Giáo hội công giáo và Nhân quyền
Nguyễn đăng
Trúc
Strasbourg, pháp
« Ngày nay, nhân quyền được
tuyên dương như một ‘đạo lý mới’ của thế
giới».[1]
Nhân định đó của Walter Kasper, nay là Hồng Y chủ tịch
Hội Đồng Giáo Hoàng Cổ Võ Hiệp Nhất Kitô Hữu cho thấy ngày nay nhân quyền được
xem là chuẩn mực hướng dẫn nếp sống cá
nhân và các cộng đồng trong đại gia đình nhân loại. Trong mọi ngành sinh hoạt từ
văn hóa, chính trị, tôn giáo, báo chí truyền thông kể cả thể thao, kinh tế, cuộc
sống gia đình v.v. nhân quyền được nêu lên
như một mục tiêu sinh hoạt, một giá trị tối thượng để đánh giá tốt xấu, để tuyên
dương hay trừng phạt, ngay cả bằng biện pháp chiến tranh.
Nhưng đằng sau lớp áo Nhân quyền nặng tính ‘ùtruyền thông
đại chúng’ù đó, biết bao người đã là nạn nhân của bạo lực chà đạp nhân quyền
sau hơn nửa thế kỷ Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền được Liên Hiệp Quốc công bôù;
một vài sự kiện nổi bật như - các vụ tàn
sát ở Cambốt vào cuối thập niên 70, - hàng triệu triệu ngưởi bị thảm sát, lưu lạc
tại Rwanda trong thập niên vừa qua, - đàn áp tôn giáo , văn hóa, chính trị... tồn
tục tại nhiều nước trên thế giới, ngay cả
sau thời điểm Bức Tường Bá-Linh sụp đổ, - nạn nghèo đói, kém phát triển, chênh
lệc cuộc sống không những giữa các quốc gia mà ngay trong mỗi cộng đồng dân chúng
của mỗi quốc gia. Nhân quyền vẫn không được lắng nghe và áp dụng, mà đáng lo ngại hơn nữa là nội dung của nhân quyền chưa kịp đem
ra áp dụng thì sự kiện nhân danh Nhân quyền để chà đạp nhân quyền lại phổ biến:
nhiều người mẹ nhân danh quyền của mình để
chà đạp quyền sống của con trong bụng mình, nhân danh quyền tự do truyền thông
một cách khách quan bất chấp danh dự cá nhân kẻ khác và lợi ích chung .v.v
Trong một mức độ nào đó, mối liên lạc văn hóa giữa nền
văn minh Tây Phương tân tiến và các tôn giáo, đặc biệt là giáo hội công giáo,
trong lối cảm nhận về nhân quyền có vẻ
như không còn khắng khít như thời kỳ tiếp liền theo Công Đồng Vaticanô II; đây đó
dư luận lên án thái độ đạo đức của giáo quyền Roma là thủ cựu, như ngầm hiểu là
chống lại nhân quyền (đặc biệt là các vấn đề liên quan đến tính dục, gia đình);
hơn thế nữa nhiều quốc gia tuy có số lượng người công giáo chiếm đa số tuyệt đối
đã ban hành nhiều đạo luật ( phá thai, hôn
nhân đồng tính, can thiệp giúp bệnh nhân tự tử...) đi ngược lại với giáo huấn đạo
đức mà giáo hội công giáo chủ trương; kết quả là phía bên nầy bên kia, đạo và đời
đều có những nhóm ngầm cho rằng nhà cầm quyền hoặc giáo hội công giáo là tác nhân
vi phạm Nhân quyền.
Như thế đằng sau chữ nhân quyền tưởng chừng như ai cũng am tường
đầy đủ nội dung, thật sự còn có nhiều nội dung văn hóa căn cơ hơn, có nhiều điểm
tương đồng nhưng cũng không thiếu những nét dị biệt. Một phần chính các mối căng
thẳng đôi bên không phải phát xuất từ việc thiếu thiện chí thực thi nhân quyền,
nhưng phát xuất từ phương cách định giá nhân phẩm và các chiều kích trọn vẹn
của nhân tính.
1/ Mạc khải Kitô giáo và quan điểm của văn hóa tân kỳ về Nhân quyền
Tác
giả Walter Kasper trong tài liệu Nền tảng thần học của nhân quyền đã nhận định về việc xây dựng nền tảng cho Bản Tuyên Ngôn
Quốc Tế Nhân Quyền một cách tương đối bi quan như thế nầy:
‘ Nhưng vấn đề đặt ra là xem cái gì tạo nên sự
vững bền cho nền tảng chung đó. Người ta kể rằng một thành viên của một trong ủy
ban soạn thảo Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền tại Liên Hiệp quốc có lần như từng phát
biểu rằng: ‘Chúng ta đồng ý về các quyền ấy, với điều kiện là đừng ai hỏi tại
sao!’. Sự hững hờ về việc đặt nền tảng của Nhân quyền khai lộ cho thấy nhược điểm
nào đó của những lối biện minh cho sự chính đáng của các quyền ấy[2]..’
Nói cách
khác, nền tảng xây dựng nội dung ý nghĩa nhân quyền trong Bản Tuyên Ngôn nầy như
dựa trên một cảm nhận chung chung của con người thời đại, cảnh giác những vi phạm
đến cá nhân mà lương tri không cho phép (con người nhìn nhận có tiếng nói tự
nhiên nơi tâm hồn mọi người :’không được
phép làm điều nầy hay điều kia ...’). Người ta đã dừng lại đoạn đường ấy có lẽ vì muốn có sự đồng thuận tối thiểu về
một số biện pháp cấp bách tiếp sau những tang thương kinh hoàng của đệ nhị thế
chiến, hoặc để giảm bớt những chống đối của các quốc gia không thuộc vào truyền
thống văn hóa mà GS Joseph Joblin, S.J. gọi là truyền thống văn hóa Địa Trung
Hải[3]. Và cũng trong bối cảnh của thời sự có tính cách ứng dụng thực tiễn và
thúc đẩy bởi tình thế cấp bách mà các tôn giáo, đặc biệt là giáo quyền công giáo, đã công khai nhìn nhận giá trị tích cực của Bản
Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, mặc dầu có những ngại ngùng của
nhiều tín đồ trong giáo hội nầy[4]. Người
ta ngại ngùng vì không những quá khứ có những tranh chấp có tính cách xã hội
chính trị giữa đạo đời, mà ngay ở mức độ nền tảng xây dựng quan điểm về nhân
tính và phẩm giá con người, đôi đường có những cách biệt sâu xa.
