Trận đánh tới: đi kiện Formosa

Lữ Giang

Tuần này chúng tôi định trình bày kế hoạch CHUYỂN RÁC từ Trung Quốc xuống Việt Nam bằng Phong Bì theo kế hoạch Hướng Nam của bà Thổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn, nhưng một số độc giả muốn chúng tôi trình bày thêm về các phương thức có thể xử dụng để kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng như các viên chức chính phủ lạm dụng quyền hành gây thiệt hại nghiêm trọng cho dân chúng, nên chúng tôi tạm gác vấn đề CHUYỂN RÁC lại và đề cập thêm về vấn đề đi kiện Formosa.
KINH NGHIỆM VỤ ÁN TRÀN DẦU Ở VỊNH MEXICO

Trước khi nói về các phương thức có thể dùng để kiện vụ cá chết, chúng ta thử nhìn qua vụ tràn dầu tại Vịnh Mexico nằm 2010 đã được giải quyết như thế nào để từ đó rút kinh nghiệm.

Ngày 20.4.2010, giàn thăm dò Macondo Prospect thuộc giàn khoan Deepwater Horizon của Công ty British Petroleum (BP) đã nổ trên vịnh Mexico, cháy và chìm xuống khiến 11 công nhân bị thiệt mạng, 17 người bị thương, gần năm triệu thùng dầu thô dã tràn vào vùng vịnh Mexico làm cho hơn 1.770 km đường bờ biển phía nam nước Mỹ bị ô nhiễm nghiêm trọng, nặng nhất là ba tiểu bang Mississippi, Alabama và Florida.
Các vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại đã diễn ra và kéo dài trong 6 năm. Sau nhiều cuộc thương lượng trong và ngoài tòa, kết quả ngày 4.4.2016, Thẩm phán Carl J. Barbier thuộc Tòa Khu Vực Liên Bang ở New Orleans đã đưa ra một phán quyết dày 44 trang gồm những điểm chính như sau: Công ty BP phải nộp 5,5 tỷ USD tiền phạt theo sụ quy định của Đạo luật Nuớc sạch (Clean Water Act) của liên bang và khoảng 20 tỷ USD bồi thường các thiệt hại về dân sự.

Công ty BP nói rằng họ phải trả khoảng 53 tỷ USD cho vụ án gồm việc bồi thường thiệt hại về dân sự qua các cuộc thương lượng, làm cho nước sạch và các khoản phạt về dân sự cũng như hình sự. Bộ truởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch cho rằng đây là “mức phạt lớn nhất đối với một đơn vị trong lịch sử nước Mỹ”.
Nhìn cách giải quyết và kết quả của vụ án nói trên, ít ai không ngạc nhiên khi thấy Đảng CSVN và chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ cho Công ty Formosa Hà Tĩnh nộp 500 triệu USD để giải quyết toàn bộ vụ ánvà còn dự trù sẽ miễn truy tố về hình sự cho Công ty! Kết quả này cho thấy nhà cầm quyền đã hành động bất chấp quyền lợi của đất nước cũng như của người dân. Do đó, cần phải kết hợp đấu tranh về tư pháp với đấu tranh về chính trị để đưa nội vụ ra ánh sáng và đòi công lý.

