả là một chiều, với sự lệ thuộc họ vào các chính phủ nước ngoài và hệ thống tôn giáo đôi khi quá mức. Một đặc trưng tiêu biểu của người Thiên Chúa giáo Việt Nam là lời tuyên bố của Joseph Buttinger rằng phần lớn người Thiên Chúa giáo “nằm ngoài khuynh hướng quốc gia và chống lại nước ngoài, thái độ chung cho khối không phải là giáo dân Thiên Chúa giáo”[9]. Nói cách khác, ưu tiên tôn giáo của người Thiên Chúa giáo đã không cho họ hòa nhập với phần còn lại của xã hội và làm cho họ ít yêu nước và chủ nghĩa quốc gia hơn. Một lời giải thích khác cho thấy sự xa lánh được cho là của người Thiên Chúa giáo Việt Nam từ khối còn lại của xã hội Việt Nam là di sản của cuộc bức hại mà họ đã phải chịu đựng trước khi thực dân Pháp cai trị Việt Nam. Piero Gheddo biện luận rằng những cuộc bách hại trong quá khứ đã tạo ra một não trạng “ghetto” trong số những người Thiên Chúa giáo Việt Nam đến mức họ bị cắt đứt khỏi xã hội dòng chính. Hơn nữa, người không phải là Ki-tô hữu có khuynh hướng nhìn vào người Thiên Chúa giáo, ngay cả trong thế kỷ hai mươi, với sự ngờ vực[10].
Tuy nhiên, luận điểm về sự tách biệt này bị những học thuật hiện nay về Việt Nam thời thuộc địa thách thức – nó vẽ nên bức tranh khác. Trong nghiên cứu về Việt Nam ở thế kỷ 19, Nola Cooke lý luận rằng với nhiều điểm tương đồng với thuyết duy linh và Nho giáo, Thiên Chúa giáo không phải là một tôn giáo xa lạ và vào thế kỷ XIX nó đã được kết hợp vào xã hội Việt Nam[11]. Tương tự, Jacob Ramsay nói rằng người Thiên Chúa giáo Việt Nam, đặc biệt là những người ở miền Nam, không bị tách rời với khối người không theo Thiên Chúa giáo: “Vào đầu thế kỷ XIX, nhiều người Thiên Chúa giáo địa phương thuộc về một di sản kéo dài nhiều thế hệ và tạo thành một cộng đồng xã hội dòng chính.”[12] Vào giữa thế kỷ XX (thời kỳ bàn đến trong luận văn này), Thiên Chúa giáo đã có hơn ba trăm năm lịch sử ở Việt Nam. Dù nguồn gốc của Thiên Chúa giáo bắt rễ sâu trong lịch sử Việt Nam, các bài viết về chiến tranh Việt Nam vẫn liên kết người Thiên Chúa giáo Việt Nam với các thế lực thuộc địa và tân thực dân, đầu tiên là Pháp và sau đó với Hoa Kỳ.
