Cách Đây Nửa Thế Kỉ:
Vatican Giã Từ Chế Độ Vương Triều
Phạm Hồng Lam
Vatican vốn là một quốc gia với tên „Quốc Gia Giáo Hội“ bao
gồm một phần lãnh thổ quanh Roma thuộc miền trung nước Italia hiện nay. Đó là
phần đất được cho là do hoàng đế Constantin tặng cho giáo tông Roma vào đầu thế
kỉ thứ 4.
Nhưng căn bản lập quốc chính thức có thể nói là văn bản tặng đất của
Pippin, vua của Vương Quốc Franken (Pháp) tặng cho giáo tông Roma vào năm 756.
Năm 800, với sự bảo trợ của Charlemagne Đại Đế, con của Pippin, Quốc Gia Giáo Hội
đổi thành „Vương Quốc Roma Thánh“. Vương quốc này kéo dài cho tới tháng
10 năm 1870, rồi bị sát nhập vào Vương Quốc Italia.
Vương Quốc Roma Thánh từ đây chỉ còn là một thành phố:
Città del Vaticana. Qua Hiệp Ứớc Lateran kí kết giữa Toà Thánh (do Quốc Vụ
Khanh Pietro Gasparri đại diện) với Vương Quốc Italia (do Thủ Tướng Mussolini
đại diện) năm 1929, Città del Vaticana được hưởng quy chế quốc gia độc
lập nằm trong lãnh thổ của Italia.
Bản chất của Vatican
nguyên là một tổ chức tôn giáo – một giáo hội. Nhưng hoàn cảnh lịch sử và tham
vọng cá nhân đã biến nó thành một nhà nước thế quyền. Nó đã bị thế tục hoá bằng
cách khoác vào mình mọi cơ cấu tổ chức và cách hành xử quyền bính thế quyền
trải dài trong hàng ngàn năm.
Từ Triều Đình thành Gia Đình
Tuy nhiên kể từ Công Đồng Vaticano II. (1962-1965) Vatican đã í thức được nét phản chứng bất hạnh của sự tục
hoá đó, và đã đã tìm mọi cách xoá bỏ nó.
Khởi đi từ giáo tông Gio-an XXIII. Ngài chấm dứt tục lệ quỳ
hôn tay hôn chân vị giáo tông mới được bầu. Rồi lần lượt vương miện và gậy
hoàng đế („giáo hoàng“) được bán đi để làm bác ái. Dẹp ngai kiệu, võng lọng.
Gạch bỏ các đế hiệu và phẩm tước của giáo hoàng ra khỏi mọi văn bản. Giáo tông,
vốn là hoàng đế ngự trong cung cấm, giờ đây bước ra đi tới với mọi người; tới
giáo tông Phan-sinh thì hình ảnh hoàng đế uy phong giờ đây chỉ còn là một người
cha thân ái: cùng lên xe buýt đồng hành với anh em; cùng vào nhà ăn dùng bữa
chung với anh em, tới nhà tù rửa chân cho các tù nhân, sáng chiều lội bộ tới
nơi làm việc… Những âm hưởng phong kiến còn sót lại trong các cơ cấu tổ chức và
trong các danh xưng nhân sự được lột bỏ.
Bước cải tổ triệt để nhất nhằm xoá sạch các cấu trúc và dấu
vết phong kiến còn lại ở Vatican hẳn phải là
tự sắc „Pontificalis domus“ (Nhà Giáo Tông) của Phao-lô VI. (1963-1968), công
bố ngày 28.03.1968, cách đây đúng 50 năm.
Với tự sắc 6 trang đánh máy này, giáo tông Phao-lô VI. đã
biến triều đình Vatican
(giáo triều) thành một căn „Nhà Giáo Tông“. Theo đó, các sinh hoạt và điều hành
xung quanh vị giáo tông ở Vatican từ nay phải đặt „ưu tiên cho việc thiêng
liêng“; mục đích của nó là „bỏ đi những gì chỉ mang tính cách phẩm tước
và vẻ hào nhoáng bên ngoài“.