KHÓ KHĂN DO HỆ THỐNG TỐ TỤNG
Chúng tôi đã đọc các bài của hai ký giả Gia Ninh và Cát Linh thuộc đài RFA phỏng vấn một số luật gia trong và ngoài nước về các phương thức có thể dùng để kiện Công ty Formosa Hà Tĩnh đòi bồi thường thiệt hại, chúng tôi thấy những phát biểu của Luật sư Lê Quốc Quân là thực tế và phù hợp với luật pháp hơn cả,
Luật sư Lê Quốc Quân nói rằng “luật Việt Nam chưa qui định các đơn tập thể (class action), nên để từng cá nhân phải có đơn, và toàn bộ rồi cũng có đơn tác động sẽ lớn hơn”. Điều này hoàn toàn đúng vì luật Việt Nam không công nhận tố quyền tập thể (class action), nên mỗi cá nhân phải làm đơn riêng.
Ở Mỹ khi xảy ra những vụ kiện béo bở và chắc ăn như vụ tràn dầu ở Vịnh Mexico, rất nhiều tổ hợp luật sư đã đứng ra đại diện cho những người bị hại mà không lấy trước một đồng xu nào. Mọi việc họ lo hết. Chi phí của họ sẽ được tính bằng phần trăm trên trên kết quả sẽ thu nhận được như 10% hay 20% chẳng hạn.
Vụ kiện thải độc chất ở Vũng Áng cũng là một vụ kiện “chắc ăn 100%” nhưng khốn khổ là nó lại xảy ra tại Việt Nam, một nước có hệ thống tư pháp rất tàn tệ, nên chẳng tổ hợp luật sư nào dám đứng ra lãnh thầu vụ kiện. Tòa án ở đây không phải là cơ quan bảo vệ công lý mà là một cơ quan xét xử theo đơn đặt hàng. Do đó, các luật sư khi đứng ra bảo vệ quyền lợi của người dân, họ phải đối phó với nhiều vấn đế rất phức tạp và thường là rất nguy hiểm.
Hiện nay, có nhiều dấu hiệu cho thấy chính quyền đang ra lệnh cho công an lập kế hoạch ngăn chận phong trào làm đơn kiện tập thể Công ty Formosa. Một số “luật sư cò mồi” đã được chính quyền đưa ra đại diện cho một số nhóm người bị hại, đòi chính quyền cho xem bản cam kết giữa Công ty Formosa và chính quyền về việc bồi thường 500 USD và tuyên bố nếu thấy lời cam kết này là hợp lý, họ sẽ tuân hành bản cam kết đó. Đây là kế bẻ đũa từng chiếc. Trong khi Công ty BP phải tốn mất 53 tỷ USD để phục hồi môi trường và bồi thường cho các nạn nhân, Formosa Hà Tĩnh chỉ đưa 500 triệu USD mà “hợp lý” cái khỉ khô gì?
Tài liệu của nhà cầm quyền cho biết có khoảng 263.000 người bị thiệt hại do vụ cá chết. Trong số này chúng ta sẽ chia ra ba loại bị thiệt hại chính: Loại 1 gồm các ngư dân. Loại 2 là các cơ sở kinh doanh về sản phẩm ngư nghiệp và các tiệm ăn, và loại 3 là các công ty du lịch. Việc phân loại này sẽ giúp chúng ta xác định sự thiệt hại một cách chính xác hơn. Loại 1 đông nhất, có lẽ phải chia ra khoảng 40 nhóm, mỗi nhón khoảng 5.000 người.
Trong vụ tràn dầu ở Mexico, mỗi nhóm có luật sư đứng ra đại diện riêng để nộp đơn kiện và thương lượng với BP. Cuối cùng ông Chánh án sẽ gộp chung lại. Tại Việt Nam, vì các luật sư đứng ra biện hộ đều là tự nguyện, vậy phải tìm cách để bảo vệ họ và cung cấp cho họ các chi phí cần thiết để hoàn thành hồ sơ tố tụng. Đó là một chuyện không dễ.
VẤN ĐỀ XÁC ĐỊNH SỰ THIỆT HẠI
Khi xác định sự thiệt hại, việc khó khăn nhất là xác định lỗi của bị đơn và sự quan hệ nhân quả giữa lỗi của bị đơn với những thiệt hại đã gây ra. Nhưng trong vụ tràn dầu ở Vịnh Metxico và vụ thải chất độc ở Vũng Án, hai công ty có trách nhiệm đã nhận lỗi, nên mọi chuyện trở nên dễ dàng. Vấn đề còn lại xác định sự thiệt hại một cách chính xác và buộc Công ty Formosa phải bồi thường đầy đủ.
1.- Với thiệt hại về môi trường: Chính phủ phải cho các công ty quốc tế chuyên phục hồi môi trường lãnh thầu thực hiện công trình phụ hồi và bắt Công ty Formosa thanh toán. Để phục hồi môi trường ở Vinh Mexico, Công ty BP phải tốn không dưới 20 tỷ USD. Sự phục hồi môi trường ở 4 tỉnh miền Trung khó hơn nhiều nên không thể dưới 10 tỷ USD được. Tại sao chính phủ tự ý cho Công ty Formosa chỉ trả một số tiền tượng trưng là 500 triệu USD? Nhiều người nghĩ rằng Nhà Nước muốn cho các công ty nhà nước lãnh làm chuyện đó để chấm mút, còn kết quả như thế nào, sống chết mặc bây, nên chính phủ mới chấp nhận một số tiền ít ỏi như vậy.
