Chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở Việt Nam?

Một loạt các hành động bài Trung Quốc, sau phán quyết về “đường lưỡi bò”, khiến giới quan sát cho rằng chủ nghĩa dân tộc đang nhen nhóm tại Việt Nam.
Không chỉ trên biên giới, khi các nhân viên xuất nhập cảnh quyết không đóng dấu vào hộ chiếu in “bản đồ lưỡi bò”, xác nhận chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông, mà trên “mặt trận văn hóa”, nhiều nghệ sĩ ở trong nước cũng phản đối Bắc Kinh trên mạng xã hội.


Theo báo chí trong nước, nhiều chốt cửa khẩu của Việt Nam giáp ranh với Trung Quốc đã “nói không” với hộ chiếu in hình bản đồ còn được gọi là “đường đứt khúc 9 đoạn” bao trọn gần như toàn bộ biển Đông.
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ Việt Nam, nói với VOA Việt Ngữ rằng đấy là một “ứng xử hết sức đúng đắn”.
Cựu quan chức từng đàm phán với Trung Quốc về biên giới, lãnh thổ này nói thêm:
“Phán quyết làm cho rõ hơn nữa rằng rõ ràng [“đường lưỡi bò”] không chính đáng và bây giờ họ đang tìm cách hợp thức hóa bằng việc in nó lên hộ chiếu công dân của Trung Quốc. Đấy là một âm mưu. Trung Quốc muốn giành lấy sự công nhận trên thực tế. Nếu anh đóng dấu, anh gián tiếp, mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc. Lực lượng chức năng của Việt Nam trên các cửa khẩu xử lý như vậy tôi cho rằng rất đúng. Không thể nào đóng dấu, chấp nhận một điều đã bị tòa án bác bỏ”.
Tin cho hay, lực lượng biên phòng tỉnh Tây Ninh đã "phát hiện, thu giữ và hủy hơn 6 nghìn hộ chiếu điện tử" của công dân Trung Quốc xuất nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài trong sáu tháng đầu năm nay.
Trên các trang mạng xã hội, nhiều người Việt đã thể hiện sự hậu thuẫn đối với hành động họ cho là “hợp tình, hợp lý” này.
Độc giả có tên Văn Giảng viết trên trang Facebook của VOA Việt Ngữ: “Phải làm vậy thôi. Đây là ý chí của bất kỳ dân tộc có chủ quyền nào cũng phải làm như vậy. Chúng ta không được phép nhụt chí”.
Trong khi đó, một người khác tên Hong An Nguyen viết: “Cơ hội duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam có thể trụ lại tiếp tục lãnh đạo đất nước là phất ngọn cờ chủ quyền, vực dậy chủ nghĩa dân tộc (là cách Trung Quốc đang làm) để dư luận nhân dân không còn tập trung vào những vấn đề nội tại như tham nhũng, nhân quyền, độc tài, lạm phát, kinh tế phát triển chậm, ô nhiễm môi trường, nợ công...”
Còn theo đánh giá của tiến sỹ Trục, phản ứng của cộng đồng quốc tế cũng như người dân ở Việt Nam có “hiệu ứng trong việc làm cho Trung Quốc cần phải tính lại cách ứng xử của mình trước phán quyết công bằng của tòa, phải điều chỉnh lại những tham vọng của mình”.
Trước câu hỏi liệu tinh thần dân tộc dâng cao trước Trung Quốc có thể khiến tình hình vượt ra khỏi tầm kiểm soát, quan chức này nói tiếp:
“Tất cả các phản ứng của mình cần phải rất là tỉnh táo, tính toán, rất bình tĩnh, để có thể làm sao phát huy được hiệu quả một cách tích cực, và không nên có những động thái nào để thỏa mãn cho cảm xúc cá nhân, cảm xúc của mình để gây ra những mâu thuẫn sâu sắc, và thậm chí gây ra chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển mạnh hơn nữa. Chúng ta không nên dùng phán quyết này như là một vũ khí để hạ nhục bất kỳ ai. Đừng vì chuyện này mà gây ra các biến động xã hội bất lợi”.
Trong một diễn biến liên quan khá hiếm hoi, Thông tấn xã Việt Nam đã lên tiếng “bác bỏ thông tin sai lệch” của báo chí Trung Quốc về nội dung cuộc gặp trong tuần trước giữa Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và người đồng nhiệm nước láng giềng Lý Khắc Cường ở Mông Cổ.
Theo cơ quan báo chí của nhà nước Việt Nam, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng “Việt Nam tôn trọng lập trường của Trung Quốc về vụ kiện trọng tài biển Đông”, và rằng “Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy đàm phán song phương về vấn đề biển và quản lý đúng đắn những khác biệt với Trung Quốc nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định khu vực".
Thông tấn xã Việt Nam nói rằng “trên thực tế, trong cuộc gặp Thủ tướng Trung Quốc, khi đề cập vấn đề biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị hai bên cùng thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao, trong đó có “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc” do hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Hồ Cẩm Đào đã thống nhất tháng 10 năm 2011 nhằm thúc đẩy các cơ chế đàm phán trên biển sớm có tiến triển thực chất, đồng thời kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, thực hiện hiệu quả, toàn diện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực”.