Lòng Tự Tin
Hành trang cho ngàn năm thứ ba
TS Nguyễn Văn Thành
Nội Dung
-
Lời Mở
Đường : Quan hệ giữa Biết và Tin
-
Chương
Một : Lòng Tự Tin ( Tôi Tin vào Tôi )
-
Chương
Hai : Thiếu Tự Tin, những Triệu chứng
-
Chương
Ba : Kỹ Thuật Hóa Giải Tâm Trạng Thiếu Tự Tin
-
Chương
Bốn : Hướng về Tương Lai
-
Kết Luận :
Con Đường Nào
-
Sách
Tham Khảo
-
Cùng một
Tác Giả
Lời mở
đường
Quan hệ
giữa Biết và Tin
Thông thường trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, khi chúng ta tin vào
ai, chúng ta sẵn sàng giao phó cho họ của cải, tiền tài hay là những
công việc quan trọng... Chúng ta không ngại ngùng bộc lộ chia sẽ những
tâm sự thầm kín, những trải nghiệm quí hóa về cuộc đời. Tin như vậy có
nghĩa là yêu thương và coi trọng, như chúng ta có thể quan sát và ghi
nhận trong những quan hệ vợ chồng, cha con, bạn bè tri kỹ... và khi
hai người đã tin nhau thực sự và trọn vẹn như vậy, một cách nào đó họ
đã đồng hóa với nhau. Họ giao sinh với nhau.
"Mình
với ta tuy hai là một.
Ta
với mình sao một mà hai!"
Ngoài cặp song đôi "Tin và yêu" luôn luôn đối đãi, giao thoa chằng
chịt với nhau, chúng ta còn ghi nhận một quan hệ thứ hai không thể vắng
mặt: Đó là Tin và biết. Hẵn thực, khi chưa biết gì cả mà tin; hay là
nhắm mắt mà tin... đó là thái độ của những người sống trong mê tín và
dục vọng.
Chính vì vậy, để khỏi tin một cách mù quáng, vào một người, một kiến
thức, một chân lý hay một giáo điều... lý trí hoặc tư cách "làm người"
đòi hỏi chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu một số dữ kiện khai đạo, dẫn đường,
nhằm tạo cơ sở vững chắc cho lòng tin của chúng ta. Nói cách khác, để
có thể tin mà không bị mê hoặc hay là trở thành ấu trĩ và lệ thuộc, điều
kiện tiên quyết là thái độ kiểm chứng hay là rà soát lại những tin tức,
trên sáu bình diện khác nhau có liên hệ đến lòng tin của chúng ta:
Một
: Ai?
Người mà
tôi tin có căn cước hoặc lý lịch như thế nào?
Hai
: Để làm
gì? Tại sao?
Cái gì
là quan trọng, đâu là giá trị đang thúc đẩy lòng tin của tôi? Tôi tin
vì mục đích gì?
Ba
: Cách
nào?
Tôi tin
bằng cách nào? Đâu là phương thức và đường hướng tôi cần đeo đuổi khi
tin? Cái gì sẽ xảy đến nếu tôi không tin? Tôi được gì và mất gì?
Bốn
: Điều
gì?
Khi tin
tôi có những hành vi cụ thể nào?
Năm :
Môi trường và điều kiện?
Tôi tin
khi nào, ở đâu, bao lâu, với điều kiện nào?
Sáu
: Quan
hệ thế nào giữa người tôi tin và bao nhiêu người khác? Ngoài tôi ra,
còn có những ai tin vào người ấy?
Mặc dù
với bao nhiêu tìm kiếm, học hỏi một cách nghiêm túc và sáng suốt như
vậy, chúng ta cần phân biệt rõ ràng: Tin không phải là biết. Để biết,
chúng ta phải thường xuyên kiểm chứng và đánh giá những sự kiện khách
quan, mắt có thể thấy, tai có thể nghe, tay chân có thể tiếp xúc và
cảm nhận. Tin , trái lại là phó thác , buông xả, chấp nhận mình không
thể kiểm soát một trăm phần trăm. Trong lăng kính và ý nghĩa nầy, khi
tin chúng ta tin vào một người. Thậm chí khi chúng ta tin một điều gì,
một cách mặc nhiên hoặc minh nhiên, chúng ta tìm nơi nương tựa vào một
người có tư cách và giá trị đã làm chứng về điều ấy. Người ấy có thẩm
quyền, có uy tín. Người ấy không bị lừa gạt và không đánh lừa chúng
ta. Thêm vào đó người ấy trung thực, không nói một đường làm một nẽo.
Trong
thực tế, tuy dù khác biệt nhau về bản chất và giá trị, hai động tác
"Tin" và "biết" phải nương tựa vào nhau, nuôi dưỡng lẫn nhau và cũng
cố cho nhau. Tin mà không đặt cơ sở trên hiểu biết, như trên đây tôi
đã nhấn mạnh, đó là mê tín, dị đoan. Đó là lòng tin mê muội, mù quáng
xuất phát từ dục vọng hoặc tình trạng ấu trĩ. Trái lại, cho dù ở trong
lãnh vực khoa học khách quan chính xác, chúng ta vẫn còn có nhiều lãnh
vực tranh tối, tranh sáng. Vẫn có bao nhiêu câu hỏi chưa được khai
sáng. Trong nhiều chủ thuyết tự hào là khoa học, như hệ thống Mác-Lê,
có bao nhiêu định đề hoặc tiền đề được coi là hiển nhiên không cần
chứng minh. Nhưng thực ra đó là những giả định, giả thuyết mà chúng ta
phải chấp nhận, như điều kiện tiên quyết, như chân lý ban đầu. Như cửa
ngõ cần thiết để đi vào bên trong một tòa nhà cần thăm viếng, hoặc cư
ngụ.
Phải
chăng, yêu xã hội chủ nghĩa có thể đồng hòa với yêu đất nước, yêu quê
hương và dân tộc?
Dựa
vào đâu tôi có thể xác tín: giai cấp vô sản phải chuyên chính, độc tài
nghĩa là có quyền tiêu diệt những giai cấp khác không chịu đầu hàng,
đầu thú? Nếu đó là lý luận "lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng", đâu là nét
khác biệt giữa chế độ độc tài với một tôn giáo bảo căn cực đoan? Phải
chăng cả hai đều hô hào "thánh chiến" nhằm diệt trừ đối phương bị đồng
hóa với "loại côn đồ vô đạo và vô luân"?
Trên cơ sở nào tôi có thể rêu rao, rĩ rã: tôn giáo tôi đạt 80%, là thuần
túy dân tộc và văn hoá? Và cho dù 80% thực sự, một đoàn lũ gào thét,
hô hào, la ó… có chứng minh được gì! Chân lý của một người vẫn là chân
lý, đang khi sai lạc của hàng triệu người vẫn là sai lạc, từ trong căn
đế của nó mà thôi!
Bao
nhiêu phân tích chi ly và cặn kẽ ấy nhằm chứng minh và nhấn mạnh rằng:
Tin không thể thiếu vắng trong cuộc đời làm người và nhất là trong
quan hệ giữa người với người, cũng như trong địa hạt hoạt động và dấn
thân.
Trọng
mỗi quyết định và chọn lựa hằng ngày, con người không bao giờ biết chắc
chắn một trăm phần trăm là "mình có lý, có lẽ phải và đi đúng đường".
Những ai ngồi chờ cho đến khi có đầy đủ mọi lý lẽ, mới bắt tay vào
việc ... người ấy sẽ hẹn nay hẹn mai, bất định, tê liệt và bất động.
Nói cách khác, tin cho phép hoặc thúc
đẩy
hành động. Tin không đóng khung trong địa hạt tình cảm. Tin không
quanh quẩn, vòng vo trong một lối nhìn, một kiến giải hay một quan
niệm hoàn toàn trừu tượng và lý thuyết. Tin đi đôi với hành động. Nghĩa
là phải kết thúc và được diễn tả bằng việc làm cụ thể, hằng ngày.
Nói cách
khác một cách rõ ràng và khúc chiết hơn, động tác "Tin" - cho dù thuộc
bình diện nào: tin vào một người, tin vào Thần Phật, tin vào Thượng
Đế... tin vào một chủ thuyết vô thần hoặc hữu thần - là một tiến trình
phát triển liên tục, từ trong ra ngoài và bao gồm bốn yếu tố then chốt :
- Một là
lối nhìn hay là kiến giải.
- Hai là
yêu thương hoặc coi trọng.
- Ba là
quyết định và hành động.
- Bốn là
đánh giá hoặc kiểm chứng lối nhìn lúc ban đầu, bằng cách dựa vào
những thành quả cụ thể của hành động.
Thiếu
một trong bốn thành tố căn bản ấy , chữ Tín trong quan hệ giữa người
với người cũng như giữa con người với một thực thể Tâm Linh như Trời,
Phật, Thượng-đế, Đấng Kitô, Đạo... không còn là "chánh tín". Nhưng là
ngụy tín, một lòng tin thui chột, bất thụ, không sinh sản hoa trái.
***
Bốn
yếu tố, mà chúng ta vừa xác định, phải có mặt trong bối cảnh tư duy,
khi chúng ta muốn khảo sát vấn đề Tự tin và vai trò của nó trong cuộc
sống làm người. Hẵn thực, đây cũng là một loại lòng tin, như chúng ta
vừa nói tới. Nhưng đặc biệt trong lãnh vực nầy, chủ thể và đối tượng
của lòng tin là một người duy nhất: Tôi Tin vào tôi.
Tuy
nhiên, đàng sau mệnh đề có vẽ đơn sơ, dễ hiểu ấy, nếu biết đào bới,
chúng ta sẽ khai quật lên bao nhiêu câu hỏi phức tạp và phiền toái:
Thứ nhất : Đành rằng, Tin vào mình là chìa khoá vàng có khả năng
mở ra mọi kho tàng, vốn liếng cho phép tôi thành tựu cuộc đời. Nhưng
kho tàng, vốn liếng ấy là gì ? Có mặt hay không? Dựa vào những tiêu điểm
nào, tôi vừa biết và vừa tin là tôi có sẵn những gia tài và gia sản
ấy ? Nói cách khác, "Tin vào mình" có nghĩa là gì? Đâu là những động
tác cụ thể diễn tả và bộc lộ ra ngoài lòng Tự Tin của tôi. Đó là nội
dung của chương I với tựa đề "Tôi Tin Tôi".
Thứ hai
: Cái gì sẽ xảy ra, đâu là những mất mát, thiệt thòi khi tôi không tin
vào tôi? Thắc mắc nầy sẽ được khai mở trong chương hai: "Những triệu
chứng của con người thiếu tự tin".
Thứ
ba
: Đâu là "Những kỹ thuật hóa giải" nhằm thay đổi tâm trạng thiếu tự
tin ? Nội dung nầy sẽ được thảo luận trong chương ba.
Thứ
bốn
: Phải chăng "phòng bệnh" có ích lợi và hữu hiệu hơn "chữa bệnh" ?
Để phác
họa một kế hoạch hướng lai, nhằm đào tạo những con người "Tự Tin",
trong chương bốn với tựa đề "Hướng về tương lai", chúng ta sẽ lần lượt
nghiên cứu và giải đáp nhiều vấn đề giáo dục:
-
Nguyên nhân sâu xa nào đưa đến tình trạng tâm lý: "Thiếu tự tin"?
-
Làm sao để học lại một lối nhìn tích cực?
-
Làm sao biết nghe với vành tai xôn xao, đầy kính trọng?
-
Làm sao ăn nói môt cách khách quan và tránh những giọng điệu cha chú,
khã dĩ làm thui chột lòng tự tin của người khác, nhất là của các em
bé ở tuổi lớn khôn và phát triển?
Sau
cùng, trong lời kết thúc, thể theo lời mời gọi của Giáo Chủ Gioan
Phaolô II, mỗi người trong chúng ta, trước ngưỡng cửa của Nghìn Năm
Thứ Ba, đang phải dứt khoát chọn lựa giữa hai con đường: Một bên là
văn minh Tình Thương làm bằng chất liệu tương thân tương ái, tương
kính và tương sinh. Bên kia là tương hoại tương tàn, chết chóc và nghĩa
địa. Đó là loại văn minh chiến tranh, bom đạn, kỳ thị, chia rẽ và hận
thù.
Vậy,
hỡi người độc giả, bạn chọn lựa "con đường nào", nếu bạn tin chắc rằng:
"Bản sắc của con người làm bằng chất liệu Tình Thương và Lòng Tha
Thứ" ?
*****************************
Chương
một
Lòng Tự
Tin « Tôi tin tôi »
Để
lãnh hội đầu đuôi gốc ngọn của lòng Tự tin, chúng ta hãy khởi đầu tìm
hiểu và hình dung bộ máy tâm linh của con người, còn mang tên là nội
tâm hay là cấu trúc tâm linh. Đây là một tổng thể, theo lối giải thích
của P. Senge, bao gồm nhiều yếu tố giao thoa và tác động lẫn nhau (1).
Mỗi thành tố vừa làm Nhân phát sinh ra quả. Và một khi đã xuất hiện,
thành hình, Quả ấy trở lại gây ảnh hưởng hay là tài bồi, tưới tẩm cho
Nhân. Rút cuộc, trong tiến trình phát triển và biến chế thường xuyên,
liên tục, thành tố nào là quả, thành tố nào là nhân? Mẹ nuôi con hay
là con nuôi mẹ? Nói cho đúng, thành tố nào cũng vừa là nhân, vừa là
quả. Vừa là mẹ vừa là con, tùy phương diện, địa hạt và giai đoạn đi
tới, lớn lên.
Thể theo
cách trình bày của Tâm lý đương đại, "Cấu trúc Tâm Linh" bao gồm năm
thành tố chính yếu:
- Thành
Tố thứ nhất là Môi trường sinh hoạt của con người.
- Thành
tố thứ hai là năm giác quan, còn mang tên là Cửa Vào.
- Thành
Tố thứ ba là Tư Duy, có phần vụ là đề xuất kiến giải hay là thuyên
giải, nghĩa là chuyển biến những tin tức, do môi trường cung cấp,
thành những ý kiến, những lối nhìn, những quan điểm…
- Thành
tố thứ bốn là những phản ứng xúc động của con người, trước những lối
nhìn khác nhau, do Tư duy cung ứng.
- Thành
tố thứ năm là Cửa ra, bao gồm những lời phát biểu hay là những thể
thức hoạt động của con người, để thiết lập những quan hệ tiếp xúc và
trao đổi với môi trường chung quanh, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau.
***
1.1-
Thành tố thứ nhất : môi trường sinh sống
Môi
trường là tất cả thực tại còn được gọi là ngoại cảnh đang có mặt và
bao quanh bản thân và con người của chúng ta. Thực tại ấy bao gồm
những sự vật, hiện tượng, biến cố và bao nhiêu người khác cùng chung
sống và tiếp xúc với chúng ta . Ngoài ra, thực tại cũng là những phản
ứng sinh lý hóa, như nhức đầu, tim đập, áp huyết cao, ăn uống khó tiêu...
đang có mặt trong cơ thể của chúng ta.
Thực tại phức tạp và muôn màu sắc ấy được nội tâm tiếp thu vào bên
trong lãnh vực hoạt động của mình, qua năm cánh cửa giác quan là thị,
thính, xúc, khướu và vị. Nói tóm lại, đó là những điều mắt thấy tai
nghe, và những gì chúng ta đụng chạm, tiếp xúc với làn da, miệng lưỡi
và lỗ mũi.
1.2-
Thành tố thứ hai : năm cánh cửa giác quan (2)
Phần
vụ của các giác quan là chuyển biến thực tại bao la, khách quan thành
hình ảnh, âm thanh và xúc cảm. Con bò được tiếp thu vào nội tâm không
còn là con bò bằng xương bằng thịt, đang cạp cỏ trong cánh đồng trước
nhà tôi. Nhưng đó là con bò làm bằng hình ảnh, âm thanh và xúc cảm, phản
ảnh một phần nào con bò trong thực tại và thực tế.
Trong khi tiếp thu, các giác quan phải làm công việc giản lược, thu
gọn hay là đơn giản hóa thực tại bằng ba cơ chế hay là ba phương thức
hoạt động khác nhau.
1.2.1- Cơ chế một : Tổng quát hóa
Khi nói
rằng "bò chỉ ăn cỏ" tôi đã vô tình hay hữu ý loại bỏ ra ngoài những
chi tiết vụn vặt, cụ thể, ngoại lệ, khác thường...Khi tổng quát hóa,
các giác quan chỉ lưu tâm đến tính qui luật như : bò khi nào, ở chỗ
nào... cũng luôn luôn có đặc điểm "ăn cỏ". Đồng thời, với cơ chế tổng
quát hóa này, các giác quan sẽ phải loại bỏ những nét riêng tư, đặc
thù, những trường hợp lẻ tẻ.
1.2.2- Cơ chế hai : Thanh lọc
Khi
mô tả "Con bò bốn chân" tôi đã chọn lựa tiêu chuẩn cách thức vận động
và di chuyển của bò. Ngoài ra tôi không thể lưu tâm đến những tiêu
chuẩn khác như : chiều dài bao nhiêu ? Khi bò ngủ, chân nó được xếp
đặt như thế nào ? Chân bò khác chân người thế nào...
Khi
dùng cơ chế thanh lọc, các giác quan làm công việc xếp đặt, chọn lựa,
nghĩa là trả lời cho câu hỏi: "Bây giờ, yếu tố nào là quan trọng nhất?
Cái gì là ưu tiên số một, tôi không thể bỏ sót hoặc lãng quên ? Những
yếu tố còn lại chỉ là điều phụ thuộc, không cần được chú ý và ghi nhận.
1.2.3- Cơ chế ba : xuyên tạc, bóp méo còn được gọi là chủ quan hóa
Khi
nhìn bò, một họa sĩ sẽ lưu tâm đặc biệt đến màu sắc và hình dạng. Một
nhạc sĩ sẽ phân biệt nhiều âm thanh trầm bổng khi bò rống. Một trẻ em
sẽ phát biểu ý kiến của mình : nó thích vuốt ve lưng bò và sợ cặp sừng
của bò...
Với
cơ chế chủ quan hóa, tôi bộc lộ quan điểm, tâm tình riêng tư của tôi,
khi tôi nói về bò.
