Là Ngoại Tệ Dự Trữ Thì Được Gì?

Nguyễn Xuân Nghĩa & Nguyên Lam

“Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”!

Đầu Tháng Chín này, Trung Quốc sẽ chủ trì hội nghị cấp lãnh đạo của nhóm G-20 tổ chức tại thành phố Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang. Đây cũng là lúc giới lãnh đạo Bắc Kinh ngợi ca việc đồng Nguyên của họ được đưa vào giỏ ngoại tệ dự trữ gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt SDR kể từ mùng một Tháng 10. Nhưng mặt trái của vị trí tôn quý ấy là gì? Diễn đàn Kinh tế xin tìm hiểu chuyện này….
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, theo quyết định năm ngoái của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF, với sự đồng ý của các nước thành viên, kể cả Hoa Kỳ và Tây phương, thì vào Tháng 10 tới đây, đồng bạc Trung Quốc được đưa vào giỏ ngoại tệ của bốn loại tiền thông dụng nhất thế giới là đồng Mỹ Kim, đồng Euro, đồng Bảng Anh và đồng Yen Nhật. Chắc là tại thượng đỉnh của nhóm G-20 gồm hai chục nền kinh tế dẫn đầu thế giới, năm nay được tổ chức tại Hàng Châu vào đầu Tháng Chín, lãnh đạo Bắc Kinh sẽ chào đón biến cố đó và nói đến sự đóng góp của Trung Quốc cho thịnh vượng và ổn định tài chính của thế giới. Nhưng sự thật của biến cố này là gì và phải chăng điều ấy báo hiệu việc đồng Nhân Dân Tệ hay đồng Nguyên của Trung Quốc sẽ thay vị trí đồng đô la Mỹ như Bắc Kinh mong muốn từ lâu?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trong vụ này, chúng ta có hai ba vấn đề cần phân tích vì lý do khá chuyên môn khó hiểu. Một ngoại tệ dự trữ, trước tiên phải là một đồng bạc được các nước sử dụng làm phương tiện thanh toán việc mua bán một cách phổ biến nhất; sau đó phải là loại tài sản đáng tin cậy để các nước lưu giữ trong khối dự trữ ngoại tệ của mình. Vì vậy, ngoại tệ ấy được dùng làm cơ sở so sánh trị giá của các đồng bạc khác, gọi là tỷ giá hay hối suất. Trong ý đó, sau Thế chiến II, Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất từ 70 năm về trước, và ngày nay vẫn duy trì vị trí đó khi chiếm 64% khối dự trữ ngoại tệ của các nước trên thế giới, trước đồng Euro của Âu Châu, đồng Bảng Anh và đồng Yen Nhật.

- Thứ hai là sau vụ khủng hoảng tài chính tại Hoa Kỳ năm 2008, các nước như Pháp, Đức, Nga, Tầu, hay cả Ấn Độ và Brazil tại Nam Mỹ, đều yêu cầu tăng cường vai trò của một ngoại tệ dự trữ khác để thay đồng Mỹ kim. Đó là một giỏ có nhiều ngoại tệ do Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF quy định, gọi là Quyền Trích Xuất Đặc Biệt, hay Quyền Đặc Trích, dịch từ Special Drawing Rights, viết tắt là SDR. Thứ ba, do sức mua bán phổ biến của nền kinh tế có sản lượng thứ nhì thế giới, Trung Quốc muốn đưa đồng Nguyên của họ vào giỏ ngoại tệ đặc biệt ấy và đã được IMF đồng ý từ năm ngoái. Nhưng nếu họ muốn đồng bạc tổng hợp này rồi đồng Nguyên sẽ thay đô la Mỹ thì họ lầm to vì kinh tế Trung Quốc không chịu đựng nổi trách nhiệm nặng nề ấy của một ngoại tệ phổ biến nhất. Nhìn từ giác độ Việt Nam, tôi còn mong rằng họ sẽ đi tới đó và sớm gặp khủng hoảng của một con ếch mà muốn to bằng con bò!

