Chữ quốc-ngữ và chữ nôm


                          Tự-vị Taberd và di-sản văn-hóa Việt-Nam
Chữ quốc-ngữ và chữ nôm
GSTS Trần Văn Toàn
Lambersart, 19/01/2005

          Đối với những ai có lòng tha-thiết với văn-hóa dân-tộc, thì cuốn tự-vị Việt-La-tinh do giám-mục Taberd biên soạn và cho in bên Ấn-độ năm 1838, thực là một tài-liệu không thể bỏ qua, vì nó đánh dấu một chặng đường quan-trọng trong lịch-sử hình-thành của nền quốc-học Việt-Nam. Quan-trọng là vì đây là lần đầu tiên chữ quốc-ngữ được đối chiếu với chữ nôm trong một cuốn tự-vị được in ra. Các tự-vị chữ nôm được biên soạn và ấn-hành sau này đều lấy lại cái sáng-kiến đó một như là một việc rất tự-nhiên.
         
Có lẽ đôi khi, vì nhiều lý-do, người ta ngần-ngại không muốn nhìn nhận tác-phẩm đó là một tài-liệu có tầm-cỡ quan-trọng. Một lý-do chính, có lẽ là vì lẽ nó do một người ngoại-quốc biên-soạn, cho in ở ngoại-quốc, và hơn nữa lại viết bằng tiếng La-tinh. Cũng dễ hiểu: vào thời buổi này, muốn học được khoa-học và kỹ-thuật, muốn hiểu được chính-trị và kinh-tế trong thế-giới, thì cần phải am tường sinh-ngữ. Cho nên ở Việt-Nam chúng ta không thiếu các thứ tự-vị Anh, Pháp, Tàu, Nhật, v.v.. Chứ ngoài một thiểu số người công-giáo, vì lý-do tôn-giáo, thì hỏi có ai nghĩ đến việc học một cổ-ngữ như tiếng la-tinh, không có liên quan gì đến văn-học Việt-Nam ? Một lý-do khác nữa có lẽ là lòng tự-ái.
Nhưng trái lại, cũng chính vì lòng tự-ái dân-tộc, mà tôi trộm nghĩ tự-vị Taberd là một công-trình quan trọng, đáng được chú-ý. Thực vậy, người Việt ta ý-thức rằng mình có một nền văn-hóa riêng, nhiều khi còn bạo-dạn tuyên-bố mình có bốn nghìn năm văn-hiến, nghĩa là không thua gì người Tàu. Nhưng cái ý-thức đó dù sao cũng còn là chủ-quan : chắc gì là người Tàu đã chịu nhận như thế ? Ta biết họ từ xưa vẫn đã có ý-định đồng-hóa, làm cho người Việt thành ra người Tàu. Lần cuối cùng khi họ đô-hộ nước ta, vào thời nhà Hồ, thì quan lại nhà Minh đã tìm cách thu lấy cho hết các sách vở của người Việt, kể cả sách viết bằng chữ Hán. Kho tàng văn-hóa của ta cũng vì thế mà mất-mát đi khá nhiều. Đàng này khác: các giáo-sĩ Tây-phương sang truyền-giáo đã công-nhận và tôn-trọng văn-hóa riêng của ta. Như thế thiết-tưởng không phải là vì ta cũng dùng chữ Hán, cũng có tam-giáo như người Tàu, nhưng chắc-chắn là vì ta có tiếng nói riêng và chữ viết riêng, tức là chữ nôm. Tôi dám chắc rằng nếu trên đất Việt-Nam xưa kia không có chữ nôm, mà chỉ có chữ Hán, thì dĩ-nhiên là người Tây-phương hẳn đã cho rằng người Việt cũng chẳng khác gì người Tàu. Chính vì chưa hiểu rõ như thế cho nên khi đức giáo-tông Alexandre VII gửi tông-huấn cho các giám-mục ở Đàng Ngoài và Đàng Trong thì đã đề cho nó cái tên nghe thật lạ tai: Tông-huấn chỉ đạo cho các vị đại-diện giáo-tông-tòa đang lên đường sang các quốc-gia của người Tàu ở Đàng Ngoài và Đàng Trong (1659) !   
          Trước hết, ngay từ thế-kỷ XVII, các giáo-sĩ Tây-phương sang Việt-Nam truyền giáo, đã ra công quan-sát phong-tục tập-quán, đồng thời học tiếng nói và chữ viết của ta, để dễ bề chia-sẻ niềm tin của họ với người mình. Họ rất có thiện-cảm với người Việt, và đã viết ra nhiều lời ca-tụng văn-hóa và ngôn-ngữ của chúng ta. Ngay trong đầu thế-kỷ XVII, giáo-sĩ Girolamo Maiorica là người Ý (Italia) đã soạn ra hàng chục cuốn sách đạo bằng chữ nôm. Sau đó giáo-sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc- Lộ) quê ở Avignon (nay thuộc về nước Pháp) đã cho in tại Roma năm 1651 sách giáo-lý bằng chữ quốc-ngữ Việt-Nam và tiếng La-tinh, sách về ngữ-học Việt-Nam bằng tiếng La-tinh và tự-vi Việt-Bồ-đào-nha-La-tinh. Những người đã xướng-xuất ra các công-trình ấy vốn là những người có học-thức, có đầu óc cởi mở, và đã ra công học hỏi được nhiều, nhưng ta không nên quên rằng các vị ấy đã học với người Việt mình. Những người Việt này thường là những thầy giảng  đi theo cộng-tác trong việc truyền-giáo. Họ cũng là những người biết chữ thánh-hiền, biết sử-dụng chữ nôm, và hiểu biết phong-tục tập-quán nước ta. Cho nên tuy rằng trong các công-trình ấy không nhắc đến tên tuổi của họ, nhưng ta cũng chắc được rằng những người công-giáo Việt-Nam ấy đã đóng góp vào đó, nếu không phải là về phương pháp thì cũng là về phần tài liệu, một phần không phải là nhỏ. Cho nên khi làm những công-việc đó với người ngoại quốc, họ lại càng ý-thức được cái gì thuộc về văn-hóa nước nhà.
          Còn về việc viết bằng tiếng La-tinh, thì ta cũng nên biết rằng vào mươi thế-kỷ trước đây, tiếng La-tinh là ngôn-ngữ dùng trong giáo-hội công-giáo, đồng thời cũng là ngôn ngữ của giới học-giả Âu-châu (cũng như chữ Hán trong miền đông châu Á), Xin đan-cử một ví-dụ : Các triết-gia như Hegel, Feuerbach đều viết luận-văn tiến-sĩ triết-học bằng tiếng La-tinh, còn Karl Marx thì tuy viết luận-văn bằng tiếng Đức nhưng đã tham khảo sách vở bằng tiếng La-tinh và tiếng Hi-lạp. Các giáo-sĩ, cũng như các học-giả thời đó, ngoài tiếng nói nước mình còn biết tiếng La-tinh nữa. Cho nên khi viết sách và tự-vị bằng tiếng La-tinh, không phải chỉ là để cho người công-giáo, mà còn là để cho giới học-giả Âu-châu học biết ngôn-ngữ và văn-hóa Việt-Nam nữa. Có một điều mà có lẽ chưa ai để ý, là những người như Alexandre de Rhodes, Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá-Đa-Lộc) hay Jean-Louis Taberd, là những người nói tiếng Pháp, đều đã soạn tự-vị Việt-La-tinh, chứ không soạn tự-vị Việt-Pháp. Lý-do thật là đơn-giản : họ là người đi giảng đạo Thiên-Chúa, đi chia-sẻ niềm tin công-giáo, chứ không phải là người đi truyền-bá văn-hóa, chính-trị và học-thuật nước Pháp. Về sau này, khi người Pháp can-thiệp vào Việt-Nam và đặt nền thống-trị của họ trên đất nước ta, thì lúc đó mới thấy xuất-hiện nhiều tự-vị Việt-Pháp và Pháp-Việt.
          Nếu ta bỏ hẳn phần tiếng La-tinh ra, thì tự-vị Taberd cũng vẫn còn là quan trọng, vì lẽ trong tự-vị vừa dùng chữ quốc-ngữ, vừa dùng chữ nôm. Chữ quốc-ngữ thì ghi được một cách khá chính xác cách phát-âm, còn chữ nôm thì tuy không ghi được cách phát âm, nhưng cũng là kết tinh của mấy thế kỷ ông cha chúng ta cố gắng để tự-lập về văn-hóa đối với người Hán-tộc. Như vừa nói trên đây, các tự-vị chữ nôm ngày nay của ta cũng dùng hai thứ chữ viết như thế.
 Chính vì ở phần dẫn-nhập và phần chỉ-dẫn trong Tự-vị, soạn-giả đã viết tới hơn bốn mươi trang lớn bằng tiếng La-tinh, là một cổ-ngữ mà ngày nay cả bên Âu-châu cũng ít người đọc được, cho nên thiết-tưởng cũng cần phải giải-thích tóm tắt nội-dung của các phần đó.
          Sau đây xin có mấy lời  về : 1- Thân thế và sự-nghiệp của soạn-giả ; 2- Nội-dung cuốn tự-vị ;  3- Tự-vị và nền quốc-học ; 4- Vấn-đề quốc-ngữ.

