Sinh nhật 95 tuổi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ

Bố Sỹ Và Cô Út
phan ni tấn

Khoảng giữa năm 1979 tôi đến thăm gia đình nhà văn Doãn Quốc Sỹ nhà ở trong một con hẻm đường Thành Thái, Sài Gòn mới biết bố Sỹ đang ở tù "cải tạo" trên cao nguyên Gia Rai. Ba mươi ba năm sau, ngồi bình thản dưới mái nhà bình thường của tôi ở Canada, bố Sỹ nhíu mày, cặp mắt xa xăm nhìn vào quá khứ như lục lại từng trang đời thê thiết, kể: " Năm 76 chúng đến trường Sư Phạm gởi giấy yêu cầu tôi đến Phường trình diện học tập bốn hôm rồi về, nhưng kỳ thực sau đó chúng bắt tôi đưa lên trại Gia Trung mãi trên cao nguyên Gia Rai. Trại này nằm sâu trong một cánh rừng giữa Pleiku - Kontum. Sở dĩ gọi là Gia Trung là vì trại nằm cạnh con suối người Thượng gọi là I-a I-ung, mình nói trại ra là Gia Trung. Chúng giam tôi từ năm 76 đến năm 80 thì được thả về..."

"Năm nay bố Sỹ của em gần 90 tuổi rồi, nhưng anh xem, cách ăn mặc vẫn còn gọn gàng, tươm tất lắm. Càng già bố Sỹ càng hiền lành, dễ dãi, đôi lúc ngây thơ như trẻ con", cô Doãn Hương, con gái út của nhà văn cười nhe chiếc răng khểnh nói với tôi thế.
Tuy già yếu, hom hem như thế, lãng đãng đến thế nhưng khi nói về tình hình đất nước, về vận mệnh dân tộc, về nghiệp dĩ văn chương... Bố trở nên linh hoạt lạ thường.
Nói đến nhà văn Doãn Quốc Sỹ lâu nay người ta thường nghĩ đến hình ảnh của một kẻ sĩ thời đại. Ông là hội tụ của trí tuệ và tình thương, của niềm tin và ước vọng. Bằng một hành động lịch sử, trong lao tù ông đã từng lẫm liệt, khẳng khái chống lại những gì đi ngược với công cuộc tranh đấu cho hòa bình đất nước và nguyện vọng của nhân dân miền Nam. Cuộc đời và con người của kẻ sĩ là như vậy. Có điều con người bất khuất này, dù được người đời ngưỡng mộ và vinh danh cũng chẳng hề làm ông biến dạng đi chút nào. Xưa sao tôi không biết nhưng nay trước mặt tôi, bố Sỹ của tôi vẫn bình thường, giản dị, gần gũi, hồn nhiên như bất cứ ông già nào tôi có thể gặp ở ngoài đời. Cái vẻ đẹp thật kỳ lạ của tâm hồn ấy tỏa rạng lên cả con người ông, ánh lên đôi mắt cười dễ dãi, gương mặt xương xương nhưng phúc hậu. Chính những tinh chất óng ánh đó đã kết hợp thành chân dung con người kẻ sĩ.
Chúng tôi ngồi nói chuyện tương đắt với nhau được một lúc thì bố Sỹ ngồi thẳng người, gương mặt kẻ sĩ miền Nam tươi tắn hẳn ra, Bố kể: " Năm 84 đến năm 92 tôi tiếp tục viết gởi tác phẩm qua Pháp cho nhà xuất bản Lá Bối của thầy Nhất Hạnh in và phổ biến ở hải ngoại. Cộng sản tinh ranh lắm, luôn luôn rình rập, theo dõi từng cử chỉ hành động của tôi. Biết thế nhưng tôi vẫn điềm tĩnh. Khi đến bắt tôi lần thứ hai chúng đưa ra những bản photocopy  chụp tất cả những gì tôi viết gởi ra nước ngoài làm bằng cớ để buộc tội. Trong tù, chúng ép tôi nếu ký giấy thú nhận tội trạng tôi sẽ được khoan hồng nhưng tôi quyết liệt khước từ tất cả (Bố nhấn mạnh). Bởi vì tôi luôn quan niệm rằng yêu nước không phải là một cái tội. Cuối cùng trước tòa, chúng ghép tôi vào tội phản động, là một trong mười tên biệt kích văn hóa đã lén lút gởi tài liệu ra nước ngoài tiếp tay với bọn phản động nhằm chống phá Cách Mạng và chế độ Xã Hội Chủ Nghĩa, phán xong chúng kêu án tôi 10 năm tù. Trải qua những năm tháng lao nhọc trong lao tù, cứ đến những ngày lễ lộc, Tết nhất cũng như những lần sinh nhật của Hồ Chí Minh thì chúng ra cái điều khoan hồng giảm án. Cứ thế, trừ những lần được giảm án cho đến hết hạn tù thì tôi ở tù mất 8 năm rưỡi, cộng với 4 năm tù lần trước vị chi là 12 năm rưỡi tôi bị Cộng sản giam cầm".
Kể đến đây Bố như trút bớt phần tâm sự. Hớp một hớp trà, giọng trở nên trào lộng, Bố tiếp: " Trước ngày mãn hạn tù chúng chuyển tôi đến trại K3 Xuân Lộc. Trại này nằm dưới chân núi Chứa Chan. Nghe thì lãng mạn lắm, chứa chan lắm, nhưng sống trong cảnh tù tội thì Chứa Chan có khác nào Chán Chưa".
Rồi Bố sang sảng đọc thơ: "Nam Nhâm nữ Quí thì sang. Nhược bằng ngược lại gian nan nhiều bề".
Ý nói Bố sinh nhằm mạng nữ Quí nên phải chịu khổ đến hơn 12 năm tù.Chưa hết. Dính dáng tới văn chương thi phú vốn đã ăn sâu trong cuộc sống và bản chất, bố Sỹ thật sự hưng phấn. Bố nói thật hay:
- Cụ Tú Mỡ, bố vợ tôi sanh được 8 người con được Cụ đặt tên theo thứ tự vần: "Năm trai ba gái tám tên. Trung Hiền Thảo Dũng Hùng Chuyên Vỹ Cường". Vợ chồng chúng tôi cũng thế, có tám con - Bố tiếp luôn: " Bốn trai bốn gái tám tên. Thanh Khánh Liên Thái Vinh (liền) Hưng Hiển Hương".
Câu lục bát "phá cách" này làm Bố Sỹ gượng nhẹ cười nói Bố phải thêm chữ  "liền" ở câu bát cho đồng vận với chữ "tên" ở câu lục...
Lắng nghe "ông già" kể chuyện tù, chuyện gia đình thơ thới như kể chuyện cổ tích khiến tôi vừa phục lăn vừa thương Bố quá chừng. Chính thái độ và hành động của một nhà hoạt động chính trị, một kẻ sĩ miền Nam, một người yêu nước, một nhà văn, nhà giáo khẳng khái trước tòa, bất khuất trong lao tù đã làm lay động tận cùng lương tâm những người trí thức trong và ngoài nước.

