Về diễn từ triều yết ĐTC Phanxicô do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh.

Nhận định về diễn từ

triều yết ĐTC Phanxicô do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh.
Hồn Việt

Trong diễn từ triều yết ĐTC Phanxicô do Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGMVN phát biểu ngày 5/3/2018 tại điện Vatican nhân dịp chuyến Ad limina apostolorum, từ ngày 02-đến 11/3/2018 tại Rôma, ngài đã nói đến việc “long trọng cử hành ngày hồng phúc 117 vị đã được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phong hiển thánh ngày 19/06/1988 kỷ niệm đẹp nhất và là niềm kiêu hãnh đậm nét nhất trong lịch sử cận đại của GHVN vào năm nay một cách cụ thể trong mọi sinh hoạt và ở mọi cấp cộng đoàn”, và nói đến việc khám phá được phần nào “Niềm vui Tin Mừng” của Đức Thánh Cha giữa những khốn khó gian truân, mà người Kitô hữu Việt Nam đang trải qua”.


Sau đó, ngài nói đến việc “phải đương đầu với một cuộc chiến mới: cuộc chiến chống lại tinh thần cầu an. Những cuộc bách hại nếu đã tôi luyện đức tin của chúng con thì về phương diện nhân loại, cũng khiến chúng con rơi vào tình trạng thủ thân khép kín”. Qua lời nói này có lẽ tất cả những người đang đập cùng một nhịp tim với tình hình đất nước và GHVN đều hiểu ngay nỗi lòng ray rứt, hổ thẹn lương tâm, tựa như thể một lời thú tội của cả GHVN, mà trước tiên là của HĐGMVN mà ngài là người đại diện, về thái độ cầu an, đứng ngoài thời cuộc, hay nói trắng ra là sự im lặng thụ động truóc sự lộng hành của bạo quyền đang dày xéo quê hương dân tộc Việt Nam.

Và điều này từ giám mục, linh mục tu sĩ cho đến giáo dân, ai mà thực sự còn một chút lương tâm trước lời mời gọi của Chúa đi vào thế gian trở thành men thành muối biến đổi bộ mặt thế gian, hay của Đức Thánh Cha gần đây nhất trong thánh lễ tại nhà nguyện Matta “Tất cả mọi Kitô hữu đều phải là ngôn sứ, và ngôn sứ đích thực là người có khả năng khóc với dân của mình và dám nói sự thật một cách mạnh mẽ khi cần thiết”, đều cảm thấy ít nhiều hổ thẹn vì chưa bao giờ làm điều gì cả hay còn còn làm quá ít.

Và quả đúng như nhận xét của Đức TGM Chủ tịch “Vì thế mà từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, con số bảy triệu người Kitô hữu tại Việt Nam hầu như không hề gia tăng.”, đó chính là lý do mà GHVN thực sự đang thụt lùi, vì chưa thực sự dấn thân loan báo Tin Mừng Sự Thật có khả năng biến đổi bản thân và xã hội, một cách cụ thể trước mắt là tình hình dầu sôi lửa bỏng, thực trạng tồi tệ chưa từng có trong lịch sử của đất nước VN, mà ngài chỉ dám đề cập một cách thật em dè, thu hẹp chủ yếu trong phạm vi gia đình (Ít ra, là có lý do chính đáng vì là năm GH đồng hành với các gia đình trẻ?) như sau: Tại Việt Nam hiện nay, chúng con cũng đang phải đối phó với hiện tượng suy đồi những giá trị nền tảng của gia đình. Trong một xã hội càng ngày càng có xu hướng tiêu thụ và hưởng lạc, trong một thế giới trào lưu di dân mỗi lúc một gia tăng, cuộc sống hôn nhân đang bị đe doạ cách nghiêm trọng. Thật vậy, ngài muốn nói nhiều hơn nhưng lại ngại ngùng, nhưng vì áy náy, ngài cũng phải nói thêm chút ít: “Chúng con muốn trình bày rất nhiều vấn đề và thách đố chúng con đang gặp, để chúng con được uống tận nguồn nước phát ra từ đấng thay mặt Chúa Kitô, nhưng chúng con cũng biết thời gian dù quý báu này cũng chỉ giới hạn vì là thời gian của một vị lãnh đạo toàn cầu là thời gian đếm từng giây từng phút…”. Đúng là một cách tránh né khôn khéo để không mổ xẻ, đi sâu vào cốt lõi của vấn đế, thay vì phân tích sâu xa tận cùng nguyên nhân cội rễ của mọi thảm họa mà đất nước và dân tộc VN đang phải chịu, đó chính là một cơ chế tội lỗi sản sinh ra những con người lãnh đạo đất nước chỉ biết vơ vét tài nguyên, hút máu đồng bào, và do “thượng bất chính hạ tác loạn”, sản sinh muôn vàn tội ác, tiêu cực, ung nhọt lớn nhỏ trong gia đình, nhà trường, xã hội và ngay cả trong giáo hội. Bởi nếu ngài nói toẹt hết ra như lòng mình muốn nói, thì ai cũng biết chuyện gì chắc chắn sẽ xảy ra cho ngài sau chuyến đi Ad limina.