1- Thân-thế và sự-nghiệp của soạn-giả


          Jean-Baptiste Louis TABERD (tên Việt là Từ) sinh tại Saint-Étienne, quận Loire (Pháp) ngày 18-6-1794, gia-nhập Hội Truyền-Giáo Nước Ngoài, trụ-sở tại Paris (Société des Missions Étrangères de Paris), thụ phong linh-mục ngày 27-7-1817. Ngày 7-11-1820, rời Pháp, trên tàu Maison Saget, sang Việt-Nam truyền giáo. Vào những năm 1825, 1827, theo lệnh vua Minh-Mạng, các giáo-sĩ người Pháp bị đưa về Dinh Cung-Quán ở Huế quản-thúc, trong số này có linh-mục Taberd ; nhưng nhờ tổng-trấn  Lê Văn Duyệt can-thiệp, nên linh-mục được tự-do lui về Saigon. Ngày 30-5-1830, tại Bangkok linh-mục Taberd được tấn-phong làm giám-mục, với hiệu tòa Isauropolis, và được lãnh trách-nhiệm coi sóc địa-phận Đàng Trong, nhưng vì hoàn-cảnh khó-khăn nên chỉ ở miền nam chứ không ra ngoài Huế được.
          Giám-mục Taberd đang ở Thị-Nghè, thì lại bị vua Minh-Mạng ra dụ ngày 6-1-1833, triệu về Huế trình diện, nên cùng với ba giáo-sĩ Pháp và mười lăm chủng-sinh ở Lái-Thiêu trốn ra khỏi Thị-Nghè, qua ngả Châu-Đốc, Hà-Tiên, Campuchia, tới Chanthaburi ngày 21-3, rồi tới Bangkok sau hơn một tháng trời. Hành trình hết sức mệt nhọc.
          Tại Bangkok nhà vua nước Xiêm (Thái-lan) muốn lợi-dụng và lôi-cuốn giám-mục về phía nước Xiêm để chống lại Việt-Nam, nhưng bị từ chối. Để khỏi vướng mắc về chính-trị, mùa hè năm 1834, giám-mục trốn xuống Penang, Singapore, rồi sang xứ Bengale bên Ấn-độ. Nhận thấy không thể trở lại Việt-Nam được, nên giám-mục Taberd đã xin Tòa Thánh bổ-nhiệm phó giám-mục ở Đàng Trong, để làm việc thay cho mình. Vì thế năm 1835, linh-mục Étienne Théodore Cuénot (tên Việt là Thể) được cử vào chức-vụ này. Năm 1838 giám-mục Taberd xin từ chức giám-mục Đàng Trong, và được  cử làm giám-mục ở xứ Bengale. Cũng năm ấy ngài cho xuất-bản tại nhà in J. C. Marshman ở Serampore cuốn Nam Việt Dương Hiệp Tự Vị - Dictionarium Anamitico-Latinum. Ngài mất tại Calcutta  ngày 31-7-1840.
          Cuốn tự-vị này được hoàn-thành, ít nhất đã có sự cộng tác của chủng-sinh Philiphê Phan Văn Minh, vì khi ông này còn đang học tại đại chủng-viện Penang, đã được giám-mục Taberd mời sang Calcutta để cộng-tác vào việc biên-soạn. Sau này Phan Văn Minh đã được thụ-phong linh-mục. Thực ra các soạn-giả đã dùng làm căn-bản bổ-sung khá rộng cuốn tự-vị chép tay Dictionarium anamitico-Latinum của giám-mục Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) đã soạn vào những năm 1772-1773, nhưng chưa soạn xong hẳn.
          Ngoài cuốn tự-vị nổi tiếng đó, giám-mục Taberd còn cho xuất-bản :
-         Tabula geographica imperii annamitici, Bengale, 1838.
-         Documenta rectae rationis, Pondichéry, 1838 (Sách này dùng vào việc huấn-luyện các chủng-sinh Việt-Nam và Trung-hoa. Sách được tái-bản lần thứ ba tại Hương-cảng năm 1914).
-         Giáo-lý Đàng Trong, 1838. (Theo soạn-giả Trương Bá Cần dẫn chiếu cuốn Bibliotheca Missionum.  Xin coi : Công giáo Đàng Trong thời giám-mục Pigneau, Tủ sách Đại Kết, 1992, trang 40).

2- Nội-dung cuốn tự-vị


2.1-      Phần dẫn-nhập và chỉ-dẫn

          Đáng chú ý là phần dẫn-nhập và chỉ-dẫn, vì nó cho ta biết thêm về nguồn gốc cuốn tự-vị, lại cho ta thấy soạn-giả đã có hiểu biết nhiều về văn-học Việt-Nam, đồng thời cũng muốn thông những cái biết ấy cho người khác. Trong phần này số trang được ghi theo kiểu viết số Rô-ma. Trong số 46 trang thì trừ 8 trang viết bằng chữ quốc-ngữ ra, các trang khác đều viết bằng tiếng La-tinh cả.
          Ngay trong phần dẫn-nhập (tr. I-II), soạn-giả cho biết cuốn tự-vị đã được khởi-công do giám-mục Bá-Đa-Lộc, tức Pierre Pigneaux de Béhaine, là người thạo tiếng Đàng Trong. Ta biết vị này còn thạo cả chữ Hán nữa, và còn soạn một cuốn tự-vị Hán-Việt-La-tinh, hơn 900 trang, được tàng-trữ trong văn-khố Hội Truyền-giáo Nước Ngoài tại Paris, và cũng mới do hội này rọi ảnh cho in ra vào cuối năm 2001[1], và cuốn Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ  (bản chữ nôm có bài tựa bằng chữ Hán, đã được in tại Quảng-đông[2]  năm 1774, bản chữ quốc ngữ mẫu-tự La-tinh thì còn trong văn-khố nói trên). Qua bao nhiêu cuộc binh-đao, sau vụ nhà trường đào-tạo chủng sinh Việt-Nam ở Cà-mau bị đốt cháy năm 1778, bản chép tay đã được cứu thoát và đem sang Bengale rồi được tu-bổ và ấn-hành,
          Mục-đích của người làm tự-vị này là để giúp cho những người muốn học tiếng Việt, như các nhà truyền-giáo ở Việt-Nam, các thương-gia, các khách du-lịch, các học-sinh Việt-Nam và các học-giả  muốn tìm hiểu về văn-chương Việt-Nam.
          Nhận xét thứ nhất của soạn-giả là ngôn ngữ nước ta do ngôn-ngữ Trung-hoa mà ra. Lý do là vì cách viết rất giống chữ Hán : một phần thì lấy lại đúng chữ Hán, một phần thì lấy từ chữ Hán mà chế-biến ra. Vì có những cái thay đổi như thế, cho nên người Tàu đọc chữ Việt  (chữ nôm) không ra, mà người Việt nói thì họ không hiểu được. Tuy nhiên, soạn giả viết tiếp, chữ Hán được dùng bên Việt-Nam trong các bộ luật và trong các đơn-từ, ai muốn được bổ làm quan thì phải học chữ Hán. Vì thế họ có thể bút-đàm được với người Tàu. Nói tóm lại là người Việt dùng hai thứ ngôn-tự : tiếng nói hằng ngày của người dân và chữ Hán dùng trong giới nhà nho. Soạn-giả đưa ra nhiều ví-dụ để giải thích người Việt dùng chữ Hán, có lúc đổi hẳn nghĩa, có lúc thì đọc trại đi thành ra dăm ba từ ngữ khác. Như thế quả là soạn-giả đã khá hiểu tình trạng tiếng Việt.
          Sau những nhận-xét chung, thì trình-bầy tiếng Việt. Bắt đầu là giảng về âm-học, thanh-học và văn-phạm Việt-Nam. Soạn-giả viết thật tỉ-mỉ về các chính-âm, các phụ-âm đầu và phụ-âm cuối, và về cả sáu thanh như tiếng Đàng Ngoài (tr.III-IX).  Có điều đáng chú ý là soạn-giả có kể ra hai phụ-âm đầu là bl ml, trước đây vẫn dùng cho đến đầu thế-kỷ XIX, nhưng trong chính tự-vị thì không dùng đến nữa, mà thay bằng hai phụ-âm tr l. Còn về văn-phạm thì viết vắn tắt (trang IX-XII) và viết các phần đoạn theo như văn-phạm Âu-châu. Nhưng bù vào đó thì lại có hơn hai chục trang (XIII-XXXIX) về các phụ-từ đặc biệt Việt-Nam, dùng để viết cho câu văn thêm đẹp, hay nói cho đúng ra là để viết cho ra tiếng Việt.
          Sau cùng thì có 8 trang (XXXIX-XLVI) dậy rất tỉ-mỉ về cách làm thơ : thơ lục bát, thơ Đường thất ngôn bát cú, thơ ngũ ngôn, và về cách làm phú và làm văn tế, với các câu đối, biền ngẫu đúng phép. Những trang này thì viết bằng tiếng Việt, vì thực ra nếu không thông thạo tiếng Việt thì khó mà lãnh hội được. Tất cả đều có những bài mẫu được dịch ra tiếng La-tinh. Độc-giả có thể căn-cứ vào đó mà hiểu được những cái đặc-sắc tế-nhị của tiếng Việt.