Nhà thơ Hoàng Xuân Sơn viết về nghĩa khí của ông qua bài thơ "Tinh Thần Và Bạo Lực":
 

Công an có cây súng
Bắn hoài không chết ai
Thì sĩ còn ngòi bút
Điểm mặt kẻ vô loài

Công an có cây súng
Nện tới tấp tơi bời
Đánh không sờn không ngã
 Giam sao được lòng người

Quỷ vương trăm lần chết
Khuyển ưng rụng một bầy
Thở tràn như nước chảy
Như sóng bủa trùng vây

Công an hết đường chạy
Vòng đai khép chặt rồi
Trong mỗi lời mỗi chữ
Nghìn gươm phục rạng ngời

Công an có cây súng
Bắn hoài không chết ai
Thi sĩ còn ngòi bút
Điểm mặt kẻ vô loài

Cong an có cây súng
Cây súng và nhà tù
Thi sĩ còn ngòi bút
Máu chảy hoài thiên thu

Bố Sỹ qua Canada ghé nhà tôi có cô út Hương của Bố theo kèm . Cũng trong dịp này bố Sỹ trao cho tôi tập thơ Lục Bát Tùy Bút của Doãn Quốc Vinh gởi tặng. Đây là tập thơ đầu tay của Vinh do Doãn Gia vừa xuất bản sau cuốn "Bác Trai, Bác Gái" của nhà văn Doãn Quốc Sỹ in năm 2011 tại California, Hoa Kỳ. Bố nói: "Trong tám đứa con chỉ có thằng Vinh là vướng vô ngiệp văn chương như tôi. Ngoài làm thơ nó còn biết vẽ vời nữa". Tội nghiệp cô út, lâu nay cũng muốn "vướng" vô nghiệp văn lắm nhưng "mỗi lần cầm bút hay ngồi trước máy là chữ nghĩa nó trốn đi đâu biệt dạng, anh Tấn ơi!".