Mặc
khải tích cực Kitô giáo khai mở cho thấy con người được định nghĩa, được đánh
giá từ Thiên Chúa: là hình ảnh Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, là bạn hữu của
Con Một Thiên Chúa, là chi thể mà Con Thiên Chúa là đầu, là giá trị tột bậc đến
nỗi Thiên Chúa đã hy sinh Con Một mình để cứu chuộc, đã được Thiên Chúa yêu thương
đến độ hứa ban vinh dự mãi mãi sẽ ở cạnh Ngài... Nhân tính và phẩm giá đó đã chứng
thực trong lịch sử và hoàn thành nơi Đức Kitô: Đức Kitô yêu Thiên Chúa trọn đầy
nơi con người và yêu con người trọn trọn đầy trong Thiên Chúa. Nhân tính và nhân
phẩm đó làm cho trí khôn tự nhiên của con người hụt chân. Không một sự vật nào,
một ý niệm nào từ sức con người nghĩ ra được tính ‘linh ư vạn vật kỳ diệu’ đó.
Hai chiều kích tương quan chân thật với Thiên Chúa và tương quan huynh đệ nhân
loại không thể tách rời nhau bất cứ vì một lý do gì hay một giây phút nào. Toàn
bộ Kinh Thánh bất cứ trang nào, dòng nào cũng qui chiếu vào Đức Kitô, Đấng hoàn
thành hai chiều kích ấy.
Người
Kitô hữu ngày nay khi đọc lại Phúc Âm rồi đọc toàn Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân
Quyền, hoặc đối chiếu với châm ngôn Tự do - Bình đẳng - Huynh đệ của Cách Mạng
1789 hẳn sẽ ngạc nhiên vì không thấy có những nội dung nào giữa đôi bên quá mâu
thuẫn, tại sao lại có xung khắc lên án
nhau, hoặc phải ngại ngùng dè dặt. Kỳ thực đằng sau những dòng chữ nầy có những nội dung hướng dẫn khác biệt đưa đến
những lối hiểu, những phương cách giải thích và áp dụng khác nhau; chưa kể đến
những tranh chấp quyền lực chính trị xã hội tạo ra những tiền kiến và nghi ngại
đến độ lên án và khai trừ nhau.
Thành
ngữ nhân quyền với âm hưởng tân thời xuất hiện (lần đầu được tìm thấy trong các
tài liệu là vào năm 1537)[5] rất muộn trong bối cảnh văn hóa Thời Phục Hưng
Âu Châu. Walter Kasper cho rằng sự xuất hiện nội dung mới về nhân quyền là hiện
tượng khủng hoảng[6] Ï; khủng
hoảng toàn bộ cơ cấu xã hội sau trật tự Thời Trung Cổ Âu Châu sụp đổ. Trước đó Kitô giáo quán xuyến
quyền đời, quyền đạo như một bà mẹ nuôi con dại. Tương quan con người với Thiên
Chúa và tương quan huynh đệ nhân loại được hiểu là đạo và đời quyện lẫn vào nhau, nếu không nói là quyền bính tôn
giáo được đồng hóa với tầng lớp giáo sĩ luôn được ưu tiên vật chất lẫn tinh thần.
Tuy không hoàn hảo, nhưng cơ cấu và trật tự xã hội thời Trung Cổ ốn định trong khung cảnh
lịch sử Âu Châu thời ấy. Qua đến thời Phục Hưng, tất cả dường như bể bung chờ đợi
một cuộc lột xác: của cải vật chất nay thay chủ, giai cấp giáo sĩ và quí phái, điền
chủ nhường địa vị ưu thắng cho giới thương gia và kinh doanh; kiến thức văn hóa
không còn giới hạn trong các tu viện, nhưng phổ biến rộng rãi trong quần chúng
nhờ phương tiện đi lại và máy in. Các nhà trí thức hướng về việc nghiên cứu văn
hóa cổ Hy lạp và khám phá lại kiến thức nhân bản thời các nhà ‘khôn ngoan’ (người ta còn dịch là ngụy biện = sophistes) để tin vào khả
năng lý trí tự nhiên nơi mỗi cá nhân và làm quen với một lối điều hành nếp sống
cộng đồng trong tinh thần dân chủ của Nhã Điển. Nói tóm, xã hội thời Phục Hưng
chuẩn bị đẩy lui các chuẩn mực và quyền hành ở bên ngoài để chỉ còn nhìn thấy
uy thế tối thượng của lý trí cá nhân như một chuẩn mực duy nhất. Về mặt văn hóa,
nếu Thiên Chúa còn được nhắc đến thì hoặc được đồng hóa với lý trí phổ quát mà
con người xác quyết là ở trong quyền lực sử dụng của mình rồi, hoặc chỉ là một ý
tưởng điều hành mà lý trí nêu lên như một
giả thiết để xây dựng hệ thống kiến thức của mình mà thôi. Với nền hữu thể học
truyền thống Hy lạp định nghĩa toàn hảo, linh thiêng là một cái gì độc lập, tự đủ
cho mình, và với khám phá lý trí quyền năng
vô tận mà mỗi người sẵn có trong mình, từ nay những ý niệm tự do, tự chủ trong
bối cảnh văn hóa nầy (thường được gọi là thời tân kỳ) trở thành những giá trị tối
thượng, chuẩn mực cho đạo đức và phẩm giá con người.
Trong bối cảnh lịch sử xã hội Âu Châu thời bấy
giờ, độc lập tự chủ trước mắt là giải thoát khỏi các cơ cấu ràng buộc bên ngoài tức
là tổ chức Kitô giáo và các luật lệ tôn giáo liên hệ. Vì trước đó giáo hội đã tự
đồng hóa là hàng giáo phẩm, giáo sĩ, và đồng thời xem mình là hiện thân của Thiên
Chúa nơi trần thế, nên nay việc loại bỏ ảnh hưởng của giáo hội cũng được cả đôi
bên, đạo cũng như đời, xem là loại bỏ yếu tố thần thánh, thiêng liêng nơi sinh
hoạt con người và xã hội, là tách rời và sau đó là quên hẳn chiều kích tương
quan giữa con người và xã hội với Thiên Chúa. Cuộc tranh chấp căng thẳng từ văn
hóa đến quyền uy xã hội nầy trở thành nghiêm trọng dần và nổ bung qua cuộc cách
mạng Pháp năm 1789 và với ảnh hưởng phổ biến của trào lưu Triết học Ánh sáng. Nội
dung nhân quyền trong bối cảnh lịch sử đặc biệt của văn hóa và xã hội Âu Châu
như thế đã ảnh hưởng rất nhiều trong diễn tiến lịch sử qua hơn hai thế kỷ cho đến
ngày nay, không những tại Âu Châu mà lan rộng trên thế giới, đi kèm với cái
nhìn lạc quan hầu như ngây ngô về tiến bộ
khoa học kỹ thuật và trào lưu dân chủ như chìa khóa giải quyết mọi vấn đề nhân
sinh.
