Phỏng Vấn Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Cường, Tân Giám Mục Thanh Hóa

 
Phỏng Vấn Đức Cha Giuse Nguyễn Đức Cường, Tân Giám Mục Thanh Hóa

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện
Trọng kính Đức Cha,

Cha Giám Đốc, Ban Biên Tập, Cộng tác viên và toàn thể khán giả, thính giả và độc giả Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic xin kính chúc mừng Đức Cha và cùng tạ ơn Chúa với Đức Cha trong sứ vụ mới của Đức Cha. Nhân dịp này, xin Đức Cha vui lòng chia sẻ cho chúng con một ít tâm tình mục tử.

PV: Kính thưa Đức Cha, chúng con nghĩ rằng Đức Cha có nhiều ưu tư trước trách nhiệm cao cả và nặng nề mà Thiên Chúa và Giáo Hội trao phó cho Đức Cha, xin Đức Cha chia sẻ cho dân Chúa các tâm tình ấy.

Đức Cha Giuse: Xin cảm ơn Cha Giám Đốc, Ban Biên Tập và quý Cộng tác viên của Thông Tấn Xã Công Giáo Vietcatholic.

Sau ngày Tòa Thánh công bố tin Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm tôi làm giám mục Giáo Phận Thanh Hóa, tôi đã dành thời giờ để đọc các bản văn của Hội Thánh về sứ vụ giám mục. Càng đọc tôi càng hiểu và cảm nghiệm hơn về trách nhiệm cao cả và nặng nề của sứ vụ giám mục. Tôi xin phép trích ra một đoạn ngắn như sau: “ Bí tích Truyền chức đưa ngài vào Giám mục đoàn và trở thành thủ lãnh hữu hình của Giáo hội địa phương được ủy thác cho ngài. Với tư cách là người kế nhiệm các Tông đồ và là thành viên của Giám mục đoàn, các Giám mục tham dự vào trách nhiệm tông đồ và sứ vụ của toàn thể Hội Thánh, dưới quyền Đức Giáo Hoàng, Đấng kế nhiệm Thánh Phêrô”(GLHTCG 1594). Do đó, từ ngày được bổ nhiệm đến nay, tôi luôn có những cảm xúc, những tâm tình sau đây:

- Ngạc nhiên: Mọi người đều được Chúa gọi vào làm vườn nho của Ngài, mọi công việc trong vườn nho đều quan trọng và cao cả. Tuy nhiên, với vai trò “thủ lãnh”, sứ vụ Giám mục mang tính đặc biệt hơn. Do đó, tôi luôn ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao Chúa lại chọn tôi?

- Tạ ơn: Càng suy nghĩ, càng thấy đây là mầu nhiệm của ơn gọi, mầu nhiệm của tình yêu, nên tôi chỉ biết dâng lời tạ ơn Chúa.

- Lo âu: Không ai biết rõ tôi hơn chính tôi: tôi là một người còn mang nhiều yếu đuối, khuyết điểm và có rất nhiều giới hạn. Do đó, lúc này tôi không khỏi lo âu tự hỏi: liệu mình có thể chu toàn sứ vụ cao cả và nặng nề này không?

- Tin tưởng: Nhớ lại lời Chúa đã nói với Thánh Phaolô: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối”(2Cr 12,9), nên tôi tin tưởng và phó thác tất cả cho Chúa.

- Hy vọng: Tôi hy vọng mọi người trong Giáo Phận Thanh Hóa, nơi tôi được sai đến, sẽ luôn cộng tác, giúp đỡ và cầu nguyện cho tôi.

PV: Chúng con biết Đức Cha thuộc giáo phận Đà lạt nhưng cũng xuất thân từ Giáo phận Thanh Hóa, cho nên Đức Cha ra đi mà cũng là trở về. Đối với Đức Cha thì điều này có ý nghĩa như thế nào ạ?

Đức Cha Giuse: Tôi luôn cảm thấy hạnh phúc khi được sống và làm việc tại Giáo Phận Đà Lạt vì đây là quê hương của tôi, nơi tôi đã được sống, được nuôi dưỡng, được giáo dục, được lớn lên và được làm việc mục vụ. Thanh Hóa cũng là quê hương của tôi vì là nơi tôi được sinh ra, được “chôn nhau cắt rốn”. Do đó, tôi tiên cảm rằng chắc chắn mình cũng sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được trở về sống và làm việc mục vụ nơi “chôn nhau cắt rốn”, nơi mà tổ tiên, ông bà, cha mẹ mình đã sinh sống. Anh nói đúng “ra đi mà cũng là trở về”.

