CS VÀ CÁC ĐẢNG PHÁI QUỐC GIA

CỘNG SẢN 


VÀ CÁC ĐẢNG PHÁI QUỐC GIA

Nguyễn Đức Cung

Trong cuốn hồi ký nổi tiếng có tên Một cơn gió bụi, sử gia Trần Trọng Kim đã viết như sau về chính sách của Việt Minh đối với các chính đảng quốc gia: “Cái thủ đoạn của Việt Minh là dùng mọi cách bạo ngược, tàn nhẫn, giả dối, lừa đảo để cho được việc trong một lúc. Ngay như họ đối với Việt nam Quốc dân đảng nay nói là đoàn kết, mai nói đoàn kết, nhưng họ vẫn đánh úp, vẫn bao vây cho tuyệt lương thực.
Khi họ đánh được, thì giết phá, đánh không được thì lại đoàn kết, rồi cách ngày lại đánh phá. Dân tình thấy thế thật là ngao ngán chán nản, nhưng chỉ ngấm ngầm trong bụng mà không dám nói ra. Nên dân gian người ta thường có câu “nói như Vẹm. Vẹm là do hai chữ Việt Minh viết tắt V.M., đọc nhanh mà thành ra.”1

   Ngòi bút của sử gia họ Trần viết ra cách đây trên nửa thế kỷ nhận định về thực chất của Cộng Sản Việt Nam và Hồ Chí Minh. Thật vậy, từ năm 1945 cho đến ngày nay, chính quyền Cộng Sản vẫn sử dụng đường lối bạo lực đối với những ai bất đồng chính kiến với họ với mục đích duy nhất là nắm chắc được quyền hành trong tay không chia chác cho bất cứ một ai. Đường lối bạo lực của họ thể hiện qua việc ngụy tạo hai biến cố phố Ôn Như Hầu tại Hà Nội và vụ cầu Chiêm Sơn tại Quảng Nam năm 1946 mà mục đích bôi đen đối thủ chính trị nhằm loại đối phương ra ngoài đấu trường chính trị, tiêu diệt các chính đảng quốc gia trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng hay Quốc Dân Đảng Việt Nam, một kết hợp giữa ba chính đảng gồm Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh, Đại Việt Dân Chính Đảng của Nguyễn Tường Tam, và Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh rồi tiến đến tiêu diệt các bộ phận của tổ chức chính trị mới này khắp nơi trên toàn quốc. Từ đó đến nay, nhiều tài liệu của Cộng Sản đã cố tình xuyên tạc sự thật về hai biến cố nói trên. Bài viết của chúng tôi đưa ra một cái nhìn tổng hợp qua một số tư liệu khả tín nhằm phản biện lại luận điệu vu cáo bẩn thỉu của chế độ Cộng Sản mong trả sự thật về cho chân lý lịch sử. Nhưng trước khi đi sâu vào việc trình bày sự thật về hai biến cố đó, thiết tưởng cần có một cái nhìn quán xuyến về quá trình tranh chấp chính trị liên hệ tới Việt Nam trước khi thế chiến II kết thúc cùng sự hình thành Mặt Trận Quốc Dân Đảng thể hiện sức đấu tranh của các chính đảng quốc gia yêu nước giữa một tình thế vô cùng khó khăn và phức tạp trong giai đoạn lịch sử 1945-46.
 
   1.- Vụ án mở đầu cho các tranh chấp chính trị Quốc-Cộng trước Thế chiến II.
   Cuối năm 1924, nhận nhiệm vụ của Đảng Cộng Sản Liên Xô trong mục tiêu bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản qua Châu Á, Hồ Chí Minh được gửi sang Trung Hoa làm việc cho hãng thông tấn Xô-Viết Rosta dưới sự điều động của Mikhail Borodin, trưởng đoàn cố vấn Comintern lúc bấy giờ đang cộng tác với Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tôn Dật Tiên. Nhiều tư liệu nói về sự có mặt của Nguyễn Ái Quốc tại Trung Hoa dưới bí danh Lý Thụy, nhưng các nhiệm vụ bên ngoài của ông thì khác nhau. Mục tiêu của Lý Thụy là chiếm đoạt các tổ chức của các nhà cách mạng Việt Nam đã sang Tầu trước đây để làm vốn liếng chính trị, loại trừ ảnh hưởng của các đối thủ quốc gia mà hình ảnh trước mắt Thụy là cụ Phan Bội Châu để giải tỏa các trở lực trong việc bành trướng chủ nghĩa cộng sản quốc tế trên vùng đất mới.  Vả chăng mặc dù cụ Phan là bạn của thân phụ mình là Phó bảng Nguyễn Sinh Huy, nhưng Thụy cũng không cần lưu tâm đến vấn đề đó.

   Trong cuốn Ba nhà chí sĩ họ Phan, tác giả Đào Văn Hội cho biết nội dung việc Lý Thụy và Lâm Đức Thụ (tức Nguyễn Công Viễn) bán cụ Phan Bội Châu cho Pháp như sau:

   “Sau khi cụ Phan đi Hàng-châu rồi, Lâm-đức-Thụ và Lý-Thụy triệu tập một kỳ hội nghị có hết thảy các anh em cách-mạng có mặt ở Quảng-châu, trừ ra cụ Nguyễn-hải-Thần, để trưng cầu ý kiến, về nhiều vấn đề quan trọng, nhứt là vấn-đề tài-chánh.
   Không ai giải-quyết được vấn-dề nầy, Lâm-đức-Thụ bèn đưa ra một đề-nghị là “phải hy-sinh một người trong anh  em, hoặc về danh-tiếng hay tánh-mạng, miễn là đạt được mục-đích có lợi cho công-cuộc cách-mạng”.

   Hội-nghị tán-thành nguyên-tắc ấy rồi, Lâm nói tiếp:

   “Xét ra người mà ta có thể đem ra làm vật hy-sinh ấy là cụ Phan-bội-Châu. Tại sao tôi lại chọn cụ Phan mà không chọn cụ Mai-Sơn hoặc cụ Hải-Thần? Là vì tôi đã từng phen ướm hỏi cụ Phan nếu gặp trường-hợp phải hy-sinh cụ để làm lợi cho cách-mạng thì cụ có chịu không? Cụ đã khẳng-khái trả lời tôi thế nầy: “Tôi bôn-ba hải-ngoại, khi Hương-cảng, lúc Hoành-tân, chốc đã ngoài 20 năm rồi mà rốt cuộc chỉ vấp phải thất bại hoài, thêm phần tuổi đã cao, gối đã mòn, nếu có dịp được hy-sinh cho tổ-quốc thì dẫu chết tôi cũng vui lòng!”
   “Hai nữa, cụ là tượng-trưng của cách-mạng tiếng-tăm đã lừng-lẫy trong nước cũng như trên trường quốc-tế, thực dân e-dè và ước muốn cụ lắm. Họ cho ràng Cụ là linh-hồn của đám Đông-du, nếu bắt được cụ, tức là phong-trào tan-rã.
   “Vả lại, cụ đã gần đất xa trời, ngoài việc viết báo kiếm ăn, năng-lực bất quá cũng chẳng giúp ích gì cho công-cuộc vận-dộng cách-mạng cho bọn ta được mấy.
   “Vậy tôi mạnh bạo đề nghị với anh  em là bắt cụ nộp cho lãnh-sự Pháp, tất-nhiên họ phải hậu-tạ ta một món tiền lớn. Tiền ấy ta sẽ dùng vào công việc  vận-động cho đoàn-thể ở nước nhà.
   “Đem cụ Phan nộp cho Pháp, ta sẽ thâu được hai cái lợi:
   “Một là sau khi giải cụ về Hà-nội, tất nhiên thực-dân lập Hội-đồng đề-hình xét xử, cụ sẽ trổ hết tài hùng-biện mà biện hộ cho mình. Các báo trong nước sẽ viết những bàitường-thuật và tinh-thần cách-mạng nhờ đó mà lan- tràn và phổ-cập trong hết các từng lớp dân chúng xã-hội V.N.
   “Hai nữa là sẵn món tiền thưởng trên kia, ta sẽ phái anh em về nước mà tổ-chức các chi-bộ rồi đưa thanh-niên ra huấn-luyện cho nhiều thì cộng-việc của ta mau có kết quả.”
   Hội nghị bàn luận sôi-nổi, sau cùng, mấy lý-lẽ của Lâm làm xiêu lòng cử-tọa và Lâm được hội nghị ủy cho toàn quyền hành động.” 2 

Mấy hôm sau, người ta theo dõi và thấy Lâm Đức Thụ liên lạc với Phan Vị, một nhân viên cao cấp trong tòa lãnh sự Pháp ở Hương-Cảng một cách rất thân mật.
   Trong cuốn Tự Phán, tập hồi ký cách mạng của mình, cụ Phan Bội Châu kể rõ chuyện cụ bị mật thám Pháp bắt như sau:

   “Ngày 11 tháng 5 năm Ất Sửu (1925) tôi gấp lên Thượng Hải, tính làm xong việc gửi bạc đi Béc-lanh thì tức khắc xuống thuyền đi Quảng Đông. Bởi vì thuyền Thượng Hải đến Quảng Đông, chỉ 5 ngày. Khi tôi ở Hàng Châu xuất phát, có mang theo bạc Tàu 400$ tức là số bạc gửi cho ông Trần. Ai dè lúc tôi ra đi mà thời giờ hành động của tôi đã có kẻ nhất nhất mật báo với người Pháp.
   12 g chính trưa ngày 11 tháng 5 âm lịch, xe lửa Hàng Châu đi đến Bắc trạm tôi vì nóng gửi bạc cho ông Trần, nên gởi đồ hành lý ở nhà chứa đồ, chỉ nách một cái ca-bâng (va li nhỏ) đi ra cửa ga thì thấy có một cỗ xe khá lịch sự, đứng xung quanh có bốn người Tây phương, tôi không nhận ra được là người Pháp. Bởi vì xứ Thượng Hải người Tây phương nước nào cũng có, khách sang trọng biết chừng nào mà kể; đem xe hơi rước khách cũng là thông lệ các lữ quán to. Tôi có biết đâu xe hơi này là do đồ của kẻ cướp bắt cóc người đâu? Tôi mới ra khỏi cửa ga vài bước, thì thấy có một người Tây hung dữ lại trước mặt tôi, dùng tiếng quan thoại mà nói với tôi rằng: “Trưa cơ xế hấn hào, xêng xiên sân sang xê”, tôi đương cự rằng: “Úộ bú giảu”. Thình lình ba người tây nữa ở sau xe, hết sức đẩy tôi lên xe, máy xe tức khắc vặn thì tôi đã vào tô giới nước Pháp! Xe chạy đến bờ bể binh thuyền nước Pháp đã chực sẵn ở đó rồi! Tôi thành ra người tù ở trong tàu binh.” 3

   Khoảng tháng 7 năm 1925, một chiến hạm Pháp từ Thượng Hải chở cụ Phan đến Hương cảng rồi chuyển sang tàu Angkor của hãng Nhà Rồng đưa về Hải Phòng.

   Nhà nghiên cứu sử học Trung hoa, Tưởng Vĩnh Kính, trong tác phẩm Hồ Chí Minh tại Trung Quốc cũng đã để nhiều công sức nghiên cứu về những tranh chấp chính trị của Lý Thụy trong thời gian sống tại Trung Hoa, đã có những ghi nhận một số kết quả về tài chánh qua việc cụ Phan Bội Châu bị bắt ở Thượng Hải như sau: “Sự việc xong, hai người chia đôi số tiền một trăm ngàn đồng đó. Ông Hồ đã dùng phần tiền của ông để tổ chức Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội; còn Thụ thì dùng tiền đó để tiêu phí trong các hộp đêm tại Hương-cảng. Và từ đó, Hồ, Thụ, hai người còn tiếp tục hợp tác trong nhiều năm nữa để bán các đồng chí của cụ Phan. Nguyên vì lúc  bấy giờ, các thanh niên Việt Nam trốn sang Quảng-châu để xin vào học trường võ bị Hoàng Phố rất đông. Những ai chịu theo Hồ gia nhập Đồng Chí Hội, thì sau khi học xong, sẽ được bảo đảm bí mật trở về nước an toàn; còn những ai vẫn trung thành với tổ chức của cụ Phan, khi về đến biên giới Hoa-Việt, tức thì bị mật thám Pháp bắt ngay. Những người này sở dĩ bị bắt, vì trước đó Hồ đã báo cho Thụ ở Hương-cảng biết, Thụ đem ảnh của họ nộp cho lãnh sự Pháp ở Hương-cảng. Sauk hi họ bị bắt, Hồ và Thụ lại được chia nhau tiền thưởng.” 4

   Trong mối liên quan tới việc bán cụ Phan Bội Châu cho mật thám Pháp có ba người được nêu đích danh đó là Hồ Chí Minh, Lâm Đức Thụ và Nguyễn Thượng Huyền, cháu gọi cụ Nguyễn Thượng Hiền bằng chú ruột. Sử gia William J. Duiker trong tác phẩm Ho Chi Minh, a life viết rằng chính Phan Bội Châu cho biết kẻ chỉ điểm cho Pháp bắt mình là Nguyễn Thượng Huyền, nhưng theo sự phân tích của Minh Võ qua những dòng trong Phan Bội Châu niên biểu, Phan Bội Châu chỉ cho biết được nghe nói như thế và tin theo chứ không hề xác định với bằng chứng nào. 5 Cũng theo Minh Võ, sử gia Phạm Văn Sơn đã đề cập đến việc này và cho rằng Phan Bội Châu đã nghi oan cho Nguyễn Thượng Huyền. Chính Nguyễn Thượng Huyền đã lên tiếng khi biết nội vụ vào dịp về Việt Nam – “khoảng năm 1965, cụ Nguyễn Thượng Huyền có về Việt Nam và đăng một bài cải chính nói rõ vụ việc trên tờ “Bách Khoa”số 73”. 6 Còn Lâm Đức Thụ, theo ghi nhận của Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, đã khoe đó là thành tích do chính mình đạt được.

   Vì thế, theo Minh Võ, “việc bán Phan Bội Châu cho mật thám Pháp có thể coi là sự việc khơi gợi cho một phương pháp hành xử của Hồ Chí Minh và cũng có thể coi là hành vi mở đầu cho một phương pháp đã được trù tính trước.” 8

   David Halberstam trong cuốn Ho, xác nhận việc Hồ Chí Minh báo cho mật thám Pháp bắt cụ Phan Bội Châu để lãnh 150.000 bạc Đông Dương. 9

Sau khi cụ Phan Bội Châu bị bắt, Lý Thụy nắm lấy tổ chức Tâm Tâm Xã (cũng còn gọi là Tân Việt Thanh Niên Đoàn)10 của cụ Phan biến nó thành Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội với các thành phần từng theo cụ Phan gồm 6 người như Lâm Đức Thụ tức Trương Béo (tức Nguyễn Công Viễn), Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Giản Khanh và Đặng Xuân Hồng.

