Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam và định hướng văn hóa

GS Nguyễn Đăng Trúc
1-       Ý nghĩa của tên gọi Việt Nam
Khi nêu lên câu hỏi ý nghĩa tên gọi Việt-Nam, tên gọi của quốc gia chúng ta hôm nay, hẳn nhiên cần phải ghi nhận những sự kiện lịch sử khách quan liên hệ đến việc chọn lựa danh hiệu nầy. Nhưng, trong khuôn khổ chuyên môn nghiên cứu của tôi, tôi không đủ khả năng để đi sâu vào những chi tiết có tính cách thuần lịch sử. Thật  đáng tiếc!
Tuy nhiên, khi nghiên cứu về  văn hóa Việt-nam, tôi có đọc được một bản văn mà tôi đánh giá là có giá trị văn hiến làm nền cho tư tưởng truyền thống dân tộc -  Truyện  Họ Hồng Bàng trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính và xuất bản vào mùa thu năm 1492 -, và truy tìm được nghĩa của hai từ Việt và Nam trong khuôn khổ văn hóa tư tưởng mà bản văn nầy muốn chuyển tải.
Trong truyện Họ Hồng Bàng nầy, câu kết tóm gọn như sau :
Bách-Nam là thủy-tổ của Bách-Việt vậy [1].
Muốn hiểu hai chữ Nam và Việt trong câu nầy, dĩ nhiên chúng ta cần đọc nguyên bản văn[2] để nắm bắt được lý do tại sao hai chữ ấy có thể thu tóm ý nền tảng tư tưởng mà « bản văn Sáng Thế »  ấy muốn chuyển đạt.
(Tôi đã cố gắng minh giải bản văn trên đây trong chương III cuốn Văn Hiến, Nền Tảng Của Minh Triết do Định Hướng xb. năm 1997. Để trình bày tiếp câu hỏi về ý nghĩa tên Việt Nam ở đãy, tôi chỉ gói gọn ý kiến của mình trong khuôn khổ bản văn truyện Họ Hồng Bàng trong cuốn Lĩnh Nam Chích Quái doVũ Quỳnh hiệu chính.)
a/  Bối cảnh chung
-          Chúng ta xác định được là hai chữ Việt và Nam đã được nhắc đến trong tác phẩm Lĩnh Nam Chích Quái do Vũ Quỳnh hiệu chính năm 1492.
-          Hai chữ ấy được nêu lên cô động toàn ý nghĩa truyện Họ Hồng Bàng. Truyện nầy lại là truyện đầu cuốn sách : nó vừa trình bày nội dung tổng quát của sách (các truyện tiếp theo chỉ là phần khai triển chương nầy),  vừa nói lên một nội dung duy nhất và nền tảng cho văn hóa đó là VẤN ĐỀ Ý NGHĨA CỦA NHÂN TÍNH. Trong bối cảnh văn chương đặc loại như thế, chữ VIỆT và NAM phải được hiểu trong khuôn khổ của vấn nạn duy nhất ấy.
-          Hai sự kiện khác nữa cần lưu ý nữa đó là lối hành văn đặc biệt của các bản văn văn hóa cổ nói chung và đặc biệt của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái :
·   Một là lối nói thi ca và tượng trưng : các chữ dùng chỉ nhằm nói đến một nội dung duy nhất là con người vànhững yếu tố hình thành, những chiều kích sinh hoạt của nó ; nhưng nội dung đặc lại nầy được diễn tả qua những hình ảnh của những vật thể khác trong vũ trụ. Riêng đối với cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, phần lớn các tên gọi lại là hán việt ; do đó không những phải lưu ý âm hưởng thi ca của tên gọi, mà còn cần lưu ý âm hưởng thi ca của tên gọi đó trong bối cảnh của văn hóa Á Đông nữa.
·   Riêng đối với câu hỏi của chúng ta về ý nghĩa tên Việt Nam, thì vấn đề lại khó khăn hơn. Chữ ý nghĩa, tiếng Pháp là signification hàm ngụ sự hiểu biết của trí khôn con người khi đo lường một sự vật. Nó thuộc lãnh vực lý thuyết khách quan. Trái lại, nghĩa của hai chữ Việt Nam mà tác giả Vũ Quỳnh nêu lên trong khuôn khổ cuốn Lĩnh Nam Chích Quái không phải là ý nghĩa của một vật thể mà các bộ môn khoa học ngày nay truy tìm.Nghĩa của hai chữ Việt Nam phải được hiểu là phân vụ phải chu toàn, như khi ta nói nghĩa làm người hoặc làđạo làm người. Chữ nghĩa nầy chỉ áp dụng cho vấn nạn về con người : trong ngôn ngữ dân gian, chúng ta thường nói  nghĩa vợ chồng, nghĩa làm con hay đạo làm chồng, đạo làm con…... chẳng hạn. Liên quan đếnnghĩa của nội dung cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, tác giả là Vũ Quỳnh đã viết rõ như thế nầy trong lời tựa :
Than-ôi! Lĩnh-Nam có nhiều kỳ-trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng người, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ-ích đâu?
b/ Chữ Nam trong bản văn cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
( Trích bản văn)
Đế-Minh lập Đế-Nghi làm tự-quân cai-trị phương Bắc, phong Lộc-Tục làm Kinh-Dương-Vương cai-trị phương Nam, đặt quốc-hiệu là Xích-Quỉ-Quốc.
Kinh-Dương-Vương xuống Thủy-phủ, cưới con gái vua Động-Đình là Long-Nữ, sinh ra Sùng-Lãm tức là Lạc-Long-Quân; Lạc-Long-Quân thay cha để trị nước, còn Kinh-Dương-Vương thì không biết đi đâu.
 (…)
Đế-Nghi truyền ngôi cho Đế-Lai cai trị phương Bắc; nhân khi thiên-hạ vô-sự, sực nhớ đến chuyện ông nội là Đế-Minh nam-tuần gặp được tiên-nữ. Đế-Lai bèn khiến Xi-Vưu tác-chủ quốc-sự mà nam-tuần qua nước Xích-Quỉ, thấy Long-Quân đã về Thủy-phủ, trong nước không vua, mới lưu ái thê là Âu-Cơ cùng với bộ-chúng thị-thiếp ở lại hành-tại. Đế-Lai chu-lưu khắp thiên hạ, trải xem tất cả hình-thế, trông thấy kỳ-hoa dị-thảo, trân-cầm dị-thú, tê-tượng, đồi-mồi, kim-ngân, châu-ngọc, hồ-tiêu, nhũ-hương, trầm-đàn, các loại sơn-hào hải-vị không thứ nào là không có; khí-hậu bốn mùa lại không nóng không lạnh, Đế-Lai ái-mộ quá, quên cả ngày về.
