Phạm Hồng Lam
Hành
Trình Tư Tưởng
Của
Nhà Cách Mạng Phan Bội Châu
Phần 4
„Cộng sản“ trong VNQDĐCT
Gió giận thổi tan tành đế quốc,
Lửa thù thiêu đứt khoá cường quyền.
Cuộc Âu Á nhào xáo biết bao phen.
Mà cơ hội phen này thêm mới, mới,
Cờ cách mạng Viễn đông bay phất phới,
Sóng nhân quyền hoàn hải dậy đùng đùng.
Toàn thế giới bóng cờ hồng lấp loá.
Hoa với Việt xưa nay huynh cập đệ,
Quyết dắt (được) nhau hộ vệ Á đông mình.
Nền thực dân e đến lúc tan tành,
Vườn nhân đạo thênh thang trời bể trông (rộng?),
Khắp thế giới biết bao người lao động,
Người như ta ai cũng biểu đồng tình.
Trận chiến tranh giai cấp đã rành rành,
Duy vô sản đấu tranh cùng hữu sản.
Rằng cừu địch chỉ mấy nhà tư bản,
Còn lao công ai cũng tán thành ta.
Nếu anh em chiếm đắc nhân hoà,
Thời địa lợi thiên thì là của sẵn (…)
Đó là 20 câu đầu của
bài Mừng Cơ Hội [1],
tất cả 51 câu, đăng trong Chủng Diệt Dự
Ngôn, được Phan Bội Châu sáng tác có lẽ không lâu sau khi đọc (năm 1920) cuốn
Nga-la-tư Chân Tướng Điều Tra Kí của
một tác giả Nhật nói về biến cố tháng 10 Nga [2],
đó là thời điểm có lẽ Phan cũng đã chứng kiến (ít ra trên sách báo) những biến động
chính trị ở Tàu (sinh viên biểu tình, dân tẩy chay hàng hoá Nhật) trong những năm
sau khi thế chiến I kết thúc. Phan bắt đầu biết tới cộng sản /xã hội chủ nghĩa
(trong bài này, hai từ này được dùng với nội dung như nhau) từ khi đọc sách đó.
Cuối 1920, qua giới thiệu của Thái Nguyên Bồi, viện trưởng Đại học Bắc-kinh, ông
tìm gặp hai đại diện cộng đảng Nga đang có mặt ở Bắc-kinh để biết thêm về „chân lí cộng sản“. Nhưng ông đã không biết
thêm gì về chủ nghĩa từ hai nhân vật này; nội dung câu chuyện chỉ xoay quanh mấy
điều kiện nhận du học sinh. Đại diện Nga cho biết sẵn sàng nhận nuôi ăn học cho
sinh viên Việt với điều kiện sau đó phải theo cộng sản và tuyên truyền cho chủ
nghĩa này. Quan hệ cắt đứt từ đó, vì ông sớm nhận ra „sự xảo quyệt của người Nga“ [3].
Chuyện Phan không
làm, đồng hương của ông là Nguyễn Tất Thành đã làm. Là vì chính ngay khi Phan đang
gặp người Nga ở Bắc-kinh, thì tại đại hội Tours ở Pháp (12.1920), Thành dơ tay
tuyện thệ nguyện xin được làm đầy tớ trung kiên của chủ nghĩa vô sản.
Cùng ưu tư đi tìm
một giải pháp cho đất nước, cùng hồ hởi khi gặp một lí thuyết tưởng có thể mở
ra vận hội mới cho dân tộc, Phan và Thành đã có hai chọn lựa khác nhau trước một
vấn nạn quyết định. Chọn lựa đó nói lên cái trí và cái tâm của mỗi người.
