ĐIỀU TRA NGA
TỚI ĐÂU RỒI?
Vũ Linh
Cách đây 9 tháng, bộ Tư Pháp bổ nhiệm công tố đặc biệt
Robert Mueller điều tra về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ
năm 2016.
Cuộc điều tra này được
kích động bởi những tố giác liên tục của đảng DC và TTDC là Nga đã can dự vào
cuộc bầu cử để giúp ứng cử viên CH, ông Donald Trump. Vì áp lực chính trị, cuộc
điều tra trở thành chuyện bắt buộc khi TT Trump sa thải ông giám đốc FBI khi
ông này bắt đầu điều tra.
Dựa trên việc ông Mueller được TT Bush bổ nhiệm làm giám
đốc FBI trước đây, ông được TTDC gọi là ‘thành phần CH’ thật ra là muốn bao che
trước cho ông Mueller, vì ông này trước đây là quan tòa, chưa bao giờ là
đảng viên CH. Điều rõ ràng hơn là việc ông Mueller là bạn chí thân với giám đốc
FBI, James Comey, bị TT Trump sa thải.
Công tố Mueller được giao trách nhiệm ‘điều tra tất cả
mọi hình thức can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, cùng tất cả những tội liên hệ có thể
được khám phá ra trong cuộc điều tra’. Cuộc điều tra của ông Mueller không có
giới hạn về thời gian cũng như chi phí. Vì là ‘công tố đặc biệt’ (Special Prosecutor) được bổ nhiệm bởi bộ
Tư Pháp, ông chịu trách nhiệm trước bộ này, phải nộp báo cáo cuối cùng cho bộ,
và bộ sẽ quyết định việc công bố hay không công bố, cũng như việc trừng phạt ai
hay không. Hoàn toàn trong phạm vi Hành Pháp, dưới quyền của TT Trump.
Đây là điểm khác biệt với ‘công tố độc lập’ (Independent
Prosecutor) bổ nhiệm bởi quốc hội, mà báo cáo phải nộp cho quốc hội, như trường
hợp công tố Ken Starr điều tra TT Clinton trước đây.
Thượng Nghị Sĩ DC Mark Warner la hoảng “TT Trump sa thải
ông Mueller sẽ tạo “khủng hoảng hiến pháp”, constitutional crisis. Fake news! Ngay cả tạp chí TIME cũng nhận định trên
phương diện pháp lý, ông Mueller có thể bị giải nhiệm bất cứ lúc nào bởi
bộ Tư Pháp theo lệnh của tổng thống. Hiến Pháp cho ông toàn quyền đó.
Dĩ nhiên, dưới khiá cạnh chính trị, sa thải ông Mueller sẽ là đại họa cho TT
Trump, không khác gì TT Nixon đã sa thải công tố đặc biệt Archibald Cox khi đó
đang điều tra về Watergate. [TT
Nixon ra lệnh bộ Tư Pháp giải nhiệm ông Cox; cả bộ trưởng lẫn thứ trưởng Tư
Pháp đều bất tuân lệnh, từ chức. Cả nước bị sốc. Các thượng nghị sĩ và dân biểu
CH đồng ý với khối DC, đi gặp TT Nixon và cho biết họ sẽ chấp nhận đàn hặc và
truất phế ông, khiến ông này phải từ chức trước].
Ngay sau khi được bổ nhiệm, ông
Mueller đã mướn hơn một tá đại luật sư tên tuổi nhất, một nửa công khai ủng hộ
và yểm trợ tiền cho bà Hillary (trong đó có một bà luật sư
trước đây là luật sư của bà Hillary, và một ông luật sư trước đây đã truy tố
con rể TT Trump), nửa còn lại không có quan điểm chính trị rõ rệt, không
có một người nào ủng hộ CH hay TT Trump hết. Ai nghĩ đây là một cuộc điều tra
vô tư, công bằng, xin giơ tay!
Qua 9 tháng điều tra, ông Mueller đã truy tố 4 phụ tá của
TT Trump, trong đó có hai người nổi bật nhất là tướng Micheal Flynn, cựu Cố Vấn
An Ninh, và ông Paul Manafort, cựu giám đốc Ủy Ban Vận Động Tranh Cử của ông
Trump. Cả
bốn người đều bị truy tố vì những chẳng dính dáng gì đến việc Nga can dự.
