Ý Kiến
'Việt Nam lại như thời Tự Đức'?
Trần Vũ
Khác với quân đội của các đế quốc, quân đội Việt Nam đã luôn phải xây dựng sức mạnh trên chính lòng ái quốc của dân tộc mình.
Sức
mạnh của quân đội Việt Nam là sức mạnh của sự đoàn kết, chết để giữ đất
và chết để mở đất, của sắc tộc Kinh. Mạc Cửu ở Hà Tiên là một biệt lệ.
Ngược hẳn, quân La Mã hay Thập Tự Chinh là một hỗn hợp các sắc dân tham chiến vì lý tưởng chinh phục hoặc chống Hồi giáo.
Gần
hơn, quân đội Anh trong hai thế chiến tập hợp lính Ái Nhĩ Lan
(Ireland), Tân Tây Lan (New Zealand), Gia Nã Đại (Canada), Úc, Nam Phi
và Ấn Độ, tinh thần ái quốc không hẳn là động cơ tham chiến của những
người lính này.
Trường
hợp Quân đội Liên hiệp Pháp không khác. Quân đội Pháp sử dụng một bộ
phận lớn lính Ma-rốc, Algérie, Tunisie, Sénégal, Congo, Cameroun và binh
chủng Lê dương.
Trên chiến trường Việt Nam, lính ngoại quốc đông hơn lính Pháp, 52% quân số Lê dương là cựu binh Đức.
Có
thể viết: Sức mạnh của các quân đội đế quốc là sức mạnh tổng hợp, xây
dựng trên sức tổng hợp các lý thuyết, nhân chủng, nguyên vật liệu, kỹ
thuật, tài chánh và cả lý tưởng.
Quốc gia Việt Nam chưa đạt đến sức mạnh này, tinh thần ái quốc vẫn là sức mạnh duy nhất.
Đến chiến tranh Việt-Pháp, quân đội của Đại Nam gặp thử thách lớn khi lần đầu tiên phải đương đầu với quân đội Tây phương.
Quân
nhà Nguyễn thất bại liên tiếp khiến triều đình Huế phải ký các hòa ước
Nhâm Tuất 1862, Giáp Tuất 1874, Quý Mùi 1883, rồi đến hòa ước Giáp Thân
1884, tức hòa ước Patenôtre, công nhận vĩnh viễn nền bảo hộ Pháp.
Lòng ái quốc đã không tạo ra đủ sức mạnh để thắng các phương tiện kỹ thuật của đối phương.
Chiến thắng của quân viễn chinh Pháp là chiến thắng của một nền công nghiệp nặng đã nghiền nát một nền nông nghiệp lạc hậu.
Một cách khác, quân đội nhà Nguyễn tụt hậu kỹ thuật đến mức mà tinh thần ái quốc và lòng can đảm không thể bù đắp.
Cái
chết tiết tháo của các đại thần Phan Thanh Giản, Nguyễn Tri Phương,
Hoàng Diệu để lại trong lòng dân tộc vô vàn thương tiếc, cùng kính
trọng.
Nhưng
những cái chết này không cứu vãn được nền độc lập quốc gia, chúng chỉ
cứu vãn duy nhất danh dự của tầng lớp quan lại và triều đình.
CƠ HỘI ĐẾN VÀ ĐI
Canh tân trở nên cần thiết.
Nhưng
không phải lúc nào quốc gia cũng có đủ thời gian và đủ khả năng canh
tân. Lịch sử là một chuỗi cơ hội mà chỉ những quốc gia nào biết kịp nắm
bắt mới có thể giành lấy những cơ hội kế tiếp.
Hệ thống dân vận và Viện Sử học Hà Nội cố gắng tìm ra những điểm tương đồng giữa phong trào Tây Sơn với Chính quyền Cộng Sản.
Trong
thực tế, nhìn theo chiều dài lịch sử, chính phủ Việt Nam đương quyền có
nhiều điểm tương đồng với nhà Nguyễn và rất khác Tây Sơn trong cách đối
đầu với phương Bắc.
Trên
mặt quân sự, quân nhà Nguyễn đã tiến vào Nam Vang lập Trấn Tây thành
nhưng không bình định được Chân Lạp, Quân đội Nhân dân cũng đã trải qua
kinh nghiệm này.
Trên
mặt chính trị, chính quyền Tây Sơn không thật sự thần phục nhà Thanh
trong lúc các triều vua Nguyễn đã luôn nhìn về phương Bắc và phụ thuộc
vào động thái của Thanh triều trong phương cách ngoại giao với Tây
phương.
Chính quyền Việt Nam hiện nay ứng xử tương tự.
Điểm tương đồng lớn nhất giữa chính phủ hiện tại với nhà Nguyễn nằm ở sự chậm trễ canh tân sau khi thống nhất đất nước.