PV: Xin Đức Cha cho chúng con biết đôi nét về giáo phận Thanh Hóa, đặc biệt những ưu tư và ưu tiên mục vụ của Đức Cha trong thời gian sắp đến ạ?

Đức Cha Giuse: Giáo Phận Thanh Hóa nằm trong tỉnh Thanh Hóa. Thanh Hóa được đón nhận Phúc Âm từ thế kỷ XVII khi cha Đắc Lộ (Alexandre de Rhodes) và cha Pêdrô Marquez đặt chân lên đầu tiên vào lễ thánh Giuse 19/3/1627, cách đây 391 năm tại giáo xứ Ba Làng, gần Cửa Bạng, vốn là địa danh nổi tiếng trong lịch sử truyền giáo. Giáo Phận Thanh Hóa đã được Tòa Thánh thiết lập vào ngày 07-5-1932. Qua 85 năm được thành lập, Giáo Phận đã có 4 đời Giám mục và 4 đời Giám quản. Theo tôi biết, hiện nay, Giáo Phận Thanh Hóa có 134 linh mục, 6 Phó tế, 128 chủng sinh, 64 ứng sinh, 307 nữ tu (gồm 288 nữ tu thuộc Hội Dòng MTG Thanh Hóa và 18 nữ tu thuộc Dòng Thánh Phaolô), 149.084 giáo dân - 7 giáo hạt, 72 giáo xứ, 359 giáo họ.

Tuy nhiên, nếu so sánh với tổng số dân của tỉnh Thanh Hóa thì số người Công Giáo chỉ hơn 3% dân số (Tỉnh Thanh Hóa có 3.528.300 người – Số liệu của Tổng Cục Thống Kê năm 2016).

Qua con số này, chắc chắn mọi người đã thấy công việc ưu tiên mà Giáo Phận Thanh Hóa phải làm là gì rồi, là “Rao Giảng Phúc Âm”. Trong năm 2017 vừa qua, nhân ngày kỷ niệm 85 năm thành lập Giáo Phận, Giáo Phận Thanh Hóa đã chọn khẩu hiệu: “DUC IN ALTUM: Hãy ra chỗ nước sâu (mà thả lưới)” (Lc 5,4), để nói lên quyết tâm rao giảng Phúc Âm của mình.

Việc rao giảng Phúc Âm là công việc của mọi Kitô hữu, nhưng phải làm gì để việc rao giảng Phúc Âm đạt được kết quả, đó là ưu tư của mọi thành phần trong Giáo Phận, trong đó có tôi. Nói đúng hơn, đó là ưu tư của Giáo Phận từ khi được thành lập đến nay. Tùy theo hoàn cảnh của từng thời kỳ, chắc chắn các Đức Cha, các linh mục, tu sĩ và giáo dân đã có nhiều sáng kiến, nhiều nỗ lực để rao giảng Phúc Âm hầu mới có được kết quả như ngày nay. Bổn phận của chúng tôi hôm nay là phải học hỏi kinh nghiệm của các vị đi trước và thích ứng với hoàn cảnh mới.

PV: Kính thưa Đức Cha, Đức Cha đã từng đảm nhận nhiều trọng trách trong giáo phận Đà lạt và trong Ủy Ban Giáo lý Đức Tin của HĐGMVN. Xin Đức Cha cho chúng con biết những suy tư của Đức Cha về vai trò của Giáo lý trong hoàn cảnh Giáo Hội Việt Nam hiện nay?

Đức Cha Giuse: Khuynh hướng thế tục hóa hiện nay đang gây nhiều khó khăn cho đời sống đức tin của các tín hữu, đặc biệt đối với giới trẻ và với công việc rao giảng Phúc Âm. Trong bối cảnh này, mục vụ giáo lý có vai trò rất quan trọng. Thật vậy, nếu đối tượng đức tin của chúng ta là Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ, thì giáo lý là một trong các phương tiện tuyệt hảo để giúp chúng ta nhận biết, tin tưởng và kết hợp thân tình với Ngài (x. THDGL 5, HDTQVDGL 80). Và nếu rao giảng Phúc Âm là rao giảng Chúa Giêsu Kitô cho người khác, thì giáo lý vừa có vai trò đào tạo Kitô hữu, vừa có vai trò đào tạo người truyền giáo.