Không trực tiếp tìm
hiểu được chủ nghĩa cộng sản với người Nga, Phan tìm đọc qua sách báo. Qua đoạn
thơ trên, ta thấy ngoài nỗi hào hứng với biến cố tháng 10 Nga, Phan còn tin vào
mối liên đới Hoa-Việt trong cuộc cách mạng vô sản sắp tới:
Hoa với Việt xưa nay huynh cập đệ
Quyết dắt nhau hộ vệ Á đông mình
Cũng trong Chủng Diệt Dự Ngôn, Phan khai triển thêm
í đó:
„Lịch sử nước ta đối với Tàu trải mấy nghìn năm, theo về
địa lí thời đã liền núi liền sông, theo về nhân chủng thời lại đồng xương đồng
thịt. Gần mấy năm nay, phong trào cách mạng từ bắc qua nam nào là phản đối tư
bản gia, nào là phấn đấu với đế quốc chủ nghĩa, người Hoa rất biểu đồng tình với
người Việt, mà người Việt cũng rất tín ngưỡng với người Hoa…“ [4]
Điều này có nghĩa
là lúc Phan viết Chủng Diệt Dự Ngôn,
„phong trào cách mạng“ (cộng sản) đã
rộ dậy ở Tàu. „Phong trào cách mạng“
Phan nói tới ở đây có lẽ chủ yếu là trên bình diện sách báo, chứ không phải là
những hoạt động thực tế của Đảng cộng sản. Bởi vì, vào năm 1921, khi Li Ta
Chao, quản lí thư viện Đại học Bắc-kinh, thành lập Đảng Cộng Sản Trung-hoa, thì số đảng viên của đảng này có rất ít [5].
J. Unselt cho rằng, Phan chịu ảnh hưởng tư tưởng của Li trong giai đoạn đầu tiếp
cận chủ nghĩa cộng sản, bởi vì lí thuyết gia năng nỗ và nổi tiếng nhất về chủ
nghĩa cộng sản ở Tàu lúc đó không ai ngoài Li. Trong tập Xã Hội Chủ Nghĩa viết về sau trong thời gian bị quản thúc tại Huế
(1925-1940), Phan cho hay muốn hiểu chủ nghĩa này một cách chính thống thì nên
tìm hiểu thẳng từ Marx và Tôn Trung Sơn; ông coi Tôn là một thứ Mạnh-tử của
Marx [6].
Trong văn liệu hiện có của Phan, không thấy ông đề cập tới Lí Ta Chao. Có thể vì
nhu cầu thực tế: phần vì thích thuyết tam dân ngũ quyền của Tôn, phần vì muốn có
sự giúp đỡ của Tôn, lúc đó vừa là một nhà lí thuyết cách mạng nổi tiếng, một chính
trị gia có quyền và là người thành lập Đồng
Minh Hội và Trung-hoa Quốc Dân Đảng,
nên Phan đã dồn tâm trí vào nhân vật này. Sách Xã Hội Chủ Nghĩa cho thấy Phan nắm khá vững nội dung chủ nghĩa.
Trong sách, ông dành ra một tiết (tiết 14) trình bày học thuyết xã hội chủ nghĩa
của Tôn Trung Sơn; học thuyết này chủ trương chính quyền phải được tiếp tục hiện
hữu sau khi cách mạng thành công, chứ không tin rằng chính quyền sẽ biến mất như
các lí thuyết gia xã hội chủ nghĩa không tưởng chủ trương.
Không hiểu Phan chịu
ảnh hưởng của Li tới mức nào. Tuy nhiên, vì là một khuôn mặt tinh thần lớn của
giai đoạn đó, nên ta cũng cần biết đôi chút về Li và cảnh huống chính trị của Tàu
lúc đó.
Li Ta Chao và phong trào cộng sản Tàu
Li Ta Chao
(1889-1927) sang Nhật năm 1913 theo học môn chính trị. Tại đây ông có dịp tìm
hiểu rất sớm chủ nghĩa cộng sản. Ông là một trí thức viết khoẻ, viết hay và đầy
tình tự dân tộc. Các bài viết luận về triết lí cũng như hô hào chính trị đã cuốn
hút các tầng lớp dân Tàu. Về mặt đấu tranh chính trị, có thể so sánh vai trò và
uy tín của ông đối với trí thức Tàu tương đương với vai trò và uy tín của Phan đối
với dân Việt.
Năm 1918, Li cho đăng
Cuộc Chiến Thắng Của Bôn-xê-vích, một
bài viết quan trọng trình bày nhận thức và niềm tin của mình vào sự tất thắng của
chủ nghĩa mác-lê. Ông cho rằng thế giới ngày nay đang chuyển thành một thế giới
lao động, và cuộc đấu tranh giai cấp (mà lực lượng quyết định sẽ là nông dân và
công nhân) là tất yếu, đó là động lực quyết định sự phát triển kinh tế. Theo ông,
tin vào sự phát triển kinh tế mà không tin vào đấu tranh giai cấp, là nói láo.