Câu
chuyện do đức Bụt kể, về năm người mù đi xem voi lột trần được ý nghĩa
của cơ chế xuyên tạc nầy: phải chăng con voi giống chiếc gậy, tâm phản
hay cột nhà...? Cách so sánh nào cũng đúng. Nhưng không một cách nào đúng
hoàn toàn một trăm phần trăm, so với thực tại khách quan, toàn diện,
bên ngoài của con voi.
Chừng ấy nhận xét cho chúng ta thấy rõ : "Ý nghĩa không bao giờ có
tính chất toàn bích và toàn diện, cũng như nằm sẵn ở đâu đó trong thực
tại". Ý nghĩa của thực tại chỉ xuất hiện cho một người, khi thực tại
được người ấy "thuyên giải" nghĩa là lột trần, khám phá ý nghĩa. Một
từ chuyên môn khác hay là thuật ngữ thường được dùng là kiến giải. Hẵn
thực, khi kiến giải một thực tại, tôi khẳng định và qui định về ý nghĩa
mà thực tại ấy cung ứng cho tôi. Một người khác chưa hẵn khám phá và
ghi nhận cùng một ý nghĩa giống như tôi, về thực tại ấy.
Nói
tóm lại, không có sẵn trong thực tại một ý nghĩa duy nhất, rõ ràng
tách bạch trắng ra trắng hoặc đen ra đen cho mọi người đang cùng đứng
nhìn một thực tại ấy. Ý nghĩa chỉ được khai mở từ từ, tùy thể thức kiến
giải của mỗi người.
1.3-
Thành tố thứ ba : Kiến giải
Như
tôi vừa trình bày, Cấu trúc tâm linh còn được gọi là thể thức sinh
hoạt nội tâm, gồm có hai cửa ngõ: cửa vào và cửa ra. Từ chuyên môn bằng
tiếng Anh được dùng trong địa hạt vi tính là Input và Output.
Về
cửa vào, chúng ta đã khảo sát chức năng và thể thức hoạt động của năm
giác quan.
Về
cửa ra, chúng ta có hai con đường diễn tả và bộc lộ nội tâm: ngôn ngữ
là lối diễn tả chính xác có lời và ngôn ngữ « không lời và tương tự »
là tác phong hoặc hành vi.
Tâm lý của con người, ngoài trừ cửa ra va cửa vào, còn có hai nội dung
sinh hoạt khác nhau: sinh hoạt thứ nhất là phần kiến giải. Sinh hoạt
thứ hai sẽ được phân tích trong số 1.4. Đó là phần cảm trạng còn được
gọi là thời tiết của nội tâm, bao gồm những xúc động và tình cảm của
con người.
Trong số 1.3 nầy chúng ta sẽ lần lượt phân tích một cách chi tiết thế
nào là kiến giải, hay là thuyên giải.
Định
nghĩa kiến giải hay là thuyên giải
Kiến
giải là một tiến trình sinh hoạt tâm linh nhằm chế tạo lại một mô hình
hay là mẫu thức về thực tại đang được tiếp thu vào trong nội tâm, từ
những vật tư hình ảnh, âm thanh… do năm giác quan cung ứng.
Tiếng
Anh được dùng là mental processing. Đây là giai đoạn thứ hai sau Input
và đứng trước Output, như trước đây tôi đã nói đến.
Mô
hình về thực tại được chế tạo lại trong nội tâm, mang rất nhiều danh
xưng và tên gọi khác nhau: bản đồ tâm lý, hình ảnh nội tâm, lối nhìn,
cách nhận thức, quan điểm và kiến giải... sở dĩ có rất nhiều tên gọi
như vậy , vì tên nào cũng mang trong mình những giới hạn và khuyết điểm.
Không một danh xưng nào có khả
năng
chuyên chở mọi khía cạnh hoặc sắc độ của sinh hoạt tâm linh nầy.
Tuy
nhiên, để định nghĩa "một phần nào" kiến giải là gì, chúng ta cần phân
biệt rõ ràng những giai đoạn chúng ta cần kinh qua, khi đứng trước một
thực tại hay một vấn đề cần tìm hiểu:
Giai đoạn thứ nhất:
Tôi nêu lên những dữ kiện chính xác về thực tại: mắt tôi thấy, tai tôi
nghe , tay chân tôi tiếp xúc va chạm một vài khía cạnh cụ thể của thực
tại. Đây là giai đoạn quan sát và ghi nhận.
Giai đoạn thứ hai:
Đây là giai đoạn thuyên giải (3). Từ những dữ kiện do chính tôi quan
sát, ghi nhận, tôi hiểu biết thế nào về thực tại? Thực tại được quan
sát có ý nghĩa nào đối với tôi? Khi diễn tả kiến giải của mình chúng
ta có thể sử dụng những lối nói như sau:
-
Sau đây là cách nhìn của tôi...
- Ý
kiến của tôi về sự kiện ấy là...
-
Dựa vào những điều chính tôi quan sát, tôi có cách giải thích sau đây...
-
Về điều mà tôi đã ghi nhận và quan sát, quan điểm cá nhân của tôi
là...
Giai đoạn thứ ba: Diễn tả những xúc động tình cảm
Ở đây,
trong giai đoạn nầy, tôi diễn tả những phản ứng chủ quan được nẩy sinh
và xuất hiện trong nội tâm, sau khi tôi có kiến giải về thực tại. Thực
tại khách quan bên ngoài, theo tâm lý học, không bao giờ là nguyên
nhân chính thức và trực tiếp phát sinh những phản ứng xúc động và tình
cảm. Đó chỉ là những yếu tố phát hỏa, châm ngòi mà thôi. Tiếng Pháp
phân biệt một cách rất rõ ràng : cause là nguyên nhân, élément
déclencheur là yếu tố châm ngòi, là cơ hội dẫn khởi. Tâm lý phật học
phân biệt "nhân" là hạt mầm sinh ra cây, duyên chỉ là những điều kiện
thuận lợi, giúp cho cây lớn lên như nước, khí, mặt trời... Theo tâm lý
học ngày nay, lối nhìn chủ quan là nguyên nhân của xúc động.
Về
mặt ngôn ngữ diễn tả, chúng ta cần sử dụng kỹ thuật « ngôi thứ nhất »,
theo cách đề nghị của tác giả T. Gordon, để đảm nhận tính chủ quan của
đời sống xúc động (4) :
-
Sau khi nghe...tôi cảm thấy bực bội, lo sợ...
-
Khi thấy điều ấy, tôi có phản ứng hồi hộp ngột thở...
Giai đọan thứ bốn:
đề nghị và trình bày thể thức thể thức hành động hay là yêu cầu kẻ
khác đáp ứng nhu cầu của mình.
Thể
thức diễn tả:
-
Vậy bây giờ nguyện vọng của tôi là...
-
Trong hoàn cảnh nầy, nhu cầu thiết yếu của tôi là...
-
Tôi yêu cầu... Xin hãy làm...
-
Xin cho tôi rõ : tôi cần có thái độ hoặc tác phong nào để tôi biết phải
làm những gì...
***
Xuyên
qua những khảo sát và phân tích về các giai đoạn của kiến giải, chúng
ta cần ghi nhận những điểm then chốt sau đây:
Nhận xét một
: Thực tại khách quan là một hiện thể bao la, gồm có rất nhiều yếu tố
và phương diện khác nhau. Trái lại, những dữ kiện khách quan do tôi
quan sát và ghi nhận, chỉ diễn tả một phần rất nhỏ của thực tại ấy,
tùy vị trí đứng nhìn hay là tùy những nhu cầu hiện tại và bao nhiêu
giới hạn cá biệt của tôi.
Một người
khác, cũng đứng nhìn thực tại ấy, từ vị trí của họ, có thể trình bày
ba trường hợp khác nhau, so với trường hợp của tôi:
-
Họ nhìn hoàn toàn giống tôi.
-
Họ nhìn hoàn toàn khác tôi.
-
Giữa họ và tôi, vừa có những nét tương đồng, vừa có những yếu tố dị
biệt.
Biết đối chiếu mình và người, rồi từ đó biết chấp nhận và coi trọng
tính khác biệt của người: Đó đã là một kỹ năng, một cách "biết làm"
rất có giá trị, khả dĩ giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề, trong
cuộc sống tiếp xúc và trao đổi hằng ngày.
Trong lăng kính ấy, khi một người có ý kiến khác tôi, chưa hẵn họ
chống đối hoặc khai trừ tôi. Trái lại, họ có thể bổ túc và làm cho tôi
phong phú. Theo lời người xưa, "nhất tự vi sư". Hẵn thực khi mang đến
cho tôi chỉ một "chữ", một tin tức, một ý kiến, người ấy đã là vị
thầy, dạy cho tôi một bài học làm người.
Nhận xét
thứ hai
: Chính tôi là tác giả của đời tôi. Tôi là nguyên nhân tạo nên hạnh
phúc cho đời tôi. Nói cách khác, chính tôi làm cho tôi thấy mình có phước
hay là bất hạnh. Hẳn thực, trong thực tại bên ngoài, cũng như trong lề
lối hành xử và tác phong của người khác, vừa có trắng vừa có đen. Vừa
có quặng sản, vừa có vàng nguyên chất ở một tỷ lệ nào đó. Vừa có tích
cực, vừa có tiêu cực... Ai có toàn quyền chọn lựa và quyết định về
tình trang hạnh phúc hoặc khổ đau cho tôi, nếu không phải là tôi?
Chính tôi chủ động về lối nhìn, về cách thuyên giải.
Nói
một cách rõ ràng và dứt khoát, chính tôi là chủ thể, chủ nhân của đời
tôi. Tôi chủ động về lối nhìn của tôi. Cho nên, cũng chính tôi thấy
mình "bất lực, làm nạn nhân". Rốt cuộc, ai có thể chuyển hóa tình trạng
ấy, nếu không phải chính tôi?
Nhận xét thứ ba
: Tâm linh có chất lượng lành mạnh và sáng suốt khi nào tâm linh ấy
biết phân định một cách rành mạch những yếu tố khác biệt sau đây:
- Đâu là
sự kiện khách quan mà những người khác có thể ghi nhận, nếu họ đứng ở
vị trí giống như tôi?
- Đâu
là lối nhìn của tôi, do tôi chủ động? Nếu tôi chủ động tạo nên và xây
dựng một điều, tôi cũng có thể chủ động thay đổi, hóa giải điều ấy.
Theo P. Ricoeur, nếu chính tôi biết lắp ráp, thì chính tôi cũng có khả
năng tháo gỡ. Nếu chính tôi thuyên giải, thì cũng chính tôi có khả năng
giải trừ hay là từ chối cách thuyên giải một chiều của tôi (5).
Trong tiếng Pháp, chúng ta ghi nhận những cặp từ tương phản như:
Interpréter (thuyên giải) và Déinterpréter (phá thuyên giải),
Construire (xây dựng) và Déconstruire (tháo gỡ). Nói cách khác, nếu
chúng ta có khả năng đi tới, thì chúng ta cũng có khả năng trở lui,
khi nhận biết mình sai lầm, nghĩa là :
-
Hóa giải những phản ứng xúc động hoàn toàn chủ quan, xuất phát từ lối
nhìn của chúng ta,
-
Giải trừ những lời phê phán, đỗ lỗi, tố cáo nhằm qui định kẻ khác là
nguyên nhân độc nhất, khi có những sai lạc và lầm lỗi xảy ra trong môi
trường,
-
Khám phá những nhu cầu cơ bản ở bên dưới mỗi xúc động và tình cảm của
mình, cũng như của kẻ khác,
- Xác định
thế nào là lời yêu cầu, thế nào là những đòi hỏi, khi chúng ta thiết
lập những quan hệ hai chiều với người anh chị em,
-
Phân biệt đâu là những khả năng và đâu là những hạn chế trong các chương
trình và kế hoạch hành động của chúng ta.
Nhằm
phát hiện những khả năng trên đây, « phương pháp chương trình sinh
hoạt thần ngữ » (Programmation neuro-linguistique) đề nghị chúng ta tự
đặt ra cho mình hai câu hỏi :
-
Bạn biết bạn Đang biết những gì?
-
Bạn biết bạn Chưa biết những gì?
Nếu
đã biết rồi, chúng ta tiếp tục bổ túc và kiện toàn cho đến hồi thuần
thục và nhuần nhuyễn.
Nếu
chưa biết, chúng ta tìm kiếm, học hỏi, kiểm chứng, thực nghiệm.
Nếu
chưa chứng nghiệm được một cách trực tiếp, chúng ta dựa vào một người
hay một vị thầy. Và khi làm vậy, chúng ta còn ở trong địa hạt "Tin",
vì chưa có khả năng tự mình khám phá để hiểu biết một cách tự lập.
Sau
hết, để kẻ khác có thể tin vào những điều chúng ta diễn tả và trình
bày, chúng ta phải "nói có sách, mách có chứng", bằng cách trưng dẫn
rõ ràng: ai nói, nói ở đâu, nói khi nào và nói gì ? Cũng vậy, khi tin,
chúng ta cần xác định nơi nương tựa của chúng ta : chúng ta đang dựa
vào ai để bổ túc những gì chúng ta chưa có, chưa biết, và chưa có khả
năng chứng nghiệm một cách trực tiếp. Không làm vậy, chúng ta chỉ ba
hoa chích choè, nói láo ăn tiền... hay là nhai đi nhai lại một cách vô
thức, máy móc và sáo cưỡng.
***
Nếu
thiếu những phân định rõ ràng như vậy , chúng ta chưa "biết mình"; chưa
có một ý thức sáng suốt về mình. Nói cách khác, chúng ta chưa "làm chủ"
bản thân. Lối nhìn về mình còn rất mập mờ, hỗn độn. Cho nên, tôi chưa
biết trả lời cho mình và cho người khác, về những câu hỏi thiết yếu có
liên hệ đến bản sắc làm người :
-
Tôi là ai?
-
Giá trị của tôi là gì?
-
Tôi có khả năng nào?
Làm
sao tin vào mình, khi chính tôi đang ngụp lặn trong những điều kiện
nhận thức còn rối loạn, vô tổ chức và thiếu cơ cấu.
Khi
bản thân mình không phải là nơi nương tựa vững chắc, tôi sẽ tìm nơi
nương tựa khác, ở ngoài bản thân và con người của tôi. Lúc bấy giờ,
tôi chỉ sống trong tình trạng lệ thuộc. Đó là mầm mống của lòng thiếu
tự tin.
1.4-
Thành tố thứ bốn : Xúc động và tình cảm
Trên đây
khi bàn về kiến giải, tôi đã đưa ra những điểm then chốt liên hệ đến
xúc động và tình cảm như sau :
Một
: Tình cảm và xúc động là những phản ứng hoàn toàn chủ quan.
Hai
: Vì là phản ứng, tình cảm và xúc động thay đổi thường xuyên như thời
tiết và khí hậu.
Ba
: Nguyên nhân phát sinh xúc động và tình cảm không phải là thực tại
bên ngoài. Không phải là tha nhân. Nhưng chính tôi là tác giả. Nói đúng
hơn, chính lối nhìn của tôi là nguồn gốc phát sinh những xúc động và
tình cảm đang hiện hình trong nội tâm của tôi.
Bốn
: Lối nhìn, kiến giải là thể thức tôi thuyên giải thực tại, bằng cách
"đăt tên" cho thực tại, theo lối nói của P. Freire (6) . Thuyên giải
còn có nghĩa là tìm ra, khám phá cho thực tại một ý nghĩa.
Năm
: Ý nghĩa, phát xuất từ động tác thuyên giải, không hoàn toàn do chủ
thể nắn đúc hoặc tưởng tượng ra. Giữa ý nghĩa và thực tại khách quan
bên ngoài, có những liên hệ không nhiều thì ít, không gần thì xa. Ý
nghĩa được manh nha một phần nào trong thực tại. Chính chủ thể làm
công việc khám phá, khi thuyên giải, bằng cách tưới tẩm cho hạt mầm có
mặt trong thực tại, có điều kiện và khả năng đâm chồi nẩy lộc, sinh
hoa kết trái.
Sáu
: Lối nhìn lắm lúc còn ở trong tình trạng mập mờ và hỗn độn. Theo lối
nói của Phân tâm học, đó là những ý tưởng mộng mơ, chập chờn. Từ ngữ
được sử dụng trong tiếng Pháp là Phantame có nghĩa là một ý tưởng chưa
được thành hình một cách rõ ràng trong nội tâm. Ý tưởng ấy đang còn ở
trong tình huống vừa thực vừa hư.
Bảy
: Khi lối nhìn chưa có những cơ sở chính xác, khách quan, lối nhìn ấy
mang tên là những tin tưởng chủ quan.
Tám
: Lối nhìn - tuy dù còn ở trong tình trạng mơ tưởng hoặc tin tưởng –
đã có thể là nguyên nhân phát sinh những xức động và hành động. Chính
vì vậy, theo tâm lý ngày nay, tin tưởng đóng một vai trò rất quan
trọng trong lãnh vực sinh hoạt của con người. Hẳn thực, chúng ta "Tin"
làm sao, thì chúng ta sẽ khuôn đúc thực tại bên ngoài, theo đúng những
kích thước đã được cưu mang trong nội tâm của chúng ta.
Chín
: Giữa lối nhìn và xúc động có những quan hệ nhân quả qua lại hai
chiều. Dựa vào xúc động, chúng ta có thể thay đổi lối nhìn. Đồng thời,
khi dựa vào lối nhìn, chúng ta có thể thay đổi xúc động.
Tất
cả những phương thức và đường hướng hóa giải xúc động và tình cảm đều
phát xuất từ nguyên tắc cơ bản nầy.
Cách Hóa giải xúc động và tình cảm
Chín
nhận xét vừa được trình bày trên đây đã nói lên tầm quan trọng của xúc
động và tình cảm trong đời sống làm người. Động cơ thúc đẩy con người
vươn lên, vượt tầm, thực hiện những kỳ công trọng đại đều xuất phát từ
lãnh vực nầy của nội tâm. Và đàng khác, bao nhiêu trở ngại khả dĩ bẻ
gẫy, làm chùn chân mọi ý chí, hoài bão, lý tưởng, làm tê liệt mọi chương
trình phục vụ và thăng tiến con người cũng đặt sào huyệt tại nơi đây.