 (…)
Lạc-Long-Quân bỗng nhiên lại về, thấy nàng Âu-Cơ ở một mình, dung-mạo đẹp lạ-lùng, yêu quá, mới hóa ra một chàng nhi-lang phong-tư mỹ-lệ, tả-hữu thị-tùng đông-đảo, tiếng đàn ca vang đến hành-tại. Âu-Cơ trông thấy mà lòng cũng ưng theo; Long-Quân bèn rước nàng về núi Long-Trang.
(…)
Âu-Cơ ở với Lạc-Long-Quân giáp một năm, sinh ra bọc trứng, cho là điềm không hay nên đem bỏ ra ngoài đồng nội; hơn bảy ngày, trong bọc nở ra một trăm trứng, mỗi trứng là một con trai; nàng đem về nuôi-nấng, không phải cho ăn, cho bú mà tự-nhiên trường-đại, trí-dũng song-toàn, ai cũng úy-phục, bảo nhau đó là những anh em phi-thường.
Qua đoạn văn trích dẫn, chúng ta có được một trực giác về ý nghĩa nhân tính của Bách Nam, những con người nguyên thủy được tạo dựng trong ánh sáng của chân lý : Bách Nam sinh ra từ 100 trứng, là hoa trái của tương giao giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ  (Trời và Người). Bách Nam vượt lên trên muôn sinh vật của vũ trụ (linh ưu vạn vật) : không phải cho ăn, cho bú mà tự-nhiên trường-đại, trí-dũng song-toàn, ai cũng úy-phục, bảo nhau đó là những anh em phi-thường.
Nam đối nghịch với với Bắc. Đối với người ở vùng bắc bán cầu như chúng ta, Nam tượng trưng vùng đất có mặt trời ban sự sống và ánh sáng. Bắc tượng trưng cho bóng tối và cõi chết (nơi cư ngụ của Đế Lai, kẻ thù của Lạc Long Quân).
Phương Nam là nước Xích Quỉ, là cộng đồng của giống thần thiêng : từ hán-việt Xích có nghĩa là hơi ấm của mặt trời; từ Quỉ không phải là quỉ ma (satan, diable) như ta hiểu ngày nay, nhưng là giống thần thiêng (có thể dịch qua pháp ngữ là esprit)
Phương Nam là quê của Sùng Lãm ((Sùng là cao trọng đáng tôn kính bên trong, Lãm là đẹp đẽ xuất hiện ra bên ngoài), của Lạc-Long-Quân (Lạcgợi lên hạnh phúc viên mãn (= Mỹ),  Long :  nguồn gốc thần thánh (= Chân), Quân :  điều hành công minh, xử lý tốt lành cuộc sống (= Thiện).
Nơi phương Nam, Âu Cơ (Âu là nhớ nhung Ai; Cơ là lo toan việc nầy việc kia; Âu Cơ tượng trưng cho hiện sinh con người) là con người trước đây từng bị Đế Lai (tượng trưng cho chấp ngã, dục vọng của quyền lực cá nhân, ham mê của cải vật chất  ... ) khống chế, nay được Lạc Long Quân (tượng trưng cho chiều kích Trời hay Thần,  hoặc là Chân Thiện Mỹ) đưa vào cùng chung sống nơi quê hương Thần Thánh (Long Trang)…...
Nơi phương Nam, con người được khai sinh bởi mối tương giao giữa Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân ; từ mối tương giao nguyên thủy và nền tảng đó con người nối kết với con người trong mối tình huynh đệ.
Qua những hình ảnh tượng trưng dồn dập nói đến lý lịch thần thiêng của con người, Nam trong hai chữ Bách Nam ở câu kết của bản văn là nói đến chiều kích LINH THIÊNG của nhân tính ban cho mọi người, không loại trừ một ai.
(Ở doạn văn nầy cũng như ở phần sau (trừ câu kết), chữ VIỆT không minh nhiên viết ra thành văn. Nhưng trong ngôn ngữ hán-việt, VIỆT có nghĩa là vượt qua, vươn lên, đưa lên cao ..., do đó, một khi Bách Nam là con người được Thần (Lạc Long Quân) nâng lên hàng linh thiêng, được giải thoát khỏi bóng tối và sự chết (giải thoát khỏi gông cùm của Đế Lai) thì Bách Nam ấy cũng hàm ngụ là  Bách Việt.)
c/ Chữ Việt trong bản văn cuốn Lĩnh Nam Chích Quái
Nếu con người từ nguyên thủy [từ lý lịch căn nguyên=  nhân chi sơ = con người ở vườn địa đàng (x. Sách Sáng Thế của Do-thái giáo và Kitô giáo)] là Bách Nam, thì thực tại hay hiện sinh con người là một thân thế tranh tối tranh sáng. Một mặt vì Thần (Lạc Long Quân) mà con người phải nối kết luôn ẩn mặt, luôn là KẺ KHÁC (không ai thấy Thần, Thần vô phương), mặt khác con người mang gánh nặng kinh hoàng của tự do và luôn bị bóng tối và sự chết (Đế Lai, phương Bắc) kềm hãm.
Bản văn viết :
Long-Quân ở lâu dưới Thủy-phủ; mẹ con ở một mình, nhớ về Bắc-quốc liền đi lên biên-cảnh; Hoàng-Đế nghe tin lấy làm sợ mới phân-binh trấn-ngự quan-tái; mẹ con không về Bắc được, đêm ngày gọi Long-Quân:
-          Bố ở phương nào làm cho mẹ con ta thương nhớ.
Long-Quân hốt-nhiên lại đến, gặp hai mẹ con ở  Tương-DạÂu-Cơ nói :
- Thiếp vốn người Bắc, cùng ở một nơi với quân, sinh được một trăm trai mà không có gì cúc-dưỡng, xin cùng theo nhau chớ nên xa bỏ, khiến cho ta là người không chồng không vợ, một mình vò-võ.
