Định Hướng
Có những dấu chân của con người hòa bình đã làm cho bước đường bạo lực phải khựng lại và bế tắc.
Tháng tám năm nay, - trên một nước Đức vốn là nôi văn hóa với những nhà chỉ đạo cho thế giới văn minh, nào Kant, Hegel, nào Marx, Nietzsche...thổi phòng ngọn đèn leo lét của trí khôn con người và hô là Ánh Sáng, - trên một nước Đức vốn là vườn ương của hai ý hệ tuyệt đối hóa tương đối đi liền với hai chế độ toàn trị cộng sản và quốc xã, hai vết đau của nhân loại trong thế kỷ vừa qua,- trên một nước Đức một thời bị khống chế bởi một nền văn hóa vỗ ngực tôn vinh chủng tộc mình, văn hóa mình là tinh hoa, uy dũng tuyệt đối..., Jozef Ratzinger, người con hiền lành của nước Đức nay nhẹ nhàng chuyển đạt một sứ điệp khác, hoàn toàn khác vì phát xuất từ một ánh sáng khác, cho những người trẻ thuộc đủ chủng tộc, đủ màu da, đủ ngôn ngữ và văn hóa khác nhau đang tụ tập về Cologne: Tuyệt đối hóa những gì không tuyệt đối mà chỉ có tính cách tương đối do bàn tay trí óc con người là độc đoán [.1]
Văn hóa thế giới văn minh hôm nay đang choáng váng với trăm ngàn ý hệ đi kèm theo trăm ngàn nền nhân bản khác nhau tùy ý thích chướng khí của mỗi cá nhân, tùy quyền lực và lợi ích của mỗi thế lực, và kinh hoàng hơn cả là đang tuyệt đối hóa, đang phổ biến điều mà Nietzsche đã tiên đoán là tình trạng chán nản và ê chề không muốn làm người. Cảm xúc mất hướng sau những bước suy thoái của các nền nhân bản tôn vinh con người hiểu biết, con người lao động, con người sản xuất tiêu thụ, con người chơi..., nay dường như chuyển qua bước đường cùng nơi vùng đất sa mạc tư tưởng, sa mạc văn hóa nơi con người không là gì cả. Giữa đêm tối của tư tưởng và văn hóa như thế, lời bất ngờ của một người có tuổi Ratzinger, giáo chủ Biển Đức XVI, không khác người già Abraham, người già thân sinh của Phù Đổng Thiên Vương, sẽ là ngôi sao dẫn lối tìm gặp một dòng tộc mới, một thế hệ mới được nuôi sống bởi sinh lực của lòng khiêm hạ, bởi nỗi khát khao chân lý mà không ai là người trong thân phận tương đối của mình tự vỗ ngực là nắm được trong tay, không một nền văn hóa nào độc tôn chiếm hữu.
Những con người Việt nam, trong đó có những người trẻ hiện diện trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới lại thành phố Cologne, hẳn nghe được sứ điệp yêu thương và hy vọng đó vang dội nơi thực tại xã hội, nơi sinh hoạt văn hóa của mình để có một phút suy tư : Văn hóa ‘bốn nghìn năm văn hiến’ như một chiếc áo bên ngoài nhằm tranh hơn tranh thua với người không khác lý thuyết quốc xã đã qua rồi, hay đó là sứ điệp của lòng khiêm cung và tinh thần liên đới và bao dung? Chế độ toàn trị hôm nay sẽ chuyển đạt sứ điệp nào đây cho thế hệ trẻ Việt nam hôm nay, một thế hệ đang ghê sợ bạo lực tuyệt đối hóa những gì chỉ là sản phẩm của tham vọng con người ?
[1] Cf. Discours du pape Benoît XVI à la veillée avec les jeunes au Marienfeld : "L'absolutisation de ce qui n'est pas absolu mais relatif s'appelle totalitarisme..."