Sự dai dẳng trong việc coi người Thiên Chúa giáo Việt Nam như người xa lạ hoặc là một thành phần của chương trình nghị sự tân thuộc địa tạo nên một hình ảnh điển hình khác của họ như là những kẻ bù nhìn của chính phủ Mỹ và bộ máy quân sự và tình báo của họ. Một hình ảnh từ lâu dài và thường được dùng để mô tả người Thiên Chúa giáo Việt Nam là một đàn cừu tuân theo lời của các linh mục chủ chăn giáo xứ và sự tuyên truyền của Mỹ di cư vào nam sau khi đất nước đôi. Ra khỏi nơi quen thuộc, quyết định di cư vào Nam của người Thiền Chúa giáo miền Bắc được cho là kết quả của các chiến thuật hiệu quả của CIA. Như Jacobs mô tả, “những lời kêu gọi thúc dục nhất của Lansdale là đối với người Thiên Chúa giáo Bắc Việt. Những người lính của quân đội miền Nam, được đưa ra Bắc và ăn mặc như thường dân, đi phát truyền đơn quảng cáo rằng ‘Chúa đã vào Nam’ và ‘Đức Mẹ Đồng Trinh Maria đã rời khỏi miền Bắc.’”[13]
Mặc dù không nghi ngờ gì Hoa Kỳ đã giữ một vai trò trong việc tạo điều kiện và khuyến khích cuộc di cư vào Nam, nhưng có ít nghiên cứu đã được thực hiện để kiểm tra động cơ của những người di cư này để đánh giá hiệu quả của tuyên truyền về các quyết định của người di cư. Trên thực tế, một trong những nghiên cứu sâu đầu tiên và nghiêm túc về người di cư miền Bắc cho thấy ngược lại. Theo Peter Hansen, những người di dân Thiên Chúa giáo và không phải giáo dân đã không bị tuyên truyền của CIA lừa bịp, nhưng đã có một loạt các quan ngại và lý do khiến họ phải rời đi[14]. Trần Thị Liên tán thành với quan điểm này:
Một số trong những lý do có cả sự sợ hãi bị tịch thu đất đai và sợ bị trả thù. Một số người di cư có thể đã từng bị các đảng viên cộng sản, chiếm ưu thế trong lực lượng Việt Minh, áp bức và do đó đón nhận cơ hội rời bỏ quê hương. Tương tự, người ta vẫn chưa biết đủ về những khát vọng chính trị của người Thiên Chúa giáo trong suốt hai nền Cộng hoà của miền Nam để có thể kết luận rằng người Thiên Chúa giáo không phải là những người theo chủ nghĩa dân tộc [“người quốc gia” (nationalist)] hay giả định cho rằng họ ủng hộ tất cả các chế độ cầm quyền ở miền Nam. “Theo chúng tôi, cuộc di cư này của người Thiên Chúa giáo là sự thể hiện của một lựa chọn chính trị. Sự từ chối sống trong chế độ cộng sản này dựa trên kinh nghiệm cụ thể của cuộc sống của họ dưới sự cai trị của cộng sản.”[15]
Bằng cách nghiên cứu về các hoạt động xã hội và chính trị của người Thiên Chúa giáo Việt Nam và các hội đoàn của họ, luận văn này đưa ra một cái nhìn thoáng qua về dân số Thiên Chúa giáo Việt Nam nói chung và những nguyện vọng của họ. Trọng tâm chính là cứu trợ xã hội và các hoạt động chính trị của người Thiên Chúa giáo Việt Nam ở khu vực thành thị, đặc biệt là thủ đô Sài Gòn của miền Nam. Luận văn này không phải là một cuộc khảo sát toàn diện hoặc sâu rộng về tất cả các hoạt động của Thiên Chúa giáo trong suốt cuộc chiến, nhưng là một cuộc thăm dò tìm kiếm có thể gây cảm hứng cho những tìm hiểu sau này.
Các tài liệu lưu trữ của Việt Nam và Hoa Kỳ và nguồn từ báo chí Việt Nam cho thấy người Thiên Chúa giáo Việt Nam lah một khối rất tích cực trong các vấn đề chính trị và xã hội. Các nhà lãnh đạo Thiên Chúa giáo tỏ ra cực kỳ sẵn sàng tham gia vào các cơ sở chính trị của Mỹ và Việt Nam nhằm gây ảnh hưởng đến các sự việc và để bảo vệ những lợi ích của Thiên Chúa giáo. Họ đã làm điều này trong một môi trường đầy thách thức kể cả chế độ độc tài, chiến tranh, và sự chi phối ngày càng tăng của Mỹ. Do đó, người Thiên Chúa giáo Việt Nam có khuynh hướng tìm đến các cơ quan nhà nước và các tổ chức nước ngoài để giúp đỡ trong việc thực hiện công tác cứu trợ hoặc huy động sự hỗ trợ chính trị.