Long-Quân bảo :
- Ta là loài rồng, sinh-trưởng ở thủy-tộc; nàng là giống tiên, người ở trên đất, vốn chẳng như nhau, tuy rằng khí âm-dương hợp lại mà có con nhưng phương-viên bất-đồng, thủy-hỏa tương-khắc, khó mà ở cùng nhau trường-cửu. Bây giờ phải ly-biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy-phủ phân-trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai-trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau.
Thủy-phủ ở đây là hình ảnh của cảnh vực bên kia bờ, là chiều kích siêu nhiên vượt lên trên thời gian không gian làm khung cho sự hiểu biết của con người. Khi nói Long-Quân ở lâu dưới Thủy-phủ có nghĩa là nói đến Thần vô phương, Thần Linh vượt lên trên trật tự mà sức con người có thể đo lường, khai phá. Nói cánh khác, con người thực tế trước mắt (hiện sinh), tuy mang ấn tích thần thánh trong mình, nhưng đang bị ràng buộc bởi thân phận đang gặp nguy cơ : chiều kích linh thiêng, mở ra với AI KHÁC thì ẩn kín, tưởng như xa vời (mẹ con ở một mình), trong lúc dục vọng chỉ tìm mình, chỉ biết mình và tham lam vật nầy vật khác  (nhớ về Bắc-quốc) thì rình rập không ngơi.
Nếu ở phần đầu, Bách Việt có nghĩa là con người được Kẻ Khác ban phần linh thiêng vượt lên trên mọi sinh vật trong trời đất, hoặc con người được Thần nâng lên hàng thần thánh, thì về phần mình, trong thực tại làm người của bất cứ ai, phận vụ hoàn thành nhân tính của mỗi người (hoặc NGHĨA làm con người) lại là luôn nhớ Long-Quân và thân thế nguyên sơ của mình ở phương Nam. Nỗi nhớ nầy là ấn tích nguyên sơ, là Đại Ký Ức (ở bên trên mọi ký ức bình thường) làm nên nguồn suối sâu kín trong tâm con người . Nỗi nhớ ấy  là Nền Cao Cả ở trong Tâm (Hoàng Đế) vừa có sức can ngăn con người không cho nó rơi vào sự ác (phương Bắc, Đế Lai), vừa nhắc con người nhớ Lạc-Long- Quân nơi phương Nam ẩn kín.
Đi vào Đại Ký Ưc để vượt lên thân phận bị trói buộc bởi phương Bắc, bởi Đế Lai (vốn là chính dục vọng chấp ngã, chỉ biết mình, phe mình, có nhiều vật cho mình) để tìm về  Thủy- tổ phương Nam, nơi con người được nâng lên địa vị thần linh, được mở ra với Ai Khác và nối kết với kẻ khác, nhìn nhận và yêu thương mọi người (không phân biệt chủng tộc, ngôn ngữ, nam nữ, trẻ già .... ) trong tương giao huynh đệ cùng chung mẹ Âu Cơ, cùng được khai sinh do tình yêu không điều kiện đến từ Cha Lạc Long Quân.
Như thế, nghĩa làm người là chiến đấu vượt lên tăm tối sự ác để đi về ánh sáng của yêu thương và chân lý; nói cánh khác con người trong thực tại hiện sinh đúng nghĩa là BáchViệt.
Một khi ánh sáng và nguồn suối khai nguyên con người là phương Nam, một khi con người ban sơ, nguyên thủy là Bách Nam (người sinh ra và cư ngư ở phương Nam nầy), thì Bách Việt (con người tại thế đang vươn mình tìm về nguồn ánh sáng khai nguyên) phải nhận ra Bách Nam chính là thủy tổ của mình.
Bách-Nam là thủy-tổ của Bách-Việt vậy.
Khi cảm ứng được nghĩa làm người như thế, con người nhận ra mình thuộc một giống tộc Lớn, Cao cả  (Hồng), ôm trọn được mọi người (Bàng) : con người đó  thuộc họ Hồng Bàng.
Theo Vũ Quỳnh, nghĩa của hai từ Nam và Việt như thế đã được tổ tiên  cảm nhận từ nơi thâm cung tấm lòng của mỗi người  (không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng người = Đạo Tâm) và phải được chuyển đạt cho con cháu.
Xuyên qua huyền thoại họ Hồng Bàng, con cháu nên tiếp nhận nghĩa nầy như Văn Hiến hay Cương Thường dẫn lối cho cuộc sống :
Ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ-ích đâu ?
2-      Định hướng sinh hoạt văn hóa trong bối cảnh của lịch sử dân tộc Việt Nam
Trước phát biểu về định hướng cho sinh hoạt văn hóa, tôi xin dừng lại một chút để nói đến tiền kiến tiêu cực về nội dung cụm từ thường được nhắc đi nhắc lại trong thời gian gần đây, đó là « văn hóa dân tộc VN». Tôi gọi là tiền kiến vì nhiều người nêu lên nội dung nầy làm như văn hóa dân tộc VN chỉ là  một  thực thể  thuần khiết, lý tưởng, bất biến, có từ muôn đời, ở bên ngoài thời gian và không gian.
Kỳ thực «văn hóa dân tộc VN» có một cấu trúc gồm hai phần gắn liền với nhau.
Một mặt nó xây dựng trên nền tảng bất biến là Chân Thiện Mỹ (qua hình ảnh Lạc Long Quân) làm nên cấu trúc căn nguyên của nhân tính vốn không do lịch sử và bàn tay con người làm ra và quyết định; chính nền tảng đó là hồn sống, là cương thường (như Vũ Quỳnh đã nhắc đến trong lời  tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái) cho sinh hoạt  của bất cứ cộng đồng nào cộng đồng nào của nhân loại, trong đó cộng đồng dân tộc VN. Chính vì xác tín được cương thường chung của toàn nhân loại (một nhân tính chung cho mọi người bất cứ ở đâu và bất cứ thời đại nào, trong bất cứ hoàn cảnh nào) mà mỗi nền văn hóa, trong đó có «văn hóa dân tộc VN», không những biện minh cho TÍNH văn hóa của mình, mà còn có thể nhìn nhận, tiếp thu, trao đổi, hội nhập giá trị của các nền văn hóa của nhân loại.