Trong sách Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh, Tị nạn, bài học lịch sử, Tập I, giáo sư Xuân Khoa cho biết trong thời gian chuẩn bị cuộc khởi nghĩa Yên Báy, VNQDĐ có mời một số đảng viên cộng sản tham gia nhưng Trần Văn Cung không đồng ý vì cho rằng cuộc khởi nghĩa thiếu chuẩn bị và chưa có được thời cơ. Sách này cũng cho biết Nguyễn Ái Quốc về sau cũng tìm cách ngăn cản cuộc khởi nghĩa này nhưng không thể liên lạc được với VNQDĐ. 11

   Tuy nhiên theo Hoàng Văn Đào trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, Trong những giờ phút nghiêm trọng ấy, cán bộ ĐDCSĐ (Đông Dương Cộng Sản Đảng) rải truyền đơn khắp nơi, tố cáo VNQDĐ sắp tấn công Bắc Kỳ. Cô Giang cầm tờ truyền đơn trao cho Nguyễn Thái Học xem, Nguyễn Thái Học đập bàn thét to: - “Tôi không tin! Vì có thể nào anh em cộng sản lại có thể hành động như thế được!”. 12       

Trên đây là những mầm mống xung đột trong quá trình tranh chấp quyền lực giữa phe cộng sản với người quốc gia mà đỉnh cao là những cuộc đụng độ trong giai đoạn 1945-46. William J. Duiker, trong Ho Chi Minh, đã ghi lại quan điểm của Nguyễn Ái Quốc “thường nhận định rằng những cuộc liên kết như vậy với các đảng phái quốc gia có thể hữu ích nhưng chỉ cho mục tiêu chiến thuật mà thôi.” 13

   Đối với những người theo Đệ Tứ Quốc Tế, nhóm Đệ Tam Quốc Tế khi thì chống đối, lúc lại hợp tác, thí dụ cuộc bầu cử Hội Đồng Thành Phố Sài Gòn, năm 1937, cả hai hệ phái cùng đưa người ra tranh cử, một người là Tạ Thu Thâu thuộc phe Trốt-Kít, hai người kia là ông Nguyễn Văn Tạo và Dương Bạch Mai thuộc hệ phái Stalin. Nhưng liền sau đó hai hệ phái lại tuyên bố tách rời 14. Hồ Chí Minh luôn khẳng định trong các báo cáo của ông gửi cho Quốc Tế Cộng Sản: “Đối với phe Trotsky, không thể liên minh, cũng không khoan nhượng. Hãy tận dụng mọi biện pháp vạch trần bộ mặt thật tôi mọi của các tên phát-xít; hãy diệt sạch bọn chúng trên địa bàn chính trị.” 15

   Ở một dịp khác, Hồ Chí Minh tỏ ra quyết liệt hơn khi nói rằng: “Chúng ta không thể nhượng bộ điều gì cho nhóm Tờ-Rốt-Kít. Chúng ta phải làm tất cả mọi việc có thể được để lột mặt nạ của chúng là những con chó của Phát Xít và tiêu diệt chúng về chính trị.”16

   Một sự kiện lịch sử cần nhắc lại ở đây để thấy rằng nhất cử nhất động của Hồ Chí Minh, tức Nguyễn Ái Quốc, tức Lý Thụy đều tuân hành theo chỉ thị của Liên Xô. Ngày 3-2-1930, Hồ Chí Minh tổ chức cuộc họp thống nhất ba đảng Cộng Sản VN nhân xem một trận đấu bóng tròn tại một sân lộ thiên ở Hương Cảng, với cái tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam mà ý chỉ của Hồ Chí Minh là thành lập đảng “cách mạng xã hội chủ nghĩa dân tộc” 17. Nhưng trong kỳ đại hội đại biểu kỳ 1 tổ chức tháng 10 năm 1930,  tên đảng lại được đổi thành Đảng Cộng Sản Đông Dương, với Trần Phú  (bí danh Lí Quí) từng được huấn luyện ở Liên Xô, làm tổng bí thư. Liên Xô muốn Việt Nam thực hiện chương trình cách mạng vô sản quốc tế hơn là “cách mạng dân tộc” nên đã ra lệnh đổi chữ Việt Nam thành Đông-Dương trong đảng danh. Bởi vậy, việc Hồ Chí Minh bán cụ Phan cho Pháp, cán bộ CS tố cáo cuộc khởi nghĩa Yên Báy của VNQDĐ, chống đối, loại trừ các nhóm người thuộc Đệ Tứ Quốc Tế và các lực lượng chính đảng quốc gia, các tôn giáo không qui phục CS.
    
   2.- Quốc Dân Đảng Việt Nam, hay Mặt Trận Quốc Dân Đảng, một kết hợp chính trị của các chính đảng quốc gia yêu nước, khắc tinh của chế độ Việt Minh.

   Mặt Trận Quốc Dân Đảng hay Quốc Dân Đảng Việt Nam là một kết hợp chính trị giữa ba chính đảng quốc gia năm 1945 là Đại Việt Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh,  Đại Việt Dân Chính Đảng của Nguyễn Tường Tam, và Việt Nam Quốc Dân Đảng của Vũ Hồng Khanh nhằm chống lại chế độ bạo tàn của Việt Minh Cộng Sản giai đoạn 1945-46 mà sáng kiến tiên khởi là do Trương Tử Anh đề ra.

   Trương Tử Anh tên thật Trương Khán, bí danh Phương thường gọi là Cả Phương hay Cả Khán, sinh năm giáp-dần 1914 tại làng Mỹ-Thạnh, xã Hòa-Phong, quận Tuy-Hòa, tỉnh Phú-Yên, con cụ ông Trương Bội Hoàng và cụ bà Nguyễn Thị Miên. Tổ tiên Trương Tử Anh cũng theo đòi khoa bảng với nội tổ là cụ Trương Chính Đường có chức Đề-đốc vì ứng nghĩa Cần Vương năm 1885. Cụ có công trong việc lập nên Hội Văn-phổ Phú-Yên, dựng Văn-chỉ ở núi Nhạn Tháp, xây Văn-Miếu ở núi Cẩm Sơn, xã Hòa Quang, Tuy Hòa. Ông nội của Trương Tử Anh là cụ Trương Dụng Triều cũng là một nhà nho có ít nhiều công lao xây dựng, kiến thiết xóm làng. Thân sinh của Trương Tử Anh là cụ Trương Bội Hoàng, là một nhà nho có tân học, kết giao với các nhà cách mạng Việt Nam.

   Thuở nhỏ Trương Tử Anh học Tiểu học ở Trường Phủ tại Thị xã Tuy Hòa, học Trung học tại Quy Nhơn và Huế, đến năm 1934 theo học Luật khoa tại Trường Đại Học Đông Dương, Hà Nội. Năm 1936, nghiên cứu các triết thuyết và thảo luận quan điểm đấu tranh với các bạn bè, ông đưa ra một chủ nghĩa mới gọi là chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn mà  “lập luận căn bản dựa trên tinh thần dân tộc19 với bản thảo viết bằng tiếng Pháp. Trong những trang bút tích còn để lại, Trương Tử Anh đã nhận xét rằng: “Mỗi nước trên thế giới đều có một hay nhiều dân tộc khác nhau. Một chủ nghĩa chính trị muốn được thành công tất phải căn cứ vào những yếu tố kể trên mới mong được dân chúng ủng hộ và có thể đem ra áp dụng được...” và ông khẳng định: “... Các chủ nghĩa đã xuất hiện trên thế giới đều không thích hợp với dân tộc ta.” 20  Các chủ nghĩa mà Trương Tử Anh nêu ra đó là chủ thuyết Cộng Sản và chủ nghĩa Quốc xã là những lý thuyết rất thịnh hành lúc bấy giờ.

Ngày 10-12-1938, ông công bố chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn và năm sau, 1939 đưa ra bản Tuyên cáo Quốc dân thành lập Đại Việt Quốc Dân Đảng. Trong bản Tuyên Cáo đó, Trương Tử Anh giải thích rằng: “Hai tiếng Đại Việt nêu cao ý chí tự cường, tự lập và cái hùng tâm muốn cho quốc gia mạnh mẽ lên và bành trướng mãi ra. Ba chữ Quốc Dân Đảng tỏ rằng Đảng này không phải của riêng giới nào, mà là của toàn thể dân tộc.” 21  

Được thành lập do nghị định số 1514a của Toàn quyền Paul Beau (1902-1908) ký ngày 16.5.1906, trường Đại học Đông dương ra đời quy tụ hầu hết sinh viên ba kỳ kể cả Cao-Miên và Lào nhằm lôi kéo thành phần trí thức trẻ vào các môi trường giáo dục của người Pháp. Về sau Toàn quyền Klobukowsky ký lệnh bãi bỏ rồi lại được Toàn Quyền Albert Sarraut cho phép mở lại vào năm 1918. Đây là môi trường văn hóa đồng thời cũng là môi trường chính trị thuận lợi cho các tổ chức đấu tranh, và Trương Tử Anh đã tận dụng thời điểm để tuyên truyền, vận động cho tổ chức của mình.

Cơ cấu Trung Ương đầu tiên gồm các ông: Nguyễn Tiến Hỷ, Nguyễn Sĩ Dinh, Phạm Cảnh Hoàn, Trương Bá Hoành, Đặng Vũ Trứ, Nguyễn Sơn Hải, Tạ Thành Châm, Phan Bá Trọng, Nguyễn Tôn Hoàn, Nguyễn Định Quốc, Võ Văn Hải, Nguyễn Văn Viễn, Đặng Xuân Tiếp, Giáo Lai, BS San.

Đảng kỳ là nền đỏ giữa có vòng tròn xanh nằm trong là ngôi sao trắng. Đây là đảng kỳ do chính Trương Tử Anh vẽ ra, được treo tại trụ sở Tỉnh bộ ĐVQDĐ Phú Yên (được coi như Tổ đình của Đại Việt) và sử dụng cho toàn đảng Đại Việt từ năm 1939 đến về sau.
Đảng ca là bài Cờ sao trắng.

Một cuốn sách nhỏ thứ hai dành riêng cho đảng viên chỉ dẫn về cách tổ chức và phương pháp sinh hoạt của Đảng  với đơn vị căn bản là Chi bộ rồi lên đến Khu bộ và cao hơn hết là Trung ương Đảng. Phép tổ chức là của một đảng cách mạng bí mật, nguyên tắc phân cách các đơn vị được ghi chú cẩn thận. Chức vụ lãnh đạo cơ sở hạ tầng được luân phiên trao cho các đảng viên để mọi người trở nên thành thạo với đảng vụ. Kỷ luật đảng trong thời đó rất cứng rắn, chấp nhận cả hình phạt tối đa là tử hình đối với những phần tử phản quốc và phản đảng.

Chẳng bao lâu, cơ sở của Đại Việt Quốc Dân Đảng bành trướng nhiều nơi trong nước nhờ vào thành phần trí thức, sinh viên theo học ở Hà Nội gồm trên ba miền bắc, trung, nam kể cả Lào và Căm-pu-chia với các tổ chức trại hè, lửa trại, diễn thuyết, tổ chức các cuộc lễ mang tính lịch sử như Lễ giổ tổ Hùng Vương, kỷ niệm Lễ Hai Bà Trưng, Lê Lợi, Quang Trung v.v... mục đích nhằm chống lại phong trào thể thao Ducouroy do thực dân Pháp tài trợ và khuyến khích để lôi cuốn thanh niên.

   Một chứng nhân lịch sử, Đặng Văn Sung (1916? -1998) nhà báo, cựu nghị sĩ VNCH, hoạt động cùng thời với Trương Tử Anh tại Hà Nội năm 1943 cho biết: “Lý thuyết Đảng hồi đó tôi được đọc qua một tập nhỏ lớn cỡ quyển lịch gập đôi lại, dày đâu mươi trang. Cái quan trọng nhất là không Mác-xít. Tôi tuyên thệ với Trương Tử Anh và chỉ biết thêm một đảng viên khác là ông Hướng, người giới thiệu tôi. Tôi chưa dự một sinh hoạt đảng nào theo kiểu họp hành có bí thư chi bộ, tỉnh bộ, có báo cáo kiểm điểm công tác...” 22

Nói về phong thái bề ngoài của Trương Tử Anh, Đặng Văn Sung cho biết như sau: “Đó là một người tầm thước, chắc chắn, nước da ngăm đen, biết mình nói gì và quan trọng hơn cả là biết nghe, nhất là những lời phê bình hợp lý.”23  

   Trong hồi ức Việt nam, một thế kỷ qua, Bác sĩ  Nguyễn Tường Bách là em út của nhà văn Nguyễn Tường Tam vốn là những người từng hoạt động với Trương Tử Anh đã ghi lại hình ảnh về Đảng trưởng Đại Việt như sau: “Anh Trương Tử Anh là người có vóc dáng trung bình, khuôn mặt vuông, rắn chắc, đôi mắt đầy vẻ nghị lực và tự tin. Anh nói không nhiều nhưng mỗi câu đều chắc nịch, có sức thuyết phục... Phát triển nhiều trong trường đại học. Tại trường thuốc có anh Nguyễn Sĩ Dinh cùng lớp với tôi, và mấy anh dưới một lớp như Nguyễn Tiến Hỹ tự Phan Trâm, Nguyễn Tôn Hoàn, Đặng Văn Sung... Ngoài ra còn có anh Bùi Diễm...”24

