Truy Tìm
Dấu Vết Thánh Giá
Dấu Vết Thánh Giá
Tobias Glenz
Phạm Hồng-Lam dịch
Ki-tô hữu tôn kính cách đặc biệt cây thập giá của đức
Giê-su. Nhưng cây thập tự nguyên thuỷ đó đã ra sao, sau khi đức Giê-su chết?
Nhiều lần nó đã bị mất dấu rồi lại tìm lại được, sau đó bị cắt ra nhiều miểng
và chuyển đi khắp thế giới.
Khi những người Roma đóng đinh người đàn ông được coi là
một nhà giảng thuyết rày đây mai đó vào khoảng năm 30, thì họ đã không tưởng
tượng được hệ quả nào sẽ xẩy ra sau đó: Một tôn giáo lớn nhất thế giới – Ki-tô
Giáo – đã thành hình và dấu chỉ quan trọng nhất của tôn giáo này lại là cây
thập tự, một phương tiện tra tấn man rợ của người Roma, trên đó đức Giê-su bị
đóng đinh. Ngày nay hình ảnh cây thập tự đã trở thành một biểu tượng gắn liền
với xã hội: Hàng triệu người trên thế giới treo nó nơi cổ, dùng để trang trí
trong nhà, gắn lên các tháp nhà thờ, dùng làm huy hiệu in trên những lá cờ quốc
gia và trên các mẫu tin báo từ nơi các tấm thiệp hoặc các trang báo. Í nghĩa to
lớn của biểu tượng đó khiến ta phải tự hỏi về số phận của cây thập tự nguyên
thuỷ, mà Chúa bị đóng đinh trên đó, đã ra sao?
Kinh Thánh không cho biết về số phận của cây thập tự đó
ngay sau khi đức Giê-su chết. Thành ra ta chỉ có thể đoán mà thôi. Có lẽ các
môn đồ, nhất là sau biến cố Phục Sinh, đã thu nhặt tất cả những gì liên quan
tới cuộc khổ nạn của Thầy mình, để giữ lại tôn kính riêng. Họ không chỉ thu
nhặt thập tự, mà cả mũ gai, các đinh đóng và khăn lượm. Cũng có thể người Ro-ma
và Do-thái đã cố tình muốn ngăn cấm việc tôn kính này và tìm cách huỷ hoại
những thứ đó. Mà cũng vì thế suốt 300 năm dài đã không ai đề cập đến các linh
vật đó.
Được Thiên Chúa uỷ thác việc tìm kiếm Thánh Giá
Mãi cho tới khi thánh Helena, mẹ của hoàng đế roma
Konstantin I. (306-337), cảm thấy mình được Thiên Chúa trao cho nhiệm vụ phải
truy tìm lại cây Thánh Giá. Năm 313 hoànbg đế Konstantin đã ra „Đạo Dụ Khoan
Dung Milano“ cho phép các Ki-tô hữu được tự do hành đạo của mình. Helena đã được rửa tội
trước đó một năm. Giờ đây Ki-tô hữu cũng được phép hành hương tới Thành Thánh –
vùng đất rao giảng lúc sinh thời của đức Giê-su – nên Bà quyết định lên đường
tới Palestina vào năm 325. Giáo phụ Ambrosius ở Milano (339-397) cho hay, chính
Thiên Chúa đã báo mộng cho bà Thái Hậu 80 tuổi này phải lên đường hành hương.
Theo truyền
tụng Nhà Thờ Hầm Mộ do hoàng đế Konstantin cho xây
nằm ngay
trên chỗ đức Giê-su bị đóng đinh và được mai táng. Hình KNA.
Thánh Helena
cũng đã tìm thấy Thánh Giá tại đây.
Truyền thuyết cho hay, dựa theo những chỉ dẫn của vị giám
mục tại Jerusalem, Helena đã cho đào tìm dưới một ngôi đền của
người Rô-ma. Đền thờ thần Vệ-nữ này nằm trên đồi Golgota, nơi đức Giê-su bị
đóng đinh. Trong một hầm trống bên dưới ngôi đến đó người ta quả thật đã tìm
thấy ba cây thập tự còn khá nguyên vẹn. Nhờ Kinh Thánh cho biết, đức Giê-su đã
bị đóng đinh cùng với hai „kẻ dữ“ khác, nên Helena tin rằng mình đã đạt đích.
Nhưng cái nào là thập tự của đức Giê-su? Theo Ambrosius, người ta đã có thể
nhận ra nhờ cái bảng gỗ có ghi chữ INRI (Giê-su ở Nazareth,
Vua dân Do-thái) mà quan trấn thủ Pilatus đã
cho đóng trên đầu thập tự (Gi 19,19). Nhưng các truyền thuyết thời trung cổ thì
lại cho hay, sở dĩ nhận ra được là nhờ một phép lạ: một người chết đã được sống
lại khi đụng vào Thánh Giá.
Không ngớt hành hương
Bên cạnh thập giá Helena
còn tìm thấy các đinh đóng, mũ gai và viên đá che lối vào mộ của đức Giê-su.
