Chất độc hóa học $ Nhà khoa học Nga

Thông Báo 

 Và Làm Thinh

Phạm Hồng-Lam
Tại sao chính phủ anh quốc lại mau mắn nhận dạng được chất độc Nowitschok
trong vụ đầu độc bằng hoá chất vừa rồi ở Anh? Là nhờ trong thập niên 90 Cơ Quan Tình
Báo Đức (BND) đã có được một mẫu về hoá chất cực độc này.
Bài của Georg Mascolo và Holger Stark. Mascolo là trưởng nhóm liên kết nghiên
cứu của „Süddeutsche Zeitung“, NDR và WDR. Trích „Die Zeit“ ngày 17.5.2018.

Người dịch: Phạm Hồng-Lam.

Vào một buổi chiều tối giữa thập niên 90 có một người lạ đứng trước cổng Cơ Quan
Tình Báo nước Đức (BND) ở Pullach, bang Bayern. Người này tự giới thiệu là một nhà khoa
học từ Nga và yêu cầu được vào cửa. Cuộc hẹn đã được chuẩn bị từ trước. Những người trong
cuộc cho hay, trước đó người lạ đã cho biết là ông muốn rời bỏ Nga để về với nước Đức. Ông
đã trải qua một cuộc hành trình cam go, băng qua Ukraina và Áo để tới Đức. Và giờ đây ông
đang đứng ở đây, và ông hứa vợ mình sẽ mang tới cho Đức một mẫu hoá chất bí mật đang
được âm thầm nói tới, và sự kiện này sẽ mang lại những hệ quả gia trọng cho chính sách an
ninh.

Mẫu hoá chất mà người vợ của anh điệp viên tìm cách chuồn qua biên giới nga sau đó
không lâu, để đưa vào Đức, chỉ cân nặng vài miligram, nhưng phải vô cùng cẩn trọng khi tiếp
xúc với nó. Đây là một hợp chất gồm hai thành tố, mà theo lời điệp viên kia, nó là một vũ khí
hoá học gây liệt thần kinh cực độc như chưa bao giờ có.

Chất độc này được biết dưới tên Nowitschock, tiếng Nga có nghĩa là „chất mới“, một
hợp chất nổi tiếng thế giới từ dạo tháng Ba vừa rồi, khi cựu điệp viên nga Sergej Skripal và
con gái của ông bị đầu độc ở Salibury, Anh quốc.

Sở dĩ phương tây biết được loại vũ khí hoá học này là nhờ một điệp vụ của Đức. Helmut
Kohl, Thủ Tướng nước Đức lúc đó, đã tự quyết định chia sẻ cái biết độc quyền này cho một
số thành viên quan trọng trong khối Nato. Trễ nhất là cho tới lúc đó người Anh biết được các
chi tiết về Nowitschok.

Những hiểu biết của Đức đã góp phần giúp Thủ Tướng nước Anh, bà Theresa May, có
thể cho thế giới biết, Skripal và con gái đã bị đầu độc bởi Nowitschok, chỉ trong vòng mấy
ngày sau khi sự việc xẩy ra. Nhưng những thông tin tình báo của Đức đồng thời cũng cho
thấy sự khó khăn trong việc xác định thủ phạm. Là vì cũng như một sản phẩm xe hơi, tuy
cùng một loại nhưng lại có nhiều kiểu khác nhau, thì Nowitschock cũng được tiếp tục chế tác
thành nhiều loại, mang những tên bàn giấy như A230, A232 hay A234. Và từ những năm
1990s nhiều quốc gia đã biết được công thức của chất đó; và chẳng hạn như Hoa-kì đã hoà
trộn các chất đó với liều lượng nhỏ, để cải tiến các biện pháp để phòng của mình. Còn một số
nước khác, ít nhất nhờ những tiết lộ của Đức, đã nắm được công thức của loại chất độc đó.
Việc hồi chánh của nhà khoa học nga đã đẩy thủ tướng Kohl vào một tình cảnh khó
khăn: Nước Đức có được phép tìm hiểu thứ vũ khí hoá học bị thế giới lên án không, cho dù
đó là một mẫu thí nghiệm? Và Đức phải đối xử với Nga ra sao về việc khám phá ra thứ vũ khí
bí mật bị cấm này, trong lúc Nga vừa để cho Đức được thống nhất đất nước? Nhưng Đức
đồng thời cũng cần tới phe Đồng Minh!