Nhưng mặt khác, cũng như bất kỳ một nền văn hóa nào, «văn hóa dân tộc VN» phải được khai sinh và còn phải được triển nở, trước hết qua lịch sử của cộng đồng với những tài năng, sáng kiến và công trình cá biệt, tiếp đến là qua những dòng trao đổi, hội nhập sinh động và liên tục với các nền văn hóa khác.
Như vậy, nói theo ngôn ngữ kinh điển, chính hai yếu bất khả phân ly - phần thể (nền tảng nhân tính chung) và phần dụng (sinh hoạt cộng đồng xuyên qua lịch sử) - làm nên căn tính của một nền văn hóa.
Nhưng cần lưu ý rằng lịch sử thì luôn sinh động và đang và sẽ diễn tiến. Do đó khó mà nói rằng một vài tập tục hay hình thức biểu lộ nào đó trong một thời kỳ quá khứ nhất định lại là khuôn vàng thước ngọc cho văn hóa dân tộc. Trong « văn hóa dân tộc VN » có thể có những sinh hoạt thời trống đồng, thời cha ông mang khăn đóng áo dài…nhưng những hình thức đó không thiết định được bản sắc cho toàn bộ văn hóa dân tộc VN.
[Trong một kỳ Đại Học Hè Hải Ngoại dành cho chuyên viên và sinh viên trong thập niên 90, do Trung Tâm Nguyễn-Trường-Tộ tổ chức, khi nói đến phương cách biểu lộ « văn hóa dân tộc VN », nhiều thành viên tham dự nhắc đến lối y phục khăn đóng áo dài. Một giáo sư nói đùa một cách ý nhị: Tại sao không đề nghị lối y phục mang khố vào thời « HùngVương » ! Không phải làm như thế sẽ vừa xa xưa vừa chưa pha chế với Tây Tàu hay sao ?
 Đây, tuy chỉ là câu nói quá đáng, trên một bình diện nào đó, nhưng giúp người nghe ý thức được căn tính thật sự của « văn hóa dân tộc VN », vốn vượt lên bên trên và  bên ngoài những biểu lộ giới hạn như thế.]
 Để dẫn chứng về việc định nghĩa cấu trúc văn hóa nói chung của một cộng đồng nào bất kỳ (trong đó có cộng đồng người Việt chúng ta) mà tôi đã sơ phác như trên, tôi xin đưa ra ba đoạn văn của các tác giả VN đã mặc nhiên đề cập đến văn hóa, những tác giả mà cộng đồng người Việt chúng ta xem là đáng tin cậy trong lãnh vực nầy :
- Bản văn Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái  của Vũ Quỳnh (thế kỷ 15-16) ;
- Truyện Kiều của Nguyễn Du ;
- Phàm lệ cuốn Khổng Học Đăng của Phan Bội Châu (thế kỷ 20).
  • Bản văn Truyện Họ Hồng Bàng của Lĩnh Nam Chích Quái  được chia làm hai phần : Phần thể và phần dụng.
Phần thể ở phần đầu, được viết xuyên qua những hình ảnh của huyền thoại, nhằm gợi lên những cấu trúc siêu nhiên ghi sâu trong lòng người, vượt thời gian, không gian, làm nền cho nhân tính. Vũ Quỳnh gọi tên phần thể nầy là CƯƠNG THƯỜNG ; trong bài tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái, tác giả viết :
Than-ôi! Lĩnh-Nam có nhiều kỳ-trọng, các truyện làm ra không cần phải chạm vào đá, khắc vào ván mà rõ-ràng ở lòng ngýời, bia truyền ở miệng người, ông già, con trẻ thảy đều thông-suốt, đem lòng ái-mộ, khuyên răn nhau, thời việc có hệ ở cương-thường, quan ở phong-tục, há có phải ít bổ-ích đâu?
Phần thứ hai là phần dụng với những tên gọi có nét lịch sử và địa lý nhất định, những phong tục tập quán cá biệt của một cộng đồng dân tộc.
Văn hóa được mặc nhiên định nghĩa như là một sự nối kết bất phân ly giữa thể và dụngtrời và đất :
Bây giờ phải ly-biệt, ta đem năm mươi trai về Thủy-phủ phân-trị các xứ, năm mươi trai theo nàng ở trên đất, chia nước mà cai-trị, dù lên núi xuống nước nhưng có việc thì cùng nghe, không được bỏ nhau. (Trích Truyện Họ Hồng Bàng của Lĩnh Nam Chích Quái)
Cũng nơi bản văn nầy, bản văn mà tôi đánh giá như là một « Sách Sáng Thế » của văn hóa VN, chúng ta chứng kiến trước hết trực giác của tổ tiên về nền tảng về nhân tính, tiếp đó là tài năng sáng tác độc đáo về mặt văn chương với những cảm xúc tâm lý, những hình ảnh liên hệ đến khung cảnh địa lý, sinh hoạt kinh tế xã hội… . Nhưng bên cạnh đó, bản văn có vô số những hình ảnh, điển tích của hai nền văn hóa lớn trong vùng (văn hóa Ấn Độ và văn hóa Trung Hoa). Một cách mặc nhiên, tác giả Vũ Quỳnh cho rằng việc « hội nhập » nầy không phi bác bất cứ điểm nào về bản sắc « văn hóa dân tộc VN » của bản văn, trái lại nó phản ảnh tinh thần vô chấp và khai phóng của nền văn hóa chúng ta. Thực vậy, Trong truyện Bạch Trĩ của cùng cuốn sách nầy[3], Vũ Quỳnh ghi lại cuộc đối thoại có tính cách huyền thoại và tượng trưng giữa Chu Công (là vị thầy của Khổng Tử) với sứ giả nước ta, để biện minh cho giá trị  « văn hóa dân tộc VN » của cuốn Lĩnh Nam Chích Quái :
Chu-Công hỏi :
- Vì sao mà đến đây ?
