Tổng Thống Kennedy
và những cái ngu ngơ của các Đại sứ Mỹ tại VN
Nguyễn Quang
Tổng Thống Kennedy là một tổng thống Thiên
Chúa giáo đầu tiên của nước Mỹ, trẻ, đẹp trai và có lối nói rất hấp dẫn, nên dễ
thu hút lòng người. Nhưng tiến trình làm tổng thống chưa đầy ba năm của ông đã
bao gồm một chuỗi những thất bại ê chề,
vì ông không có quyết định sáng suốt và
dứt khoát trước một biến cố xẩy ra và không kiểm soát được các tay chân bộ hạ.
Từ vụ Liên Xô xây Bức Tường Bá Linh, vụ đổ bộ Vịnh Con Heo ở Cuba, “Hành Quân
Mongoose” (Operation Mongoose) để lật đổ Fidel Castro, vụ trung lập hóa Lào, vụ
yểm trợ cho cuộc chiến Việt Nam... đến vụ lật đổ và giết Tổng Thống Diệm, Tổng
Thống Kennedy gần như không kiểm soát được gì hết. Ông đã nói về công điện ra
lệnh đảo chánh lật đổ ông Diệm của nhóm Harriman gởi đi ngày 24.8.1963 như sau:
“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó đã
được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm thứ bảy.
Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn.”
Mặc dầu nhận thấy như vậy, ông đã không ra
lệnh ngưng thi hành công điện đó!
Ngoài ra, sau khi lật đổ và giết Tổng
Thống Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Kennedy không còn tin tưởng vào cuộc chiến
thắng tại miền Nam Việt Nam.
Trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, Tổng Thống hỏi:
“Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?”.
Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình:
“Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là
cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến
sang đó.”
Sau đó ông nói:
“Giờ đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân
nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là
một quốc gia độc lập.”
[Robert S. McNamara, In Retrospect, the
Tragedy and Lessons of Vietnam”,
Vintage Books, New York
1996, tr. 86]
Trong khi đó, các thế lực tư bản đứng đàng
sau muốn mở rộng chiến tranh và đổ quân vào Việt Nam. Vì thế, ông đã bị giết ngày
22.11.1963 tại Dallas.
***
Sau đây là trích đoạn trong bài Đệ Nhất Cộng Hòa của miền Nam, tác
giả Huỳnh Văn Lang, Phụ tá Bí thư của Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
“Tắt một lời, xã hội miền
Nam đang ở trong một tình trạng vô cùng hỗn mang gần như tuyệt vọng, vô phương
cứu vãn. Dư luận Quốc tế cho chánh phủ NĐD không thọ quá 6 tháng. “
….
Đại sứ Heath và tướng
O’Daniel, trưởng đoàn cố vấn quân sự Mỹ, lại yêu cầu thủ tướng Diệm nên giữ
tướng Hinh lại trong quân đội. Ông Diệm từ chối. Trước sự cứng rắn của Thủ
tướng, đại sứ Heath thay đổi thái độ, từ bạn ra thù ngay và gửi điện tín về
Washington, tố cáo thủ tướng là bất tài, không có khả năng dung hợp…cần phải
thay đổi.
Nhưng lúc bấy giờ tổng thống
Eisenhower và Hội đồng an ninh Quốc gia, cả đa số Lưỡng viện Quốc hội lại nhận
thấy Thủ tướng Diệm có thể lãnh đạo mặt trân chống Cộng ở Đông nam Á châu, nên
hoàn toàn bác bỏ đề nghị của đại sứ Heath và Tông thống Eisenhower gửi đặc sứ
qua thay thế là tướng Collins, bạn thân tin của ông. Đặc sứ Collins đến Sài Gòn
mang theo bức thơ của Tổng thống Mỹ xác nhận ủng hộ một mình Thủ tướng NĐD và
muốn thảo luận với Thủ tướng một chương trình viện trợ kinh tế quân sự qui mô
hơn.