2.2-      Phần chính

          Phần chính của cuốn tự-vị gồm 620 trang, mỗi trang chia ra làm 2 cột. Các chữ trong tự-vị được xếp theo thứ-tự A, B, C của mẫu-tự La-tinh, nhưng mỗi từ-ngữ đều được viết bằng chữ nôm trước, viết theo mẫu-tự La-tinh sau, rồi dịch nghĩa ra tiếng La-tinh. Tiếp sau đó thì chua thêm những kiểu nói bắt đầu bằng chữ đó. Cũng nên chú ý rằng các sách nôm của người công-giáo Việt-Nam trong gần bốn thế-kỷ, đều gọi chữ nômquốc-ngữ, để phân biệt nó với chữ Hán là chữ viết của người Tàu. Gần đây  chúng ta mới gọi chữ viết theo mẫu-tự La-tinh là chữ quốc-ngữ.
          Cứ theo lý mà xét, thì tự-vị này phải nặng về tiếng Đàng Trong, vì cả hai giám-mục Pigneau (Bá-Đa-Lộc) và Taberd đều đã hoạt-động ở Đàng Trong, và hơn nữa, cuốn Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (1774) viết theo mẫu-tự La-tinh của giám-mục Bá-Đa-Lộc cũng viết theo tiếng Đàng Trong, ví-dụ : nhơn, chứ không viết nhân. Tuy vậy tiếng Đàng Ngoài cũng xuất-hiện khá nhiều trong tự-vị đó, ví-dụ : được thay vì đặng, vào thay vì vô. Cho nên có thể đoán rằng có người Đàng Ngoài cộng tác vào đó.
          Ai muốn tra tự-vị theo kiểu Tàu, nghĩa là theo thứ-tự các bộ chữ và theo số nét viết, thì có thể tìm trong những trang 661-712. Đặc biệt nhất là trong những trang 713-719 có một bảng để chỉ cho biết những chữ Hán gồm nhiều bộ phức tạp thì phải tìm theo bộ nào.
          Ngoài những từ-ngữ thông thường trong những trang trên đây, lại có 40 trang (621-660) dành cho những từ-ngữ chuyên-môn về thực-vật-học, về cây-cối, hoa quả, rau cỏ ở Đàng Trong (Hortus floridus Cocincinae). Như ta biết, phép phân-loại, dùng trong thực-vật-học, và sau này dùng trong động-vật-học, đã được định-hình do Carl von Linné (1707-1778), đặt tiêu- chuẩn khoa-học để thống-nhất cách chia loại trên loại dưới, chia hạng trên hạng dưới, đồng thời dùng tiếng La-tinh, chứ không dùng từ-ngữ thường-nhật của học-giả các nước khác nhau, để thống-nhất cách gọi tên các loại thảo-mộc. Cho nên chỉ có người am-tường khoa thực-vật-học mới biết nhiều tên bằng tiếng La-tinh như thế. Đây là một truyện tình-cờ : năm 1972 tôi có đưa một cây rau răm cho một giáo-sư đồng-nghiệp, người Bỉ, dạy thực-vật-học ở đại-học Kinshasa (Congo), nhờ xếp loại và gọi tên khoa-học ; sau khi khám nghiệm, ông ta xếp nó vào loại polygonaceae, và gọi tên nó là polygonum (verisimile) odoratum Loureiro ; bây giờ tra tự-vị Taberd, xuất-bản năm 1838, tôi thấy đã gọi tên nó là Polygonum odoratum. Thế mới biết soạn-giả không phải là những người vô-học. Thiết tưởng các nhà thực-vật-học nước ta cũng nên so sánh cách gọi tên thảo-mộc bên ta và tên các vị thuốc bắc trong tự-vị đó với các tên dùng trong khoa-học ngày nay xem sao.
          Sau cùng còn một phần phụ-lục dành cho những từ-ngữ Hán-Việt (chữ Hán đọc theo dọng Việt), vừa xếp theo thứ-tự của mẫu-tự La-tinh (trang 1-107), vừa xếp theo bộ chữ Hán (trang 108-126). Các trang, như ta thấy, được ghi lại từ 1 đến 126, như là một cuốn sách mới.
          Như thế cũng đủ thấy là tự-vị Taberd thật là tiện lợi : tra cứu theo chữ Hán, chữ Nôm hay chữ quốc-ngữ đều được dễ-dàng cả. Dĩ nhiên việc biên soạn này là một công trình rất có phương-pháp, và tốn nhiều công phu. Nếu không tha thiết với tiếng Việt, với chữ nôm, thì chắc không ai làm. Và hơn nữa, nếu không có nhiều người cùng làm chung thì không ai một mình mà làm nổi.


3- Tự-vị và nền quốc-học



3.1-Vấn-đề quốc-học

Xét cho cùng thì có lẽ nền quốc-học của người Việt đã không phát-triển theo cùng một nhịp với truyền-thống quốc-gia và ý-thức dân-tộc.
Thực vậy, từ mấy nghìn năm nay, tổ-tiên người Việt đã có công-lao lập nên truyền-thống quốc-gia và gây-dựng ý-thức dân-tộc. Truyền-thống và ý-thức ấy thường đi đôi với nhau trong mối tình liên-đới và ý muốn đùm-bọc lấy nhau của người mình : ‘’bầu ơi thương lấy bí cùng ...’’. Thứ nhất là cùng nhau tranh-đấu với người ngoại-bang để dành lấy cho mình một lãnh-thổ làm đất sống. Thứ hai là thâu góp kỷ-niệm về những người đã có công bảo-vệ và bành-trướng non sông, rồi viết thành quốc-sử, có tính-cách thống-nhất và liên-tục trong thời-gian. Ba là nhìn nhận là của mình tất cả những gì có liên-quan đến môi-trường sinh-hoạt, như đất-đai, sông núi, thổ-sản, thành-quách, đền chùa, thần-linh và các nhân-vật có tiếng : cái ý-định ấy đưa tới việc biên-soạn những sách như Đại Nam Nhất Thống Chí, v.v. Bốn là nhận-định về lối tổ-chức đời sống chung, như hành-chính, tư-pháp, điển-lễ, phong-tục. Về điểm này ta không thiếu gì sách vở. Thiết tưởng ở đây cũng nên kể thêm cách-thức phân-phối ruộng đất và tài sản trong nước. Về thời trước thì có tất cả chừng 16.000 quyển địa-bạ mà học-giả Nguyễn Đình Đầu đang phiên-dịch, chú giải và đã bắt đầu cho xuất-bản. Xem vào đó ta thấy xưa kia ruộng đất đã được phân-loại và phân-phối như thế nào. Ngày nay cách-thức phân-phối tài-sản giữa các công-dân cũng lại là một tiêu-chuẩn để đánh giá mức-độ liên-đới giữa người trong một nước với nhau.
          Nhìn vào quá-khứ, ai cũng phải nhận rằng người Việt quả thật là đã sớm có truyền-thống quốc-gia và  ý-thức dân-tộc. Nhưng có một điều làm cho nhiều người thắc-mắc và bàn cãi, đó là cái nội-dung của văn-hóa dân-tộc, đó là câu hỏi : quốc-học là cái gì ? bốn nghìn năm văn-hiến là thế nào ?
          Thực thế, sau khi tách rời ra khỏi đế-quốc Trung-hoa và định vị-trí mình ở phương nam, người Việt vẫn tiếp-tục dùng chữ Hán trong sách vở về đủ mọi ngành : hành-chính, tư-pháp, quốc-sử, địa-dư, điển-lễ, tế-tự. Ví-dụ, khi Phật-giáo truyền vào nước Tàu, thì kinh-điển, lễ-nghi đều chuyển sang chữ Hán cả ; trái lại, khi truyền vào Việt-Nam, thì không những Khổng-giáo, Đạo-giáo, mà cả Phật-giáo, trong suốt mươi mười lăm thế-kỷ, vẫn giữ kinh-điển và lễ-nghi bằng chữ Hán, mà không ai lấy làm lạ, tuy ai cũng biết rằng đọc lên thì người dân không hiểu. Mãi gần đây người ta mới bắt đầu phiên dịch và chú-giải bằng tiếng Việt. Thậm chí khi viết về những sự-kiện riêng của dân Việt, người ta cũng viết bằng chữ Hán và coi đó là lẽ đương-nhiên, ví-dụ như :Việt Điện U Linh Tập, Lĩnh Nam Chích Quái, v.v. Rồi chính cái ý-thức dân-tộc được Lý Thường Kiệt đưa ra chọi với quân nhà Tống, hình như cũng được tuyên-bố bằng chữ Hán : Nam quốc sơn hà nam đế cư ... Chẳng lẽ văn-hóa người Việt tất cả chỉ là học lại của người Tàu ? tất cả đều phải nói lên bằng tiếng Tàu mới được ?


3.2-Vấn-đề chữ nôm

          Chắc hẳn là vì đã ý-thức được cái thiếu sót ấy cho nên trong nước độc lập thời nhà Trần, hay có lẽ còn sớm hơn nữa, đã có những nhà Nho nghĩ đến việc chế-biến chữ Hán để viết ra tiếng nói của người dân Việt : chữ nôm bắt đầu thành hình, và ngay thời đó đã có những văn-kiện như bài văn-tế cá sấu : ‘’Ngạc-ngư kia hỡi mày có hay...’’. Theo như sử-gia Ngô Sĩ Liên thì người ta bắt đầu làm thơ phú bằng tiếng Việt vào khoảng đầu thế-kỷ XIV. Văn chương chữ nôm không phải là không phong-phú, nhưng các nhà Nho vẫn tiếp-tục làm thơ văn bằng chữ Hán, nhà cầm quyền vẫn ra sắc-lệnh cai-trị dân bằng chữ Hán, viết quốc-sử bằng chữ Hán.
          Thực ra ta khó tưởng-tượng ra cái khó khăn của ông cha ta khi đi tìm chữ viết cho dân-tộc. Cũng như người Nhật và người Cao-ly, người Việt dùng rất nhiều từ-ngữ Trung-hoa trong ngôn-ngữ của mình, có lẽ cũng tới ít là 50%, cho nên khó mà bỏ chữ Hán với lối viết tượng-hình đã quen. Tôi không rõ vì sao trong khi tìm chữ viết cho dân-tộc, người Nhật-bản và người Cao-ly đã căn-cứ vào các nét chữ Hán mà sáng chế ra lối viết theo như cách đọc, hoặc là viết thành vần, hoặc là viết thành âm, vừa đơn-giản, vừa đọc lên ngay được. Chính vì không có sáng-kiến như thế cho nên chữ nôm của ta vừa quá lệ-thuộc vào chữ Hán, lại vừa phiền phức hơn chữ Hán. Đã thế, khi dùng chữ Hán, có lúc lấy đúng nghĩa chữ, có lúc chỉ lấy cách đọc nhưng lại hiểu theo nghĩa khác, có lúc lại đọc trại ra làm dăm ba kiểu và hiểu ra dăm ba nghĩa. Giám-mục Taberd trong phần chỉ-dẫn cũng xác-nhận sự-kiện ấy, và có đưa ra ví-dụ chữ lận nghĩa là sẻn-so, mà ta có thể tùy câu văn mà đọc thêm ra nữa là lần, lấn, lẩn, lẫn ! Cho nên người ta có đọc ‘’lẫn’’ chữ nôm, thì cũng không có gì là khó hiểu.
          Đứng trong hoàn-cảnh như thế, có những nhà Nho cho rằng ‘’nôm na là cha mách-qué’’. Xét một cách khách-quan, thì cách thức dùng và  biến-đổi chữ Hán của người Việt, cũng không hơn không kém gì cách-thức của người Nhật, vì nhiều khi một chữ Hán mà họ đọc ra dăm ba kiểu tùy câu văn, lại đọc ra làm nhiều vần nữa. Chính vì những lý-do đó mà chữ viết của người Nhật và chữ nôm của ta rất khó học, khó hơn cả chữ Hán, Cho nên không dễ gì mà ấn-định cách viết chữ nôm cho có thống nhất, lại vì một lẽ nữa, là người viết chữ nôm  thường căn cứ theo tiếng nói địa-phương của mình mà sáng chế (Xin xem Bảng tra chữ nôm thế kỷ 17, Chữ nôm sau thế-kỷ 17 Bảng tra chữ nôm miền Nam của học giả Vũ Văn Kính). Nay ta dễ hiểu vì sao trong lúc người Tàu có tự-vị Khang-Hi, thì người Việt chưa làm ra được tự-vị chữ nôm, và có lẽ cũng ít người nghĩ đến việc vun-trồng cho tiếng Việt. Cụ Nguyễn Du viết truyện Kiều cũng nói khiêm tốn là để mua vui một vài trống canh mà thôi. Hơn nữa, sau này khi chữ quốc-ngữ được dùng thay chữ nôm thì xem chừng cũng ít ai thương tiếc nó.


