TS Phạm Trọng Chánh
Nguyễn Du
trên đường đi sứ đi qua Kê Khang Cầm Đài và tại Hứa Đô, Hà Bắc trong khoảng
thời gian 21-9 đến 4-10 năm Quý Dậu (1813), nơi đây thi hào xúc cảm viết bài Kê
Khang Cầm Đài và Lưu Linh Mộ.
Kê Khang (223-262) tên Thúc Dạ, người đời Tấn ở đất Trất, nay thuộc huyện Túc,
tỉnh An Huy, dòng họ Hề, có tài liệu cho ông dòng họ Khuê đất Thượng Ngu, huyện
Cối Kê, nay huyện Thiên Hưng, tỉnh Chiết Giang, vì có sự thù oán, ông lánh nạn
đến Kê Sơn, do đó tự đặt hiệu là Kê Khang. Ông là một trong Trúc Lâm Thất
Hiền : gồm Nguyễn Tịch (210-263) Kê Khang (223-263) Lưu Linh (221-300) Sơn
Đào (205-283) Hướng Tú (221-300) Vương Nhung (234-305), Nguyễn Hàm ( ?).
Kê
Khang còn là rể của tôn thất Tào Ngụy, từng làm quan đến chức Trung Tán
đại phu. Ông thường cùng bạn đi chơi uống rượu ở rừng Trúc. Sớm mồ côi, Kê Khang
là người đa tài, đa nghệ, thân hình cao lớn, có phong nghi thiên chất tự nhiên,
tính tình điềm đạm, ít ham muốn, khoan dung giản dị. Kê Khang thông tuệ học
rộng, tự học tự đọc sách mà giỏi, thích học thuyết Lão Trang, ông nói :
« Ba ngày không đọc Đạo Đức Kinh, thì miệng thấy hôi ». Kê Khang đề
cao tự nhiên, tính tình chính trực, thích đàn rượu hái thuốc, du chơi sơn
trạch. Ông trước tác Thích Tứ Luận, Thanh Vô Ai Lạc Luận. Lấy chủ nghĩa
tự nhiên bài bác học thuyết Nho Giáo, quan niệm nhân cách con người quân tử
được không phải lấy lễ giáo bên ngoài mà uốn nắn con người, đẽo gọt thiên nhiên.
Ông cũng chống lại tất cả các suy luận tri thức về phải trái, đúng sai. Ông chỉ
cốt làm sao được Tâm hư để noi theo tánh mà sống, vì tự nhiên chính là đạo lý.
Sách Thế
thuyết kể : Chung Hội (225-264) làm quan, làm tướng, ái mộ Kê Khang, một
ngày Chung Hội cùng vài người thân tín đến viếng Kê Khang. Sở thích Kê Khang là
rèn đồ kim khí. Chung Hội đến thấy Kê Khang đang rèn dưới gốc cây lớn. Hướng Tú
giúp Kê Khang thổi ống bể. Kê Khang tiếp tục rèn, như không có khách đến. Chung
Hội bẻ mặt đứng nhìn một lát rồi bỏ đi.
Kê Khang
hỏi :- Đã nghe gì mà tới ? Đã thấy gì mà đi ?
Chung Hội
đáp : - Tới vì cái đã nghe, đi vì thấy cái đã thấy.
Người đời
Tấn thích cái vẻ đẹp thể chất và tinh thần Kê Khang, người ta sánh ông với núi
ngọc, với cây tùng. Có lẽ vì vậy mà Chung Hội mới nói đã nghe, đã thấy.
Thơ Kê
Khang khí vận tuấn thanh, như mùa thu trong trẻo, khác với thơ Nguyễn
Tịch thâm thúy, tài hoa như mùa xuân thơm ngát.:
Mắt tiễn
hồng bay,
Tay gầy
năm dây,
Cúi ngữa
tự đắc,
U huyền
thích thay.
Nguyên tác:
Mục tống
hồng phi,
Thủ huy
ngũ huyền.
Phủ
ngưỡng tự đắc,
Du tâm
thái huyền.