Với cuốn hồi ký chính trị Gọng kìm lịch sử, tác giả Bùi Diễm cho biết cuộc gặp gỡ lần đầu của ông với Đảng Trưởng Trương Tử Anh đã để lại dấu ấn khó phai nhạt trong ký ức của mình: “Cuối năm 1944 và bước sang 1945, sau một thời gian hoạt động trong tiểu tổ của đảng Đại Việt, tôi bắt đầu cảm thấy là phạm vi hoạt động chật hẹp quá, ngoài ra tôi còn thấy nhiều người nói tới ông Trương Tử Anh, đảng trưởng Đại Việt, một người mà các đồng chí vẫn thường kính cẩn gọi là Anh Cả Phương. Từ đó một ý kiến nẩy ra trong đầu tôi là phải cố gắng gặp ông cho kỳ được. Lúc đầu tiên thì thật là khó khăn. Hỏi ai thì câu trả lời cũng là: “Không được đâu! Phải qua hệ thống chứ!” Một đôi khi vì nôn nóng muốn được gặp ông, tôi bắt đầu tự hỏi rồi đây nếu không được gặp, thì liệu có còn đủ tin tưởng tiếp tục hoạt động không? Nhưng rồi không bao lâu sau, do một sự tình cờ, ngẫu nhiên tôi được toại nguyện và từ đó có duyên may làm việc gần ông trong suốt thời gian trước khi ông bị mất tích cuối năm 1946.
Một hôm tôi đến chơi nhà một người bạn cũ  cùng học trường Bưởi, ban Toán năm Tú Tài phần hai. Tên anh là Phúc, ở trường chúng tôi thường gọi anh là Phúc Toét. Tuy không biết chắc, tôi vẫn ngờ ngợ anh cũng là người trong đảng. Nên nhân dịp trên đường về  nhà, tôi ghé qua thăm anh. Khi tới, thì tôi không còn nghi ngờ gì nữa, vì thấy hai người bạn khác mà tôi biết đích là đảng viên, cùng ngồi họp ở phòng bên trong với một người đã đứng tuổi, dong dỏng cao, trán hói, mắt sáng. Phúc chạy ra và bảo tôi lúc khác trở lại. Tôi hỏi ai đó, thì Phúc một phần vì biết tôi đã lâu và một phần khác có lẽ cũng buột miệng nên trả lời rằng: “Anh Cả Phương đấy chứ ai!” Thế là tôi khựng lại, nhất định không chịu đi nữa. Và Phúc cũng phải chịu, không đẩy tôi đi được. Trái với sự tưởng tượng trong đầu óc tôi, ông Trương Tử Anh trong buổi gặp mặt ban đầu không có dáng nghiêm nghị, lạnh lùng của một lãnh tụ. Ông tỏ ra dễ dãi, cởi mở và thân mật. Ông mỉm cười và tôi nhìn thấy qua ánh mắt tinh anh của ông, có sức gì thu hút khiến tôi cảm thấy ông là  người tôi có thể tin tưởng và theo được. Ông hỏi tôi là đã thấu hiểu được lý thuyết Dân Tộc Sinh Tồn của đảng chưa, và khuyên tôi nên hỏi Phúc nếu còn điều gì chưa hiểu. Lúc đó tôi còn trẻ, lại thêm tính hiếu thắng, nên ông chưa nói hết, tôi thưa lại ngay: “Phúc cùng học với tôi, về môn triết học hắn còn thua tôi thì còn giúp gì được tôi!” Không hiểu ông Trương Tử Anh nghĩ gì về phản ứng bất ngờ và ngây ngô của tôi, nhưng ông phì cười rồi bảo tôi: “Thôi được rồi, tôi sẽ gặp anh sau”. Tôi ra về, mừng quá, rồi như qua một thứ trực giác nào đó, tôi nghĩ là đã tìm được người gửi gắm niềm tin tưởng của tuổi trẻ.”25

   Ngày 4-10-1941 Trương Tử Anh bị Pháp bắt, đày lên Hòa Bình đến tháng 7 năm 1942 mới được thả ra nhưng bị chuyển về Phú Yên quản chế.  Tại đây Trương Tử Anh đã trực tiếp lãnh đạo 20.000 nông dân Phú Yên, cùng với Tỉnh bộ Đại Việt QDĐ chống lại tập đoàn tư bản Pháp – Hòa Lan trong Công Ty Đường (Société Sucrière d’Annam) vì họ sang đoạt đất đai của nông dân để trồng mía. Đầu năm 1943, ông trốn ra Bắc và hoạt động trở lại, bị Pháp bắt giam rất nghiêm ngặt  nhưng cơ sở đảng đã tổ chức giải thoát cho ông và bị tra tấn đến thọ bệnh nên ông phải giả điên để được đưa tới chữa tại nhà thương Cống Vọng gần Hà nội (bệnh viện René Robin). Ngày 2-9-1944 ông trốn khỏi nhà thương này cho đến sau ngày Nhật đảo chánh Pháp ông mới xuất hiện trở lại.

   Từ sau cuộc diện kiến bất ngờ nói trên, tác giả Bùi Diễm cho biết ông có dịp may làm việc với Đảng Trưởng trong nhiều công tác. Trương Tử Anh lúc bấy giờ lo tổ chức một số căn cứ như ở Bắc Giang và Thanh Hóa nên điều động ông Bùi Diễm vào Thanh Hóa để tăng cường cho cơ sở vùng này nhưng sau đó lại thay đổi ý kiến và đưa ông vào Huế liên lạc với cụ Trần Trọng Kim, về sau lại đưa ông Bùi làm liên lạc viên với Phan Kế Toại đang được cử làm Khâm sai tại miền Bắc. Tác giả Gọng kìm lịch sử cho biết cảm tưởng của mình đối với Trương Tử Anh: “Càng được dịp làm việc gần ông, tôi càng khâm phục ông là người có đảm lược. Về cá nhân ông, người ta chỉ biết ông sinh trưởng ở miền Trung và đã tham gia cách mạng từ lúc còn trẻ, tuy nhiên ai cũng cảm thấy ông là người có khí phách và bản lãnh. Với một vẻ mặt trầm tĩnh và quắc thước, ông là một nhà lãnh đạo thông minh, tự tin là có khả năng góp phần vào việc xây dựng lại đất nước.” 26

   Ngày 22-2-1945, Trương Tử Anh cử hai đảng viên cao cấp là  Nguyễn Sĩ Dinh và Phạm Cảnh Hoàn tức Phạm Hy Tống (hay Phạm Nguyên Cảnh) kết hợp với Nguyễn Tường Long (Đại Việt Dân Chính Đảng), Nguyễn Xuân Tiếu (Đại Việt Quốc Xã Đảng), Lý Đông A tức Nguyễn Hữu Thanh (Đại Việt Duy Dân Đảng), cùng nhóm Ngô Thúc Địch, Nhượng Tống, Nguyễn Ngọc Sơn, Nguyễn Thế Nghiệp thuộc Tân Việt Nam Quốc Dân Đảng để thành lập một mặt  trận chính trị mới đặt tên là  Đại Việt Quốc Gia Liên Minh, cử Nguyễn Xuân Tiếu tức Nguyễn Lý Cao Kha, tức Tiếu Rùa làm Chủ Tịch liên minh này. Về sau Nguyễn Xuân Tiếu có ý đi với Nhật nên Đại Việt Quốc Dân Đảng rút ra khỏi mặt trận này vì sợ mang tiếng là người của Nhật.

   Sự hình thành một mặt trận chính trị chung giữa ba chính đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng, Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính Đảng khởi đầu từ ngày 12-4-1945 khi Đảng Trưởng Trương Tử Anh gửi một phái đoàn sang Trùng Khánh (Trung Quốc) thương nghị với cấp lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt Dân Chính Đảng để thành lập một tổ chức chung lấy tên là Quốc Dân Đảng.  Bác sĩ Nguyễn Tiến Hỷ trong cuộc gặp Nguyễn Tường Tam ở ga Khai Viễn, Vân Nam thẳng thắn duyệt lại quá trình phát triển của Đại Việt Dân Chính tại quốc nội. Từ ngày Nguyễn Tường Tam phải lưu vong đến nay, Đại Việt Dân Chính tại quốc nội không phát triển được, chỉ quanh quẩn trong giới văn học và nghệ sĩ, trong hàng ngũ trí thức mà thôi. Nguyễn Tường Tam cũng công nhận một chính đảng như vậy là không có quần chúng, chỉ có bộ đầu não lãnh đạo. Phải có sự đoàn kết, hợp sức chung của nhiều lực lượng khác nhau nữa mới lãnh đạo được quần chúng. Bác sĩ Nguyễn Tường Bách, trong cuốn Việt Nam, những ngày lịch sử, cho biết: “Ít lâu sau, anh Tam theo đường Lào-cai về đến Hà-nội. Đã gần 5 năm tôi mới gặp lại anh. Cả nhà đều vui mừng. Đương-nhiên mừng nhất là chị Tam và các con và bà mẹ. Chúng-tôi mừng có người anh về chỉ-dẫn hành-động. Trông anh gầy và đen nhưng rắn-giỏi, ít vẻ thư-sinh nho-nhã hơn trước. Anh đã dựa vào Đồng-minh và đưa tổ-chức cũ sáp-nhập vào Việt-nam Quốc-dân đảng. Nhưng tôi xem ra anh không thấy hứng-thú lắm với chủ-nghĩa tam-dân. Chủ-trương của anh giống anh Long, tán-thành chủ-nghĩa dân-chủ, xã-hội theo lối Tây-phương.” 27

   Nhất Linh Nguyễn Tường Tam sinh ngày 25 tháng 7 năm 1906 tại huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Năm 1927 du học Pháp, đậu cử nhân khoa học. Về nước dạy học, làm báo Phong Hóa, thành lập Tự Lực Văn Đoàn  (1933). Năm 1939 Nguyễn Tường Tam lập đảng Hưng Việt, sau đổi thành Đại Việt Dân Chính. Năm 1942 Nhất Linh chạy sang Quảng Châu. Trong thời gian từ 1942 đến 1944 học Anh văn, Hán văn, hoạt động trong Cách Mạng Đồng Minh Hội, rồi về Côn Minh hoạt động trong hàng ngũ Việt Nam Quốc Dân Đảng. Giữa năm 1945, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Giang với quân đội, nhưng rồi lại quay lại Côn Minh và đi Trùng Khánh. Đầu tháng 6 năm 1946, Nguyễn Tường Tam trở về Hà Nội, hợp tác với chính phủ liên hiệp kháng chiến, giữ ghế bộ trưởng ngoại giao, cầm đầu phái đoàn Việt Nam đi dự hội nghị trù bị Đà Lạt. Được cử làm trưởng phái đoàn đi dự hội nghị Fontainebleau, nhưng ông từ chối và bỏ sang Tàu, gặp cựu hoàng Bảo Đại, và ở lại Trung Hoa bốn năm 28.

   Trong bài Một vài kí vãng về Hội nghị Đà Lạt,  Hoàng Xuân Hãn đã viết về Nguyễn Tường Tam như sau: “Cử chỉ lễ độ, ăn nói chững chàng, trong buổi xã giao hội họp với kẻ chức trách, hoặc phái viên Pháp, ảnh đã có thái độ cử chỉ đoan nghiêm và đúng mức, không làm thẹn chức vụ bộ trưởng Ngoại Giao và chủ tịch phái đoàn Việt Nam.” 29  Tác giả Nguyễn Tường Bách đã ghi nhận về Nguyễn Tường Tam trong thời gian ở Trung Hoa (1946-51) như sau: “Anh Tam hồi ấy có lẽ vì mệt mỏi nên mắc bệnh suy nhược thần kinh. Mọi  người chủ-trương anh phải tỉnh-dưỡng một thời gian, không nên tham gia những hoạt động có thể đưa lại những kích thích quá mạnh.”30 .

   Năm 1954, Nguyễn Ngu Í ghi lại hình ảnh của Nhất linh với những cảm nhận đầy “bùi ngùi vô hạn” như sau: “Anh dường như yếu nhiều, và chẳng những tay anh hơi run, mà phía dưới hai gò má anh cũng giật lia, giọng anh liu líu, hơi nói chẳng được dài. Và cả người anh một cái gì mệt mỏi, chán chường.”31

   Trái với hai bức chân dung đầy vẻ chính trị của Trương Tử Anh và Nguyễn Tường Tam khắc họa theo ghi nhận của các người đương thời nói trên, hình ảnh của một lãnh tụ quân sự của Vũ Hồng Khanh được ghi lại như sau: “Anh Vũ Hồng Khanh, lãnh-tụ lưu-vong của Việt-Quốc ở Vân-nam, là người mà chúng tôi nghe tiếng từ lâu và cũng mong anh trở về. Tháng 10, anh theo đường Lào-cai, về nước. Dọc đường anh để lại một số đồng-chí họp cùng với các đảng-bộ địa phương, dưới sự che chở của quân Vân-nam đã chiếm lĩnh các tỉnh Hà-giang, Lào-cai, Yên-bái, Phú-thọ, Việt-trì và Vĩnh-yên làm cứ-điểm, dựng cờ Việt-Quốc, khiến chính quyền địa phương của Việt-Minh phải rút ra nông thôn. Đó là những thổ phỉ mà chính-phủ tuyên bố nhất-định sẽ tiêu-diệt. Vũ Hồng Khanh lúc bấy giờ mới hơn 40 tuổi, đã trốn sang Tàu, sau cuộc khủng bố của Pháp năm 1930. Anh đã có công tổ-chức đảng trong số đông Việt-kiều  trên đường xe lửa Hà-khẩu – Côn-minh. Trông anh khỏe mạnh, nước da đen rắn-rỏi, đôi mắt bé và lanh-lợi. Chủ trương của anh là theo Chủ nghĩa Tam-dân của Tôn Trung-Sơn, thân Trung-quốc và tất-nhiên không tán thành Cộng-sản. Trong hành động, anh tỏ ra rất gan dạ và bình tĩnh. Chỗ yếu của anh lại là nhược điểm chính: Không những không thông-thạo về lý-thuyết cách-mệnh mà còn thiếu nhìn xa trông rộng nên không thể đem đến cho toàn đảng một sách-lược đứng-đắn, một chiến-lược lâu dài. Đối với công-tác tuyên-truyền, tổ-chức ở trong nước, anh lại không am-hiểu lắm, nên không đi được đến chỗ thống-nhất và tăng-cường lực-lượng nội-bộ. Mà đó mới chính là cơ-sở của thắng-lợi.” 32

   Vũ Hồng Khanh tên thật Vũ Văn Giản, sinh năm 1901 tại làng Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Yên, theo Nguyễn Thái Học làm cuộc khởi nghĩa 1930, thất bại, lưu vong sang Tàu để tránh thực dân Pháp bắt, về lại VN năm 1945, cùng với Hồ Chí Minh ký hiệp định 6-3-1946 với đại diện Pháp là Sainteny, bị nhiều người phản đối vì cho rằng “họ Vũ đã độc tài, tự ý làm một việc tối quan trọng đến vận mạng Quốc gia, đến Đảng, mà không đưa ra thảo luận trước Tổng Bộ.” 33

   Trong cuốn hồi ức Bác Hồ, những kỷ niệm không quên, Phùng Thế Tài là một cận vệ của Hồ Chí Minh cho biết đã từng có lần đánh lãnh tụ Vũ Hồng Khanh và làm cho các tay em của ông này khiếp sợ. 34 

Sau ngày nổ ra cuộc kháng chiến toàn quốc tại Hà Nội 19-12-1946, Vũ Hồng Khanh trốn sang Tàu, sau về Hà Nội tổ chức lại VNQDĐ, di cư vào Nam năm 1954. Năm 1967, ông ra ứng cử Tổng Thống VNCH và thất cử. Sau ngày 30-4-1975, ông bị CS bắt đi cải tạo nhưng vẫn tỏ rõ được khí phách can trường của một lãnh tụ đảng phái quốc gia. Lúc bấy giờ khoảng tháng 12-1975, tại trại cải tạo Thủ Đức (vốn là Trung tâm Nữ cải huấn Thủ Đức trước 1975) có khoảng trên 400 nhân viên cao cấp và đảng phái VNCH bị giam giữ tại đây (tôi cũng bị giam chung) và đang “học tập” về “10 bài về tội ác của Mỹ Ngụy”. Cụ Vũ Hồng Khanh bị giam tại buồng số 10 (tôi buồng 6). Một hôm có tên tướng Công an VC Nguyễn Quyết đến thăm trại giam được ban giám thị dẫn đến buồng 10, và mọi tù nhân trong buồng đều buộc hiện diện nghiêm chỉnh để chào Quyết. Khi Quyết đi ngang cụ Vũ, y dừng lại và cất tiếng hỏi: “Anh Khanh, anh mà cũng có mặt ở đây à? Anh vào đây vì tội gì?” Cụ Vũ không trả lời, nên tên Quyết tiến lại gằn giọng một lần nữa mỉa mai: “Anh Khanh, anh tội gì mà vào đây?” Cụ Vũ ngẩng đầu lên nhìn thẳng vào mặt Quyết, trả lời: “Thưa cán bộ, tội làm cách mạng!”  Quyết có sắc giận hỏi tiếp: “Anh mà cũng dám nói là làm cách mạng à?” Cụ Vũ hiên ngang đáp lại rõ ràng từng tiếng một: “Thưa cán bộ, năm 1927, khi chưa có cái gọi là Đảng Cộng Sản Đông Dương, một số anh em chúng tôi đi theo Nguyễn Thái Học, thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, lập chiến khu,  tổ chức đánh nhau với thực dân Pháp giành độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân, thì việc làm đó, hành động đó không gọi là làm cách mạng thì gọi là gì, thưa cán bộ?” Tên Quyết ngớ người ra, cứng họng vội bước một mạch ra khỏi buồng. Tháng 10 năm 1978, cụ Vũ Hồng Khanh được tha và chỉ định cư trú tại làng Thổ Tang, sống với một đứa con gái và mất năm 1990 tại quê nhà.