Có lẽ mọi Kitô hữu chân chính, thao thức với vận mệnh của Giáo hội và đất nước đang thực sự nóng lòng chờ xem việc “long trọng cử hành một cách cụ thể” biến cố này như “một kỷ niệm đẹp nhất và là niềm kiêu hãnh đậm nét nhất trong lịch sử cận đại của GHVN” như Đức TGM Chủ tịch HĐGMVN nói là như thế nào.

Trong khi chờ đợi, chúng ta hãy cùng nhau tự hỏi xem sống lại tinh thần của các thánh tử đạo VN trong tình hình đất nước VN chúng ta hôm nay là sống thế nào?

Mừng kính lễ các thánh tử đạo VN một cách thực sự có ý nghĩa và cụ thể là gì nếu không phải là dựa trên nền tảng chủ yếu sau: Sẵn sàng chịu mất mát, thiệt thòi, hy sinh, dù không phải đổ máu, thì cũng bị bách hại để dám sống như một ngôn sứ chân chính, ngẫng cao đầu, không sợ bạo quyền, không hổ thẹn với lương tâm, dám công bố Tin Mừng Sự Thật một cách công khai, không nhập nhằng, vạch mặt gian tà, thói đạo đức giả, lên án bất công như chính Chúa Giêsu đã thể hiện rất rõ trong các sách Tin Mừng, và như lời kêu mời của ĐGH, vị đại diện hữu hình của Chúa ở trần gian.

Tiếc thay vô số người hiểu lầm, hoặc tránh né do ngụy biện, nại đến chuyện Giáo hội không làm chính trị, hay viện cớ đó để tiếp tục sống với cái cám dỗ quỷ quyệt của ma quỷ “cầu an” núp bóng hiền lành đạo đức mà như Đức TGM Chủ tịch đã dám nói ra.

Chính trị phải chăng chỉ là chuyện gia nhập đảng phái? Không hề! Một cách cụ thể, chính trị là bát cơm cho người nghèo, là học phí cho học sinh, là thuốc men cho bệnh nhân, là văn hóa ứng xử, là nhân phẩm, tự do nhân quyền, trong đó có cả tự do tôn giáo, là sự công bằng xã hội, là chủ quyền độc lập của quốc gia…, bao hàm tất cả mọi lĩnh vực của đòi sống con người.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô không làm chính trị sao? Chân phước sắp được phong thánh Đức Cha Oscar Romero không làm chính trị à?

Hơn lúc nào hết GHVN đang cần lắm những lãnh đạo tôn giáo như Thánh Gioan Phaolô II, như Đức Cha Oscar Romero, những chứng tá cho sự thật hiên ngang, can đảm, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình đấu tranh chống lại bạo quyền, không chỉ đi ngược lại với quyền lợi của người dân, mà còn chà đạp, cướp đi một cách trắng trợn những quyền lợi chính đáng thiêng liêng đó, (chứ có phải là chống lại chính quyền đại diện cho dân đâu!), nhằm bảo vệ, bênh vực và giành quyền lợi chính đáng cho những người nghèo, những người thấp cổ bé miệng đã và đang bị cướp đoạt tài sản, đã và đang bị xô đẩy vào bệnh tật, nghèo đói và thất nghiệp vì nạn hủy hoại môi trường và vơ vét do lòng tham, cho cả một thế hệ trẻ đang bị đầu độc, nhồi sọ, khai thác, cho cả một đất nước bốn ngàn năm văn hiến mà lịch sữ bị xuyên tạc và bóp méo đang trên bờ vực bị nô lệ cho ngoại bang…Và điều này mới thực sự có ý nghĩa, vì nó cho thấy GHVN không phải chỉ nghĩ đến mình, đấu tranh cho nội bộ tôn giáo của mình hay vì cuồng tín tôn giáo.