Cũng trong năm 1979, ở bên nhà cô út và tôi có một chút kỷ niệm dễ thương để nhớ. Số là cô Liên, chị cô út biết rõ tình cảnh lang thang đầu đường xó chợ của tôi nên sau cái đêm văn nghệ hát chui với một số anh em văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, vợ chồng cô thương tình kéo tôi về nhà nghỉ qua đêm.

Sống lang thang bờ bụi lâu ngày, một hôm nhờ lòng nhân ái mà tôi có một chỗ êm ái để nghỉ lưng, dù chi một đêm thôi cũng không còn gì hạnh phúc hơn. Nửa đêm nằm một mình trong phòng khách vắng lặng, trên bộ sofa màu đỏ, tôi ngẫm nghĩ và  nhận ra một điều: Có lẽ nhờ những mớ tai ương lâu nay tôi gánh chịu mà cái hạnh phúc an bình và hài lòng mình nhận được nó có giá trị tột đỉnh như thế nào. Hé mắt nhìn ra ngoài đời kia với biết bao viễn ly điên đảo mộng tưởng trong khi ở đây, trong căn nhà này, không có gió máy, không có nắng mưa, không có muỗi mồng, chỉ có sự che chở và tình thương của con người đối với con người. Đêm đó tôi ngủ một lèo thẳng thừng mà không hề bị trở giấc.
Sáng hôm sau vừa thức dậy tôi gặp ngay cô út ít trong nhà xẹt tới hồn nhiên dương mắt tò mò nhìn tôi một cái rồi te rẹt xuống bếp mất dạng. Ngoài đường hẻm tiếng người ồn ào qua lại, có cả tiếng trẻ con nô đùa trong xóm. Đã đến lúc mình phải nói lời cảm ơn và chào từ biệt Doãn Gia để tiếp tục lao thân vào nơi vô định. Tôi ra đi lần đó đến nay đã ba mươi ba năm dâu bể mà lòng tôi vẫn âm thầm chịu ơn Doãn Gia, đặc biệt là đôi con mắt đen láy, mở to của cô út dù một thoáng thôi tôi vẫn cảm nhận được cái đẹp hồn nhiên và hồn hậu của cô út mà cho đến tận ngày nay ánh mắt đó vẫn không hề chịu tắt trong tôi.
Năm 2009, ở Canada tôi mừng được tin cô út Hương sang Mỹ đoàn tụ với gia đình. Sau rất nhiều năm bịn rịn với quê nhà, cuối cùng vì gia đình Bố Mẹ, vì anh chị em, vì tương lai cô đành bỏ xứ, bỏ bè bỏ bạn mà đi; cô bỏ cả bài thơ "C ô Út Lìa  Quê"  của Lão Nho đọc lên nghe buồn buồn:

A ha!
Lấy vòng kim cô riệt đôi chân xinh xắn lại
Không cho nó chạy khỏi quê nhà
Không cho nó chạy khỏi quê nhà

Chao ôi! Nửa chừng câu thiên lý
Lại mọc ra vó ngựa đường xa
Nhịp nhàng nhịp vấp dây bịn rịn
Làm sao hốt lại giọt lệ nhòa

Thôi thì bỏ xứ mà đi trớt
Có nhớ cũng đành mượn bờ môi
Khóc lên một tiếng
Ơi, một tiếng
Một tiếng dài như kiếp mây trôi

Thiên lý chạy vòng nửa trái đất
Đói lòng ăn chút bụi quê nhà
Hớp miếng gió quê cay trồng mắt
Hột lệ nào khóc miết không ra.

Vậy đó. Vậy mà ba mươi chín năm vèo qua như một giấc mộng. Cô út đã chạy việt dã nửa vòng trái đất để ngày nay hai anh em lại mừng tri ngộ nơi xứ người. Trước mặt tôi là bố Sỹ, ngồi cạnh là út Hương, cách tôi có vài gang tay, nhưng khoảng trống giữa chúng tôi là ba mươi chín năm dâu bể. Tôi nhìn gương mặt út Hương. Vẫn đôi mắt mở to ra đó, nhưng giữa sự rắn rỏi, đậm chắc vẫn pha thêm cái nét trẻ trung, rạo rực, nồng nàn, Rõ ràng út Hương bây giờ ra chiều chững chạc hơn, nhanh nhẹn và tự nhiên hơn. Chính sự gần gũi, thân thiện của cô út, ngoài đôi mắt ngày xưa ấy bây giờ tôi lại được nhận thêm tiếng cười nói dòn dã trên đôi môi tươi tắn để lộ chiếc răng khểnh ra. Cái khểnh của chiếc răng lộ ra mỗi khi cô cười tôi thấy nó giống như cái lõi hoa màu sữa bị mắc kẹt giữa hàm răng trắng ngà, chắc nịch rất có duyên.