Sứ-giả thưa :
-          Trời không gió lớn mưa dầmbiển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung-quốc có thánh-nhân nên mới sang đây. (Trích Truyện Bạch Trĩ của Lĩnh Nam Chích Quái)
Thánh nhân, con người đặc biệt đó là người chu toàn nghĩa làm người vốn vượt biên giới chủng tộc, lịch sử…
Đến gặp gỡ thánh nhân ở phương bắc, phương đông hay phương tây…, thánh nhân thời xưa hay thời bây giờ…học hỏi, hội nhập và thực thi các giá trị cao cả làm cho con người thành thánh, đó không phải là nhìn nhận niềm tin vào nền tảng cao siêu và bất biến của nhân tính của bất cứ ai là người hay sao? Đó không phải là xác tín mối tương giao nhân loại và tinh thần liên đới, đồng trách nhiệm cùng nhau hoàn thành nhân tính hay sao ? Đó không phải là thực thi đạo lý căn nguyên « tứ hải giai huynh đệ, trăm con trên trái đất nầy cùng sinh ra từ một bào thai chung » hay sao ?
  • Nguyễn Du[4] là một nhà văn hóa dân tộc, khi truyện Kiều của thi hào đã dấy lên nơi tâm thức của người Việt qua nhiều thế hệ một nguồn cảm hứnthi ca[5]. Nhưng phải chăng truyện Kiều ấy được tiếp nhận là một gia sản văn hóa dân tộc chỉ vì nó phản ảnh tài làm thơ mô tả sâu sắc cảnh tình cảm nam nữ lứa đôi, hoặc tài viết truyện ghi lại đầy đủ nhưng sinh hoạt kinh tế, xã hội của cộng đồng người Việt vào đầu thế kỷ 19 ? Hoặc phải chăng vì truyện Kiều của Nguyễn Du chỉ là một bản phỏng dịch từ một truyện Tàu qua tiếng Việt[6] mà nay cần xét lại giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc của bản văn ? Cách nầy hay cách khác, không thiếu những nhà phê bình văn học đã đánh giá truyện Kiều của Nguyễn Du xuyên qua những chuẩn mực đại loại như thế.
Nhưng bên trên và bên ngoài những khen chê của các trào lưu văn học, đặc biệt trong thế kỷ 20 và những năm tháng gần đây, lời thơ của truyện Kiều luôn là nguồn cảm hứng của bất cứ tầng lớp nào trong cộng đồng người Việt : là lời ru con, là châm ngôn trong câu truyện hằng ngày, cũng là dấu tích lời thần thánh để bói toán, hoặc là lời diễn đạt minh triết… Như thế, sự kiện cộng đồng người Việt tiếp nhận truyện Kiều của Nguyễn Du như là một gia sản văn hóa không phải vì, xuyên qua bản văn ấy, cộng đồng người Việt tiếp cận được Đại Ký Ức của dân tộc mình, luôn nhớ cương thường làm nên cuôc sống văn hóa của mình và cố gắng áp dụng vào bất cứ sinh hoạt nào của mình hay sao? Không phải Kiều của Nguyễn Du cũng như Âu Cơ của Vũ Quỳnh đã cưu mang được Đại Ký Ức của dân tộc, đã trực giác được nghĩa của cuộc sống làm người (trăm năm trong cõi người ta), vừa bị trói buộc của Tài (kiếp hồng nhan = nghiệp phải bị ràng buộc với Đế Lai qua hình ảnh Sở Khanh, Thúc Sinh, Từ Hải), vừa ấp ủ hy vọng cứu độ của Mệnh (lắng nghe lời Đạm Tiên, gắn bó với Giác Duyên = tương giao gắn bó với Lạc Long Quân, hoặc đêm ngày NHỚ Long Quân) hay sao ? Không phải chính vì trực giác và diễn tả được nghĩa của nhân tính của mọi người trong mọi thời đại như thế mà nhà văn hóa của dân tộc Việt Nam Nguyễn Du cũng được các dân tộc khác trên thế giới chân nhận là nhà văn hóa, làngười hiền của nhân loại hay sao[7] ?
·         Trong phàm lệ giới thiệu về cuốn Khổng Học Đăng, Sào Nam Phan Bội Châu viết : 
"Cái danh từ học cũ chẳng phải là cái đồ để đánh cắp áo mũ cân đai đâu? Cái danh từ học mới chẳng phải là cái mồi để hốt gạt mề đay kim-khánh đâu...!
Hễ ai đọc bản sách nầy, trước phải lập định một cái chí khí tự nhiên rằng: "Ta là Khổng Tử, ta là Mạnh Tử, ta là Bá Lạp Đồ (Platon), ta là Khang Đức (Emmanuel Kant), chẳng qua đời tuy có xưa nay, đất tuy có đông tây, mà tâm lý in như nhau, thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền; ta chỉ là người hậu tiến của cổ nhân mà thôi. Có chí khí ấy thời đọc quyển sách nầy mới thích.
Nếu ai chưa đọc sách nầy mà trước đã có một ý kiến sẵn: định làm nô lệ cho người đời xưa, hay định làm nô lệ cho người đời nay thời xin chớ đọc.
(… )
Mục đích người làm bản sách nầy là cốt phù trì nhân đạo; nếu ai không để lòng vào nhân đạo thời xin chớ đọc"[8].
Cũng như Vũ Quỳnh và Nguyễn Du, Phan Bội Châu chân nhận nền tảng văn hóa là nhân đạolà cương thường hay thể chung cho mọi người, mọi nơi mọi lúc ; nhưng nhân đạo đó được khai sinh, được diễn tả, được thực thi do những con người, những cộng đồng khác nhau trong những thời đại khác nhau; cũng vì thế nhìn bên ngoài (qua cách diễn tả và qua lịch sử) lại có những nền văn hóa khác nhau, những học cũ, học mới.
Cũng như Vũ Quỳnh và Nguyễn Du, Phan Bội Châu cho rằng tinh hoa của văn hóa được cưu mang bởi hình ảnh của thánh hiền[9] là di sản chung của nhân loại : thánh hiền tức là ta, ta tức là thánh hiền, vì đằng sau những học cũ, học mới của các vị là nhân đạo chung của mọi người trong đó có ta.