2/ Những
mối căng thẳng giữa giáo hội công giáo và xã hội dân sự về nhân quyền
Hệ
quả của Cách Mạng Pháp đi kèm với Bản tuyên ngôn 1789 là sự căng thẳng liên tục
đạo đời về quan điểm nhân quyền. Đôi bên, giáo hội công giáo và các trào lưu tân
kỳ chi phối xã hội, không những cố thủ lập trường của mình mà có khuynh hướng đi
quá xa. Phía Cách Mạng xem kitô hữu và giáo hội công giáo đương thời là thành
phần ngoan cố của chế độ cũ, bảo thủ và phản động, và lập tức vi phạm ngay điều
mà Bản Tuyên Ngôn đề xướng : quá nhiều chém giết huynh đệ tương tàn, loại trừ tự
do tư tưởng bằng bạo lực hoặc bằng các phương thức gián tiếp tinh vi, hạn chế tự
do hành đạo...; phía giáo hội công giáo lúc bấy giờ chưa có thể quan niệm được
sự phân cách giữa trách nhiệm dân sự và những giới hạn của phận vụ tôn giáo (chưa
thể quan niệm được sứ mệnh đặc loại của mình và quyền uy xã hội dân sự) nên đã đi
vào đường lối phản đối tiêu cực và thu mình vào thái độ thụ động, lên án :
'Các biện pháp bài tôn giáo của Cách Mạng diễn tiến
tuần tự, sự kiện có thể chứng minh được qua lập trường e dè của Giáo hoàng Piô
VI; Ngài chần chừ một thời gian dài trước khi lên án Bản Tuyên Ngôn năm 1789
trong Cơ mật hội ngày 19.3.1790; và sau đó là
''Qui chế dân sự của giới giáo sĩ '. Rõ rệt hơn nữa trong Tông thư ngày
10.3.1791 Quod Aliquantum: Ngài ' không nhằm cổ súy việc tái lập lại chế độ cũ
của nước Pháp'..
Tuy vậy,
chính trong bức thư đó lại có những thành ngữ rất mạnh như « các quyền kỳ
quặc » hoặc « quyền ảo tưởng »
khi nói về các loại tự do mới. Những loại tự do như thế sẽ cho chúng ta cứ điểm
để thấy nội dung của sự tranh chấp giữa giáo hội và xã hội tân thời.[7]
Đến đầu
thế kỷ nầy, Dom Besse tóm kết cho ta thấy tại sao về giáo hội công giáo vẩn e dè
đứng ngoài, nếu không nói là ngờ vực chống đố những trào lưu nhân quyền dân sự.
‘Chúng là lời tuyên xưng, là điều răn của chủ nghĩa
duy nhiên và chủ nghĩa tự do. Ta tìm thấy trong ấy tất cả những đường nét của các
hệ thống nầy: quyền Thiên Chúa, im lặng không nói đến quyền của Chúa, cứu cánh
con người quy hết vào hạnh phúc trần thế, độc lập không lệ thuộc gì vào mọi quyền
bính, bình đẳng giữa mọi người, mọi ý kiến có giá trị như nhau (...). Phương cách
duy nhất để có cơ may thành công chống lại chủ trương cứu độ con người như thế,
là phải luôn mãi trở về với ý niệm Thiên Chúa, vai trò của Ngài nơi trần thế và
các quyền của Ngài’.[8]
Nhưng bên cạnh những cách biệt đạo đời đó, giáo hội công giáo tìm ra được
nhiều phương cách thực thi đức bác ái của mình. Giáo hội công giáo không nhân
danh nhân quyền với âm hưởng là thoát ly khỏi tôn giáo, nhưng đã can đảm dấn thân
phục vụ con người và ưu tiên đồng hành với người yếu thế, thăng tiến cuộc sống
của họ trong nhiều lãnh vực: các dòng tu chuyên về giáo dục con em nghèo, săn sóc
bệnh nhân, các hội từ thiện, các văn kiện giáo hội bênh vực giới thợ thuyền và
tôn vinh giá trị lao động (TĐ Rerum Novarum của GH Lêô XIII)... Và hơn nữa nhiều
Kitô hữu đã dấn thân ngay vào các tổ chức nhân quyền, hợp tác với những người
không cùng quan điểm tôn giáo vượt lên trên những hậu ý lắm lúc thiếu căn cơ.
Về phía xã hội dân sự, tuy còn ái ngại về yếu tố tôn giáo trong cuộc sống
dân sự, người ta thấy được sự hiện diện tôn giáo, đặc biệt là công giáo không còn
là mối đe dọa quyền lực, cũng như thực tế xã hội cho thấy kitô hữu thật sư là tác
nhân thực thi nhân quyền cụ thể và hữu hiệu, những nội dung 'cách mạng theo nghĩa
là bài xích tôn giáo' phôi pha dần để trở thành những nội dung tích cực và ít nặng
về ý hệ tự do cá nhân triệt để.
3/ Gặp
gỡ đạo-đời về nhân quyền
Ngày
nay không ai có thể phủ nhận giáo hội công giáo trong mọi mặt là chiến sĩ ở tuyến
đầu đấu tranh cho nhân quyền. Biến cố làm
rung chuyển giáo hội công giáo, - từ thái độ chống đối đến lập trường cổ võ
tới mức độ đã đưa nội dung nhân quyền vào giáo huấn như một yêu sách thực thi
Tin Mừng, - biến cố đó là Công Đồng
Vaticanô II. Khai mở cho tinh thần đối thoại đạo-đời, GH Gioan XXIII trong
thông điệp Pacem in Terris đã nêu lên
những chỉ dẫn tích cực :
'Cũng thế, ta không thể đồng hóa những lý thuyết triết
học sai trái về vũ trụ tự nhiên, về nguồn gốc và cứu cánh của thế giới và của
con người, với những phong trào thực hiện trong lịch sử được thành lập nhằm mục
tiêu kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc chính trị, mặc dù các phong trào nầy đã phát
sinh, và còn chịu ảnh hưởng bởi các lý thuyết ấy. Một lý thuyết, một khi đã định
hình và được viết ra, thì không thay đổi nữa, trong lúc các phong trào, vì có đối
tượng là những hoàn cảnh cụ thể và đổi thay của cuộc sống, nên không thể nào không
chịu ảnh hưởng một cách rộng rãi về biến chuyển nầy . Ngoài ra, trong trường hợp
các phong trào nầy đồng ý với các nguyên lý tốt lành của lý trí và đáp ứng được
những khát vọng chính đáng của con người, ai có thể từ chối mà không nhìn nhận
nơi các phong trào ấy có những yếu tố tích cực và đáng hoan nghênh’[9].
Và các
nội dung của nhân quyền được đưa vào giáo huấn, vào bản văn minh định lề lối
sinh hoạt của giáo hội giữa trần thế; qua Hiến Chế Gaudium et Spes chúng ta có thể nêu lên vài nội dung chính yếu như
sau :
‘ (...) Con người ngày càng ý thức hơn phẩm giá cao
cả của mình vượt lên trên mọi vật; các quyền lợi và bổn phận của nó có tính cách
phổ quát và không thể vi phạm. Vì thế cần phải đem lại cho con người có được tất cả những gì thiết yếu để sống một cuộc sống
thật sự xứng đáng là người, như: của ăn, quần áo, nhà ở, quyền tự do chọn lựa bậc
sống và quyền lập gia đình, quyền được giáo dục, quyền làm việc, được bảo vệ
thanh danh, được kính trọng, được thông tin đúng đắn, quyền hành động theo luật
ngay chính của lương tâm, quyền bảo vệ đời sống riêng tư và có được tự do chính
đáng, kể cả trong lãnh vực tôn giáo (26, 2).'