Sự phụ thuộc của Thiên Chúa giáo vào sự hỗ trợ của nhà nước này cũng tương tự như tình trạng khó khăn mà các tổ chức nhân đạo Mỹ đang phải đối phó. Một số nghiên cứu về tổ chức Hợp tác về Cứu trợ của Người Mỹ ở Mọi nơi [CARE], Dịch vụ Cứu trợ Thiên Chúa giáo [CRS] và Cơ quan Dịch vụ Kitô hữu Việt Nam đã cho thấy các tổ chức phi chính phủ này đã hợp tác và cộng tác chặt chẽ với cả hai chính phủ Việt Nam và Mỹ[16]. Mối quan hệ gần gũi này là một nguồn quan ngại và thất vọng cho một số thành viên của các tổ chức này, đặc biệt là những người đặt câu hỏi về đạo đức và sự phù phiếm của sự can thiệp của người Mỹ.
Mối quan hệ gần gũi của người Thiên Chúa giáo Việt Nam với các tổ chức và chính phủ nước ngoài, đặc biệt là các tổ chức của Kitô hữu, cho phép họ có hỗ trợ tài chính và cơ sở hạ tầng. Kết quả của các liên minh chiến lược này là các tổ chức Thiên Chúa giáo được tổ chức và tài trợ tốt. Tuy nhiên, hàng giáo phẩm Thiên Chúa giáo Việt Nam, các hiệp hội tự nguyện, và giáo dân quan tâm trên hết đến việc bảo vệ lợi ích của họ. Đối với nhiều người Thiên Chúa Giáo, khả năng sống còn của một chế độ không cộng sản, ủng hộ Thiên Chúa giáo ở miền Nam là vô cùng quan trọng. Mục tiêu này có khuynh hướng phù hợp với chính sách của chính phủ Mỹ có thể làm cho người Thiên Chúa giáo Việt Nam trở thành công cụ cho các chính sách thuộc địa mới của Mỹ ở Việt Nam; tuy nhiên, sự thăm dò câu hỏi này từ quan điểm của người Thiên Chúa giáo miền Nam cho thấy một hình ảnh khác.
Các hoạt động Cứu trợ Thiên Chúa giáo
Tại Việt Nam công tác nhân đạo không phải là điều mới lạ hay chỉ liên quan đến Kitô hữu. Trong Nho học và Phật giáo, lòng nhân từ có một vị trí quan trọng; do đó, từ thiện đã được đánh giá là một hành động xã hội và tôn giáo. Do đó, trong những công tác từ thiện trước thời thuộc địa của Việt Nam thường nhận được sự công nhận từ cả nhà nước lẫn cộng đồng địa phương[17]. Trong giai đoạn là thuộc địa Pháp, Việt Nam đã có các tổ chức từ thiện Kitô giáo, Phật giáo và thế tục. Nhiều dòng Thiên Chúa giáo đã thành lập và quản lý các tổ chức từ thiện, chẳng hạn như trường học, bệnh viện, và các viện mồ côi. Nhiều trong những tổ chức này nhận được chính phủ thực dân Pháp trợ cấp. Sau năm 1954, một số cơ sở này vẫn hoạt động, với một số tổ chức ở phía bắc chuyển cơ sở của họ về phía Nam. Một vài tổ chức Thiên Chúa giáo từ thiện trước năm 1954 gồm[18]:
– Asile Soeur Antoine, người chăm sóc trẻ mồ côi, và người già yếu. Thành lập năm 1911, năm 1948 tổ chức này có 921 người được chăm sóc.
– Viện mồ côi Saint Theresa ở Hà Nội, được Linh mục Seitz thành lập vào năm 1943. Năm 1948 nó có 250 trẻ mồ côi.
– Asile des Orphelins của Hải Dương, được một hội truyền giáo Kitô điều hành và có 100 trẻ em được chăm sóc.