3.3-Tự-vị tiếng Việt

          Khi các giáo-sĩ  Âu-châu vào Việt-Nam truyền giáo, thì họ có đem theo một số sách giáo-lý đã soạn bằng Hán-văn ở Trung-Quốc để cho các nho sĩ đọc. Nhưng họ đã học tiếng Việt để giảng đạo thẳng bằng tiếng Việt cho dân chúng. Có lẽ vì thế mà giới nho-sĩ cho rằng đó là tả-đạo, giảng cho ‘’ngu phu ngu phụ’’. Chữ nôm khó học, thì họ chịu khó học, chứ không dám coi thường, càng không dám cho là mách-qué, như các nho-sĩ chỉ biết chịu phục có người Tàu. Họ thực biết tôn-trọng vốn liếng chữ nôm của ta cũng như họ đề cao kho tàng Hòa-văn (chữ viết của người Nhật). Khi viết sách vở cho người Việt về những điều rất tôn-nghiêm như tôn-giáo, họ đã dùng ngay chữ nôm (như trong các tác-phẩm của Girolamo Maiorica), và người công-giáo tiếp-tục viết, in và dùng sách chữ nôm cho đến giữa thế kỷ XX. Tuy vậy họ cũng tìm cách viết tiếng Việt theo mẫu-tự La-tinh để cho người Âu-châu học tiếng Việt cho dễ. Thứ chữ viết ấy được khánh-thành trong sách Phép giảng tám ngày  của A. de Rhodes cho in tại Roma năm 1651. Chính vì ý-thức được rằng ngôn-ngữ là kho-tàng quí-báu của văn-hóa dân Việt, và cũng chính vì muốn dùng tiếng Việt cho đúng nghĩa, cho đúng văn-pháp, cho nên ngay từ thế-kỷ XVII, từ A. de Rhodes trở đi, nhiều giáo-sĩ Âu-châu đã ra công làm tự-vị và viết về ngữ-học Việt-Nam.
          Làm tự-vị tức là làm sổ tất cả các từ-ngữ được dùng trong một dân-tộc. Người ta thường căn-cứ vào sách vở của các nhà văn, căn-cứ vào cách ăn nói của người dân, để xác-định các ý-nghĩa khác nhau của từng từ-ngữ. Muốn cho tự-vị thành ra hữu-dụng, thì sau công việc thu-thập tài-liệu như thế, phải tìm ra cách-thức xếp đặt các từ-ngữ cho có thứ-tự, để ai nấy biết cách tra cứu. Các tự-vị do các giáo-sĩ Âu-châu biên soạn đều được xếp đặt theo thứ-tự của các mẫu-tự La-tinh, nhưng cũng có bảng xếp-đặt theo thứ-tự các bộ chữ Hán và theo số các nét chữ. Tự-vị Taberd cũng theo qui-tắc như thế, cho nên muốn tra-cứu chữ quốc-ngữ theo thứ-tự mẫu-tự La-tinh, hay là tra-cứu chữ nôm theo kiểu Tàu (theo bộ chữ và số nét chữ) cũng được cả.
          Soạn-giả có thể giới-hạn tự-vị vào những từ-ngữ thông dụng mà thôi. Nhưng tự-vị cũng còn có thể bị giới-hạn, vì soạn-giả chưa sao-lục ra được hết mọi từ-ngữ, hết mọi cách viết chữ nôm đã dùng trong các sách nôm ở Việt-Nam, hay là chưa tìm ra được tất cả các ý-nghĩa của từ-ngữ. Cho nên những người đi sau thường lấy lại của người đi trước, và đôi khi cũng căn-cứ được vào các tác-phẩm đã có, để khám phá thêm được một ít từ-ngữ hay ý-nghĩa mới. Từ-ngữ được viết vào tự-vị tức là được công-nhận. Cũng như các tự-vị khác, tự-vị Taberd đã ghi lấy những từ-ngữ và những chữ viết (chữ nôm) đã dùng trong một thời-kỳ, trong một địa-phương nhất-định. Cái sở-trường và cái sở-đoản của nó là ở chỗ đó,
          Xin đan-cử ra đây một vài ví-dụ, gọi là để đề-nghị một vài phương-hướng nghiên-cứu về chữ nôm công-giáo : a) có một số từ ngữ chuyên-môn của công-giáo, như :‘’dòng’’ (hội những người đi tu), ‘’rỗi’’ ( được cứu-độ, được sống muôn đời), ‘’kinh’’ (lời cầu-khấn, ‘’oratio’’,chứ không phải là ‘’sách’’, như thỉnh-thoảng có người hiểu lầm),  b) có một số từ-ngữ chuyển-âm từ tiếng La-tinh hay Bồ-đào-nha, như : ‘’vít-vồ’’ (giám-mục, chuyển-âm từ tiếng Bồ-đào-nha ‘’bispo’’, chữ nôm thì dùng hai chữ Hán ‘’viết vô’’, nhưng phải đọc là ‘’vít-vồ’’), ‘’pha-pha’’ (vị giáo-tông ở Roma, cũng gọi là giáo-hoàng, La-tinh và Bồ-đào-nha là ‘’papa’’).  c) có những chữ vẫn thông dụng, nhưng lại không có trong  tự-vị như ‘’Giê-su’’ là tên vị giáo-tổ (Chữ Hán-Việt  là ‘’Gia-tô’’, người Tàu đọc là ‘’Giê-xu’’ ; viết chữ nôm thì dùng hai chữ ‘’Chi-thu’’, nhưng phải đọc trại đi là ‘’Giê-su’’ thì mới là đúng, chứ không đọc là ‘’Chi-thu’’, như đôi khi có người đọc sai.  d) có những chữ nôm mà soạn-giả chưa tìm ra tất cả các cách viết, như : chữ ‘’rỗi’’ (được cứu-độ, ‘’salus’’), thì soạn giả chỉ ghi cách viết chữ ‘’khẩu’’ bên trái chữ  ‘’lỗi’’[3], chứ không ghi cách viết chữ ‘’sinh’’ bên trái chữ ‘’lỗi’’[4], v.v.


4- Vấn đề quốc ngữ


4.1- Trở lại vấn-đề chữ quốc-ngữ   

            Ai cũng biết rằng tiếng ta khác tiếng Tàu, và khi người xưa dùng hai chữ (nho !) ‘’quốc-âm’’, hay là ‘’quốc-ngữ’’[5] là có ý nói đó là tiếng ta chứ không phải là tiếng Tàu, nhưng lại là tiếng ta viết theo các bộ chữ Hán. Còn cách viết tiếng ta theo mẫu-tự La-tinh thì xưa không có tên gì đặc-biệt. Các giáo-sĩ tạo ra nó là tạo ra cho họ dùng, để họ ghi được lấy dọng nói của ta để học cho dễ, cũng như họ đã làm như thế với tiếng Tàu và tiếng Nhật. Nhưng đồng thời họ vẫn học cho kỳ được chữ Hán, chữ Nhật, chữ Nôm, khó mấy họ cũng chịu khó học. Chứ họ chẳng có quyền lực gì để thay đổi chữ viết của dân tộc nào cả ; họ cũng không hề có tham vọng thay đổi gì cả.
Ở nước ta, chữ Nôm và chữ viết theo mẫu-tự La-tinh đều là hai lối viết lên dọng nói của tiếng ta, vì thế cùng là viết quốc-ngữ cả. Nhưng chỉ vì một biến cố lịch-sử không có ở Tàu ở Nhật, mà tình-trạng thay đổi như ta thấy ngày nay. Số là sau khi chính phủ bảo-hộ và thuộc-địa bãi bỏ chữ Hán và lấy tiếng Pháp thay vào đó làm ngôn-ngữ hành-chính và văn-hóa, lấy ngôn-ngữ của người bảo-hộ mới để thay cho chữ viết của người đô-hộ cũ, thì chữ Hán không còn phải là con đường tiến-thân ở Việt-Nam nữa[6]. Chữ Nôm vì quá tùy-thuộc vào chữ Hán, lại trước đó cũng chẳng được trọng-dụng như chữ Hán, cho nên cũng theo đó mà lu mờ đi[7], cho nên chỉ còn có lối viết theo mẫu-tự La-tinh là được gọi là quốc-ngữ mà thôi. Đã thế vào đầu thế-kỷ XX lại có một số sĩ-phu có tên tuổi đứng ra cổ-võ cho chữ quốc-ngữ ấy, vì thấy nó tiện lợi và dễ học hơn chữ Nôm[8]. Và họ đã thành công. Ngày nay là gần một thế kỷ sau đó, chúng ta đã quá quen dùng chữ quốc-ngữ rồi, văn-chương của tiền-nhân hầu hết cũng đã chuyển sang chữ quốc-ngữ, rồi các sáng tác văn-học, khoa-học, thư-tín và giấy tờ hành-chính đều viết bằng chữ quốc-ngữ cả. Cho nên có lẽ không còn ai chủ-trương phải trở về chữ Nôm nữa : nó thật là thần-tình, nhưng vẫn còn nhiều khuyết-điểm và chưa được ấn-định cho chính-xác.
Thế nhưng vẫn có người muốn gây ra vấn-đề. Thực vậy, có một vài học-giả Việt-Nam đã tung ra quan-niệm là các giáo-sĩ Tây-phương đã dùng cách viết tiếng Việt theo mẫu-tự La-tinh, với dự-định đen tối là làm cho người Việt mất gốc (gốc Hán hay gốc Nôm ?) đi, để rồi truyền-giáo cho dễ [9]. Quan-niệm đó tuy không có bằng chứng gì cả, nhưng đã được một số người coi như là có uy-tín, cho nên chép lại mà không phê-bình thực hư. Thiết tưởng nếu ai biết đến tự-vị Taberd, tự-vị Huỳnh Tịnh Của, và các sách chữ nôm, chữ Hán của người công-giáo dùng từ đầu thế kỷ XVII cho đến giữa thế-kỷ XX (có hàng trăm cuốn như thế trong văn-khố Hội Truyền Giáo Nước Ngoài tại Paris, và trong các xứ đạo ở Việt-Nam), thì chắc sẽ ăn nói đắn-đo dè-dặt hơn. Ngoài ra thì ai cũng biết là việc truyền giáo được dễ-dàng hay là bị khó khăn thì là vì nhiều lý-do khác, chứ không phải là vì sách viết bằng chữ nôm hay là chữ quốc ngữ theo mẫu-tự La-tinh[10].