   Như đã nói ở trên, Quốc Dân Đảng Việt Nam  hay Mặt Trận Quốc Dân Đảng là một kết hợp chính trị giữa ba chính đảng quốc gia của Trương Tử Anh, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh nhằm đối phó với Mặt Trận Việt Minh của Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng v.v... tại Hà Nội giai đoạn 1945-1946. Trung Ương Đảng Bộ của Mặt Trân Quốc Dân Đảng gồm hai bộ phận bí mật và công khai.

Tối cao bí mật chỉ huy bộ: Trương Tử Anh, Nguyễn Tiến Hỷ, Vũ Hồng Khanh, Nghiêm Kế Tổ và Nguyễn Tường Tam.

Chủ tịch đoàn công khai:

Chủ tịch              : Trương Tử Anh (ĐVQDĐ)
Bí Thư Trưởng    : Vũ Hồng Khanh (VNQDĐ)
Ủy viên               : Xuân Tùng          (VNQDĐ)
                           : Nguyễn Tường Long (ĐVDCĐ)
                           : Phạm Khải Hoàn (ĐVQDĐ)

Ủy viên Trung ương:

Tổng Thư ký Trung Ương
Đảng Bộ             : Nguyễn Tường Tam (ĐVDCĐ)
Ủy viên               : Nguyễn Tường Bách (ĐVDCĐ)
                            : Chu Bá Phượng (VNQDĐ)
                                                    : Nguyễn Văn Chấn    
                                                    : Vũ Đình Trí              
                                                    : Phạm Văn Hể           
                                                    : Nghiêm Kế Tổ          
                           : Nguyễn Tiến Hỷ (ĐVQDĐ)
                          : Phạm Ngọc Chi  (ĐVQDĐ)

Trụ sở của Trung Ương đóng tại Trường Tiểu Học Đỗ Hữu Vị, Hà Nội từ ngày 15-12-1945, và sau ngày 13-7-1946 thì dời về số 83 phố Hàng Đẫy.  Đảng kỳ của Mặt Trận này gồm nền đỏ vòng tròn xanh ngôi sao trắng vốn là đảng kỳ của Đại Việt Quốc Dân Đảng, đảng ca là bài Việt Nam Minh Châu Trời Đông của Hùng Lân. Cơ quan ngôn luận là nhật báo Việt Nam và tuần báo Chính Nghĩa. Các bộ phận của ba chính đảng tại mỗi tỉnh thống nhất hoạt động với nhau theo từng địa phương với một danh xưng duy nhất là Quốc Dân Đảng Việt Nam. Trong bài viết Đảng cộng sản khui lại vụ Ôn Như Hầu , được đăng tải trên một số Website như Thông Luận, Việt Nam Quốc Dân Đảng của ông Lê Thành Nhân,  tác giả Nghiêm Văn Thạch nói rằng “Cần nhắc lại là vào lúc đó hai đảng Đại Việt Quốc Dân Đảng do ông Trương Tử Anh lãnh đạo và Việt Nam Quốc Dân Đảng đã đi tới thống nhất dưới danh xưng chung là Việt Nam Quốc Dân Đảng, gọi tắt là Quốc Dân Đảng” 35 là không đúng. Mặt trận kết hợp chính trị đó gồm ba chính đảng đó là Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Dân Chính Đảng và Việt Nam Quốc Dân Đảng, có tên gọi chung là Mặt Trận Quốc Dân Đảng hay Quốc Dân Đảng Việt Nam.

Việc ông Vũ Hồng Khanh tự ý ký hiệp định sơ bộ 6-3-1946 với Hồ Chí Minh và Sainteny cho phép người Pháp trở lại Bắc Việt là một đòn giáng chí tử vào nội bộ Mặt Trận Quốc Dân Đảng. Nhiều người rất bất bình thái độ của họ Vũ trong đó có lãnh tụ Trương Tử Anh. Chính vì vậy, lực lượng của Đại Việt Quốc Dân Đảng cơ hồ rút ra khỏi tổ chức này để tránh bị tiêu diệt. 

Trong thời điểm ấy, Trương Tử Anh chú ý tổ chức một trường quân sự có tên Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn tại Chapa, phía trên Lào Kay, giáp giới với tỉnh Vân Nam. Trường này do một số sĩ quan Nhật Bản đảm trách mặc dù lúc đó Nhật đã đầu hàng. Một viên đại tá Nhật tên Việt là Hùng nói với hơn hai trăm học viên vốn là bạn bè của ông Bùi Diễm hay con cái của những gia đình quen thuộc có liên hệ hoạt động trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng của Trương Tử Anh: “Chúng tôi có nhiệm vụ giúp các anh để các anh trở thành cấp lãnh đạo của Việt Nam về sau này.”

Vì là một nhân chứng hoạt động sát cánh với Trương Tử Anh nên ông Bùi Diễm đã có những ghi nhận về thế lưỡng đầu thọ địch của các đảng phái quốc gia lúc bấy giờ như sau: “Tôi vừa ở Lạng Sơn về đến Hà Nội vào giữa tháng ba thì được tin là sẽ có cuộc đàm phán sơ khởi với Pháp ở Đà Lạt và phái đoàn Việt Nam sẽ do Bộ Trưởng Ngoại Giao của chính phủ liên hiệp là ông Nguyễn Tường Tam cầm đầu. Thấy vậy, tôi cũng yên tâm phần nào, nhưng đến khi tôi tới gặp ông Trương Tử Anh để tường trình về việc đưa cụ Kim sang Tàu, thì không hiểu ông nhận định tình hình lúc đó ra sao mà, nửa đùa nửa thất, ông bảo tôi: “Cứ cái đà này thì không những Tây không nhả mình ra mà Việt Minh họ cũng không tha mình!” Những biến chuyển mấy tháng sau đó quả là đúng như lời ông nói.” 36

Theo hệ thống tổ chức riêng của Mặt Trận Quốc Dân Đảng, Bắc Kỳ được chia làm 5 Khu Đảng Bộ; Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là Đệ lục Khu Đảng Bộ, Đệ thất Khu Đảng Bộ là từ Đèo Ngang (Quảng Bình) vào cho tới Đèo Cả (Phú Yên). Phía nam Đèo Cả và Nam Bộ có 3 Khu Đảng Bộ. Theo ghi nhận của Minh Vũ Hồ Văn Châm, “Nhìn chung các Khu bộ miền Bắc nặng về quân sự, phần đông đảng viên là từ Trung Quốc kéo về, thiên về đường lối bạo lực vũ trang để chiếm đóng lãnh thổ và cướp đoạt chính quyền hơn là nhẫn nại đấu tranh chính trị để tranh thủ nhân tâm và củng cố cơ sở hạ tầng. Các Khu bộ miền Nam còn non trẻ, hầu hết cán bộ nòng cốt là nhóm sĩ quan Lạc Triệu của Đại Việt Quốc Dân Đảng theo Phạm Cao Hùng (Triệu Giang) vào tăng cường. Rút lại chỉ có Đệ Lục và Đệ Thất Khu Bộ là vững vàng về ý thức hệ chính trị và tổ chức cơ sở. Tại Thanh Hóa, Quốc Dân Đảng Việt Nam xây dựng chiến khu Gi Linh, Bái Thượng thành một căn cứ vững chãi. Tại Huế, nơi đặt trụ sở Đệ Thất Khu Bộ, Bửu Hiệp (Bác sĩ, Xứ Ủy Trưởng Đại Việt Quốc Dân Đảng, chú thích của NĐC) đã khéo léo lãnh đạo đảng viên đặt quyền lợi quốc gia trên tỵ hiềm đảng phái, hàng ngày cắt cử Nguyễn Trung Thuyết và Ngô Văn Hân vào Đại Nội họp bàn với Tố Hữu để giải quyết các vụ xung đột phe phái. Tại Quảng Nam, Trương Phước Tường, Phan Bá Lân, Hoàng Tăng (Hoàng Bình), Phan Ngô, Huỳnh Hòa, Nguyễn Đình Thiệp, từ cuối năm 1945, đã xây dựng nhiều cơ sở quần chúng vững mạnh. Bởi vậy, ở Miền Trung Trung Bộ, chính quyền tuy nằm trong tay Việt Minh nhưng lòng dân thì hơn phân nửa theo về Quốc Dân Đảng Việt Nam. Bàn tay của Đệ Thất Khu Bộ còn vươn dài ra tới Hà Nội. Đệ Thất Khu Bộ tổ chức một trung tâm huấn luyện tại số 9 phố Ôn Như Hầu, Hà Nội, do Phan Kích Nam (Phan Xuân Thiện) phụ trách, để cung ứng cán bộ trung cấp cho Trung Ương và cho các Khu Bộ bạn.”37
 
3.- Vụ án phố Ôn Như Hầu (Hà Nội) và vụ cầu Chiêm Sơn (Quảng Nam) năm 1946, kế sách tiêu diệt đối thủ chính trị

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh luôn luôn đánh giá sự quan trọng của lý thuyết cách mạng. Ông từng viết: “Stalin nghìn lần có lý khi nói: “Lý thuyết cho các đồng chí... quyền lực chỉ huy, tương lai trong sáng, đức tin trong việc làm và sự xác tín về lẽ tất thắng của chính nghĩa.” 38  Dẫn chứng lại câu nói này của Hồ Chí Minh để thấy rằng người cộng sản luôn luôn quan niệm một cách dứt khoát rằng tư tưởng chỉ huy, dẫn dắc hành động. Với các đối thủ chính trị, đánh vào hệ thống tư tưởng, tấn công vào các cơ sở huấn luyện, bồi dưỡng, đào tạo công tác lý luận, triệt hạ các cán bộ chính trị của đối phương chính là giáng những đòn chí tử vào sinh hoạt của kẻ thù.

 Sau những ngày Việt Minh vừa cướp được chính quyền tại Hà Nội, các đảng phái quốc gia đã ra mặt chống đối lại Việt Minh khiến cho Hồ Chí Minh đã phải tổ chức chính phủ liên hiệp trong đó có Nguyễn Hải Thần làm Phó chủ tịch, một vài bộ cho các thành phần chống đối, giành 70 ghế trong quốc hội cho Việt Quốc và Việt Cách.  Các đảng phái chính trị cố gắng tranh thủ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị cho cơ sở cán bộ cũng như đảng viên, thí dụ mấy phân sở ở Ngũ Xã trong đó có Đoàn Thanh Niên Quốc Gia chuyên huấn luyện một số thanh niên về chính trị, tuy nhiên, quan trọng hơn cả vẫn là địa chỉ số 9 Ôn Như Hầu (phố Bonifacy). Đây là một căn phố có lầu: tầng trên là trụ sở của Ban tuyên huấn Đệ Thất Khu Đảng Bộ mới từ Nam Ngãi chuyển ra; tầng dưới là nơi đang mở một lớp huấn luyện chính trị cho các cán bộ từ các khu bộ đưa về. Hồ Chí Minh và các yếu nhân của Việt Minh biết rõ cơ sở này của đối phương và quyết vận dụng mọi thủ đoạn và mưu kế để ra tay tiêu diệt.

Mục đích Việt Minh tạo ra sự kiện phố Ôn Như Hầu là để có cớ dập tắt phong trào chống đối do việc Việt Minh ký với Pháp hiệp ước sơ bộ 6 tháng 3 cho Pháp trở lại Việt Nam mà trước hết là phương cách phao tin do Võ Nguyên Giáp, một người trong cương vị bộ trưởng quốc phòng thay thế Phan Anh, mà David Halberstam cho rằng có “kỹ thuật tổ chức cứng rắn tuyệt hảo để âm thầm quét sạch các phần tử quốc gia đối địch.” 39 Tuy nhiên phải nhớ rằng mọi việc làm của các lãnh tụ VM như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng lúc bấy giờ đều dưới sự điều động của Hồ Chí Minh. Điều này đã được sử gia Hoa Kỳ Douglas Pike, trong cuốn History of VN Communism  xác nhận: “Võ Nguyên Giáp có thể là thiên tài về bạo lực. Trường Chinh là lý thuyết gia uyên bác. Nhưng chính sự vận dụng óc tổ chức xuất sắc của Hồ Chí Minh đã đưa tới thắng lợi rõ rệt.” 40 Quả thật, trong vụ án phố Ôn Như Hầu và sau đó là vụ cầu Chiêm Sơn, chính bàn tay của Hồ Chí Minh đã điều khiển tất cả.

Tháng 5 năm 1946, sau khi lực lượng quân sự của Trung Hoa rút lui khỏi Hà Nội, Đảng Cộng Sản Đông Dương bắt đầu kế hoạch khủng bố nhắm vào lực lượng Mặt Trận Quốc Dân Đảng.

Đối với vụ Ôn Như Hầu tuy đã xảy ra hơn sáu thập niên về trước, luận điệu của tướng Võ Nguyên Giáp vẫn là những âm hưởng mang tính hận thù và nhất là đầy gian trá.