Như thế, nhiều chức vụ, i phục và tước vị lịch sử xuất phát
từ thời các giáo tông còn kiêm luôn việc lãnh đạo thế quyền không còn hợp thời
và hợp thực tế nữa, phải loại bỏ. Chẳng hạn như các chức (quan) quản đốc triều
đình, quản đốc xa giá cho „giáo hoàng“, quản đốc việc cư trú và ăn ở cho quan
khách, quản đốc việc ăn mặc trong triều, quản đốc trông coi việc bí mật nếm thử
thức ăn trước khi dọn cho „giáo hoàng“… Một số chức danh khác được đổi tên cho
phù hợp: chẳng hạn „Quản Đốc Dinh Tông Đồ“ nay được gọi là „Thần Học
Gia Của Nhà Giáo Tông“, „Quản Đốc Phòng Thánh Tông Đồ“ cải thành „Tổng
Đại Diện“ của giáo tông ở Vatican…
Bỏ đi các chức tước quan lại, thì một loạt các gia đình quý
tộc đã bao nhiêu thế kỉ cha truyền con nối phục vụ trong Dinh cũng hết việc và
hết ảnh hưởng. Chẳng hạn nhà Orsini và Colonna chuyên cung cấp các „phụ tá
ngai hoàng“, nhà Ruspoli chuyên phục vụ trong hàng lãnh đạo của đội lễ tân,
nhà Sacchetti phụ trách tiếp liệu cho những cuộc du hành của „giáo hoàng“. Từ
năm 1970 đội „Lễ Tân Danh Dự Với Kiếm Và Áo Choàng“ với nhiệm vụ hướng
dẫn các vị khách quan trọng tới gặp „giáo hoàng“ không còn buộc phải xuất thân
từ dòng dõi quý tộc nữa. Nhiệm vụ này hiện nay thường được thi hành bởi một số
các „Ông Lễ Tân“ (Gentiluomini) với âu phục màu đen có mang một dây bạc
danh dự ở cổ.
Tổ chức Nhà Giáo Tông
Như đã nói, triều đình Vatican
từ đây được tổ chức thành „Nhà Giáo Tông“ (Casa Pontificia).
Nhà Giáo Tông gồm hai thành phần: „Gia Đình Giáo Tông“
(Famiglia Pontificia) và „Các Đầu Não Giáo Tông“ (Capella Pontificia).
Thành viên của Gia Đình Giáo Tông là những người - giáo sĩ
lẫn giáo dân - phục vụ cận kề giáo tông. Ngoài những nhân viên phục dịch và đội
canh, còn có các vị („bộ trưởng“) đặc trách việc đối nội và đối ngoại của Toà
Thánh, vị đặc trách việc quyên góp và bác ái (Almosenmeister), vị chuyên trách
giảng thuyết và vị thần học gia trong Gia Đình.
Còn Đầu Não Giáo Tông là những người tham dự trong các nghi
lễ lớn của giáo tông. Thêm vào đó là Đoàn Giáo Trụ (Đoàn Hồng I) và các vị lãnh
đạo các ban bộ („Bộ Trưởng“) ở giáo đô. Ngoài ra còn có thêm vị trưởng Tu Viện
Montecassino, chánh án toà Rota và các giáo sĩ
giáo phận Roma.
Kể từ 2012 người đứng đầu Nhà Giáo Tông là tổng giám mục
Georg Gänswein, đồng thời cũng là thư kí riêng của cựu giáo tông Biển-đức XVI.
Ông trông coi việc điều hành trong nhà, tổ chức các cuộc gặp gỡ quan trọng giữa
giáo tông và các chính khách cũng như các buổi gặp gỡ chung hàng tuần của giáo
tông. Ông lo mọi chuyện có liên quan tới nghi lễ - trừ phần lễ nghi thuần phụng
vụ - và chuẩn bị những cuộc tông du trong giáo phận Roma và trong nước Italia.
