CHÍNH SÁCH ÐỐI VỚI ÐỒNG BÀO THIỂU SỐ....

CHÍNH SÁCH
ÐỐI VỚI ÐỒNG BÀO THIỂU SỐ
CỦA
CHÍNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA
1955 – 1975
  Nguyễn Văn Nghiêm
(Bài Thuyết Trình của tác giả trước Đai Hội
Người CHĂM tại ORANGE COUNTY, CALIFORNIA,HOA KỲ)

MỞ ÐẦU  

     Việt Nam là một nước đa dân tộc, mỗi dân tộc có những sắc thái văn hóa, sinh hoạt khác nhau. Ghép hai chữ Dân Tộc và Sắc Thái riêng biệt khác nhau, mà trước đây tôi đã dùng,, chữ SẮC TỘC để nói về mỗi Dân Tộc trong cộng đồng Việt Nam. Theo thống kê dân số tiến hành năm 1999 của nhà cầm quyền ở Việt Nam, thì cả nước có 79 triệu người (nay đã 84 triệu) Người Kinh là một sắc tộc chiếm đa số, tới 86%. Số 14% còn lại thuộc về 53 sắc tộc ít người hơn. Trong số này, những sắc tộc có trên 1 triệu người gồm người Tày, người Thái, người Mường, người Hoa, người Khmer. Những sắc tộc dưới 1 triệu người nhưng trên ½ triệu người có người Nùng, người Hmông, người Dao.
     Hiệp Ðịnh Genève năm 1954, chia nước Việt Nam thành hai phần Bắc VN và Nam VN ở vĩ tuyến 17.
     Vào thời ấy, dân số miền Nam VN chỉ có 15 triệu người, người Kinh vẫn là đa số. Người Hoa, người Khmer có số dân từ 800 ngàn đến 1 triệu. Người Chăm chỉ có khoảng 50 ngàn người. 19 sắc tộc ít người trên miền núi và trên miền Cao Nguyên Miền Trung có khoảng 700 ngàn người, đông nhất là người Gia-Rai, người Ra-Ðê, người Kơ-Hô, và người Ba-Na.

Chính Sách của Chính Phủ NGÔ ÐÌNH DIỆM
(1955 - 1963)