– Viện Mồ côi Fatima ở Gia Lâm, miền Bắc Việt Nam do linh mục Than Duc Mai thành lập và điều hành. Trại trẻ mồ côi này có 60 trẻ em.
Ở miền Nam thời hậu thuộc địa, các tổ chức Thiên Chúa giáo La Mã tiếp tục tham gia vào các hoạt động nhân đạo. Cũng như thời thuộc địa, các viện mồ côi tiếp tục là một tiêu điểm quan trọng cho công tác từ thiện Thiên Chúa giáo. Trong khi có các viện mồ côi của nhà nước, phần lớn các trại trẻ mồ côi và các trung tâm giữ trẻ từ thiện là của tư nhân. Tuy nhiên, chính phủ miền Nam Việt Nam đã trợ cấp cho các trại mồ côi tư nhân theo số trẻ em họ chăm sóc[19]. Trong những năm 1950-1970, có một số viện mồ côi Thiên Chúa giáo nổi bật gồm nhà trẻ mồ côi Thiên Phước được xây dựng năm 1878 và do các Nữ tu Thánh Phaolô ở Chartres quản lý. Một viện trẻ mồ côi khác là nhà trẻ mồ côi Nữ Vương Hòa Bình, được thành lập vào năm 1935 tại Thủ Đức, ngoại ô của Sài Gòn bấy giờ, nhưng năm 1956 đã di chuyển vào Sài Gòn. Viện mồ côi này được Caritas International [một tổ chức Thiên Chúa giáo quốc tế chú trọng đến viện trợ phát triển] thành lập và có nguồn tài trợ nước ngoài của Tổ chức Phụ nữ Hoa Kỳ, nhưng đã được dòng Bác Ái Vinh Sơn [Daughters of Charity of St. Vincent] điều hành và quản lý. Đến năm 1973, viện mồ côi này có 397 trẻ em[21].
Các tổ chức Thiên Chúa giáo nước ngoài đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ và điều hành các hoạt động nhân đạo ở Việt Nam. Rất nhiều nỗ lực nhân đạo của Thiên Chúa giáo Hoa Kỳ đã được Cơ quan Cứu trợ Thiên Chúa giáo [CRS] lãnh đạo, đã đưa hơn 50 phần trăm viện trợ của Mỹ vào Việt Nam[22]. Trên thực tế, CRS là cơ quan viện trợ lớn nhất ở miền Nam Việt Nam[23]. CRS đặc biệt quan trọng trong việc tái định cư người tị nạn [từ Bắc vào Nam]. Trong chiến tranh Việt Nam, 318 làng và các dự án cộng đồng được viện trợ nước ngoài của Mỹ và các khoản đóng góp cá nhân tài trợ. Các cơ quan liên quan đến CRS đã giúp xây dựng các trường học, bệnh viện, nhà thờ và các viện trẻ mồ côi[24]. CRS cũng giúp thành lập và tổ chức lại các hội đoàn tự nguyện và dân sự, kể cả các trại thanh niên làm việc hè, Thiên Chúa đoàn và các ủy ban tác động xã hội[25].
Một tổ chức Thiên Chúa giáo quan trọng khác trong hoạt động nhân đạo là Caritas Việt Nam. Giám đốc CRS Joseph Harnett đã tham gia thành lập chi nhánh Caritas Việt Nam năm 1957, nhưng tổ chức này đã không hoạt động cho đến năm 1965 khi giám đốc chương trình CRS Lawson Mooney tổ chức nó lại[26]. Giám mục Phạm Ngọc Chi cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập Caritas Việt Nam và chi nhánh Sài Gòn do linh mục Hồ Văn Vui, một người chống Cộng triệt để và giữ một vai trò tích cực trong chính trị, lãnh đạo[27]. Tổ chức này nhận được tài trợ từ văn phòng của Tổng Giám mục Saigon, Caritas International, và Cơ quan Dịch vụ Cơ đốc của Việt Nam [VCS][28]. Năm 1970, Caritas chăm sóc 267 trẻ mồ côi, cung cấp 66 lớp học may, và mở 69 bệnh xá[29]. Năm 1969 tổng chi tiêu của Caritas là 1,1 triệu đô la Mỹ, ngoài 20.000 tấn lương thực, quần áo và thuốc mà tổ chức này đã phân phát.
