Mậu Thân: Cuộc nổi dậy giết đồng bào.



 Kết quả hình ảnh cho Mậu Thân: Cuộc nổi dậy giết đồng bào.
Mậu Thân: Cuộc nổi dậy giết đồng bào.

Nguyễn Quang

Thế giới quả là một trò đùa – Le Monde come un jeu, trò đùa như tên của một tác phẩm nào đó đã gợi ý. Trò đùa khi những kẻ làm chiến tranh và ủng hộ các chế độ quân phiệt khiến bao con trẻ phải chết non chỉ vì mục đích phải tiếm đoạt chính quyền bằng mọi phương tiện, song trên bình diện quốc gia họ kêu gọi tổ chức hội nghị bàn về đề tài trẻ em và xung đột vũ trang, bảo vệ phụ nữ.v.v.. Tất cả những thứ nhơ nhớp trong các chiêu bài chính trị ấy Nó được xem như một nghệ thuật trong chính trị, thứ kỹ xảo đó lại chính là những vực thẳm đưa đến những thảm họa cho nhân loại.


Nguyện vọng hòa bình luôn vẫn xa vời, hiệp định Paris sau này phải gần trọn năm năm cho các cuộc bàn thảo về việc ngừng bắn, trong đó có hơn mười tuần lễ tranh cãi về hình dạng chiếc bàn hội nghị tròn hay vuông… sự cò kè bớt một thêm hai không chỉ bằng ngày tháng mà bằng xương máu của hàng chục ngàn nạn nhân vô tội đã khiến những lời hô hào về mục tiêu hòa bình chỉ là các từ hoa mỹ vô nghĩa.

Năm 1968, Mậu Thân, người miền Nam chứng kiến hàng ngàn bộ đội thuộc phe miền Bắc nằm chết la liệt thê thảm trong các thành phố cũng như ngoại ô, phải dùng xăng mà đốt. Nhìn các bạn ấy sao mà chết trẻ như thế, với tuổi khoảng mười lăm, mười sáu… Trong túi áo mỗi người lính trẻ thường đều có các chiếc khăn tay thêu tên người yêu hay có thể là của em gái mình lúc tiễn biệt. Những bạn trẻ kia có khi họ bị xích chân vào các cỗ pháo và đã chết chùm, sự hôi thúi đến nôn mửa là chuyện rất sự thường vì không ai chôn kịp, người miền Nam vừa là nạn nhân vừa là nhân chứng khi đi ngang qua những xác người anh em miền Bắc bị bắt buộc vào Nam này, có bạn còn xăm trên người “sinh Bắc tử Nam”. Mọi người biết rằng sẽ không tìm được cái gì hơn, ngoài cái chết để rồi chỉ còn biết ngậm ngùi: sẽ còn chết nữa khi thế giới vẫn còn lòng tham, tỵ hiềm và dối trá.

Mỗi mùa Xuân đến đối với dân tộc Việt Nam, năm nào có sự an bình đó là điều đáng mừng, song sự thường với nhiều mùa Xuân đã qua thật sự là những mùa gặt xác người. Vào cuối năm 1967, trong chiến tranh Việt Nam, phe miền Bắc đã tổ chức cho bộ đội ăn tết trước để chuẩn bị tổng tấn công miền Nam, tuy rằng nhân dịp Tết cổ truyền hai bên đều cam kết ngưng chiến ba ngày để người dân ăn Tết.

Ngày 29.01.1968 nhằm ngày mùng một Tết Mậu Thân, miền Nam thực hiện đúng cam kết, dân chúng Sài Gòn nô nức vui xuân. Trong khi đó quân đội miền Bắc ồ ạt xâm nhập tiến về tất cả các tỉnh lỵ, thành phố miền Nam bằng mọi phương tiện. Những đoàn quân trên vai mỗi người lính muốn quằn xuống với đủ mọi thứ vũ khí như nếu có thể để họ làm nổ tung hết các thành phố miễn là chiếm đoạt được miền Nam với cái danh xưng giải phóng.