Không ai biết trước được đường đi nước bước của đời mình. Hôm nay út Hương rắn rỏi mà mềm mại ngồi đây, vậy mà ngày mai ngày mốt hay sang năm, cô lại hớn hở bay qua Hòa Lan lên xe hoa theo chồng về dinh không chừng.
Hê hê!!!

                           PHAN NI TẤN
  Xem: 
-- Việt Báo Đón Tết, Mừng Sinh Nhật Thứ 95 Của Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ
https://vietbao.com/p126a277708/viet-bao-don-tet-mung-sinh-nhat-thu-95-cua-nha-van-doan-quoc-sy
-- Giới thiệu trang web lưu trữ toàn bộ tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ
https://vietbao.com/a277760/gioi-thieu-trang-web-luu-tru-toan-bo-tac-pham-cua-nha-van-doan-quoc-sy
 - https://vietbao.com/p112a277766/bo-sy-va-co-ut

 *
*  *

Sinh nhật 95 tuổi của nhà văn Doãn Quốc Sỹ trùng cả ngày âm lẫn ngày dương

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ (ngồi) cùng con cháu vây quanh nhân ngày sinh nhật 95 tuổi của ông. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Văn Lan/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Ngày 16 Tháng Hai năm 2018, đúng 11 giờ trưa Mồng Một Tết Mậu Tuất, trong niềm hân hoan đón chào Xuân mới, nhật báo Việt Báo cũng tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 95 của nhà văn Doãn Quốc Sỹ, với sự tham dự thật đông của các vị dân cử Việt, Mỹ, gia đình và thân hữu.
Trong không khí tràn ngập sắc Xuân với những tà áo dài rực rỡ, tiếng pháo vang rền đón chào năm mới, mọi người trong tòa soạn cùng nâng ly chúc nhau điều tốt lành, và bên cạnh nhà văn Doãn Quốc Sỹ là những thân hữu, học trò cũ và người ái mộ vây quanh xin chụp ảnh kỷ niệm, xin chữ ký.
Nhà thơ Trần Dạ Từ cho biết năm nay rất đặc biệt vì ngày sinh của nhà văn Doãn Quốc Sỹ trùng với ngày tháng Âm và Dương Lịch, khi ông sinh đúng vào ngày Mùng Hai Tết Quý Hợi tại Hà Đông, miền Bắc Việt Nam, nhằm ngày 17 Tháng Hai năm 1923. Và năm 2018 này, ngày Mùng Hai Tết cũng rơi vào ngày 17 Tháng Hai.
Nhà văn Nhã Ca đọc câu đối khai bút đầu năm của chủ bút nhật báo Việt Báo Phan Tấn Hải để tặng sinh nhật lần thứ 95 của nhà văn Doãn Quốc Sỹ:
Mang gươm giới định huệ, đi tận cùng trời cuối đất
Phá trận tham sân si, viết để giữ ngọc gìn vàng
Dù đi lại hơi chậm, nhà văn Doãn Quốc Sỹ vẫn lừng lững tiến lên sân khấu dưới sự dìu bước của người con trai thứ 6 Doãn Quốc Hưng, mà nhiều người nói “giống bố thời trai trẻ, y như khuôn đúc.”
Nhà thơ Trần Dạ Từ giới thiệu bạn tù Doãn Quốc Sỹ, người nằm cùng giường trong trại Gia Trung (Pleiku), nơi giam giữ nhiều văn nghệ sĩ và nhà báo miền Nam sau 1975 như Thanh Thương Hoàng, Nguyễn Sĩ Tế, Sơn Điền Nguyễn Viết Khánh, họa sĩ Chóe,…
Sau đó nhà văn Trần Dạ Từ đọc bài thơ “Người Ở Với Người” do ông và nhà văn Doãn Quốc Sỹ cùng sáng tác trong trại tù Gia Trung, được phổ nhạc và Bác Sĩ Bích Liên hát trong tiếng đệm đàn guitar của anh Doãn Quốc Hưng.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, ngay sau đó, đọc bài thơ “Thề Non Nước” của thi sĩ Tản Đà. Tuy tuổi đã 95 nhưng giọng đọc của ông vẫn còn nghe rõ ràng, khí phách.