    Sau một cuộc Trưng Cầu Dân Ý, ngày 26-10-1955, Cựu Hoàng Bảo Ðại bị truất phế, Tổng Thống Ngô Ðình Diệm tuyên bố thành lập nền Cộng Hòa Việt Nam. Nền Cộng Hòa non trẻ này phải đương đầu với tất cả những khó khăn do chính sách chia để trị của Thực Dân Pháp để lại. Riêng đối vấn đề các sắc tộc thiểu số, Thực Dân Pháp thường ưu đãi người thiểu số và nuôi dưỡng sự kỳ thị, thù ghét giữa người thiểu số với người Kinh. Tuy nhiên khi cần lấy lòng người Kinh thì Thực Dân Pháp không từ nan việc bỏ rơi các sắc tộc thiểu số. Người dân Nam Bộ vẫn không quên nạn người Khmer thường nổi dậy “Cáp Duồn” chặt đầu người Kinh. Người Hoa được dễ dàng vào VN buôn bán làm ăn, nắm tất cả những nguồn lợi và thao túng nền kinh tế của đất nước. Người Chăm thì không bao giờ quên được mối hận thù lịch sử để lại rằng mình là một người dân đã mất nước, nhất là mối hận thù đối với những biện pháp đàn áp khốc liệt người Chăm ở dưới thời vua Minh Mạng, vì lý do người Chăm đã ủng hộ Lê Văn Khôi, con nuôi của Tướng Lê Văn Duyệt, nổi loạn chống Triều Ðình Huế.
     Riêng đối với miền núi và vùng Cao Nguyên Miền Trung, thì năm 1893, người Pháp đã buộc Triều Ðình Huế chấp thuận cho người Pháp toàn quyền giữ gìn an ninh và cai trị những vùng đất này. Người Kinh không được phép lên buôn bán làm ăn sinh sống ở đây. Nhà Vua cũng khộng còn được thu thuế ở vùng này nữa.
Sau Thế Chiến II, người Pháp quay lại Ðông Dương, Cao Ủy Pháp là Argenlieu đã ban hành quyết định ngày 27 -5 – 1946, thành lập vùng này thành một vùng hành chánh riêng biệt gọi là Pays Montagnards du Sud Indochine, Xứ Thượng Nam Ðông Dương. Mục đích là lợi dụng người Thượng trong chiến tranh chống lại Cộng Sản Việt Nam để thiết lập lại nền đô hộ trên lãnh thổ VN.
Khi cuộc chiến tranh không có kết quả người Pháp phải xử dụng lá bài “Cựu Hoàng Bảo Ðại”. Ngày 8-3-1949, Tổng Thống Pháp Vincent Auriol cùng với Cựu Hoàng Bảo Ðại ký một thỏa hiệp trao trả nền Ðộc Lập cho VN. Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam ra đời với Cựu Hoàng là Quốc Trưởng và một Chính Phủ do một Thủ Tướng đứng đầu. Xứ Thưọng Miền Nam Ðông Dương được trao trả lại cho cá nhân Cựu Hoàng, và trở thành Hoàng Triều Cương Thổ, do một Quản Ðạo ở Banmêthuột là cụ Tôn Thất Hối chỉ huy, trực tiếp dưới quyền của Cựu Hoàng, Văn Phòng đặt tại Ðà Lạt. 
Ngày 21 – 5 – 1951, Cựu Hoàng ký Quyết Ðịnh số 16 ban hành một quy chế đặc biệt dành cho những người dân không phải là người Kinh sống tại lãnh thổ Xứ Thượng Miền Nam.
Quy chế đặc biệt gồm 10 điều khoản có thể tóm tắt như sau: Ngừơi dân được bảo đảm tự do tiến hóa trong sự tôn trọng truyền thống và phong tục tập quán riêng của mình. Lãnh thổ theo truyền thống trực thuộc Triều Ðình Việt Nam, nay vẫn giữ như cũ trực tiếp trực thuộc Cựu Hoàng. Người Thượng được tham dự lớn lao vào công việc quản lý miền Thượng. Các lãnh tụ tự nhiên, hay theo truyền thống, hay theo sự chọn lựa bởi thổ dân vẫn được duy trì, được giữ nguyên danh hiệu, chức vụ và quyền hành. Một hội đồng kinh tế gồm những người có khả năng nhất sẽ được thành lập vì lợi ích của nhân dân về nông, công nghiệp và thương mại. Các tòa án phong tục đã có hoặc sẽ mở thêm được duy trì, luật phong tục được bảo đảm. Một ủy ban nghiên cứu hỗn hợp sẽ tiến hành chương trình thiết lập một nền luật pháp cho Cao Nguyên, theo những luật phong tục, cùng chú ý xét đến sự tiến bộ của dân chúng, và nhu cầu cần thiết hiện nay, để thích nghi với luật của Việt Nam, và luật của Pháp. Quyền sở hữu tài sản đất đai được hoàn toàn bảo đảm. Ðể bảo vệ quyền sở hữu này, mọi sự mua bán, cho thuê mượn đều phải được sự chấp thuận của thẩm quyền hành chánh địa phương với su khai báo của lãnh tụ thổ dân, mọi sự tham khảo ý kiến phải phù hợp với truyền thống. Tùy ngân khoản cho phép sẽ tổ chức y tế và giáo dục trong chương trình phát triển để nâng cao mức sống về tinh thần và thể lực của nhân dân. Tiếng thổ dân là tiếng căn bản cho nền giáo dục đầu tiên của thổ dân.  