Thiên Đàng, Niết Bàn bắt nguồn từ nơi đây; và địa ngục đọa đày, trầm
luân cũng phát xuất từ khởi điểm nầy.
Để
đánh giá hoặc phân định ai đầy tự tin, chúng ta chỉ cần khảo sát đời
sống xúc động tình cảm của người ấy. Nếu họ làm chủ được mình, trong địa
hạt nầy, bằng cách hóa giải những xúc động tê liệt, phá hoại và biết
vận dụng tối đa những tình cảm năng
động xây
dựng, thì những người ấy có thể lắng nghe và đón nhận làm phần tư hữu
của mình, lời thơ sau đây của thi sĩ Kipling (7) :
« Yours is the Earth and everything that's in it,
« And - which is more - you'll be a man, my son!"
« Khi con thực hiện được bao nhiêu điều trên đây…
« Trời đất trăng sao và tất cả vũ trụ sẽ thuộc về con,
« Nhưng một thành quả còn lớn lao và cao cả hơn tất cả càn khôn
và vũ trụ , chính là điều : Con đang trở thành một Con Người đích
thực và trọn vẹn ».
***
Trong khuôn khổ của cuốn sách về Tự Tin, tôi không thể chi li về
mọi phương thức hóa giải xúc động và tình cảm. Tôi chỉ muốn giới thiệu
tư tưởng của hai tác giả quan trọng sau đây :
Tác giả
thứ nhất là D. Goleman (8)
Trong hai tập sách có giá trị và tầm vóc hoàn vũ, nhà tâm lý nầy đã
liệt kê năm khả năng của con người biết hóa giải đời sống và xúc động.
Khả năng thứ nhất: Ý thức sáng suốt và đầy đủ về đời sống tình cảm
và xúc động của chính mình. Ý thức có nghĩa là biết xác định điểm xuất
phát, đánh giá cường độ và tầm ảnh hưởng. Một cách đặc biệt, ý thức là
biết đặt tên, gọi tên và đồng thời khám phá nhu cầu hiện tại của mình,
đang ẩn núp ở bên dưới mỗi xúc động và tình cảm.
Khả
năng thứ hai
: Làm chủ, đối với những xúc động và tình cảm tiêu cực, phá hoại như
giận dữ, lo âu, tuyệt vọng...
Làm chủ
có nghĩa là biết ngăn chận, đề phòng, chuyển biến, tránh tối đa những
tình trạng tràn ngập, ngụp lặn, tê liệt do xúc động và tình cảm quá
mãnh liệt áp đặt và gây nên cho chúng ta. Trái lại, khi xúc động và
tình cảm "tức nước vỡ bờ", khống chế tư duy, chúng ta sẽ đánh mất bản
thân mình. Chúng ta trở thành nạn nhân của dục vọng.
Khả
năng thứ ba:
Vận dụng, điều động những tình cảm năng động, tích cực, để động viên
chính mình trong vấn đề thực hiện những mục tiêu của đời sống.
Khả
năng thứ bốn
: Đồng cảm với người khác, tìm hiểu nhu cầu tình cảm của họ, để tiếp
xúc nâng đỡ và soi sáng con đường làm người của họ.
Khả
năng thứ năm
: Phát huy quan hệ hài hòa, tốt đẹp và xây dựng, trong mọi hoàn cảnh
tiếp xúc, chung sống và cộng tác với người đồng bào, đồng loại.
Theo ngôn ngữ của D. Goleman, năm khả năng vừa được liệt kê, tạo nên
một loại "Thông minh coi trọng tình cảm". Yếu tố nầy đang thiếu vắng
trầm trọng trong xã hội quá duy lý ngày nay. Càng duy lý, xã hội càng
trầm luân và gặp nhiều vấn đề ở mọi địa hạt. Trí thông minh coi trọng
tình cảm phải chăng là nhu cầu cấp thiết của con người, trong thời đại
mới thuộc Nghìn Năm Thứ Ba ?
Tác giả
thứ hai là Cameron Bandler (9)
Trong cuốn sách mang tựa đề "Làm con tin của đời sống tình cảm và xúc
động" tác giả nầy trình bày rất nhiều kỹ thuật hóa giải, với từng bước
đi lên rất cụ thể. Nét đặc biệt của những phương pháp hóa giả nầy được
trình bày và thu tóm trong hai kỹ thuật then chốt sau đây:
Phương
pháp hóa giải thứ nhất là « Mẫu hóa »
Tình cảm và xúc động được tháo gỡ ra từng bộ phận, cơ hồ chúng ta tháo
gỡ ra một chiếc xe đạp, để lau chùi hoặc sửa chữa. Khi lắp ráp lại
chúng ta nhận thấy "tổng thể" chỉ được cấu thành bằng một số "thành
tố" rất hạn định. Khi sửa chữa, chúng ta chỉ cần thay đổi một hoặc hai
bộ phận mà thôi, chiếc xe đã lên cấp một cách rõ rệt.
"Tổng
thể" của một xúc động cũng được cấu thành bằng một số "thành tố" hạn
định. Khi khám phá và liệt kê những thành tố ấy, chúng ta làm công
việc mang tên là mẫu hóa, có nghĩa là tìm ra "bộ sườn".
Và
khi đã rõ ràng về "mẫu thức" hay là "bộ sườn" của một xúc động, chúng
ta chỉ cần tác động trên một vài thành tố, chúng ta sẽ có khả năng
biến chuyển toàn diện chất lượng của cả "Tổng thể".
Để
minh họa phương pháp mẫu hóa nầy, chúng ta hãy lấy thí dụ lòng tự tin.
Mẫu
thức hay là bộ sườn của lòng tự tin bao gồm sáu yếu tố:
-
Thành tố thứ nhất : Ý thức về mình, về căn cước : Tôi biết tôi là ai?
-
Thành tố thứ hai : Mục đích và giá trị của tôi là gì? Lý tưởng của đời
tôi ở đâu?
-
Thành tố thứ ba là Khả năng. Tôi làm được gì? Thế nào?
-
Thành tố thứ bốn là Tác phong. Bây giờ đây tôi làm gì cụ thể?
-
Thành tố thứ năm là Môi trường sinh sống và hoạt động. Tôi hiện ở đâu?
Nghề nghiệp của tôi là gì ? Tôi có thể đóng góp những gì, cho những người
đang có mặt hai bên cạnh tôi ?
-
Thành tố thứ sáu : Những quan hệ cơ bản của tôi là gì ?
Ai là người anh chị em?
Ai là cha mẹ?
Quê
hương có ý nghĩa gì cho cuộc đời của tôi ?
Nếu
chưa trả lời được cho mình và không đi tìm câu trả lời, cho một trong
sáu điểm trên đây, lòng tự tin của tôi còn ở trong tình trạng bấp bênh,
mơ hồ và vô hiệu.
Trái lại, khi trả lời được một cách trung thực và đầy xác tín, cho sáu
loại câu hỏi trên đây, chúng ta sẽ thuộc loại người có lòng tự tin,
trên con đường tiến thân của mình.
***
Nhà đại
văn hào người Nga L. Tolstoi
đã "mẫu hóa" con người biết sống hạnh phúc, khi nhấn mạnh rằng : người
ấy có khả năng trả lời một cách xác đáng, trước ba câu hỏi sau đây:
-
Ai là con người quan trọng nhất trong cuộc đời hiện tại của tôi ?
-
Lúc nào là thời điễm quan trọng nhất, cần tôi nắm bắt và tận dụng?
-
Hành động nào có tầm mức quan trọng nhất, cần được thực hiện lập tức,
không thể trì hoản?
Và
Tác giả đã giới thiệu câu trả lời sau đây :
-
Người
quan trọng nhất chưa hẵn là cha mẹ, vợ chồng, con cái; Trời, Phật,
Thiên Chúa... Nhưng đó là người đang ở trước mặt tôi. Người ấy là hình
ảnh của Thiên Chúa, nếu tôi tin vào Ngài.
- Lúc
quan trọng nhất chưa hẵn là ngày cưới hỏi, giờ lâm chung, lúc trúng số
độc đắc. Nhưng đó là giờ phút hiện tại, ở đây và bây giờ.
- Công
việc nào có tầm mức quan trọng nhất? Đi lễ Chùa, vào dòng tu? Cầu kinh,
bố thí? Công việc quan trọng nhất là làm cho người đang ở trước mặt
mình, được hạnh phúc, an bình và sung sướng.
Ai
làm được như vậy, đó là con người biết sống hạnh phúc, mặc dù còn đang
ở giữa trần thế đầy chết chóc và đau thương! Và sỡ dĩ tôi "làm được"
cho người khác hạnh phúc, là vì hạt mầm hạnh phúc đã có mặt trong nội
tâm của tôi.
Phương pháp hóa giải thứ hai: "Nhổ neo và khóa neo"
Một
chiếc thuyền, khi được neo lại, sẽ không trôi dạt bấp bênh, theo sóng
gió.
Khi
nhổ neo, chúng ta có thể chèo thuyền đi nơi khác.
Trong cuộc đời làm người, cũng có những cây neo tâm lý tương tự như
vậy.
Chính Pavlov đã thực hiện một cuộc thí nghiệm như sau:
Giai đoạn một : Ông giam đói một con chó.
Giai đoạn hai : Ông mang đến một miếng thịt bò tươi đặt trước mặt chó
và đồng thời rung một cái chuông nhỏ.
Thấy miếng thịt, con chó đói thèm ăn, nhưng vì chưa ăn được, nó chảy
nước bọt.
Giai đọan thứ ba : Ông lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong nhiều ngày,
hai giai đoạn thí nghiệm trên đây.
Sau
độ hơn một tuần hay 10 ngày, Pavlov chỉ cần rung chuông mà thôi, không
cần mang ra miếng thịt, con chó đói đã chảy nước bọt. Sỡ dĩ như vậy vì
tiếng chuông đã được neo chặt vào miếng thịt, cho nên có khả năng tác
động hoàn toàn giống như miếng thịt.
Phương
pháp "Chương trình sinh hoạt thần ngữ" sử dụng lại ý kiến của thí
nghiệm nầy, một là để làm sống lại những xúc động tích cực như hăng
say, sung sướng, bình thản. Hai là để giải trừ những tình cảm tê liệt
như buồn chán, lo âu... Tất cả vấn đề là tìm ra một cây neo tâm lý
vững mạnh và đơn sơ, thích hợp với hoàn cảnh của cuộc sống. Từ đó,
chúng ta tìm cách cột chặt cây neo vào một xúc động.
Bản
thân tôi đã và đang thường xuyên sử dụng những bài hát và câu thơ tạo
năng lực và hùng khí. Sau đây là vài ba ví dụ:
-
« Em trọng đại vì em là tất cả »,
-
« Đem rừng xanh phủ hết đất tang thương »,
-
« Em là ché lúa đưa tin mùa gặt mới »,
-
« Em là dòng suối gọi lòng người tắm gội ».
Đó
là những "cây neo", những "tiếng chuông" tôi hát lên hay là âm thầm
chú niệm khi tôi hăng say, hạnh phúc, đại lượng đầy lòng tha thứ...
Tôi
ngày ngày cột vào những câu thơ, câu hát ấy, cả một tình người bao la
trong sáng, hướng thượng.
Nhờ
đó vào những lúc đen tối, tuyệt vọng chán nãn, vì lòng người độc ác,
thiếu bao dung, hẹp hòi, phê phán, xua đuổi...tôi nhỏ nhẹ nhắc nhở lại
cho mình:
- "Ánh
mắt em là cả một bầu trời!"...
Nhờ
chú niệm vào những vần thơ vắn gọn ấy, tôi bám chặt vào cây neo. Đồng
thời tôi giải trừ được những cỏ lùng, đã do ai gieo vào ruộng đồng của
tôi, trong một lúc mà tôi không hay biết...
Kết
quả là nhờ bao nhiêu câu hát, câu thơ ấy, tôi vẫn bám chặt vào con đường
làm người, đ1ng như lời nói của Thisĩ Kipling : "Thành nhân là một
thành quả thật vuông tròn!"
Cũng nhờ phương pháp "khóa neo" như thế, tôi có sức vươn lên, mặc dù
cuộc sống lắm lúc " nặng như chì" và "đen như con kiến đen giữa đêm
đen, nằm cô đơn trên tảng đá đen".
Không học tập và tôi luyện cho mình, cách hóa giải như vậy, làm sao
tôi có thể khẳng định về con đường làm người của mình :
"Giữa
bão tố, hồn đại dương vẫn lặng
"Ngày
sương mù, lòng trời cao cứ nắng".
***
1.5-
Thành tố thứ năm : ngôn ngữ và hành động để bộc lộ nội tâm
Nội tâm
được so sánh như một "lò luyện thép". Ở đây, thực tại bên ngoài được
nung đốt, thanh lọc và chuyển biến, để cuối cùng trở thành hai thực
thể: Kiến giải về thực tại và phản ứng nội tâm là tình cảm và xúc động.
Vào
giai đoạn thứ năm, nội tâm được bộc lộ ra bên ngoài, trở lại tác động
trên môi trường và ngoại cảnh bằng hai phương tiện: Ngôn ngữ và tác
phong.
Dựa
vào hai sinh hoạt nầy, chúng ta cũng có thể đánh giá chất lượng và cấp
độ tự tin của một chủ thể:
Thứ nhất : người ấy có ý kiến rõ ràng và khúc chiết không? Lời nói
có diễn tả minh bạch và trọn vẹn quan điểm và lập trường không?
Thứ hai : xúc động có được diễn tả ra ngoài một cách dễ dàng,
trung thực, thanh thoát, thoải mái không? Hay là bị cầm giữ, dồn nén,
ngụy trang?
Nói
cách khác, chủ thể có khả năng bộc lộ một cách thích ứng những nhu cầu
tình cảm cơ bản cũng như những nguyện vọng và yêu cầu của mình không?
Thích ứng có nghĩa là đúng lúc, đúng độ, đúng cách và đúng đối tượng.
Thứ ba : khi diễn ta kiến giải cũng như khi bộc lộ cảm trạng của
mình, chủ thể phát biểu đã tạo nên xung đột, tranh chấp hay là phát
huy quan hệ và bồi dưỡng hòa khí?
Hai
tác giả D. Goleman và B. Sommer đã sỡ hữu hóa một tiêu chuẩn do M.
Csikszentmihalyi (đọc là síc-xê-mi-hai) đề xuất để đánh giá con người
tự tin (10). Đó là tư cách có tên gọi là Flow trong tiếng Anh. Flow có
nghĩa là trôi chảy dễ dàng, xuôi thuận, thoáng thoát, tự nhiên. Không
bị trục trặc. Không căng thẳng gò bó. Không gồng mình lên, như con
nhái muốn sánh mình vời con bò. Không che đậy, giấu diếm dưới những
lớp áo quần chói chang láng bóng. Flow là tư cách của trời xanh, của
biển cả. Lại gần con người có tư cách nầy, chúng ta cảm thấy mình cao
cả, trọng đại nhưng vẫn còn muốn vươn lên. Không bị nhận chìm, đè bẹp.
Tư cách Flow có mặt nơi một trẻ thơ. Nơi con người hạnh phúc. Nơi một
nhà trượt tuyết vô địch đang bay lượn nhẹ nhàng qua nhựng sườn tuyết
trùng trùng, điệp điệp. Nói tóm lại, Flow là nước chảy xuôi dòng. Nhận
vào để nuôi dưỡng mình và cho ra để phong phú hóa người tiếp xúc với
mình. Là tình yêu vô điều kiện, không có gợn mây lo sợ, đề phòng, so
đo hơn thiệt. Không tố cáo, kết án. Trước lỗi lầm chỉ có liếc nhìn đầy
tha thứ! Như nước, con người tự tin chỉ nối kết và bắc nhịp cầu. Lời
nói của họ không bao giờ là tên bay, đạn nổ.
1.6-
Thành tố thứ sáu: Quá khứ là kho tàng chứ không phải là vết thương hay
vết nhơ trong lý lịch
"Hóa
giải quá khứ" phải chăng là kỹ năng to lớn của người tự tin? Nhưng quá
khứ tôi muốn nói ở đây là gì, nó tác động ở đâu, cách nào trên nội tâm
của con người?
Bao
lâu một dân tộc chưa hóa giải được toàn bộ quá khứ của mình bằng cách
đối diện và nhận diện những bộ mặt gian manh những bàn tay đẫm máu,
những ý đồ thực dân, diệt chủng, những thủ đọan thanh toán, diệt trừ
người anh em... cái vô thức, vô minh ấy vẫn còn là cái ung thư nhức
nhói chờ ngày xuất hiện trở lại.
Bao
lâu một tập thể còn có mặt ngoài mặt trong, còn sợ "vạch áo cho người
xem lưng", tập thể ấy đang kéo lê lết một gánh nặng vô hình cản trở
con đường tiến thân và lớn mạnh.
Đối
với từng mỗi cá nhân cũng vậy, quá khứ như mặt trăng gồm có hai mặt:
mặt sáng và mặt tối. Mặt tối ám ảnh, kích thích, đeo đuổi chúng ta.
Theo thánh Phao-lô "Hồng ân cứu độ" chỉ tràn trề khi mặt tối được thú
nhận: nghĩa là đảm nhận, chấp nhận, đối diện, nhìn thẳng mặt. Theo tâm
lý học, được "cứu độ" có nghĩa là được giải thoát, giải phóng, giải
tỏa. Không bị kẹt, không bị ối động, không bị ung thối, không bị ô
nhiễm hoặc đầu độc vì một vết thương không được chữa lành.
Một
số người học thiền chưa đến nơi đến chốn, thường eo xèo, nhễ nhãi rằng:
"Quá
khứ đã qua rồi!
Tương
lai thì chưa tới!
Chỉ
có giây phút hiện tại là thực!"
Không, quá khứ không đi qua. Theo duy thức học - một loại tâm lý học
Phật giáo - quá khứ đang còn có mặt trong cung lòng của kho lẫm, mang
tên là tàng thức hay là A-lại-gia- thức. Đó là từ tương đương với Vô
thức của Phân tâm học. Quá khứ rơi rụng và đang được chất chứa trong
kho tàng vô thức, dưới hình thức chủng tử hay là hạt mầm.