‘Mọi hình thức kỳ thị liên quan đến các quyền căn bản
của con người, dù dựa trên phái tính, chủng tộc, màu da, điều kiện xã hội, ngôn
ngữ hoặc tôn giáo, đều phải vượt qua và bãi bỏ, như là trái với ý định của Thiên
Chúa (29, 2). Vì thế Giáo hội, dựa vào Phúc âm đã ủy thác cho mình, tuyên dương
các quyền của con người, nhìn nhận và đánh giá cao năng động của thời đại hiện đang cổ võ những quyền ấy khắp nơi...Chúng
ta dễ gặp cám dỗ cho rằng các quyền con người chúng ta có thể duy trì trọn vẹn
một khi tước bỏ hết lề luật của Chúa’ (GS
41, 3).
Tiếp theo Công Đồng Vaticanô II, các
vị giáo hoàng, các hội đồng giám mục liên tục lên tiếng kêu gọi không những tín
đồ của mình mà cổ võ mọi người, mọi giới thực thi nhân quyền. Giáo triều Roma đã
không những phản ứng trước những vi phạm nhân quyền gia trọng trước mắt, mà còn
nêu lên từng đề mục với những đề nghị cụ thể nhằm giúp thăng tiến và phát triển
con người trong công lý, đặc biệt cho các khối dân cư nghèo khổ: chẳng hạn về
nhà cửa cho người nghèo, đất đai cho người canh tác, giải trừ nợ nần cho các nước
chậm phát triển... Chỉ trong một vài thập niên sinh hoạt tích cực cho nhân quyền,
đặc biệt là về phát triển và hòa bình, giáo triều Vatican không những được xem
là tổ chức có uy thế để can thiệp trong vấn đề nhân quyền, mà được xã hội xem
việc can thiệp cho nhân quyền là phận vụ riêng của giáo hội công giáo phải chu
toàn trong sinh hoạt cộng đồng thế giới.
Về
phía tổ chức, một Ủy Ban Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình và sau đã nâng cấp thành
một Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình, được thành lập để đặc trách việc cổ
võ và thực thi nhân quyền, phổ biến giáo huấn xã hội công giáo. Ở cấp bậc quốc
gia và đôi khi ở cấp giáo phận, các ủy ban liên hệ cũng được khai sinh và sinh
hoạt đồng hành với các tổ chức nhân quyền địa phương.
Ngoài
việc thừa nhận thiện ích của nhân quyền, soi sáng ý nghĩa sâu xa và toàn bích của
ý niệm nầy trong khuôn khổ mạc khải của Tin Mừng, không những giáo hội công giáo
đã dấn thân thực thi tích cực mà còn tạo nên một phong thái riêng trong việc thực
thi nhân quyền :
a/ Tin thần tự kiểm, thống hối và canh tân
"Ít nhất cũng
phải nhớ rằng trước đây nhiều thời kỳ Giáo hội không tôn trọng điều mà ngày nay
chúng ta gọi là nhân quyền; chỉ cần nghĩ đến những điều tai ác kéo dài nhân
danh Kitô giáo qua nhiều thế kỷ do một số các cuộc Thánh chiến, do Pháp đình thời
Trung cổ, chiến tranh tôn giáo, chưa kể đến những yếu tố Kitô giáo dễ tạo ra những
xung đột kỳ thị chủng tộc hoặc bài Do Thái. Nhiều người bên ngoài tôn giáo thực
sự đã đi trước Kitô hữu trong nỗ lực bảo vệ nhân quyền (như Liên minh bảo vệ nhân
quyền, một thời gian lâu được xem là đồng nghĩa với chủ trương chống giáo quyền),
nên Kitô hữu cần khiêm tốn đóng góp vào lãnh vực nầy, tránh huênh hoang. Nhất là,
sự tín nhiệm cần phục hồi trong việc bảo
vệ nhân quyền một cách thành tâm đòi hỏi chúng ta phải đại độ dấn thân không có
một hậu ý nào"[10].
Không phải vì đã trực tiếp tham gia vào tội ác, không phải
vì đã thinh lặng hay giữ thái độ tiêu cực trước vi phạm nhân quyền chống lại bất
cứ ai (vốn là đã tiếp tay vi phạm) hoặc vì đã không hết mình tạo điều kiện cho
mọi người được phát triển nhân cách của mình mà thôi, nhưng như Đức Kitô đã gánh
tội nhân loại thế nào, thì cộng đồng kitô hữu cũng liên đới chịu tránh trách
nhiệm về tội ác của bất cứ ai trong cộng đồng nhân loại vấp phạm. Ngoài ra, giáo
hội trên bình diện là tập thể những con người, đã từng phạm lỗi, và hơn bất cứ
ai, giáo hội đó cần phải thú tội để mãi canh tân. Giáo hội công giáo không phải
không biết nhận lỗi như báo chí hay lặp đi lặp lại, nhưng có lẽ vì đã dám làm và
làm nhiều lần, nhiều dịp, từ cấp giáo hoàng đến các hàng giám mục vùng, quốc
gia, giới trí thức cũng như thành phần dấn thân cho nhân quyền...đến độ có thể
gây ấn tượng tiêu cực một cách vô cố theo sự thường xã hội là đàng khác.
b/ Thực hiện nơi chính mình : Nhân quyền trong giáo hội
Hẳn nhiên, ai cũng
hiểu rằng không ai cho cái mình không có. Giáo hội công giáo cổ võ Nhân quyền hữu
hiệu nhất khi cho thấây tự nơi cuộc sống giáo hội của mình, từ vị giáo hoàng đến
người tín hữu bình thường nhất, tất cả xem nhau là huynh đệ trong Đức Kitô chứ
không phải là kẻ nắm quyền và người bị trị. Mẫu mực đó là mẫu mực hoàn thành thời
chung mãn. Giáo hội ngày nay vẫn là giáo hội lữ hành với bao bất cập và nhiều
hy vọng vươn lên. Nhưng trên bình diện xã hội, thế giới chưa bao giờ chứng kiến
một cuộc đổi thay nhanh chóng về canh tân nếp sống cho hợp với những tiêu chuẫn
nhân quyền lý tưởng nơi các cộng đồng chính trị hay tôn giáo, hơn là cộng đồng
công giáo từ sau Công Đồng Vaticanô II.
Không thể kể ra một cách chi tiết tất cả các đổi thay, nhưng
một cách chung người tín hữu ở bất cứ cương vị nào cũng không thấy mình bị một
quyền lực giáo hội trên đầu trên cổ như một áp lực hay một đe dọa nào đó. Các
chức sắc giáo hội càng ngày càng tự cảm thấy mình có bổn phận phục vụ cộng đồng
hơn là 'ông quan lớn nắm trong tay chìa khóa nước trời'; phía tín hữu bình thường,
đã quen với lối giao tiếp dân chủ với các chức sắc dân sự, nay tiếp cận với các
vị trong hàng giáo phẩm hay giáo sĩ như những 'thừa tác viên' hơn là một đấng bậc.