Tiếng Việt, tiếng Pháp cũng được thực hiện theo điều kiện đặc biệt của Xứ Thượng. Sẽ nỗ lục đào tạo những cán bộ thổ dân cho nhu cầu về mọi ngành quân sự, hành chánh, y tế và giáo dục. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc không nặng hơn bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam. Các quân nhân Thượng được ưu tiên giữ gìn an ninh ở địa phương và không bị gọi đi phục vụ cho những đơn vị ở bên ngoài Xứ Thượng. Giám Ðốc Văn Phòng Cựu Hoàng và Quản Ðạo đại biểu cho Cựu Hoàng tại Hoàng Triểu Cương Thổ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Ðứng trước hậu quả cuả chính sách chia để trị ấy, chính phủ Ngô Ðình Diệm đã thống nhất đất nước bằng cách thi hành một chính sách đồng hóa gấp rút các sắc tộc thiểu số. Hoàng Triều Cương Thổ bị giải tán. Các tỉnh đều trực thuôc Bộ Nội Vụ. Một Ðại Biểu Chính Phủ trên Cao Nguyên Trung Phần giám sát công việc cai trị của các tỉnh. Quy chế đặc biệt cho đồng bào Thượng không được nhắc tới nữa. Phần lớn các chức vụ chỉ huy hành chánh, quân sự người Thượng đều bị thay thế bởi người Kinh. Ví dụ, Thiếu Tá Nay Lô người Gia Rai, một anh hùng chỉ huy chống Cộng Sản từ vùng Attopeu bên Lào đến đèo Mang Yang ở An Khê, đang làm Tiểu Ðoàn Trưởng một trong 13 Tiểu Ðoàn Sơn Cước, bị mất chức về làm Sĩ Quan Thanh Tra Tiểu Khu Ðắc-Lắc, với nhân viên là một thư ký Thượng đánh máy độc nhất, và cũng không có đến một cái xe để đi làm. Thiếu Tá Ya Ba, người Churu, gọi Ông Touneh Hàn Ðăng, đại diện người Thượng cạnh Cựu Hoàng Bảo Ðại là chú, đang làm Tiểu Ðoàn Trưởng một Tiểu Ðoàn Sơn Cước khác cũng bị mất chức, về làm Ðại Ðội Trưởng một Ðại Ðội Chiến Tranh Tâm Lý. Quân nhân, công chức Thượng cũng nhận được lệnh phải thay đổi tên họ Thượng sang tên họ người Kinh. Ví dụ Ya Ba đổi thành Trường Sơn Ba, Y Pem Knul đổi thành Khổng Ðức Phiên. Nhiều địa danh Thượng trên Cao Nguyên cũng bị đổi sang địa danh Kinh. Ví dụ Lang Bian thành Lâm Viên, hồ Daklak thành hồ Lạc Thiện. Tiếng Thượng không được dạy trong các trường Tiểu Học Thượng nữa. Sách dạy tiếng Thượng để ở trong kho, thì được lệnh của Bộ giáo dục phải đem đốt đi.
Nhưng điều mà người Thượng căm thù nhất chính sách của Tổng Thống Ngô Ðình Diệm là vấn đề quyền sở hữu tài sản đất đai của đồng bào không được chính phủ công nhận. Ðất đai canh tác là phương tiện sống còn quan trọng nhất, qúy giá nhất. Một miếng đất trị giá nhiều chiêng chóe, trâu bò. Quyền sở hữu theo phong tục được truyền từ thế hệ phụ nữ này sang thế hệ phụ nữ khác theo chế độ gia đình mẫu hệ. Ở trong Buôn, Plei ai nấy đều biết rõ đất thuộc về ai,vì mỗi khi mua bán sang nhượng từ người này qua người khác đều có sự chứng kiến của ba thế hệ, thế hệ trẻ, thế hệ trung niên, và thế hệ người già làm chứng. Ðối với Tổng Thống Diệm, Cao Nguyên là một vùng chiến lựợc về quốc phòng và là một vùng giàu tài nguyên để phát triển kinh tế. Năm 1958, Tổng Thống Diệm ký một Nghị Ðịnh ấn định rằng người Thượng không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ có quyền hưởng dụng hoa màu canh tác. Căn cứ vào Nghị Ðịnh này, Tổng Ủy Dinh Ðiền và Tỉnh Trưởng các tỉnh trên Cao Nguyên tự do lấy đất đai màu mỡ đang canh tác của các Buôn Thượng để đem người Kinh lên Cao Nguyên thành lập các Dinh Ðiền mà không cần phải hỏi ý kiến các Buôn, cũng không cần phải điều đình lấy đất, cũng như chẳng cần phải bồi thường cho ai cả.