Ông Phạm Quốc Việt, cựu sinh viên Đại Học Vạn Hạnh Sài Gòn, khóa 72-75, cho hay thầy Doãn Quốc Sỹ chẳng bao giờ lưu ý đến thái độ của học trò đối với mình, ai thích nghe giảng thì nghe, không thích thì thôi, đó chính là tinh thần đại học.
“Khi vào học với thầy, tôi mới 18 tuổi. Thầy thì trên dưới 40, nhưng với kiến thức uyên bác, khi trao truyền cho học trò, thầy luôn giữ thái độ khoan hòa, không bao giờ khuyến khích học trò phải chăm chỉ học, mà dành trọn sự quyết định việc học cho học trò tự lo. Nói vậy chứ làm bài cho đúng ý thầy khó lắm không phải dễ!” ông Việt cho biết.
Nhà văn Doãn Quốc Sỹ (ngồi giữa) cùng thân hữu trong ngày kỷ niệm sinh nhật 95 tuổi của ông. (Hình: Facebook Nina Hòa Bình Lê)
Ông Đào Ngọc Phong, học trò thuộc thế hệ xưa khóa 1956-1960 tại Trung Học chu Văn An Sài Gòn, cho biết rất vui khi gặp lại thầy ở đây, trước hết là mừng Xuân Việt Báo, sau nữa là mừng sinh nhật thầy. Nhớ lại thời ấy, chúng tôi kính trọng thầy là một vị thầy giáo đạo đức, một nhà văn lớn của Việt Nam, với những tác phẩm nổi tiếng để đời.
“Chúng tôi thích nhất là tác phẩm ‘Khu Rừng Lau’ nói về thời kháng chiến từ 1945 trở đi mà ai cũng đọc say mê. Nhờ tác phẩm này mà thế hệ chúng tôi biết được tâm tình của người đi trước, đã gặp nhiều khó khăn trong việc chọn lựa con đường mình đi. Tôi nghĩ rằng nếu được làm thành phim, tác phẩm này cũng nổi tiếng không kém gì tác phẩm ‘Chiến Tranh và Hòa Bình’ của đại văn hào Nga Lev Tolstoi.
“Thế hệ của chúng tôi vẫn theo truyền thống là ‘Tôn Sư Trọng Đạo’ lúc nào cũng kính trọng, hôm nay gặp lại thầy như gặp lại người cha cũ”, ông nói thêm.
Ni sư Thích Nữ Như Ngọc, viện chủ Chùa A Di Đà Westminster, được học với thầy Doãn Quốc Sỹ những năm 68-75 ở phân khoa Khoa Học Văn Học, Khoa Học Nhân Văn, và học Cao Học Văn Học Việt Nam tại Viện Đại Học Vạn Hạnh.
Ni sư cho hay: “Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ là một vị giáo sư tài ba và rất dễ thương, ông có một phong cách rất đặc biệt là đứng đắn tận tâm, có nhiều tình cảm với học trò, ngoài ra thầy đúng là một Phật tử thuần thành, không chỉ dạy về cách viết văn, đôi khi thầy cũng giảng về Thiền và nói về ảnh huởng của Phật giáo trong văn học Việt Nam, với những diễn giải thật uyên bác.”
Giáo sư, nhà văn Doãn Quốc Sỹ sau bao nhiêu năm đào tạo nhiều thế hệ học trò, giờ đây trong cuộc đời êm ả lúc tuổi hạc đã cao, ông thật an nhiên khi nói với Người Việt: “Sở dĩ tôi được sống lâu như thế này là nhờ Thiền mọi lúc mọi nơi, kể cả ở trong tù, phải biết buông xả hết tất cả, tâm bình thản an vui với những gì mình có trong hiện tại.”
Mọi người cùng nhau hát vang những khúc nhạc Xuân “Ly Rượu Mừng” sáng tác Phạm Đình Chương, “Đón Xuân” sáng tác Phạm Duy, và ca khúc “Happy Birthday” được trỗi lên khi ngoài sân rộn ràng tiếng pháo đầu năm chúc mừng sinh nhật nhà văn Doãn Quốc Sỹ tròn 95 tuổi.