Nhưng lại không dè tướng
Collins và tướng Ely là huynh đệ chi binh từ Đệ nhị Thế chiến. Tai hại là đặc
sứ Mỹ bị Cao ủy Pháp chi phối hoàn toàn, ngày một ngày hai tuớng Collins thay
đổi thái độ đối với Thủ tướng NĐD, có nghĩa là ủng hộ mưu đồ “Diệm must go’’ mà
thực dân Pháp đã dàn dựng từ 4, 5 tháng nay.
Ngày 08-12-1954, hai tướng Collins và Ely vào dinh Độc lập chính
thức đề nghị với Thủ tướng NĐD nên bổ nhiệm Phan huy Quát làm bộ trưởng Quốc
phòng và Bảy Viễn làm bộ trưởng Nội vụ. Tất nhiên Thủ tướng NĐD từ chối và phải
từ chối, vì nếu ông chấp nhận thì chẳng hóa ra ông chịu thua và mất gần hết
quyền hành - Quốc phòng và Nội vụ là hai bộ quan trọng nhứt của chánh phủ nên
ông đã kiêm nhiệm - để cho người Mỹ, qua ông Quát, Đại Việt và người Pháp, qua
Bảy Viễn, tướng cướp tha hồ giựt dây.
Thế là lại khủng hoảng! Collins còn cực đoan hơn nữa. là đề nghị với Washington: Nên đưa Bảo Đại về, đem Phan huy Quát lên làm thủ tướng thay thế NĐD và ban hành tình trạng khẩn trương, tập hợp các lực lượng quốc gia để thống nhứt hành động. Nếu không thực hiện giải pháp nầy được, thì tốt hơn Mỹ nên rút ra khỏi VN.
Không dè tướng Collins lại dứt khoát đến thế. Trong quan hệ giữa Collins và Ely, làm như có bóng một người đàn bà, tôi không rõ lắm nên không nói ra đây. Tuy nhiên trong khủng hoảng nầy tôi biết rõ một việc, ai là người đã giúp chánh phủ Mỹ khỏi sai lầm trầm trọng, đó là Thương nghị sĩ Mansfield.
Nhận được phúc trình và đề nghị dứt khoát, nếu không nói là cực đoan hay ngu xuẩn của đặc sứ Collins, TT Eisenhower, Hội đống An ninh Quôc gia và Foster Dulles, bộ ngoại giao, hội nhau lại, hết sức hoang mang, như bị một búa bổ vào đầu, tóa hỏa tam tinh, nên phải kêu gọi đến ý kiến của bên Dân chủ đối lập, mà người có thớ nhứt là Thương nghị sĩ Mansfield:
TNS Mansfield đến tòa Bạch ốc góp ý: Ông Diệm là một tích sản mình vừa thu nhận, dù có nhỏ bé cách mấy đi nữa thì cũng là một tích sản, tại sao mình phải phiêu lưu đi đổi với những giá trị khác, mà mình mù tịt không hiểu biết hay chưa hiểu biết mảy may gì hết.
Thế là Thủ tướng NĐD lại thắng, tất cả chánh phủ Mỹ đều chấp nhận ý kiến của TNS Mansfield vì là khôn ngoan nhứt và ngày 14-12-54 chánh phủ Hoa kỳ chỉ thị cho tướng Collins: Trong tình thế hiện nay, không có một chọn lựa nào khác hơn là tiếp tục viện trợ cho VN và ủng hộ Thủ tướng Diệm.
Nhưng chưa hết, tướng Collins với thực dân Pháp còn quậy nữa, mà năng nổ quyết liệt nhứt là bảy Viễn, Bình Xuyên.”