Tuy nhiên để mục vụ giáo lý đạt được kết quả tốt, chúng ta cần trình bày giáo lý phù hợp với hoàn cảnh, môi trường, lứa tuổi…Vậy hoàn cảnh của Giáo hội Việt Nam hôm nay là gì? Cần phải trình bày giáo lý như thế nào? Đây chính là ưu tư của những người phụ trách mục vụ giáo lý tại Việt Nam hôm nay.

Ban Giáo Lý Toàn Quốc đã cần đến một Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc năm 2014 tại Trung tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Huế và ba năm làm việc để tìm ra những cách thế hầu việc dạy và học giáo lý mang lại hiệu quả tốt nhất trong hoàn cảnh hiện nay. Kết quả của công việc này là cuốn “Hướng Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý tại Việt Nam” đã được Hội Đồng Giám Mục Việt Nam cho thử nghiệm từ năm 2017. Xin trích vài ý như sau:

- Trước hiện tượng “não trạng thế tục đang len lỏi vào đời sống đức tin của các tín hữu, muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra khỏi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội”, thì việc dạy giáo lý tại Việt Nam cần “chuyển trọng tâm từ việc huấn luyện duy kiến thức sang việc xây dựng mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và tha nhân” (HDTQVDGLTVN 18).

- Với chủ trương tương đối hóa tôn giáo hiện nay, đặc biệt nơi người trẻ, do ảnh hưởng của những trào lưu duy vật và hưởng thụ, thì “việc dạy giáo lý phải giúp các tín hữu đào sâu đức tin và phải có tính cách thường xuyên, để giúp họ tăng trưởng đức tin qua mọi lứa tuổi, hướng tới một đức tin trưởng thành trên bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn”(sđd 20).

- Đất nước chúng ta có nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo, thì “việc dạy giáo lý cần chú tâm tới việc đối thoại với người nghèo, với các nền văn hóa, với các tôn giáo và với cả những người vô thần” (sđd 22).

Ngoài ra, để việc dạy giáo lý đạt được nhiều kết quả, theo kinh nghiệm cá nhân, luôn cần tới một phương pháp giảng dạy tốt, vì thế, phải lo tổ chức các khóa đào tạo giáo lý viên, cần sự quan tâm tới việc dạy và học giáo lý của các Cha xứ, lưu tâm cho con cái đi học giáo lý của phụ huynh và sự chung tay của cả cộng đoàn giáo xứ.

PV: Kính thưa Đức Cha, Đức Cha đã từng giữ chức Phó Giám đốc Chủng viện. Xin Đức Cha cho chúng con biết một số thao thức của Đức Cha về ơn gọi trong thời đại này?

Đức Cha Giuse: Trước khi nói lên một vài thao thức về ơn gọi trong thời đại hôm nay, tôi xin kể hai câu truyện có thật sau đây:

- Câu truyện thứ nhất: Khi tôi hỏi một em bé 12 tuổi: “Sau này, khi lớn lên, con có thích đi tu làm linh mục không?” Em bé trả lời: “ Đi tu có tiền không?”.

- Câu truyện thứ hai: Một bà mẹ trẻ kể về đứa con 12 tuổi, học lớp sáu như sau: “ Một hôm, sau khi đi học về, đứa con trai của con nói với con rằng: “Má ơi, hôm nay bạn gái cùng lớp với con nói với con rằng: mình thích bạn từ khi còn học lớp ba, nay, chúng mình đã lớn, học lớp sáu rồi, bạn có muốn mối quan hệ của chúng mình tiến xa hơn không?”.