PHẢN ỨNG CỦA ÐỒNG BÀO THIỂU SỐ

     Ðể chống lại chính sách bất công của Tổng Thống Diệm, năm 1958, đồng bào Thượng đã thành lập Phong Trào BAJARAKA (Chữ đứng đầu của tên 4 bộ lạc đông người nhất trên Cao Nguyên là Ba-Na, Jarai, Radhé, và Kahô ghép lại) và tổ chức cuộc họp ở Pleiku. Chính phủ đã thẳng tay đàn áp phong trào này. Các lãnh tụ của tổ chức đều bị cảnh sát bắt bớ nhốt tù. Một số đông quân nhân công chức Thượng bị thuyên chuyển về làm việc ở các Tỉnh Duyên Hải miền Trung. Việc làm này đã tạo nên một khoảng trống về lãnh đạo chỉ huy trên Cao Nguyên.
     Lợi dụng cơ hội hiếm có này, nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội, đã cho những cán bộ Thượng theo Cộng Sản tập kết năm 1954 ra Bắc, đã được huấn luyện, theo đường mòn Hồ Chí Minh trở về xâm nhập vào Cao Nguyên để tuyên truyền, lôi kéo, tổ chức người Thượng theo Cộng Sản. Tình hình an ninh trên Cao Nguyên càng ngày càng xấu đi. Chính phủ VN phải chấp thuận để cho Mỹ trực tiếp tổ chức huấn luyện quân sự, phát súng đạn, và thành lập những lực lượng dân sự chiến đấu ở các Buôn. Một sô đoàn viên phong trào BAJARAKA trẻ tuổi chưa bị bắt đã lợi dụng cơ hội, đi huấn luyện quân sự, và trở thành các cấp chỉ huy của Lực Lượng Dân Sự Chiến Ðấu ở các Buôn. Một số đoàn viên phong trào, như Y Bih Alêô, thì trốn đi theo Cộng Sản, được Cộng Sản cho làm Chủ Tịch Phong Trào Tây Nguyên Tụ Trị, một thành phần trong tổ chức của Phong trào Giải Phóng Miền Nam.
     Ngoài phản ứng của đồng bào Thượng, người Khmer ở trong Nam cũng chống đối chính sách của Tổng Thống Diệm. Một nhà sư tên Samouk Sen đã thành lập Phong Trào Khăn Trắng (Can Sen So Front) ở vùng Bảy Núi. Ðến năm 1961 thì phong trào đổi tên thành Phong Trào Tranh Ðấu của Người Khmer Kampuchea Cũ ( Struggle Front of Khmer of Kampuchea Krom, Phong Trào KKK). Một Sĩ quan Kampuchea gốc Chăm tên Les Kosem cũng thành lập ở Phnom Penh một Phong Trào Giải Phóng Champa.

CHÍNH SÁCH CỦA NỀN ÐỆ NHỊ CỘNG HÒA VIỆT NAM

     Ngày 1, tháng 11, năm 1963, Chính Phủ Ngô Ðình Diệm bị lật đổ. Một Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng ra đời. Lúc ấy tôi đang làm Trưởng Phòng 5 Sư Ðoàn 23 đóng ở Banmêthuột. Ðược tin Thiếu Tướng Ðỗ Mậu làm Ũy Viên Chính Trị của Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng, Ông vốn là Tư Lệnh cũ của tôi vào năm 1955 tại Phân Khu Duyên Hải ở Nha Trang, tôi bèn gửi ngay cho Thiếu Tướng một tờ trình về tình hình đồng bào Thưọng ở Cao Nguyên, những sai lầm của Chính Phủ cũ đối với đồng bào, và đề nghị xin ban hành một chính sách mới công bằng hơn đối với đồng bào thiểu số Thượng Chăm nói chung. Thiếu Tướng Ðỗ Mậu đã trình lên Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng một kế hoạch đặc biệt nâng đỡ đồng bào Thượng Chăm để giải quyết vấn đề nói trên.
     Một số lớn những lãnh tụ trong Phong Trào BAJARAKA đã được Ðại Tướng Dương Văn Minh cho lệnh thả ngay. Ông Paul Nưr giáo viên người Ba-Na Phó Chủ Tịch Phong Trào sau khi được tha về, đã được bổ nhiệm ngay vào chức vụ Phó Tỉnh Trưởng Thượng Tỉnh Kontum. Rất tiếc kế hoạch nâng đỡ đồng bào Thượng Chàm do Thiếu Tướng Ðỗ Mậu đệ trình chưa kịp được thi hành thì ngày 29/1/1964 đã xảy ra một cuộc Chỉnh Lý lật đổ Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng.