Sáng sớm ngày 31 tháng Giêng năm 1968, cộng sản Hà Nội cho hơn bảy mươi ngàn quân tấn công vào một trăm thị xã, thành phố miền Nam. Tiếng đạn bom rơi mọi ngõ ngách dân cư, người bỏ của chạy lấy thân, khói lửa mù mịt ngay giữa các khu đông dân cư, chợ búa, trường học… người dân trong sự bàng hoàng, khủng hoảng…

Tại Sài Gòn có bốn ngàn quân chính quy đã thực sự xâm nhập vào, trong khi theo lệnh ngưng bắn một nửa binh sĩ miền Nam chia nhau về quê ăn Tết. Trước sự bất ngờ họ đã tạo được sự rối loạn khắp nơi. Thành phố Huế bị chiếm đóng hoàn toàn, các cao ốc tại Sài Gòn đều trong tầm mục tiêu của họ và các nơi bị xâm nhập trở thành những pháo đài trong sự phản công quyết bảo vệ chế độ tự do của những người miền Nam.

Sau những giây phút bàng hoàng ban đầu, lực lượng của bên miền Nam tái phối trí, Việt cộng bị đẩy lùi ra từng căn nhà một trong số đạo quân hơn bốn ngàn đã tràn vào Sài Gòn. Một cuộc chiến thật gay go nhưng đầy dũng cảm của phe miền Nam trước cái liều mạng ‘nếu có mất chỉ mất cái quần củn’ còn nếu thắng thời được tất cả như Mác nói, không phải của bộ đội nhưng do tập đoàn đầy tham vọng cá nhân tại Hà Nội mà xui người dân vào chỗ chết.

Trên bầu trời các máy bay trực thăng lượn thật sát trên khắp các dãy phố những nơi có cộng quân ẩn nấp và xạ kích như mưa pháo từ không trung vào địa cầu. Sài Gòn khoảnh khắc của mùa Xuân chìm trong u ám, khói lửa ngập tràn. Nhưng sự phớt tỉnh trong bản chất của người dân Nam bộ vẫn thể hiện rõ nơi mỗi con người. Dân chúng không nhảy ra giết, chỉ chỏ hay ném đá các tù binh về sau, nếu không nói họ còn mang cả cocacola cho cán binh Việt cộng miền Bắc đang bị trói được uống trong cơn khát dù họ có thật sự không thích cộng sản hoặc giả trước đó mấy phút có thể người cộng sản kia đã tung lựu đạn sát hại cả gia đình họ chết vì mục đích của loại chiến tranh tiêu thổ kháng chiến là đốt sạch, giết sạch rồi sau đó chiếm cả tài sản nhà cửa của họ.

Đài phát thanh Sài Gòn là mục tiêu đầu tiên của phe miền Bắc để họ có thể phát đi những lời hiệu triệu, nhưng họ đã thất bại trước sự phản công của bên miền Nam. Từng toán Việt cộng nằm chết la liệt trên đường phố, nếu tính ra có sự hắt hơi trong truyền giao cách cảm giữa những người thân thì trong những ngày ấy tại miền Bắc đã không biết có bao nhiêu tiếng sụt sịt, xì mũi từ những oan hồn hãy còn quá trẻ phải chết tại miền Nam vì lòng tham cuồng vọng của giới lãnh đạo cộng sản.

Xác Việt cộng nằm phơi trên các cao ốc, trường học mà họ cố biến thành những lô cốt để tử thủ, có một số xác người thư sinh còn mặc áo trắng cùng vũ khí đập trong ánh mắt mọi người và không cần nói ra nhưng ai cũng hiểu ra rồi, đó là những sinh viên cộng sản nằm vùng.

Trong vòng hai mươi bốn giờ đầu tiên tấn công Sài Gòn, một tiểu đội Việt cộng đã xâm nhập vào Toà Đại sứ Mỹ. Một quân cảnh Mỹ đang đứng gác bị giết tại chỗ và bốn binh sĩ khác cũng bị sát hại bên trong Sứ quán. Họ cố thủ bên trong, nhưng không bao lâu, khoảng sáu tiếng đồng hồ Việt cộng đã bị thanh toán, những xác chết nằm phơi mình ngay vườn hoa tòa sảnh. Qua hình ảnh của các phóng viên còn ghi lại có cả hình ảnh các viên chức Hoa Kỳ ra xem những xác chết trong khi binh sĩ Mỹ cáng những đồng đội bị thương bên trong Toà Đại sứ. Và kìa một cán binh miền Bắc chết nằm sấp người lại, trên lưng máu thấm đầy chiếc áo, tất cả mọi người đang nhìn về phía người chết: đó là một người Việt Nam phe miền Bắc, họ đã nằm xuống tại đây và chỉ khác người miền Nam một tí chút, có thứ tế bào đang chi phối não trạng gồm những giáo điều đấu tranh giai cấp, những ai không cùng giai cấp phải chết và người miền Nam theo sự tuyên truyền của họ, đang bị nô lệ bởi đế quốc nên cần phải được giải phóng.