Trước kia có
một hôm Kê Khang chơi đất Lạc Tây, trọ ở Hoa Dương Đình, đêm ngồi khảy đàn,
chợt có một người khách đến tự xưng mình là người thời cổ. Rồi cùng Kê Khang
bàn luận âm luật, lời lẽ rành rọt, thấu đáo lắm, nhân đó ông khách truyền cho
Kê Khang khúc nhạc Quảng Lăng Tán. Dặn Kê Khang không truyền cho ai khác.
Kê Khang làm quan rồi từ quan. Tư Mã Chiêu soán ngôi nhà Ngụy Tào, lập nên nhà
Tấn trừ khử kẻ nghịch. Huyện Đông Bình có Lữ An ngưỡng mộ Kê Khang tìm đến ra
mắt, hai người kết tâm giao. Chẳng ngờ Lữ An có người anh họ tên Lữ Tốn, vốn bộ
hạ thân tín Tư Mã Chiêu, ỷ thế lộng hành, thấy vợ Lữ An xinh đẹp muốn chiếm
đoạt, bắt Lữ An hạ ngục. Vì tình bạn Kê Khang minh oan, cũng bị bắt giam. Kê
Khang vốn con rễ tôn thất nhà Ngụy, họ muốn trừ tuyệt nên dựng chuyện Kê Khang
khinh vua Thang, vua Vũ, Khổng Tử, chống lại thuyết Danh Giáo họ Tư Mã dùng Nho
Giáo để thống trị thiên hạ là có ý làm loạn, nên bắt tử hình.
Trước khi
hành hình ở chợ Đông, Kê Khang quay nhìn bóng mặt trời cầm đàn gảy khúc Quảng
Lăng Tán mà nói rằng :
-« Trước
kia khúc Quảng Lăng Tán có người tên Viên Hiếu Nê thường theo ta để học, nhưng
ta không truyền được, nay khúc Quảng Lăng Tán từ nay mất đi ». Ông bị giết
lúc 40 tuổi. Khúc Quảng Lăng Tán kể chuyện : Cha Nhiếp Chính vì Hàn Vương
mà đúc kiếm, do trễ ngày giao kiếm nên bị thảm sát. Nhiếp Chính trả thù cho
cha, luyện đàn 10 năm nổi tiếng với tiếng đàn, được Hàn Vương triệu vào đàn cho
nghe. Nhiếp Chính nhân cơ hội này, giết chết Hàn Vương rồi tự hủy dung nhan, tự
tử để khỏi liên lụy đến người thân. Người đời sau cảm khái soạn nên khúc Quảng
Lăng Tán. Sáu trăm năm sau Kê Khang phát triển khúc này thành khúc nhạc tuyệt
luân. Năm 262 Kê Khang đàn khúc này lần cuối trước khi bị chặt đầu giữa chợ.
Sách Thái Lung viết : ‘Cầm Tháo tức khúc Nhiếp Chính thích Hàn Vương
’. Mẹ Nhiếp Chính không chịu nhục, chết cùng con.
Nguyễn Du viết : Sách xưa ghi dấu tích đây là Đài cầm của Kê Khang. Người
chết đàn mất, đài cũng bỏ hoang. Bảy dây văn vũ cuối cùng đã im bặt. Đông Tấn,
Tây Tấn cũng đã mất tăm rồi. Đến nay cái bất hủ của ông là tính trẻ con. Sau
đây ai là người đến với làng say . Ông là bạn thân với Lưu Linh.
Than thở cho tiếng đàn Quảng Lăng đã dứt. Bài nhạc mới của Tỳ bà phân nửa
là điệu Hồ Khương.
ĐÀI GẢY ĐÀN KÊ KHANG
Cầm đài chuyện cũ nhớ Kê
Khang,
Người khuất đàn phai, đài bỏ
hoang.
Văn vũ bảy dây im lặng tiếng,
Đông Tây hai Tấn luống mơ
màng.
Trẻ trung bất hủ còn lưu
tiếng,
Bợm nhậu ai đây đến nhập
làng.
Xót nỗi Quảng Lăng đà bặt
tiếng,
Tỳ bà nửa điệu ấy Hồ Khương.
Nhất Uyên dịch thơ
Nguyên tác phiên âm Hán
Việt :
KÊ KHANG CẦM ĐÀI
Cầm đài cổ tích ký Kê Khang,
Nhân tử cầm vong đài diệc
hoang.