Người tín hữu có quyền đòi hỏi chức sắc giáo hội chu toàn phận vụ cộng đồng để
thõa mãn một nhu cầu tôn giáo của mình, chẳng hạn như có quyền được chuẩn bị hôn
nhân công giáo, có quyền đòi linh mục giải tội theo luật giáo hội mà đôi đường
phải tuân giữ ( không khác đòi hỏi bác sĩ chữa bịnh hay nhà chức trách hành chánh
làm giấy tờ cho mình), chứ không cảm nhận như phải xin xõ một ân huệ của cá nhân
nào ban cho. Hơn thế nữa người ta cảm thấy có quyền và bổn phận lên tiếng trong
giáo hội. Mặc dầu đây đó từ nhiều cấp độ khác nhau, ở các địa phương khác nhau
còn có những đánh giá tiêu cực về việc lên tiếng của cá nhân hay một nhóm tín hữu
để biểu lộ quan điểm của mình hay đòi hỏi một vị hay một cơ quan giáo hội làm sáng
tỏ một vấn đề. Nhưng việc lên tiếng đã trở thành quen thuộc và dần hồi được đánh
giá là sự kiện hiển nhiên trong cuộc sống bình thường của giáo hội công giáo...
c/ Nhân chứng đức tin
Người tín hữu công giáo vẫn tiếc rằng đáng lý ra tổ chức giáo
hội công giáo phải đi trước xã hội dân sự trong cách đối xử huynh đệ với nhau,
tại sao đạo phải đi sau xã hội dân sự trong cách đối xữ theo đường lối dân chủ
trong những sinh hoạt điều hành và tổ chức? Nếu giáo hội công giáo đã từng áp dụng
lối tổ chức và điều hành của đế quốc La
Mã, tại sao ngày nay lại ngại ngùng trước lề lối dân chủ tân
thời? Hẳn nhiên không thể rập khuôn theo thể chế dân chủ trong bất cứ sinh hoạt
nào của giáo hội vì những lý do mạc khải và thần học, nhưng phải nhận một thực
trạng nầy: người tín hữu chờ đợi nhiều cải cách làm sao để công việc chung của
giáo hội không phải là ưu lo riêng, phận vụ riêng của một giới, một bậc sống mà
của mọi tín hữu. Và không phải trong nguyên tắc nhưng trong thực tế áp dụng với
những điều kiện thực hiện được.
Giáo hội công giáo trong tinh thần tự kiểm và canh tân không
tìm cách biện minh, nhưng không vì một số những vấn đề cần canh tân liên tục của
mình mà quên đi sứ mạng nói lên Sự Thật, vốn không phát xuất từ 'những con người', nhưng từ Thiên Chúa mà giáo
hội tuyên xưng đức tin[11].
Như giáo hội đã từng lưu ý về mối liên hệ không thể phân ly
giữa mến Chúa và yêu người, việc cổ võ Nhân quyền của giáo hội không có nghĩa là
tôn vinh tự do, tự chủ cá nhân bất chấp đạo lý (nghĩa là các mối tương thuộc với
Thiên Chúa và tha nhân). Trong khung cảnh văn hóa tân thời với tự do được hiểu
là làm theo trí năng tự mãn theo lối nói của Fr. Nietzsche : « cái gì có
thể làm được đều được phép làm », giáo hội lại thấy mình có lúc cần phải đi
ngược trào lưu thế tục để bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền đích thực. Lập trường
của giáo huấn về sự sống, về tương quan
chân lý và tự do, về chiều kích đạo lý và giới hạn của sinh học, về phẩm giá đích
thực của người phụ nữ, số phận thai nhi, ý nghĩa và giá trị gia đình và tính dục..
thường gây phẫn uất trong nhiều giới tự nhân là tiến bộ. Ngay trong nội bộ công giáo người ta cũng lên tiếng
dựa trên nhiều tiêu chuẩn khác nhau, với
nhiều lối đánh giá, xếp loại tiến bộ, bảo thủ nầy khác. Quyền phát biểu là một
nội dung nhân quyền, tuy nhiên chúng ta biết rằng: nếu thiên hạ ai ưa gì làm đó
thì đâu cần đến mặc khải Chân Lý đến từ trời cao !
4/ Nhân quyền và giáo hội Việt Nam
‘Bây giờ
không phải lúc đọc diễn văn hoặc lặp đi lặp lại không ngừng trên môi miệng các
quyền của con người, nhưng bây giờ là lúc cần khiêm tốn thực tập, thi hành mỗi
ngày và không bao giờ dứt.’[12]
Trên đây là nhận định của Hồng Y Roger Etchegaray trong lời
tựa cho tập tài liệu Nhân Quyền và Giáo Hội do Hội Đồng Giáo Hoàng Công Lý Hòa
Bình mà lúc đó ngài là vị chủ tịch đương thời, xuất bản năm 1990. Người ta đã nói
đến nhân quyền rất nhiều và các tài liệu không thiếu. Những phần trình bày ở các
mục trên đây chỉ nhằm qui chiếu vào hoàn cảnh kitô hữu Việt Nam chúng ta trong
phận vụ sống và làm chứng Tin Mừng cho người bên cạnh, đặc biệt là đồng bào chúng
ta.
Với Công Đồng Vaticanô II, chúng ta không có quyền biện minh
cách nầy hay cách khác để đi ngược lại giáo huấn và sự hiệp thông giáo hội khi
nói rằng cổ võ và thực thi nhân quyền là một thái độ tùy nghi. Giáo huấn liên tục nhắc nhở cho mỗi tín hữu,
cho từng cộng đoàn, mỗi trách nhiệm trong giáo hội rằng sống đạo trọn nghĩa, trưởng
thành, trách nhiệm, trung tín với lời mời gọi của Thiên Chúa là phải liên kết
chặt chẽ giữa mến Chúa và yêu người. Giáo hội và Công Đồng không tự suy diễn
ra, nhưng nhắc lại lời dạy rõ ràng của Chúa Kitô được ghi chép trong Phúc Âm. Cổ võ và thực thi nhân quyền là phương cách
yêu người cụ thể, là một nghĩa vụ của người đã chịu phép rửa.
Chúng ta đều biết
rằng dù không nói đến chữ nhân quyền, dù không cổ võ nhân quyền theo phương cách
của các quốc gia và giáo hội tây phương, nhưng ngày ngày biết bao kitô hữu Việt
Nam đã âm thầm hy sinh mình để thăng tiến cuộc sống cho người cạnh mình, giúp
tha nhân sống phát huy phẩm giá mình. Nhưng kể ra như thế và dừng lại đó để mặc
ngày tháng trôi qua xem như xã hội đã quá tốt đẹp, hoặc lấy cớ tây phương và chúng
ta hai nền văn hóa khác nhau, đó và đây có những hoàn cảnh xã hội hoàn toàn trái
nghịch, để dậm chân tại chỗ đến độ xem như cổ võ cho nhân quyền chỉ là thái độ điên
rồ vô lối, một sở trường của giới làm chính trị nào đó, thì có lẽ đến lúc phải
kiểm điểm tâm thức sống đạo của mình.