Tóm lại, Li xác tín
hoàn toàn vào những định đề của chủ nghĩa mác-lê.
Cùng năm 1918, Li được
mời về làm quản thủ thư viện Đại học Bắc-kinh. Tại đây, ông gây phong trào quảng
bá chủ nghĩa cộng sản nơi tầng lới trí thức sinh viên bằng cách lập các học hội:
„Học hội lí thuyết xã hội chủ nghĩa“
(12.1919), „Hội học lí thuyết Mác“
(03.1920). Mao Trạch Đông, lúc đó là nhân viên thư viện, là một trong những hội
viên nhiệt tâm của „Hội học lí thuyết Mác“
và hội này là tiền thân của Đảng Cộng
Sản Trung-hoa.
1918 cũng là năm
diễn ra hội nghị Versailles, Paris kết thúc thế chiến I. Tàu chờ đợi trong phập
phồng hi vọng các nước thắng trận giải quyết các bất công của mình. Nhưng khi
Anh, Hoa-kì, Pháp đồng í cho Nhật tiếp tục giữ thuộc địa và quyền lợi ở Tàu thì
từ Đại học Bắc-kinh sinh viên dấy lên biểu tình chống quân phiệt Nhật, chống đế
quốc phương tây (Li gọi Anh, Hoa-kì, Pháp là „một lũ ăn cướp“), chống tay sai thân Nhật trong chính quyền. Biểu tình
chống đối lan rộng ra các đại học. Suốt một năm dài, sản phẩm hàng hoá của Nhật
bị dân Tàu tẩy chay. Sử gọi là „Phong
trào mồng 4 tháng 5 năm 1919“ [7].
Phong trào nhiễm màu quốc gia chủ nghĩa, được khơi dậy do nhóm giáo sư Đại học
Bắc-kinh. Nó đóng góp tích cực cho việc quảng bá tư tưởng cộng sản, tạo đà cho
Li thành lập Đảng cộng sản năm 1921 tại Thượng-hải. Một sự kiện khiến trí thức
tàu càng có cảm tình với cách mạng vô sản là ngay sau khi thế chiến kết thúc,
Nga đã nhanh nhẩu tự nguyện từ bỏ mọi đặc quyền thuộc địa của mình ở Tàu.
Sau khi lập đảng,
Li bắt tay với Tôn (1922) [8]. Hai đảng Cộng Sản (ĐCS) và Quốc Dân (QDĐ) từ hợp
tác đi tới thống hợp. Đại hội QDĐ Trung Hoa (01.1924) đưa thêm vào cương lĩnh
ba điểm: Liên minh với Nga, hợp tác với Cộng sản và yểm trợ khối công nông. Cuộc
hôn nhân đẻ ra định chế „quân uỷ“ (chỉ huy lực lượng quân sự) và trường quân sự
Hoàng-phố. Nga điều Borodine sang làm cố vấn cho Tôn. Tôn quen với ông này hồi
còn tị nạn (trốn Thanh triều) ở Hoa-kì. Borodine giúp QDĐ tổ chức lại mọi mặt
theo khuôn mẫu Đảng Cộng sản Nga. Đối
lại, Tôn gởi Tưởng Giới Thạch sang Moskau 3 tháng học cách quản trị cộng sản. Hồ
Chí Minh, dưới lốt thông dịch viên, được lệnh theo Borodine sang làm nhiệm vụ
quốc tế đặt đầu cầu cộng sản ở Đông dương.
Cuộc hôn nhân quốc
cộng cũng là khởi nguồn của sự thảm bại của phía quốc gia. Trên lí thuyết, từng
cá nhân đảng viên cộng sản phải gia nhập vào QDĐ. Thực tế thì đấy là cơ hội để
cộng sản khuynh loát, bởi vì họ tổ chức chặt chẽ hơn, mục tiêu của họ hoàn toàn
không đi đôi với QDĐ và nhất là cơ cấu cộng sản đã không tự giải thể theo quy ước,
mà trái lại họ vẫn âm thầm bành trướng để rồi như mầm ung thư đưa QDĐ vào bế tắc.