Kể
từ thế kỷ 19, lịch sử dân tộc cho phép duy nhất hai thời kỳ khả dĩ có
thể canh tân quân đội: Bốn triều vua đầu nhà Nguyễn và từ thập niên 90
đến nay. Các giai đoạn khác, quốc gia chìm đắm trong chiến tranh và loạn
lạc.
Hoàng
đế Gia Long có nhiều thuận lợi: Mối giao hảo ban đầu khá tốt đẹp với
Pháp hoàng, ngay cả khi Pháp hoàng Louis XVI bị cách mạng đánh đổ, đường
dây ngoại giao đã thiết lập, và ngay cả khi mối quan hệ này đứt đoạn,
Âu châu đang chìm trong chiến tranh của Nepoleon cho phép Đại Nam một
thời kỳ dài bình yên.
Các
giám mục, giáo sĩ, kỹ sư theo phò Gia Long đã chứng tỏ trung thành và
đắc lực. Một chính sách phổ biến kiến thức của các kỹ sư này, một cách
quy mô, mở mang công xưởng và tận dụng tri thức Tây phương bằng cách
thuê mướn người Âu châu như Nhật Bản sẽ thực hiện về sau, đã có thể cải
tổ quân đội Đại Nam một cách hữu hiệu.
Gia
Long còn thừa hưởng âm vang của hai chiến thắng Rạch Gầm và Đống Đa của
Nguyễn Huệ, khiến Xiêm La và Đại Thanh quốc nể vì nhưng Gia Long đã
không tận dụng những ưu thế này.
Các
hoàng đế kế nhiệm Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức đã không nhìn thấy bối
cảnh thế giới vẫn còn thuận lợi và Đại Nam là một trong những quốc gia
mạnh ở Á châu, kể cả khi so sánh với Nhật Bản.
Phía Bắc, Thanh triều phải đối đầu với các nội loạn triền miên ở Lưỡng Quảng cho đến 1864 mới dẹp yên Hồng Tú Toàn.
Cuộc chiến với Thái bình Thiên quốc làm Thanh triều kiệt quệ.
Phía Đông Bắc, Cao Ly đang bị Mãn Thanh chiếm đóng, còn Nhật Bản vẫn đóng cửa không giao tiếp với thế giới.
Nhật
Bản liên tiếp trải qua 11 trận đói trong suốt một thế kỷ rưỡi, mà nạn
đói sau cùng diễn ra vào năm 1837. Các sứ quân Tokugawa suy yếu dần.
Phía
Nam, Mã Lai không đủ sức uy hiếp Đại Nam. Phía Tây Nam, Xiêm La với 4
triệu dân không cản được Trương Minh Giảng tiến vào Chân Lạp.
Phía
Tây Bắc, vương quốc Miến Điện với 3 triệu dân không có cả quân đội
chính quy để gây hấn với Đại Nam. Lính Miến, trưng binh khi chiến tranh,
không được tổ chức thành một đạo quân thường trực.
Phía Đông, biên giới Hoa Kỳ chỉ chạm đến Thái Bình dương vào năm 1848 sau khi giành lấy California từ tay quân đội Mexico.
Hiểm
nguy đến từ Âu châu. Tuy nhiên, ngoài các thương điếm, Hà Lan và Bồ Đào
Nha không đủ sức mở những cuộc viễn chinh lớn. Tây Ban Nha tuy hiện
diện ở Phi Luật Tân đã bắt đầu chu kỳ suy tàn.
Đế quốc Phổ, một sức mạnh lục địa, không ưu tiên xây dựng hạm đội và hãy còn đang tìm cách chế ngự quân đội Pháp.
Trường
hợp Pháp, tiềm năng khoa học kỹ thuật và tham vọng vẫn tràn đầy nhưng
hải quân Pháp bị tiêu hủy trong thủy chiến Trafalgar chưa vực dậy.
Đế
chế Nga tập trung sức lực hoàn thành tuyến đường hỏa xa xuyên Tây Bá
Lợi Á để tiến vào Mãn châu bằng đường bộ, vì Bắc Băng dương đóng băng
quanh năm, khiến tham vọng Nga giới hạn vào Bắc Á.
Hoàng gia Anh đã bắt đầu xuất hiện ở miền duyên hải Miến Điện và Mã Lai ngay từ 1826, mở các thương điếm và ký thương ước.
Trước
yêu sách của các công ty hàng hải Peninsular and Oriental và Cunard
Line, các triều vua George rồi Nữ hoàng Victoria sẽ gửi thêm chiến
thuyền sang Á châu nhưng tập trung vào các vùng đất vừa khám phá ở Úc và
Tân Tây Lan, rồi Trung Hoa, khiến lãng quên Đại Nam.
Các vua đầu triều Nguyễn, như thế, vẫn còn thời gian.
Ngoài
hai năm khởi loạn của Lê Văn Khôi và động loạn của vài bộ tộc thiểu số ở
miền Thượng du Bắc Việt, nhà Nguyễn có sự ổn định ngai vàng và đã biết
đến sự hiện diện của một nền văn minh khác ở Tây bán cầu.
