Kennedy
và cái chết của ông Diệm
và cái chết của ông Diệm
Lữ Giang
Chúng tôi nhớ ngày 4.11.2013 đài BBC có đăng bài “Chính tổng thống Mỹ ủng hộ lật ông Diệm” nhưng
không thấy có tên tác giả, còn bằng chứng đưa ra trong bài rất vu vơ và
nơi quy chiếu không tìm thấy. Chúng tôi biết ngay đây lối viết xuyên
tạc lịch sử thông thường của nhón Giao Điểm và BBC lại bị trúng kế, nên
chúng tôi có viết thư yêu cầu BBC cho biết tác giả của bài đó là ai và
đây có phải là quan điểm chính thức của BBC hay không. Nhưng đài BBC
không trả lời.
Nhưng từ năm 1991, khi
tài liệu về sự bất đồng của Tổng Thống Kennedy trong việc tổ chức đảo
chánh lật đổ ông Diệm đã được Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ công bố gần đầy đủ
trong bộ “Foreign Relations of the Unitied States”
(FRUS), Tập IV, 1961 – 1963, xuất bản năm 1991, lịch sử bắt đầu thay
đổi. Sau đó cuốn hồi ký của ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara
mang tên “In Retrospect, Tragedy and Lesson of Vietnam”
được xuất bản năm1995 cho biết thêm nhiều chi tiết. Tiếp theo, Thư Viện
John F. Kennedy cho công bố năm 1998 bộ băng thu tại tòa Bạch Ốc dài 37
tiếng, ghi lại những phát biểu của Tổng Thống Kennedy về cuộc đảo chánh
lật đổ ông Diệm năm 1963. Những tài liệu này đã nói lên sự thật lịch sử
khá rõ ràng. Tuy nhiên, trong những ngày qua, một số tên lái sử để đánh
lạc hướng dư luận vẫn dựa vào các tài liệu ngụy tạo cũ để quả quyết
Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh đảo chánh và giết ông Diệm!
Chúng tôi đã vạch trần những sự láo phét này nhiều lần, hôm nay chúng tôi xin tóm lược lại một lần nữa.
KENNEDY BỊ KHỦNG HOẢNG
Trong cuốn hồi ký mang tên “In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam”, ông McNamara cho biết những gì đã xẩy ra tại Tòa Bạch Ốc sau khi nghe tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị giết. Ông viết:
“Lúc 9 giờ 30 phút sáng 2
tháng 11, chúng tôi gặp nhau với Tổng Thống để tiếp tục cuộc họp chiều
hôm qua, thảo luận về các biến cố. Khi buổi họp bắt đầu, chưa ai rõ số
phận ông Diệm và ông Nhu ra sao. Đến nữa chừng, Mike Forrestal từ Phòng
Tình Hình tông cửa chạy vào. Trạm CIA tại Saigon báo cáo rằng họ được
các nhân vật đối tác của Saigon cho biết hai anh em ông đã tự vẫn “trên
đường từ thành phố đến Bộ Tổng Tham Mưu...”
“Khi Tổng Thống Kennedy nhận được tin này, mặt ông tái xanh. Tôi chưa bao giờ thấy ông xúc động mạnh đến như thế. Sau này Forrestal thuật lại rằng cái
chết của hai người “đã làm cho ông buồn bực về cả phương diện luân lý
lẫn tôn giáo... làm lung lay lòng tin tưởng... về những gì ông đã khuyến
cáo liên quan đến Nam Việt Nam.” Arthur Schlesiger Jr. ghi nhận rằng Tổng Thống “buồn thảm và bối rối”, tinh thần xem ra suy sụp chưa từng thấy từ sau vụ thất bại ở Vịnh Con Heo.”
“Đọc xong bản tin, Tổng Thống nghĩ đến ảnh hưởng của cái chết của hai người có tác dụng xấu ngay trong nước và ở hải ngoại... Tổng Thống nghĩ rằng sau hai mươi năm phục vụ quê hương Việt nam, sinh mạng ông Diệm không thể kết thúc như vậy.