Trong khi các tổ chức nước ngoài và Mỹ viên trợ tài chính và cung cấp lãnh đạo cho nhiều cuộc cứu trợ và từ thiện, người Thiên Chúa giáo Việt Nam đã tích cực đề xướng và làm việc cứu trợ. Chẳng hạn, dòng Bác Ái Vĩnh Sơn là phương tiện cốt yếu đã quản lý một số tổ chức từ thiện của Caritas Quốc tế. Kể cả Trung tâm Giữ trẻ của Caritas, Trung tâm Xã hội Caritas, Trung tâm Dinh dưỡng Caritas, và trại trẻ mồ côi Nữ Vương Hoà Bình như đã nói trên[31]. Trung tâm Giữ trẻ Caritas được thành lập năm 1953 dưới sự bảo trợ của Hội Chữ thập đỏ Pháp và Đức. Nhà giữ trẻ nhận trẻ em của các gia đình lao động trong độ tuổi từ một tháng đến sáu năm. Vào cuối những năm 1960, có khoảng 150 trẻ em ở trung tâm này, hầu hết là trẻ em trai. Chính phủ Miền Nam Việt Nam cung cấp thêm cho trung tâm với mức tiền hàng tháng là 150 đồng mỗi trẻ em[32].
Trung tâm Dinh dưỡng Caritas được Trường công tác Xã hội Caritas thành lập và quản lý với sự hỗ trợ của Tổ chức Phụ nữ Hoa Kỳ, UNICEF và Bộ Xã hội của chính phủ miền Nam Việt Nam. Trung tâm chăm sóc tạm thời cho trẻ em bị bệnh thuộc các gia đình nghèo. Vào năm 1970, nó đã có 100 trẻ em từ 1 đến 3 tuổi[33]. Trung tâm Xã hội Caritas được Trường công tác Xã hội Caritas thành lập vào năm 1964 trên đường Nguyễn Thông. Nó cho phép cho sinh viên của Trường công tác Xã hội thu thập kinh nghiệm thực tế, cũng như cung cấp dịch vụ xã hội cho khu vực, kể cả mở lớp mẫu giáo và lớp tiểu học cho trẻ em, tổ chức lớp dạy may và lập một phòng đọc sách cho trẻ em[34]. Dòng Bác Ái Vĩnh Sơn cũng giúp thành lập và quản lý Trường Điều dưỡng Caritas, với tài trợ từ Hội chữ thập đỏ Pháp. Năm 1958, họ thành lập trường đào tạo giáo viên mẫu giáo Caritas – trường sư phạm cấp mẫu giáo đầu tiên tại Việt Nam. Dòng Bác Ái Vĩnh Sơn cũng huấn luyện giáo viên tiểu học, trung học đệ nhất cấp và trung học đệ nhị cấp[35].
Các hoạt động nhân đạo Thiên Chúa giáo cũng tập trung vào việc tị nạn và cứu trợ khẩn cấp. Trong cuộc di cư khổng lồ năm 1954, các linh mục Thiên Chúa giáo đã đóng vai trò hàng đầu trong việc giúp đỡ hậu cần tái định cư. Joseph Buttinger mô tả sự lãnh đạo của các linh mục Việt Nam trong thời kỳ này là rất quan trọng: “Khả năng lãnh đạo ở địa phương (Thiên Chúa giáo) này để tổ chức tự giúp đỡ nhau trong số những người tị nạn có lẽ là đặc điểm nổi bật nhất của toàn bộ nỗ lực tái định cư.” Hệ thống giáo hội Kitô đã lên tiếng huy động sự đóng góp và tham gia của người tình nguyện cho những công tác nhân đạo như vậy. Sinh viên đặc biệt được huy động để giúp người tị nạn và cứu trợ khẩn cấp. Các nhóm thanh thiếu niên Thiên Chúa giáo tham gia cùng với thanh thiếu niên thế tục và Phật giáo trong việc xây dựng các nhà tạm trú và thu thập và phân phối lương thực và phẩm vật cho người tị nạn.