Nhưng giáo hội
công giáo Việt Nam là ai ? Và ai có tư cách để cổ võ nhân quyền ?
Tâm thức chúng
ta phải chăng còn cho rằng giáo hội là hàng giáo phẩm, các giáo sĩ tu sĩ mà thôi
nên mãi ngồi chờ các ngài cổ võ và thực thi nhân quyền thay cho mình ? Không
phải giáo huấn giáo hội đã chỉ dẫn rằng giáo dân phải ở tuyến đầu để dấn thân vào
các lãnh vực trần thế hay sao? Nhưng mặt khác, hàng giáo phẩm có biểu lộ (chưa
nói đến nghĩa vụ giáo huấn và thực hiện trước như giáo triều Roma và các giám mục
các nơi đã thường xuyên thực hiện) cho tín đồ của mình xác tín rằng việc cổ võ
và thực thi nhân quyền, bất cứ ở cương vị hay thân phận nào, là sống đạo hay không?
Nếu xã hội dân
sự Việt Nam đã từng chịu cơn rúng động về đổi thay tâm thức và canh tân lối cư
xử ăn khớp với những đòi hỏi của nhân quyền qua các trào lưu cải cách thời tiền
chiến, đặc biệt của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, thì phía cộng đồng các tôn giáo Việt
Nam, trong đó có công giáo, dường như chưa hề biết đến những nỗ lực đổi thay và
canh tân nội bộ như thế. Hẳn nhiên ảnh hưởng xã hội, các giáo huấn giáo hội và
hình thức nghi lễ thấm nhập một phần nào đó và cải biến tâm thức của hàng giáo
sĩ cũng như giáo dân, nhưng ý chí chung muốn có những cải cách có phương pháp,
qui mô và phổ biến thì thú thực chưa ai nghĩ đến. Người giáo dân, không ai ép uổng
để làm thinh hay thụ động đứng xa hoặc không dám nhắc đến việc điều hành cộng đồng,
nhưng quyền hạn đó họ cam nhận như là thuộc bề trên là thành phần giáo sĩ. Nhân
danh sự tôn trọng bậc bề trên là một giá trị văn hóa tôn giáo và truyền thống Á
Đông mình, nhân danh sự kiến hiệu nhất thời ( khỏi phải bị hạch xách thêm rắc rối !)
cộng đồng chúng ta bằng lòng với mẫu mực đặt đâu ngồi đó, âm thầm trở thành con
chiên ngoan ngoãn, vô tình nếp an bình giả tạo ấy đánh mất quyền tham gia của tín hữu một cách tích cực vào sinh hoạt của giáo
hội.
Trong nỗ lực cổ
võ nhân quyền một cách vị tha đúng theo tinh thần Phúc âm, không phải chỉ đấu
tranh cho quyền lợi của giáo hội mình và hạn chế trong sinh hoạt phụng tự của cộng
đồng mình; nhưng cảm nhận những khó khăn oan ức của người cạnh mình, lên tiếng để
công lý được thực hiện cho bất cứ người nào, đoàn thể, tổ chức, sinh hoạt nào,
khi quyền tự do của họ bị vi phạm. Trong ý hướng và nội dung nhân quyền như thế,
thì chúng ta thành thực nhận rằng trên bình diện tổ chức cộng đồng chưa có nhiều
những cử chỉ quảng đại, can đảm để lo cho kẻ khác mình. Vì thế việc lên tiếng của
ba linh mục Huế ( Nguyễn Hữu Giải, Phan Văn Lợi, Nguyễn Văn Lý), không những nói lên
quyền tự do tôn giáo nhưng còn về các quyền tự do khác, không những cho tôn giáo
mình nhưng cũng đề cập đến tình trạng nầy của các tôn giáo khác, và cùng đồng hành
với những nhân vật tôn giáo ngoài công giáo trong niềm tin là phục vụ nhân phẩm
cho mọi người : sự kiện đó khai mở một viễn tượng cổ võ và thực thi nhân quyền đại
độ, hợp với tinh thần ‘yêu người’ của niềm tin Kitô giáo hơn.
Thay lời kết
Ngày nào còn
con người thì còn có những tương quan khó khăn gây ra nhiều vi phạm chà đạp phẩm
giá con người ; những kẻ bị xúc phạm đến phẩm giá của mình, hơn ai hết, họ
phải là ưu tư hàng đầu của người tin vào tình yêu Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Họ là
những người nghèo mà giáo hội phải phục vụ chứ không chỉ là người nghèo đói vật
chất mà thôi. Chúng ta không thể « bất nhân » khi muốn thực hiện nước
Trời. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam, một xã hội mà không ai dám nói là nhân
quyền được tôn trọng, thì thờ ơ hay tránh né cổ võ và thực thi nhân quyền làm
sao có thể biện minh được khi mình được Đức Kitô mời gọi làm nhân chứng của yêu
thương. Và cũng trong bối cảnh xã hội Việt Nam như thế, việc nêu lên nhận xét
cho rằng phận vụ dấn thân cho nhân quyền là thiếu hiểu biết, xa xỉ hoặc tùy
nghi, thì việc làm đó đáng đặt cho lương tri người công giáo Việt Nam thách đố
tự kiểm.
Và để kết luận
chúng tôi xin chép lại lời của Walter Kasper khi vị nầy trình bày về nền tảng
thần học của nhân quyền[13]:
‘ Đức Giáo hoàng Phaolô VI từng nói: giáo hội là
chuyên gia về các vấn đề nhân tính[14]
Từ tước vị đầy vinh dự đó, giáo hội phải là một gương sáng về công lý[15].
Những tương quan giữa các tín hữu, giữa các thừa tác vụ khác nhau và tín hữu,
giữa quyền giáo huấn của giáo hội và các nhà thần học, trong giáo hội, cần có được
một bầu khí tự do, khoan dung và tin cậy nhau. Giáo hội phải là một giáo hội với
khuôn mặt nhân đạo. Nên, việc phục vụ mà giáo hội có thể thực hiện cho nhân quyền
không phải chỉ bằng lời huấn dụ, dù quan trọng đến thế nào đi nữa, nhưng cũng bằng
gương sáng công việc làm của mình. Giáo hội có bổn phận phải biện minh, giải
thích, bảo vệ nhân phẩm và nhân quyền không chỉ bằng lời nói, nhưng hơn nữa còn
phải bằng hành động và cuộc sống của mình. Hơn ai hết, giáo hội không được làm
cho thế giới chúng ta ngày nay phải thất vọng về nỗi khao khát công lý và ước
muốn sôi nổi tìm về nhân tính của mình.’