Văn võ thất huyền chung tịch
tịch,
Đông Tây lưỡng Tấn diệc mang
mang.
Chí kim bất hủ duy đồng tính,
Thử hậu hà nhân đáo túy
hương ?
Thán tức Quảng Lăng huyền
tuyệt hậu,
Tỳ bà tân phổ bản Hồ Khương.
Trong Trúc Lâm Thất Hiền, Nguyễn Du có viết bài Lưu Linh Mộ và bài Hành Lạc Từ
có nhắc đến Vương Nhung, và trong bài Phúc Thực Đình có nhắc đến Nguyễn Tịch
mắt xanh khi gặp người tri kỷ. Nguyễn Du còn thông thạo đàn Nguyệt tức
đàn Nguyễn Cầm do Nguyễn Hàm chế ra. Nguyễn Hàm là cháu Nguyễn Tịch, không rõ
năm sinh năm mất. Bài Long Thành Cầm Giả Ca : Giai nhân Thăng Long,
chẳng biết rõ tính danh Thạo đàn Nguyễn Cầm, nên trong thành gọi nàng Cầm là tên.
Nguyễn Du là một người tinh thông về âm nhạc. Nguyễn Hành khi nói đến chú đã
viết : Giang hồ Long miếu hai điều đủ, Thi Họa, Cầm, Thư bốn nghệ
tinh. Nguyễn Du có cuộc đời đi khắp sông hồ (Giang Nam, Giang Bắc, Ngũ Đại
Hồ..) thời tuổi trẻ và thời đi sứ và một đời làm quan các nơi (Phù
Dung, Thường, Tín, Quảng Bình) và tại triều đình Phú Xuân. Bốn nghề chơi :
Cầm, Thư, Thi, Họa đều tinh xảo.
LƯU LINH
(220-300) tự Bá Luân người đất Bái, thân hình xấu xí, tính tình phóng túng, coi
nhỏ vũ trụ, xem muôn vật làm tâm, lạnh nhạt ít lời, không quen giao du. Nhưng
tương đắc với Nguyễn Tịch và Kê Khang, cùng các bạn tương ngộ dắt tay nhau vào
rừng trúc, nên được người đời xếp vào nhóm Trúc Lâm Thất Hiền. Lưu Linh thường
ngồi xe đi chơi uống rượu, sai người vác mai theo, sau bảo rằng :
« Chết ở đâu thì chôn ở đó. » Ông xem thường thân thể đến thế. Lưu
Linh uống rượu nổi tiếng, uống bao nhiêu cũng không say.
Giai thoại kể rằng : Một hôm ông bảo vợ đi lấy rượu. Vợ ông đổ rượu đi và
đập bể vò rượu. Vợ khóc mà can rắng : « (Ông uống rượu nhiều quá,
không phải là cái đạo nhiếp sinh, ông phải bỏ bớt rượu đi. ( Nhiếp sinh là đạo
lấy tinh thần mà nuôi sức khỏe)
Lưu Linh nói : Phải, ta không thể tự cấm được, phải cầu quỷ thần lên để
thề nguyện mới được. Vậy phải đủ rượu thịt để làm lễ chứ. Vợ nghe lời sắm sửa
đủ thứ. Xong Lưu Linh quỳ xuống khấn rằng :
Trời sanh
Lưu Linh,
Lấy rượu làm
danh.
Mới uống một
vò,
Năm đấu giải
tỉnh.
Lời nói đàn
bà,
Cẩn thận
đừng nghe.
Khấn xong
thì đem rượu thịt ra ăn uống li bì, say say, tỉnh tỉnh.
Lưu Linh mê
man, tỉnh tỉnh, nhưng khi gặp việc thì ứng biến chẳng sai. Ít khi làm văn thơ
nhưng có bài Tửu đức tụng, nổi danh ca tụng người uống rượu.
TỬU ĐỨC TỤNG
Chàng ta
vốn là người cao quý,
Cả đất
trời chỉ một cơn say.
Vĩnh hằng
một thoáng mây bay,
Trời
trăng là cửa sổ nơi dưới nhà.
Tám sa
mạc chỉ là sân rộng,
Chàng ra
đi chẳng đọng dấu đời.