     Chính phủ mới do Trung Tướng Nguyễn Khánh, nguyên Tư Lệnh Quân Ðoàn II và Vùng II Chiến Thuật ơ Pleiku vê làm Thủ Tướng. Ông là người rất chú trọng đến vấn đề đồng bào Thượng Chăm. Khi về làm Tư Lệnh Quân Ðoàn II ông đã thuyên chuyển tôi về làm Trưởng Phòng Thượng Vụ Quân Ðoàn II và Vùng II Chiến Thuật. Việc làm đầu tiên của Thủ Tướng là thả nốt người đứng đầu Phong Trào BAJARAKA, Ông Y Bham Ênuôl, sắc tộc Ra-Ðê, Chủ Tịch Phong Trào. Ông được bổ nhiệm ngay vào làm Phó Tỉnh Trưởng Thượng tỉnh Darlac. Sau đó chính phủ tiếp tục cho mở ngay nhiều Hội Nghị quy tụ các lãnh tụ Thượng Chăm để tìm hiểu rõ nguyện vọng của đồng bào.
     Hội nghị đầu tiên do Phòng Năm Sư Ðoàn 23 Bộ Binh và Khu 23 Chiến Thuật tổ chức ngày 9/1/ 1964 tại Banmêthuột dưới quyền chủ tọa của Ðại Tá Lê Quang Trọng, Tư Lệnh Sư Ðoàn. Ông Y Chôn Mlô Ðuôn Ðu, Tham Sự Hành Chánh tòa tỉnh Darlac, sắc tộc Ra-Dé đã đại diện các lãnh tụ Thượng Chăm trong Hội Nghị xin chính phủ có một chính sách công bằng và có những chương trình hữu hiệu, thực tế, để nâng cao đời sống của đồng bào Thượng Chăm. Những nguyện vọng của đồng bào đã được gửi lên Hội Ðồng Quân Nhân Cách Mạng.
     Ngày 5/5/1964, Thủ Tướng Nguyễn Khánh cho lệnh Nha Ðặc Trách Thượng Vụ tổ chức mời 55 lãnh tụ Thượng Chăm về Sài Gòn. Trong một Hội Nghị với các vị lãnh tụ này, Thủ Tướng đã nghe và tiếp nhận những nguyện vọng cũa họ. Ðây là lần đầu tiên trong lịch sử, từ 1954, các sắc tộc Thượng Chăm có cơ hội tự do trực tiếp trình bày những ý kiến của sắc tộc mình trước người lãnh đạo cao cấp nhất của quốc gia.
     Hội Nghị lần thứ ba diễn ra tại Hội Quán Phượng Hoàng Pleiku do Phòng Thượng Vụ Quân Ðoàn II và Vùng II Chiến Thuật tổ chức vào ngày 25, 26/8/1964, dưới quyền chủ tọa của Trung Tướng Nguyễn Hữu Có, Tư Lệnh Quân Ðòan II. Một Ủy ban gồm Thiếu Tá Ya Ba, Ðại Úy Y Pem Knul, Tham Sự Hành Chánh Y Chôn Mlô Ðuôn Ðu và tôi là Trưởng Phòng Thượng Vụ Quân Ðoàn II được thành lập để đúc kết tất cả những nguyện vọng của đồng bào Thượng Chăm trình lên Chính Phủ.
     Ít ngày sau một Hội Nghị khác do Trung Tá Nguyễn Phi Phụng, Giám Ðốc Nha Ðặc Trách Thượng Vụ thuộc Bộ Quốc Phòng tổ chức tại Ðà Lạt. Thủ Tướng Nguyễn Khánh đã lên chủ tọa Hội Nghị này và gặp gỡ những đại biểu Thượng Chăm.