Nguyên Lam: Thưa ông Nghĩa, ông vừa nói đến một khái niệm khá bất ngờ là “trách nhiệm nặng nề của một ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất”. Điều ấy bất ngờ vì xưa nay người ta vẫn cho là nhờ vị trí ngoại tệ dự trữ phổ biến mà Hoa Kỳ chiếm ưu thế và gần như trục lợi trên lưng các nước khác. Rồi, với đà phát triển của mình, Trung Quốc cũng mong có ngày tiến lên vị trí ấy để có ưu thế như Hoa Kỳ. Bây giờ, ông lại nói là mong Trung Quốc lên tới đó và sớm gặp khủng hoảng! Ông giải thích thế nào về nghịch lý này?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Đây là một trong nhiều hiểu lầm phổ biến nhất của thiên hạ, kể cả các chuyên gia kinh tế ít quan tâm đến kế toán quốc gia. Người ta cứ cho rằng Mỹ chiếm lợi thế, thậm chí lợi thế bất chính, là nhờ vai trò ngoại tệ dự trữ của đồng Mỹ kim, nhưng chẳng biết là ưu thế ấy đem lại những trách nhiệm mà chỉ nền kinh tế và chính trị Hoa Kỳ mới chịu nổi.

- Quả thật là từ mấy chục năm nay rồi, nhiều quốc gia ghen tức với thế lực Hoa Kỳ và nhiều nhà bình luận kinh tế cứ nói là nhờ vai trò dự trữ của Mỹ kim, nước Mỹ có thể tiêu thụ và vay mượn thả giàn vì các nước đều mua tiền Mỹ dưới dạng Công khố phiếu. Thứ hai, nhờ các nước mua công khố phiếu, hay phiếu quốc trái, hay trái phiếu của quốc gia, nên phân lời trái phiếu hạ làm lãi suất tại Mỹ giảm và điều ấy có lợi cho kinh tế Hoa Kỳ. Sự thật nó lại rắc rối gấp bội.

- Thứ nhất, do vị trí ưu đãi của đồng Mỹ kim, dân Mỹ phải tiêu nhiều hơn chứ chưa hẳn là được tiêu xài nhiều hơn như thiên hạ vẫn lầm tưởng; thứ hai, vì các nước phải mua Công khố phiếu Mỹ nên lãi suất mới giảm tại Hoa Kỳ một cách giả tạo. Nếu nhớ tới hai vế cung cầu về tư bản trong kế toán quốc gia thì ta biết là khi thiên hạ ào ạt mua Mỹ kim thì hối suất đô la sẽ tăng làm giới sản xuất bị bất lợi và thất nghiệp có thể tăng. Khi ấy, Mỹ phải ứng phó bằng cách tăng mức tín dụng tiêu thụ hay nâng số vay nợ của nhà nước, tức là chính sách kinh tế tài chính của quốc dân Hoa Kỳ bị xứ khác chi phối. Tôi gọi đó là gánh nặng.