Lập luận của ông cũng giống như lời của Mao Trạch Đông đã nói với Edgar
Snow trong một cuộc phỏng vấn năm 1965 rằng Hoa Kỳ không chịu nghe lời
ông Diệm. Mao Trạch Đông cho biết bản thân ông và ông Hồ Chí Minh đều
nghĩ rằng ông Ngô Đình Diệm là người có tài. Rốt cuộc, ông hỏi rằng sau
khi giết ông Diệm thì chuyện giữa Thiên Đường và Địa Ngục có bình yên
không? Những ám chỉ trong lời nói của Mao Trạch Đông về các biến cố tại
Việt Nam chúng tôi mới được biết sau khi cả Trung Hoa lẫn Việt Nam mở
văn khố của họ, nhưng quan trọng hơn, câu nói đó đang tạo rất nhiều vấn
đề.
“Cái chết của ông Diệm đã
làm Tổng Thống Kennedy xúc động, nhưng đó không phải là sự xúc động lớn
nhất. Trong hồi ức, sự xúc động lớn nhất là chúng
ta phải đối phó với một khoảng trống chính trị hoàn toàn ở Nam Việt Nam
và không có căn bản nào để xúc tiến về bất cứ tiến trình nào phù hợp
với các mục tiêu của Hoa Kỳ.”
(Robert S. McNamara, In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam”, Vintage Books, New York 1996, tr. 83 – 85).
Chiều thứ bảy 2.11.1963,
lúc 6 giờ, Tổng Thống Kennedy cùng vợ và các con dùng trực thăng bay về
ngôi nhà mới của ông ở Rattlesnake Mountain. Trong buổi cơm tối, bà Mary
Gimbel, một người bạn của Tổng Thống, đã nói với ông về ông Diệm và ông
Nhu:
- Họ đúng là những nhà độc tài.
Tổng Thống trả lời:
- Không, họ ở trong một tình trạng khó khăn. Họ đã làm cái tốt đẹp nhất mà họ có thể làm cho quê hương họ.
(Richard Reeves, President Kennedy, Profile of Power, Touchstone, New York 1994, tr. 651).
MỘT TÀI LIỆU QUAN TRỌNG
Ngày 24.11.1998, Thư Viện
John F. Kennedy đã công bố bộ băng thu tại tòa Bạch Ốc dài 37 tiếng
đồng hồ, trong đó có đoạn Tổng Thống Kennedy thừa nhận rằng chính quyền
của ông phải chịu một phần trách nhiệm về việc ám sát Tổng Thống Ngô
Đình Diệm. Theo ông, một trong những lý do buộc ông phải đưa ra kết luận
này, đó là bức điện gởi đến Saigon vào tháng 8 năm 1963. Bức điện này
được coi như một sự chấp thuận mặc thị của chính phủ Hoa Kỳ về việc tổ
chức một cuộc đảo chính lật đổ ông Diệm. Sau đây là phần chính trong bộ
băng có liên quan đến Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Hôm 4.11.1963, hai ngày
sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói về công điện ra lệnh
đảo chánh do Thứ Trưởng Ngoại Giao Averell W. Harriman gởi đi ngày
24.8.1963 như sau:
“Theo sự xét đoán của tôi, bức điện đó đã được soạn thảo tồi tệ. Bức điện đó phải không bao giờ được gởi vào hôm thứ bảy.Tôi phải không bao giờ biểu đồng tình nếu không được bàn luận bàn tròn.”
Tổng Thống Kennedy nói ông đã gởi một bức điện khác để đình hoản lại nhưng kế hoạt đảo chánh đã được tiến hành rồi.
Phần băng ghi lại lời của Tổng Thống Kennedy ba tuần lễ trước khi ông bị ám sát tại Texas có đoạn như sau:
“Tôi bị chấn động vì cái chết của Ngô Đình Diệm. Ông ta là một nhân vật khác thường. Trong
khi ông ta bắt đầu gia tăng sự khó khăn trong vài tháng cuối cùng, ông
ta đã có thể duy trì được đất nước về một mối trong 10 tháng cuối cùng.”
Lo lắng về những hậu quả có thể xẩy ra sau khi ông Diệm bị ám sát, Tổng Thống Kennedy nói:
“Vấn
đề là các tướng lãnh có thể ngồi lại với nhau và xây dựng một chính
quyền ổn định hay công luận có chuyển đổi tại Saigon hay không”.