Từ hai câu truyện này, tôi có hai thao thức và một vài suy nghĩ về giải pháp cho các thao thức này như sau:

a.Về ơn gọi:

- Hiện trạng: ngay từ khi con bé, các em đã bị ảnh hưởng của các khuynh hướng thế tục hóa và hưởng thụ. Vậy liệu còn có người đi tu không? Hiện nay, so với các nước khác, ơn gọi đi tu ở nước ta tuy còn nhiều, nhưng đã bắt đầu có dấu hiệu giảm sút. Hầu như tại các thành phố lớn không còn hoặc còn rất ít các bạn trẻ xin đi tu. Đa số các ơn gọi đến từ các giáo xứ vùng quê.

- Giải pháp: Cần tới sự trợ giúp của giáo xứ và các gia đình. Ở giáo xứ, cần phải tổ chức các lớp giáo lý thường xuyên, những thánh lễ riêng cho các em, những sinh hoạt chung cho các em. Ở gia đình, cần tới một bầu khí đạo đức, duy trì việc đọc kinh cầu nguyện chung với nhau, nhất là vào buổi tối, cần quan tâm tới việc tham dự thánh lễ, học giáo lý thường xuyên của con cái.

b.Về việc đào tạo:

- Hiện trạng: Càng lớn, ảnh hưởng của các khuynh hướng tục hóa, hưởng thụ càng mạnh và nhất là chúng đã ăn sâu vào tâm thức các em. Vì thế, có lẽ việc khó khăn nhất trong việc đào tạo linh mục tu sĩ là thanh luyện về động cơ theo đuổi ơn gọi và về những ảnh hưởng của trào lưu tục hóa.

- Giải pháp:

+ Theo sát Ratio, nghĩa là bản văn “Hướng dẫn việc đào tạo linh mục”. Hiện đã có hai bản văn hướng dẫn việc đào tạo linh mục: một của Tòa Thánh và một của Hội Đồng Giám mục Việt Nam.Các bản hướng dẫn này đề ra chương trình và nội dung đào tạo như sau:

* Thời gian đào tạo: ngoài những năm chuẩn bị, ngắn dài tùy mỗi Giáo phận, thường là 2 năm, dành cho những em sắp vào chủng viện, thời gian đào tạo chính thức tại chủng viện là 9 năm gồm: 1 năm Tu đức, hai năm Triết học, 1 năm đi thử, bốn năm Thần học và 1 năm Mục vụ.

* Nội dung đào tạo: Gồm bốn chiều kích: đào tạo nhân bản, đào tạo thiêng liêng, đào tạo trí thức và đào tạo mục vụ.

+ Nhấn mạnh tới việc huấn luyện “tinh thần khó nghèo”, để Giáo Hội có những linh mục dám từ bỏ mình, chỉ sống cho Chúa và cho người khác.

+ Cần có những nhà đào tạo, những vị đồng hành có uy tín và kinh nghiệm.

+ Giáo hội địa phương, với mọi thành phần dân Chúa, lãnh trách nhiệm đào tạo linh mục.

Tuy nhiên, việc đào tạo là công trình của Chúa, chúng ta hãy đặt toàn bộ công cuộc đào tạo linh mục trên lời hứa của Thiên Chúa: “Ta sẽ ban cho các ngươi những mục tử như lòng Ta mong ước”(Gr 3,15) [x.TH Pastores dabo vobis, số 82]. Bổn phận của chúng ta là hãy năng cầu nguyện cho công cuộc đào tạo linh mục để nhân loại luôn có những mục tử như lòng mong ước.


PV: Xin Đức Cha cho chúng con biết ý nghĩa của huy hiệu và khẩu hiệu Giám mục mà Đức Cha đã chọn.

Đức Cha Giuse: Đây là huy hiệu và khẩu hiệu Giám mục của tôi: (hình huy hiệu)

a. Diễn tả huy hiệu và khẩu hiệu

- Nền của huy hiệu diễn tả địa lý của Thanh Hóa: núi đồi, sông biển,đồng bằng.