Chính
sự hiện diện của nền văn minh này mới có thể giúp canh tân nếu có một
chính sách đối ngoại vừa trung lập, vừa tương tác với nhiều quốc gia,
vừa mở cửa tiếp nhận kỹ thuật Tây phương.
Trong
suốt sáu thập kỷ, từ lúc Gia Long tiến vào Phú Xuân cho đến khi Tự Đức
nhận tối hậu thư của Pháp, triều Nguyễn đã không canh tân.
PHÓ MẶC SỐ PHẬN?
Chính
sự thụ động này đã kết án số phận dân Việt, một kết án chung thân khi
những canh tân quyết định thế giới diễn ra trong thế kỷ 19.
Nhà Nguyễn đã không áp dụng phương châm của Otto von Bismarck: "Chính trong thời bình phải đúc súng."
Sang
thế kỷ 20, đầu thập niên 90, lịch sử đem đến cho dân tộc một cơ hội thứ
nhì. Trước đó, Chính quyền Cộng Sản đã bị cả hai đế quốc Trung Hoa và
Hoa Kỳ cô lập.
Trong
mặt nội chính, chính quyền này đã tự cấm vận tri thức của dân tộc khi
không cho phép bất kỳ một giao dịch nào với thế giới.
Thập niên 90, cánh cửa mở ra bên ngoài phơi bày hình ảnh của một quốc gia tụt hậu.
Dân chúng ý thức rất rõ: Việt Nam đã bị nhân loại qua mặt.
Tuy
vậy, quốc gia không nội loạn, đầu tư thế giới đã vực dậy kinh tế, sự
thay đổi chiến lược của các đế quốc, sự thay đổi các ý thức hệ, vị trí
và tiềm năng quốc gia dần khôi phục cho phép dân tộc một hy vọng.
Nhưng cho đến phút này, tiến trình công nghiệp nặng và hiện đại hóa toàn diện quân đội vẫn còn phôi thai.
Có thể giải thích vì Việt Nam vẫn là một quốc gia nghèo, dân trí thấp.
Câu trả lời là nếu không canh tân, sẽ không bao giờ có thể nâng cao dân trí và nâng cao mức thu nhập quốc dân mà không vay mượn.
Hiểm
nguy Trung Hoa còn là một lý do cấp thiết. Thời Mã Viện, dân tộc bị đô
hộ vì thua kém binh lực mà quyết tâm không để bị đồng hóa còn cho phép
khởi nghĩa giành lại đất đai, quyền làm người.
Dưới
triều Tự Đức, dân tộc bị đô hộ vì không thể bắt kịp kỹ thuật Tây
phương, vì đã không hiểu các cuộc xâm chiếm nằm trong một chuyển động
toàn cầu, trong phân chia giữa các đế quốc.
Cả hai nguy hiểm hôm nay nhập một.
Với kẻ thù truyền kiếp Trung Hoa.
Nếu
thập niên 70 tương đương với nội chiến Nguyễn Ánh-Tây Sơn và chấm dứt
khi Nguyễn Ánh vào Phú Xuân, thập niên 80 tương đương với triều Minh
Mạng tiến quân vào Chân Lạp rồi đồn trú và sa lầy, thì thập niên 90 cũng
tương đồng với giai đoạn chuyển tiếp của triều Thiệu Trị.
Hôm nay, sang thập niên 2010, dân tộc đã ở vào giữa triều Tự Đức và hiểm nguy thì hiện ra trông thấy.
Nếu chậm trễ, quốc gia sẽ lâm vào hoàn cảnh của Tự Đức còn chưa đầy một thập niên trước khi nhận tối hậu thư của giặc.
Một
cách khách quan, ở vào giữa triều Tự Đức là đã muộn. Vì vận tốc canh
tân của quốc gia, nếu thực hiện, vẫn chậm hơn vận tốc phát triển kinh
tế, binh lực, vũ khí hiện đại của Bắc Kinh đã đạt đến tầm mức lớn.
Nhưng dân Việt vẫn muốn tin hãy còn kịp, chưa muộn.
Phải
canh tân trước khi một Yalta thứ nhì chia chác các vùng ảnh hưởng được
ký kết giữa các đế quốc Nga, Hoa, Mỹ, như đã xảy ra vào tháng 2-1945
giữa Churchill, Roosevelt và Stalin, trao những tiểu quốc này vào tay đế
quốc kia và những tiểu quốc khác vào tay đế quốc nọ.
Với
một phân vùng như vậy, Việt Nam sẽ không thoát được số mệnh trở thành
chư hầu của Trung Hoa và tương lai dân Việt sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào
lương tâm Bắc Kinh.
Hạn chót của canh tân đất nước đã điểm.
Bài
viết thể hiện quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, hiện sống ở
Texas, Hoa Kỳ. Bài cũng đã được tác giả đăng tại Hoa Kỳ.