„Cộng sản“ Phan Bội Châu
Phong trào
04.05.1919 ở Tàu giúp Phan nhận rõ hơn bản chất thực dân của Nhật. Bản chất
nguy hiểm này cũng là một trong những lí do khiến Phan viết Pháp Việt Đề Huề Luận Văn vào năm 1918 [9].
Cũng từ bối cảnh
04.05.1919 (chống Nhật, chống „đế quốc“ Anh, Pháp, Hoa-kì...) mà Phan nặng tình
hơn với chủ nghĩa cộng sản. Sự nặng tình này càng tất nhiên hơn khi ông chứng
kiến cuộc hôn nhân giữa QDĐ và Cộng sản Tàu.
Phan Bội Châu ngả
theo cộng sản. Thế tại sao Đảng Cộng sản
Việt-nam trong bao năm đã không khai thác được quan điểm này của nhà đại cách
mạng để tuyên truyền?
Phải chăng vì ông đã
bị họ kết án là kẻ thoả hiệp đầu hàng, khi ông viết Pháp Việt Đề Huề Luận Văn? Việt cộng đánh giá tài liệu đó là bản án
tử cho ông. Nhưng theo Phan:
„Khi hai dân tộc vì một lẽ nào đó xui khiến mà phải sống
bên nhau trên một miếng đất, thì chỉ có hai cách cư xử với nhau: hoặc bên này
tiêu diệt bên kia; hoặc hai bên hợp tác với nhau để chung sống. Cách thứ hai là
cách tốt (…)Điều đó tôi đã từng nói và từng viết trong
‚Pháp Việt đề huề’. Sự hợp tác Pháp Việt
phải được xây dựng trên cơ sở bình đẳng giữa hai dân tộc. Không có bình đẳng
thì không có hợp tác… [10].
Do thế, „đề huề trong í tôi và đề huề trong í họ (Pháp)
xa nhau như trời với vực“ [11].
Lại nữa, Phan cũng cho hay, sở dĩ phải thay đổi lập trường, là vì dân trí và dân
khí của dân ta như thế thì làm sao mà thắng Pháp mau được. Tài liệu trên cho thấy
Phan giờ đây ngã hẳn theo chủ trương, mà mười hai năm trước Chu Trinh đã thúc
giục ông đi theo. Chu Trinh muốn „đề huề“ để dùng Pháp diệt phong kiến, duy tân
xã hội, mở mang dân trí hầu chuẩn bị đất gieo trồng Dân chủ. Bội Châu giờ đây cũng
mang những í nghĩ như vậy, nhưng lí do có thể nói quan trọng nhất khiến ông
thay đổi chủ trương là cái viễn kiến về một cuộc thế chiến thứ hai giữa Nhật và
các nước phương Tây, trong đó chắc chắn Nhật sẽ thắng Pháp ở Đông dương và Việt-nam
sẽ rơi vào ách thống trị còn tàn bạo hơn của Nhật.
Hay phải chăng Đảng Cộng Sản VN đã chẳng khai thác được
Phan, vì cái cộng sản của ông không đúng với giáo điều của họ?
Trong phần D. Chương trình hành động 4 giai đoạn của
CT, Phan đề cập tới các „nguyên tắc xã
hội chủ nghĩa“ và „nguyên lí xã hội
chủ nghĩa của Đảng“. Và sau khi giải phóng đất nước (giai đoạn I) và thiết
lập một „Tân Việt Nam“ dựa trên một hiến pháp mới cùng các hệ thống thuế, kinh
tế hữu hiệu và một chính sách giáo dục cộng đồng (giai đoạn II), con thuyền
VNQDĐ sẽ đưa nước vào giai đoạn III, thực hiện các „nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa“.
Xã hội chủ nghĩa
hay cộng sản chủ nghĩa được Phan hiểu như thế nào?
„Chủ nghĩa xã hội là một chủ nghĩa muốn cho
tất cả loài người ai ai cũng được tự do và hạnh phúc. Mục đích của chủ nghĩa xã
hội tóm tắt chỉ có bấy nhiêu mà thôi (…)
Giải thích chật lại một chút, thời bao nhiêu cơ quan sinh
sản đều nhóm góp lại làm của chung; những cái gì loài người cần phải nhờ cậy nó
cho đời sống được sung sướng vui vẻ đều bình quân san sẻ ra cho nhau. Không có
một người nào bạo mạnh mà ngồi không, lại không có một người nào cướp bóc lợi
ích của kẻ khác. Đó là xã hội chủ nghĩa“ [12].