           
4.2- Giả-sử không có chữ quốc-ngữ

            Vì không tránh được cái thắc mắc trên đây, cho nên ta cứ tạm giả-sử như là không có chữ quốc-ngữ, hay ít ra là giả-sử chữ quốc-ngữ không được chính-quyền nào chọn làm chữ viết chính-thức. Như thế chắc hẳn là tình-trạng văn-hóa nước ta phải khác bây giờ nhiều. Phải chăng như thế là có cơ-hội tiến-bộ hơn ? Hay là vẫn đứng ỳ lại như cũ ? Nhưng nếu cứ đứng ỳ lại như thế thì rất có thể là dần dần sẽ đi đến chỗ khủng hoảng, và cuối cùng thì phải quyết-định cho rõ một trong hai ngả : một là Hán-hoá người Việt, làm cho họ dần dần thành ra người Tàu, hai là cải-cách và ấn-định chữ Nôm làm chữ nước ta. Ngả trước thì chắc không ai muốn, mà ngả sau thì chưa ai làm.
            Tiến-bộ hơn ? Chưa chắc ! Vì lấy động-lực nào mà tiến ? Và tiến theo hướng nào ? Tuy rằng ta nằm trong văn-hóa Tàu, và thường chỉ chịu phục có người Tàu đã đô-hộ mình trước, nhưng chỉ có một số tối thiểu là nhà Nho biết chữ Hán, lại cũng không có phương-tiện để trao đổi tư-tưởng rộng rãi với người Tàu người Nhật[11]. Với cái tầm mắt hạn hẹp như thế, vua tôi nhà Nguyễn lại còn tâng bốc nhau, cho rằng thơ chữ Hán của mình xướng họa với nhau trong lúc trà dư tửu hậu lại còn hay hơn cả thơ người Tàu[12]. Muốn Tàu hơn cả Tàu, trong khi người Tàu và người Nhật đang muốn canh-tân, phái người sang Tây để học lấy cái sở-trường của bên đó, trong khi những bản điều-trần của Nguyễn Trường Tộ muốn canh tân nước nhà thì lại bị coi khinh.
            Ở đây tôi chỉ muốn nói đến đề-nghị của Nguyễn Trường Tộ về chữ viết của nước ta. Lập-trường của ông được trình bày rõ ràng trong điều thứ 4, khoản thứ 5 của Tế cấp bát điều (Tám việc cần làm gấp), về việc dùng quốc-âm[13]. Có một điều đáng chú ý, mà sử gia Trương Bá Cần đã nêu lên, là :  ‘’Nguyễn Trường Tộ là người công giáo. Ông thừa biết rằng chữ quốc ngữ, theo mẫu tự La tinh, được sử dụng phổ biến trong giới công giáo từ thế kỷ 17-18, là một mẫu tự đơn giản và dễ học hơn ‘’chữ Hán quốc âm’’ nhiều. Nhưng ông đã không đề nghị lấy chữ Quốc ngữ làm chữ viết cho cả nước. Có lẽ ông đã giải thích điều đó khi ông nói : ‘’Chả lẽ nước ta không có ai giỏi có thể lập ra một thứ chữ để viết tiếng ta hay sao ? Vì ta dùng chữ Nho đã lâu nên không cần thay đổi tất cả, sợ làm cho người ta lạ tai lạ mắt ’’. Nguyễn Trường Tộ cũng đã không nói gì đến chữ Nôm là một thứ Quốc âm được thành hình từ thời Phùng Hưng (Bố Cái Đại Vương) thế kỷ thứ 8, và phát triển với Hàn Thuyên, Nguyễn Sĩ Cố, Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu ... Chữ Nôm cũng được sử dụng rộng rãi trong giới công giáo từ thế kỷ 17-18 ...Chữ Nôm nói đúng ra cũng còn phức tạp’’[14].
Sau khi nêu ra cái tai hại của lối học khoa cử và lối văn chương chơi chữ[15], Nguyễn Trường Tộ đề nghị dùng ‘’chữ Hán quốc âm ‘’, đại khái như sau : ‘’ Tôi tính quốc âm ta ước chừng hơn một vạn tiếng, trong đó chỉ có lối ba ngàn tiếng không thể viết như chữ Hán. Trường hợp đó ta dùng những chữ Hán tương tự rồi thêm hiệp vần vào một bên mà thôi. Đó gọi là ‘’chữ Hán quốc âm’’ (...) Như vậy người học sau này chỉ học mặt chữ thôi, không phải tốn nhiều công phu học cái tiếng chẳng phải Hán chẳng phải ta’’[16]. Về cái tiện lợi của chữ Hán quốc âm, ông giải thích : ‘’Nay ta không có chữ viết riêng mà chỉ dùng chữ nho để viết thay. Về phát âm đã không theo đúng giọng Trung Quốc cũng không phải tiếng phổ thông của nước ta. Người mới học phải thuộc mặt chữ bằng mắt lại phải vận dụng trí nhớ để nhớ những phát âm lạ tai. Âm vận của thứ chữ này chỉ có ai học mới biết, không học thì nghe cũng như vịt nghe sấm mà thôi. Thế có phải phí hơn một nửa công phu trí óc không ? Nay nếu học sách quốc âm, học sinh ở nhà đọc đàn bà con nít nghe cũng hiểu, như vậy tuy không đi học mà cũng học được. Hơn nữa nếu dùng quốc âm thì lúc nhỏ đã có cha mẹ dạy, lớn lên đi học chỉ học nét viết mà thôi. Thế có phải giảm bớt được một nửa công phu không ?’’[17].
Đề nghị cụ thể của Nguyễn Trường Tộ là như sau : ‘’Vậy xin dùng chữ Hán làm mẫu, lựa âm của chữ nào hợp với âm tiếng ta, nhất định không thay đổi thì đọc như tiếng ta không cần giải nghĩa. Chữ nào có âm gần giống tiếng ta thì thêm nét phụ vào rồi đọc ra tiếng ta. Ngoài ra gộp hết tiếng ta lại chia thành môn loại, làm tự điển, trước tiên ban hành trong các cơ quan chính quyền và trường học cho người học dễ dàng sử dụng (...) Còn các nhà văn ai muốn dùng chữ Hán theo âm nho tùy ý nhưng trong công việc làm thì phải dùng thứ chữ Triều đình đã ban hành. (...) Bây giờ ta cứ lấy chữ Hán chuyển đọc ra quốc âm, không cần học nghĩa, thế cũng vẫn dùng chữ Hán có gì mà không được ? Thí dụ như chữ ‘’Thực phạn’’ thì đọc là   ‘’ăn cơm’’, hoặc viết chữ ‘’ăn cơm’’ thay chữ ‘’Thực phạn’’.’’[18].
Thiết tưởng không cần dài dòng về vấn đề đó, vì tuy đề nghị có lý sự rõ ràng , nhưng những người được đọc thì lại không muốn theo, và dù có người muốn theo, nhưng cũng chưa ai làm cả. Rất có thể là đề nghị đó cũng chỉ là ‘’mách qué’’ đối với những người trọng Nho như vua tôi nhà Nguyễn. Tuy thế thiết tưởng cũng nên nhắc lại rằng cách-thức đó đã sinh ra ‘’chữ Hán quốc âm’’ của người Nhật-bản : thí dụ họ viết chữ ‘’nhân’’ (người)  rồi đọc ra tiếng Nhật là ‘’hito’’ hay đọc theo âm Hán là ‘’jin’’, viết chữ ‘’mộc’’ (cây) rồi đọc ra tiếng Nhật là ‘’ki’’ hay đọc theo âm Hán là ‘’moku’’.
Nay ta biết như thế là rất tốn công, nhưng ta cũng tạm giả-sử là đề nghị của Nguyễn Trường Tộ được thực hiện. Nhưng như thế cũng vẫn còn nhiều cái khó-khăn. Thực vậy, cả chữ Hán quốc âm lẫn chữ Nôm đều là thứ chữ viết không có cách ghi âm vận theo cách đọc, như chữ viết của người Cao-ly hay của người Nhật-bản (hiragana, katakana), cho nên khi làm tự-vị ta chỉ có thể xếp thứ-tự theo các bộ chữ Hán. Nhưng nếu ta muốn biết tiếng đọc thế này phải viết làm sao, thì vấn đề thật là nan giải. Cái khó khăn này thì ngày nay ta giải quyết được một cách dễ dàng nhờ cách viết chữ quốc ngữ theo mẫu-tự La-tinh.