Tự Sắc tháng 3 năm 1968 có hiệu lực ngay sau khi phổ biến.
Và hệ quả đầu tiên của nó được thể hiện qua việc mời các chức sắc trong Nhà dự
các nghi lễ tuần thánh năm đó. Thay vì các „anh mõ giáo tông“ cầm thư
mời bằng tiếng La-tinh chạy đưa tới từng vị trong triều như trước đây, thì nay
chỉ có một bản „thông tin“ chung bằng tiếng Í ngắn gọn đăng trên báo
„Osservatore Romano“ mà thôi.
Nghĩ về tinh thần phong kiến của người Việt
Giám mục giáo phận Roma (giáo tông) là người đứng đầu Città
del Vaticana. Thành quốc này có diện tích 0,44 km vuông và khoảng 1000 dân
(2015), trong đó có 572 người có quốc tịch vatican (2014). Quốc tịch này chỉ là
tạm thời, vì ai không còn phục vụ và ra khỏi nước, thì hết quốc tịch. Quốc
khánh của nó là ngày vị giáo tông đương nhiệm được bầu.
Dù vậy, yếu tố quốc gia thế tục này chỉ mang tính cách hình
thức và phụ thuộc. Nó không được chính Vatican
quan tâm. Trái lại, như đã đề cập ở trên, đặc biệt từ sau công đồng Vaticano
II. người ta tìm mọi cách tháo gỡ đi hết những tấm áo trần tục đã vô tình hay
cố í khoác vào từ bao nhiêu thế kỉ trước đây. Giáo Hội muốn trở về lại với sứ
mạng ban đầu của mình, muốn trở thành một tổ chức tôn giáo khiêm tốn phục vụ.
Quyết tâm cải tổ là có thật. Các giáo tông đã nỗ lực cải cách từ hơn nửa thế kỉ
nay, không những về nội dung mà cả trong ngôn ngữ sử dụng.
Những từ danh gọi và cấu trúc ở Vatican như Papst, Kurie,
Dikasterie, Praefekt chẳng mang tính thế tục và gây liên tưởng tới hình thái
nhà nước thế quyền hiện đại. Vậy mà người Việt chúng ta đã lồng chúng vào trong
cấu trúc của một nhà nước thế tục và biến chúng thành những „giáo hoàng“
(Papst), „giáo triều“ (Kurie), „bộ“ (Dikasterie), „bộ trưởng“ (Präfekt)…
Có lẽ trên thế giới độc nhất chỉ có một mình chúng ta cứ khư khư bám lấy
cái hình ảnh đáng buồn của một thời, trong khi chính chủ nhân của nó quyết chí
chối bỏ.
Một khi đã là hoàng đế (giáo hoàng), thì hẳn phải cần triều
đình (giáo triều), „lên ngôi“, „ngai triều“, „trị vì“, „triều đại“…
Có hiểu sơ sơ về hậu cảnh lịch sử của Giáo Hội như trên, ta
hẳn phải dị ứng với những từ ngữ kênh kiệu và rỗng ruột đó. Từ „giáo hoàng“
cũng như „cha“, „đức cha“ là những sản phẩm có lẽ mới có khoảng từ sau công
đồng Vaticano II. Vì trong các sách sử dụng trong nhà thờ ở thập niên 1960´ ta
còn thấy những từ ngữ thật đẹp và rất hợp truyền thống văn hoá việt: Thầy, Thầy
Cả (linh mục), Đức Thầy (giám mục), Đức Thánh Papam (giáo tông). Về sau lại
thêm „hồng i“, „đức ông (1)“, là những í niệm khiên cưỡng, vô nghĩa. Cũng như
hôm nay, rất mới đây thôi, không biết từ đâu lại bày ra nào là „Đức cha
Phê-rô“, „Giám mục Phi-líp-phê“… Quả thật tôi chẳng hiểu những người này là ai
cả. Thế giới càng tiến về văn minh dân chủ, thì người Việt lại quay trở về
phong kiến: phải chăng bày ra kiểu cách gọi như thế là để tránh huý kị, như
kiểu dưới chế độ vua quan trước đây?