Trong cuốn Những năm tháng không thể nào quên, Võ Nguyên Giáp viết: “... Ngày 11 tháng Bảy, Thường Vụ được các đồng chí ở Nha Công An báo cáo: Bọn phản động Việt Nam Quốc Dân Đảng đang chuẩn bị những hành động khiêu khích rất nghiêm trọng dự định cho tay chân phục sẵn, bắn súng, ném lựu đạn vào binh lính Pháp... Sau khi đã nắm rõ âm mưu của bọn phản động, Thường Vụ chủ trương chỉ thị cho Nha Công An nhanh chóng hành động dập tắt từ trong trứng những mưu đồ của bọn phản cách mạng. Mờ sáng 12 tháng Bảy, một đơn vị công an xung phong bất thần vào khám trụ sở Việt Nam Quốc Dân Đảng tại số 132 phố Minh Khai. Bọn phản động bị bắt tại chỗ cùng với tang vật: một chiếc máy in và những đống truyền đơn còn chưa ráo mực.
7 giờ sáng, Công An Bắc Bộ cùng một lúc khám xét nhiều trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở Hà Nội... Tại căn nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, ta tìm thấy một nơi làm giấy bạc giả và một căn buồng có nhiều dụng cụ tra tấn như máy phát điện, kìm, búa cùng với những vết máu trên tường. Công An ta đào ở vườn sau lên bảy xác chết. Có những xác bị chặt thành nhiều khúc... Tại trụ sở trung ương của Việt Nam Quốc Dân Đảng ở phố Đỗ Hữu Vị (nay là phố Cửa Bắc), ta còn tìm được thêm nhiều xác đàn ông, đàn bà và cả tử thi của binh lính Pháp...  Trong số kế hoạch tịch thu, chúng ta tìm được một bản kế hoạch ám sát và bắt cóc...”41  

Trong cuốn hồi ký Người Chân Chính, Dư Văn Chất, một cán bộ tình báo Cộng Sản bị Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung của ông Ngô Đình Cẩn bắt thời Đệ I Cộng Hòa, đã ghi lại như sau: “... Văn tình nguyện theo học khóa quân chính cấp tốc, bổ sung cho Đoàn quân Nam tiến. Khóa học bế giảng đúng vào lúc một số phản tặc núp bóng đảng phái đối lập và giả dạng lính tàu để gây tội ác trong dân chúng. Hai trụ sở treo cờ Tàu mọc lên ngay ở phố Ôn Như Hầu và Quan Thánh. Bên trong, đầy ắp người Việt không biết một tiếng Tàu, mặc binh phục Tàu, quấn xà cạp tới đầu gối, đầu trọc lốc đội mũ vải lưỡi trai in hệt “tàu phù” (tên gọi quân Lư Hán do người Hà Nội đặt cho). Đấy là hai hang ổ của bọn chuyên bắt cóc, tống tiền, giam người trái phép, tra tấn rồi thủ tiêu. Văn được lệnh trở về cùng anh em cũ thành lập Ban A.S. (Ban Ám sát) từng bước phản công hai hang ổ nói trên. Vụ Ôn Như Hầu đã bị phát giác ra các hố chôn người tập thể gây chấn động dư luận trong nước và thế giới” 42 Qua đoạn văn trích dẫn này, người ta thấy được thủ đoạn của Việt Minh lúc đó là lập ban ám sát để thủ tiêu, thanh toán các lực lượng chính đảng quốc gia. Thử hỏi Việt Minh lúc đó đã nắm được chính quyền, thì cứ đường đường chính chính mà ra tay, hà cớ chi phải lập ban ám sát, hành động ám muội? Lập ban ám sát chính là hành vi ném đá dấu tay, ngụy tạo sự thật để có cớ thủ tiêu đối lập mà không bị dân chúng lên án.

Trong cuộc dàn dựng kế hoạch tiêu diệt các thành phần chính đảng quốc gia, đảng CSVN đã có những hành động mua chuộc các tướng lãnh Trung Hoa như Lư Hán, Tiêu Văn, cụ thể là đem dâng cho các tướng này nhiều vàng bạc, thậm chí đúc cả một bộ bàn đèn thuốc phiện bằng vàng đem dâng cho Lư Hán.

Người Pháp cũng thấy khó khăn khi nói chuyện với các chính đảng quốc gia hơn là thương thảo với Việt Minh cho nên họ đã hết lòng cộng tác với phe nhóm của Hồ Chí Minh trong việc tiêu diệt các lực lượng quốc gia. Sử gia Ellen Hammer, trong tác phẩm The Struggle For Indochina cho biết: “Tại Hà Nội, các xe trinh sát của Pháp chặn hết các đường phố dẫn tới trụ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng để cho Việt minh tấn công vào đó. Quân Pháp xua đuổi  quân của Đồng Minh Hội (chỉ Việt Cách) ra khỏi Lạng Sơn và Hải Phòng giúp cho quân Việt Minh tiến vào. Tại Hòn Gay, quân Pháp thả hết tù thuộc ủy ban hành chánh địa phương của Việt Minh.”43  

Trước khi thi hành quỷ kế trong vụ Ôn Như Hầu, Võ Nguyên Giáp đã liên lạc với Đại Tá Crépin là đại diện lâm thời của Tòa Cao Ủy Pháp, để phân trần lý do phải dùng những biện pháp cứng rắn đối với những phần tử phản động, phá hoại sự hợp tác giữa Pháp với CSVN đồng thời Giáp còn yêu cầu Crépin giúp cho một số chuyên viên sử dụng trọng pháo để tấn công các chiến khu của VNQDĐ mà CS hiện thiếu số chuyên viên đó. Lời yêu cầu của Võ Nguyên Giáp được Crépin nhiệt liệt tán thành, hứa sẵn sàng giúp đỡ mỗi khi Giáp yêu cầu. 44

Trong tác phẩm Giap, the victor in Vietnam, sử gia Peter Macdonald cho biết : “Trước sự sắp sửa rút lui của lực lượng Trung Hoa, các phe quốc gia trong khi cùng một lúc phải chống lại người Pháp và Việt Minh, đã trở nên mục tiêu dễ bị đánh phá. Lúc bấy giờ, tuyệt vọng trong việc giành lại thế thượng phong, họ tiến hành gấp rút các biện pháp quân sự và bắt đầu chỉ trích Giáp trên báo chí và phá uy tín của Giáp bằng các tin đồn miệng. Giáp giận dữ ra lệnh đóng cửa các tờ báo và triển khai các đơn vị Việt Minh chống lại các lực lượng phe quốc gia ở vùng ngoại ô, với sự giúp đỡ tiếp tay của Quân đội Pháp vốn coi phe quốc gia là mối đe dọa còn hơn cả cộng sản.” 45

   Trong cuốn sách Việt Nam Quốc Dân Đảng, lịch sử đấu tranh cận đại 1927-1954, tác giả Việt Dân Hoàng Văn Đào đã trình bày những tin tức mà ông thu thập được về vụ án này:

“Võ Nguyên Giáp tuyên bố là có một tên công an đến mật báo với Giáp rằng:Trong khi y bị đặc vụ VNQDĐ bắt giam tại số 7 phố Ôn Như Hầu (Bonifacy), y lắng tai nghe trộm được những người công tác trong cơ quan ấy bàn nhau dự định đến ngày 14 tháng 7 (14 Juillet) này, nhân dịp Pháp mời chính phủ chúng ta đến dự lễ duyệt binh VNQDĐ sẽ đặc phái đoàn quân cảm tử  đến hành thích nhân viên Chính phủ chúng ta; và người chỉ huy trong cơ quan Ôn Như Hầu, y thường nghe thấy mọi người đều nhắc đến tên Trí.”
Thế là Võ Nguyên Giáp quyết định nhằm vào trụ sở số 9 phố Ôn Như Hầu, không cần biết có sự thực hay là không?
Căn nhà số 9 phố Ôn Như Hầu lúc ấy là Trụ sở của Ban Tuyên huấn Đệ Thất Khu Đảng bộ VNQDĐ từ Nam Ngãi mới thuyên ra đóng trên tầng lầu; lớp dưới là nơi đang mở một lớp chính trị huấn luyện cho các cán bộ từ các khu đưa về.
   Nguyên biệt thự số 9 phố Ôn Như Hầu này trước kia quân đội Nhật Bản chiếm ở; đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, quân đội Trung Hoa lại thay quân đội Nhật ở luôn ở đấy; kịp khi quân đội Trung Hoa trở về nước, họ trao lại cho VNQDĐ, mới từ tháng 5-1946. Trong khi quân đội Trung Hoa ở biệt thự ấy, có một số quân nhân thuộc loại “Tầu phù” bị chết: chết bằng đủ mọi cách: vì đương đói, nay mới được ăn no đến bội thực mà lăn ra chết, chết về bệnh phù thũng v.v. đồng bọn cho đào hố vùi ngay bên hông hay sau những gốc chuối gần ngay cạnh biệt thự. Nhà thầu khoán Nguyễn Duy Hợi là người được trao phó việc sửa sang lại ngôi biệt thự này trước khi được dùng làm trụ sở VNQDĐ có cho chúng tôi biết rằng: vài ngày trước khi rút lui, bọn Tàu phù còn mới vùi dập thêm ở ngoài vườn biệt thự một số quân nhân Tàu mới chết nữa.” 46       
Nói về sự dàn cảnh của vụ này, Hoàng Văn Đào viết tiếp: “Tối hôm ấy (12.7.1946) sở Quân vụ Thành phối hợp với Tư lệnh bộ ra lệnh giới nghiêm toàn thành; rồi lợi dụng thời gian giới nghiêm vắng người qua lại, sai sở công an Bắc bộ xuống Nhà thương Bạch Mai và Phủ Doãn chở một số xác chết vô thừa nhận (Ông Nguyễn Văn Huyên khi ấy làm thư ký nhà thương Bạch Mai đã cho biết rằng: đêm 12.7.1946, công an C.S. đã xuống Nhà thương Bạch Mai lấy đi 3 xác chết vô thừa nhận) đem đến vứt trong trụ sở Ôn Như Hầu của VNQDĐ đồng thời cho mai phục súng ống đầy đủ xung quanh rồi bắt đầu mở cuộc đột kích vào.
   Đầu tiên bên VNQDĐ chống trả mãnh liệt và không cho họ được tự tiện xâm nhập trụ sở. Cuối cùng binh sĩ C.S. phải dùng đến áp lực súng đạn mới ập vào được. Thế là đang đêm họ bắt tất cả những người có trách nhiệm tại đó bí mật mang đi, trong số có: Phan Kích Nam, Nguyễn Văn Phúc, Nguyễn Chữ, Phan Quán, Phạm Văn Thắng v.v... với một số giấy tờ, trong đó có một tài liệu quan trọng là chương trình kế hoạch đảo chính Chính phủ Hồ Chí Minh.
   Sáng hôm sau, (13.7) C.S. cho khai quật các xác chết ngoài vườn lên, xác chôn lâu có, xác mới chôn cũng có (số xác mà Công an Bắc bộ mới mang tới tối hôm trước), lập thành biên bản; rồi mời báo chí, đồng bào cũng như một số người ngoại quốc đến xem để chụp hình quay phim; rồi cho trưng bày hình ảnh tại phòng Thông tin cho công chúng vào xem, tuyên truyền vu cáo trước dư luận rằng:
- VNQDĐ đã lập riêng nơi số 9 Ôn Như Hầu một “Hắc điếm” chuyên cướp của và bắt cóc giết người, thủ tiêu những thường dân vô tội, và sự thực đã chứng minh.” 47
   Cũng trong tài liệu vừa trích dẫn, tác giả Hoàng Văn Đào cho biết thêm rằng: “Tài liệu này đã tìm thấy trong tập hồ sơ của tên Lễ, là đại đội trưởng C.S. bị cơ quan an ninh của Hội đồng An dân thành phố Hà Nội bắt được hồi năm 1947. Tên Lễ đã khai: “chính y là người được Võ Nguyên Giáp cử ra đứng điều khiển việc vào chiếm và canh gác cơ quan Ôn Như Hầu, rồi đem xác chết từ các nhà thương đến chôn xuống, dàn cảnh để khám xét, khai quật những xác chết ấy lên, vu cáo cho VNQDĐ cướp của, bắt cóc, giết người để bôi nhọ.”48

   Trong tuyển tập Quan điểm về một số vấn đề Chính trị và Văn hóa Việt Nam, Minh Vũ Hồ Văn Châm, qua bài Câu chuyện xoay quanh lá cờ, đã giới thiệu về là cờ sao trắng, nói về Quốc Dân Đảng gốc Đại Việt và Quốc Dân Đảng gốc Việt Quốc trong bối cảnh một trường Quốc Học xứ Huế vẫn còn bầu khí e dè sợ sệt vì an ninh bản thân mặc dù một số các vị thầy giáo khả kính thuộc ĐV (đít vịt) hay QDĐ (quần dài đen) không ngớt âm thầm truyền bá chủ nghĩa quốc gia trong lòng các thanh niên học sinh, đề cập đến quá trình lịch sử của các chính đảng quốc gia, và nhất là đã lên tiếng về các âm mưu bẩn thỉu của chế độ Việt Minh, trong năm 1946 với việc ngụy tạo vụ án Ôn Như Hầu, vụ cầu Chiêm Sơn nhằm mục đích triệt hạ các lực lượng quốc gia, để độc chiếm quyền lãnh đạo trên đất nước.49

   Với bài báo Đảng cộng sản khui lại vụ Ôn Như Hầu, nhằm trả lời chế độ CS Hà Nội, tác giả Nghiêm Văn Thạch cho biết ngày 19-8-2005 báo Nhân Dân, cơ quan của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã đăng bài viết của Lê Hữu Qua, thiếu tướng công an CS tự giới thiệu là người trực tiếp chỉ huy một tiểu đội tấn công cơ sở của đảng Đại Việt ngày 12-7-1946 ở phố Duvigneau và nhiều cơ sở khác của Đại Việt sau đó.