Nhưng truyền thống dân tộc gắn liền nội dung của sinh hoạt văn hóa với thánh nhân, thánh hiền, đạo làm ngườiđã hụt hơi kể từ những đổi thay của xã hội Việt Nam vào giữa tiền bán thế kỷ 20. Cuộc tranh cãi về học cũ - học mớinhư Phan-Bội-Châu đã nói đến, những nghiên cứu rất có giá trị về cổ học và nhân chủng học … của Trường Viễn Đông Bác Cổ, những trào lưu canh tân xã hội v.v., tất cả vốn là những sinh hoạt bên ngoài của văn hóa, đã bị đồng hóa là toàn bộ sinh hoạt văn hóa. Từ đó, TÍNH hay hồn của văn hóa như bị lãng quên. Trước hiện tượng đứt đoạn đó của truyền thống văn hóa dân tộc, Phan-Bội-Châu đã mạnh mẽ lên tiếng cảnh giác như ta đọc thấy trong mấy hàng trích từPhàm Lệ cuốn Khổng Học Đăng ; tác giả Lê-Văn-Siêu trong cuốn  Việt Nam Văn Minh Sử Cương  còn nói rõ hơn chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn”[10]. Trong một bối cảnh như thế, cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào-Duy-Anh được cho xuất bản. Ngay chương đầu, tác giả đi ngay vào định nghĩa thế nào là văn hóa. Tôi nhắc đến cuốn sách nầy và định nghĩa nầy về văn hóa vì các tác giả nghiên cứu sinh hoạt văn học Việt Nam từ gần một thế kỷ qua thường trích dẫn chúng như một tài liệu cổ điển có giá trị đối chiếu.
Cuốn sách xuất bản sau cuốn Khổng Học Đăng của Phan-Bội-Châu chưa đến mười năm, nhưng nội dung định nghĩa văn hóa của đôi đường hoàn toàn cách biệt.
Theo Đào-Duy-Anh:
Người ta cho rằng văn hóa chỉ là những học thuật tư tưởng của loài người, nhân thế mà xem văn hóa có tính chất cao thượng đặc biệt. Thực ra không phải như vậy. Học thuật tư tưởng cố nhiên là ở trong phạm vi của văn hóa nhưng phàm sự sinh hoạt về kinh tế, về chính trị, về xã hội cùng hết thảy các phong tục tập quán tầm thường lại không phải là ở trong phạm vi văn hóa hay sao? Hai tiếng văn hóa chẳng qua là chỉ chung tất cả các phương diện sinh hoạt của loài người cho nên ta có thể nói rằng : Văn hóa tức làsinh hoạt.
Văn hóa đã tức là sinh hoạt thì không kể là dân tộc văn minh hay dã man đều có văn hóa riêng của mình, chỉ khác nhau về trình độ cao thấp mà  thôi. Ví dụ văn hóa của các dân tộc Âu Mỹ thì cao, mà văn hóa của các dân tộc mọi rợ Phi châu, Úc châu cùng các giống người Mường, Mán Mọi ở nước ta thì thấp.
Vì lẽ gì văn hóa của các dân tộc khác nhau như thế? Vì rằng các sinh hoạt của các dân tộc không giống nhau. Chính vì những điều kiện tự nhiên về địa lý khiến mỗi dân tộc sinh hoạt ở trên cơ sở kinh tế khác nhau, cho nên cách sinh hoạt cũng thành khác nhau vậy. Bởi thế muốn nghiên cứu văn hóa của một dân tộc, trước hết phải xét xem dân tộc ấy sinh trưởng ở trong những điều kiện địa lý thế nào.
Các điều kiện địa lý có ảnh hưởng lớn đối với cách sinh hoạt của người ta, song người là giống hoạt động cho nên trở lại cũng có thể dùng sức mình mà xử trí và biến chuyển những điều kiện ấy cho thích với những điều cần thiết của mình. Cách sinh hoạt vì thế mà  cũng biến chuyển và khiến văn hóa cũng biến chuyển theo (...)[11]
Trước hết Đào-Duy-Anh có công khi phân biệt một hình thái sinh hoạt văn hóa là học thuật tư tưởng với nội dung văn hóa nói chung. Trong quan điểm hời hợt của quần chúng, nhất là vào một thời có tranh cãi về  học cũ- học mới để có thêm kiến thức làm việc nầy việc nọ, nhất là để làm quan, làm giàu như Phan-Bội-Châu từng nêu lên, thì việc phân biệt như thế rất có giá trị.
Nhưng theo truyền thống văn hóa của cộng đồng người Việt mà Vũ Quỳnh, Nguyễn Du, Phan Bội Châu trước đó phản ảnh, một truyền thống chân nhận thánh nhân, thánh hiền là nguyên tượng của văn hóa, thì đâu có hiện tượng xếp văn hóa trong khuôn khổ giới hạn của học thuật tư tưởng. Không phải Vũ Quỳnh[12] từng định nghĩa văn hiến là cương thường phát xuất từ tâm con người làm giềng mối cho bất cứ sinh hoạt nào của cuộc sống con người hay sao ? Trong tâm thức người Việt Nam, ngữ nghĩa của từ thánh nhân, thánh hiền không nhằm nói đến người có nhiều kiến thức, những người lập thuyết hay biện luận giỏi, nhưng gợi lên hình ảnh người tuân thủ đạo làm người trong bất cứ sinh hoạt nào của mình.
Như thế các bậc tiền bối và Đào-Duy-Anh đều có chung quan điểm không cho rằng văn hóa chỉ là học thuật được hiểu là các lý thuyết, các loại kiến thức và kỹ năng... mà là toàn bộ sinh hoạt của con người.