Một cách cụ thể,
„nguyên tắc cộng sản“ của Phan gồm hai nhiệm vụ:
- Về kinh tế:
Nâng cao đời sống và phúc lợi cho mọi người. Với nông dân, nhà nước mua
- chứ không tịch thu[13]
- đất đai rồi chia đều cho họ. Với công nhân, nhà nước bảo đảm hạnh phúc xã hội
của họ bằng cách ấn định giờ làm việc phù hợp, ấn định đồng lương tối thiểu và
lương phải đi đôi với việc làm, huấn nghệ, phát triển các loại công việc lao động
tập thể, mở các viện chăm sóc người hết tuổi lao động hoặc tật bệnh…
- Về xã hội chính trị:
Đưa mọi dân mọi nước tiến tới „đồng nhân“, „đại đồng“. Đây là hai í niệm
thuần tuý đông phương, được Khổng-tử triển khai trong Kinh Dịch (quẻ Đồng nhân) và sách Lễ Kí, thiên Lệ vận (nói về Đại đồng). Đồng nhân, có thể nói, thuộc
lãnh vực quốc gia: Mọi người trong một quốc gia coi nhau như anh chị em, đau cái
đau chung, chia sẻ niềm vui, nỗi cực của nhau. Xét rộng ra là Đại đồng: Mọi dân
tộc đối xử với nhau như anh em; ở thời đại đồng, biên giới quốc gia, chủng tộc,
tôn giáo không còn nữa.
Phan dành cả một tiết sau hết của Xã
Hội Chủ Nghĩa khai triển một đoạn trong thiên Lệ Vấn sách Lễ Kí để vẽ lên bức tranh đại đồng, mà cũng
là bức tranh thời kì cuối cùng của xã hội chủ nghĩa. Theo đó:
Khi đạo lí to lớn đã lưu hành khắp thế giới rồi, thì cả thiên hạ là một;
những người đạo đức nhất, tài giỏi nhất được cử ra uỷ thác các công việc lớn;
người già trở thành cha mẹ chung, được chăm sóc chung; trẻ con là con chung, được
nuôi nấng cho tới trưởng thành; người cường tráng đều có công ăn việc làm; người
tật bệnh, côi quả đều được chăm sóc; trai có phận, gái có chồng; của cải không
ai giữ riêng, mà đem ra phân phối dùng chung cho mọi người; người có sức làm
theo sức, hưởng theo nhu cầu; trộm cướp như vậy không còn đất đứng; lúc đó nhà
nhà không cần cửa đóng then cài; cả thế giới là một nhà [14].
(Đại đạo chi hành giả, thiên
hạ vi công, tuyển hiền dữ năng, giảng tín tu mục, thị cố nhân bất độc thân kí
thân giả, bất độc tử kì tử, sử lão hữu sở chung, tráng hữu sở dụng, ấu hữu sở
trướng, quan quả cô độc, tàn tật giả giai hữu sở dưỡng, nam hữu phận, nữ hữu
quy, hoá ố kì khí ư địa giả, bất tất kì tàng ư kỉ, lục ố kì bất xuất ư thân
giả, bất tất kì vị kỉ dụng, thị cố mưu bế, nhi bất hưng, đạo thiết loạn tặc, nhi
bất tác, cố ngoại hộ nhi bất bể, thi vị đại đồng).
Đó là tất cả „chủ
nghĩa cộng sản“ của Phan. Trở đi trở lại cũng chẳng gì ngoài những suy tư đông
phương. Tiêu đích thiên đàng cộng sản hay đại đồng, như vậy, đã có. Thế còn phương
tiện? Làm sao để đi tới đó? Đây là điểm khác biệt bản lề giữa Phan (và cả Tôn)
với các môn đồ chính thống (hay chân chính) của Marx.
Người cộng sản chân
chính sử dụng hai con thuyền Chuyên chính
vô sản và đấu tranh giai cấp để đi
tới bến. Hai con thuyền này chẳng thấy xuất hiện đâu cả trong CT, mặc dù về mặt
lí thuyết, Phan hiểu rất rõ hai nội dung vô cùng quan trọng của chủ thuyết này,
như hai câu trong bài Mừng Cơ Hội cho
thấy phần nào:
Cuộc đấu tranh giai cấp đã rành rành
Duy vô sản đấu tranh cùng hữu sản.