Những lối nói "kho lẫm", "kho tàng" chỉ là hình ảnh, hình tượng. Thực
ra nội tâm không phải là một nơi chốn vật chất có nhiều phòng ốc khác
nhau. Nội tâm như chúng ta đã quãng diễn sâu rộng, là lối nhìn và xúc
động.
Khi
thực tại đi vào nội tâm, nội tâm không phải là "vườn hoang, nhà trống".
Nội tâm đã có một quá trình kinh nghiệm, một quá khứ. Cho nên khi
thuyên giải thực tại, nội tâm không thể không chịu ảnh hưởng của quá
khứ. Nhưng quá khứ ấy là mẹ hiền nâng đỡ đùm bọc, soi sáng, hướng dẫn.
Quá khứ cũng có thể là bà dì ghẻ, như trong câu chuyện tấm cám:
Bà
luôn luôn xoi mói, hằn học, hành hạ, tố cáo, chưởi bới, không cho phép
đứa con ghẻ ngoi đầu lên.
Trong đời sống thực tế, tôi không cần có cha ghẻ hay mẹ ghẻ. Trong mỗi
người cha mẹ của chúng ta , như tôi đã triển khai và trình bày trong
cuốn "Đối Thoại, quê hương tình người", luôn luôn có hai bộ mặt Cha Mẹ
Hiền và Cha Mẹ Ghẻ (11).
Nếu
trong quá khứ, nhất là trong vòng năm sáu năm đầu đời, tôi đã có kinh
nghiệm với " Cha Mẹ Hiền ", tôi sẽ học lại kinh nghiệm "Hiền" với con
cái của tôi, với những người tôi tiếp xúc hằng ngày trong môi trường
xã hội. Trái lại, nếu tôi đã sống kinh nghiệm "Ghẻ" với cha mẹ, tôi sẽ
tái diễn bộ mặt "Ghẻ", với con cái và bạn bè xa gần, trong cuộc sống
thường ngày của tôi.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, hoá giải quá khứ là thấy, biết, ý
thức về nhiều bộ mặt khác nhau trong chính mình: vừa Hiền vừa Ghẻ và
sáng suốt chọn lựa bộ mặt Hiền trong mọi tiếp xúc và trao đổi ới anh
chị em đồng bào, đồng loại :
Không phải chọn một lần là đủ.
Nhưng
là ngày ngày chọn lại. Ngày ngày quyết định lại.
Và
cho phép người anh chị em mình cũng có khả năng làm lại cuộc đời, "trở
lại" với bộ mặt Hiền của mình.
Hóa
giải như vậy cũng mang một tên khác là Tha Thứ.
Và
chúng ta không chỉ thứ tha một lần. Nhưng triệu lần mỗi ngày . Thứ tha
cho mình, để có thể thứ tha cho người khác.
« Nhật
tân, nhật nhật tân,
« Hựu
nhật tân! »
Con
người tự tin, dân tộc tự tin khi con người và dân tộc ấy có khả năng
nhìn mình, biết mình. Từ đó can đảm và sáng suốt đối diện và nhận diện
hai bộ mặt Sáng và Tối luôn luôn có mặt trong mình, không che dấu,
không ém nhẹm, không làm ra vẽ. Cuối cùng, chúng ta quyết định chọn
lựa con đường sáng, để rồi nắm tay nhau, nâng đỡ nhau và thúc dục nhau
mà đi. Ai té ngã, toàn thể anh chị em nâng đỡ họ đứng dậy mà đi.
Phải
chăng đó là "phép lạ" mà mỗi người có thể làm, trong đời sống hằng
ngày?
Bạn
tin mình làm được như vậy không?
Nếu
có, đó là Tự Tin.
Nếu
không, đó là thiếu tự tin.
Chỉ
thế thôi, không có gì quanh co khó hiểu !
**************************************
Chương
hai
Thiếu Tự
Tin, Những Triệu Chứng
Trong chương một vừa rồi tôi đã quãng diễn sâu rộng thế nào là lòng tự
tin, khi nào tôi tin vào tôi. Dưới nhiều hình thức và ở những giai
đoạn khác nhau, tôi đã kết luận: Tự tin là một tiến trình, một con đường
đòi hỏi chúng ta dấn bước đi tới :
Bước
một : Tiếp thu thực tại, mở mắt nhìn để phân biệt tôi đang thấy gì. Đâu
là sự kiện khách quan?
Bước
hai : kiến giải thực tại, từ những sự kiện khách quan. Lối nhìn của
tôi là gì? Dựa vào đâu tôi khẳng định như vậy?
Bước
ba : Hóa giải xúc động và tình cảm do lối nhìn phát sinh hay gọi về
những năng động vì nhu cầu có mặt trong hiện tại:
Xúc
động nào đang có mặt?
Tôi
làm gì để chuyển biến?
Tôi
cần năng động nào?
Làm
sao để gọi về năng động ấy?
Bước
bốn : Xây dựng quan hệ
Tôi
có khả năng diễn tả và bộc lộ nội tâm không?
Khi
làm như vậy, tôi xây dựng thế nào những quan hệ giữa người với người
không?
Bước
năm: Chuyển biến quá khứ thành hành trang
Quá
khứ ấy xây dựng đời tôi như thế nào?
Nếu
quá khứ gây cản trở, tôi hành xử như thế nào?
Dù muốn
dù không, khi khảo sát những bước đi lên ấy, để xác định những cách
làm tự tin, tôi đã đồng thời đưa ra những nhận định thế nào là thiếu
tự tin.
Trong cách trình bày, thay vì sử dụng tư tưởng nội dung, nghĩa là nêu
lên những quan điểm trừu tượng, lý thuyết, tôi đã phát huy tư tưởng
cấu trúc, bằng cách đề cao cách làm, tôi giới thiệu một phương pháp khảo
sát, học tập, nghiên cứu. Xuyên qua đó, người độc giả thấy mình đang ở
đâu. Trong mỗi giai đoạn, họ sẽ tự hỏi mình: tôi đã làm hay chưa? Nếu
đã làm, tôi cần bổ túc, sửa sai, kiện toàn gì? Nếu chưa, tôi sẽ bắt
tay vào việc thế nào?
Và
sau khi làm được, họ sẽ có khả năng hướng dẫn kẻ khác cùng làm như
mình.
Trong chương
hai nầy, thay vì lặp lại chương một và thực hiện một cuộc đảo ngược
180 độ, tôi dùng phương pháp "định bệnh" nghĩa là khảo sát, rà soát
những triệu chứng.
Khi định
bệnh như vậy , chúng ta sẽ đi từ những dấu hiệu thô thiển hiển nhiên
và kết thúc với những đường nét tế vi, chấm phá.
Triệu chứng thứ nhất :
*
Hẹn rày hẹn mai
*
Lương ương khó quyết định,
*
Nước lên trôn mới nhảy.
Khi
xác định mục đích và mục tiêu hành động cho cuộc đời, tôi cần thắp
sáng ngọn đèn ý thức, để soi chiếu ít nhất sáu vấn đề khác nhau:
Một
: Phân tích hiện tình (điểm xuất phát)
Hiện tại, tôi ở trong hoàn cảnh hoặc tình huống nào?
Một
cách đặc biệt, vấn đề của tôi là gì? Tôi cần gì?
Hai
: Mục đích, mục tiêu (điểm đến)
Tôi
muốn gì?
Giá
trị hoặc nhu cầu tôi cần đeo đuổi là gì?
Đâu
là điều quan trọng đối với tôi?
Mục
đích tối hậu là gì?
Ba
: Trở ngại còn được gọi là Bị động.
Để
đạt đến mục đích hoặc mục tiêu, tôi đang có những khó khăn, trở ngại
nào?
Tôi
vượt qua được không, thế nào?
Bốn
: Lợi điểm còn gọi là Năng động.
Tôi
có năng động và động cơ nào thúc đẩy?
Tôi
được gì, khi đạt mục tiêu?
Nếu
chưa có sẵn năng động ấy , tôi đi tìm đâu? Trong tôi?
Ngoài tôi?
Nếu
không có ở ngoài, tôi sẽ hành xử ra sao?
Năm
: Những bước cụ thể đi tới, lịch trình thực hiện.
Tôi
phân chia, công việc thành những bước đi cụ thể như thế nào?
Khi
nào tôi bắt đầu bước một.
Tôi
hoàn tất bước sau cùng khi nào?
Sáu
: Đánh giá.
Tôi
dự trù đánh giá đợt một, để điều chỉnh khi nào?
Tôi
đánh giá lần cuối khi nào?
Tôi sẽ đánh
giá trên những tiêu chuẩn nào?
-
Tiêu chuẩn về những bước thực hiện?
-
Tiêu chuẩn về mục tiêu?
-
Tiêu chuẩn về năng và bị trong đó có quan hệ, nếu có nhiều người hợp
tác trong một chương trình hoặc dự án?
Trong mỗi cách xử lý triệu chứng ở đây, hay là trong các triệu chứng
khác sau nầy, chúng ta đánh sáng lòng tự tin bằng cách nhấn mạnh hai
lãnh vực :
-
Tôi có giá trị, mục đích và ý nghĩa trong cuộc đời.
-
Tôi làm được, tôi có khả lực.
Bao
lâu chưa tìm được giá trị cần đeo đuổi và khả lực nằm ở đâu, chúng ta
chưa có điểm tựa vững chắc để khẳng quyết và mài nhọn lòng tự tin.
Hẳn
thực, như lời người xưa đã dạy :
« Có đi
mời biết đường dài
« Ở lâu
mới biết con người phải chăng! »
Vậy
tự tin là tự mình động viên mình, tìm cách biết mình và chủ động học
tập để trở thành con người có giá trị và có khả lực. Lẽ đương nhiên,
khi đi tới, tôi sẽ gặp những vấp ngã. Nhưng tôi rút tỉa bài học để thăng
tiến bản thân.
Trái lại, khi không làm và ngồi chờ quả sung từ trời rơi vào miệng, đó
là tình cảnh của người thiếu tự tin.
Triệu chứng thứ hai:
*
Tự cao tự đại,
*
Luồn cúi, nịnh bợ
*
Ba phải
*
Thay đổi như chong chóng
*
Lệ thuộc
*
Tự ti mặc cảm.
Triệu
chứng loại một nằm ở khâu giá trị và mục đích của đời sống.
Triệu chứng loại hai nằm ở khâu ý thức về căn cước hoặc bản sắc đích
thực của mình:Tôi là ai?
Tác
giả E. Berne - người sáng lập "phương pháp phân tích những trao đổi"
(12) - đã dùng lối nói "lập trường tâm lý" để mô tả thể thức một người
xác định vị trí của mình so với người khác:
-
Tôi ở trên?
-
Tôi ở dưới?
-
Tôi đứng ngang hàng?
Thể
theo lối nhìn của tác giả, không có vị trí xấu hoặc tốt, theo quan điểm
đánh giá nhị nguyên. Đây là vấn đề ý thức về trách nhiệm làm người,
phát xuất từ chỗ đứng của mình, trong môi trường gia đình và xã hội.
-
Khi tôi biết mình đang ở trên tôi có trách nhiệm sáng soi hướng dẫn về
nguyên tắc và phương thức hành động cho người ở dưới. Đồng thời, tôi
tạo điều kiện thuận lợi để khuyến khích, nâng đỡ, cũng cố những gì
thuộc về bản sắc của họ.
- Khi
tôi ở dưới, tôi học tập cho biết những qui luật hành động. Đồng thời
tôi cũng tập luyện ăn nói làm sao cho « đúng người đúng lúc », nhất là
khi diễn tả nhu cầu tình cảm.
-
Khi làm người anh chị em ngang hàng nhau, tôi chia sẽ, đồng hành và
trao đổi...
Trong quan hệ giữa người với người, không ai "luôn luôn cố định" ở
trên. Ví dụ, trong trường hợp thuyết minh một vấn đề, tôi được chỉ định
ở trên. Sau đó vào giờ cơm, tôi không cần ở trên, đòi cho mình quyền
"ăn trên ngồi trước". Tiếp theo đó, trong cuộc sống, nếu tôi cần một
đồ dùng, tôi phải xin, tuân theo qui luật của đời sống, nếu đó là
những đồ dùng của tập thể. Đối với tập thể, tôi đặt mình ở dưới.
Con
người tự tin có một lối nhìn "xuôi chảy", hài hòa, tự nhiên như vậy.
Trái lại, vì thiếu tự tin, tôi khư khư ôm lấy đặc ân đặc quyền và
không tuân hành bổn phận và nhiệm vụ.
Trong tinh thần nầy, ở trên không có nghĩa là có mọi giá trị. Và khi ở
duới tôi vẫn là một "người", một chủ thể. Tôi không bao giờ là đối vật,
đối tượng hoặc nạn nhân, chính khi tôi đảm nhiệm những công việc được
gọi là "hạ cấp" như quét nhà, lau chùi phòng vệ sinh. Thực ra không có
gì là hạ cấp khi tôi biết tôi đang làm người phục vụ, trong lòng quê
hương và đất nước. Trái lại, khi người dân, vì lý do lý lịch bị xếp loại
hạng siêu công dân và hạng hạ công dân, hạng có quyền công dân và hạng
bị mất quyền công dân, hạng có thành tích, hạng có vết nhơ, đó là tình
trạng phản lại con người.
Hẵn
thực, Tôi không bao giờ mất căn cước làm người.
Không ai có thể truất phế chức người của tôi.
Triệu chứng thứ ba:
*
Tâm thần bất ổn,
*
Bùng nổ,
*
Khép kín, sợ sệt,
*
Mặt ngoài mặt trong xung khắc với nhau,
*
Thiếu trung thực,
*
Dồn nén.
Những ai mang những triệu chứng nầy đang thiếu khả năng hóa giải đời
sống xúc động và tình cảm. Một là họ không ý thức một cách rõ ràng về
cảm trạng của mình. Họ không mô tả một cách rõ ràng chính xác nội tâm
của họ. "Khó chịu" có nghĩa đích thực là gì? "Hồi hộp" là hiện tượng
sinh hóa hay là căng thẳng nội tâm ?
Lẽ
đương nhiên, loại người nầy cần học tập phân biệt:
-
Sự kiện khách quan là gì?
-
Lối nhìn là gì?
-
Xúc động mang những tên gì?
-
Nhu cầu tình cảm cần đuợc diễn tả làm sao?
-
Không ý thức về tình cảm, làm sao biết mình?
-
Không biết mình, làm sao có khả năng đánh giá căn cước và khả lực đang
có mặt, bằng cách nầy hay cách khác trong chính mình?
-
Không coi trọng mình đúng tầm, làm sao tự tin, nghĩa yêu thương vun
bón chính mình?
Triệu chứng thứ bốn:
*
Ăn nói hồ đồ tỏ ra mình "biết một mà không biết mười".
*
Lời lẽ "rau muống" luộm thuộm, dài dòng, cầu kỳ, chơi trò "chữ nghĩa",
nghĩa là không biết mình nói gì. Nói "không có sách", mách "không có
chứng".
*
Ngôn từ chuởi bới, tố cáo, mạ lị kẻ khác...
* Tiêu
cực về mình, nói về mình như là nạn nhân, "bị kẻ khác ức hiếp, bắt bớ,
thực dân".
*
Không dám từ chối, muốn "làm vừa lòng mọi người" nhưng sau đó chua cay.
Triệu chứng thứ bốn nầy xuất hiện ở khâu bộc lộ nội tâm, sử dụng phương
thức diễn tả lối nhìn hoặc xúc động. Nói cách chung, trong triệu chứng
nầy, lời lẽ thiếu chất lượng "chính xác". Ba cơ chế "vơ đũa cả nắm"; "thiên
vị" và "xuyên tạc" luôn luôn có mặt tràn đầy, ở dưới mỗi lời phát biểu.
Bao
lâu loại người nầy không học tập phân biệt một cách chính xác yếu tố
nào là sự kiện, yếu tố nào là lối nhìn của chính mình, yếu tố nào là
phê phán chủ quan về người khác... họ chỉ tạo nên những căng thẳng,
xung đột trong mọi quan hệ tiếp xúc và trao đổi. Và kết quả cuối cùng
là "gậy ông trở lại đập lưng ông".
Trong những cuốn sách trước đây (13), tôi đã đưa ra nhũng kỹ thuật
giúp chúng ta rà soát lại lời ăn tiếng nói của mình. Hẵn thực, chánh
ngữ nghĩa là ngôn ngữ chính xác, càng đưa chúng ta lại gần thực tại
bao nhiêu, càng có giá trị bấy nhiêu. Có chánh ngữ mới có chánh tư duy,
nghĩa là suy tư một cách đứng đắn. Và khi có tư duy đứng đắn, chánh kiến,
nghĩa là lối nhìn trung thực, mới có cơ may xuất hiện. Sau hết, có lối
nhìn trung thực, chúng ta mới thực sự có chánh tâm, nghĩa là biết yêu
mình và yêu người, trong những quan hệ hằng ngày của chúng ta.
******************************
Chương
ba
Kỹ thuật
hóa giải tâm trạng thiếu tự tin
Rãi rác
trong hai chương vừa qua, tôi đã sử dụng tư tưởng cấu trúc nhằm trình
bày những bước đi cụ thể, từ dễ đến khó. Một cách nào đó, như người
thợ sửa xe đạp, tôi đã tháo gỡ nội tâm thành từng bộ phận cơ bản. Và
khi một bộ phận không có khả năng sinh hoạt một cách "xuôi chảy", vì
thiếu dầu, thiếu mỡ hay bị "trục trặc" vì nằm không đúng chỗ, tôi đã
giới thiệu một vài kỹ thuật hóa giải. Khi khác, tôi yêu cầu độc giả
trở lại tìm kiếm và tôi luyện những kỹ thuật đã được trình bày trong
những cuốn sách trước đây (14, 15).
Trong chương
nầy, tôi chỉ xin trình bày ba kỹ thuật có quan hệ trực tiếp với phương
thức hóa giải nghĩa là biết cách hành xử đứng đắn, khi chúng ta cảm
thấy mình bị lung lay trong lãnh vực tự tin.
Sỡ
dĩ tôi chọn lựa thể thức hành động như vậy, vì nhiều lý do sau đây:
Lý do thứ nhất : Tự tin là một tiến trình.