4.3- Chữ quốc-ngữ và chữ Nôm

Chữ Nôm và chữ quốc-ngữ là hai lối viết tiếng Việt, một lối theo mẫu người Tàu, một lối theo mẫu người Tây. Thực ra cũng không phải người Tây sáng chế ra lối viết theo mẫu-tự như thế, nhưng họ cũng là học lại của người miền Trung-Đông thời Thượng-cổ. Và hiện nay cũng có nhiều dân-tộc trên thế-giới dùng lối viết theo mẫu-tự.
Chữ Nôm đã ‘’vang bóng một thời’’, nó kết tinh nỗ-lực của ông cha ta trong mươi thế-kỷ để thiết-lập một nền văn-hóa Việt-Nam có bản-sắc riêng, tuy có chịu ảnh-hưởng của văn-hóa người Hán tộc, lại muốn có vốn để ‘’đi ăn riêng’’, nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Chữ quốc-ngữ là do ảnh-hưởng của người Âu-châu, nhưng đã giúp cho người mình thực-hiện được cái ý muốn độc lập đó.
Ngày nay ta không dùng chữ Nôm trong đời sống thường nhật, và cũng không thấy có dấu nào nói lên rằng dân ta muốn trở lại dùng chữ Nôm, vì thực ra cũng có nhiều cái bất tiện, lại tốn công, tốn của, tốn thì giờ. Tuy vậy đó vẫn là kho tàng văn-hóa không thể bỏ qua, mà trái lại cần được bảo-tồn. Đó là chương-trình của Viện Nghiên Cứu Hán-Nôm và của cơ-quan ‘’Vietnamese Nôm Preservation Foundation’’. Trong việc sưu tầm sách vở chữ Nôm thời xưa, xem chừng còn ít người biết và để ý đến số sách Nôm do người công-giáo đã biên soạn trong hơn ba thế-kỷ. Điểm quan-trọng của số sách này là ở chỗ nó cho ta biết khi bắt đầu tiếp-xúc với tư-tưởng người Âu, thì các ý-niệm và quan-niệm của Tây phương được chuyển sang tiếng Việt như thế nào.
Như đã nói trên đây, tự-vị Taberd, cũng như tự-vị  của Pigneaux de Béhaine, có cái sáng-kiến hay của nó, là vừa có đối chiếu chữ quốc ngữ với chữ Nôm, vừa có cách thức thuận tiện để chuyển từ loại chữ này sang loại chữ kia. Vì xếp theo thứ-tự các mẫu-tự Latinh, nên ta biết đọc thế này thì phải viết làm sao. Ngược lại, muốn biết chữ viết thế này phải đọc làm sao, thì đã có bảng xếp các chữ theo các bộ chữ Hán. Cho nên từ sau đó các tự-vị chữ Nôm đều tiếp nhận cái sáng-kiến ấy. 
Tự-vị Taberd đã góp phần vào việc định hình cho chữ quốc-ngữ ta dùng bây giờ, và còn giúp ta trong việc nghiên-cứu chữ Nôm. Cho nên nó đáng được một chỗ đứng trong lịch-sử phát-triển văn-hóa Việt-Nam.



5- Phụ lục : Một vài nhận xét về chữ Nôm công giáo

Ngay từ khi đạo được truyền vào Việt Nam, người công giáo đã dùng tiếng Việt và chữ Nôm trong hơn ba thế kỷ, nghĩa là từ đầu thế kỷ XVII, với mấy chục cuốn sách đạo, viết tay, của giáo sĩ người Ý,  Girolamo Maiorica[19], cho đến giữa thế kỷ XX[20], sự kiện đó nay đã thành hiển nhiên[21]. Cũng không lạ gì : trước khi được tiếp xúc với các giáo sĩ ngoại quốc sang truyền giáo bằng tiếng Việt, thì họ cũng học chữ Hán, cũng đọc chữ Nôm như các người chung quanh, cho nên khi đã cải giáo thì họ vẫn nói và viết tiếng Việt, và khi họ góp phần vào việc soạn sách đạo thì dĩï nhiên là họ dùng chữ Nôm.
Ta dùng kiểu nói « chữ Nôm công giáo » cho nó tiện thôi, chứ người công giáo không có bày ra một thứ chữ Nôm riêng cho họ, vì lý do là họ có ý viết để cho người khác đọc. Có điều là chữ Nôm trong nước chưa được quy định và thống nhất, cho nên trừ cái vốn chữ Nôm chung, thì người ta thường sáng tác tùy theo dọng nói địa phương, tùy theo tập tục (như tránh tên húy), hay là tùy theo những từ ngữ chuyên môn và những tư tưởng mới được chuyển từ ngoài đưa vào trong văn hóa Hán Việt. Trong khuôn khổ đó, người công giáo cũng có một  ít từ ngữ chuyên môn được chuyển sang chữ Nôm, mà người ngoại cuộc đọc không ra và hiểu không được, nếu chưa được chỉ dẫn. Tình trạng đó cũng y như bên nhà Phật : thực vậy nhà Phật cũng có riêng khá nhiều chữ Hán và chữ Nôm, mà người ngoài đọc lên không hiểu[22].
Sau đây tôi xin đưa ra mấy nhận xét về chữ Nôm công giáo và về những tài liệu chưa thu thập được.


5.1- Mấy đặc điểm của chữ Nôm công giáo

Những chữ Nôm riêng của công giáo thường là những từ ngữ do gốc tích ngoại lai, thuộc về hai loại : a) loại từ ngữ không được dịch và b) loại từ ngữ không dịch được.

a)      Loại từ ngữ không được dịch

Đây là loại những tên riêng của các nhân vật, của các địa phương. Phải giữ được âm vận những tên đó thì khi đọc lên người ta mới nhận ra là mình nói về ai hay về địa phương nào. Thường thì ta khó mà duy trì được đúng cách đọc của người nước ngoài, vì một là có những âm vận ngoại quốc mà ta không có, hai là chữ Hán và chữ Nôm mà ta dùng ngày xưa thì lại không viết theo hệ thống chính âm và phụ âm như  người Aâu châu. Cho nên phải tìm trong tiếng Việt hay tiếng Tàu xem có những chữ nào đọc gần giống như âm vận tiếng ngoại quốc thì dùng mà phiên âm.
Giải pháp bó buộc đó không những làm cho ta đọc trệch đi, mà hơn nữa khi viết sang chữ Hán hay chữ Nôm lại còn làm cho ta hoặc là thấy nó vô nghĩa, hoặc là liên tưởng đến những ý nghĩa kỳ quặc. Riêng những công thức tôn giáo, dùng trong lễ nghi phụng tự, nếu chỉ phiên âm ra để đọc khi hành lễ, chứ không phiên dịch ra, thì nó cũng không khác những câu thần chú là bao nhiêu. Thêm vào đó, tiếng quan thoại của người Trung quốc thì có bốn thanh, và tiếng Việt miền bắc thì có sáu thanh, cho nên khi phiên âm tên ngoại quốc cho khá đúng âm vận, người ta lại còn có thể thêm thanh nọ thanh kia, làm cho nó có thêm nhiều ý nghĩa khác nhau, thanh hay tục, tùy theo dụng ý của người dùng. Nhưng vẫn chưa hết. Người Việt ta, vì trước đây quen đọc chữ Hán, cho nên lại có thói quen đọc theo dọng Hán Việt lối phiên âm của người Trung quốc, cho nên lại càng đọc trệch đi xa hơn nữa[23].
Đến đây cũng cần tương đối hóa những điều vừa nói, vì cả bên Aâu châu cũng có cái lệ « tam sao thất bản » như thế. Ví dụ như cũng một tên người bằng tiếng Do thái (Híp-ri) là Jokhanan, thì khi chuyển sang các tiếng Aâu châu đã thành ra là : Joannes (la-tinh), Jean (Pháp), Johannes hay là Hans (Đức), John (Anh/ Mỹ), Jan (Hòa-lan và Ba-lan), Ivan (Nga), Juan (Y pha-nho đọc là « Khu-an »), Giovanni (Ý đại lợi), João (Bồ đào nha đọc là « Ju-ong »), v.v. Người công giáo Việt Nam nay gọi là Gio-an, nhưng trước đây đọc theo kiểu Bồ đào nha là Giu-ong.
Ngoài ra lại còn có một số từ ngữ có thể dịch được, nhưng người ta đồng ý là không phiên dịch, để giữ lấy một dấu hiệu chung cho các người theo đạo Thiên Chúa. Ví dụ như chữ Amen, mà người Pháp đã dịch là « Ainsi soit-il », người Ý dịch là « Cosi sia », người công giáo Việt Nam giải nghĩa là « Thật như vậy » ; nhưng nay đều dùng chữ Amen  cả. Tuy đọc như thế nhưng chữ Nôm xưa viết là « A-miên ». Tuy viết là « Amen » như  thế, nhưng người Anh Mỹ thì lại  đọc là « Ê-men » và người Nga và người Hi-lạp thì cứ đọc là « A-min » !