Nguyên Lam: Thính giả của chúng ta có thể khó hiểu yếu tố chuyên môn phức tạp này, vì vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông giải thích thêm cho rõ. Có phải là việc Mỹ kim là ngoại tệ dự trữ phổ biến nhất khiến ngân hàng trung ương và giới hữu trách về kinh tế tài chính Hoa Kỳ phải đối phó với quyết định mua bán hay lưu giữ đồng đô la Mỹ của các nước khác chăng? Và nếu Trung Quốc tiến tới vị trí đó thì họ không thể xoay trở nổi với cái mặt trái của ưu thế tượng trưng này, thưa ông, có phải vậy không?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Trước khi nói tới Trung Quốc thì hãy nghĩ đến hoàn cảnh Nhật Bản khi đồng Yen vọt lên giá vì biến động sau vụ Anh Quốc quyết định ra khỏi Liên Âu vừa qua. Biến cố ấy gây bất lợi cho kinh tế Nhật chứ không làm dân Nhật vênh mặt như dân Tầu vì đồng tiền của họ được chiếu cố như một ngoại tệ mạnh. Sự thật thì vị trí ngoại tệ dự trữ trên trường quốc tế có mặt trái là khiến các nước khác chi phối số cầu nội địa và gây khó cho chính sách kinh tế bên trong. Thí dụ khác là năm 2011, Bắc Kinh ào ạt mua đồng Yen, và mặc nhiên hạ thấp vị trí của ngoại tệ phổ biến là Mỹ kim, thì Nhật phản đối dữ dội và ráo riết mua đô la để trung hòa sự chiếu cố của Tầu, tức là nhường lại cho Mỹ cái ưu thế bất chính mà Trung Quốc và nhiều nước khác vẫn đả kích! Lý do chuyên môn rất khó hiểu ở đây là kế toán quốc gia.

- Theo định nghĩa kế toán thì cán cân vãng lai hoặc cán cân chi phó là kết số chi thu ngoại tệ, nó cũng là sai biệt giữa tiết kiệm và đầu tư. Nếu tiết kiệm nhiều hơn đầu tư thì cán cân vãng lai được thặng dư. Khi Tầu mua tiền Nhật và trả bằng đồng Nguyên thì điều ấy có nghĩa là tư bản Tầu trút vào Nhật. Nếu Nhật Bản tiết kiệm ít và thiếu tiền đầu tư ở bên trong thì sẽ hoan hỉ đón nguồn tư bản ngoại nhập ấy, nhưng họ không cần và nếu Tầu ào ạt mua tiền Nhật thì tất nhiên tiết kiệm của Nhật phải giảm cùng mức độ của thặng dư vãng lai. Khi đó tiêu thụ của Nhật sẽ tăng cùng mức độ với số nợ ngoại quốc, là điều Nhật Bản không thể chịu nổi. Và khi đó thất nghiệp tại Nhật sẽ tăng là điều còn khó chịu đựng hơn nữa. Hoa Kỳ là quốc gia duy nhất có khả năng tiếp nhận tư bản nước ngoài ào ạt đổ vào hay rút ra, tức là chịu nổi gánh nặng hay trách nhiệm của đồng Mỹ kim là ngoại tệ phổ biến nhất. Trung Quốc thì còn lâu!

Nguyên Lam: Cho tới nay, hầu hết mọi người đều nói là nhờ vị trí của Mỹ kim mà dân Mỹ mặc sức tiêu thụ với lãi suất hạ và điều đó khiến nước Mỹ mắc nợ nhiều hơn, tiết kiệm ít hơn và bị nhập siêu quá nặng, tức là nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu. Đã vậy, Hoa Kỳ còn chiếm ngôi bá chủ kinh tế nhờ ưu thế của đồng bạc do họ tự nhiên phát hành trong khi các nước có thể bị điêu đứng vì dòng tư bản chảy vào hay rút ra trong các giai đoạn bất ổn. Thưa ông, sự thật lại không phải như vậy hay sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ đến thành ngữ Trung Hoa là “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”! Trung Quốc chưa đi tới chỗ ấy nên mới mơ chuyện hão….