Nhận định về bài viết của Lê Hữu Qua, tác giả Nghiêm Văn Thạch ghi rằng: “Bài báo cáo Lê Hữu Qua khoe khoang chiến tích của đơn vị ông, kể cả những miếng võ ngoạn mục của đội xung kích do ông chỉ huy, nhưng với người đọc có óc nhận xét nó là một tố giác đối với Đảng Cộng Sản Việt Nam vì ông ta viết một cách khờ khạo. Trước hết Lê Hữu Qua nói rằng Đại Việt âm mưu bạo động. “đào công sự chiến đấu, canh gác ngày đêm, tăng cường lực lượng bảo vệ, nội bất xuất ngoại bất nhập.”Nhưng ông ta thuật lại rằng chỉ tấn công cơ sở này với một tiểu đội (khoảng 10 người) và thành công dễ dàng  vì chỉ có một “tên lính canh ngủ gật”và khoảng 20 người đang ngủ say. Rõ ràng là một mâu thuẫn ngớ ngẩn chứng tỏ đây chỉ là một chỗ làm việc bình thường của Đại Việt bị tấn công trong lúc không nghĩ là mình sẽ bị tấn công. Lê Hữu Qua cũng không nói tới bất cứ một vũ khí nào, điều này chứng tỏ những đảng viên Đại Việt này hoàn toàn tay không. Như vậy không hề có cơ sở chiến đấu, không có việc chuẩn bị bạo động. Và đây là sự thật.
Mặt khác, Lê Hữu Qua cũng xác nhận là Đảng Cộng Sản Việt Nam vô cớ tấn công. Lê Hữu Qua viết “theo nhận xét của Nha, bọn chúng sẽ ra tay vào ngày 14-7”. Chỉ “nhận xét”thôi là ra đòn, và nhận xét theo bằng chứng nào thì Lê Hữu Qua hoàn toàn không nói, vì không có. “Nha”mà Lê Hữu Qua nói đến là Nha Công An, lúc đó do Lê Giản làm giám đốc, cơ quan này chỉ huy toàn bộ công an cộng sản lúc đó. Vẫn theo giọng điệu gian trá và khủng bố của cộng sản lúc đó, Lê Hữu Qua nói về “âm mưu” của Đại Việt như sau:
“Vậy là “kịch bản” của chúng đã rõ ràng; khi bọn Pháp diễu binh ngày 17 tháng 7, bọn Đại Việt sẽ ném lựu đạn vào đoàn duyệt binh, chúng còn ghi rõ, chỉ ném vào bọn lính da đen!!! Pháp sẽ vu khống Việt Minh đánh chúng và lập tức đánh úp các cơ quan đầu não và bắt các lãnh tụ của ta. Đại Việt sẽ đảo chính tại Hà Nội và các cơ sở của chúng ở địa phương sẽ nổi dậy hưởng ứng âm mưu của thực dân Pháp và tay sai quả là thâm độc và nguy hiểm nếu công an ta không đánh được một đòn quyết định và kịp thời này.”
Nhưng Lê Hữu Qua không thể đưa ra bằng cớ nào về “kịch bản” này, vì hoàn toàn không có.
Về vụ án Ôn Như Hầu, Lê Hữu Qua viết:
“Trong đợt tấn công Đại Việt lúc đó, sau được gọi là “Vụ án phố Ôn Như Hầu”. Đó là tại số nhà 7 phố Ôn Như Hầu (sau này là phố Nguyễn Gia Thiều), ta bắt được tên Phan Văn Kích, ủy viên trung ương của Quốc Dân Đảng, tại đây có một phòng giam, còn hai người bị trói đang nằm đó cùng với rất nhiều dụng cụ đánh đập tra tấn... những người bị chúng bắt cóc về để tống tiền, máu me còn be bét trên tường, không khí nồng nặc hôi thối. Ở sân, đào lên còn thấy ba hố chôn người. Có hố mới chôn, xác nạn nhân bị chặt ra nhiều đoạn!!! Bấy giờ mới vỡ lẽ ra là nhiều chị hàng rong, anh xích lô, cả thầy giáo, cả thầy thuốc... trước kia bị mất tích là do “các nhà ái quốc này” bắt cóc về để hãm hiếp, tống tiền, sau đó là thủ tiêu tại chỗ!!!”
   Tác giả Nghiêm Văn Thạch đã “kê tủ đứng” vào họng bọn ngụy quyền Cộng Sản, khi vạch trần chính sách gian trá qua bài viết của Lê Hữu Qua: “Cũng lại là một trò dựng đứng vô lý với lời lẽ thô bỉ của một kẻ hạ cấp đắc chí. Cái gì bảo đảm rằng những xác chết, những vết máu không phải do chính công an mang tới? Đây là một trò vu khống cố hữu của công an cộng sản. Năm 1984 họ đã đem vũ khí vào trong chùa lấy cớ bắt hai đại đức Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát về tội âm mưu bạo loạn để tuyên án tử hình. Bây giờ thì họ mặc nhiên nhìn nhận là không có gì và đã trả tự do cho hai vị này dưới áp lực của dư luận. Họ cũng đã ném truyền đon do chính họ in ra vào các trụ sở Tin Lành để lấy cớ đóng cửa các nhà thờ và bắt giam các mục sư. Đó là hơn 40 năm sau, khi họ đã văn minh nhiều so với ngày trước.” 50

Chính sách gian trá và hành động sử dụng bạo lực của chế độ Cộng Sản chỉ có thể đánh lừa hạng dân ngu khu đen, ít học lúc bấy giờ, hay bọn theo đóm ăn tàn, tuy có chút tri thức nhưng vụng suy hay sợ sệt ngón đòn gian ác của Việt Minh mà câm miệng, thủ khẩu như bình.

Trong thực tế,  giới nghiên cứu sử học ngoại quốc cũng đã thấy được sự thật và mạnh dạn nói lên sự thật đó trong các công trình nghiên cứu đứng đắn của họ.

Trong tác phẩm Victory at any cost, The genius of Vietnam’s Gen. Vo Nguyen Giap, sử gia Cecil B. Currey đã viết : “Vụ án phố Ôn Như Hầu”dọi ánh sáng trên các phương pháp của Giáp. Sau khi chỉ thị cho tay chân chiếm trụ sở chính của VNQDĐ ở phố Ôn Như Hầu tại Hà Nội, Giáp ra lệnh cho bọn đó thiết trí một phòng tra khảo. Bọn chúng đã đào một số xác chết chung quanh vườn lên để Giáp loan báo là bọn này đã phát giác  ở sau vườn một nấm mồ tập thể của nhiều đối thủ bị VNQDĐ giết. Trong thực tế những xác chết vô danh kia chính là các đảng viên VNQDĐ bị người của Giáp thủ tiêu. Tuy nhiên bọn Giáp vẫn cứ tuyên truyền với những ai đến xem đó là các xác chết bị người quốc gia giết. Bọn chúng bảo : “Coi đấy,  hành vi kinh tởm của bọn quốc gia là thế đấy.” Khi sự thật bắt đầu đồn đãi ra, vụ án Ôn Như Hầu đã thực sự mở mắt cho những ai còn chưa tin rằng Việt Minh là màu đỏ.”51

   Đến đây tưởng cũng nên nhắc đến Phan Kích Nam là người chủ chốt trong vụ án Ôn Như Hầu. Phan Kích Nam hay Phan Xuân Thiện quê quán tại Điện Bàn, Quảng Nam, con một mục sư đạo Tin Lành. Đậu Tú Tài Toàn Phần xong, ông không theo ngành công chức mà đi dạy học ở các trường tư và gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng, hoạt động cách mạng. Ông bị bắt tại trụ sở Quốc Dân Đảng thuộc phố Ôn Như Hầu, chuyển về giam tại xà-lim án tử hình ở Hỏa Lò rồi sau đưa lên lao xá Phú Thọ giam dưới hầm kín (cachot) giữa sân. Một đêm vào đầu năm  năm 1947 Phan Kích Nam bị VM dẫn ra khu đất hoang gần lao xá tỉnh Phú Thọ  hạ sát  cùng với Lê Khang và 11 người khác.

   Với việc ngụy tạo vụ án Ôn Như Hầu, VM đã thành công tạo ra đòn tâm lý rất nặng đó là khiến nhiều người trước đây theo Quốc Dân Đảng nay bỏ hàng ngũ Việt Quốc, Việt Cách mà chạy theo VM 52, nhiều người bị lừa bịp như trường hợp Huỳnh Thúc Kháng.53 Tuy nhiên, theo ghi nhận của Hoàng Văn Đào, đồng bào Thủ đô lúc ấy có rất nhiều người biết rõ sự thật câu chuyện vu khống này, nhưng vì áp lực chính quyền CS có ai dám hở môi. Còn những người có tên tuổi, có uy tín của phe quốc gia ở trong Chính phủ Liên hiệp thì đã xuất ngoại cùng một lúc hoặc trước khi quân đội Trung Hoa rút lui. Những kẻ chậm chân còn ở lại trong nước thì đang tìm cách lẩn tránh để khỏi bị sát hại; lấy ai đâu mà tẩy vết nhơ để thanh minh sự vụ trước đồng bào, trước lịch sử. 54

   Sau vụ án Ôn Như Hầu, bầu không khí khủng bố bao trùm cả Hà Nội, với biết bao cảnh bắt bớ, ám sát, thủ tiêu trên từng mỗi con phố, góc tường, vỉa hè v.v... Tác giả Bùi Diễm đã ghi lại hoàn cảnh sinh hoạt đầy tử khí lúc bấy giờ như sau: “Tôi không dám ngủ ở một nơi nào hai đêm liền. Đi đâu thì cũng phải nhìn trước nhìn sau, canh chừng đủ mọi thứ, đủ mọi người và khẩu súng lục giắt ở sau lưng có lẽ là thứ vật dụng được nghĩ tới ngày đêm. Ông Trương Tử Anh cũng sống như vậy, Vì Việt Minh thừa biết ông là đảng trưởng Đại Việt, nên ông bị truy lùng gắt gao, bởi vậy mà đêm nào ông cũng phải rút về nơi an toàn. Họp thì cũng chỉ với một hai người là cùng, và ngoài liên lạc viên không ai được biết trước nơi họp. Suốt vụ hè này, tôi được gặp ông luôn và một đôi khi ở cùng với ông vài ngày trong một căn nhà khu Nhà Diêm, phía Nam thành phố Hà Nội. Làm việc luôn với ông, tôi cảm thấy càng ngày càng cảm mến, kính trọng ông và lúc này, một nửa thế kỷ sau, nhớ lại những ngày ấy tôi lại càng kính mến ông.”55

   Nói về tinh thần đoàn kết giữa các chính đảng quốc gia, có lẽ qua kinh nghiệm của Mặt Trận Quốc Dân Đảng, Đảng Trưởng Trương Tử Anh đã có lần nói với ông Bùi Diễm : “Đoàn kết khó lắm, nhưng không có đoàn kết thì khó lòng đánh lại được Cộng Sản.” 56

   Trở lại với một con người điển hình bị CS lợi dụng đành mang một nỗi hận đau đớn cho đến chết đó là cụ Huỳnh Thúc Kháng, chấp nhận ra cộng tác với Hồ Chí Minh có lẽ cũng do sự thúc đẩy của ý thức đoàn kết.

   Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Hanh, tự Giới Sanh, hiệu Mính Viên (vườn chè già, mính chứ không phải minh như một số tài liệu ghi nhầm), sinh năm 1876 tại làng Bình Thạnh, tổng Tiên Giang thượng, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Ông đỗ đầu kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên năm 1900, đỗ đầu kỳ thi Hội tại Huế và đỗ thứ tư trong kỳ thi Đình sau Đặng Văn Thụy, Trần Quý Cáp, Hoàng Kiêm. Huỳnh không ra làm quan nhưng trở về Quảng Nam vận động cuộc duy tân với Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, bị Pháp bắt năm 1908 vì can dự vào phong trào kháng thuế và bị đày ra Côn Đảo. Ông học chữ Pháp trong tù và tương truyền để có đủ chữ dùng, ông đã học thuộc lòng cả một cuốn từ điển Pháp Việt.

   Sau khi ra tù, Huỳnh Thúc Kháng về quê sinh sống, ứng cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ năm 1926, đắc cử  và được bầu làm Viện Trưởng, năm sau (10-8-1927) ông xuất bản tờ báo Tiếng Dân có nhiều đụng chạm với người Pháp và triều đình Huế. Đối với phong trào cộng sản, từ năm 1930, họ Huỳnh không đánh giá cao trong các bài viết trên Tiếng Dân và bài phỏng vấn trả lời nữ ký giả Andrée Viollis năm 1931: “... Quần chúng Việt Nam hoàn toàn không biết đến lý thuyết Lénine. Vài người trẻ  ở hải ngoại đã du nhập lý thuyết nầy, nhưng dân chúng chẳng hiểu được gì và họ nghĩ rằng như mọi thuyết khác, nó hứa hẹn giúp họ thoát qua khỏi cảnh cùng cực...” 57.  Tuy nhiên có lẽ ông Huỳnh không biết gì về hiểm họa Cộng Sản so với một nhà tu thì nhà tu này lại tỏ ra sắc bén trong những nhận định về Cộng Sản, ngay từ khi chưa có Đảng Cộng Sản Đông Dương (được thành lập ngày 3-2-1930), đó là linh mục Nguyễn Văn Thích, con cụ Thượng Thư Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại, giáo sư Hán văn tại Viện Đại Học Huế 1957-1975. Từ năm 1927, khi ở Quy Nhơn, linh mục Nguyễn Văn Thích đã in một tập sách nhỏ có tên Vấn đề Cộng Sản trong đó tác giả nhận định :

   “Con quỷ của chủ nghĩa Cộng Sản đang nắm bắt những dịch vụ đương thời, những vấn nạn chính trị, những vấn đề vốn chỉ đặt ra cho các cơ sở chính quyền, và đem những việc đó thảo luận với đám bình dân cùng trẻ con là những kẻ vẫn còn chưa biết phải khảo sát các vấn đề ấy làm sao cho thích đáng. Những người cộng sản cũng khai thác bản tính tham lam, độc ác của các tầng lớp hạ lưu và sử dụng các phương tiện bạo lực, dã man để mau chóng đạt mục tiêu của mình.”  58

   Linh mục Nguyễn Văn Thích đã viết những điều này vào năm 1927, khi chưa có Đảng Cộng Sản Đông Dương, nhưng hai thập kỷ sau đó chính chế độ Việt Minh đã sử dụng các phương tiện bạo lực, các kế sách mọi rợ, dã man để đạt cho được mục tiêu của mình là cướp lấy và nắm chặt chính quyền một cách mau chóng. Cộng Sản đã khai thác bản tính tham lam của người dân quê VN nên đã tạo ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930) hứa hẹn lấy của nhà giàu chia cho người nghèo, áp dụng cả trong năm đợt Cải Cách Ruộng Đất (1949-1956) lấy ruộng địa chủ chia cho bần cố nông, khai thác bản tính độc ác của các tầng lớp hạ lưu bằng cách trao cho họ một vài chút uy quyền nơi phường, xã, thôn, ấp để sử dụng trong việc giết các đối thủ chính trị, những người bất đồng chính kiến một cách không nương tay, không ngại ngùng, không thương xót mà các biến cố đảng tranh giai đoạn 1945-46 tại Hà Nội, Cải Cách Ruộng Đất ở miền Bắc, biến cố Tết Mậu Thân ở Huế (1968) là những thí dụ rất điển hình.

Trở lại với câu chuyện cụ Huỳnh Thúc Kháng.  Cụ thường hay xưng mình là một nhà cách mạng công khai (un révolutionnaire ouvert) trong quan hệ với người Pháp.

   Năm 1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được Hồ Chí Minh và Nguyễn Hải Thần mời ra Hà Nội giữ chức Bộ Trưởng Nội Vụ trong Chính phủ Liên hiệp ra mắt ngày 2-3-1946.