Không quán triệt điều nầy, chúng ta sẽ lầm tưởng: nhân loại được phân
chia thành hai khối: khối người tự tin và khối người thiếu tự tin.
Thực ra, tôi có thể rất thoải mái, trôi chảy, vững vàng trong lãnh vực
tâm lý. Trái lại, trong vấn đề sử dụng máy vi tính, tôi sẽ vụng về,
dốt nát, đụng vào đâu là sai hỏng đến đó. Lý do căn bản là trong điều
kiện và hoàn cảnh hiện thời, tôi không đặt vi tính thành mục tiêu ưu
tiên số một. Cho nên tôi thiếu động cơ học tập, để trau dồi khả năng
nầy.
Phải chăng
Pascal đã nói: "Hãy cho tôi một đòn bẫy và một điểm tựa, tôi có thể
dời núi lấp sông » ? Trong địa hạt Tự Tin, dòn bẫy là lối nhìn. Điểm
tựa là năng động tình cảm, còn được gọi là động cơ thúc đẩy. Tuy nhiên,
dù đòn bẩy và điểm tựa có sẵn, bao lâu cánh tay tôi chưa làm, thì chưa
có gì xảy ra.
Chẳng
hạn, vào thời vua Tự Đức, trong những hoàn cảnh đen tối nhất của Giang
Sơn, anh tài đâu có khan hiếm, như "lá mùa thu". Không có Nguyễn Trường
Tộ nầy, sẽ có biết bao nhiêu Nguyễn Trường Tộ khác. Nhưng vào thời ấy
lòng người "rối ren". Và khi tâm "bị loạn", thì trí không còn thấy một
cách quang minh. Cho nên triều đình lúc bấy giờ chỉ thu mình trong nếp
sống bị động, không làm, ngồi chờ. Hoặc giả, làm thì làm lung tung,
lộn xộn. .
Trong hiện tại, chúng ta có rút tỉa được bài học của thời vua Tự Đức,
để rồi trong mọi chương trình đổi mới, chúng ta đừng lặp lại sai lầm
của các bậc đàn anh ?
Lý do thứ hai : Thực thể ngoài và trong.
Con người không là vật chất đơn thuần. Không là tâm linh vàng nguyên
chất. Vừa có ngoài, vừa có trong. Tuy nhiên, tiến trình làm người đi
từ trong ra ngoài "inside-out": Đó là con đường tiến bộ. Đảo ngược
tiến trình để đi từ ngoài vào trong "outside-in", như xây cất rùm beng,
mà thiếu lập trường và ý nghĩa, thiếu "chất liệu nội tâm" để làm người
thực sự và trọn vẹn, chúng ta chỉ lặp đi lặp lại mãi hoài một kinh
nghiệm đau thương quá khứ, chặt cây để trồng hai bên vệ đường, nhằm
chứng minh cho chính khách đến thăm viếng là "chúng ta đang đi lên".
Bao giờ chúng ta mới có gan khước từ "mặc áo giấy" nhằm khoe với thiên
hạ "một cái gì hoàn toàn bên ngoài, bịa đặt, giả dối". Phải chăng
chúng ta đuổi bắt những trình diễn bề ngoài", những bóng hình tạm bợ?
Lý do thứ ba : Làm người là mục đích tối hậu của lòng tự tin.
Tự tin là giá trị của một con người có "chất người". Cho nên, người tự
tin thường xuyên kiểm chứng "tiến trình làm người" của mình, trong lời
ăn, tiếng nói, việc làm hằng ngày. Một cách đặc biệt, trong mọi quan
hệ tiếp xúc và trao đổi giữa người vời người, chọn lựa của họ là làm
người và tạo cho kẻ khác điều kiện thuận lợi và tốt hảo để làm người.
Trong tinh thần và lăng kính ấy, theo lối nói của E. Berne (16),
người tự tin không bao giờ khoác bộ mặt cha chú hay là đóng vai trò
Cha Mẹ độc tài và bao cấp quá khích. Họ không đã phá, mạ lị, chưởi bới,
chỉ trích phê bình, tố cáo. Trong lối nhìn, họ không "vạch lá, tìm sâu".
Thay vì chỉ ghi nhận những khía cạnh tiêu cực, khuyết điểm, sai hỏng,
họ tìm cách khám phá yếu tố xây dựng, đóng góp, tích cực trong mọi
người, mọi biến cố và mọi hoàn cảnh. Đối với tha nhân - bất phân lớn
bé, nam nữ, xa gần - thái độ của họ là soi sáng, nâng đỡ, hướng dẫn và
cũng cố.
Thêm vào đó, họ tận dụng mọi cơ hội để học hỏi, rút tỉa những bài
học với những ai có kinh nghiệm.
Đối với người ngang hàng, họ đồng hành và chia sẽ, biết lắng nghe
nhưng đồng thời cũng có khả năng diễn tả, khẳng quyết ý kiến hoặc lập
trường của mình.
Nói tóm lại, con người tự tin tìm cách bắc nhịp cầu, xây dựng
quan hệ với mọi người, thay vì la ó, chưởi bới, đập phá, phản loạn,
như chúng ta đang chứng kiến, trong nhịp sống xô bồ, hỗn loạn của
giời trẻ, trong các thành phố công nghiệp, trên khắp mặt địa cầu.
***
Dựa vào những yếu tố vừa được trình bày trên đây và trước đây, trong
hai chương I và II, chúng ta cần đánh giá tiến trình tự tin, theo
những chuẩn mực sau đây:
Một : Tôi "biết" tôi không? Căn cước và giá trị đích thực
của tôi là gì ?
Trên bình diện căn cước hoặc tư cách làm người, tôi luôn luôn có
giá trị. Và giá trị ấy không ai cất khỏi tôi, ngoài tôi ra.
Dù thành công hay thất bại, tôi vẫn làm người có giá trị nội tại.
Dù ở vào môi trường nào, giá trị làm người của tôi vẫn không mai
một. Một ông vua không hơn một người phu quét đuờng, trên bình diện
thành nhân. Phải chăng đó là xác tín của tôi?
Hai
: Tôi có "khả lực" không?
Khả lực liên hệ đến vấn đề học tập và kinh nghiệm. Cho nên, trước
một công việc, tôi có thể tự đánh giá, bằng một trong hai kết quả sau
đây:
- Tôi biết làm : Trong trường hợp nầy, tôi bổ túc kiện toàn.
- Tôi chưa biết làm : Trong trường hợp nầy tôi học tập, tôi luyện
và từng bưóc đi lên. Một đàng tôi xác định mục tiêu hoạt động, khám
phá động cơ thúc đẩy tôi. Đàng khác tôi tìm ra con đường hay là phương
pháp dể từ từ thực hiện mục tiêu gần và xa.
Ba : Tôi có "làm người" hay không?
Trong mỗi hành động, chính mục đích tối hậu "Làm người" điều
hướng đời tôi. Một cách đặc biệt, mọi phương tiện được sử dụng phải
hòa hợp với cứu cánh. Tôi không thể làm người, nếu chính tôi không tôn
trọng bản chất làm người của kẻ khác và tạo cho họ mọi điều kiện để
làm người giống như tôi và với tôi!
***
Khi bàn về kỹ thuật "Hóa giải", chúng ta chỉ đề cập những cách
làm sau đây :
- Tôi học tập thế nào?
- Tôi tìm động cơ thúc đẩy ở chỗ nào?
- Tôi chủ động hay bị động trước lời chỉ trích, phê bình tiêu cực
của kẻ khác?
- Nói cách khác, tôi đáp ứng thế nào trước bao nhiêu điều kiện
tê liệt phát xuất từ môi trường?
Kỹ
thuật hóa giải loại một : Biết trở lui về trước.
Trong mọi nỗ lực học tập, nhằm tôi luyện và trang bị cho mình về
cách biết làm một cách thuần thục và nhuần nhuyễn, tác giả L.S.
Vygotsky đã phân biệt ba vùng học tập khác nhau (17) :
Vùng thứ nhất là vùng tự lập.
Vùng nầy bao gồm tất cả những hoạt động mà chúng ta đã có khả năng
thực thi một cách dễ dàng khéo léo, thuần thục và tự nhiên. Kỹ năng
hay là "cách làm" đã trở thành "xương thịt, máu huyết" của chúng ta,
được hội nhập một cách nhuần nhuyễn đến độ ba thực thể nội tâm là lý
trí, tình cảm và cơ thể hòa nhập vào nhau. Không còn những tình trạng
giằng co, gò ép như: muốn mà không làm, hiểu phải làm gì nhưng châu
thân còn vụng về chưa đạt mức độ "xuôi chảy, thoáng thoát và thảnh
thơi", như chúng ta đã khảo sát trước đây.
Về mặt kiến thức, đây là vùng "xác tín, rõ ràng minh bạch, hiển nhiên".
Đây là những kiến thức, do chính tôi trực tiếp kiểm chứng.
Với những kiến thức và kỹ năng như vậy, con người tự nhiên toát ra
ngoài lòng tự tin. Tự tin đã có mặt ở bình diện bản chất và tư cách
làm người, còn được gọi là căn cước.
Vùng thứ ba là vùng xa lạ.
Vùng
nầy hoàn toàn ở ngoài tầm hiểu biết và học tập của chúng ta. Mặc dù
dùng ý chí tối đa, chúng ta không thể nào thành tựu mục tiêu. Bao lâu
thực tại còn ở trong vùng nầy, thực tại thoát ra ngoài mọi khả năng
tưởng tượng của chúng ta. Nói khác đi, thực tại còn ở trong tình trạng
vô hình, vô tượng và vô thanh.
Bị ép buộc hoặc xô đẩy đi vào vùng nầy, chúng ta mất chân đứng, bị
lạc đường. Mất khả năng tự định hướng. Cho nên tâm trạng trở nên bất
ổn, thiếu tự tin.
Vùng thứ hai : Vùng học tập
Vùng
nầy ở giữa vùng một và vùng ba. Đây cũng là vùng xa lạ như vùng thứ ba.
Nhưng tôi không ở một mình. Có người khác đang cầm tay hướng dẫn tôi
đi từng bước vững chắc. Nhờ sự hiện diện ấy, tôi có khả năng biến lạ
thành quen.
Theo ngôn ngữ của bác sĩ tâm thần D. Winnicott (18), tôi không có
khả năng sống một mình, trong vùng xa lạ nầy. Tôi cần có người làm
trung gian, giúp tôi bắc nhịp cầu từ cái đã biết rồi, đến cái chưa
biết.
Và người trung gian mẫu tượng - nghĩa là có khả năng làm mẫu
khuôn cho mọi người trung gian khác - là người mẹ. Nếu vì một lý do gì
đó trong cuộc đời, người mẹ không có mặt trong nội tâm của đứa con,
hay là không có ai thay thế, đóng vai trò người mẹ, đứa con ấy gặp rất
nhiều khó khăn trong lãnh vực học tập. Và nhất là học tập làm người,
vì thiếu tự tin.
Trong lăng kính ấy, thiếu tự tin bắt nguồn từ khởi điểm thiếu mẹ.
Không có mẹ trong cuộc đời. Không có mẹ trong tâm tưởng. Cho nên tôi
không có mẹ làm nơi nương tựa , làm bàn đạp để tiến thân. Để mạo hiểm
trên mọi nẻo đường làm người.
Tiếp nối công trình nghiên cứu của D. Winnicott, các nhà tâm lý khác
còn ghi nhận thêm ba yếu tố bổ túc trong vai trò người mẹ :
- Từ chín tháng trở lên, một đứa bé phải bắt đầu học tập chấp
nhận, một cách an ổn sự vắng mặt ngắn hạn của người mẹ. Vì nhu cầu
sinh sống, mẹ ra đi, từ biệt mình. Nhưng trong tâm tưởng của đứa con,
thế nào mẹ cũng sẽ trở về, như mẹ đã báo trước.
Hơn nữa mẹ ra đi, nhưng có những người có quan hệ xa và gần với mẹ,
như ba, anh chị em, bạn bè người láng giềng, cô giáo vườn trẻ... vẫn
tiếp tục thương mình, lo lắng chăm sóc mình. Quan hệ mẹ con không khai
trừ loại thải nhưng loại quan hệ muôn màu muôn sắc, thuộc hệ chiều dọc
và chiều ngang.
- Từ hai tuổi trở lên, đứa bé bắt đầu học tập bập bẹ tiếng nói
của loài người. Mẹ là người đầu tiên dạy cho mình học tập về thực tại,
trong đó có những qui luật, những cấm đoán của người cha. Mẹ trùng
tuyên, nhắc đi, nhắc lại cho mình ghi lòng tạc dạ những nguyên tắc
làm người, nhất là khi người cha vắng mặt.
Khi thực tại, cho dù nghiêm khắc, hạn chế, làm tổn thương, được mẹ
trình bày và giải thích, thực tại sẽ luôn luôn khoác hai bộ mặt bổ túc
kiện toàn cho nhau: Bộ mặt thực tế và bộ mặt vui thích. Nhờ đó, con
người tự tin luôn luôn có khả năng khám phá những năng động, thậm chí
trong những hoàn cảnh đen tối, bế tắc làm tê liệt sức sống của nhiều
người khác.
- Từ bốn tuổi trở lên, mẹ cho dù mắng phạt, la rầy, từ chối...
vẫn là mẹ. Mẹ không bao giờ trở thành "dì ghẻ" hay là "bà phù thủy"
trong cuộc đời của mình. Thêm vào đó, mẹ đã có mặt trong nội tâm. Mẹ
không biến tan. Mẹ tồn tại trong cuộc đời, cho dù mẹ qua đời. Nhờ hình
ảnh của mẹ trở thành bất diệt, đứa con được vững vàng, kiên cố, không
mong manh, dễ vỡ về mặt xúc động và tình cảm. Mặc dù người đời trắng
đen lật lọng, dèm pha, trù ẻo, tôi vẫn là tôi. Tôi là người được
thương và có khả năng thương "vô điều kiện". Không một ai, không một
biến cố nào có thể dập tắt ngọn lửa yêu thương ấy, đã có mặt trong bản
chất và căn cước của tôi. Tôi đã nhận rất nhiều. Cho nên tôi có khả
năng cho.
Bao lâu con người còn có khả năng trở lại với ngọn nguồn, gốc rễ hay
là căn nguyên ấy, con người vẫn tìm lại được lòng tự tin. Chính vì vậy
trong mọi tôn giáo lớn như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, khi trở về với
nguồn gốc của mình, chúng ta sẽ ý thức đuợc giá trị đích thực của
chính mình. Không một quyền lực nào cho dù siêu phàm đến đâu, không
một súng ống, bom đạn nào cho dù tối tân với sức hoại diệt kinh khủng
nào, có thể đánh mất khả năng bất tử và trường sinh của chúng ta. Tôi
chỉ là hạt nước bé mọn, tầm thường. Nhưng tôi còn, thì toàn thể đại
dương cũng còn để nuôi dưỡng tôi. Và bao lâu đại dương còn thì tôi
không sợ một ai có thể giết chết con người tâm linh của tôi.
Tâm lý ngày nay nhằm nuôi dưỡng lòng tự tin, đề nghị chúng ta "bám trụ"
vững chắc vào giá trị siêu việt của chính mình.
Chúng ta bám trụ bằng hai hình thức quán tưởng:
- Thứ nhất là thinh lặng đi vào bên trong nội tâm thấy mình như
một ngọn đèn cháy, một đóa hoa nở, một cây cổ thụ đang vươn lên, một
đại dương bao la... Từ ngày nầy qua ngày khác, theo một thời khắc biểu
được ấn định, chúng ta làm cho lòng mình thấm đậm hình ảnh mà chúng ta
đã chọn lựa. Nhờ đó, giữa những cơn sóng gió của cuộc đòi, chúng ta
vẫn có khả năng "tươi nở" như nụ hoa, cháy sáng như ngọn đèn...hùng vĩ
như biển cả, mênh mông sâu thẳm như bầu trời.
- Thứ hai là sử dụng những câu chú niệm năng động. Chúng ta lặp
đi lặp lại, để cho mình thấm nhuần những câu nói diễn tả bản chất và
giá trị của mình, do mình sáng tạo và chọn lựa.
Đó là những câu nói làm ngọn hải đăng chiếu sáng cuộc đời, giữa đêm
tối đầy sóng gió và phong ba.
Những câu nói ấy khẳng quyết về giá trị của cuộc sống làm người.
Chúng ta sử dụng chúng nó, để đối trị những lời nói dèm pha, công kích,
hạ bệ và đã phá, do kẻ khác tung vãi.
Trên đây tôi đã nêu lên vai trò của những bài hát, có công năng
tạo nên những thành quả chú niệm như vậy, đối với lòng tự tin của giới
trẻ:
- "Em trọng đại vì em là tất cả"
- "Em là điệu nhạc làm nên bản hoan ca"
- "Giấc mơ chưa tròn, vấn đề còn đo đây, cuộc sống thiếu sum vầy...Mặt
trời em vẫn sáng!"
- "Em là hạt nước hay Đại dương? Cả hai làm một tình thương nối
liền".
- " Xin Trời đổ mưa!
Cho núi sông em trở về lòng biển cả,
Hân hoan ngày hội, họp mặt khắp muôn người
Tình nghĩa anh em lên đường từ mọi ngã".
Hẵn thực, nếu chúng ta không chủ động mang sinh khí nuôi sống môi
trường, bằng những cách làm :
« Lo băng bó vết thương còn lỡ lói
« Gieo an lạc vào lòng ai mòn mõi »...
Thì lúc bấy giờ, chính môi trường sẽ trở lại làm ô nhiễm cuộc đời
của chúng ta, với bao nhiêu điệp khúc chia rẽ, kỳ thị, bạo động và hận
thù... đáng được nhai đi nhai lại trong các kênh đài phát thanh và
truyền hình.
Cấu trúc của não bộ
Chính cấu trúc của não bộ - còn được gọi là hệ thần kinh trung ương -
cho phép các nhà tâm lý sáng tạo những phương thức tác động như thế,
trong hai địa hạt sư phạm và trị liệu (19).
Cấu trúc chiều ngang
Xét về cấu trúc chiều ngang, não bộ gồm có hai phần: phần mặt và
phần trái. Mỗi phần có nhiệm vụ thực hiện một trách vụ khác biệt.