b)  Loại từ ngữ không dịch được

Loại này là những tên chung mà mình không dịch được, hay là chưa dịch được, vì lý do là nó biểu diễn những kinh nghiệm hay những ý niệm và quan niệm mới lạ, không có sẵn trong kho tàng văn hóa của mình. Cho nên khi vay mượn những ý niệm và quan niệm ngoại lai, người ta thường vay mượn cả từ ngữ ngoại quốc rồi phiên âm theo một lối như các tên riêng. Bắt đầu là trong phạm vi đời sống thường nhật[24]. Nhưng phạm vi tôn giáo mới là nơi có nhiều giao lưu văn hóa và là nơi người ta vay mượn rất nhiều.
Trước khi đạo Thiên Chúa đi vào Việt Nam thì đạo Phật cũng đã đem vào khá nhiều từ ngữ gốc từ Aán độ, chuyển qua lối phiên âm của người Trung quốc rồi đọc sang dọng Hán Việt, như : Phật, Bụt, A-la-hán hay La-hán (Arhant), Niết-bàn (Nirvana), A-tu-la (Asura), cõi Ta-bà, Thiền (Dhyana), Bồ-tát (Bodhisattva), Nam mô,  v.v. Lẽ dĩ nhiên là những từ ngữ như thế trong tiếng Việt và trong chữ Hán đều không có nghĩa, nhưng phải căn cứ vào từ ngữ và văn hóa Aán độ mà giải thích thì mới có ý nghĩa. Những người có học thì hiểu được, rồi thấy không cần phiên dịch nữa, nhưng dân chúng thường chỉ hiểu lờ mờ thôi, vả lại cũng cho rằng mình vừa không hiểu được, vừa không cần hiểu, mà chỉ cần tụng lên cho đúng thì tất kiến hiệu, như trong vô số các câu thần chú do chư phật dạy cho.
Đạo Thiên Chúa cũng ở trong hoàn cảnh như thế, cho nên trong buổi đầu có khá nhiều từ ngữ không sẵn có trong di sản văn hóa của tam giáo, cho nên phải mượn của tiếng Bồ đào nha, khi viết ra chữ Nôm thì người khác đọc chưa chắc đã ra[25], mà có đọc được ra dọng tiếng Việt thì cũng không thấy có ý nghĩa gì, nếu không được giải thích theo như tiếng gốc ngoại quốc. Ví dụ như : « ga-ra-sa » (nay dịch là « ơn » hay là « ân sủng »), « sa-ca-la-miên-tô » (đọc là « sacramento », sau dịch là « phép bí-tích »), « viết vô » (đọc là « vít vồ » do chữ « bispo » nghĩa là « giám mục »). Nhưng đó là trong buổi đầu mà thôi.  Vẫn biết là các giáo sĩ Tây phương có đem sang Việt Nam một ít sách đạo (Thánh Kinh, kinh nguyện, và giáo lý) bằng chữ Hán, để cho lớp nhà Nho đọc, nhưng họ chủ trương dùng tiếng Việt và chữ Nôm để truyền đạo. Cho nên dần dần những chữ trước đây cho là không dịch được, thì người công giáo cho là tạm thời chưa dịch được đó thôi. Và ngày nay, sau nhiều giai đoạn lịch sử văn hóa, kể là đã phiên dịch được hầu hết các từ ngữ chuyên môn về tôn giáo.
Nói tóm lại là khi đọc sách Nôm công giáo, cần phải có một chút kiến thức về lý thuyết, nghĩa là nội dung tối thiểu của giáo lý, và về thực hành, là nghi lễ, nếp sống đạo đức và tổ chức giáo hội, đồng thời cũng phải biết về các từ ngữ gốc ngoại quốc, mới có thể đọc lên được những từ ngữ phiên âm, mới có thể hiểu được những đoạn văn tiếng Việt dịch từ ngoại ngữ mà ra. Nhưng cái đó không riêng gì về đạo Thiên Chúa, mà cả trong sách của nhà Phật thì cũng thế. Ngoài ra thì chữ Nôm công giáo cũng là chữ Nôm của ngườiViệt đương thời.


5.2- Về các bản văn chữ Nôm công giáo

a)      Về thư mục

Như đã nói trên đây, giáo sư  Hoàng Xuân Hãn, sau khi đã tách rời các sách Nôm ra khỏi kho sách chữ Hán trong thư viện quốc gia Pháp tại Paris thì đã làm sổ kê ra được 14 cuốân sách Nôm do giáo sĩ người Ý, là Girolamo Maiorica soạn ra vào đầu thế kỷ XVII. Và gần đây  Viện Nghiên Cứu Hán Nôm và Trường Viễn Đông Bác Cổ có xuất bản ba pho sách lớn liệt kê khá đầy đủ các sách Hán Nôm Việt Nam, trong đó có một ít sách Nôm công giáo. Tuy đã tham khảo được nhiều thư viện, nhưng khi xuất bản mấy pho sách đó thì các tác giả vẫn chưa tham khảo được thư viện và văn khố của Hội Thừa Sai Nước Ngoài tại Paris (Société des Missions Eùtrangères de Paris, gọi tắt là M.E.P., địa chỉ là : 128 Rue du Bac, 75007 Paris). Nhưng cũng vào thời gian đó người quản thủ thư viện này có cho tôi xem 134 cuốn sách Hán và Nôm (đa số là sách đạo bằng chữ Nôm) và nhờ tôi viết ra chữ quốc ngữ tên các sách ấy để cho vào sổ. Cuốn sổ viết tay đó thì năm 2000 tôi nhờ bà Chu Tuyết Lan đem biếu Viện Nghiên Cứu Hán Nôm, để phụ thêm vào ba cuốn sổ Hán Nôm đã có. Nay đã có hai người làm tiếp việc đó là mô tả và trình bầy nội dung các cuốn sách ấy và Hội Thừa Sai Nước Ngoài đã cho in sổ đó.
Nhưng vấn đề chính là làm sao rọi ảnh được các sách đó. Chắc bây giờ thì dễ hơn là trước đây mười lăm năm, nhất là nếu các cơ quan chính thức điều đình với nhau. Dù sao cũng nên nói thêm là một số sách trong thư viện của hội M.E.P. cũng đã có trong sổ mà Viện Nghiên Cứu Hán Nôm và Trường Viễn Đông Bác Cổ đã cho xuất bản.

b)      Mấy công việc có thể làm được

Để thâu lượm các bản văn chữ Nôm công giáo, thiết tưởng có mấy việc có thể làm được.
Trước hết là các sách Nôm công giáo đã được khắc in ở nhiều địa điểm như  Kẻ Sở gần Phủ Lý, Phát Diệm, v.v. và đã được dùng trong các xứ đạo cho đến giữa thế kỷ XX. Có nhiều nơi còn giữ được ít nhiều sách như thế, như các trong « nhà xứ » và nhất là ở các « nhà chung » (tòa giám mục), ví dụ như Hà Nội, Nam Định, v.v. Khi cho in, người ta cũng thường làm sổ các sách. Có sổ như thế, mình tìm ra cho đủ, chắc cũng không khó gì[26].
Hai là chính trong văn khố của hội M.E.P. có nhiều tài liệu về giáo hội công giáo Việt Nam : 62 cuốn (từ số 650 đến số 712) về Đàng Ngoài, và 53 cuốn (từ số 713 đến số 766). Các tài liệu đó gồm có các thư từ và nhiều văn kiện trao đổi giữa các vị thừa sai ở Việt Nam và các vị hữu trách tại Aâu châu, viết bằng nhiều thứ tiếng ở Aâu châu (Pháp, La-tinh, Y-pha-nho, Ý, v.v.), nhưng cũng có một số tài liệu viết bằng chữ quốc ngữ, chữ Hán và chữ Nôm. Những tài liệu bằng chữ quốc ngữ thì đã có một số nhà ngữ học rọi ảnh, sao chép được, để theo dõi tiến trình của chữ quốc ngữ. Nhưng những tài liệu Hán và Nôm về tôn giáo – đáng được Viện Nghiên Cứu Hán Nôm và Viện Nghiên Cứu Tôn Giáo để ý – thì hình như chưa có ai sưu tầm. Nhiều người – Tây cũng như ta – nghiên cứu về lịch sử truyền giáo, tuy biết là có đó, nhưng không đọc được, cho nên cũng bỏ qua không xét đến.
Ba là các tài liệu trong văn khố của tu hội Đa-Minh Y-pha-nho (dominicains espagnols) đã hoạt đông ở địa phận  Đông Đàng Ngoài (gọi là « địa phận dòng », gồm có Bùi Chu, Thái Bình, Hải Phòng, Bắc Ninh và Lạng Sơn), trước đây để ở trụ sở của họ tại Manila (Phi luật tân) thì từ chừng 15, 16 năm nay đã được đưa cả về Y pha nho, để ở trong tu viện của họ tại Aùvila. Trước đây 15 năm tôi có đi Aùvila xem, nhưng lúc đó các tài liệu chưa có ai sắp xếp cho có thứ tự. Tôi chắc là trong đó cũng không thiếu gì tài liệu Hán và Nôm như trong văn khố của hội M.E.P.
Đó là mấy công việc có thể làm được và nên làm, để nghiên cứu về lịch sử truyền giáo, về ngôn ngữ học vàvề sự biến thể của tư tưởng khi được chuyển từ văn hóa Aâu châu sang văn hóa Việt Nam.  Cho đến nay trong số những người nghiên cứu về đạo Thiên Chúa ở Việt Nam, thì có lẽ chưa có ai đọc được toàn bộ các văn khố nói trên. Người Aâu Mỹ và một số tu-sĩ Việt Nam, có thể đọc được các ngôn ngữ Aâu châu, và chữ quốc ngữ, nhưng thường không đọc được chữ Hán, chữ Nôm. Cho nên tuy có viết được những sách nghiên cứu uyên bác và dầy cộm, nhưng vẫn còn thiếu sót phần nào, và ai dám chắc là phần đó không có gì quan trọng ?
 Thiết tưởng muốn hiểu rõ về tư tưởng trong các văn kiện gọi là Nôm công giáo, thì cần phải có sự cộng tác chặt chẽ giữa những nhà nghiên cứu uyên thâm văn hóa Hán Nôm, và những người đọc được các ngôn ngữ Aâu châu.

                                                                                            






[1] Vocaburarium Annamitico-Latinum par Mgr Pierre Pigneaux de Béhaine, membre des Missions Étrangères de Paris, évêque d’Adran, vicaire apostolique de Cochinchine, Cambodge et Ciampa. Sách được giới-thiệu như sau : ‘’Cuốn tự-vị viết tay này dầy 729 trang, khổ A3, là sách đầu tiên trong lịch-sử Việt-Nam trình-bầy cả hai lối chữ, chữ Nôm và  chữ quốc ngữ viết theo mẫu-tự La-tinh, và dịch sang tiếng La-tinh. Sách được biên soạn trong những năm 1772 và 1773, do Pierre Pigneaux de Béhaine, trong khi phải lưu đày tại Pondichéry, với sự giúp đỡ của tám người Đàng Trong’’.