Ông Manafort bị tố về vài tội liên quan đến hoạt động
kinh doanh của ông trước khi ông quen biết và làm việc cho ông Trump. Ông này
đã chính thức kiện ông Mueller ra tòa vì tội lạm quyền, truy tố ông về những
việc làm không liên quan gì đến trách nhiệm điều tra Nga can dự vào cuộc bầu
cử.
Ông Flynn bị truy tố về tội ‘khai gian’ một tiểu tiết,
khai lộn ngày đi gặp đại sứ Nga. Ông đi gặp một cách chính thức, công khai, có
biên bản, hoàn toàn hợp pháp, theo chỉ thị của TT Trump (sau khi đã đắc cử), không có gì là ‘thông
đồng với Nga trong việc tranh cử’. Ông Flynn nhận tội khai sai, hứa sẽ hợp
tác với ông Mueller. Dù vậy cũng có một cụ tỵ nạn mau mắn bóp méo ngay “ông
Flynn cam kết sẽ nhận tội có liên lạc
với người Nga về việc nhờ họ giúp cuộc tranh cử tổng thống tại Hoa Kỳ”. Bệnh
fake news đã lan qua TTTN (truyền thông tỵ nạn)! Nếu đã “cam kết sẽ nhận tội” thì có nghĩa là đã nhận tội rồi, còn
gì mà phải “cam kết sẽ nhận tội” nữa? Hơn nữa, tướng Flynn chưa bao giờ nhận có
liên lạc với Nga để nhờ họ giúp việc tranh cử.
Thật ra, đây chỉ là cách ông Mueller bắt chẹt họ để họ
khai ra những chuyện lớn hơn về vận động tranh cử.
Gần đây, ông Mueller đánh tiếng sẽ xin phỏng vấn TT
Trump. Ngay sau đó, TT Trump tuyên bố ông “mong chờ một cuộc phỏng vấn, hữu thệ
nếu cần”. Ông cũng nói thêm là dù sao ông cũng phải tham khảo luật sư của ông.
TTDC theo đúng mô thức gian trá, chạy
tít trang nhất câu đầu, nhưng dấu nhẹm việc TT Trump nói sẽ tham khảo luật sư. Mai này, nếu luật sư khuyến cáo ông không nên để cho
ông Mueller chất vấn, TTDC sẽ có dịp hô hoán TT Trump tráo trở, nói một đàng
làm một nẻo. Nhìn vào kinh nghiệm ông Flynn, việc TT Trump chấp nhận cho ông
Mueller phỏng vấn cực kỳ nguy hiểm. Chỉ cần TT Trump nhớ lộn ngày, hay bỏ quên
một chi tiết, hay nhớ sai một câu nói, là ông Mueller và hơn một tá đại luật sư
của ông sẽ vồ lấy để truy tố TT Trump nói láo, khai gian, ngăn cản công lý
ngay. Các luật sư của TT Trump đang khuyến cáo ông chỉ nhận trả lời qua giấy
trắng mực đen, để các luật sư và phụ tá xét lại kỹ trước khi trao cho công tố
Mueller. Họ cũng cho biết ông Mueller chưa đạt được tiêu
chuẩn pháp lý tối thiểu để có quyền phỏng vấn tổng thống, vì chưa chứng minh rõ
ràng tổng thống bị nghi ngờ tội gì, dựa trên dữ kiện cụ thể nào.
Phỏng vấn tổng thống có quy luật rõ ràng, không phải muốn
giăng bẫy đi mò cua là có quyền bắt tổng thống ra hỏi cung.
Ngoài những việc trên, cuộc điều tra được giữ kín như
bưng, không ai biết đã đi đến đâu.
New York Times cũng đã tung tin giựt gân là tháng Sáu vừa
qua, TT Trump đã tính giải nhiệm ông Mueller, nhưng giờ chót, đổi ý vì gặp phản
đối mạnh của Cố Vấn Pháp Luật Tòa Bạch Ốc, và ông này đã đe dọa sẽ từ chức.
Sau khi tin này được bung ra, TT Trump đã chính thức tố
đây là fake news. Không hề có chuyện ông ‘dự tính’ sa thải ông Mueller. Một
thượng nghị sĩ DC, Joe Manchin, nói đây vẫn chỉ là loại tin dân New York đồn
đại cho nhau mà ông Manchin miệt thị là “New York talk”.