Qua các trao đổi với nhiều nhân vật trong cuộc ta có thể mô tả lại diễn tiến điệp vụ vô
cùng tế nhị về mặt chính trị thời đó như sau: Phủ Thủ Tướng, Bộ Quốc Phòng, Cơ Quan Tình
Báo từ chối cho biết í kiến, vì sợ lộ bí mật, mà cũng vì ngại làm nóng thêm những cuộc tranh
luận về Nowitschok và về chính sách của Nga hiện nay.

Đầu thập niên 90, khi khối Đông Âu đang trên đường tan rã, tình báo Đức đã có được
sự cộng tác của một nhà khoa học nga vốn làm việc trong chương trình vũ khí hoá học của
Nga.

Lúc đầu, nhà khoa học này còn chần chừ, nhưng sau đó đã đồng í cộng tác. Ông còn quả
quyết, là mình có thể lấy được một mẫu hoá chất giết người mà mình đang nghiên cứu. Tình
báo đức như vừa bị điện giật vừa bị báo động. Bị điện giật, vì mới đây họ nghe phong phanh
tin đồn, là Nga đang âm thầm chế biến một loại vũ khí hoá học mới, có lẽ xuất phát từ „nhóm
các chất có chứa phốt-pho“. Nhưng cụ thể đó là chất nào thì họ mù tịt. Bị báo động, là vì theo
các Thoả Ước Paris nước Đức trẻ sau 1954 không được phép tái võ trang các loại vũ khí có
khả năng giết người hàng loạt – đặc biệt không được đụng đến hoá chất độc, mà trước đây
Đức đã sản xuất và đã sử dụng trong Thế Chiến I. Giờ đây bỗng dưng họ lại có trong tay một
thứ vũ khí loại đó, dù đấy mới chỉ là một mẫu thí nghiệm.

Vấn đề được đưa lên tới Thủ Tướng và Quốc Vụ Khanh đặc trách tình báo, ông Bernd
Schmidbauer. Hai người này nghĩ ra một kế để tránh hậu quả về sau: Schmidbauer trình bày
tóm tắt sự việc cho Kohl trên một mẩu giấy màu vàng, và khi đọc xong thì Kohl huỷ ngay
mẩu giấy này. Như thế chẳng để lại một dấu tích gì trong hồ sơ, và về sau, nếu cần, Kohl có
thể chối là mình đã chẳng được thông tin về chuyện này.

Những người trong cuộc nhớ lại rằng, trên mẩu giấy vàng đó Schmidbauer đã Kohl hay
về nhân vật quy chánh và mẫu hoá chất. Sau ngày xuất hiện của nhà khoa học nga, Phủ Thủ
Tướng triệu tập một cuộc họp trong vòng rất nhỏ, trong đó có mặt Konrad Porzner, Giám Đốc
BND, và Volker Foersch, trưởng ban đặc trách những tình báo viên từ Nga.

Câu hỏi quan trọng nhất của cuộc họp: phải làm sao với mẫu hoá chất có trong tay?
Người Đức tự mình có thể có khả năng phân chất mẫu này. Nhưng các luật gia trong Phủ Thủ
Tướng cảnh báo, việc mình sở hữu mấy miligram hoá chất kia là một vi phạm Thoả Ước
Paris. Hơn nữa, Đức cũng vừa chuẩn nhận thoả ước cấm chế tạo và phổ biền các loại vũ khí
hoá học vào năm 1994. „Chúng ta nhất thiết không muốn tạo cho người ta có cảm tưởng,
rằng mình thích thú với những thứ vũ khí hoá chất như thế“, một nhân vật có mặt lúc đó đã
nói như thế.

Thủ Tướng và các cố vấn đã quyết định không khám nghiệm mẫu đó ở Đức. Họ uỷ cho
BND tìm liên lạc với một nước trung lập, để giúp việc này. Và Thuỵ-điển đã bằng lòng giúp.
Với những thận trọng tuyệt đối mẫu thử đã được chuyển tới Thuỵ-điển.

Kết quả đã có được sau nhiều tuần khám nghiệm. Theo đó, đây là một thứ „vũ khí hoá
học lạ gồm có hai thành tố“; nó rất độc và „phe Nato chưa có biện pháp nào để chống lại nó“.
Thuỵ-điển gởi công thức về cho Đức. Nowitschok được phát hiện từ ngày đó.

