Gương hy sinh tuyệt vời đã lìa đời

 Lm, Bác sĩ Nguyễn Viết Chung

Gương hy sinh tuyệt vời đã lìa đời

BS Phan Văn Tú


Nguyễn Viết Chung học đại học y khoa Sài Gòn sau tôi một năm. Ngay từ năm thứ nhất, anh được học với một người thầy nước ngoài là Marcel Lichtenberger, cũng là thầy dạy tôi, môn Mô học (Histology) và Di truyền học (Genetics). Giáo sư Marcel Lichtenberger đồng thời cũng là một Linh mục Công giáo người Bỉ. Ông giảng bài bằng tiếng Pháp, tài liệu học tập cho sinh viên cũng bằng tiếng Pháp.
Ông giải đáp thắc mắc cho sinh viên có thể bằng tiếng Pháp, Anh và tiếng Quảng Đông vì ông đã sống ở Trung Quốc 15 năm cho đến khi Mao Trạch Đông lên trục xuất hết các người phương Tây. Ông sang VN và giảng dạy tại Đại học Y khoa Sài Gòn cho đến tháng 4 năm 1975 thì về nước. Linh mục Giáo sư có nhiều công trình nghiên cứu về di truyền học. Các đàn anh nói rằng một công trình nghiên cứu của ông đã được đề cử dự giải Nobel y học. Dù không đoạt giải nhưng việc được đề cử thôi cũng đã là điểm xuất sắc. Anh Nguyễn Viết Chung đã có ấn tượng về người thầy vừa uyên bác vừa đạo hạnh như LM GS Lichtenberger, nhất là lúc anh xem ông cử hành lễ trong nhà thờ và làm việc trong phòng thí nghiệm. Lúc đó Nguyễn Viết Chung chưa phải là người Công giáo.

>
Nhân vật thứ hai có ảnh hưởng trên cuộc đời anh Nguyễn Viết Chung là Linh mục Jean Caissaigne người Pháp. Linh mục Jean Caissaigne đã chọn huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng ngày nay để phục vụ. Ông mở trường học cho trẻ em và đặc biệt là mở trại chăm sóc bệnh nhân phong (cùi, hủi) nghèo khó, phần lớn là người dân tộc thiểu số. Bệnh phong xưa kia là một trong 4 bệnh hầu như không chữa được (tứ chưng nan y: phong cùi hủi, lao, xơ gan cổ trướng, ung thư). Hồi đó, người bệnh phong bị làng xã ruồng bỏ, cách ly khỏi xã hội. Gia đình người bệnh phải làm cái chòi trong rừng để ở, có người bị cọp beo ăn thịt. LM Caissaigne đã trực tiếp chăm sóc cho người bệnh như một y tá, hộ lý dù bản thân ông cũng bị bệnh sốt rét, lao phổi. Có giai đoạn ông được phong lên chức Giám mục cai quản giáo phận Sài Gòn một thời gian. Hết nhiệm kỳ, ông trở lại trại cùi Di Linh tiếp tục phục vụ người nghèo, người bệnh. Khi ông bệnh nặng, người ta định đưa ông về Pháp để chết, nhưng ông nói “Tôi là người Pháp nhưng trái tim tôi là của người Việt Nam. Tôi muốn sống trong đau khổ và chết nơi đây. Việt nam là quê hương của tôi”. Hiện nay ngôi mộ của ông vẫn còn ở Di Linh. Nói đến đây, tôi thấy có cái gì từa tựa như bác sĩ Alexandre Yersin khi ông phục vụ người Việt lúc còn sống và chọn Nha Trang để gửi nắm xương tàn.

>
Hai nhân vật kể trên đã ảnh hưởng đến cuộc đời anh Nguyễn Viết Chung. Sau 7 năm học y khoa, anh được phân công về phòng Sốt Rét tỉnh Đồng Nai, sau đó về bệnh viện Da Liễu TP. HCM để làm việc và học hỏi thêm bệnh ngoài da để sau này chẩn đoán và chữa trị cho bệnh nhân phong. Sau đó, anh tình nguyện về làm việc ở trại phong Bến Sắn thuộc tỉnh Bình Dương. Vậy là anh đã chọn con đường giống Giám mục Caissaigne đã đi khi xưa. Tại đây, một tấm gương thứ 3 đã tác động đến cuộc đời anh Chung đó là Dì Hai Loan (nữ tu, soeur) người tận tình phục vụ các bệnh nhân phong.

>
Trong y khoa, bệnh ngoài da dễ làm cho người ta ghê tởm nhất vì các tổn thương lộ ra bên ngoài. Bệnh phong (cùi, hủi) còn ghế tởm hơn. Nó gây tổn thương thần kinh làm cho người bệnh đau đớn khủng khiếp. Ở ngoài da thì các vết thương lở loét, máu mủ chảy ra hôi thối, các ngón tay ngón chân rụng dần. Ai từng chứng kiến bệnh nhân phong ở giai đoạn bệnh tiến triển mới thấy ghê tởm và thêm kính phục những người chăm sóc họ, mà những người chăm sóc họ lại hoàn toàn tự nguyện, không có lương bổng gì.

>
Thế rồi anh Chung quyết định theo đạo Công giáo và đi tu để có điều kiện phục vụ. Sau 6-7 năm học, anh được thụ phong Linh mục ở tuổi 48. Anh sống khắc khổ, đơn sơ đến tiều tụy trông thật tội nghiệp. Một người có dịp thăm LM BS Chung kể: “Phòng cha Chung chỉ vỏn vẹn một chiếc giường gỗ với một chiếc chiếu trải lên đó. Bên cạnh tủ sách là một chiếc ghế và một cái bàn nhỏ. Có cái quạt máy treo tường nhưng không thấy mở! Với khí hậu oi bức mùa hè ở Saigon, tôi không hiểu làm sao cha có thể chịu đựng được “cái nóng ghê người, nóng nóng ghê!” Cha dẫn tôi đi xem phòng ngũ các thầy. Năm sáu thầy nằm ngủ trong một phòng nhỏ: chỉ có hai giường gỗ, ngoài ra là mấy chiếc chiếu xếp lại, để trên sàn nhà. Thầy nào cảm thấy nằm trên sàn nhà không được thì mới nằm trên giường”.

>
Hôm nay 10-5-2017, đột ngột nghe tin Linh mục Bác sĩ Chung qua đời tôi và các bạn của anh thấy vừa ngỡ ngàng vừa thương cảm, vừa ngưỡng mộ tấm gương hy sinh phục vụ quên mình của anh, một Linh mục và cũng là một đồng nghiệp.

>
(Tôi biết đạo Công giáo có không ít các Linh mục học y khoa và họ vừa là Linh mục, vừa là Bác sĩ. Họ thường học y khoa trước, sau khi ra trường mới đi tu làm thầy hoặc làm linh mục. Đạo này có một dòng chuyên về y tế, phục vụ miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, nhất là các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS)

Ảnh: Linh mục Bác sĩ Nguyễn Viết Chung


Phan Văn Tú