Phe DC trong quốc hội nhẩy nhổm vào cơ hội, đốc thúc việc
ra luật ‘bảo vệ’ ông Mueller để TT Trump không thể sa thải ông này được.
Chỉ là tiểu xảo chính trị để đám dân chống Trump... tự
sướng.
Cho dù quốc hội có thông qua được một luật bảo vệ ông
Mueller –hầu như không thể vì CH ủng hộ TT Trump vẫn nắm đa số- thì TT Trump
cũng sẽ không bao giờ ký, do đó, sẽ không bao giờ thành luật. Không
có gì vô lý bằng chuyện quốc hội ra luật cấm tổng thống không được đụng đến
nhân viên của mình. Có thưa lên đến Tối Cao Pháp Viện thì TT Trump cũng thắng
thôi vì lập pháp không thể can dự vào quyền hạn của tổng thống đối với nhân
viên trong nội các của ông, vi phạm nguyên tắc tam quyền phân lập. Tất cả vẫn
chỉ là màn xiếc của các chính trị gia che mắt dân ngu khu đen.
Bàn về cuộc điều tra, có một điều kẻ này thắc mắc không
thể hiểu nổi. Nên đọc cho kỹ: trách nhiệm của ông Mueller là “điều tra việc Nga
can thiệp vào cuộc bầu cử”, tuyệt đối không hề nói gì về ông Trump hay bà
Hillary.
Thế nhưng theo những tin báo chí, cho
đến nay, ông công tố Mueller hình như chỉ điều tra có đúng một bên CH và ban
vận động tranh cử của ông Trump thôi. Thế còn bên DC và ban vận động của bà
Hillary thì sao? Tại sao chỉ điều tra có một bên? Thắng mới bị điều
tra, còn thua thì tha sao?
Điều quái lạ là theo báo chí, hình như việc phe DC và bà
Hillary hợp tác với Nga có nhiều dữ kiện khá rõ rệt, rõ hơn quan hệ của Nga với
phe ông Trump nhiều.
Trước hết là vụ Wikileaks xì ra hàng chục ngàn emails của
ban vận động của bà Hillary, và của ông John Podesta, giám đốc ban vận động đó.
Không ai biết chính xác những emails đó bị đánh cắp bằng cách nào, từ trong máy
nào, do ai làm, nhưng tất cả những dự đoán của các chuyên gia đều chỉa mủi dùi
vào bàn tay lông lá của Putin. Ngay cả bà Hillary cũng tố đó là hành động của
Nga. Ông Mueller có điều tra không?
Rồi đến vụ bà Hillary xóa hơn 30.000 emails (hay 300.000 ai biết được?) mà
chẳng ai biết có gì trong đó? Biết đâu có vài cái trao đổi với Putin hay vài
viên chức Nga, hay với tòa đại sứ Nga? Ai biết được? Sao không điều tra?
Rồi mới đây đã nổ bùng ra vụ ‘Hồ Sơ Nga’, Russian
Dossier.
Trước đây, mọi người đều nghĩ hồ sơ có tính vớ vẩn, nhưng bây
giờ đã biến thành một vụ xì-căng-đan vĩ đại sau khi Hạ Viện công bố báo cáo cho
thấy FBI có thể đã dùng tài liệu cuội được bà Hillary trả tiền cho công ty
Fusion GPS mua lại từ một cựu gián điệp Anh để xin phép tòa án đi theo dõi một
cố vấn cao cấp của Trump trong những ngày quyết liệt cuối của cuộc vận động
tranh cử.
Bỏ qua những chi tiết bậy bạ, một số vấn đề đang chờ câu
trả lời:
- Nếu nội vụ có
thật, đúng là mật vụ Nga đã thu hình và cung cấp hồ sơ cho anh gián điệp và
Fusion, thì như vậy có phải là Nga đã thực sự can thiệp vào cuộc bầu cử để hại
Trump, chứ không phải thông đồng để giúp Trump không? Ông Mueller có điều tra
không?
- Làm sao ngay
từ 2013, Nga
đã biết ông Trump sẽ là ứng cử viên rồi đắc cử tổng thống ba năm sau để ‘thu
hình làm tài liệu sau này bắt chẹt’ ông?