Não bộ phần trái mang tên là não bộ suy luận, phân tích. Não bộ
nầy « chia ra để đối trị và kiểm soát ». Thực tại bị tháo ra từng mãnh.
Cho nên, chúng ta không còn có một lối nhìn toàn diện về thực tại muôn
màu sắc. Thực tại trở thành vấn đề cần giải quyết, khắc phục. Cuối
cùng với não bộ phía trái, chúng ta có một lối nhìn nhị nguyên nghĩa
là phân biệt rõ ràng trắng đen, xấu tốt, đúng sai.
Hệ quả là chúng ta đề cao một bên và loại trừ một bên. Chúng ta
lựa chọn cái tốt và bỏ rơi cái mà chúng ta gọi là xấu. Chúng ta hoan
hô phía đúng và đả đảo phía sai.
Thế giới càng ngày càng đi vào con đường duy lý cực đoan nầy
trong mọi sinh hoạt. Một cách đặc biệt, để có thể sản xuất cho nhiều,
cho nhanh, mỗi người thợ chỉ tiếp xúc một phần rất nhỏ của thực tại.
Trong ngành may công nghiệp, một người thợ chỉ may một cái túi áo suốt
ngày, từ ngày nầy qua ngày khác, và không biết những bộ phận khác như
cổ áo, thân áo... Hệ quả là con người trong thế giới công nghiệp, trở
thành máy móc. Không còn sáng tạo, không còn là tác giả của một công
trình có đầu có đuôi, có ý nghĩa. Đời sống làm người bị khô cằn, mất
hết ý nghĩa.
Não bộ phần mặt được gọi là não bộ phụ nữ có phần vụ tổng hợp
liên kết những thành phần lại với nhau.
Hẳn thực, phụ nữ có phần vụ sanh con, nghĩa là đặt nặng, coi
trọng ý nghĩa làm người.
Thay vì đề cao suy luận, người phụ nữ lưu tâm đến đời sống tình
cảm và xúc động. Mơ mộng tưởng tượng được phát huy trong những ngành
nghề trang trí, họa sĩ, tạo hình, đòi hỏi tiếp xúc, trao đổi...đó là
những môi trường được chọn lựa, khi người phụ nữ dấn thân vào con
đường nghề nghiệp.
Trong tinh thần và ý nghĩa nầy, để "băng bó bao nhiêu vết thương
lở lói" của con người, để "gieo vãi hạt mầm an lạc" trong nội tâm
căng thẳng, xung đột...tâm lý đã sử dụng những phương thức sinh hoạt
của não bộ phần mặt.
Hai kỹ thuật "tạo hình" và "chú niệm", mà tôi đã trình bày trên đây,
dựa vào sinh hoạt tưởng tượng và sáng tạo ý nghĩa, nhằm thiết lập cán
cân thăng bằng cho con người quá thiên về não bộ duy lý phía trái,
trong thế giới ngày hôm nay.
***
Cấu trúc chiều dọc
Trong quá trình tiến hóa từ con vật độc bào (chỉ có một tế bào duy
nhất) đến con người, não bộ đã đi qua ba giai đoạn (20) :
Giai đoạn thứ nhất là não bộ phản xạ
Vì vấn đề sống còn trong cuộc đời, đa số sinh vật chỉ cần phản
ứng rất nhanh: lại gần để kiếm ăn hay là chạy trốn vì nguy hiểm.
Giai đoạn thứ hai là não bộ tình cảm
Não bộ hệ viền (Limbic) đặc trách phần vụ chọn lựa quyết định
trong đời sống.
Để đơn gian hóa vấn đề, chúng ta chỉ lưu tâm đến hai thành tố rất
quan trọng của hệ viền.
Thành tố thứ nhất mang tên là Đồi thị (Thalamus).
Mọi tin tức từ khắp nơi trên cơ thể đều tập trung về đây.
Từ đây, tin tức được chọn lọc để tiếp tục gửi đi bằng hai con
đường khác nhau: con đường khẩn trương và con đường suy luận.
Thành tố thứ hai mang tên là Hạnh nhân (Amygdala).
Con đường khẩn trương phát xuất từ Đồi thị và kết thúc ở
Hạnh-nhân. Tại nơi đây, sau khi nhận tin tức khẩn trương, nếu cần phản
ứng gấp, Hạnh nhân phát ra mệnh lệnh cấp bách.
Khi có mệnh lệnh cấp bách phát đi, như tiếng còi báo động, mọi
cấu trúc khác phải bị tê liệt, ngưng hoạt động, để nhường chỗ cho lệnh
cấp bách.
Thông thường những mệnh lệnh đó tạo nên tình trạng tràn ngập của
tình cảm, xúc động. Lúc bấy giờ cơ hồ những vụ cướp chính chuyền, lật
đổ chính phủ, não bộ các thùy (lobes) nhất là Thùy Trán (frontal)
không còn hoạt động để điều hướng cơ thể.
Giai đoạn thứ ba là não bộ suy luận tư duy, tổng hợp.
Tân võ não (Néo cortex) bao gồm các thùy (lobes) tạo nên não bộ
suy luận, tư duy và tổng hợp.
Thông thường, nếu không có những những hiện tượng tràn ngập, tin
tức về đời sống tình cảm và xúc động được tiếp tục gửi lên não bộ phần
mặt, nhất là những xúc động và tình cảm tiêu cực, để được khảo sát,
đánh giá. Sau hết, mệnh lệnh cuối cùng được phát đi từ Thùy Trán
(Frontal) thuộc não bộ phần trái. Bổn phận của cơ thể, nhất là những
quan có liên hệ, lúc bấy giờ là tiếp nhận mệnh lệnh để chấp hành.
***
Tất cả những cấu trúc rất phức tạp và chuyên môn của não bộ của con
người, được các nhà khoa học nghiên cứu, phát hiện và mô tả, cho phép
chúng ta kết luận rằng trí thông minh không được đồng hóa với công
việc phân tích và suy luận mà thôi. Trí thông minh thực sự, cần được
phát huy trong mọi đời sống, phải là trí thông minh coi trọng tình cảm.
Mọi quyết định "làm người" phải vừa có tình vừa có lý. Mất một trong
hai, con người trở nên bán thân bất toại. Không còn là con người toàn
diện, quân bình.
Trong lăng kính ấy, những gì chúng ta tạo nên bằng tưởng tượng
cũng có tác dụng ngang bằng những gì chúng ta tạo nên thực sự bằng tay
chân...
Tạo nên những hình ảnh đầy tự tin cũng là một phương thức sáng tạo
cuộc đời.
Dành ra một thời khắc biểu để thấy mình, nhìn mình, nhắc nhỡ mình
tự tin cũng quan trọng như một thành tựu thực sự, hiện thực. Hơn ai
hết, tác giả M. Maltz (21) đã trình bày những kỹ thuật "tạo hình" như
vậy trong tác phẩm của mình, nhằm giúp chúng ta nâng cao và nâng cấp
lòng tự tin.
Tạo hình như vậy là trở lại thời kỳ trong đó chúng ta đầy tự tin,
có khả năng sống hạnh phúc, bén nhạy, để học tập mọi điều một cách
nhanh chóng.
Sỡ dĩ như vậy là nhờ có Mẹ thương và chúng ta thương Mẹ.
Vậy khi nào chúng ta thương và được thương, chúng ta đạt cao điểm
của lòng tự tin, để có thể "Biến đời thành phép lạ".
Kỹ thuật hóa giải loại hai là Bắc nhịp cầu với những lúc tràn đầy
sinh lực hay là gọi quá khứ trở về với những năng động mà chính chúng
ta đã thực sự chứng nghiệm.
Để nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của Kỹ thuật "làm
sống lại quá khứ", chúng ta bắt đầu bằng cách ghi nhận những nhận xét
thông thường sau đây:
Một:
Dù thiếu tự tin đến độ nào chăng nữa, trong suốt cuộc sống từ lúc sinh
ra làm người đến hôm nay, chúng ta đã có cơ hội kinh qua một vài kinh
nghiệm hạnh phúc, sung mãn, đầy lòng tự tin.
Theo tâm lý học, nếu có cơ năng đánh thức và nhớ lại một vài kinh
nghiệm như vậy, với những yếu tố hình ảnh, âm thanh và xúc cảm, chúng
ta sẽ có khả năng gọi lòng tự tin trở về trong giây phút hiện tại, qua
con đường tưởng tượng, hình dung...
Trong thực tế bao nhiêu người đang khổ đau, trầm cảm tê liệt, chỉ
vì một lời nói đã làm sống lại vết thương trầm trọng thuộc quá khứ!
Hằng ngày, rất nhiều người "mất ăn mất ngủ" chỉ vì một hoài niệm
thương đau, đang trở về, khi một hình ảnh rất nhỏ nhặt, không đâu...như
một mái tóc thề, một nụ cười má núm đồng tiền, làm sống lạ quan hệ
tình cảm. Cơ hồ khi rút một sợi giây leo, tôi có khả năng làm náo động
cả một khu rừng hoài niệm...
Hai:
Nhiều bà mẹ đã rất đảm đang một cách tự nhiên trong công việc nuôi
con. Bổng nhiên một đứa con khuyết tật ra đời. Nó thổi bùng lên những
cơn bão tố kinh hoàng trong cuộc đời của bà mẹ. Nó xé toang ra một vết
thương rất nhỏ nhặt...Với cảm trạng "bất hạnh" ấy, những gì trước đây
bà đã làm đuợc một cách thông minh và hồn nhiên, bây giờ bà không còn
biết phải bắt đầu từ đâu... thậm chí dỗ dành con, líu lo, vui chơi,
trao đổi với con., sung sướng ngắm nhìn con. Há miệng ra khi đút cơm
cho con, để nó cũng bắt chước há miệng...
Ba:
Thể theo những khám phá mới nhất của Tâm lý học, một biến cố, một kinh
nghiệm đã xảy ra đâu đó trong quá khứ. Kinh ngiệm ấy vẫn còn tồn tại
dưới ba hình thức: hình ảnh, âm thanh và xúc cảm. Tôi chỉ cần có khả
năng tiếp cận một yếu tố trong ba loại yếu tố ấy, tôi sẽ có thể làm
sống lại toàn bộ kinh nghiệm. Y khoa ngày nay chỉ cần có một tế bào để
chế tạo lại toàn diện con người. Công an chỉ lượm được một sợi tóc, là
có thể tìm ra ai là thủ phạm.
Bốn: Kỹ thuật "bắc nhịp cầu" với một kinh nghiệm tràn đầy
sinh lực để hóa giải một khó khăn trong hiện tại, đặt nền tảng trên
nhận xét số ba trên đây.
Chúng ta cũng có thể tiếp cận một biến cố hồ hỡi, hạnh phúc, hân
hoan đã có mặt trong cuộc đời, để nuôi dưỡng lòng tự tin của mình,
trước khi lên đường đối đầu với một trở ngại.
Năm: Trước đây, nhân cơ hội nói đến kỹ thuật khóa neo và
mở neo, chúng ta cũng sử dụng một phương pháp tương tự, trang bị mình
để sẵn sàng đối diện với bất kỳ một hoàn cảnh nào trong tương lai.
Chúng ta chuẩn bị một kho tàng và chúng ta có sẵn một chìa khóa để mở
kho tàng ấy bất cứ lúc nào, khi cần đến.
Hẵn thực trong hiện tại, mỗi lần tràn đầy sinh lực và lòng tự
tin lên cao, chúng ta cột chặt hoặc liên kết kinh nghiệm năng động ấy
với một cây neo. Cây neo có thể là một cau hát hay la một hình ảnh.
Thế rồi trong một hoàn cảnh nào đó, khi chúng ta nhận thấy bầu
trời của tâm hồn đang có những đám mây đen báo hiệu một cơn bão tố sắp
bùng nổ, chúng ta thở vào một buồng phổi đầy khí mát và xướng lên câu
hát để nhắc nhỡ mình:
Các bà mẹ già Việt Nam không cần học tâm lý, đã sử dụng kỹ thuật
nầy. Hẳn thực, để nhắc mình nhớ một chuyện gì, các bà có thói quen
dùng khăn quàng thắt lại thành một chiếc nút tròn. Đi đâu, các bà đem
nó theo bên mình như một chiếc bùa hộ mạng. Nhờ đó, các bà nhớ mồn một
mình phải làm những gì. Có bà khác, mỗi lần đi buôn bán hoặc du hành
xa, phải mang theo nhiều hành lý. Trước khi đi, bà đếm số và nhắc đi
nhắc lại một cách lớn tiếng và cố ý. Rồi những khi lên xe hoặc xuống
thuyền, bà nhắc lại to tiếng con số hộ mạng. Nhờ đó bà không bao giờ
quên, sót một gói hành lý nào.
Con số hoặc nút khăn là những "cây neo" của các bà mẹ Việt Nam.
***
Kỹ thuật hóa giải loại ba : Chủ động thay vì bị động
« Mặc ai nói ngã nói nghiêng,
« Tôi đây đứng vững như kiềng ba chân!*
Câu ca dao nầy lột trần ý nghĩa của kỹ thuật hóa giải loại ba.
Hôm ấy, theo bài thơ dụ ngôn của La Fontaine, hai cha con người
nông dân đem lừa lên tỉnh bán lấy tiền.
Trên đoạn đường thứ nhất, người cha dắt lừa đi trước, đứa con đi
sau.
Người
khách đi đường dị nghị:
-
"Người đâu
mà dại khờ! Của bọc thân. Ai đời: thân bọc của!".
Trên đoạn đường thứ hai, sau khi nghe lời bình phẩm, người cha bảo con
lên ngồi trên lưng lừa. Một khách bộ hành khác mở lời nhận xét:
-
"Ở đời phải biết tôn ti đẳng cấp một chút, mới biết sống!"
Trên đoạn đường thứ ba, người cha bảo con ra trước dắt lừa. Còn ông,
lần nầy ông cỡi lên lưng lừa.
Lại
có người cất tiếng phát biểu:
-
"Nầy ông nhà quê kia, hành hạ con như thế, lúc về già ai sẽ nuôi
ông?"
Trên đoạn đường thứ tư, cả hai cha con đều ngồi trên lưng lừa. Con lừa
quằn lưng chịu đựng, nhưng vẫn bước tới.
Thêm một lời bình phẩm nổi lên, trong đám người đi ngược chiều:
-
"Đầu óc ở đâu mà không biết tính toán. Lên đến tỉnh, con lừa có khá
lắm là còn sống với da bọc xương. Cho cũng chẳng ai thèm. Đừng nói
chuyện mua bán!".
Lần
nầy hai cha con nhìn nhau và cùng nhau quyết định: hãy bỏ ra ngoài tai
những dư luận xầm xì của kẻ khác.
***
Thực ra để sống cuộc đời làm người, nghe tất cả mọi dư luận, sẽ tạo
cho mình nhiều khó khăn. Trái lại, không nghe, bịt tai, chúng ta sẽ đánh
mất nhiều cơ hội để học hỏi.
Vậy
con người tự tin phải hành động như thế nào?
Để
trả lời một cách đứng đắn cho câu hỏi nầy, chúng ta nên trở lại vấn đề
Thuyên Giải mà tôi đã khảo sát, với nhiều yếu tố bổ túc lẫn nhau trong
chương Một :
Một:
Ý kiến của người khác không gói ghém toàn diện chân lý. Cũng không
hoàn toàn sai trái một trăm phằn trăm (22).
Hai:
Chúng ta không thể nghe theo hay là phủ nhận toàn bộ những ý kiến của
kẻ khác. Trong những nhận xét của họ, dù thế nào chăng nữa, cũng có ít
nhất một vài mầm móng hay là chủng tử của sự thật.
Ba:
Tự vệ, biện minh, khuớc từ hay là thay đổi hoàn toàn lập trường và lối
nhìn một cách vội vã...đều là những phản ứng tình cảm, phát xuất từ
tâm trạng thiếu tự tin và bất ổn.
Bốn:
Thay vì phản ứng, con người tự tin luôn luôn cố gắng chủ động, sáng
tạo, nghĩa là quyết định hành động với tư cách là một chủ thể. Đó là ý
nghĩa chủ yếu của kỹ thuật hóa giải lời chỉ trích, phê bình, hạ bệ do
kẻ khác mang đến từ ngoài...
***
Nội
dung của kỹ thuật với nhiều giai đoạn
Sau
khi một người đưa ra lời phê bình, chỉ trích, tố cáo...điều chúng ta
cần thực hiện gồm có (23) :
Bước một: Lắng nghe, tìm hiểu, ghi nhận ý kiến của kẻ khác:
-
"mầy là thằng cha vô ơn".
Bước
hai:
Phản ảnh hay là làm tiếng vọng khách quan.
-
"Nếu tôi không nghe lầm, chính ông bà đã nói: tôi vô ơn".
Nếu
họ từ chối, để cho họ nói lại.
Nếu
họ đồng ý với tiếng vọng, chúng ta mới tiếp tục.
Bước
ba:
Tìm hiểu ý nghĩa của lời nói:
"Thế thì xin ông bà giải thích thêm: Vô ơn nghĩa là gì? Trong hoàn cảnh
nào? Tôi đã nói, làm gì cụ thể?"
Trong giai đoạn nầy, chúng ta không cướp lời, bao lâu họ còn nói.
Nếu
họ dừng lại, chúng ta chỉ phản ảnh: bằng cách nầy hay cách khác, dưới
nhiều hình thức khác nhau, chúng ta nói lại cho họ nghe ý kiến của họ.
Trong đa số trường hợp, giai đoạn nầy kéo dài cho đến khi người phát
biểu được thõa mãn, vì được lắng nghe. Và chính họ sẽ dần dần thay đổi
ý kiến. Nhiều lúc họ có lời lẽ tố cáo. Nhưng thực ra, họ đau khổ, bất
an. Họ có nhiều vấn đề. Chúng ta chỉ là cơ hội, giúp cho họ ý thức về
mình.
Chấp
nhận "làm bia đỡ đạn" như vậy là một quà tặng có khả năng trị liệu,
hàn gắn vết thương. Can đảm làm như vậy có nghĩa là : "Ngày ngày cưu
mang Đất Trời cao cả!"