Ngay trong năm tìm thấy các bảo vật đó hoàng đế Konstantin đã cho xây một nhà
nguyện – Nhà Thờ Hẩm Mộ - trên vị trí Chúa bị đóng đinh và được chôn cất. Còn
Helena thì sai cắt nhỏ Thánh Giá ra thành nhiều mảnh. Thái Hậu mang một mảnh về
Roma, đưa vào tôn kính trong nhà nguyện hoàng gia – nay là nhà thờ Santa Croce
ở Gerusalemme. Một mảnh khác được chuyển sang Konstantinopel cho hoàng đế
Konstantin con của Bà. Phần lớn nhất vẫn giữ lại ở Jerusalem;
nó là lực thu hút các đoàn hành hương không dứt tới Jerusalem trong suốt gần 300 năm. Hàng năm
vào ngày 14 tháng 9 Thánh Giá trong Nhà Thờ Hầm Mộ được đưa ra cất cao để các
tín hữu tôn thờ. Đây là nguồn gốc của nghi thức tôn kính Thánh Giá trong ngày
Thứ Sáu Tuần Thánh, mà Giáo Hội vẫn cử hành cho tới ngày hôm nay.
Năm 617 Thánh Giá ở Jerusalem bị rơi vào tay quân Ba-tư,
nhưng hoàng đế bizantin Herakleios đã lấy lại được vào năm 628 và đã đưa về
Thành Thánh trở lại vào năm 630. Gần 10 năm sau, tuy Jerusalem lại rơi vào tay quân Islam, nhưng
truyền thống tôn thờ Thánh Giá vẫn không biến mất hoàn toàn. Tuy nhiên từ đó
Thánh Giá đã bị mất đi nhiều phần. Năm 1099 thập tự quân chiếm lại được
Jerusalem và tìm được phần còn lại của Thánh Giá trong một cái hộp bằng bạc đặt
nơi một góc xó trong Nhà Thờ Hầm Mộ. Từ đó, mỗi khi có những trận đánh lớn,
thập tự quân thường mang theo hộp thánh giá này.
Nhà thờ Santa Croce ở Gerusalemme nguyên
trước đây là nhà nguyện
của hoàng cung. Nơi đây lưu giữ nhiều
miểng Thánh Giá
và một phần của bảng INRI. Hình alliance/dpa/Lars Halbauer
Năm 1187 Vương Quốc Jerusalem của người ki-tô giáo bị thua
lớn trong trận chiến gần Hattin bên bờ Hồ Generareth, với hậu quả là mất Thành
Thánh một lần nữa. Thánh Giá – phần để lại ở Jerusalem – rơi vào tay thủ lãnh islam
Ayyubiden và từ đó bị thất lạc. Đợt thánh chiến thứ tư năm 1204 thập tự quân
lấy lại được Konstantinopel. Phần Thánh Giá mà Helena trước đây chuyển sang cho Konstantin
được cắt ra thành hàng trăm miểng nhỏ, và được thập tự quân mang vế Âu châu.
Các miểng này được tặng cho nhiều nhà thờ và tu viện và được lưu giữ trong
những hòm linh vật để tôn thờ. Với tục thờ kính linh vật này, nhiều nhà thờ
mang tên Thánh Giá (Heilige-Kreuz-Kirche) được cất lên trên toàn Âu châu.
Miểng Thánh Giá khắp nơi trên thế giới
Ngày nay có nhiều miểng Thánh Giá hiện diện trên khắp thế
giới. Chẳng hạn trong vùng nói tiếng Đức có hòm linh vật tại Limburg, Bernward
(Hildersheim) hoặc nơi tu viện dòng xi-tô Heiligenkreuz ở Wienerwald
thuộc Áo. Trong nhà thờ thánh Phê-rô ở Roma, bên cạnh các linh vật khác, có một
miểng Thánh Giá lớn; trong nhà thờ Santa Croce ở Gerusalemme có một phần của
tấm INRI. Ngoài ra trong thập giá của Vương Quốc Roma xưa có gắn một miểng gỗ
Thánh Giá; thập giá này cùng với „Cây Giáo Thánh“ như vậy là những huy hiệu cai
trị của „Vương Quốc Roma Thánh“ trước đây. Thập giá của Vương Quốc hiện nay
được trưng bày trong kho bảo vật của Hofburg ở Wien. Mặc dù miểng Thánh Giá
được coi là có mặt khắp nơi, nhưng thật ra có lẽ chỉ có khoảng 10% trong số đó
là gỗ của cây thập giá nguyên thuỷ mà thôi.
Cho tới khi cải tổ phụng vụ vào năm 1960 hàng năm vào ngày
mùng 3 tháng 5 Giáo Hội vẫn mừng một lễ riêng cho biến cố „tìm lại được Thánh
Giá“. Ngày nay chúng ta có lễ suy tôn Thánh Giá vào ngày 14 tháng 9 hàng năm,
trong lễ này cũng tưởng nhớ tới biến cố thánh Helena tìm lại được Thánh Giá. Ngày
này cũng là ngày lễ quan thầy của các nhà thờ mang tên „Thánh Giá“. Về mặt
phụng vụ biểu tượng Thánh Giá có vị trí quan trọng trong ngày Thứ Sáu Tuần
Thánh: Trong nghi thức tôn kính Thánh Giá, chủ tế nâng cao Thánh Giá trước mặt
tín hữu và mời mọi người: „Hãy nhìn cây gỗ thập tự này, trên đó Đấng Cứu Thế bị
đóng đinh“; và cộng đoàn thưa lại: „Chúng ta hãy tới thờ phượng“. Sau đó người
người tuần tự bước tới kính cẩn quỳ gối và hôn Thánh Giá. Có thể những người
ngoài đạo cảm thấy dị ứng với việc tôn kính Thánh Giá này, vì cho rằng đây là
một phương tiện để tra tấn. Nhưng tín hữu ki-tô giáo thì lại xác quyết: Không
có cái chết của đức Ki-tô trên thập giá, thì không có biến cố Phục Sinh và như
vậy nhân loại chẳng được cứu rỗi – sự cứu rỗi ở nơi thập giá.