- Sau khi tin
ban vận động của bà Hillary trả 9 (hay 12?) triệu đô cho Fusion để đi lục thùng rác của
ông Trump bị bung ra, bà Hillary, ông John Podesta (giám đốc Ủy Ban Vận Động), ông Joel Benenson (giám đốc Chiến
Lược) và bà Debbie Wasserman Schultz (chủ tịch Ủy Ban Quốc Gia của đảng Dân
Chủ) đều tuyên bố chẳng hay biết gì. Vậy ai là người có quyền và đã ký chi
phiếu tới cả chục triệu đô trong khi cả bốn vị lãnh đạo tối cao không ai hay
biết gì hết? [Tin giờ chót: hai TNS Cộng Hòa đã gửi thư cho bốn vị này, cùng
với 30 viên
chức cao cấp nhất của đảng DC, chính thức hỏi chi tiết về vụ trả tiền và quan hệ với Fusion].
- Bà Hillary trả tiền mua một hồ sơ do Nga cung
cấp, như vậy có thể gọi là thông đồng với Nga được không?
- Việc FBI dùng hồ sơ này làm căn bản để xin theo
dõi ban vận động của ông Trump có vi phạm luật không, và có thể bị trừng phạt
không?
- Câu hỏi quan trọng nhất: vai trò của bà Hillary
và TT Obama trong toàn bộ câu chuyện như thế nào? Họ biết những gì, khi nào, và
quyết định những gì?
Hạ
Viện cho biết cuộc điều tra vẫn tiến hành, bước qua giai đoạn 2, và
hiện nay nhiều bộ trong đó có cả bộ Ngoại Giao dưới bà Hillary và ông Kerry
cũng đang bị điều tra. Trong khi đó, quốc hội cũng đang điều tra ông công tố Mueller
luôn, gọi là điều tra cái ông lo việc điều tra.
Ông Mueller trở thành
đối tượng điều tra khi câu chuyện ông Strzok (đọc như Strok, không có chữ z) nổ
bùng ra. Ông này khi là một nhân viên cao cấp của FBI, có một tình nhân là luật
sư cũng của FBI, Hai người trao đổi emails với nhau hàng ngày, nếu không phải
là hàng giờ, toàn là để sỉ vả Trump. Chắc vì vậy nên hợp nhau, tối tối nằm ôm
nhau tâm sự bằng cách chửi Trump để … cùng sướng? Ông Strzok và cả bà tình nhân
sau đó được bổ nhiệm làm những nhân vật hàng đầu trong nhóm của công tố Mueller
điều tra về sự can dự của Nga.
Mùa hè vừa qua, không rõ
cách nào, ông Mueller biết được ông Strzok đã từng viết email đả kích TT Trump
ngay từ ngày còn tranh cử, khi ông này còn làm cho FBI. Ông Mueller sợ mang
tiếng phe đảng, trả cả ông
Strzok và bà tình nhân về lại FBI. Trước đó, ông Strzok đã là người chất vấn
tướng Flynn, cựu chánh văn phòng của TT Trump, để rồi dựa trên báo cáo của ông
Strzok, ông Mueller đã truy tố ông Flynn. Việc ông Strzok, tác giả của báo cáo
dùng để truy tố tướng Flynn, có thành kiến nặng với ông Trump, bảo đảm luật sư
của ông Flynn sẽ nêu lên khi ông Flynn bị ra tòa.
Ông
Mueller kín đáo sa thải cặp tình nhân, nhưng rồi nội vụ cũng bị xì ra. Người ta khám phá ra ông
Strzok và người tình đã trao đổi cỡ 50.000 emails trong đó vô số kể bàn chuyện
phải hạ Trump bằng mọi giá.
Từ đó, Hạ viện nhẩy vào
cuộc, đòi FBI giao nộp tất cả các emails và tin nhắn của ông Strzok.
Quốc hội khám phá ra có
email bàn về việc bà Hillary sẽ chẳng bị FBI kết tội gì ngay trước khi FBI
phỏng vấn bà, tức là bộ Tư Pháp và FBI của TT Obama đã quyết định không đụng
tới bà Hillary, chỉ là điều tra cho có vì áp lực chính trị thôi. Cũng có email
bàn việc TT Obama đòi phải phúc trình thường xuyên cho ông về vụ điều tra
emails của bà Hillary (trong khi TT Obama tuyên bố trước báo chí ông không dính
dáng gì và không hay biết gì về cuộc điều tra đó).