Nhưng trong phần tiếp của đoạn văn nhằm giải minh đâu là nền, là thể làm cho sinh hoạt con người mang TÍNH văn hóa, và do đâu có sự khác biệt của các nền văn hóa, thì rõ ràng quan điểm của Đào-Duy-Anh đã tự tách ra khỏi truyền thống dân tộc và tâm thức sâu kín của người Việt mà văn học bình dân cũng như các tác phẩm văn chương của các hiền nhân tiền bối phản ảnh. Mẫu người văn hóa của Đào-Duy-Anh không còn là thánh nhân, hiền nhân, người tuân giữ Đạo Làm Người (= nhân đạo) qua mối tương giao “linh ư vạn vật” mà mối tình Âu-Cơ và Lạc-Long-Quân gợi lên và qua mối tương giao huynh đệ “trăm con cùng chung một bào thai”;  mẫu người văn hóa mới không còn là kẻ“trọng nghĩa khinh tài”, cũng không còn là người chiến sĩ của cuộc chiến giữa Tài và Mệnh, giữa Tài và Tâm, nhưng làcon người kinh tế đấu tranh với thiên nhiên địa lý để kiếm ăn và đấu tranh kinh tế với đồng loại để sống còn. Con người văn hóa và các nền văn hóa nay được định chuẩn qua cuộc chiến chế ngự thiên nhiên và tranh chấp giữa người với người về kinh tế. Họ sẽ được xếp loại cao thấp qua kết quả thành công hay thất bại theo thước đo mà các thánh hiềnTrung Hoa và Hy Lạp gọi là Đạc Điền (= Đo đất) hoặc Géométrie, còn văn hóa truyền thống Việt Nam gọi là tương quan Âu-Cơ và Đế Lai (= con người thuần kinh tế đi tìm, chiếm giữ và hưởng thụ của cải riêng cho mình). Với thước đo văn hóa dựa trên việc chinh phục và khai thác thiên nhiên (địa lý) như thế, Đào-Duy-Anh đã đánh giá văn hóa của các dân tộc Âu Mỹ thì cao, mà văn hóa của các dân tộc mọi rợ Phi châu, Úc châu cùng các giống người Mường, Mán Mọi ở nước ta thì thấp.
(Không biết có phải vì cuốn sách của Đào-Duy-Anh là một trong những cuốn sách đầu tiên trong văn học Việt Nam (?) minh nhiên nêu lên hai chữ văn hóa và được trình bày có hệ thống, hoặc còn do nhiều lý do khác nữa, mà nhiều sách nghiên cứu văn hóa về sau thường nêu định nghĩa từ cuốn sách nầy như một tiền đề mặc nhiên. Và sự kiện đó không phải là chuyện đương nhiên của giới nghiên cứu văn hóa chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy vật, duy vật biện chứng... nhưng điều đáng ngạc nhiên là ngay cả những người không cùng quan điểm nếu không nói là phi bác chủ nghĩa nầy thì cũng trích dẫn Đào-Duy-Anh như một đề nghị tích cực.)
Phải chăng việc bứng gốc căn tính của văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam nằm trong một bối cảnh lịch sử xã hội quá đặc biệt vào tiền bán thế kỷ 20 ? Trong cách nhìn sinh hoạt văn hóa thuần túy dự trên bối cảnh xã hội, kinh tế, chính trị ... mà Đào-Duy-Anh đã gợi lên một cách khá đầy đủ, có thể đưa ra giả thuyết rằng sự rút lui của căn tính của văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, trước hết là do chính hoàn cảnh lịch sử xã hội riêng của cộng đồng Việt Nam lúc bấy giờ. Khi phải chung đụng với một cường quốc thực dân Tây phương vốn tự tôn vinh họ là một dân tộc có văn hóa cao, tâm thức và sinh hoạt văn hóa của người dân mình, đặc biệt là giới có trách nhiệm, vì tư ái dân tộc, đã có những phản ứng hoặc tự tôn hoặc tự ti để rồi chủ trương bảo thủ lối cũ của cha ông hay canh tân theo nếp sinh hoạt Tây phương; điều mà Phan-Bội-Châu gọi là học cũ và học mới. Tiếp đó cũng phải lưu ý thêm về ảnh hưởng của trào lưu của Thời Đại Tân Kỳ (Les Temps Modernes) khai sinh và phát triển trong xã hội Tây phương vào hậu thế kỷ 19 và phổ biến trên thế giới vào tiền thế kỷ 20... Những nhà nghiên cứu có thể còn đưa ra nhiều dữ kiện khác nữa để dẫn chứng và biện minh cho sự đổi thay nầy. Nhưng tất cả những nghiên cứu đó đều đặt nền tảng trên một tiền kiến về căn tính của văn hóa đại loại như Đào-Duy-Anh đã diễn tả. Nói cách khác, nếu dùng lối nói của Phan-Bội-Châu thì những nghiên cứu, những tranh luận liên quan đến sự đổi thay “cái học cũ, cái học mới” vốn đã quên lãng căn tính của văn hóa, căn tính được Phan tiên sinh gọi là nhân đạo.
Theo Phan tiên sinh, sự đổi thay nầy không phải là một đổi thay về hình thái, về phương cách biểu lộ hay phần dụng của nhân đạo tùy thuộc vào hoàn cảnh tâm lý, xã hội, địa lý chính trị... nhưng là sự lãng quên hay đúng hơn là đánh mất hồn hay căn tính của văn hóa, đó là nhân đạo.
Vào thế kỷ 15 và 16, Vũ Quỳnh trong Lĩnh Nam Chích Quái  thì ví sự đổi thay nầy như việc Âu-Cơ quay lại với Đế Lai ở Phương Bắc và quên đi mối tương giao với Lạc Long Quân là cha của 100 người con nhân loại. Văn hóa lúc bấy giờ không còn là tương giao với Long Quân ẩn kín mà hiện thân là Âu-Cơ, người Mẹ nuôi dưỡng đàn con bằng sữa NHỚ của mình trong bất cứ sinh hoạt nào của cuộc sống (xem phần hai của truyện Họ Hồng Bàng). Rõ nét hơn nữa, trong truyện Bạch Trĩ, qua lời đối đáp của sứ-giả của Hùng-Vương với Chu-Công, Vũ Quỳnh nhắc nhỡ rằng căn tính của văn hóa hay đạo làm người mà hình ảnh tượng trưng là thánh nhân vượt lên trên những hình thái bên ngoài của sinh hoạt xã hội, chính trị, kinh tế... :
Thời Thành-Vương nhà Chu, Hùng-Vương sai sứ-thần đem qua dâng cho nhà Chu giống chim bạch-trĩ, nhưng ngôn-ngữ bất-thông. Chu-Công sai người dịch lại mới hiểu.
Chu-Công hỏi rằng :
- Người Giao-Chỉ cắt tóc, vẽ hình, để đầu trần, ngón chân cong, là tại làm sao ?
Sứ-giả thưa rằng :
- Cắt tóc để tiện vào rừng; vẽ mình để làm hình rồng, khi lặn lội dưới nước thì giao-long không dám phạm đến; chân cong để tiện trèo cây, cày dao, đốt lửa, gieo lúa; đầu trần để khử nóng bức, ăn cau trầu để trừ ô-uế và làm cho răng đen.
