Thiên Đàng Là Đây!
Phạm Hồng-Lam
Thiên Đàng, vốn là sản phẩm của tôn giáo, mang nhiều bộ
mặt. Là nơi „hằng xem thấy mặt Đức Chúa Trời“ của Ki-tô Giáo. Là cõi
niết-bàn không còn những dục vọng trần tục của nhà Phật. Là miền cực lạc với
muôn vàn thanh thiếu nữ mọng ngọt như nho tươi sẵn sàng cung phụng những
chàng trai tử vì đạo của Islam. Là chốn làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu
của ông đạo Marx…
Còn „thiên đàng xã hội chủ nghĩa“ của thứ tôn giáo sau
Marx? Ông Trọng, trưởng đảng cộng ở Việt Nam khẳng định rằng, một trăm năm
nữa cũng chưa chắc có được cái thiên đường đó. Quả quyết như vậy, nhưng ông lại
buộc cả một dân tộc nhắm mắt lao vào đích đó. Ông trù dập, tù đày và giết hại
những ai cũng ngờ vực như ông! Lãnh đạo của một đất nước mang tên „hoành tráng“:
„Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam“, mà lại không tin có thiên đường „xã hội
chủ nghĩa“, thế nghĩa là thế nào?
Nhưng tớ làm sao hơn chủ được. Chủ của ông quả quyết ngược
lại: Thiên đường xã hội chủ nghĩa có thật. Nó đang diễn ra ở Trung-quốc, dưới
triều đại hoàng đế Tập Cận Bình.
Trung-quốc cho hay, họ sẽ hoàn thành nó vào năm 2020. Tới
năm này, đảng cộng sản trung quốc sẽ thiết lập trên toàn quốc một „hệ thống
đánh giá uy tín xã hội“, một bộ máy kiểm soát khổng lồ nhờ hàng tỉ tỉ dữ
kiện máy tính và hàng tỉ con mắt điện tử có khả năng nhận diện mặt người hiện
diện khắp mọi hang cùng ngõ hẻm. Đây sẽ là „một hệ thống xưa nay chưa từng
có trong lịch sử của loài người; chưa từng có trên địa cầu. Chúng tôi sẽ là
người tiên phong“, giáo sư kinh tế Zhang Zheng thuộc Đại Học Peking cho
biết như thế; ông cũng là cha đẻ của dự án.
Hiện dự án này đang được thử nghiệm trên một số tỉnh, như Shanghai, Rongcheng. Tại
những nơi này nhà nước lập ra một cơ quan, thoạt tiên có tên là „Sở Thành
Thật“, nay đổi thành „Sở Tin Cậy Tín Dụng“ (STCTD). Và mỗi người dân
được cung cấp một tài khoản xã hội riêng với số điểm ban đầu như nhau là 1000
điểm.
Tuỳ theo hành động và suy nghĩ trong cuộc sống của từng
người dân trung-quốc, số điểm sẽ tăng lên (nếu làm „tốt“) hoặc sẽ giảm xuống
(nếu có những „sai phạm“). Mức hồng tối đa có dạng AAA (1050 điểm); mức này sẽ
tụt dần thành AA, A, BBB, BB, B… cho tới mức đen tối đa là D. Không được xuống
dưới mức 555 điểm; vì dưới nữa thì Bạn coi như đã chết về mặt xã hội, bị ghi
vào sổ đen, công an hoặc nhà tù sẽ làm việc liên tục với Bạn. Nhưng từ D, nếu
Bạn làm theo những gì đảng muốn, thì tài khoản của Bạn sẽ hồng lên trở lại từ
từ cho tới mức tối đa AAA.
Những người có điểm cao sẽ được in lên những bảng lớn dựng
nơi công công cộng để làm gương cho thiên hạ. Các chứng chỉ hồng AAA của những
cha mẹ quá cố sẽ là niềm hãnh diện cho các thế hệ con cháu; sự nghiệp của họ sẽ
sống mãi trong quần… chúng! Ngược lại, những gương xấu đặc biệt cũng có thể
được phổ biến để nhân dân xa tránh.