Tác giả J. Unselt[15]
cho rằng nhờ Phan suốt đời quanh quẩn ở các nước Á đông, nên dòng suy tư vẫn không
vượt ra ngoài khuôn khổ đông phương; vì Phan không tiếp cận được với xã hội âu
mĩ nên đã không dứt khoát hơn với chủ nghĩa cộng sản như Hồ Chí Minh và đảng cộng
sản của ông.
Phần đầu của lí luận
có lí, phần hai không hẳn. Li Ta Chao chưa sang Âu châu mà lại là người xác tín
hơn ai hết vào đấu tranh giai cấp; Tôn Trung Sơn, trái lại, sống ở Âu Mĩ, có cơ
hội nếm mùi hậu quả của chế độ tư bản âu châu, thì lại bác bỏ chuyện đấu tranh
giai cấp và chuyên chính vô sản. Tôn thiết tha với chủ nghĩa xã hội, nhưng càng
đi sâu vào, ông càng nhận ra những hạn chế và khuyết điểm, lại càng nghi ngờ hiệu
lực của nó. Tôn là người hiểu rõ hoàn cảnh xã hội của các nước Âu Mĩ và của Tàu;
cái hiểu của ông sâu rộng, nên ông biết nhận định và chắt lọc những gì phù hợp.
Phan cũng đồng một
quan điểm về xã hội chủ nghĩa như Tôn. Ông cổ xuý mục tiêu đại đồng cao cả của
chủ nghĩa, nhưng về mặt thực hành, ông bác bỏ đấu tranh giai cấp, là vì, như ông
phát biểu sau này với phóng viên báo L’
Effort (1938):
„ Hô hào giai cấp đấu tranh ở xứ này là một
việc cực ngu! Những người thức thời không bao giờ làm như thế. Thế nào là „tư
bản“? một người có 5, 10 mẫu ruộng, một anh chủ tiệm may mà gọi là tư bản ư? Cứ
xem bản tổng kê ở các nước khác, thì đã có người An-nam nào đáng gọi là một nhà
tư bản chưa? Tôi đã nói ở nước này chưa có sự phân biệt rõ ràng của hai giai
cấp tư bản và lao động: Người An-nam chúng ta đều là hạng người mất quyền, hạng
người mất nước cả. Cùng một tai nạn, đã không chung sức để tuỳ theo cảnh ngộ mà
lần hồi thu phục lại những quyền đã mất, để gầy dựng lại nền tảng quốc gia, lại
còn đi kiếm cách tương tàn tương phấn, làm giảm mất lực lượng tranh đấu, thật
là một điều thất sách!“ [16]
Còn vô sản chuyên
chính? Phan hiểu nó trước hết là chuyện xẩy ra ở cấp vĩ mô, giữa các dân tộc trên
thế giới. Đó là việc „liên hiệp cả thảy lao
động các nước, mà không phải chỉ là một nước nào“(…),“liên hiệp cả toàn thế
giới lại (…), dắt díu cả thảy giai cấp mình, tiến lên chiếm lấy địa vị giai cấp
tư bản“. [17] Nghĩa là không có chuyện
„lao công chuyên chính“ trong một quốc
gia.
Giữa hai nhà cách
mạng, Tôn và Phan, có điểm đồng về mặt nhận thức xã hội chủ nghĩa. Cả hai cùng
thích cái chủ trương giải phóng dân nghèo và tạo công bình xã hội, cùng tin rằng
thế giới sẽ nhờ thực thi „tam dân“ mà đi tới „đại đồng“ (mà cả hai cũng gọi là
cộng sản). Nhưng điểm dị giữa hai người: Tôn xuất thân từ giới trưởng giả, mang
trong mình lí tưởng dân chủ trưởng giả, và tổ chức cách mạng của ông cũng chỉ
chú trọng tới tầng lớp trí thức, trưởng giả (VNQDĐ do Nguyễn Thái Học lãnh đạo
cũng nặng đường hướng như họ Tôn); Phan là một nho sĩ xuất thân từ thôn dân, sống
nơi thôn quê, nên cảm với nông dân. Thành ra lí tưởng đấu tranh của ông luôn hướng
về đại khối quần chúng bình dân.