     Công việc thu thập những nguyện vọng thật sự của đồng bào Thượng Chăm đang được tiến hành thì ngày 20/9/1964, xảy ra Biến Cố Banmêthuột do một tổ chức mới Front Unifié de Lutte des Races Opprimees, Mặt Trận Ðoàn Kết Tranh Ðấu của Những Dân Tộc Bị Áp Bức thành lập ở Phnom Penh, sử dụng 5 Trại Lực Lượng Ðặc Biệt Thượng chiếm Ðài Phát Thanh và bao vây thành phố Banmêthuột. Biến cố này giúp cho một chính sách mới đảm bảo Dân Quyền và Nhân Quyền cho đồng bào thiểu số do một tổ chức vô hình, không có tên gọi, anh em Thượng-Chăm-Kinh kết nghĩa anh em vơí nhau theo phong tục kết anh em của đồng bào Thượng ấp ủ từ bao nhiêu năm được ra đời. Nhiều người anh em của tổ chức anh em không hình, không tên này đã nằm xuống như Touneh Hàn Thọ, Ya Ba, Paul Nưr … nhưng có một người anh em vẫn còn hiện diện ở đây, xin trân trọng giới thiệu với qúy vị: ông Từ Công Thu.
     Sau khi giải quyết êm đẹp Biến Cố Banmêthuột ngày 20/9/1964, một Ðại Hội đại diện đồng bào Thượng Chăm được tổ chức tại Pleiku trong 3 ngày 15,16,17, tháng 10, năm 1964. Nếu tôi nhớ không lầm thì có một vị hiện diện ở trong phòng hội này cũng đã từng đại diện đồng bào Chăm đi dự những hội nghị kể trên. Xin trân trọng giới thiệu với qúy vị: Ông Dương Tấn Sở.
Ðêm 16/10/1964, Hội Ðồng Nội Các Chính Phủ đã họp tại Biệt Ðiện của Tổng Thống tại Pleiku để nghe tôi, Trưởng Phòng Thượng Vụ Quân Ðoàn II thuyết trình về những nguyện vọng của đồng bào Thượng Chăm, và những đề nghị về một chính sách mới, cùng những biện pháp thiết thực giúp đỡ đồng bào về mọi mặt chính trị, quân sự, hành chánh, kinh tế, y tế,văn hóa, giáo dục, luật pháp, xã hội vv…
     Hội Ðồng Nội Các gồm có Chủ Tọa Thủ Tướng Nguyễn Khánh, 2 vị Phó Thủ Tướng, một số các vị Tổng Trưởng trong đó có Tổng Trưởng Tư Pháp, Giáo Dục …, Ông Tổng Giám Ðốc Tổng Nha Ðiền Ðịa, Trung Tá Ngô Văn Hùng, Phó Giám Ðốc Nha Ðặc Trách Thượng Vụ thuộc Bộ Quốc Phòng, tất cả đã lắng nghe tôi thuyết trình và đã thảo luận kỹ càng từng vấn đề một, vì vậy cuộc họp kéo dài suốt từ 8 giơ 30 tối đến 1 giờ sáng hôm sau. Chính trong cuộc họp Hội Ðồng Nội Các này Thủ Tướng và các vị Tổng Trưởng đã chấp thuận tất cả những đề nghị và đã quyết định ban hành một chính sách mới không chỉ áp dụng cho đồng bào Thượng Chăm nói riêng mà còn áp dụng cho tất cả đồng bào thiểu số Việt Nam nói chung. Người thiểu số ở đây bao gồm người Thượng miền Nam, người Thượng miền Bắc di cư tị nạn cộng sản vào Nam năm 1954, hầu hết đang định cư trên Cao Nguyên, và người Chăm. Sau này cũng được áp dụng thêm cho người Khmer nữa.