Tài khoản của mỗi người được nối vào một trung tâm dữ liệu
trung ương do đảng và nhà nước quản lí. Trung tâm này lại nối với hệ thống máy
tính của các ngân hàng, các tổ chức, xí nghiệp, đảng đoàn, các trang mạng điện
tử… Các công ti điện tử lớn như Alibaba, Baidu, Tencent sẽ mồi thêm dữ liệu cho
trung tâm trung ương, chẳng hạn như chúng sẽ báo cho biết là thím Hai chú Ba đã
đặt mua những món hàng gì qua Alibaba, cô Năm cậu Tư đã truy cập những từ như
„dân chủ“, „tự do“ hay „pháp luân công“ mấy lần ở Baidu…
Hôm qua Nị không tới sinh hoạt đoàn, đảng? Đã đạp hay lái
xe vượt đèn đỏ? Không trả khoản vay mượn của nhà hàng xóm đúng hẹn? Đã tham gia
biểu tình đòi dân chủ? Đã phát biểu linh tinh ở chợ? Không chịu hốt phân do chó
của mình ị ra bên đường? Hay đã chịu khó vận động bà con lối xóm treo cờ ngày
lễ của đảng? Đã thành khẩn khai báo sự có mặt của người lạ trong xóm? Đã trả
tiền thuê nhà đúng hạn? Nị ốm mà vẫn phấn đấu đi làm?... Tất thảy mọi thứ đó sẽ
tô hồng hoặc bôi đen tài khoản của Nị.
Đối tượng theo dõi của „Sở Tin Cậy Tín Dụng“ không
chỉ là từng cá nhân, mà cả các công ti xí nghiệp nội địa hay của nước ngoài,
các tổ chức xã hội ngoài chính phủ (NGO), và có thể cả các tổ chức của đảng và
nhà nước. Chưa rõ các cấp lãnh đạo của đảng cao tới mức nào thì được miễn theo
dõi.
Nị đã phấn đấu nhiều
năm trong công ti, cho rằng mình đã luôn làm theo lời dạy của bác và đảng, mà
vẫn không được đề bạt thăng cấp ư? Tới STCTD xin một chứng chỉ uy tín, rồi tới
làm việc với Giám Đốc xí nghiệp. Con Nị gặp khó khăn trong việc lấy vợ gả
chồng? Gởi chứng chỉ uy tín xã hội của nó, nếu cần cả của vợ chồng Nị, cho các
hãng môi giới hôn nhân! Con của Nị không xin vào được trường Nị muốn? Cầm chứng
chỉ uy tín của con – hoặc của cả gia đình Nị - tới làm việc với Hiệu Trưởng.
Có chứng chỉ uy tín điểm cao là Nị có hi vọng được dễ dàng
mua vé xe lửa hay máy bay hạng nhất, được cấp phát giấy tờ nhanh chóng, được đi
du lịch, được vay tiền, dễ tìm việc làm, được ngồi chiếu trên... Chứng chỉ càng
ít điểm thì những ưu tiên kia sẽ bị khép lại. Công ti nào có điểm uy tín xấu,
sẽ chẳng còn hi vọng kiếm được dự án nào.
Hệ thống tiện tử này, trước mắt, sẽ không thay thế cho mạng
lưới kiểm tra hiện nay. Đảng hiểu rằng, hệ thống công an, mật vụ dày đặc và tốn
kém hiện nay, dù hữu hiệu, vẫn không kiểm soát nổi các suy nghĩ và hành động
của một tỉ rưỡi người dân. Ngay lực lượng công an lắm khi cũng không đáng tin
cậy. Do đó phải cần thêm kế hoạch toàn năng dựa trên kĩ thuật tân tiến nhất
này.