Mừng kính lễ các thánh tử đạo VN một cách thực sự có ý nghĩa cụ thể là gì nếu không phải là phát động một chiến dịch toàn quốc cầu nguyện cho đất nước, đồng bào, cho công bằng, tự do nhân quyền trong đó có tự do tôn giáo ở từng nhà, từng giáo xứ, từng giáo phận, làm sạch môi trường, và chống lại việc hủy hoại môi trường theo tinh thần Laudato si, nói thật và làm thật, vạch mặt gian tà, lên án bất công, đấu tranh bảo vệ và giành quyền lợi chính đáng cho những người thấp cổ bé miệng, cụ thể truóc mắt là những nạn nhân của Formosa, của việc cướp đất cướp nhà. Chính lúc đó sứ điệp của Tin Mừng, lời giáo huấn của chủ chăn mới thực sự đáng tin.

Và cũng như máu của các thánh tử đạo làm trổ sinh vô số những hoa trái, cánh đồng phì nhiêu thế nào, thì sự dấn thân, bỏ mình, hy sinh của người Kitô hữu, đặc biệt của các chủ chăn của GHVN sẽ sinh hoa kết quả, mang lại những cách đồng phì nhiêu màu mở, chứ không phải chuyện ru mình vào cám dỗ dễ dàng xây cất nhà thờ, mở mang cơ sở GH, khuyến khích kinh kệ, hay những việc làm bác ái chỉ mang tính cục bộ và xoa dịu nhằm trấn an lương tâm Kitô giáo của mình.

Các thánh tử đạo VN mãi mãi vẫn là niềm kiêu hãnh đậm nét nhất trong lịch sử cận đại của GHVN như lời Đức Cha chủ tịch HĐGMVN đã nói. Tinh thần của các thánh tử đạo vẫn mãi mãi còn đó nơi những Kitô hữu VN. Điều quan trong duy nhất chính là tinh thần đó cần phải được khơi dậy và thắp lên mà thôi.

Ta có thể nói một cách không sợ sai lầm rằng bao lâu người Kitô hữu, giám mục, linh mục, tu sĩ, giáo dân chưa dấn thân, nhập cuộc, chưa dám ra khỏi cái vỏ an thân cho bản thân mình hay viện những cớ hay ho mỹ miều như: Giáo hội không làm chính trị, cần phải tránh né an nguy cho con chiên, không nên đối kháng…, bao lâu lương tâm của chúng ta vẫn áy náy, hổ thẹn mãi như một tội lỗi chưa bao giờ được xưng thú, hay có xưng thú những chưa bao giờ ăn năn và đền tội thật lòng.

Kitô hữu, đặc biệt các chủ chăn sẽ không còn bao giờ phải áy náy hổ thẹn với lương tâm nữa, nếu bản thân mình dám lên tiếng nói của một ngôn sứ rao giảng và mạnh mẽ bênh vực sự thật, hay đi đầu trong các cuộc biểu tình đấu tranh đòi quyền lợi chính đáng cho những người nghèo, những người thấp cổ bé miệng như hình ảnh người chăn chiên đi trước đàn chiên mình, sẵn sàng hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên của người Mục tử Nhân lành đích thực mang tên Giêsu.

Đó chẳng phải là điều làm nên ý nghĩa đích thực của ơn gọi Kitô hữu, của linh mục và giám mục sao? Đó chẳng phải là chính ơn gọi của các linh mục, và đặc biệt của các giám mục, Hồng Y được thể hiện qua chiếc áo và cái mủ mà mình đang mang với ý nghĩa sẵn sàng tử đạo vì Chúa vì Tin Mừng sao?

Hồn Việt