Không những chỉ có những người tị nạn chiến tranh và trẻ mồ côi cần được chăm sóc, mà cũng có nạn nhân của thiên tai. bão lut đặc biệt thường xuyên và có khuynh hướng tàn phá các khu vực ở miền Trung Việt Nam. Bản tin Hiệp hội Thiên Chúa giáo của Giáo phận Sài Gòn phát hành thường xuyên yêu cầu đóng góp vì nhiều lý do khác nhau. Trong số ra tháng 11 năm 1961, Tổng giám mục Sài Gòn, Nguyễn Văn Bình, đã kêu gọi đóng góp cho các nạn nhân bão lụt ở miền Tây Nam phần[37]. Tổng giám mục Bình nhắc nhở người Thiên Chúa giáo Việt Nam rằng giúp đỡ người khác là một nhiệm vụ tôn giáo. Tổng Giám mục Bình đã đưa ra lời kêu gọi nhiệt tình khác trong số báo tháng 12. Tại thời điểm này, số tiền quyên góp được 400.000 đồng cùng với 200 túi quần áo. Bản thông báo ghi nhận rằng một phần đóng góp từ những người không phải là Kitô hữu[38].
Vào giữa những năm 1960, khi chiến tranh tăng cường độ, vấn đề người tị nạn trở nên khó khăn hơn. Hàng triệu người Việt Nam bị buộc phải rời khỏi làng quê vì cuộc chiến. Theo James Carter, có khoảng 380.000-500.000 người tị nạn vào mùa hè năm 1965. Một số đến các trại tạm cư, trong khi những người khác đổ xô về thành phố[39]. Theo Carter, khó xác định được con số người tị nạn chính xác vì có những động cơ khiến người cai quản trại tị nạn thổi phồng con số. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng chính quyền miền Nam cũng muốn che dấu vấn đề này[40]. Một cuộc điều tra của Quốc hội Hoa Kỳ ước lượng có khoảng 1,6 triệu người tị nạn vào tháng 12 năm 1966[41].
Số người tị nạn tăng vọt lên đáng kể sau cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân bắt đầu vào ngày 30 tháng 1 năm 1968. Cuộc tấn công bất ngờ vào miền Nam của quân Bắc Việt và quân Mặt trận Giải phóng Miền Nam (NLF) trong dịp Tết nguyên đán, gây ra nhiều cú sốc cho người dân ở đô thị, cho đến thời điểm đó chưa từng phải trực diện với chiến tranh. Trong những tuần sau cuộc tổng tấn công vào Sài Gòn, các tổ chức tự nguyện và tôn giáo đã bận bịu chăm sóc những người bị thương và bị xáo động vì sự kiện này. Các trại tị nạn tạm thời được xây dựng và các khoản quyên góp được huy động để giúp đỡ những người cần được giúp. Ở Sài Gòn và các vùng ngoại ô xung quanh có 48 trại được thành lập để giúp người tị nạn và giới truyền thống đã chuyển lời kêu gọi tình nguyện viên tham gia giúp ích và kêu gọi dân chúng đóng góp tặng phẩm[42]. Việc vận chuyển thực phẩm như gạo và dầu ăn là nhu cầu rất lớn. Báo chí Thiên Chúa giáo, chẳng hạn như nhật báo Xây Dựng phổ biến, nhấn mạnh những cuộc cứu trợ này, đặc biệt là những công tác của các nhóm Thiên Chúa giáo. Theo Linh mục Huỳnh Văn Nghị của Caritas Việt Nam, tổ chức của ông bắt đầu công tác vào ngày 2 tháng 2, vài ngày sau vụ tổng tấn công Sài Gòn. Trong thời gian này, Caritas Việt Nam đã cứu trợ khoảng 280.000 người tị nạn khắp Sài Gòn và vùng phụ cận[43].