- Người ta lầm tưởng là các nền kinh tế đều cần đầu tư nước ngoài vì tư bản đưa vào sẽ tài trợ yêu cầu phát triển của mình. Thật ra, đầu tư nước ngoài chỉ có lợi cho quốc gia tiếp nhận nếu là kỹ thuật hay kiến năng mới về tổ chức và kinh doanh và nếu kinh tế không tiết kiệm đủ cho nhu cầu về đầu tư. Sự thật thì Hoa Kỳ là xứ tiên tiến về công nghệ và nếu tiết kiệm giảm thì tại vì đầu tư ngoại nhập khi thiên hạ mua tiền của Mỹ về làm ngoại tệ dự trữ. Người ta ít hiểu ra nghịch lý ấy vì thuần về kế toán hay tính toán sổ sách, nếu đầu tư quốc ngoại chảy vào Mỹ, cũng tựa như các nước xuất khẩu tư bản vào thị trường Hoa Kỳ, sai số hay thặng dư về đầu tư so với tiết kiệm tại Mỹ tất nhiên bằng với số thặng dư về tiết kiệm trên đầu tư của xứ khác. Vì chuyện này khó hiểu, người ta mới oán nước Mỹ là trục lợi bất chính. Trong khi đó, chính là tư bản ngoại quốc chảy vào Mỹ góp phần thổi lên sự phồn vinh trong các năm 2002-2007 khi giá cổ phiếu và nhà cửa tăng vọt. Khi ấy ai cũng ca tụng khả năng tiêu thụ và công ăn việc làm được tạo ra trong mấy năm thịnh đạt. Thế rồi khi bùng nổ vụ khủng hoảng tài chính năm 2008, sức tiêu thụ sa sút và thất nghiệp tăng đã dẫn tới nạn Tổng suy trầm. So với ngần ấy quốc gia bị lao đao từ 2010 đến nay thì Hoa Kỳ vẫn phục hồi mau nhất và nếu muốn tránh sự dao động ghê gớm ấy thì nước Mỹ nên áp dụng chế độ kiểm soát tư bản, là từ bỏ vị trí ngoại tệ dự trữ của đồng đô la. Hoa Kỳ không làm như vậy và vẫn cáng đáng vai trò này trong khi Trung Quốc thì chưa thể đảm nhận nổi và sẽ loạn to nếu cũng xả cảng cho tư bản tự do chảy ngược xuôi.

Nguyên Lam: Như vậy, một cách cụ thể, thì sau khi đồng Nguyên được nhận vào rổ Đặc Trích SDR từ đầu Tháng 10, thưa ông, những gì có thể xảy ra?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là chẳng có gì cả ngoài cái danh hão mà lãnh đạo Bắc Kinh mua về cho thần dân u mê của họ! Đồng ngoại tệ tổng hợp SDR có năm ngoại tệ, theo tỷ trọng do IMF quy định từ Tháng 10 này là 41,37% cho Mỹ kim, 30,93% cho Euro, 10,92% cho đồng Nguyên, 8,33% cho đồng Yen Nhật, và 8,09% cho đồng Anh kim. Nếu ngân hàng trung ương nào mua trái phiếu yết giá bằng đồng SDR giả tạo đó thì Quỹ IMF có thể đóng chốt bằng cách mua vào năm ngoại tế ấy với cùng tỷ lệ thì sự thể chẳng có gì khác. Nếu Bắc Kinh muốn đồng Nguyên có thế giá hơn thì có thể mua đồng bạc này, hoặc nếu họ muốn đánh hạ vai trò của đô la như họ vẫn nói thì mua các ngoại tệ kia nhiều hơn tỷ trọng ấy. Điều này chẳng bao giờ xảy ra và cho tới nay, chính Bắc Kinh cứ mua tiền Mỹ và củng cố vai trò của đô la vì nếu không xuất khẩu tư bản vào Mỹ thì sẽ bị thất nghiệp và bị còn nặng hơn nếu đồng Nguyên được chiếu cố! Vì vậy, những ai ngợi ca phép lạ kinh tế Trung Quốc, kể cả giới tuyên truyền của Bắc Kinh, cứ chỉ nói cho vui, chứ ngày nào mà Trung Quốc mon men đưa đồng bạc vào cấp quý tộc thì ngày đó họ bị thất nghiệp cao và gặp động loạn kinh tế tài chính lẫn chính trị!

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích này.
 
Nguồn:https://vietbao.com/p112a255985/la-ngoai-te-du-tru-thi-duoc-gi-