Quái lạ, không hiểu sao mà người Nga đã dấu sản phẩm bí mật đó được lâu như thế. Là
vì từ tháng Năm 1971 Hội Đồng Bộ Trưởng của Liên-Xô và Uỷ Ban Trung Ương đảng cộng
sản đã quyết định đẩy mạnh việc phát triển một loại vũ khí hoá học mới, thuộc đời thứ tư.
Chương trình nghiên cứu này mang mật danh „Foliant“, được điều hợp bởi một viện nghiên
cứu nằm chìm lấp giữa khu kĩ nghệ ở ngoại ô Moskau. Năm 1973 các nhà khoa học nga cho
hay, họ đã thành công liên kết được một hợp chất hữu cơ phốt-pho cực độc; hợp chất này có
khả năng ngăn chặn một enzym đặc biệt của cơ thể, gây co rút cơ bắp khiến ngạt thở và dẫn
tới tê liệt cơ tim.

Với thời gian, chất này được chế biến tinh tế hơn. Trong thập niên 80 Nga đã thành
công phát triển được một hợp chất gồm hai thành tố hợp pháp vốn vẫn được dùng trong nông
nghiệp. Nó chỉ trở nên độc hại, khi hai thành tố đó được hoà lẫn với nhau, ngay trước khi sử
dụng. Với cách đó chương trình vũ khí hoá học được họ „núp dưới chiêu bài sản xuất sản
phẩm thương mại hợp pháp“, như lời của nhà khoa học có tham gia chường trình „Foliant“
Wil Mirsajanow nhiều năm sau cho biết. Theo nhân vật này, trải qua nhiều năm Nga đã đưa
vào kho vũ khí hoá học của mình ít nhất hai dị bản Nowitschok. Chúng tác động mạnh hơn
loại độc chất VX gấp năm tới tám lần.

Năm 1987 tổng bí thư đảng cộng sản Michail Gorbatschow công khai tuyên bố, là Liên-
Xô đã chấm dứt việc chế biến vũ khí hoá học. Sau đó, trong một thoả ước chung với Hoa-kì,
ông hứa sẽ bạch hoá toàn bộ kho vũ khí hoá học của Liên-Xô. Để thiên hạ tin hơn vào lời
tuyên bố đó, ông cho phép một nhóm kí giả và nhà ngoại giao ngoại quốc bay tới quan sát
phòng thí nghiệm vũ khí hoá học bí mật của Hồng Binh tại tỉnh nhỏ Schichany. Nhưng ông
im bặt về danh xưng Nowitschok; Nga dấu tiệt sự có mặt của loại vũ khí này.

Nhà khoa học hồi chánh trên đây không những đã nhờ vợ giúp chuyển sang Âu châu
một mẫu hoá chất, mà còn cho người Đức biết, là ông cũng là kẻ có tham gia vào việc phát
triển hoá chất đó. Do đó mấy giọt hoá chất lỏng chết người đã biến thành một vụ chính trị có
khả năng gây hệ quả toàn cầu. Thủ tướng Kohl phải làm sao đây?

Trong những năm này, Kohl đang ở trong một hoàn cảnh rất tế nhị của một quốc gia
vừa mới được thống nhất. Đối với người Mĩ, ông vận động họ triệt thoái hết kho vũ khí hoá
học trên đất nước mình; tháng Bảy 1990 quân đội hoa-kì cho đóng 120.000 đầu đạn vào trong
những thùng hàng kín cùng 437 tấn Sarin và VX xuống tàu chuyển về Hoa-kì. Phía Liên-Xô,
Kohl thoả thuận được với Gorbatschow và sau đó với Jelzin triệt thoái toàn bộ quân đội và vũ
khí nguyên tử ra khỏi phần đất Đông Đức cũ.

Jelzin lên thay Gorbatschow vào mùa hè 1991. Giữa Jelzin và Kohl nẩy sinh tình thân.
Jelzin giới thiệu gia đình ông với Kohl và cả hai cùng đi tắm hơi trong biển Baikal. Nhờ sự
thân thiết đó sự thống nhất của hai nước Đức đã có thể diễn tiến xuôi chảy. „Đã có một không
khí đầy lạc quan và một sự tin cậy vững chắc giữa hai bên“, quốc vụ khanh Schmidbauer thời
đó đã cho hay như thế.