Chu-Công hỏi :
- Vì sao mà đến đây ?
Sứ-giả thưa :
- Trời không gió lớn mưa dầmbiển không nổi sóng nay đã ba năm, ngỡ là Trung-quốc có thánh-nhân nên mới sang đây. (Trích Truyện Bạch Trĩ của Lĩnh Nam Chích Quái)
Nếu đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, thì văn hóa theo định nghĩa của Đào-Duy-Anh là Tài quên Tâm, là Kiều “đào hoa” sinh hoạt với Sở Khanh, với Thúc Sinh, với kinh kệ bên ngoài trong khuôn viên gia đình do Hoạn Thư sắp xếp, với Từ Hải ... mà quên đi một Kiều đã chết đi Tài, vượt lên trên kiếp đào hoa để tìm lại Tâm khi tiếp cận với Giác Duyên (= Ơn Cứu Độ) trên sông Tiền Đường.
“Tâm, thánh nhân, thánh hiền, nhân đạo, hồn của văn hóa”  vắng bóng trong sinh hoạt văn hóa hầu như chính thức kể từ giữa thế kỷ 20 đến nay. Không phải dấu tích sinh hoạt của con người về tài trí (homo sapiens), về khả năng lao động chế ngự và quản lý thiên nhiên địa lý (homo faber), về những sáng kiến và hình thức hưởng dụng tài vật, những thú vui giải trí tiêu khiển (homo ludens) là không có chút giá trị văn hóa nào. Nhưng xin lập lại lời của Lê-Văn Siêu : “chỉ lưu ý tới phần xác của nó lắm khi khô khan và trơ trẽn”.
         Đến đây, chúng ta tự hỏi khi nêu lên vấn đề định hướng cho sinh hoạt văn hóa, cổ súy văn hóa dăn tộc …, thì chúng ta có cần tiếp tục đưa thêm một nét riêng nào đó trong nếp sinh hoạt của cộng đồng người Việt, một nét riêng trong muôn ngàn sinh hoạt như Đào Duy Anh gợi lên, để chủ trương sinh hoạt ấy là thiết yếu như thiên hạ thường làm hay không ?
      Hay chúng ta đề nghị với nhau trước hết nên cố lắng nghe những bậc tiến bối  là phát ngôn tâm hồn văn hóa của cha ông chúng ta xem họ cảm nhận ý nghĩa của văn hóa như thế nào.



[1] Bản dịch của Gs Lê Hữu Mục, do nhà xuất bản Trăm Việt, Portland, Hoa Kỳ tái bản 1982.
[2]  Nguyên bản  Truyện họ Hồng Bàng  chỉ có 2 trang chữ in, khổ A5, nơi bản dịch qua chữ quốc ngữ.
[3] Xem Nguyễn Đăng Trúc, Văn Hiến, nền tảng của minh triết, Định Hướng xb, Reichstett, 1997, Chương VIII : Tinh thần kiểm thảo vô chấp và tinh thần khai phóng của minh triết.
[4] Xin đọc Nguyễn Đăng Trúc, Kiều của NGUYỄN DU (1766-1820), một gia sản văn hóa nhân loại, Tập San Định Hướng.
[5] Về cảm hứng thi ca, Socrate đã  mô tả như sau: « Không phải do tài năng nào của mình mà các thi sĩ làm thơ, nhưng là do cảm hứng từ một quyền năng của Thần. Vì nếu dựa vào một tài năng trình bày lưu loát như người ta thường làm được trong các bộ môn nào đó, thì phải chăng thi ca cũng chỉ là một bộ môn nào bất kỳ hay sao! Bởi vậy, Thần đã xóa hết tài năng lý trí con người để dùng họ làm thi sĩ, cho họ nhập Thần và trở nên những tiên tri của Trời. Nhờ thế khi nghe lời thơ của các thi sĩ, thì chúng ta hiểu được rằng không phải do chính tài năng họ mà họ có được những giá trị cao cả, bởi lẽ lúc ấy họ đã bị tước hết tài trí của mình rồi; nhưng chính Thần nói, Thần chuyển lời của Thần đến với chúng ta qua trung gian các thi sĩ ! » (PLATON, Ion. 534 c-d;  534 e..).
[6] Xem DƯƠNG Quảng Hàm, Việt Nam Văn học sử yếu, tr. 378: "Khi ta so sánh nguyên văn quyển Kim Vân Kiều truyện nầy (do tác giả hiệu là Thanh tâm tài nhân) với nguyên văn truyện Kiều của Nguyễn Du thì ta thấy rằng đại cương tình tiết hai quyển giống nhau: các việc chính, các vai nói đến trong truyện Kiều đều có cả trong cuốn tiểu thuyết Tàu".
[7] Xem Karl JASPERS, Les grands philosophes, tome 1, trad. C. Floquet et autres, Plon, Paris, 1989, tr. 36 : Vĩ nhân không chỉ là người nắm bắt thời đại bằng tư duy của mình, mà còn giúp con người nơi cõi nầy đụng chạm đến vô tận. Vì thế tự căn nét siêu việt trong tác phẩm và nơi cuộc sống người ấy cống hiến một tấm gương soi dẫn mọi thời đại, mỗi một người trong toàn thể nhân loại.   
[8]  Sào Nam PHAN Bội Châu, Khổng Học Đăng, Khai Trí, Sàigòn xb, 1973, Phàm Lệ (1929).
[9] VŨ Quỳnh gọi là thánh nhân, Nguyễn Du diễn tả qua hình ảnh Kiều đã chết nghiệp hay kiếp hồng nhan bị khống chế bởi Tài để trở thành Kiều được Giác Duyên (Tâm) cứu thoát đúng với Mệnh của mình.
[10] LÊ Văn Siêu, Việt Nam Văn Minh Sử Cương, Nhóm Khởi Hành, Đức Quốc, tái bản 1990, tr. 23.
[11] ĐÀO Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, xb Quan Hải Tùng Thư, Huế, 1938, tr.13.
[12] Xem lại Lời tựa cuốn Lĩnh Nam Chích Quái trích ở phần trên.