[2] Tỉnh-lỵ của tỉnh Quảng-đông là thành-phố Quảng-châu. Nhưng người Âu-châu trước đây có thói quen, khi nói đến tỉnh Quảng-đông hay là nói đến thành phố Quảng-châu, thì đều dùng một chữ ‘’Canton’’.
[3] Theo như cách viết của Pierre Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) trong Thánh Giáo Yếu Lý Quốc Ngữ (1774)
[4]. Theo cách viết trong sách Phép dòng chị em mến câu rút (= thập-tự-giá) Đức Chúa Giê-su (1869).


[5] Như trong sách giáo-lý của Bá Đa Lộc dẫn trên đây.

[6] Như ông Tú Xương tự trào : ‘’Nào có làm chi cái chữ Nho, Ông nghè ông cống cũng nằm co, Ước gì đi học làm thày phán, Tối rượu sâm-banh sáng sữa bò‘’.

[7] Thực ra chữ Nôm vẫn còn được dùng, song song với chữ quốc-ngữ, trong sách vở người công-giáo, và cả trong một số giấy tờ hành chính trong thời bảo-hộ, như giấy giá-thú, giấy khai-sinh, cho đến giữa thế-kỷ XX.

[8] Như đã nói trước đây, chữ Nôm không viết lên cách đọc chính xác, cho nên một chữ, như chữ ‘’lận’’ có thể đọc thành năm dọng, rồi một tiếng nói lên có thể viết thành dăm ba chữ, hơn nữa lại cũng  chưa có uy-quyền nào ấn-định cách viết cho có thống nhất trong nước.

[9] Về điểm này, xin đọc lời phân trần đầy đủ và đáo lý của Hồng Nhuệ trong sách Công trình nghiên cứu tiếng Việt của một người Thụy sĩ ở Kẻ Chợ Đàng Ngoài, Onufre Borgès 1614-1664 (Góp í với Roland Jacques về  công trình nghiên cứu tiếng Việt của mấy người Bồ tiên phong cho tới 1650), Paris, 1996, Chương 1, về ‘’Sự việc chữ quốc ngữ  theo ông Lê Thành Khội’’, trang 9-21.

[10] Lại có học-giả cho rằng chữ nôm do người Công giáo viết không phải là chữ nôm đích-thực. Xin thưa hai điều : một là : phải có cơ-quan nào, như hàn-lâm-viện hay là nhà cầm quyền chính-thức ấn-định trước đã thì mới nói được cái gì là đích-thực ; hai là : trừ ra một số chữ mới thì người Công giáo dùng chữ nôm như người đương thời, cho nên nếu phải loại trừ tất cả những chữ do họ dùng, thì cũng phải loại tất cả những chữ ghi trong tự-vị Taberd, nghĩa là hầu hết thi văn chữ nôm trong văn chương Việt-Nam.

[11] Theo như sử-gia Nhật-bản Yoshiharu Tsuboi (Bình Tỉnh Thiện Minh), trong sách Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa (1847-1885),  (bản dịch từ Pháp văn do Nguyễn Đình Đầu , TP Hồ Chí Minh, 1990) có ý kiến rằng người Việt-Nam, trái hẳn lại với người Nhật (không bị người Hán đô-hộ), đã bám quá chặt vào văn-hóa  Trung-hoa, cho nên thiếu tự-do cởi mở đối với thế giới bên ngoài.

[12] ‘’Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường’’ (tôi tiếc là không còn nhớ ai đã thốt ra hai câu như thế).

[13] Xem : Trương Bá Cần, Nguyễn Trường Tộ - Con người và di-thảo, Nhà XB TP Hồ Chí Minh, 1988, tr 254-257. Cũng xem lời bàn của tác-giả TBC, tr 77-78.

[14] Sách đã dẫn, tr 77. Về cái phức tạp của chữ Nôm, xin xem chú giải số 7 trước đây.

[15] ‘’Ngày nay nước ta những kẻ thông minh lanh lợi đều đua nhau học chữ, không lập công dựng nghiệp nhân lúc thanh niên cường tráng, mà chỉ vùi đầu đèn sách hết năm này sang năm khác. Phải chăng họ muốn trở thành người Trung quốc ? Thế mà đem nói với người Tàu, người Tàu chẳng nghe, nói với dân ngu, dân ngu chẳng hiểu. Một tờ trát đưa xuống, kẻ hiểu thế này, người hiểu thế khác. Một chữ trong luật, kẻ nói tội nhẹ, người nói tội nặng.  Đơn từ án lịnh thì bọn thầy kiện và quan tòa quỷ quyệt lật ngược lật xuôi. Sự tình khai báo trong dân gian thì tráo trở thiên biến vạn hóa. Công việc chất chồng phần nhiều bị bóp tròn bóp méo không tả rõ được sự thực. Thông cáo yết thị của nhà nước truyền xuống phải qua người biết chữ đọc và dịch lại cho dân, nhưng phần nhiều viện dẫn thất thiệt, giảng nghĩa không rõ khiến dân thường không hiểu hết, ý chí của triều đình bị xuyên tạc. Thậm chí có người viết cái gì cho ai bằng quốc âm thì bị khinh thường. Làm thầy thuốc mà xem quốc ngữ thì bị cho là tầm thưòng. Nói tiếng mẹ đẻ mà không xen chữ nho vào thì bị cho là quê mùa. Ngoài ra lại còn có một thứ văn từ chuyên dùng những chữ hiểm hóc cầu kỳ cốt để cho người đọc không hiểu, nghe không ra. Thế mới cho là kỳ diệu tuyệt vời. Phải làm sao cho nhiều tay cao kiến hay chữ, giảng giải bắt bẻ đến nỗi một chữ ra hàng trăm nghĩa, ý tưởng lập lờ nước đôi không tài nào quyết dịnh được, thế mới là tay cự phách trong làng văn !’’ (Sách đã dẫn, tr 255).   

[16] Sđd, tr 256.
[17] Sđd, tr 255.
[18] Sđd, tr 256.
[19]  Cách đây một nửa thế kỷ, giáo sư Hoàng Xuân Hãn đã tìm ra, trong thư viện quốc gia Pháp tại Paris, 14 cuốn còn lại của tác giả (Xem bài « Girolamo maiorica. Ses oeuvres en langue vietnamienne conservées à la Bibliothèque nationale de Paris », in trong  tạp chí Archivium historicum Societatis Jesu, tập XXII, năm 1953, trang 203-214).
[20]  Ví dụ một trong những cuốn sách cuối cùng được in là cuốn Thánh giáo kinh nguyện, do Giám mục Phê-rô Ma-ri-a Đông (Pierre Marie Gendreau) truyền tử, In tại Kẻ Sở năm 1926. Cuốn mà tôi có trong tay thì đã rách nát mất đi chừng hơn chục trang, nay chỉ còn 224 trang.  Tuy thời đó chữ quốc ngữ đã được cổ võ, nhưng trong các xứ đạo người ta vẫn còn dùng sách chữ Nôm, nhất là các sách kinh-nguyện, cho đến giữa thế kỷ XX.
[21] Có một số người, cả người Việt lẫn người Tây, nhất là ở Aâu Mỹ,  không biết rõ đầu đuôi câu truyện, vẫn còn ngờ rằng các giáo sĩ Tây phương phải bày ra chữ quốc ngữ, với cái thâm ý là làm cho người Việt mất gốc đi thì mới truyền đạo được. Họ không biết rằng hai giáo sĩ người Pháp là Pigneaux de Béhaine (Bá Đa Lộc) và Taberd đã rất chú trọng vào chữ Nôm, đã soạn và in tự vị Quốc Ngữ-Nôm-Latinh. Họ cũng không biết rằng người công giáo đã dùng khá nhiều sách Nôm.
[22]  Đó là trường hợp khá nhiều chữ Hán Việt, phiên âm từ tiếng Aán-độ sang chữ Hán, rồi chuyển sang cách đọc Hán Việt. Một ví du : hai chữ « Nam » và « Vô » đứng trước tên « A-di-đà Phật », thì những ai hiểu đạo Phật đều đọc là  « Nam-mô », và hiểu rằng  đó là câu niệm Phật để tôn vinh Phật A-di đà, chứ không có nghĩa là «Nước Nam không có Phật A-di-đà », như đã có một nhà Nho trước đây nói đùa theo ý nghĩa gốc chữ Hán. Đó lại cũng là trường hợp của các câu thần chú thường dùng được phiên âm sang chữ Hán
[23]  Ví dụ nếu ta gọi tên mấy nước theo dọng Hán Việt là : « Ai cập », « Bồ đào nha », thì trong sách công giáo ngày xưa phiên âm thẳng từ tiếng « Bồ đào nha » ra là : nước « I-chi-tô », nước « Phu-tu-ghê » (chữ « portugues » thì đọc là « pur-tu-ghês ». Hiện nay ta vẫn còn khá nhiều tên ngoại quốc đọc theo dọng Hán Việt thành ra rất khác cách đọc chính thức của người bản xứ, như : Ba-tây, Tây-ban-nha, Mễ-tây-cơ, Á-căn-đình, Đức-ý-chí (Deutsch/ Đức), Bỉ-lợi-thì , Ý-đại-lợi, Mạc-tư-khoa (Mátxcơva), Ba-lê (Paris, chứ không phải là thành phố Bâle/Basel ở Thụy-sĩ,  Mã-khắc-tư (Marx) , vân vân.
[24]  Ví dụ như : rượu « vang »,  cái « đinh vít » (vis, đinh trôn ốc) , cái « mề đay », cái lắc-lê », lính « lê-dương », ông « cò » (commissaire), cái « boong tầu », « nhà ga », ông đội « xếp », « xà lim », xe « ô-tô », xe « buýt », v.v.
[25]  Những sách Nôm đó lại thường đã được phiên âm ra theo mẫu tự la-tinh, cho nên cũng dễ đọc cho đúng các chữ Nôm chuyên môn. 
[26] Ví dụ như trong sách Phép dòng chị em mến câu rút Đức Chúa Giê-su, in tại Phát Diệm năm 1869, thì có ghi là do « giám mục Bảo Lộc Phước (Paul Puginier)  san thuật truyền tử » và kê ra « Sổ các sách in tại Phát Diệm, tây lịch nhất thiên cửu bách cửu niên cải đính » là 39 cuốn.