Một email khác bàn đến
một hội bí mật –secret society- trong nội bộ FBI và bộ Tư Pháp nhằm phối hợp
các hoạt động để cản không cho ông Trump đắc cử. Đây có lẽ là bằng chứng quan
trọng nhất về sự hiện diện của một “Nhà Nước Ngầm" –Deep State- tìm đủ
cách phá TT Trump.
Quan trọng hơn, quốc hội
khám phá là không nhận được email nào trong khoảng 5 tháng từ tháng Chạp 2016
tới tháng 5, 2017, là khoảng thời gian then chốt, chuyển tiếp từ chính quyền
Obama qua Trump, và cũng là thời điểm ông Mueller được bổ nhiệm làm công tố đặc
biệt.
Y chang như khối emails
của bà Hillary, biến mất mà không ai biết bao nhiêu và có gì trong đó. FBI giải
thích bị mất vì lý do kỹ thuật, điện thoại Samsung ông Strzok dùng bị trục
trặc.
Sau khi tin ‘mất emails’ nổ ra, thiên hạ chỉ trích tứ
phiá, quốc hội dọa điều tra, bất thình lình FBI loan báo đã tìm lại được (!)
mấy emails mất tuy chẳng ai biết có tìm lại đủ hết không, và bây giờ đang ‘truy
cứu’.
Đây là tuyệt chiêu của đám Deep State. Thế mới thấy việc
làm của tân bộ trưởng Tư Pháp hay tân giám đốc FBI không dễ chút nào khi chung
quanh họ, toàn là những viên chức kỳ cựu quan trọng nhất, phần lớn thuộc khối
Deep State.
Ở đây, phải nói cho rõ: phần lớn các viên chức cao cấp
trong chính quyền Trump hiện nay là những người có khuynh hướng cấp tiến hay
thiên tả đã leo nấc thang cầm quyền dưới tám năm của TT Obama. Họ không chấp
nhận chính sách thiên hữu của TT Trump và ra công phá. Ngay cả trong quân lực
và các cơ quan an ninh, các tướng không đồng với ý thức hệ của TT Obama đều bị
cách chức (tướng McChrystal) hay nhẹ lắm là không được thăng chức (tướng Mattis). Chỉ có các tướng cấp tiến mới
thăng tiến (như James Clapper, cựu giám đốc An Ninh Quốc gia, bây giờ suốt ngày
lên CNN sỉ vả TT Trump). Bây giờ những ông tướng này ra công đánh TT
Trump luôn.
Tin tốt là hình như chính quyền Trump đã chặn được phần
nào đám Deep State này rồi. Cả mấy tháng qua, đã không còn thấy tin gì bị xì ra
nữa.
TTDC mô tả việc quốc hội
điều tra FBI như cách phe CH phá cuộc điều tra của ông Mueller, đỡ đòn cho TT
Trump.
Tin mới nhất: hình như
có một tài liệu khác liên quan trực tiếp đến Hồ Sơ Nga, được đúc kết từ những
nguồn tin Nga, được một nhà báo thân cận với bà Hillary tên là Cody Shearer,
chuyền qua cho ông Sydney Blumenthal, là phụ tá đặc biệt của bà Hillary, chuyên
viên 'hành động đen' trong hậu trường, rồi được chuyển tiếp qua một viên chức
bộ Ngoại Giao, Jonathan Winer. Cả ba người này đều từ chối trả lời câu hỏi của
báo chí. Chưa biết tài liệu có gì, chỉ biết là rõ ràng đã có nhiều cố gắng
trong ban vận động của bà Hillary để truy lùng tin xấu về ông Trump, dính líu
tới mật vụ Nga.
Để tóm
gọn câu chuyện: qua tin loạn xà bần của báo chí, chẳng ai biết chuyện gì đã xẩy
ra, do đó điều tra là điều cần thiết. Cần thiết để mai này có thể ngăn ngừa Nga
hay Trung Cộng, hay bất cứ ai khác, như Iran hay al-Qaeda,… xâm phập và phá các
cuộc bầu cử của xứ này. Cần thiết để hiểu rõ vai trò của FBI, của bộ Tư Pháp,
của bà Hillary, của TT Obama, và cả của TT Trump luôn. Điều hiển nhiên ai cũng
biết là những chuyện ‘lộn xộn’ xẩy ra trong cả hai ban vận động tranh cử. Nếu
công tố Mueller chỉ điều tra một bên, thì bất cứ kết quả gì, kết luận như thế
nào cũng đều vô giá trị vì một chiều.