   Nhận xét về thành phần chính phủ liên hiệp lúc bấy giờ, Nghiêm Kế Tổ đã viết rằng: “Nhìn qua thành phần chính phủ cải tổ, về hình thức thì hoàn toàn đoàn kết nhưng bên trong khác hẳn. Cụ Nguyễn Hải Thần già yếu nhu nhược, giữ ghế Phó chủ tịch làm gì. Địa vị Ngoại trưởng của Nguyễn Tường Tam, nào có ngoại giao gì đâu, ngoại giao với Pháp thì đường lối chính đã do Việt Minh vạch sẵn rồi, chỉ còn có ngoại giao với Trung Hoa thì cái thế anh em nhà  của Nguyễn ngoại trưởng với Lư Hán, Tiêu Văn lại là một điều lợi cho Việt Minh quá. Về Nội vụ, cụ già Huỳnh Thúc Kháng chỉ còn dư gân sức ký những sắc lệnh đã được thảo sẵn. Riêng bộ Quốc phòng của Phan Anh thì chỉ làm nhiệm vụ kiến quân, dưỡng quân và huấn quân, còn việc dụng quân lại thuộc Võ Nguyên Giáp...”59 Độc giả nên chú ý đến câu cuối của Nghiêm Kế Tổ bởi vì chính Võ Nguyên Giáp đã sử dụng quân đội trong việc đánh phá các chiến khu của Quốc Dân Đảng trong nhiều tỉnh ở Bắc Kỳ và dùng võ lực để tiêu diệt các lực lượng đối kháng tại Hà Nội điển hình qua vụ phố Ôn Như Hầu và cầu Chiêm Sơn mà chúng tôi sẽ nói đến ở phần sau.

   Cụ Huỳnh Thúc Kháng không có kinh nghiệm về Việt Minh, lại không có kinh nghiệm hoạt động chính trị đảng phái nên sau khi Võ Nguyên Giáp dàn dựng ra vụ Ôn Như Hầu và mời đến chứng kiến với tư cách bộ trưởng Nội vụ, cụ đã cực lực lên án rằng: “Không ngờ bên Việt Quốc lại có những hành động quá tàn ác như thế!” rồi sau đó, ngày 14-7-1946 với cương vị quyền Chủ tịch nhà nước, cụ Huỳnh ký nghị định trừng trị VNQDĐ 60.

   Trước khi sang Pháp dự hội nghị Fontainebleau, Hồ Chí Minh đã viết cho Huỳnh Thúc Kháng tấm thiệp trong đó có sáu chữ Hán “Dĩ bất biến ứng vạn biến” (lấy cái không biến đổi để ứng phó với vạn cái biến đổi), mục đích là trói tay không cho cụ Huỳnh tiến hành một công việc nào đó khả dĩ làm hư các công tác khác của Việt Minh trong khi họ Hồ đi xa.

   Hồ quả thật nham hiểm tột độ sắp đặt mọi công tác cho đàn em tiến hành, đúng như ông trả lời Tướng Salan tháng 5 năm 1946 “Giáp hoàn toàn tận tụy với tôi. Ông ta tồn tại được vì nhờ tôi nâng đỡ. Ông ta cũng như những người khác không làm gì được nếu không có tôi. Tôi là người cha của cách mạng.”61

   Khi được Hồ Chí Minh cho về Quảng Nam, Huỳnh Thúc Kháng đau nặng nhưng không dám về quê Tiên Phước mà đi thẳng vào Quảng Ngãi, chết ở đó vì dư luận Quốc Dân Đảng lúc bấy giờ ở Quảng Nam rất sôi sục về hành động của cụ qua biến cố Ôn Như Hầu. Có người nêu nghi vấn là trước khi mất cụ Huỳnh dặn người nhà “chôn sấp” nghĩa là đặt thi thể cụ nằm úp mặt xuống đất nhưng người nhà thấy tội nghiệp quá, không đành làm như vậy.62 Nhiều nghi án về cái chết của cụ Huỳnh còn ghi lại trong đó Minh Vũ Hồ Văn Châm cho rằng “Theo tiết lộ của cán bộ cộng sản Hoàng Mạnh Đức, Trưởng ban Huấn  luyện Quân báo Liên khu 5, thì Huỳnh Thúc Kháng, sau khi đóng trọn vai trò bù nhìn bung xung, đã được cộng sản đưa về Quảng Ngãi dưỡng bệnh rồi chích thuốc thủ tiêu để diệt khẩu vào năm 1947.” 63

   Chính sách của Cộng sản là trở mặt sau khi đã đạt tới mục tiêu. Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Liên hiệp để tạm yên lòng các chính đảng quốc gia, cần có Quốc hội đoàn kết nên đã đành lòng chịu nhường cho Quốc Dân Đảng 50 ghế và phe Nguyễn Hải Thần (Việt Cách) 20 ghế, giải tán Đảng Cộng Sản Đông Dương,  nhưng sau khi lực lượng quân sự của Trung Hoa kéo về nước, và sau khi đã đạt được thỏa hiệp với người Pháp qua hiệp ước sơ bộ 6 tháng 3,  đã đến lúc Việt Minh không cần khoác bộ áo quốc gia dân tộc nữa thì họ quay ra dứt điểm các thành phần bất đồng chính kiến với họ nhất là các đảng phái quốc gia đang sách động dân chúng yêu nước tố giác tội ác bán nước của họ. Một người như cụ Huỳnh Thúc Kháng khi xét thấy không cần dùng nữa thì Việt Minh thủ tiêu, với CS đó là chuyện bình thường, bởi vì “được chim bẻ ná, được cá đá lờ”.

   Tác giả Nghiêm Văn Thạch có lẽ đã nhận định đúng về Huỳnh Thúc Kháng: “Sau cùng, lệnh đàn áp đã đến từ Huỳnh Thúc Kháng, một ông đồ nho lẩm cẩm hoàn toàn do đảng cộng sản khống chế. Tôi thành thật không hiểu vì sao người ta vẫn còn dành cho ông sự kính trọng nào đó. Thật ra ông chẳng có một kiến thức hay một lý luận nào đáng kể. Việc làm duy nhất của ông là đã đặt bút ký lệnh phát động một đợt đàn áp đẫm máu mà những người yêu nước chân chính đã là nạn nhân. Ông không biết gì và cũng không có ác ý, ông chỉ là một công cụ ngoan ngoãn và ngây ngô trong tay đảng cộng sản mà thôi.”64

   Nếu vụ án Ôn Như Hầu tại Hà Nội là đòn của Việt Minh đánh vào bộ phận tuyên huấn của Quốc Dân Đảng Việt Nam thì vụ án cầu Chiêm Sơn cuối năm 1946 nhằm chủ đích đánh vào các thành phần nòng cốt lãnh đạo của đảng phái quốc gia tại Miền Trung Trung Bộ nơi mà Cộng Sản tuy có được chính quyền nhưng hơn một nửa quần chúng đã nghiêng về phía Quốc Dân Đảng VN.

   Trước đó, từ năm 1942, Đại Việt Quốc Dân Đảng tại Phú Yên đã từng lãnh đạo 20,000 nông dân chống Công ty Đường Trung Kỳ (Société Sucrière d’Annam) của liên doanh tư bản Pháp – Hòa Lan chứng tỏ ảnh hưởng của Đại Việt còn rất sâu đậm trong dân chúng nông thôn. 65 

Tại Quảng Nam, cũng do sự xông xáo của Phan Kích Nam (tức Phan Xuân Thiện) mà hoạt động của Quốc Dân Đảng VN bành trướng mau lẹ với các cán bộ lãnh đạo kiên cường của như Trương Phước Tường, Phan Bá Lân, Hoàng Tăng (Hoàng Bình), Huỳnh Hòa, Phan Ngô, Nguyễn Đình Thiệp từ cuối năm 1945 đã xây dựng được cơ sở vững mạnh trong quần chúng. Nhiều nơi Ủy Ban Hành Chánh Xã nằm trong tay cán bộ Quốc Dân Đảng nên các mệnh lệnh của chính quyền CS không được thi hành thậm chí các cuộc quyên góp cũng bị thất bại. Chính vì vậy, Tổng bộ Việt Minh cùng với Xứ Ủy Trung Việt Trần Hữu Dực, kết hợp với Nguyễn Duy Trinh, Tố Hữu quyết định đàn áp Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam để bảo tồn địa vị của họ.

   Trong cuốn Việt Nam Quốc Dân Đảng, tác giả Hoàng Văn Đào cho biết: “Ty công an CS Quảng Nam do Huỳnh Lắm, Trịnh Quang Xuân cầm đầu nhận lệnh của thượng cấp bố trí công việc đàn áp theo một kế hoạch chung. Trước hết ngầm vận động tên Nguyễn Phúc, tục gọi là Phó Đảnh làm nghề thợ rèn, nhà ở gầm cầu Chiêm Sơn thuộc huyện Duy Xuyên tỉnh Quảng Nam.
   Rồi một đêm vào hạ tuần tháng 7.1946, khi chuyến xe lửa chở binh sĩ tiếp viện cho mặt trận Nam bộ chạy đến cầu Chiêm Sơn, bỗng dưng ngừng lại, vì thấy có lửa đốt ra hiệu báo nguy.  Tưởng là có người bị nạn, nhưng xuống xem, thời lại thấy có người đương tháo đinh bù-loong ở dưới gầm cầu; đó là theo lời khai của tài xế trên chuyến xe lửa ấy.
   Rồi ngay ngày hôm sau, Phó Đảnh cùng đứa con trai của y 15 tuổi, được ty công an đòi đến. Vì đã có sự dỗ dành mua chuộc với giá cả xong xuôi, bắt ép Phó Đảnh phải khai là những đảng viên VNQDĐ do Phan Bá Lân tổ chức với y phá cầu Chiêm Sơn, để cướp khí giới của đoàn quân đi Nam bộ, đặng có số khí giới cướp chính quyền tỉnh Quảng Nam. Kế tiếp công an CS lại đọc thêm từng tên khác, buộc Phó Đảnh phải ký cung. Nắm được tờ cung khai của Phó Đảnh, công an ra lệnh lùng bắt Phan Bá Lân, Huỳnh Hòa, Phan Ngô và một số đảng viên khác đem về giam, rồi dùng cực hình tra tấn dã man tàn ác hơn cả mật thám thời Pháp thuộc, bắt buộc phải nhận những điều hoàn toàn bịa đặt... Phó Đảnh khi thấy những người mà mình bắt buộc phải khai ra để được lãnh một số tiền thưởng, không ngờ chính mắt y thấy những người ấy lại bị tra tấn quá dã man, mà y cũng không được thả ra, y quay lại hối hận, rồi xé áo dùng làm giây treo cổ tự tử trong phòng xí; còn đứa con của y, vì biết rõ âm mưu ấy, CS thấy không thể tha được nữa, buộc lòng đem đập cho hết luôn!” 66

   Sau vụ án này, CS mở một màn đại khủng bố nhằm vào các cơ sở của Quốc Dân Đảng tại các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Quế Sơn, Đại Lộc, Hòa Vang, Thăng Bình, Tiên Phước, bắt bớ rất nhiều cán bộ Việt Quốc đem lên giam ở Nghi Hạ, Trà Linh khiến đa số chết vì suy dinh dưỡng, lao động cực nhọc, thiếu quần áo, thuốc men và vì lam sơn chướng khí. Các cán bộ lãnh đạo nòng cốt của Quốc Dân Đảng tại Quảng Nam đã kiên cường phủ nhận tất cả những điều cáo buộc phi lý của CS mặc dù bị bắt giam, đánh đập tàn nhẫn. Hai câu đối sau đây do một đảng viên Việt Quốc quê ở Duy Xuyên vốn bị giam ở trại Trà Linh, và đã chết sau đó mấy tháng, đã tức cảnh sinh tình phản ảnh khá đầy đủ sự đầy đọa vô nhân đạo mà các chiến sĩ chính đảng quốc gia phải chịu đựng dưới bàn tay của Cộng Sản:

   “Trăng hai tròn xác chết đã năm thây, mượn đất Trà Linh chôn sấp ngửa;
   Chiếu  một manh kẹp tre thêm bảy tấm, gọi hồn Tổ Quốc chứng ngay gian.”

   Tại Quảng Bình, cụ Tú Xương làm Chủ nhiệm Tỉnh bộ Quốc Dân Đảng Việt Nam được hơn một tháng thì bị Công an CS bắt cóc, rồi bỏ bao bố thả xuống sông, theo giòng sông Nhật Lệ trôi về trước mặt thành phố Đà Nẵng 67.

   Tiếp sau vụ cầu Chiêm Sơn, công an Quảng Ngãi đã điều động lực lượng truy lùng các cán bộ nòng cốt của Mặt Trận Quốc Dân Đảng và bắt được các ông Nguyễn Hoàng, Phạm Đình Nghị, Trần Cừ, Võ Đình Yên, Trần Giám, chỉ có Phan Quang Bổng là may mắn chạy thoát. Tại Bình Định, công an đã bắt giam rồi xử tử hình Nguyễn Hữu Lộc, Đoàn Đức Thoan, Võ Minh Vinh, riêng hai chú cháu Tạ Chương Phùng, Tạ Chí Diệp ra biển kịp thời vượt thoát vào Nam. Tại Phú Yên, tổ đình của Đại Việt Quốc Dân Đảng, Mặt Trận Quốc Dân Đảng cũng bị đàn áp khốc liệt, Tinh Hoa Thư Quán bị lục soát và phong tỏa, các cán bộ lãnh đạo như Trương Soạn, Huỳnh Anh, Trương Dụng Quyền, Phan Dùng, Huỳnh Tất, Trương Lịnh, Trương Ký nhất loạt bị bắt giam và rồi bị thủ tiêu.

   Sau các vụ án đẫm máu phố Ôn Như Hầu rồi vụ cầu Chiêm Sơn dẫn đến biết bao cái chết bí mật của các đảng viên, cán bộ trong Mặt Trận Quốc Dân Đảng, ông Bùi Diễm đã có những  ghi nhận về hình ảnh và dấu tích của Đảng Trưởng Đại Việt trong tập hồi ký của mình: “Vào mùa thu 1946, trong khi cả hai bên Pháp và Việt đang ráo riết sửa soạn chiến tranh thì nhiều bạn tôi trong đảng Đại Việt và những đảng phái quốc gia khác đều tìm cách lẩn trốn. Mỗi khi liên lạc lại được với nhau, thì câu hỏi đầu tiên là ai còn, ai mất, và ai là những người còn mà không thể ra mặt được? Mạng lưới công an của Việt Minh bao trùm lên cả nước.