_____________
Tài liệu tham khảo
Các tài liệu công
đồng Vaticanô II đặc biệt chương hai của Hiến chế vui mừng và hy vọng
(Gaudium et Spes) và Tuyên ngôn về tự
do tôn giáo (Dignitatis Humanae)
Các văn kiện
quan trọng liên quan đến cuộc sống xã hội của các Giáo Hoàng Piô VI
( Thư Quod aliquantum, thông điệp Adeo
Nota), Piô VII (Tông Thư Post Tam Diuturnas),
Grêgôriô XVI (Thông điệp Mirari Vos),
Piô IX ( Thông điệp Nostis et Nobiscum và Quanta Cura), Lêô XIII (Immortale
Dei, Sapientiae Christianae, Libertas và nhất là Rerum Novarum), Piô XI (TĐ
Divini Redemptoris), Piô XII (Sứ điệp
truyền thanh ngày Noe¨¨l 1944), Gioan XXIII (TĐ Pacem In Terris), Phaolô VI (TĐ Populorum Progressio, Tông Thư Octogesima Adveniens), Gioan Phaolô II (TĐ Sollicitudo Rei Socialis*, Tông Thư Tertio Millennio Adveniente*..)
Tài liệu của Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 1971 về ‘Công Lý trên Thế giới’õ
Các tài liệu của
Văn Phòng và sau đó là Hội Đồng Giáo Hoàng
Công Lý Hòa Bình :
-
L’Eglise et les droits de l’homme (Documents de
travail N- 1 , 1975)
-
La
Liberté Religieuse (Textes de Jean-Paul II , présentés par le père
Roger Heckel)
- Pourquoi
et comment l’Eglise intervient en matière socio-politique (Textes
de Jean-Paul I I, présentés par le père Roger Heckel)
- Les
droits de l’homme (Textes de Jean-Paul II, présentés
par Dr Giorgio Filibeck)
- Les
droits de l’homme et l’Eglise* (Rélexions historiques et théologiques),
1988
- La liberté
religieuse et l’Acte final d’Helsinki, Jean-Paul II
- Le droit au développement (Textes conciliaires et pontificaux -1960-1990-, présentés
par Dr Giorgio Filibeck)
- Nouveau
regard sur la doctrine sociale de l’Eglise* par
Hervé Carrier,S.J.
- Cardinal
Roger Etchegaray, l’Eglise face au
racisme, Ed. du Centurion, Paris1989
- N. Singh, L’Asie
et les droits de l’homme, in K. Vasak, Les dimensions internationales des
droits de l’homme, Unesco, Paris 1978
- Groupe d
õauteurs, Droits de l’homme défi pour la charitéù? éd. Sos, Paris1983
- Dom
Besse, L’õEglise et les libertés,
Paris 1913
- G.
Thils, Droits de l’homme et perspectives
chrétiennes, Louvain-la-Neuve 1981
- M.
Villey, Le droit et les droits de l’homme,
Puf, Paris 1983
- The international Bill of Human Rights (Luật
quốc tế Nhân quyền) luật sư Nguyễn Hữu
Thống phiên dịch và diển giải, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam ấn hành, 1998
* Đã được Định
Hướng Tùng Thư dịch ra Việt ngữ và xuất bản
__________
Phụ Lục
Liệt kê các
nội dung về tự do tôn giáo trên
bình diện cá nhân và trên bình diện cộng đồng
trong bức thư ngày 1 tháng 9 năm 1980 của Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đích
thân gửi cho từng vị nguyên thủy các quốc gia đã ký tên vào Bản văn kết thúc Hội nghị Helsinki về an ninh
và hợp tác ở Âu Châu năm 1975.
Trích số 4 của Bức Thư.
4.
Dựa vào các tiền đề và nguyên tắc nêu trên, Tòa Thánh
cho rằng mình có quyền và bổn phận đưa ra một bản phân tích các yếu tố đặc loại liên quan đến ý niệm về « tự do tôn giáo » cũng như về phương
cách áp dụng trên bình diện cá nhân và cộng
đồng trong những sinh hoạt cụ thể. Trong cách nói cũng như trong việc ứng dụng tự do tôn giáo, người ta đều nêu lên sự hiện
diện của các bình diện cá nhân và các
bình diện cộng đồng, tư và công; hai yếu tố đó luôn gắn bó mật thiết với
nhau để cho việc thực thi tự do tôn giáo
đạt được những chiều kích bổ sung và tương thuộc :
a/ Trên bình diện cá nhân, phải tôn
trọng:
- tự do gia nhập hay không gia nhập vào một niềm
tin và vào một cộng đồng tôn giáo liên hệ ;
- tự do thực thi các hành vi cầu nguyện và phụng tự,
bằng phương cách cá nhân hay tập thể, nơi riêng tư hay một cách công khai, và có
được những nhà thờ hoặc những nơi thờ tự theo nhu cầu của tín đồ đòi hỏi ;
- tự do của bậc phụ huynh giáo dục con cái mình
theo niềm tin tôn giáo mà họ ôm ấp, và có thể đưa con cái học giáo lý và các nội
dung tôn giáo do cộng đoàn đảm trách.;
- tự do của các gia đình trong việc chọn lựa
trường học hoặc các phương cách khác để bảo đảm cho con cái mình về việc giáo dục
tôn giáo mà không trực tiếp hay gián tiếp chịu
thêm những gánh nặng phụ thuộc làm ngăn cản việc thực thi quyền tự do nầy;
- tự do dành
cho những người cần được sự trợ giúp về mặt tôn giáo bất cứ ở đâu, đặc biệt nơi
trong các cơ sở y tế công cộng (dưỡng đường, nhà thương), trong các trại lính và
trong các dịch vụ bó buộc của nhà nước, cũng như trong các trại giam;
- tự do không bị ép buộc phải làm những điều trái với
niềm tin tôn giáo của mình, trên bình diện cá nhân, công dân hoặc xã hội, cũng
như không bị ép buộc phải chấp nhận một lối giáo dục, hoặc tham gia vào những
nhóm hoặc hội đoàn có những nguyên tắc đi ngược với những niềm tin tôn giáo của
riêng mình;
- tự do không phải vì những lý do tôn giáo của mình
mà chịu những hạn chế hoặc những kỳ thị trong những lãnh vực sinh hoạt của đời
sống (liên quan đến sự nghiệp cũng như học vấn, việc làm, nghề ngiệp; tham gia
vào các trách vụ công dân và xã hội, v.v.) so với các thành phần công dân khác.
b/ Trên bình
diện cộng đồng, phải xem các tôn giáo, từng qui tụ các tín đồ thuộc một niềm tin tôn giáo nhất định, thực sự hiện
hữu và hành động như những cơ năng xã hội được tổ chức theo những nguyên tắc về
tín lý và dựa vào những cứu cánh liên hệ
mật thiết với các định chế đặc loại của họ.