……
“….Chuyện
của một ông đặc sứ Collins của TT Eisenhower. Sau khi không chinh phục được Thủ
tuớng Diệm theo đề nghị ngu ngơ cải tổ chánh phủ của mình, ông tự cho mình bị
khinh bạc, mất mặt với bạn bè chi binh, biết đâu lại không có miệng lưỡi của
một mụ đàn bà xúi bậy vào…ông vội bỏ VN trở về Mỹ chính hai ngày trước khi BX
khởi chiến. Ông về Mỹ ráo riết vận động với Quốc hội, với bộ Ngoại giao, với
hội đồng An ninh Quồc gia và triệt để khai thác tình tự bạn chi binh với chính
TT Eisewhower. Sau 5 ngày vận động không ngừng nghỉ, ông thành công: TT
Eisenhower gửi tối hậu thư tuyên bố “Diệm must go’’ để ông Đặc sứ mang về Sài
Gòn, phổ biến cho các đảng phái liên hệ, cũng có thể như là món quà đáng giá
triệu đô cho bạn chi binh của ông là tướng Ely và nhứt là cho Bảy Viễn.
Nhưng
không ai dè, chính trong thời gian ông ở Mỹ thủ tướng NDD đã ký sắc lệnh mở
chiến dịch Hoàng Diệu do đại tá Duơng văn Minh làm tư lệnh, để phản công Bình
Xuyên và ngày một ngày hai quân đội Quốc gia VN đã đánh bật hai trung đoàn BX
ra khỏi địa bàn Sài Gòn/Chợ lớn, tàn quân BX rút chạy vào Rừng Sát, hoàn toàn
tan rã và chiến dịch đã kết thúc trong vòng mươi ngày và ngày mùng 8 tháng 5
đại tá Dương văn Minh kéo quân khải hoàn về.
Quân
đội Quốc gia tổn thất vài mươi sinh mạng. Chẳng may lại mất một tướng tài, cũng
là một nhà chánh trị đầy hứa hẹn. Sáng ngày 02-05-1955 tướng Trinh minh Thế kéo
quân qua cầu Tân thuận để truy kich quân binh BX, một người lính Pháp trong tàn
quân BX bắn sẻ từ bên kia cầu, tướng Thế chết ngay trên “command car’’. (Sau
nầy người Pháp có bắn tin là đã trả được thù cho tướng Chanson và Thái lập
Thành, tay chơn của Pháp, vì hai nhân vật nầy đã bị quân của tuớng Thế ám sát
chết ở Sadec năm bảy năm trước.)
Sau
khi thành công xoay chuyển Wahington hơn 180 độ, tướng Collins hớn hở bay về
VN. Trên con đường bay về Sài Gòn thì Washington được tin thủ tướng NĐD với
quân đội Quốc gia trung thành, như vũ như bão phản công BX mà chiến thắng ở
trong tầm tay của Thủ tướng rõ ràng. Đánh BX để chứng minh Thủ tướng có đủ bản
lãnh và tài ba để ổn định tình thế, bất chấp những mưu mô lươn lẹo của thực dân
Pháp và cố chấp ngu ngơ của tướng Collins. Cho nên Washington lập tức phải trở lại ủng hộ thủ
tướng NĐD còn hơn trước (statu quo ante) và đã vội vả đánh một diện văn khác để
thủ tiêu bức thơ của Collins đang cầm tay. Cho nên khi ông Đặc sứ vừa xuống phi
trường TSN thì cũng vừa lúc một nhân viên tòa đại sứ chạy đến trình cho ông một
diện văn hỏa tốc. Ông phải mở ra xem liền, tôi không thấy gương mặt của ông đặc
sứ Collins lúc bấy giờ, nhưng tôi chắc là ông phải đổ mồ hôi hột, dù trời Sài
Gòn tháng 5 không nóng lắm, nhưng có thể ông cảm tưởng là đã tới tháng 8 rồi!
Tôi nghiệp cho ông Đặc sứ, quá nhiều ego (tự ái), làm mất sáng suốt!”
***