Tác giả Trà Lũ trong Diễn Đàn Giáo Dân số tháng 4/2018 phàn
nàn việc dùng từ NGÀI trong các bài hát để trực tiếp kêu cầu Chúa. Tôi cũng
thấy nó khiên cưỡng, nhưng xem ra còn có thể luận bàn về từ này. Nhóm Phụng Vụ
Các Giờ Kinh ở Việt Nam
đưa ra nguyên tắc dịch Kinh Thánh của họ: dùng NGÀI khi gọi Thiên Chúa ở ngôi
thứ hai, và dùng NGƯỜI ở ngôi thứ ba (Khi dịch sách, cho đến nay tôi cũng theo
nguyên tắc này của họ). Tôi thấy một số người Việt xuất thân từ miền Bắc xã hội
chủ nghĩa sống ở Đức có thói quen gọi các nhân viên công quyền bản xứ là
„Ngài“. Một chỉ dấu vừa kính trọng, vừa quỵ luỵ.
Mà không chỉ có „ngài“ và các từ đã nêu trên đây, trong các
bản kinh của người Việt đang đọc cũng không thiếu những từ ngữ nghe thật nhột
tai.
Nhưng tại sao chúng ta không chịu thay đổi chúng?
Cũng một lí luận như Trà Lũ đã nêu, một linh mục ở trong
nước, sau khi tìm hiểu và công nhận từ „giáo hoàng“ quả thật không còn hợp
thời, đã kết luận như sau: Tuy nhiên vì từ ấy đã quen dùng rồi, nên cũng
chẳng cần phải thay đổi làm gì!
Lối lập luận này rất „được lòng“ người Việt chúng ta. Nó
hợp với tâm thức việt nam, một dân tộc chỉ thích „hợp tình“ mà thôi, còn „hợp
lí“ hay sự thật thì chẳng màng.
Dân Việt không thích và không quen suy nghĩ, để phân tích
tìm tới sự thật. Những kiểu nói xa xa, lập lững, để ai hiểu sao thì hiểu, rất
được ưa chuộng và đề cao. Chúng ta cũng vốn mang truyền thống nô lệ, chỉ quen
bắt chước và để cho người khác quyết định thay mình. Tư tưởng thì đã có bác Lê,
bác Mao nghĩ thay! Hành động thì có ông Tây ông Mĩ làm thế. Để đợi xem „thằng“
Trump, „thằng“ Macron“, thằng „Tập“ nó tính gì đã! Vì thế mà cuộc đấu tranh của
chúng ta tới nay vẫn thiên nan vạn nan. Các tổ chức đấu tranh chẳng quan tâm
chuyện chiến lược và chính sách đường dài. Mà có quan tâm, thì lại không có được
sự hỗ trợ của đám đông, là vì người Việt không thích chuyện tư tưởng, chuyện
đường dài, mà chỉ thích được thấy những pha ngoạn mục trước mắt, được nghe
những lời đao to búa lớn chống cộng mà thôi. Thành ra đấu tranh trở thành
chuyện thời vụ: cộng sản mở ra trận nào, thì đổ xô vào trận đó; chúng nghỉ, thì
mình cũng nghỉ. Làm cho vui!
Bác Trà Lũ ạ, đừng chờ ai đợi ai cả, vì chẳng có ai quan
tâm thay đổi đâu. Trước đây cũng đã có người đề nghị nên sửa „giáo hoàng“ thành
„giáo tông“ (người đứng đầu một tôn giáo), „hồng i“ thành „giáo trụ“ (Kardinal:
người trụ cột bên cạnh giáo tông) v.v. Nhưng rồi các vị cứ đùn đẩy cho nhau.
Ông chức tước đẩy cho ông chuyên môn. Ông chuyên môn thì lại than không có
quyền: trên bảo dưới chẳng nghe! Rồi xong.