- Khẩu hiệu: DUC ALTUM, nghĩa là “Hãy ra chỗ nước sâu (mà thả lưới)”

- Nổi bật ở giữa huy hiệu là con thuyền đang hướng ra chỗ nước sâu.

b. Nội dung của huy hiệu và khẩu hiệu:

Huy hiệu này diễn tả câu truyện trong Phúc Âm theo Thánh Luca như sau: Chúa Giêsu đã nói với ông Simon Phêrô: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá”. Ông trả lời với Chúa như sau: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Kết quả là ông đã bắt được rất nhiều cá đến nỗi ông phải nhờ các bạn đánh cá khác kéo lưới giúp (x. Lc 5,4-7).

c. Ý nghĩa của huy hiệu và khẩu hiệu:

- Với tôi, Giáo Phận Thanh Hóa là chỗ nước sâu mà Chúa sai tôi tới: “Hãy ra chỗ nước sâu mà thả lưới”. Khẩu hiệu này nhắc nhở tôi rằng, Chúa chọn tôi và sai tôi đi không phải vì tài năng hay công lao của tôi, nhưng hoàn toàn là do tình yêu nhưng không của Ngài.

- “Nước sâu” chỉ hết mọi người sống ở Giáo Phận Thanh Hóa, nhất là những người túng thiếu, nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi. Khẩu hiệu này nhắc nhở tôi rằng, Chúa chọn tôi là cho người khác, là để sai tôi đến với mọi người, nhất là những người túng thiếu, nghèo khổ, bệnh tật và bị bỏ rơi, chứ không phải cho bản thân mình.

- Huy hiệu và khẩu hiệu này nói lên thái độ đáp trả của Thánh Phêrô trước lời chỉ dạy của Chúa: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”(Lc 5,5) và kết quả của sự vâng lời Chúa: “bắt được rất nhiều cá”(Lc 5,6). Huy hiệu và khẩu hiệu này sẽ nhắc tôi rằng: mình có rất nhiều giới hạn, và để có kết quả, tôi phải liên kết chặt chẽ với Chúa Giêsu, gần gũi Ngài,yêu mến Ngài và làm theo lời Ngài dạy.

- Huy hiệu và khẩu hiệu này nói tới việc các bạn chài đến giúp kéo cá lên (x.Lc 5,7). Điều này nhắc nhở tôi phải biết cộng tác với người khác: các linh mục, tu sĩ và giáo dân.trong việc rao giảng Phúc Âm.

d. Lý do chọn khẩu hiệu và huy hiệu này

- Rao giảng Tin Mừng là bản chất của Giáo Hội, là bổn phận của mỗi tín hữu mà tôi cũng là một tín hữu, hơn nữa là người kế vị các Tông đồ, nên đây là bổn phận ưu tiên của tôi.

- Khẩu hiệu này là chủ đề của Giáo Phận Thanh Hóa đã chọn vào năm 2017, năm kỷ niệm 85 năm thành lập Giáo Phận (1932-2017). Hình con thuyền và mầu sắc trên huy hiệu của tôi chính là hình ảnh, mầu sắc của con thuyền trong khẩu hiệu của Giáo Phận Thanh Hóa. Tôi nghĩ đây là quyết tâm mục vụ của các vị tiền nhiệm và của Giáo Phận và tôi là người kế nhiệm có nhiệm vụ tiếp tục quyết tâm này. Thêm vào đó, trong Thánh Lễ “cầu cho ơn gọi” của Giáo Phận Đà Lạt, được cử hành sau khi nghe công bố việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm Giám mục Thanh Hóa, Đức Cha Antôn, Giám mục Giáo Phận Đà Lạt đã nói: “Năm 2017 là Năm Thánh kỷ niệm 85 năm thành lập Giáo Phận Thanh Hóa với chủ đề “Hãy ra chỗ nước sâu” (Lc 5,4) như một định hướng mục vụ, nhằm mở ra những cơ hội để con cái trong giáo phận nghĩ đến trách nhiệm đem Chúa đến cho những người sống chung quanh mình...”. Và tôi xác tín rằng đây là ý Chúa nên đã quyết định chọn chủ đề này làm khẩu hiệu giám mục của mình.

Tóm lại, khẩu hiệu và huy hiệu này sẽ là định hướng của sứ vụ giám mục của tôi và luôn nhắc nhở tôi lo chu toàn sứ vụ giám mục của mình theo đúng ý Chúa.

PV: Chúng con xin chân thành cám ơn Đức Cha và hiệp ý cầu xin Chúa ban thêm sức mạnh và những ơn lành khác để Đức Cha chu toàn sứ vụ của mình.

Gioan Lê Quang Vinh thực hiện

http://vietcatholic.net/News/Html/243774.htm