Bước
bốn:
Sau khi hiểu rõ ý kiến kẻ khác, với những tương đương cụ thể về lời
nói và việc làm, chúng ta đi qua giai đoạn hướng lai:
"Bây
giờ tôi hiểu: Ông bà gọi tôi là vô ơn, vì tôi đã không đến thăm ông bà
được. Hôm ấy vợ tôi vào bệnh viện.
Vậy
ông bà cho phép tôi lại thăm vào ngày nào, trong tuần tới?
Trong giai đoạn hướng lai chúng ta đề nghị, giải thích gọn ghẽ hay là
yêu cầu kẻ khác cho biết ý kiến.
***
Theo ý nghĩa của Kỹ thuật nầy, khi lắng nghe lời chỉ trích và vọng lại
cách khách quan, chúng ta đã giải quyết một phần lớn của vấn đề.
Trong đa số trường hợp, sỡ dĩ họ chỉ trích, tố cáo, vì họ lo sợ, bất
ổn, có vấn đề. Họ cần chúng ta lắng nghe, để giải tỏa cho họ. Họ tố
cáo, vì họ cần có quan hệ với chúng ta. Nhưng họ làm điều ấy một cách
vụng về, tiêu cực...
Tất
cả vấn đề còn lại là chúng ta có đơn phương tự nguyện làm người « vô điều
kiện" không?
« Từng bước đi đường Quê Hương diệu vợi,
« Quyết
ấn mạnh dấu chân con người mới! ».
***
Hồi
năm 1974, tôi ở nhà trọ, tầng một, khu Ông Tạ.
Đi
dạy học về, tôi thường gặp hai đứa con gái lên 4 và lên 6 của ông bà
chủ nhà, chơi đùa gần chỗ tôi dựng xe Honda.
Lần
nào tôi cũng dừng lại đôi ba phút để âu yếm ngắm nhìn các em chơi.
Sau
một tháng trời, đứa bé gái lên bốn tỏ ra có thiện cảm đặc biệt đối với
tôi. Cha mẹ của bé rất vui tươi, cho phép con chạy ra đón chào và đứng
nhìn tôi, mỗi lần tôi về nhà.
Một
hôm bé muốn chuyện trò, trao đổi, tạo quan hệ. Bé hớn hở chạy ra và la
lớn:
"Ông
Xành ăn cứt gà!"
Bà
mẹ hoảng hốt chạy ra đưa tay bụm miệng con lại và xin lỗi. Tôi mĩm cười,
nói đôi lời giải thích cho bà mẹ: "Bé quí tôi lắm mới cố gắng nói được
một câu dài 5 tiếng như vậy".
Hẵn
thực, bé có gì, bé cho điều ấy. Đó là "cây nhà lá vườn" của bé!
Sau
30 năm, tôi vẫn còn sung sướng mĩm cười, khi nghe lại câu nói ấy bên
tai và hình dung lại khuôn mặt rạng rỡ của em bé đang còn nhìn và mỉm
cười với tôi.
Vậy
tôi đâu có "buồn lòng", khi "bị cho ăn cứt gà" như vậy! Bởi vì lúc ấy,
tôi đầy tràn lòng tự tin và tình yêu thương trong nội tâm.
*****************************
Chương
bốn
Hướng về
Tương-lai
Một
nền giáo dục hà khắc dùng roi vọt và lời chửi mắng, hay là một học đường
với đường hướng duy lý quá khích, chỉ thai sinh những thế hệ bạc nhược,
luồn cúi, bịa đặt , mua bằng cấp hay là những người trẻ phản loạn,
đạp phá, hút xách, nghiện ngập, bỏ nhà đi lang thang, lập băng đảng cướp
giật...
Ngàn năm thứ hai sắp kết thúc để lại một gia tài với bao nhiêu vấn đề
liên hệ chặt chẽ đến những con người thiếu tự tin. Không lớn lên với
một hành trang giàu lòng tự tin, một số thành phần trẻ đang bơ vơ, lạc
lõng. Không mục đích, không lý tưởng. Không có ý nghĩa. Không có nơi
nương tựa trong cuộc đời. Chỉ còn lại một phương cách khẳng định là
phá phách, bạo động, đốt cháy xe cộ và bôi bẩn những thành quách, vách
tường...
Gốc rễ
sâu xa
Gốc
rễ của tác phong diễn tả những cảm trạng chao đảo, thiếu tự tin trong
nhiều thành phần giới trẻ hiện nay, đã có mặt trong năm sáu năm đầu
tiên, kể từ khi họ sinh ra, chào đời. Mùa màng tang thương mà họ đang
gặt hái trong cuộc đời đã được gieo vãi, do những người làm cha, làm
mẹ thiếu an lạc.
Sống thường xuyên trong xung đột, chạy đua theo những đòi hỏi tiện
nghi của xã hội, các bậc cha mẹ đã đánh mất bản thân mình. Và hệ quả
là con cái đã trở thành nạn nhân của các bậc cha mẹ. Một cách đặc biệt,
tôi muốn nói đến những câu nói, những lời phát biểu, những mệnh lệnh
bề ngoài xem ra có vẽ vô thưởng vô phạt, tự nhiên và thường tình. Nhưng
theo ý kiến của các nhà tâm lý, những sứ điệp phá hoại, chỉ trích, phê
phán được gieo vào lòng của trẻ em, nhất là khi chúng nó chưa có khả
năng ngôn ngữ, để hóa giải, chuyển biến và diễn tả ra ngoài...
Đó
là những hạt mầm, những chủng tử đã trở thành xương da, máu thịt, hơi
thở của chúng nó. Chính những hạt mầm ấy ngày nay lớn lên, đâm chồi
nẩy lộc một cách man rợ và giết chết lòng tự tin.
Cha
mẹ độc tài, bao che
Nói
tóm lại, thay vì làm cha mẹ có khả năng soi sáng, nâng đỡ hướng dẫn,
còn được gọi theo lối nói của E. Berne, là Cha mẹ Từ tâm và Kỹ cương,
chúng ta đã làm Cha mẹ Độc tài, bao che (24). Cho nên con cái đã dần
dần trở nên những trẻ em lệ thuộc, bị động hay là phản loạn, đập phá,
bạo hành và phạm pháp...
***
Những "Cấp" phát triển
Nhằm
giúp người làm cha mẹ ý thức về vai trò của mình, tác giả P. Levin đã
trình bày những cấp phát triển của một con người từ lúc mới sinh ra
đến ngày thành người, chung quanh 20 tuổi (25).
Ở
mỗi cấp phát triển, trẻ em hay là người thanh thiếu niên có một nhu
cầu, một khát vọng đặc biệt. Nếu nhu cầu ấy được vun tưới, chăm sóc,
trẻ em sẽ lớn khôn, tràn đầy sinh lực cũng như lòng tự tin. Nhờ đó
chúng nó có thể hiên ngang và vững chãi đi tới. Ngược lại, như một cây
không được vun bón, tưới tẩm, trẻ em sẽ hao hụt, mòn mõi, phôi pha về
mặt tâm linh, nhất là trong địa hạt tự tin, ý thức về ý nghĩa và giá
trị làm người.
Những từ tôi sử dụng như "vun tưới, chăm bón", chỉ là hình tượng diễn
tả quan hệ qua lại, hai chiều giữa cha mẹ và con cái. Quan hệ có thể
đi theo hệ hàng dọc, khi cha mẹ soi sáng, nâng đỡ, giải thích, trình
bày, động viên. Quan hệ cũng có thể đi theo chiều hàng ngang, khi cha
mẹ đồng hành, chia sẽ lắng nghe, phản ảnh.
Quan hệ đi đôi với tác phong và ngôn ngữ. Khi cha mẹ phát biểu, hãy
tìm cách ăn nói làm sao, để con cái có thể nhận lãnh ba loại sinh tố
làm người, bắt đầu bằng chữ P trong tiếng Pháp:
P.
1 là Puissance có nghĩa là khả lực, năng động
- "Tôi
có thể làm, tôi có khả năng...",
- "Tôi
biết cách làm..."
P.
2 là Protection có nghĩa là nâng đỡ.
Khi cảm thấy mình được bao bọc, trẻ em không lo sợ, hiên ngang, mạo
hiểm và can trường bước tới.
- "Tôi
có động lực từ bên trong thúc đẩy tôi...
- "Tôi
có đầy đủ ánh sáng để bước tới"
- "Tôi
có sức mạnh, nghị lực".
P.
3 là Permission, cho phép.
- "Tôi
có phép..."
- "Tôi
được quyền..."
- "Tôi
biết rõ cái gì phải, cái gì trái"
- "Nguyên
tắc hành động có mặt trong nội tâm".
Ba
yếu tố cơ bản ấy tạo nên lòng tự tin.
Đó
là kiềng ba chân trong câu ca dao:
« Mặc ai nói ngã nói nghiêng
« Tôi
đây đứng vững như kiềng ba chân!".
Trái lại ba triệu chứng sau đây diễn tả những quan hệ có vấn đề trầm
trọng, trong quan hệ giữa cha mẹ và con cái:
-
Một: Cha mẹ bao thầu tất cả,
-
Hai: Cha mẹ bắt bớ, xua đuổi, đánh đập,
-
Ba: Cha mẹ phàn nàn rên rĩ, trách móc, chửi, rủa.
Ba
yếu tố ấy tạo nên một tam giác xung đột, xói mòn lòng tự tin.
Khi
cha mẹ phát biểu trong chiều hướng "Kiềng ba chân", đó là những sứ điệp
xây dựng lòng tự tin.
Trái lại, khi cha mẹ vòng vo, luẫn quẫn trong tam giác bi kịch, khủng
hoảng xung đột, cha mẹ chỉ tuôn trào, nói ra những sứ điệp làm ô nhiễm
lòng tự tin của con cái.
Sau
đây là những cấp được khảo sát, ở hai bình diện nhu cầu và sứ điệp xây
dựng.
Cấp
1- Nhu cầu "có mặt trong cuộc đời"
Nhu
cầu nầy được diễn tả từ 0 đến sáu tháng. Những con số về ngày tháng
chỉ có giá trị tương đối.
Khi
đứa con sinh ra dù ngôn ngữ chưa xuất hiện, toàn thể con người nó đã
diễn tả thể thức khẳng định và yêu cầu của nó đối với môi trường:
-
Tôi muốn sống!
-
Hãy yêu thương đùm bọc tôi!
-
Hãy coi tôi là người quan trọng trong cuộc đời của quí vị.
-
Hãy nhìn ngắm tôi.
-
Hãy trao cho tôi hơi ấm của làn da thịt.
-
Hãy vuốt ve, bồng ẵm, thoa bóp tôi.
-
Cho tôi ăn, cho tôi bú.
-
Hãy lại gần khi tôi khóc.
Và
chúng ta, người lớn trong gia đình có thể đáp trả thế nào?
-
Con là hạnh phúc của đời Mẹ.
-
Mẹ hiểu con cần gì.
- Mẹ đây sống cho con.
- Trai
hay gái, con cũng là con người.
-
Con mang đến cho mẹ niềm vui!
-
Mẹ vui thích, sung sướng ôm ẵm con vào lòng.
-
Mẹ "xi" cho con đi đại và tiểu tiện. Nhưng mẹ không thúc hối con. Con
thư thả theo tốc độ của con.
Người
lớn cần tránh tối đa những sứ điệp lệch lạc:
-
Lớn nhanh đi để nuôi mẹ!
-
Con cứ mãi mãi làm con búp bê của mẹ.
Cấp
2- Nhu cầu múa máy lay động, đụng chạm, di chuyển, nghe ngóng
Thời gian: từ 6 đến 18 tháng.
Nhu cầu trẻ em:
- Bồng con đi chơi đó đây.
- Cho con nhìn cái nầy cái khác, những đồ vật di động càng tốt.
- Cho con nghe bất kể âm thanh nào.
- Con cần tiếp xúc, đụng cạm phân biệt nóng lạnh...
Sứ điệp:
- Con nhìn phía nào tùy con.
- Nhìn mẹ cũng được- Ngoảnh qua nơi khác cũng không sao!
- Cúc cù, mẹ đây. Nghe mẹ gọi cúc cù. Nhìn mẹ đi!
Cấp 3- Nhu cầu suy nghĩ
Thời gian: 18 tháng đến 3 tuổi
- Con cần biết con khác cha mẹ thế nào!
- Con học nói "không",
- Con muốn học cho biết con làm được gì?
- Sao cha mẹ nhìn đâu vậy? Hãy nhìn con. Con chơi với lửa đây nầy.
Sao không nói rõ cho con biết con có được phép không? Nguy hiểm thế
nào?
- Con ra đường, con chạy thoát khỏi tay cha mẹ, để xem cha mẹ có
thương con, lo cho con, chạy theo không...
Sứ điệp:
- Cha mẹ sung sướng thấy con ngày càng lớn khôn.
- Con có quyền bực bội, tức giận. Nhưng tuyệt đối cấm không được
đánh em, đánh mẹ...
- Con nói ra cho mẹ biết con muốn gì? bực bội về chuyện gì?
- Con cần gì? Hãy tập nói ra ý kiến của mình!
- Con muốn cái khác. Con có phép chọn lựa.
- Con có
phép...
-
Con có sức...
-
Con biết...
-
Mẹ thấy con làm không được. Con cần mẹ giúp con không?
-
Nếu con muốn qua chơi bên cạnh, con tới xin phép Ba con.
-
Con có thể vào bếp tìm cho mẹ cái muỗng...
Cấp 4-
Nhu cầu khẳng quyết và xác định mình
Thời gian: từ 4 đến 6 tuổi.
Nhu cầu:
-Xác định tôi là ai ?
-Trắc nghiệm, kiểm chứng "Tôi với ý kiến ấy có được chấp nhận
không".
-Tôi có khả năng gì?
Sứ điệp nâng đõ, cũng cố:
- Con có quyền nói ra ý kiến chấp thuận hay là không!
- Con không cần giả bộ...Con chỉ cần nói rõ con muốn gì và cha mẹ
sẽ cho biết ý kiến,
- Trong trường hợp ăn mặc, con đã biết chọn lựa. Vậy con mặc gì,
khi đi về thăm ngoại ?
- Ba đồng ý cho con quyết định tùy con.
- Con thử tưởng tượng em con cảm thế nào khi con đánh em!
- Con làm như vậy, cái gì sẽ xảy ra, hậu quả thế nào?
Cấp 5- Nhu cầu thành đạt, thu lượm kết quả khả quan, cụ thể
Nhu cầu:
- Biết làm theo cách riêng của mình,
- Biết rõ nguyên tắc hành động.
- Biết rõ phương pháp và các giai đoạn đi lên...
Thời gian: từ 6 đến 12 tuổi
Sứ điệp soi sáng, nâng đỡ :
- Trước khi làm, con cần suy nghĩ...
- Trong trường hợp nầy, con cảm thấy phải chọn gì?
- Con hiểu làm sao, thì cố làm như điều con hiểu.
- Con có quyền không đồng ý, nếu con đã cân nhắc...
- Vì con đã quyết định như vậy, cho nên bây giờ hậu quả là...
- Con thử tìm cho ra 3 cách khác nhau... Bây giờ theo con, cách
nào hợp ý con?
Cấp 6- Nhu cầu có tiếng nói, có lập trường, có quan điểm
Thời gian: từ 13 - 18 tuổi
Nhu cầu:
- Có tiếng nói riêng biệt,
- Có vị trí,
- Có lập trường.
Sứ điệp: Con có thể có những nhu cầu riêng biệt.
- Con có trách nhiệm về tình cảm và hành động...
- Con có quyền tự lập, nhưng con luôn luôn là con được yêu thương
và tôn trọng trong tâm hồn và cuộc đời của cha mẹ.
- Con có tôn trọng người khác , qui luật...hay không?
Cấp 7- Nhu cầu tự lập, tự túc
Thời gian: từ 19, 20 tuổi trở lên
Nhu cầu :
* Biết từ chối, nói không.
* Vẫy cánh bay xa để nhìn, để nghe, để cảm với những hạng người
khác nhau trên mặt địa cầu.
* Tìm ra ý nghĩa cho cuộc đời, thậm chí trong những hoàn cảnh ngõ
cụt và bế tắc.
* Nhu cầu đổi mới, sáng tạo thường xuyên.
* Nhận để cho, cho để nhận, cũng như học và dạy quyện vào nhau.
* Nhu cầu được cũng cố.
* Nhu cầu được rút tỉa những bài học từ thất bại, sai lầm.
* Nhu cầu đảm nhiệm một vai trò để phục vụ.
Sứ điệp :
* Bạn được lắng nghe và tôn trọng.
* Bạn hãy cho biết ý kiến?
* Bạn muốn làm gì?
* Bạn có thể làm gì?
* Bạn giải quyết, thay đổi thế nào?
* Bạn thấy tôi thế nào?
Mẫu đối thoại giữa Đức Bụt và Đại đức Punna (26)
Để có một ý niệm khá rõ rệt về sứ điệp của một người trưởng thành
đối với một người trưởng thành khác, tôi xin trích dẫn ra đây những
lời trao đổi giữa Đức Bụt và thầy Punna (thường được gọi là Phú Lâu Na
trong tiếng Việt) :
Hôm ấy, sau mùa an cư, Đại đức Punna có ý trở về quê hương mình
để hành đạo.
Bụt hỏi:
- Dân cư vùng đó còn rất hung dữ. Bao động thường xảy ra. Về đó
có tiện không?
- Bạch Thế Tôn, Đại đức Punna trả lời, chính vì họ còn hung ác
nên con muốn về đó, để khai hóa lòng người.
- Nếu họ đến chửi mắng thầy?
- Dạ cũng chưa can chi! Ném đồ dơ bẩn lên đầu còn khó chịu hơn!
- Nếu họ đến ném đồ dơ bẩn lên đầu Thầy?
- Dạ cũng chưa hề gì, nếu họ chưa hành hung con.
- Một ngày nào đó, họ đến hành hung, thì sao?
- Nếu họ chưa giết, thì con còn chịu được!
- Họ giết thì sao?
- Lúc gần tắt thở, con cám ơn họ đã cho phép con chết một cách
hiên ngang, chính lúc con "làm người".