Như vậy,
Giáo hội, cũng như các cộng đồng tôn giáo nói chung cần hưởng những quyền tự do
nhất định, để sống và theo đuổi các cứu cánh riêng của mình; trong các quyền tự
do như thế, đặc biệt phải nêu lên :
- tự do có một hàng giáo phẩm riêng của mình hoặc các
thừa tác viên liên hệ được hàng giáo phẩm
của mình tự do chọn lựa theo những qui thức của cơ chế tôn giáo mình;
- tự do cho các người hữu trách các cộng đồng tôn
giáo - và trong giáo hội công giáo là các
giám mục và các cấp lãnh đạo khác trong giáo hội -, thực thi một cách thanh thản
thừa tác vụ của mình, phong chức các linh mục hoặc các thừa tác viên, bổ nhiệm vào các phận vụ của giáo hội, liên lạc và tiếp
xúc với những tín đồ;
- tự do có những học viện đào tạo tôn giáo và thần
học riêng; trong các học viện ấy, tự do tiếp nhận các ứng viên vào chức linh mục
và tận hiến trong dòng tu;
tự do nhận và phổ biến các sách tôn giáo liên quan đến
niềm tin và nghi lễ; và tự do sử dụng;
- tự do loan truyền và thông tri giáo huấn đức tin,
bằng lời nói và bằng chữ viết, kể các bên ngoài những nơi phụng tự, và tự do phổ
biến quan điểm đạo đức liên quan đến các sinh hoạt con người và tổ chức xã hội:
điều nầy ăn khớp với cam kết của Bản văn kết thúc Hội nghị Helsinki về việc tạo dễ dàng cho việc quảng bá thông
tin, văn hóa và các hình thức trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong lãnh vực
giáo dục, và trong lãnh vực tôn giáo ;
điều nầy tương hợp với việc truyền bá Phúc Âm của Giáo hội;
- tự do sử dụng các phương tiện truyền thông (báo
chí, truyền thanh, truyền hình) trong mục tiêu như thế;
- tự do chu toàn các sinh hoạt giáo dục, từ thiện,
cứu trợ là những sinh hoạt ứng dụng điều răn về yêu thương anh chị em mình, đặc
biệt đối với những người ở vào hoàn cảnh khó khăn nhất.
Ngoài ra :
đối với những cộng đồng tôn giáo, như giáo hội công
giáo, có một Thẩm quyền tối cao ở trên bình diện phổ quát, thì Thẩm quyền nầy,
theo đòi hỏi của niềm tin của mình, có trách nhiệm bảo đảm sự hiệp nhất trong mối
hiệp thông nối kết tất cả các mục tử và tín đồ trong cùng một niềm tin tôn giáo,
qua quyền giáo huấn và quản trị: - -tự do có những liên lạc qua lại giữa Thẩm
quyền nầy và các mục tử cững như các cộng đồng tôn giáo địa phương, tự do quảng
bá các văn kiện và các tài liệu của giáo huấn (thông điệp, huấn thị..)
-trên bình diện quốc tế : tự do trao đổi về
truyền thông, tự do hợp tác, liên đới có tính cách tôn giáo, đặc biệt là có thể
gặp gỡ, hội họp liên quốc gia hoặc quốc tế.
Cũng trên bình diện quốc tế, tự do trao đổi tin tức
và các nội dung về thần học hoặc tôn giáo giữa các cộng đồng tôn giáo với nhau.
( Bản dịch Tập san Định Hướng)
[1] Walter
Kasper,Nền tảng thần học của nhân
quyền, trong NHÂN QUYỀN VÀ GIÁO HỘI,
HĐGH Công Lý Và Hòa Bình, Vatican, xb, 1990, Địịnh Hướùng chuyễn dịch và xb
1999, trang 69
[2] SD tr 69-70
[3] « Nhưng dư luận và các nước tỏ ra tha thiết với nhân quyền như
thế, xem ra chỉ là hình thức bên ngoài. Sự kết ước của họ không nhất thiết hàm
ngụ cùng một ý nghĩa. Trong khung cảnh của truyền
thống Địa trung hải, chủ thuyết về nhân quyền được hiểu như cái gì hiển
nhiên, dựa vào lý chứng của một nền triết học
đề cao cá nhân; nhưng các vùng văn minh khác lại không có cùng quan điểm
có tính cách tây phương như vậy. Các nước thuộc khối xã hội chủ nghĩa đã ưu
tiên nhấn mạnh đến quyền tập thể của con người chứ không phải các quyền cá
nhân; và nhất là các nhóm quốc gia thuộc vào những truyền thống tư tưởng ngoài
Âu châu, họ khó mà đồng ý về bản văn tuyên ngôn nhân quyền; họ quan niệm những
loại quyền riêng thuộc mỗi nền văn hoá (các nước Hồi giáo, các nước thành viên
của O.U.A); không nói đến những xứ Á châu mà nhiều luật gia tại đây cự khước
những nội dung của tuyên ngôn nhân quyền và cho rằng chúng ngoại lai đối với
truyền thống văn hoá của họ; kỳ thực, tại các nước nầy của thế giới, "nhiều hệ thống pháp
luật và xã hội đã lấy ý niệm về bổn phận và các trách nhiệm là ý niệm nền tảng,
hơn là dựa vào ý niệm các quyền"; và việc tôn trọng luật pháp ở vùng đất
đó được quan niệm một cách hoàn toàn khác với phương cách Tây phương, bởi vì
"nó còn lệ thuộc vào một số lớn yếu tố bên ngoài nội dung thuần pháp luật
như các giá trị xã hội và đạo đức, các niềm tin tôn giáo, tập tục địa phương,
tôn trọng quyền bính..." Rev Joseph Joblin SJ. SD tr17
[4] Hervé Carrier SJ Một cái nhìn mới về học Thuyết xã hội công giáo, Quyển một, Bản
dịch việt ngữ Định Hướùng 1999 tr 53 « Nhiều người công giáo đã tuừng ngại
ngùng để hoàn toàn đồng ý vớùi Bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền (1948) vì họ tiếc rằng
bản văn ấy không nhìn nhận những quyên căn Bản của Thiên Chúa »
[6] Walter
Kasper sd tr 75 « Thật thế, về mặt lịch sử, các thành ngữ tân thời về nhân quyền
là những hiện tượng của khủng hoảng.
Các hiện tượng khủng hoảng như thế phát sinh trong lịch sử từ khi trật tự thời
Trung cổ sụp đổ. »
[7] Rev Joseph Joblin SJ SD tr 50
[8] Dom
Besse, l’Eglise et les libetés,
Paris, 1913, 122-126
[9] TĐ Pacem in terris, phàn 159-313 SD-53-54
[10] J.M.
Aubert Eglise et Droits de l’homme, in
Droits de l’homme défi pour la Charité SoS xb
Paris 1983, tr 165-166
[11] Xem TĐ
Hào Quang Chân Lý của GH Gioan Phaolô II
[15] Đức Gioan Phaolô II Aux membres de la Sacra Romana Rota (17.2.1979);
AAS LXXI (1979), 422 (trích trong O.
Hoffe e.a [Edit], Johannes Paul II (chú thích 49, 113 tiếp theo.