Từ ngoại ô, rốc kết Việt cộng tiếp tục pháo ngày đêm vào các thành phố bất kể là khu phi quân sự hay thường dân. Người ta nghe rõ tiếng hô xung phong hoặc những bài ca mang tính kích động để xung phong, hay tiến lên trên các đường phố, trong từng căn nhà và cao ốc. Phi trường Tân Sơn Nhất cũng bị tấn công đầu tiên, nhưng phe miền Bắc đã bị đẩy lui sau đó với sự thảm hại.

Sự thảm bại của Cộng sản Bắc Việt không chỉ trên bình diện quân chủ lực bị tiêu diệt gần như hoàn toàn, song các lực lượng nằm vùng lộ hẳn bộ mặt ra rồi bị tóm gọn hết. Bài học về chiến tranh nhân dân theo chủ trương của miền Bắc đến chỗ phá sản nếu không nói là kéo theo cái chết trong tuyệt vọng của ông Hồ Chí Minh, người đứng đầu phe miền Bắc.

Sài Gòn không còn đâu là Hòn Ngọc Viễn Đông trong những ngày bị tấn công này. Trên các đường phố là các xe tăng, xe bọc thép trang bị đầy đủ các loại vũ khí. Hầu như thiếu vắng hình ảnh thường phục xuất hiện ra ngoài đường, cũng có vài bạn trẻ mặc thường phục, họ là những sinh viên nằm vùng chưa kịp thay quần áo bộ đội, họ đang quỳ xuống hay đang di chuyển trong tư thế hai tay giơ cao xin đầu hàng phe miền Nam. Còn nhiều chiếc áo sơ mi trắng khác dính đầy máu cùng vết đạn với cái chết thật thảm thương và sinh viên từ các trường đại học không về quê ăn tết đã đi nhận dạng được ít nhiều bạn học, họ mang đi chôn cất cũng như thông báo về gia đình.

Vì mảnh đất tự do ‘Ta quyết không lùi lại… anh em ơi… hò dzô! Còn bên kia từ Bắc vào Nam không còn con đường lui khi những toán lính trẻ bị cùm chân, xích vào những cỗ pháo lớn nhỏ cho đến khi chưa hẳn đã đọc hết câu ‘thần chú ’ sinh Bắc tử Nam… Tất cả sống chết nhìn lại đều là người Việt chỉ khác trên tay kẻ ôm súng của Nga, Tàu… người ôm bom đạn Mỹ!

Người Mẹ quê đang gạt nước mắt trước những nấm mồ tập thể với bao người Việt chôn sống người Việt và đặc biệt không có quân lính miền Nam nào chôn sống tập thể những ai là binh lính miền Bắc chứ đừng nói đến dân lành vô tội. Trái lại với cộng quân miền Bắc thì họ có thể làm tất ngay tại miền Bắc và trên đường tiến quân cũng như lúc đã chiếm được miền Nam. Đó là một sự khác biệt to lớn về bản chất của vấn đề hầu cho mai hậu với những bài học lịch sử về dân tộc mình trước những tham vọng cá nhân cùng sự phát triển một cách băng hoại của các trào lưu quốc tế.

Người Mẹ nào cũng trong ước mơ các con mình sẽ có ngày trở về trong niềm tin và hy vọng một nước Việt Nam Tự Do thật sự. Ba mươi ngàn quân miền Bắc đã chết thảm trong trận tổng tấn công này. Nhất định những Bà Mẹ ấy chỉ còn hoài vọng một khi đã lâu rồi không có tin con từ miền Nam về Bắc… Tuyệt đối nhà cầm quyền miền Bắc rất hiếm khi làm giấy báo tử cho những binh sĩ của họ khi nằm xuống.

Tổng Thống Nixon thăm Trung Quốc với Tuyên bố chung Thượng Hải, Việt Nam được chuyển qua bàn cờ với thế chiến lược của Hoa Kỳ, miền Nam bị buộc phải ký Hiệp Định Hoà bình Paris mà chính đây là tờ khai tử miền Nam Tự Do. Đặc biệt tại miền Nam người ta cũng làm giấy báo giả gọi là báo tử ma để lãnh tiền tử tuất từ khoản viện trợ của Đồng minh, vốn quỹ này để giúp cho những góa bụa hay cha mẹ có con em hy sinh trên chiến trường vì lý tưởng tự do.