Bụt kết thúc:
- Thực ra tôi tin vào Thầy, từ ngày chúng ta gặp nhau. Nhưng sỡ
dĩ tôi hỏi thầy cách cặn kẽ như vậy, để Thầy cũng cố cho những Thầy
khác thuộc đàn em của Thầy và các cháu chắt sau nầy...để họ cũng "làm
người".
Thật tuyệt diệu, khi cõi lòng mình là Đại Dương chấp nhận mọi
dòng sông chảy về từ muôn nẽo. Xin cám ơn Thầy, hỡi Đại dức Punna!
Thầy bất diệt!
***
Trong tư tưởng Đông-phương, chưa có một tác giả nói đến những cấp
phát triển với đầy đủ chi tiết cụ thể như trên đây, nhất là từ 15 tuổi
trở xuống cho đến ngày sanh ra khỏi lòng Mẹ.
Tuy nhiên trong vấn đề học đạo, và thấm nhuần đạo làm người,
chúng ta có thể ghi nhận những điểm mốc như sau (27) :
- Mười lăm tuổi:
"Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học": Chuyên chăm vào việc học.
- Ba mươi tuổi
"Tam thập nhị lập": Tự lập vững vàng.
- Bốn mươi tuổi:
"Tứ thập nhi bất hoặc": Không lầm lẫn.
- Năm mươi tuổi:
"Ngũ thập nhi tri thiên mệnh": Hiểu biết ý của Trời.
- Sáu muơi tuổi:
"Lục thập nhi nhĩ thuận": Lắng nghe thực sự.
- Bảy mươi tuổi :
"Thất thập nhi tùng tâm sở dục, bất du cũ": Đi theo con đường
của Tình Thương :
Bài thơ sau đây diễn tả khả năng « Tùng Tâm » ấy :
« Hãy lắng nghe Thinh Lặng và Mênh Mông,
« Như người mẹ hân hoan mở rộng lòng,
« Sẵn sàng cho suốt cuộc đời hiện diện
« Sồng vì con trọn Lời Kinh Dâng Hiến.
« Hãy lắng nghe Bao La và Vô Tận
« Suốt ngày đêm giăng hai tay đón nhận,
« Những khuôn mặt quen thân và xa lạ,
« Nối kết lại thành Chân Trời Cao Cả »
(28).
********************
Kết luận
Con đường nào?
Trước ngưỡng của Thời đại Ngìn Năm Thứ Ba, ở Âu châu và Mỹ châu,
nhất là ở Hoa Kỳ, những ai theo dõi các trào lưu tư tưởng mới, đang
xôn xao nhiều về các ý kiến « động trời » của F. FUKUYAMA (29). Tác
giả nầy là người Mỹ gốc Nhật, thuộc thế hệ thứ hai của một lớp người
qua định cư ở Hoa Kỳ, từ đầu thế kỷ 20.
***
Thể theo lối nhìn của F. FUKUYAMA, những ngày cuối cùng của Thế
kỷ 20 đang báo hiệu « ngày tàn » của Nhân Loại, với bao nhiêu vấn đề
sôi bỏng: thất nghiệp, bệnh sida, đồng tiền mất giá, bạo động trong
các đô thị khổng lồ...Hơn bao giờ hết, toàn địa cầu đang bị giao động,
bàng hoàng trăn trở về ngày mai. Nhìn trở lại thế kỷ đang « hoàng hôn »,
tác giả đã ghi nhận ba biến cố làm đảo lộn lịch sử, gây chấn động về
lâu về dài trên chính bản sắc và căn cước của con người, trên mọi lục
địa từ Đông sang Tây.
Biến cố thứ nhất là viên thuốc ngừa thai đã ra đời vào những năm
1960. Các nhà chính trị đã hy vọng rắng : nạn nhân mãn sẽ từ đây được
giải quyết một cách êm đẹp. Người phụ nữ sẽ thực sự được giải phóng.
Không ngờ, với viên thuốc nầy, những "Rạn Nứt" đã bắt đầu xảy ra và
trở nên càng ngày càng trầm trọng trong địa hạt gia đình và học đường.
Giới trẻ từ 15, 18 đến 30 đang lạc lõng bơ vơ, vì càng ngày càng trơ
nên tự do quá đáng, « phóng túng » một cách bừa bãi. Bạo động đã tràn
xuống đường, nhất là trong các đô thị...Phải chăng đó là cái "ung nhọt
lở lói », do viên thuốc ngừa thai đang cưu mang và phát triển, trong
xã hội ngày hôm nay ?
Biến cố thứ hai là bức tường ô nhục ở Berlin đã bị sụp đổ vào năm
1989. Biến cố nầy cũng đã được đón chào như một ngày giải thoát của
Nhân Loại, khỏi những gông cùm của một ý thức hệ chính trị vô tưởng.
Nhưng rồi, chiến tranh vẫn tiếp tục có mặt , khi không còn tình trạng
hai đối thủ đe dọa, thách thức nhau, bằng mạng lưới phòng vệ chống
nguyên tử. Hơn bao giờ, chiến tranh nguyên tử vẫn còn có thể xảy ra
một cách dễ dàng, khi có nhiều vị lãnh tụ « trẻ con » muốn chơi với
lửa, không chấp nhận mình là « nhược tiểu », ăn chưa no, lo chưa tới,
theo nghĩa đen của từ ngữ.
Hẵn thực, không còn những trại tập trung chính trị kiểu « Goulag »,
nhằm đày ải những tù nhân khác lập trường và khác chính kiến. Nhưng
trong thế giới tư bản cực đoan, con người vẫn còn đàn áp con người một
cách rất tinh vi, văn minh và khoa học. Nạn mãi dâm trẻ con bành
trướng khắp mọi nơi, với nhu cầu du lịch đang càng ngày càng đi lên!
Người phụ nữ, nhờ viên thuốc ngừa thai, có khả năng thi thố tài năng
ngang bằng người đàn ông trong mọi ngành nghề và địa hạt.
Tuy nhiên, khi lăn xã vào một xã hội quá duy lý, người phụ nữ còn
là mình với bản chất cho và nuôi dưỡng mầm sống hay là đã từ từ đánh
mất bản sắc của mình? Ý thức hệ chính trị đã sụp đỗ. Thế nhưng, hơn
bao giờ hết, con người vẫn còn có xu thế "đồng phục và đồng dạng hóa
con người". Lý luận làm nền tảng cho những đòi hỏi đồng dạng ấy là: "Tôi
không chịu thua. Tôi muốn hoàn toàn giống các ông nam nhi".
Tuy nhiên, phải chăng "khác" có nghĩa là « thua »? Và khi chấp nhận
mình "thua", có gì là xấu xa, phản con người và phản tiến bộ?
Thêm vào đó, vị trí "hơn" sẽ mang lại chất lượng làm người nào cho tôi?
Biến cố thứ ba là con người có thể chế tạo con người trong ống
nghiệm. Một mai rất gần kề, con người có khả năng tác động trên "mầm
sinh" trên "gên". Con người lúc bấy giờ còn "làm người" nữa không hay
là chơi trò "làm Thượng Đế" ?
Pascal đã nói: ai chơi trò làm thiên thần, người ấy sẽ biến thân
thành ngạ quỉ. Một mai với khả lực "tạo mầm sinh hay tạo gên", nếu
con người muốn chơi trò "hơn thua" với Thượng Đế, con người sẽ biến
thân thành cái gì?
***
F. Fukuyama rất bi quan, ít nhất trong lời lẽ, ngôn từ có vẽ
thách đố của ông. Đối với ông, "ngày tàn của nhân loại" đã bắt đầu.
Lý luận của ông được tóm lược như sau:
- Ngày tàn của người phụ nữ đã bắt đầu từ năm 1960, khi họ không
còn muốn chấp nhận làm người, với những hạn chế cũng như với những đặc
quyền riêng tư và độc đáo.
- Ngày tàn của lịch sử đã bắt đầu từ năm 1989, khi lịch sử không
còn là một cuộc đấu tranh liên lĩ. Hẳn thực, đấu tranh đã gieo vãi
chết chóc và hoang tàn ở khắp mọi nơi. Nhưng đấu tranh cũng là lò
luyện kim sản xuất những bài học cho con người. Bây giờ không còn đấu
tranh giữa hai khối, chúng ta sẽ lấy gì viết Lịch Sử!
- Cuối thế kỷ 20, ngày tàn của Nhân loại đã điểm, khi con người
không muốn làm người. Khi con người đánh mất bản chất hoặc căn cước
của mình. Họ sẽ lạm dụng khả năng chế tạo và thay đổi mầm sống để chơi
trò " làm Thượng Đế toàn năng". Với cách điều trị thay đổi gên, Y khoa
sẽ cho phép con người trở thành "đại thọ", "siêu nhân" hay là "thần
đồng". Nhưng mấy người có những phương tiện ấy ? Và đoàn lũ đông đúc
phải chăng sẽ trở thành một "bầy trâu bò, chó ngựa", không còn có giá
trị làm người?
Theo quan điểm của tôi, luận cứ của Fukuyama đã bị lệch lạc, khi
ông không phân biệt số chung và số riêng. Ông đã quá "vơ đũa cả nắm".
Người phụ nữ là ai?
Đâu phải là mọi người phụ nữ đều dùng thuốc ngừa thai. Thậm chí
vì lý do nào đó, khi họ dùng thuốc ấy, họ dâu phải luôn luôn muốn đấu
tranh đòi tự do và bình đẳng. Còn rất nhiều người phụ nữ tự tin, hãnh
diện về căn cước làm phụ nữ của mình. Và nếu còn một người phụ nữ như
vậy, thì ngày tàn sẽ không bao giờ đến cho giới phụ nữ.
Con cháu bà ấy sẽ sanh ra, đông như sao trên trời, nhiều như cát
dưới biển. Người phụ nữ vẫn làm mẹ. Người phụ nữ vẫn sanh con. Bản
chất của người phụ nữ vẫn là "cho", không đòi lại, không đợi trả ơn.
***
Đấu tranh là gì?
Sau khi bức tường ô nhục Berlin bị bình địa , khả năng đấu tranh
của con người không bị mai một, cùn mòn!
Tôi vẫn còn phải đấu tranh, bao lâu còn một người chưa có phần
cơm ăn hằng ngày!
Có triệu triệu cách đấu tranh, ngoài cách la ó, chĩa súng và ném
bom...
Thêm vao đó, cuộc sống làm người đâu cần có hai phe thù địch nhau,
mới có đấu tranh thực sự và chân chính. Khi nắm tay nhau, trở nên "một",
để sát cánh nhau đấu tranh, công cuộc đấu tranh ấy mới hữu hiệu, cao
cả!
Giặc nghèo, giặc ngu dốt... bao nhiêu mặt trận đang chờ những ai
có tinh thần đấu tranh thực sự.
Khi tranh đấu như vậy, chúng ta mới viết được nhưng trang sử hoàn
toàn mới, dành cho con người mới, có liên hệ mật thiết với trời mới,
đất mới!
***
Nhân loại là ai?
Là
Anh, là tôi, là bạn. Là mọi người...
Trong số đó, có những người muốn chơi trò phù thủy, biến người nầy
thành siêu nhân. Biến người kia thành hạ nhân. Biến người nầy thành người
yêu nước chân chính. Và biến người kia thành Ngụy, thành Việt gian,
theo Tây, theo Mỹ...
Bên
cạnh những người muốn làm phù thủy, còn rất nhiều người muốn làm người.
Họ can trường và sáng suốt chấp nhận chết, trở thành tro bụi...để nuôi
sống và nhưởng chỗ cho mầm non! Ngọn lá nào thực sự muốn làm lá, chấp
nhận rơi rụng vào cuối mùa thu...để cho các chồi non xuất hiện vào mùa
xuân, thay thế chỗ của mình!
Nếu
trong lòng nhân loại còn có người không muốn chơi trò hơn thua. Họ chấp
nhận thua, bị truất phế khỏi mọi khả năng. Bị còng tay nhốt vào
tù...mà vẫn làm người biết tha thứ... Nhân Loại ấy sẽ không có ngày
tàn...
Sau
1975, khi đã bị mất khả năng dạy học, mất khả năng khám nghiệm tâm lý
cho những bệnh nhân…tôi cũng như nhiều người đã đi về vùng quê, học
trồng rau và làm rẫy... Tuy nhiên, nhờ thất nghiệp đói khổ, tôi đã học
được khả năng "nhịn đói", giống như nhân vật Tất Đạt trong tác phẩm « Câu
chuyện dòng sông" của văn hào H.Hess » (30) :
-
« Tôi có thể suy tư, chờ đợi, nhịn đói.
(...)
-
« Nhưng những thứ ấy dùng để làm gì? Ví dụ nhịn ăn, để làm gì?
-
« Nó có giá trị lớn lắm, thưa ông. Khi một người không có gì để ăn,
nhịn đói là điều khôn ngoan nhất... »
Bao
lâu trong lòng nhân loại, còn có người biết nhịn đói, nhịn khát , để
có khả năng hiến tặng cho Người anh chị em mình một Tình Yêu... Làm
sao nhân loại ấy có thể có ngày tàn?
***
Hỡi Người
Em Việt Nam!
Nếu
em tin vào Tình Yêu, Tình Yêu sẽ làm cho em trở thành bất diệt và cao
cả.
Tình Yêu ấy không đến từ trên và từ ngoài. Nhưng Tình Yêu ấy ở ngay
trong tấm lòng của Em.
Tin
vào Tình Yêu là tin vào chính mình. Đó là ý nghĩa căn cơ của Lòng Tự
Tin (31).
Bản
sắc và căn cước của Em là Tình Yêu. Đó là điểm xuất phát. Và đó cũng
là điểm tận cùng mà Em hướng đến mỗi ngày. Cho nên, bao lâu Em còn
sống, con đường của Em là Tình Yêu. Chỉ với Tình Yêu « bàn tay Em mới
có thể làm nên tất cả ». Chỉ với Tình Yêu, « sỏi đá mới có thể trở
thành cơm! » cho Em và bao nhiêu người khác, đang có mặt với em trong
lòng cuộc đời.
************************************************************************
Bí Chú
1) Senge P. - The 5th Discipline - Century, London 1992.
2) Nguyễn Văn Thành - Phát huy Nhân lực - Tình Người, Lausanne
1998.
3)
Ricoeur P - De l 'Interprétation - Seuil, Paris 1965.
4)
Gordon. T - Etre Parent, ca s'apprend - Marabout, Belgique
1995.
5)
Ricoeur P. - De l'interprétation - Seuil, Paris 1965.
6) Freire P - Pedagogy of the oppressed - CP, N.Y 1994.
7)
Kipling - IF - Mille-et-une-nuits, Paris 1998.
8) Goleman D - Emotional Inelligence - Bantam, N.Y 1998 I và
II.
9) Cameron-B. L - The Emotional Hostage - FP, CA 1986.
10)
Sommer B. - Psycho - cybernetics 2000 - PH, U.S.A 1993 P. 333.
11)
Nguyễn Văn Thành - Đối Thoại , quê hương Tình người - TN,
Lausanne, 1999 tr. 67.
12)
Berne E. - A.T. et psychothérapie - P. BP, Paris 1971.
13)
Nguyễn Văn Thành - Phát Huy Nhân Lực - TN 1998.
- Đường Vào Nội Tâm - TN
1997.
14)
Triết, Tập san Triết học và tư tưởng số 1+ 2 San Jose, CA
95173 - 0363 tháng 6.1996 và 9.1997.
15)
Nguyễn Văn Thành - Đối Thoại, quê hương tình người - TN 1999.
- Em là quê Hương - TN 1997.
16)
Berne E - Sđd.
17)
Vygotsky L.S - Pensée et langage . ESF, Paris 1985.
18)
Winnicott - Processus de Maturation chez l'enfant - P.BP, Paris
1972.
19)
Portelance C. - Relation d'aide - Cram, Québéc 1992 tr. 31.
20)
Goleman D. - L'intelligence Émotionnelle - R. Laffont, Paris
1997. Tome I tr. 29.
21)
Maltz M. - Psycho - cybernetics - PH, NY 1960
22)
Steiner C. - L'A.B.C des Emotions - Inler Ed. Paris 1998 tr.
122.
23)
Nguyễn Văn Thành - Lắng Nghe - TN 1999.
24)
Jaoni G. - Le Triple Moi - R. Laffont Paris 1997.
25)
Levin P. - Les cycles de l'identite - Tnter Ed., Paris 1986.
26)
Thích Nhất Hạnh - Đường xưa mây trắng - Lá Bối, SJ-U.S.A. 1992,
tr. 453.
27) Phan
Bội Châu - Khổng Học Đăng - Anh Minh, Huế 1957, I tr. 15.
28)
Nguyễn Văn Thành - Lắng Nghe - TN - Lausanne 1999
29) Báo
Coustruire số 38, ngày 21.9.1999
Fukuyama F. - La fin de l'histoire et le dernier homme -
Chanps - Flammarion Paris 1994
30) Hess
H. - Câu chuyện dòng sông -Chùa Khánh Anh, Paris, tr.57-64.
31)
LaPorte D. - Pour Favoriser l 'estime de Soi - C.H.U, Montréal
1997
Sách tham khảo
1.-André C.
-
L'estime de Soi - Ed.O. Jacob, Paris 1999.
2.-Branden N. - Les six clés de la Confiance en-Soi - Ed.
J'ai lu, Paris 1995.
3.-De
Saint Paul J. - Estime de Soi, Confiance en Soi - InterEd.
Paris 1999.
4.-Dubois V. - Les Emotions - ESF, Paris 1993.
5.-Grinda G. - Pour l'enfant - Fayard, Monaco 1996.
6.-Die
P. - Comaitre ses blessures - Ed.
Emmanuel, Paris 1993.
7.-McKay M. - Self - Esteem - NH Pubbl, CA 1987.
8.-Monbourquette J. - Je suis aimable, Je suis capable -
Novalis, Canada 1996
9.-Nguyễn Văn Thành - Comment gérer les émotions - S.C.E.S
Lausanne 1991.
10.-Poletti R. - L' estime de Soi - Ed Jouvance, Genève 1998.
11.-Sommer B. - Psycho - cybernetics 2000 - PH, NJ 1993
12.-La
Porte D. - Pour Favoriser l'estime de soi - C.H.U,
Montréal 1997