Thành ra, nếu thấy cái gì chưa chỉnh hay không đúng, thì ta
cứ nêu lên, và chính mình nên bắt đầu (đưa ra đề nghị) chỉnh sửa. Mặc những dèm
pha hay thị phi. Mình sửa chưa hay thì người sau sẽ sửa hoàn chỉnh hơn. Vấn đề
là phải bắt đầu, phải có người dám tháo tung những cấm kị, để mở đường cho
những thay đổi. Như kiểu giáo tông Phan-sinh đang mạnh dạn châm ngòi cho bộ máy
giáo hội chạy. Có chạy, thì mới có cơ may tới đích.
Trở lại với lối lập luận của vị linh mục – mà cũng là của
hầu hết người Việt - trên đây. Đã nghe quen rồi, chẳng cần phải sửa hoặc không
sửa được nữa! Một lập luận nguy hiểm. Nó dẫn tới cửa tử, vì ngôn ngữ vừa phản
ảnh vừa định hướng nội dung suy nghĩ.
Khi đã gọi Chúa bằng „Ngài“, thì giữa ta và Chúa có một
khoảng cách rất xa; hai thực thể không thể gần nhau được. Thiên Chúa như vậy
không thể nào trở thành thân thương như người cha người mẹ hay người anh của ta
được (khác hẳn với ngôn ngữ âu mĩ dùng Tu, Du, You thân ái để gọi Thiên Chúa).
Cũng giống như khi các linh mục dùng „ngài“ để nói về nhau hay khi các cán bộ
cộng sản gọi nhau bằng „đồng chí“, thì đó là dấu hiệu khả nghi rồi đó!
Và với lối ngôn ngữ đó, thì dù có viết bao nhiêu sách hay
giảng hết nước bọt về tình yêu hay lòng thương xót của Chúa, Thiên Chúa vẫn mãi
mãi là một vị thẩm phán trên cao với vai trò phán xét, ra hình phạt hoặc tốt
lắm là „trả công bội hậu“ cho chúng sinh mà thôi. Hình ảnh về một Thiên Chúa là
người cha hay người mẹ người anh vỗ về yêu thương không thể nào đi vào văn hoá
Việt được.
Cứ theo lối lập luận: đã quen rồi chẳng cần đổi ở trên, thì
cũng chẳng cần phải thay đổi chế độ cộng sản hiện hành, vì nó đã hiện diện hơn
60 năm nay và người dân Việt đã rất quen với nó rồi!
Khi có người hỏi, để thay đổi xã hội thì phải bắt đầu từ
đâu, thầy Khổng trả lời: Phải bắt đầu từ „chính danh“: Ngôn từ có chính, thì tư
tưởng mới thông. Tư tưởng thông, thì hành động mới chính xác và hữu hiệu.
Augsburg, 10.04.2018
(1) Vua chúa thường có nhiều chức tước để ban thưởng cho
thần dân. Đã là „giáo hoàng“, thì cũng phải có tước để ban. Một trong các tước
này là „Monsignore“, được dịch ra tiếng Việt „Đức Ông“. „Monsignore“ là tước để
gọi vị (Phó xứ danh dự của giáo tông), là tước danh dự thấp nhất; trên nó có
„Praelat“ (Kẻ đứng đầu danh dự của giáo tông) và trên nữa có „Apostolischer
Protonotar “ ( Chưởng khế của giáo tông). „Praelat“ và „Protonotar“ chưa có
tiếng Việt, vì chưa có người Việt nào nhận được những tước đó. Giáo tông
Phan-sinh đã chấm dứt việc trao tước „Praelat“ và „Protonotar“ vào năm 2014;
„Monsignore“ hiện còn chỉ được trao cho người trên 65 tuổi. Tước danh dự nói
lên sự biết ơn hay cám ơn, nhưng thường người nhận được các tước này cũng hiểu
rằng, con đường tiến thân của mình trong Giáo Hội tới đây là hết.