Khi gọi là anh em đối với những người bộ đội miền Bắc đã nằm xuống, nhưng ngay lúc đó với hầu hết người miền Nam mà xưng hô kiểu như vậy – nhiều người sẽ oán giận vô cùng vì những con người dù hình ảnh rất Việt Nam kia nhưng chỉ trong lúc sống cách đó vài phút, vài giờ, vài ngày… những người Việt Nam gọi là Cộng sản họ rất gian ác, cái sự ác sẽ không có bút mực nào ghi hết như khi Việt cộng vào Huế đã lục xét từng nhà mang đi bắn trên hơn sáu ngàn thường dân vô tội…

Các thanh niên thiếu nữ đang chạy vào nhà thờ Phú Cam trong sự trông cậy vào Thiên Chúa trước cảnh tàn sát, nhưng hết thảy đều bị lôi ra khỏi thánh đường và sau đó với những hố chôn tập thể mà ngay trước cái chết những nạn nhân cũng bị lừa một lần nữa: “các bạn hãy đào hố để chuẩn bị tránh bom đạn”, thế nhưng sau đó họ đều bị chặt đầu, bị đánh bằng gậy gộc sau sọ não trong quặn quại với sự trói chặt của những vòng dây kẽm gai và chỉ thật chết sau khi hãy còn bị chôn sống một lần nữa.

Cái ác có thể qui kết lại và chúng ta có thể biết được ở quá khứ để có thể hành xử ở tương lai. Đó là các viên chức Cộng sản được phỏng vấn về sau đều có một cách trả lời rất tự nhiên khi được hỏi tại sao không dùng súng hay mìn cho có tính chất nhân đạo một chút trước sự tàn sát, họ có tiếng nói chung: - nếu vậy còn đâu súng đạn để mà tiếp tục bắn giết…

Những người lính bộ đội chết trong trận Mậu Thân sau mỗi đợt tấn công, sau mỗi đêm có tiếng pháo kích và hô xung phong, họ tiến vào thành phố, hầu như trên khắp miền Nam những chú lính trẻ Việt cộng đáng thương ấy nằm phơi xác vô số kể vào sáng hôm sau ngay trên các đường phố. Rồi con người dù vị thành niên vào thuở ấy nhưng cũng biết đặt câu hỏi về những người làm chiến tranh họ có thấu hiểu được nỗi đau của chính người nằm xuống và thân nhân của họ.

Con người đúng là nạn nhân của những cơ chế bạo lực, giá như những người quá trẻ đã chết không sinh ra và lớn lên tại Việt Nam, thế thì họ có chết oan như thế hay không, tất cả những lý do biện minh cho cái chính nghĩa sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu nó có sự giết người.

Tác giả Michel Tauriac từng ghi trong tác phẩm Vietnam, le dossier noir du Communisme: như tại Quảng Ngãi năm Mậu Thân“Không xa Mỹ Lai bao nhiêu là một ngôi làng nhỏ Quảng Ngãi... Trong đêm Tết Mậu Thân 1968, quân Cộng Sản xông vào một bệnh viện tại đây. Y tá, bác sĩ, bệnh nhân nằm trên giường bệnh đều bị giết chết, súng cứ nhả đạn thả dàn. Khi người Cộng Sản ra đi, thần chết đã mang theo hết mọi người...”

Tại Huế, "ba Giáo sư người Đức gồm Giáo sư Horst-Günther Krainick, bác sĩ Alois Alteköster, và Tiến sĩ Raimund Discher, người giảng dạy tại Đại học Y Khoa Huế, là thành viên Đại sứ Văn hóa CHLB Đức, cùng với bà Horst-Günther Krainick, đã bị bắt giữ bởi quân Việt cộng trong cuộc tấn công Huế của họ vào tháng 2 năm 1968. Ngày 05 Tháng Tư năm 1968, các bộ phận thi thể của các giáo sư cùng với nhiều người dân Việt Nam đã được phát hiện trong ngôi mộ tập thể gần Huế." (Wikipedia). 

Tất cả những Nhà khoa học này đều phục vụ trong tinh thần nhân đạo nhằm
 giúp đỡ nhân dân Việt Nam và đều bị sát hại khi Việt cộng chiếm đóng.