Như trên đã nói,
quyết định chọn lựa của Phan - và cả của Tôn -, khi đứng trước một chủ thuyết tưởng
rằng sẽ mang lại một giải đáp cho đất nước, đã nói lên cái Tâm và cái Trí của họ.
Cái Trí cao rộng với đầy í thức và cái Tâm bao dung thương dân tộc. Khác hẳn với
sự chọn lựa ‚nhắm mắt và hẹp hòi’ (Hoàng Văn Chí gọi là ‚giáo điều’ [18])
của những Nguyễn Tất Thành, Li Ta Chao, Mao Trạch Đông, Kim Nhật-thành, Pôn-pốt.
Như vậy, dưới con
mắt của Nguyễn Ái Quốc, thứ „Xã hội chủ nghĩa“ hay „Cộng sản“ do PBC chủ trương
là một thứ chủ nghĩa cực kì phản động, hoàn toàn chống lại thứ Cộng sản giáo
điều mà Quốc đã được truyền thụ và đi theo.
Và như thế, giờ đây,
chúng ta đã có câu trả lời cho cái thắc mắc nêu lên đầu bài, vì sao „ông Nguyễn Ái Quốc … đã nhiều lần nhắc tôi
thay đổi“.
Và đây có lẽ cũng
là lí do sâu xa của việc Quốc quyết định bán Phan.
Augsburg, ngày 26.08.07
[1] Jörgen Unselt, Die
Nationalistische und Marxistische Ideologie im Spätwerk von Phan Boi Chau,
Wiesbaden 1980, ghi chú 386.
[2] Xem Phan Bội Châu, Tự Phán,
Hoa-kì 1987, trang 203 tt.
[3] Như trên, trang 206.
[4] Jörgen Unselt, sđd, ghi chú 385.
[5] Trong đại hội thành lập Đảng Cộng Sản Trung-hoa tại Thượng-hải
(01.07.) 1921 chỉ có 13 đại biểu tham dự.
[6] Xã Hội Chủ Nghĩa, Toàn Tập, Tập 4, trang 144 t
[7] Để biết thêm, có thể đọc Wolfgang Franke, Das Jahrhundert der Chinesischen Revolution 1851-1949. 2. Aufl.,
München, Wien 1980.
[8] Lúc đầu Đảng Cộng sản Trung-hoa không chịu thống hợp vào QDĐ. Nhưng đại
diện đệ tam quốc tế là Maring ra lệnh phải thống hợp. Lí do Nga hi sinh đàn em, là vì họ cần liên
minh với Tàu để cản Nhật. Họ chấp nhận đi với Tôn sau khi bế tắc trong các cuộc
nói chuyện với giới quân phiệt Tàu cầm quyền.
[9] Phải Thi Hành Chủ Nghĩa Pháp
Việt Đề Huề, Toàn Tập, Tập 4,
trang 365 t
[10] Trả lời phỏng vấn báo Annam về
„Pháp - Việt đề huề“, Toàn Tập, Tập
4, trang 31.
[11] Phan Bội Châu, Tự Phán, sđd,
trang 203.
[12] Xã Hội Chủ Nghĩa, trong PBC Toàn
Tập, Tập 4, trang 134.
[13] „Chủ nghĩa xã hội là một chủ
nghĩa rất hợp nhân đạo, tất phải có một cách xử trí cho cực kì công bằng, nếu
bách đoạt tiền tài của nhà giàu mà san sẻ ra cho nhà đói, thế thời ra làm rối
loạn xã hội, mà không phải là cải lương xã hội“ Chủ Nghĩa Xã Hội, đã dẫn, trang 135
[14] Xem Xã Hội Chủ Nghĩa, dẫn trên,
trang 179t.
[15] Xem J. Unselt, Die
Nationalistische und Marxistische Ideologie… sđd; và Sun Yat Sen in the Perspective of Phan Boi Chau´s Vietnamese National
Revolutionary Movement, sđd.
[16] Vấn Đề Giai Cấp Đấu Tranh,
trong Toàn Tập, Tập 4, trang 368tt.
[17] Xã Hội Chủ Nghĩa, đã dẫn,
trang 154t.
[18] Đọc Hoàng Văn Chí, Duy Văn Sử
Quan, Cành Nam xuất bản, USA, 1990