THÔNG ÐIỆP CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 17-10-1964

     Chính sách đối với đồng bào thiểu số VN được ban hành lần đầu tiên dưới dạng một Thông Ðiệp của Thủ Tướng Chính Phủ gửi nhân dân cả nước, và do chính Thủ Tướng đích thân đọc trước Ðại Hội Ðại Diện đồng bào Thượng miền nam, miền Bắc, và đồng bào Chăm vào sáng ngày 17/10/1964. Chính sách mới được đặt trên 3 nguyên tắc căn bản:

1.          Ðồng bào thiểu số Việt Nam là công dân của nước Việt
Nam. Ðồng bào có quyền hưởng đầy đủ quyền công dân như tất cả những công dân thuộc những sắc tộc khác.

2.          Tuy nhiên vì đời sống của đồng bào còn nhiều khó
khăn nên chính phủ có trách nhiệm phải hoạch định ra những chương trình, kế hoạch hầu giúp đồng bào mau chóng tiến bộ theo kịp đà tiến chung của toàn dân.

3.          Chính phủ tôn trọng phong tục tập quán, ngôn ngữ,
    chữ viết, văn hóa của đồng bào thiểu số. Tòa án phong
    tục Thượng sẽ được mở lại. Tiếng của đồng bào sẽ được
    dạy lại ở các trường học. Quyền sở hữu đất đai của
    đồng bào Thượng được tôn trọng. Một chương trình Kiến
    Ðiền sẽ được tiến hành để cung cấp bằng khoán về
    quyền sở hữu đất đai cho đồng bào.

  Ngay sau cuộc họp Hội Ðồng Nội Các, Tổng Trưởng Bộ Tư Pháp đã thảo ngay một Nghị Ðịnh hủy bỏ Nghị Ðịnh cũ năm 1958 của Chính Phủ Ngô Ðình Diệm không công nhận quyền sở hữu đất đai canh tác của người Thượng. Tổng Trưởng Bộ Giáo Dục cũng soạn thảo một Thông Tư ấn định nhiều biện pháp nâng đỡ học sinh, sinh viên Thượng Chăm.

HIẾN PHÁP VIỆT NAM CỘNG HÒA 1-4-1967 

  Chính sách đối với đồng bào thiểu số Việt Nam từ dạng một Thông Ðiệp của Thủ Tướng gửi toàn dân sau đã được ghi vào trong Hiến Pháp ngày 1 – 4 – 1967 ở những điều khoản 2,24,97 và 98.
  Ðiều 2 công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của mọi công dân.  Mọi công dân đều bình đẳng không phân biệt sắc tộc. Ðồng bào thiểu số được đặc biệt nâng đỡ để theo kịp đà tiến chung của dân tộc.
  Ðiều 24 công nhận sự hiện hữu của các sắc tộc thiểu số trong cộng đồng Việt Nam. Phong tục tập quán và mọi sắc thái văn hóa riêng biệt của đồng bào thiểu số được tôn trọng.  Các tòa án phong tục phải được thiết lập để xét xử những vụ án về phong tục giữa những đồng bào thiểu số.  Một đạo luật sẽ quy định những quyền lợi đặc biệt để nâng đỡ đồng bào thiểu sô.
  Ðiều 97,98 quy định việc tổ chức một Hội Ðồng Các Sắc Tộc. Nhiệm vụ của Hội Ðồng là cố vấn cho chính phủ về các vấn đề liên quan đến đồng bào. Với sự chấp thuận của Quốc Hội, HÐCST có thể cử đại diện thuyết trình trước Quốc Hội về các vấn đề liên hệ. Các dự luật liên quan đến đồng bào thiểu sô có thể được HÐCST tham gia ý kiến trước khi đưa ra Quốc Hội thảo luận.  Diều 66, quy định Phó Tổng Thống là Chủ Tịch HÐCST.
  Như vậy ngoài những điều 66, 97, 98 liên quan đến HÐCST, 3 nguyên tắc căn bản trong chính sách mới do Thủ Tướng Nguyễn Khánh ghi trong Thông Ðiệp gửi quốc dân đồng bào ngày 17/10/1964 đã đựợc ghi lại đầy đủ trong hai Ðièu 2 và 24 của Hiến Pháp.

QUY CHẾ QUY ÐỊNH NHỮNG QUYỀN LỢI ÐẶC BIỆT ÐỂ NÂNG ÐỠ ÐỒNG BÀO THIỂU SỐ. 