   Giữa lúc nguy kịch như vậy, ông Trương Tử Anh vẫn cố gắng không để lộ vẻ lo lắng và ngoài mặt ông vẫn bình tĩnh. Tôi vẫn được gặp ông và tin rằng dầu sao ông cũng tìm được cách giải quyết mọi sự khó khăn. Tuy ông không nói rõ cho tôi, nhưng tôi có cảm tưởng là ông đang lo di chuyển một số cán bộ vào Nam vì ở đó Việt Minh chưa hoàn toàn thao túng được. Ngoài ra, ông cũng nghĩ đến cách tăng cường những hoạt động ở ngoại quốc. Một hôm ông hỏi tôi có muốn sang Hồng Kông để hoạt động với cụ Kim không? Không hiểu vì tôi muốn ở gần ông trong những lúc ấy, hay linh tính bảo tôi từ chối, tôi viện lẽ là ở bên ngoài đã có anh Đặng Văn Sung và Đỗ Đình Đạo, để xin ông cho ở lại trong nước. Rồi ngày có ngày không, tôi vẫn gặp ông để nhận chỉ thị và tiếp tục hoạt động.
   Vào khoảng đầu tháng 12, 1946, tình hình chung càng ngày càng khẩn trương như chỉ chờ dịp bùng nổ. Một hôm đúng như lời hẹn, tôi tới nơi đã được chọn để gặp ông Trương Tử Anh trên đường Cổ Ngư gần hồ Trúc Bạch, nhưng chờ mãi mà không thấy bóng dáng ông đâu cả. Đã mấy lần trước, ông không đến được chỗ hẹn, nhưng bao giờ cũng nhắn cho tôi biết tin ngay. Lần này thì khác hẳn. Tôi đợi suốt hai tiếng đồng hồ, càng đợi càng sốt ruột, nhưng rồi cũng phải bỏ đi vì sợ chính mình cũng rơi vào bẫy của Cộng Sản. Ngày hôm sau, anh Nguyễn Tất Ứng cho biết là anh cũng có hẹn với ông mà không được gặp. Ông Trương Tử Anh, hay là Anh Cả Phương đối với một số người trong chúng tôi, từ đó tuyệt tích.”68

   Trương Tử Anh, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh đều là những nhân vật lịch sử nhưng mỗi người một phong cách, biểu lộ một thiên hướng khác nhau. Trương Tử Anh có năng khiếu là một lãnh tụ chính trị, tư tưởng gia, nghe nhiều hơn nói, nhưng tiếc thay không có thời, hay nói rõ hơn thời không đợi ông ta. Với việc Nguyễn Thái Học lên đoạn đầu đài ngày 17 tháng 6 năm 1930, và Trương Tử Anh thất tung sau ngày 19-12-1946, Huỳnh Phú Sổ và Lý Đông A bị Việt Minh sát hại cũng trong năm 1946,
  
                                                              ***
  
Hơn sáu mươi năm về trước, chính sách của chế độ CS đối với các thành phần bất đồng chính kiến, các chính đảng quốc gia, đó là sử dụng đường lối thiếu trung thực, bất bao dung, bạo lực nhằm khống chế và tiêu diệt các đối thủ chính trị. Thời điểm đó thiếu thốn các phương tiện truyền thông nên dư luận dân chúng dễ bị tuyên truyền, đầu độc và nhất là dân chúng chưa có kinh nghiệm về CS, chưa hiểu được thực chất của Cộng Sản, cho nên nhiều người bị lừa bịp, nhắm mắt nghe theo Cộng Sản. Ngày nay, dân trí đã cao, dân tình đã đổi khác sáng suốt bình tĩnh hơn, các phương tiện truyền thông đạt tới trình độ siêu đẳng về số lượng sử dụng và vận tốc nhanh chóng vô lường cho nên bất cứ một âm mưu nào của chính quyền Cộng Sản áp dụng hòng chụp mũ, bôi nhọ, xuyên tạc – như đã cắt bớt lời nói của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt trước Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội ngày 20.9.2008 rồi mặc sức vu khống cho Ngài, làm tình làm tội đủ điều  – thì hành vi đó liền bị dư luận công chính trong nước và trên thế giới phanh phui ngay lập tức. Ghi lại các biến cố dưới hình thức viết hồi ký, hồi ức cũng với luận điệu xuyên tạc sự thật như sách của Võ Nguyên Giáp, của Lê Hữu Qua hay thậm chí như của Dư Văn Chất, về vụ án phố Ôn Như Hầu hay vụ cầu Chiêm Sơn chẳng hạn, ngày nay không lừa được ai, lại có tác dụng “gậy ông đập lưng ông đối với chế độ Cộng Sản mà người dân ngày nay đã có cơ hội chứng thực. Bài viết này ghi lại lịch sử tháng bảy đen năm 1946 đầy đau thương, uất hận qua hai biến cố nói trên, nghĩ rằng vẫn còn một số mặt hạn chế, xin được xem là một nén tâm hương tưởng niệm hàng chục ngàn69 những anh hùng hữu danh hoặc vô danh thuộc các đảng phái quốc gia, tôn giáo cùng những người bất đồng chính kiến với đường lối Việt Minh, đã hy sinh từ giai đoạn 1945-46 vì lý tưởng Tự do, Dân chủ cho Đất nước và Dân tộc.
 
                                                                                     Nguyễn Đức Cung
                                                                                    
 
___________________________________
 
CHÚ THÍCH
 
   1.- Lệ Thần Trần Trọng Kim, Một cơn gió bụi, hồi ký chính trị, Nhà xuất bản Vĩnh Sơn, 1969, bản in lại ở Hoa Kỳ, trang 118.
   2.- Đào Văn Hội, Ba nhà chí sĩ họ Phan, Nxb. Văn Sử, không đề năm in, tr. 130.
   3.- Phan Bội Châu, Tự Phán, Nxb. Nhân Xã Học Xã, California, tr. 220.
   4.- Tưởng Vĩnh Kính, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, bản dịch Thượng Huyền, Nxb. Văn Nghệ 1999, tr. 84.
   5.- Minh Võ, Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, Nxb. Tiếng Quê Hương, tái bản lần I, Virginia, 2006, tr. 539.
   6.- Minh Võ, Sách đã dẫn, tr. 539.
   7.- Minh Võ, Sđd, tr. 539.
   8.- Minh Võ, Sđd, tr. 543.
   9.- David Halberstam, Ho, Random House, New York, 1971, tr. 45.
   10.- Pierre Brocheux, Ho Chi Minh, Du révolutionnaire à l’icône, Biographie Payot, Paris, 2003, tr. 65.
   11.- Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995, Chiến tranh, Tị nạn, Bài học lịch sử, Tập I, Nxb. Tiên Rồng, 2004, tr. 34.
   12.- Việt Dân Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lịch sử đấu tranh cận đại, 1927-1954, Tái bản kỳ II, 1970, tr. 108.
   13.- William J. Duiker, Ho Chi Minh, New York, Hyperion, 2000, tr. 141.
   14.- Tưởng Vĩn Kính, Sđd, tr. 140.
   15.- Tưởng Vĩnh Kính, Sđd, tr. 144.
   16.- Minh Võ, Sđd, tr. 64.
   17.- Tưởng Vĩnh Kính, Sđd, tr. 109.
   18.-  Bản tin báo điện tử tiếng Việt của BBC, Ra mắt tiểu thuyết của Dương Thu Hương, Christine Nguyễn gửi đến BBC từ Paris, ngày 10-12-2008; DCVOnline.net, Đặng Trần Phương và Au Zénith của Dương Thu Hương, ngày 13-12-2008.
   19.- Bùi Diễm, Gọng kìm lịch sử, Cơ sở Phạm Quang Khai xb., 2000, tr. 40.
   20.- Trích từ Tuyên Cáo Đại Việt Quốc Dân Đảng.
   21.- Tổng Bộ Tuyên Nghiên Huấn, Đại Việt Quốc Dân Đảng Lược Sử.
   22.- Lê Thiệp, Cố nghị sĩ Đặng Văn Sung: Một tấm lòng son với nước non, Bán nguyệt san Việt Báo Miền Đông, số 54, ra ngày 01-06-1998, do Lê Phú Nhuận chủ biên, ấn hành tại Philadelphia, PA.
   23.- Lê Thiệp, bài đã dẫn.
   24.- Nguyễn Tường Bách, Việt Nam, một thế kỷ qua, dẫn lại theo Nguyễn Văn Quảng Ngãi, Theo giòng kỷ niệm, 2001.
   25.- Bùi Diễm, Sđd, tr. 43.
   26.- Bùi Diễm, Sđd, tr. 58.
   27.- Nguyễn Tường Bách, Việt Nam, những ngày lịch sử, Nhóm Nghiên cứu Sử Địa Việt Nam xb., Canada, 1981, tr. 82.
   28.- Thụy Khuê biên soạn, Tiểu sử Nhất-Linh, trong Tuyển tập nhiều tác giả nhan đề Nhất Linh, người nghệ sĩ, người chiến sĩ, Thế Kỷ phát hành, 2004, tr. 10-17.
   29.- Trích Tập san Sử Địa số 23 và 24, Sài Gòn 1971, tái bản tại Pháp do AVAC, năm 1987, trang 44. Dẫn lại theo Võ Phiến, Đọc bản thảo Nhất Linh, Tuyển tập đã dẫn, tr. 55.
   30.- Nguyễn Tường Bách, Việt Nam, những ngày lịch sử, Sđd, tr. 139.
   31.- Võ Phiến, bài đã dẫn, tr. 55.
   32.- Nguyễn Tường Bách, Sđd, tr. 76.
   33.- Hoàng Văn Đào, Sđd, tr. 308.
   34.- Phùng Thế Tài, Bác Hồ, những kỷ niệm không quên, Nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2002, tr. 79, dẫn lại theo Minh Võ, tr. 197.
   35.- Nghiêm Văn Thạch, Đảng cộng sản khui lại vụ Ôn Như Hầu, Thông Luận Điện Tử ngày 09-09-2005; báo điện tử VNQDĐ cũng đăng bài đó, không ghi ngày lên mạng.
   36.- Bùi Diễm, Sđd, tr. 79.
   37.- Minh Vũ Hồ Văn Châm, Tản mạn về Miền Trung Trung Bộ, Tạp chí Cách Mạng, Diễn đàn dân chủ của Đại Việt Cách Mạng Đảng, số 24, Tháng 10 năm 2001.
   38.- Minh Võ, Sđd, tr. 153.
   39.- David Halberstam, Ho, Nxb. Random House, New York, 1971, tr. 91.
   40.- Minh Võ, Sđd, tr. 284.
   41.- Võ Nguyên Giáp, Những năm tháng không thể nào quên, Nxb. Quân Đội Nhân Dân Hà Nội, 1975, tr. 255-258; dẫn thêm Lữ Giang, Những bí ẩn đàng sau cuộc chiến Việt Nam, Quyển I, 1998, tr. 337-342; Minh Võ, Sđd, tr. 569-370.
   42.- Dư Văn Chất, Người Chân Chính, Nxb. Hà Nội, 1993, tr. 210.
   43.- Ellen Hammer, The Struggle For Indochina, Standford University Press, 1954, tr. 176; MV, Sđd, tr. 324.
   44.- Hoàng Văn Đào, Sđd, tr. 320.
   45.- Peter Mcdonald, Giap the victor in Vietnam, Nxb. W.W. Norton & Company, New York, London, 1993, tr. 73.
   46.- Hoàng Văn Đào, Sđd, tr. 321.
   47.- Hoàng Văn Đào, Sđd, tr. 322.
   48.- Hoàng Văn Đào, Sđd, tr. 323.
   49.- Minh Vũ Hồ Văn Châm, Quan điểm về một số vấn đề Chính trị và Văn hóa Việt Nam, xuất bản dưới hình thức CD; Tạp chí Cách Mạng, Diễn đàn dân chủ của Đại Việt Cách Mạng Đảng, số 6, 1996, bài Câu chuyện xoay quanh lá cờ; http://geocities.com/chamho.
   50.- Nghiêm Văn Thạch, Đảng cộng sản khui lại vụ Ôn Như Hầu, Website Thông Luận ngày 09.09.2005; Website Việt Nam Quốc Dân Đảng, 2007.
   51.- Cecil B. Currey, Victory at any cost, The genius of Vietnam’s Gen. Vo Nguyen Giap, Nxb.Brassey’s Inc., Washington, London, 1997, tr. 126.
   52.- Lữ Giang, Sđd, tr. 342.
   53.- Lữ Giang, Sđd, tr. 341; Trần Gia Phụng, Quảng Nam trong lịch sử, bài Huỳnh Thúc Kháng và nỗi đau thầm cuối đời,  Nxb. Non Nước, Toronto, 2000, tr. 304.
   54.- Hoàng Văn Đào, Sđd, tr. 324.
   55.- Bùi Diễm, Sđd, tr. 86.
   56.- Bùi Diễm, Sđd, tr. 142.
   57.- Andrée Viollis, Indochine S.O.S., Ellen J. Hammer trích dẫn trong cuốn The Struggle For Indochina 1940-1955, Vietnam and the French Experience, Standford University Press, California, 1966, tr. 88; dẫn theo Trần Gia Phụng, Sđd, tr. 292.
   58.- David D. Marr, Vietnamese Tradition on Trial, 1920-1945, University of California Press, 1981, tr. 85.
   59.- Nghiêm Kế Tổ, Việt Nam máu lửa, Nxb. Xuân Thu, California tái bản, 1989, tr. 66.
   60.- Chính Đạo, Việt Nam niên biểu, 1939-1975, Tập A: 1939-1946, Nxb. Văn Hóa, Houston, 1996, tr. 343.
   61.- John Colvin, Giap, volcano under snow, Nxb. Soho, 1996, tr. 50.
   62.- Trần Gia Phụng, Sđd, tr. 308.
   63.- Minh Vũ Hồ Văn Châm, Bài đã dẫn.
   64.- Nghiêm Văn Thạch, Bài đã dẫn.
   65.- Minh Vũ Hồ Văn Châm, Bài đã dẫn.
   66.- Hoàng Văn Đào, Sđd, tr. 363.
   67.- Hoàng Văn Đào, Sđd, tr. 361.
   68.- Bùi Diễm, Sđd, tr. 87.
   69.- Chúng tôi rất đồng ý với nhà nghiên cứu sử học Minh Võ trong tác phẩm Hồ Chí Minh, nhận định tổng hợp, tr. 374, khi ông hạ bút: “Người ta thường chỉ nhắc đến những tên tuổi nổi bật, như lãnh tụ Duy Dân Lý Đông A, lãnh tụ Đại Việt Trương Tử Anh, các nhà văn Lan Khai, Khái Hưng, những đồng chí và văn hữu của lãnh tụ Nguyễn Tường Tam tức nhà văn Nhất Linh vv... Thực ra có hàng chục ngàn người yêu nước thuộc phía đối lập đã bị thủ tiêu bằng nhiều cách mà phổ biến là “mò tôm”, tức bỏ vào bao bố với một tảng đá rồi thả xuống sông. Một ông lái đò trên sông Đáy gần chùa Hương đã cho người viết biết năm 1946, ông ta từng thấy nhiều vụ thả trôi sông như vậy...”