Căn bệnh lớn của xã hội Trung quốc hiện nay là mất niềm
tin. Chẳng ai tin ai, chẳng ai tin vào chính quyền. Chẳng ai trọng ai, nhưng ai
cũng nghi ngờ và sợ nhau. Dối trá, lãnh đạm là nguyên tắc chung sống, đạo đức
là thứ chỉ có trên báo đài. Do đó mọi biện pháp nhằm giảm thiểu tội ác và nhắm
đem lại sự thật thà là điều mọi người khao khát. Nhiều người vì thế tỏ ra hân
hoan trước sáng kiến tuyệt vời này. Họ hi vọng nó sẽ tạo lại niềm tin và ổn
định cho xã hội, dù rằng ít ai có được cơ hội tìm hiểu điều hơn lẽ thiệt của dự
án. Chẳng có một cuộc luận bàn công khai lớn rộng nào, còn báo đài thì chỉ có
nói lên mặt tốt mà thôi. Những kẻ bi quan cho rằng, cái thời điểm dự tính sẽ
hoàn thành thiên đàng chủ nghĩa xã hội vào năm 2020 có lẽ là quá vội vàng; họ
sợ thiên đàng này sẽ là thị trường béo bở cho bọn tin tặc đánh cắp dữ liệu để
làm giàu và để buôn bán chứng chỉ giả; hoặc lo ngại, nếu bọn „hacker“ đột nhập
được vào hệ thống trung ương và phá vỡ nguồn dữ liệu, thì không biết xã hội sẽ
loạn đến cỡ nào.
Nhưng đó chỉ là những Fake news của đám phản động phương
tây, chứ đảng vốn là đỉnh cao trí tuệ loài người đã lường được mọi sự!
Ôi tôi sống và tôi chờ đợi:
Chào đỉnh cao 2020.
Ngày triệu triệu Hán dân xúc động bồi hồi…
Ngày đó, người trung-quốc sẽ gặp nhau trong tay bắt mặt
mừng. Và thay vì câu hỏi đầu môi: Ông có khoẻ không? Bà được mấy cháu? Anh Chị
dạo này thế nào? thì giờ đây sẽ là: Ông được điểm mấy? Chứng chỉ uy tín của Bà
ra sao?
Một lối tư duy mới thành hình. Một văn hoá mới xuất hiện.
Nhờ máy tính và hàng tỉ con mắt thần khắp hang cùng ngõ
hẻm, xã hội trung quốc trở thành thiên đường hạ giới: của rơi ngoài đường không
ai (dám) nhặt, kho lẫm mở cửa không ai (dại) bước vào; sạch cướp bóc; hết dối
trá.
Trong thiên đường đó người ta không còn nhận diện nhau qua
khuôn mặt hay dáng vẻ, mà được đánh giá bằng những con số của „Sở Tin Cậy Tín
Dụng“. Nhưng không phải một chuỗi mã số chết với những vạch đen trắng như mã số
hàng hoá ở phương tây, mà là những con số hoặc mẫu tự ngắn ngủn (4,1; 2,3; 1,5…
hoặc AA, BBB, DD…) và chúng có thể thay đổi, nghĩa là nay hồng mai có thể xám
kịt hoặc ngược lại.
Trong thiên đường đó người ta chẳng cần những thứ như tôn
giáo, thượng đế, đạo đức, tiếng lương tâm, nhân phẩm, tự do, trách nhiệm… nữa.
Vì thượng đế giờ đây là những con mắt thần và dữ liệu điện toán của đảng. Những
thứ này cũng sẽ thay thế cho tiếng lương tâm, cho „mệnh lệnh đạo đức“
(„kategorischer Imperativ“ của E. Kant). Hành vi tốt hay xấu giờ đây có nghĩa
là có làm đúng những gì đảng dạy đã được lập trình hoá trong máy tính hay
không. Hết lương tâm thì tự do cũng chẳng cần, vì tự do giờ đây là cứ việc làm
theo những gì xã hội hay nhà nước muốn cho tôi làm. Không còn tự do cũng là hết
trách nhiệm. Máy điện toán và hàng tỉ con mắt thần sẽ hướng dẫn cho tôi muốn
gì, làm gì, nói năng ra sao, suy nghĩ thế nào… Con người trong thiên đàng xã
hội chủ nghĩa „ma-dze in Trung-quốc“ sẽ trở thành đúng là một „bộ phận“ (như
đảng vẫn dạy) của cái máy xã hội khổng lồ, một „bộ phận“ đơn giản, rất dễ
thương vì dễ sai dễ bảo, được giải phóng mọi thứ ràng buộc rắc rối như lương
tâm, trách nhiệm, tự do, đạo đức…
Augsburg, 14.03.2018