ĐỐI NGOẠI TRỞ NÊN XẤU ĐI
Trong cuốn hồi ký mang tên “The memoirs of Richard Nixon”,
Tổng Tống Nixon có kể lại rằng khi đến Pakistan, ông gặp lại người bạn
cũ là Tổng Tống Ayub Khan. Tổng Thống Khan đã nói một cách đau buồn về
việc hạ sát Tổng Tống Ngô Đình Diệm:
“Tôi
không thể nói – lẽ ra các ông đừng bao giờ ủng hộ ông Diệm ngay từ đầu.
Nhưng các ông đã ủng hộ ông ta trong một thời gian dài và mọi người ở Á
Châu đều biết điều đó. Dù họ có tán thành hay không tán thành điều đó,
họ biết điều đó. Rồi đột nhiên các ông ngừng ủng hộ ông ta – và ông Diệm
đã bị giết.”
Ông ta lắc đầu và kết luận:
“Việc hạ sát ông Diệm có ba ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo Á Châu: làm một người bạn với Hoa Kỳ là nguy hiểm; trung lập phải trả cái giá của nó; và đôi khi làm kẻ thù (của Hoa Kỳ) lại tốt hơn! Lòng tin cậy như một sợi chỉ mong manh và một khi nó đã đứt, rất khó mà nối lại.”
(Richard Nixon, The memoirs of Richard Nixon, Touchstone, New York 1990, tr. 256 – 257).
Trong cuốn “The Secret History of the CIA”,
Joseph J. Trento cho biết Tổng Thống Kennedy đã ra lệnh cho ông William
R. Corson, một nhân viên CIA cao cấp tại Sài Gòn năm 1963 điều tra xem
việc gì đã xẩy ra và ai có trách nhiệm. Trả lời của ông Corson:
“Mọi
chỉ thị từ Averell Harriman... Các lệnh đưa đến cái chết của ông Diệm
và bào đệ của ông ta phát xuất từ Harriman và được phụ tá quân sự của
Henry Cabot Lodge thực hiện.”
(On instructions from
Averell Harriman... The order that ended in the deaths of Diem and his
brother originated with Harriman and were carried out by Henry Cabot
Lodge’s own military assistant.)
Phụ tá quân sự của Đại Sứ Henry Cabot Lodge được ông Corson nói ở đây không ai khác hơn là Trung Tá Lucien Conein.
Theo ông Corson, năm 1963, Harriman đã điều hành Việt Nam không cần hỏi ý kiến của Tổng Thống hay Tổng Trưởng Tư Pháp.
(Joseph J. Trento, “The Secret History of the CIA”, Carroll & Graf, New York, 2005, tr. 334 – 335).
RA LỆNH RÚT QUÂN VÀ BỊ HẠ SÁT
Sau khi Tổng Thống Ngô
Đình Diệm bị giết, trong cuộc họp báo ngày 14.11.1963, Tổng Thống
Kennedy không còn tin tưởng vào cuộc chiến thắng tại miền Nam Việt Nam
nữa, ông đặt câu hỏi:
“Bạn có chào thua tại miền Nam Việt Nam không?”.
Rồi ông tự trả lời câu hỏi của chính mình:
“Chương trình quan trọng nhất, dĩ nhiên là cho nền an ninh của chúng ta, nhưng tôi không muốn Hoa Kỳ đưa quân tác chiến sang đó.”
Sau đó ông nói:
“Giờ
đây mục tiêu của chúng ta là đưa quân nhân Hoa Kỳ về nước, cho phép
Việt Nam tự duy trì lấy nước mình như là một quốc gia độc lập.”
Ông McNamara cho biết,
qua nhiều cuộc thảo luận, Tổng Thống Kennedy đã đi đến kết luận rằng
cuối cùng người Nam Việt Nam phải chính họ gánh vác cuộc chiến; Hoa Kỳ
không thể gánh vác cuộc chiến đó cho họ (in the end, the South
Vietnamese must carry the war themselves; the United States could not do
it for them).
(Robert S. McNamara, In Retrospect, the Tragedy and Lessons of Vietnam”, tr. 86 – 87)
Lúc 12g30 ngày 22.11.1963
Tổng Thống Kennedy đã bị bắn chết khi chiếc xe limousine chở ông và
đoàn tùy tùng đang đi từ Dealey Plaza đến phố Elm ở Dallas, Texas.
Ngày 26.11.1963 Tổng
Thống Johnson đã phê chuẩn chỉ thị về an ninh quốc gia mang số NSAM 273,
đảo ngược chỉ thị rút quân ra khỏi Việt Nam của Tổng Thống Kennedy.