Không ai thấy, đúng hơn chưa ai chứng kiến ‘ngày sau rốt Thiên Chúa sẽ dùng lửa để thanh tẩy’. Ngày ấy chưa đến cho dù có nhiều lời tiên tri, nhưng ở đây con người đã đốt con người vì kẻ gây tội ác với thường dân lại chết trên vũng máu của chính mình và máu chỉ có thể rửa sạch môi trường một cách vệ sinh bằng lửa.

Biến cố Mậu Thân là một khúc quanh hết sức quan trọng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Người Việt sẽ không bao giờ quên biến cố này với sự tàn sát bởi bàn tay của những người cộng sản với thường dân vô tội. Quả là một thủ đoạn về phương diện quân sự thuần túy, Việt cộng đã thất bại hoàn toàn và tổn thất nặng nề, họ không đạt được việc chiếm các thành phố lớn và thúc đẩy người dân nổi dậy chống chính quyền miền Nam. Nhưng trên phương diện chính trị một cách bất ngờ, gây được ảnh hưởng dư luận và trong chính giới trên trường quốc tế nhất là tại Hoa Kỳ.

Tình hình miền Nam vào thời điểm trước Tết Mậu Thân được các nhà chiến lược gia đánh giá chung là tương đối ổn định. Tất cả quân nhân miền Nam được đi phép đến năm mươi phần trăm về sum họp với gia đình trong dịp này. Phe miền Bắc cũng đưa ra đề nghị ngưng bắn trong dịp này. Thế nhưng thật bất ngờ họ tấn công trên khắp lãnh thổ miền Nam ngay trong đêm Giao thừa, như vậy rõ ràng là phe miền Bắc đã không tôn trọng với những đề nghị do mình đưa ra. Dù bất ngờ, nhưng quân đội miền Nam đã chống đối một cách mãnh liệt, trong những ngày đầu có nhiều khó khăn nhưng chỉ sau vài tuần đã làm chủ lại tất cả tình hình.

Hoa Kỳ lúc này có nửa triệu quân ở Việt Nam, quân đội miền Nam có một triệu quân mà không phòng thủ được Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, đây quả là điều khó tưởng tượng được. Biến cố Mậu Thân đã tạo nên một tâm lý bất an trong dư luận quần chúng Mỹ và từ đó họ mất lòng tin đối với chính phủ Hoa Kỳ. Và có điều lạ cũng là bài học cay đắng cho người dân Việt về sau, cho dù đó là một cách tự vệ: Vị Đại sứ của miền Nam Việt Nam tại Hoa Kỳ lúc bấy giờ đã gặp trực tiếp Tổng Thống Hoa Kỳ và yêu cầu viện trợ  thêm vũ khí trong đó có loại súng M16 vì Việt cộng có AK.

Và hai bên Việt Mỹ trong sự thề nguyền khiến Ông Đại sứ Việt Nam như nhớ mãi: “Chúng ta phải tìm cách thắng trận này, chứ nếu không thì nguy hiểm lắm. Tôi không thể cầm cự mãi được. Các bạn phải cố gắng lên”.

Nhưng những gì đã xảy ra quả là một bài học lịch sử không chỉ riêng cho trường hợp Việt Nam mà là mẫu số chung cho các dân tộc khi giao du với Hoa Kỳ: Phải hết sức thận trọng. Mọi người đều mong chờ sự giúp đỡ của Hoa Kỳ nơi có sự thể hiện của lòng nhân ái, bao dung nhưng cũng luôn phải cảnh giác với những con người như Kissinger: ‘Sao chúng không chết tiệt hết đi…’ Đó là câu nói ông đã dùng như cách xử sự với đồng minh, những người miền Nam đã chiến đấu vì cái từ đầu trong sự liên minh, đó là nhân danh lý tưởng Tự do, dân chủ và đã bị Hoa kỳ phản bội.

Trong cơn hoảng loạn, riêng cá nhân của Vị Ngoại trưởng Hoa Kỳ với cách đối xử cùng đồng minh “hãy cho chúng chết đi”, nhưng những gì xảy ra đã không theo sự ác nơi mỗi cá nhân bởi vì vẫn còn tiếng nói lương tâm của đồng loại. Quốc Hội Hoa Kỳ đã làm được điều này khi ngày nay hàng triệu người Việt trong các chương trình nhân đạo có HO, tái định cư họ đã sống bên những người từ các chủng tộc khác hợp thành Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ trong niềm tin mãnh liệt vào Thượng Đế và con người sinh ra có quyền sống…

Nguyễn Quang Hồng Nhân
Kết quả hình ảnh cho Mậu Thân: Cuộc nổi dậy giết đồng bào.