2.- Với thiệt hại của tư nhân: Luật buộc sự thiệt hại được bồi thường phải là sự thiệt hại đã thực sự xảy ra (actual damages). Trong vụ dầu tràn ở Vịnh Mexico, có khoảng 220.000 nạn nhân, tòa bắt bồi thường 20 tỷ USD. Trong vụ cá chết ở Vũng Ánh, có khoảng 263.000 nạn nhân, dù giá sinh hoạt ở Việt Nam rẽ hơn, Công ty Formosa cũng phải bồi thường tối thiểu 4 tỷ USD, tức 1/5.
3.- Tiến phạt gây thiệt hại: Tòa thường ban cho người bị thiệt hại một số tiền được gọi là thiệt hại trừng phạt (punitive damages), khi hành vi của bị đơn phát xuất do sự cố ý, bừa bãi, có gian ý, thù oán hay áp bức (willful, wanton, malicious, vindictive, or oppressive). Tiền thiệt hại trừng phạt được trao cho người bị thiệt hại không phải là tiền bồi thường, nhưng để ngăn ngừa bị đơn đừng tham gia vào các hành vi tương tự nữa. Các cuộc điều tra cho thấy việc thải nước có độc chất của Công ty Formosa là một hành vi bừa bãi và có gian ý (wanton and malicious) nên phải xin tòa định thêm tiến phạt này.
DÂN SỰ ĐI ĐÔI VỚI HÌNH SỰ
Để vụ kiện có thể tiến hành một cách nhanh chóng, công việc đầu tiên là nên thương lượng ngoài Tòa như có quy định ở Chương XXXIII của Bộ Luật Dân Sự Tố Tụng. Nếu các cuộc thương lượng này mà thành, có thể xin Tòa công nhận bằng một bản án và được thi hành như thi hành án. Trong thời gian tố tụng, trước khi Tòa xử, cũng có thể thương lượng như vậy.
Trong vụ tràn dấu ở Vinh Mexico, các luật sư Mỹ cũng đã làm như vậy mới có bản án ngày 4.4.2016, nếu đợi tranh tụng và đem ra xét xử, vụ tranh tụng có thể kéo dài nhiều năm nữa.
Khi tiến hành các vụ kiện về dân sự, các phong trào quần chúng cũng phải yêu cầu nhà cầm quyền làm các thủ tục điều tra hình sự để truy tố các viên chức điều khiển Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng như các viên chức chính quyền vi phạm luật đã thông đồng với Công ty này gây thiệt hại cho môi trường và dân chúng.
Các điều 183, 184 và 188 của Bộ Luật Hình Sự có quy định các tội gây ô nhiễm nguồn nước, gây ô nhiễm đất và huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản, mỗi tội có thể bị phạt tới 5 năm tù, chưa kể phạt tiền.
Các điều 281, 282, 283 và 285 của Bộ Hình Luật có quy định các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ; tôi lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, và tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Các tội này đều có thể bị phạt tới 5 năm tù và phạt tiền.
Tuy nhiên, cho đến nay, nhà cầm quyền vẫn chưa cho mở các cuộc điều tra để truy tố. Trái lại chính quyền chỉ cho mở cuộc điều tra về một số vi phạm nhỏ (52 vi phạm!) của Công ty Formosa để trấn an dư luận, đồng thời đem một số viên chức cấp nhỏ tại địa phương ra làm con bài thí.
Sáng ngày 7.7.2016, hơn 3 ngàn giáo dân Cồn Sẻ thuộc xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã bất ngờ xuống đường biểu tình đòi trục xuất Formosa và yêu cầu Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường Trần Hồng Hà phải từ chức. Họ vừa đi vừa hô các khẩu hiệu bảo vệ môi trường và chống các hành vi bao che cho Formosa. Điều này chứng tỏ dân chúng không đồng ý cách giải quyết lập lờ và bất công của chính phủ. Ngay sau đó, lực lượng CA, Cảnh sát cơ động đã bất ngờ ra tay đàn áp đẫm máu người biểu tình. Hàng loạt lựu đạn cay được ném thẳng về phía bà con ngư dân.
Sau cuộc biểu tình này, cuộc chiến chống Formosa được phát động trở lại. Không có cuộc chiến này, đất nước sẽ trở thành một thùng rác, một lò sát sinh của cả Trung Quốc lẫn Đài Loan.
Ngày 14.7.2016
Lữ Giang