Nhưng kết quả phân chất của phòng thí nghiệm thuỵ-điển đã làm xáo trộn tình trạng hài
hoà ngoại giao. Nước Nga đã không ngừng nói láo trong quá khứ, nay họ vẫn còn chối về sự
hiện diện của các vũ khí hoá học. Kohl và Schmidbauer đưa ra hai quyết định: Họ lệnh cho
BND thông báo sự việc tới những thành viên quan trọng nhất của Nato: Hoa-kì, Anh, Pháp,
Hoà-lan và Canada. Tình báo của sáu quốc gia này lập thành một nhóm, cùng nghiên cứu và
trao đổi với nhau suốt nhiều năm về Nowitschok. Quyết định thứ hai là một tín hiệu cho
Moskau. Nhân một phái đoàn của Đức lại sang Nga, người đại diện của Kohl đã kéo người
của Jelzin, trong đó có vị trưởng tình báo quốc ngoại của Nga, ra một nơi và cho họ biết, rằng
Đức đã biết về thứ vũ khí hoá học kia rồi. Đức chẳng đưa ra lời đe doạ hoặc yêu sách nào cả,
chỉ cho họ biết, là mình đã nắm được bí mật mà thôi. Người Nga đón nhận thông tin trong im
lặng. Họ hiểu cái tín hiệu của Đức: Phương tây không muốn làm lớn chuyện Nowitschok và
không muốn làm bẽ mặt Jelzin, nhưng vẫn ráo riết theo dõi mọi hành vi của Nga.

Sở dĩ công luận biết được sự có mặt của Nowitschok là nhờ nhà khoa học Will
Mirsajanow, người làm việc tại viện nghiên cứu hoá học và kĩ thuật hữu cơ ở Moskau; viện
này cũng tham dự vào việc chế biến Nowitschow. Tháng Mười 1991 Mirsajanow công bố một
luận văn trên một tờ báo ở Moskau, trong đó ông bật mí cho biết, Nga đã thành công chế biến
được một hoá chất cực độc mới, nhưng ông đã không đá động gì tới danh xưng Nowitschok.
Một năm sau, tháng Chín 1992, ông phổ biến một bài thứ hai, bị bắt một thời gian, sau đó
được di cư sang Hoa-kì vào năm 1995. Năm 2008 ông cho xuất bản một phần công thức của
hoá chất độc đó.

Cho tới nay các học giả bên ngoài vẫn chưa nắm vững được công thức chính xác của
Nowitschok. Nhưng nhờ sự trở về của nhà khoa học nga trên đây và nhờ thêm những người
hồi chánh sau này khi Liên-Xô tan rã, phương tây đã nắm vững từ hơn 20 năm nay các chi tiết
về loại hoá chất đó.
Mirsajanow vẫn còn sống ở Hoa-kì; ông cho biết, chất đó độc đến nỗi, chỉ có cấp quốc
gia mới chế biến và sử dụng được nó. Wladimir Ugljow, một chuyên viên nga khác có liên hệ
với Nowitschok, cho hay, muốn di chuyển chất đó tới địa điểm khủng bố hay đầu độc, cần
phải có một thùng chân không thật kín để chứa các nắm bông gòn nhỏ và bột. Ở Salisbury
người ta đã quệt chất này vào nắm cửa phòng của Skripal và ông này đã vô tình đụng vào.
Vị đại sứ đương nhiệm của Nga tại London quả quyết: „Chúng tôi không chế tạo và dự
trữ Nowitschok.“ Dấu hiệu cho thấy người Nga nhúng tay trong vụ này đã rõ, nhưng chứng cứ
cho thấy chính họ là thủ phạm quả thật còn thiếu. Anh cho biết, loại Nowitschok được sử
dụng tại Salisbury là một sản phẩm của lò thí nghiệm tại Schichany, một thành phố nhỏ của
Nga, nơi mà trong thập niên 80 Gorbatschow đã cho một nhóm nhà báo và nhà ngoại giao tới
quan sát. Có thể chúng ta sẽ biết rõ hơn, khi so sánh độ tinh chất giữa mẫu của BND trước
đây và mẫu lấy được ở Salisbury.

Nhà khoa học nga đứng trước cổng Sở Tinh Báo BND giữa thập niên 90 trước đây là
một người hành động vì lí tưởng, chứ hoàn toàn không phải vì tiền; một người trong cuộc cho
biết như thế. Ông đã đưa được vợ và các con sang với mình. Vụ Salisbury chứng minh cho
thấy có thể xẩy ra những gì đã tiên đoán. BND đã tạo cho ông có một căn cước mới và đã bảo
vệ ông trong nhiều năm. Kể từ 1998 sự bảo vệ này được chuyển qua tay quân đội. Nhưng tới
nay ông vẫn không ngừng lo cho mạng sống của mình, vì ông biết, bà mẹ Nga của ông thù dai
lắm.