Chiến tranh chắc chắn đã sinh ra nhu cầu thực sự cho các chương trình từ thiện như những chương trình được Giáo hội Thiên Chúa giáo và các hiệp hội giáo dân Thiên Chúa giáo thực hiện. Người Thiên Chúa giáo Việt Nam làm việc hết mình với những nỗ lực này. Đối với người Thiên Chúa giáo Việt Nam, các hoạt động cứu trợ có hai mặt quan trọng không kém. Một mặt, tổ chức từ thiện là một giá trị cốt lõi trong Thiên Chúa giáo La Mã và như vậy, các linh mục và giới lãnh đạo giáo dân đã nhấn mạnh khía cạnh tôn giáo của việc cứu trợ để kêu gọi tình nguyện viên và vận động dân chúng góp tặng vật. Mặt khác, các hoạt động cứu trợ cho phép người Thiên Chúa giáo tham gia vào công việc xây dựng đất nước và chống lại chủ nghĩa cộng sản. Đối với các nhân vật lãnh đạo Thiên Chúa giáo tích cực, như linh mục Hoàng Quỳnh và linh mục Hồ Văn Vui, những dự án từ thiện này là những lời nhắc nhở hữu ích với nhà nước và xã hội nói chung về lòng yêu nước và sự cam kết của người Thiên Chúa giáo đối với miền Nam Việt Nam và độ quan trọng của nó về mặt chính trị ở phần đất này.
Về mặt này, giới lãnh đạo Kitô giáo đã có
một nỗ lực rõ ràng để nhấn mạnh bản chất không đảng phái của công việc
làm của họ: họ nhấn mạnh rằng cứu trợ nhằm đến tất cả mọi người không
phân biệt tôn giáo. Ví dụ như khi thảo luận về công việc của Caritas
Việt Nam, một người viết cho tờ Xây Dựng đã nhấn mạnh rằng tổ chức này
giúp đỡ tất cả đồng bào không phân biệt tôn giáo. Trong công tác cứu trợ
sau vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân, giới chức Caritas Việt Nam đã nhanh
chóng lên tiếng cho biết hai phần ba số người tị nạn mà tổ chức này hỗ
trợ trong các trại tạm thời không phải là người Thiên Chúa giáo. Rất khó
để xác định tính chính xác của tuyên bố này; tuy nhiên, nó cho thấy
rằng giới chức của Caritas cảm thấy cần phải nói rõ rằng các công tác từ
thiện Thiên Chúa giáo không thuộc vào những quan tâm cho giáo phận của
họ, mà thực tâm vì lợi ích quốc gia. Lập trường tự vệ này cũng được giới
chức từ thiện Thiên Chúa giáo nói rõ, nhấn mạnh rằng họ không đi chiêu
mộ “những người cải đạo vì tư lợi”[45]; nói cách khác, việc cải đạo
người nhận từ thiện Thiên Chúa giáo không phải là mục tiêu của các hoạt
động cứu trợ của họ. Mặc dù việc cải đạo này có thể không phải là một
mục tiêu chính thức, có lẽ đó là hy vọng dài hạn của một số người trong
giới lãnh đạo tôn giáo làm việc trong lĩnh vực cứu trợ. Tuy nhiên, đối
với một số người lãnh đạo tôn giáo khác, việc cải đạo có lẽ không quan
trọng trong giai đoạn chiến tranh và bất ổn chính trị bằng việc khẳng
định khuynh hướng chính trị và xã hội của tôn giáo ở miền Nam Việt Nam.
(Còn tiếp)© 2017 DCVOnline