  Nhằm thực hiện Ðiều 2 và 24 trong Hiến Pháp, Bộ Phát Triển Sắc Tộc đã soạn thảo, và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương đã đệ trình lên Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Ðạo Quốc Gia ký Sắc Luật số 033/67 ngày 29/8/1967.
  Nội dung Sắc Luật có 10 Ðiều họp thành một Quy Chế quy định những quyền lợi đặc biệt để nâng đỡ đồng bào thiểu số.
  Ðiều 1, và 10, là phần mở đầu và kết luận.
  Các Ðiều còn lại từ Diều 2 đến Ðiều 8 ấn định những nguyên tăc căn bản nâng đỡ đồng bào thiểu số về mọi mặt Hành Chánh, Công Chức, Quân Sự, Kinh Tế, Nông Nghiệp, Quyền Sỡ Hữu Ðất Ðai, Y Tế, Xã Hội, Giáo Dục, Văn Hóa. Sẽ thành lập Viện Bảo Tàng Nhân Chủng để bảo vệ và phát huy nền văn minh cuả các sắc tộc thiểu số. Một Viện Nghiên Cứu về các Sắc Tộc thiểu số để giúp Chính Phủ thiết lập các kế hoạch phát triển đời sống của đồng bào. Riêng Ðiều 9 có quy định rằng nguyên tắc nâng đỡ phải phù hợp với thực trạng của từng địa phương và của trình độ phát triển của từng sắc tộc, để các sắc tộc thiểu số dù có tình trạng sinh hoạt không đồng đều cũng có thể theo kịp đà tiến bộ chung của cả nước. 
  Nội dung Sắc Luật 033/67 là sự tổng hợp tất cả những nguyên tắc nâng đỡ đồng bào thiểu số đã được các Bộ ban hành và đã được liên tục thực hiện từ sau cuộc họp của Hội Ðồng Nội Các tại Pleiku ngày 17/10/1964.

KẾT LUẬN

  Tôi vừa trình bày với quý vị về Chính Sách Ðối Với Ðồng Bào Thiểu Số của Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến 1975. Nhiều người có thể đã được hưởng chính sách ấy và bây giờ cũng đang có mặt tại đây. Nhiều người có thể không đồng ý với chính sách ấy vì không đáp ứng được những mục tiêu tranh đấu của sằc tộc mình. Ví dụ mục tiêu  tranh đấu của một số người Thượng muốn hoàn toàn giải phóng lãnh thổ Pays Montagnards du Sud Indochine do chính sách chia để trị của Pháp để lại. Hoặc như mục tiêu tranh đấu của một số bà con người Khmer trong Phong Trào Tranh Ðấu Giải Phóng Kampuchea Cũ ở đồng bằng Sông Cửu Long. Hoặc của Thiếu Tướng Les Kosem và những người Chăm theo ông tranh đấu nhằm giải phóng đất nước Champa. Tôi đã có hân hạnh được cựu Trung Tá Les Kosem, Phó Ðô Trưởng Phnom Pênh tiếp kiến năm 1970 tại văn phòng của ông. Tôi rất khâm phục lý tưởng của ông.
Nhưng, là một sĩ quan liên tục phụ trách vấn đề thiểu số ở Việt Nam từ 1956 đến 1973, tôi hiểu rõ những nhà cầm quyền trong Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ chấp nhận một chính sách xâm phạm đến chủ quyền và sự thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam. Do đó tôi chỉ có thể cùng với một số rất đông anh em Thượng miền Nam, miền Bắc, Chăm, Khmer kết nghĩa anh em theo phong tục kết anh em của đồng bào Thượng để cùng nhau vận động cho được một chính sách như vừa trình bày. “Sức người có hạn” mong lịch sử và những thế hệ tiếp nối thông cảm và hiểu biết cho.
  Tôi rất vui mừng được biết Giáo Sư Dân Tộc Học Nguyễn Văn Huy ở Ðại Học Paris 7 đã cho rằng thời kỳ 1964 – 1975 là thời kỳ vàng son của đồng bào Thượng ở Việt Nam.
  Trước khi dứt lời tôi muốn vinh danh hai người đã âm thầm trợ giúp chúng tôi mà chưa ai biết: Giáo Sư Nguyễn Ðăng Thục và Giáo Sư Nhân Chủng Học Nghiêm Thẩm. Nếu không nhờ Hội Văn Hóa Á Châu mà hai ông là Chủ Tịch và Tổng Thư Ký thì anh em tôi đã không điều hành đựợc quỹ cuả Asia Foundation trợ cấp học bổng mỗi năm gần 1 Triệu Ðồng cho Sinh viên, Học Sinh Thượng Chăm. Nếu không nhờ tủ sách riêng của Giáo Sư Nghiêm Thẩm  và tủ sách của Viện Viễn Ðông Bác Cổ ở Bảo Tàng Viện Sàigòn mà Giáo Sư làm Giám Ðốc, (và nhất là nhờ học hỏi các chính sách đối với các sắc tộc thiểu số anh em từ thời Hùng Vương đến nay) thì anh em chúng tôi cũng đã không nghĩ ra được chính sách kể trên.

Kính chào qúy vị.