Không
nương nhà ở một nơi,
Đất làm
chiếu trải, trời coi làm nhà.
Chàng đeo
đuổi cuộc đời phóng đãng,
Dừng lại
khi nâng chén ôm bầu.
Khi đi
mang rượu mang vò,
Rượu là
tất cả, chẳng trò gì hơn.
Có chúa
trẻ và quan cáo lão,
Nghe nói
năng những thói quen nhà.
Bác bài
cách sống của ta,
Vung tay
xắn áo, thu chà nắm tay.
Mắt dữ
tợn hàm răng nghiến chặt
Họ dạy ta
phép tắc xã giao.
Phải rằng
thế nọ, thế kia,
Ù tai
tiếng nói như là bầy ong.
Nhưng lúc
đó ông kia thấy rượu,
Cầm cái
vò rót chén nâng lên.
Nốc cạn,
râu vuốt, thẳng chân,
Lấy men
làm gối, rượu tăm gối dài.
Chẳng suy
nghĩ, chẳng là chi tá,
Hạnh phúc
chàng trọn vẹn mười phân.
Thoát
say, thoát tỉnh xoay vần,
Lắng tai
chẳng thấy chàng lăn sấm rền.
Trong mắt
chẳng thấy hình núi Thái,
Không
lạnh căm, nóng bức xé da.
Thành
công cũng chẳng thấy xa,
Chẳng còn
ham muốn nệ hà đam mê.
Mắt nhìn
xuống đám đông như kiến,
Giống như
bèo Giang Hán nổi trôi.
Cao sang
kia đứng cạnh tôi,
Chỉ loài
ong nọ hay thời sâu kia.
(Nhất Uyên
dịch thơ).
Khi đi qua mộ Lưu Linh, Nguyễn Du viết : Chàng họ Lưu chẳng làm nên trò
trống gì. Vác cuốc rêu rao, chết đâu chôn đó. Trong cơn say đã có thể coi vạn
vật như nhau. Lúc chết hà tất phải lo nghĩ đến hình hài. Ngôi mộ cổ nghìn năm
đầy gai góc. Đường quan muôn dậm nhiều gió bụi. Sao ta lại đem trong sạch tỉnh
táo nhìn đời. Để phải như cánh bèo trôi giạt rất đáng thương. Câu kết Nguyễn Du
lập lại câu cuối bài Tửu Đức Tụng của Lưu Linh.
MỘ LƯU LINH
Trò trống
ra gì, chàng họ Lưu,
Chết đâu
chôn đó khéo rao rêu.
Khi say
muôn vật cùng như thế,
Lúc chết
thân kia chớ nghĩ nhiều.
Mộ cổ
nghìn năm gai góc mọc,
Đường
quan muôn dậm gió tiêu điều.
Tỉnh đem
trong sạch nhìn chi đó,
Tan tác
thương thay một cánh bèo.
Nhất Uyên
dịch thơ
Nguyên tác
phiên âm Hán Việt:
LƯU LINH MỘ
Lưu gia
chi tử bất thành tài,
Hà sáp
đương ngôn tử tiện mai.
Túy lý dĩ
năng tề vạn vật,
Tử thời
hà tất niệm di hài ?
Thiên
niên cổ mộ trường kinh cúc,
Vạn lý
đạo quang đa phong ai.
Hà dĩ
thanh tinh khan thế sự,
Phù bình
nhiễu nhiễu cánh kham ai.
Bài Hành Lạc Từ II. Nguyễn Du có nhắc đến Vương Nhung, một trong Trúc Lâm Thất
Hiền: Vương Nhung nhà giàu ruộng vườn khắp các châu, nhưng lại là tay biển lận,
ngày nào cũng cầm thẻ ngà trong tay để tính toán, trong nhà có cây mận rất
ngon, bán quả sợ người ta được giống nên dùi nát hột mới bán. Vương Nhung là
người có câu nói nổi tiếng được nhắc trong Xuân Đường Đàm Thoại của Tam Nguyên
Vị Xuyên Trần Bích San và bài tựa Truyện Kiều của Mộng Liên Đường: ”Người
thượng trí vong tình, kẻ hạ ngu bất cập tình, mối tình chung đúc chính là ở bọn
ta.” Nguyên Vương Nhung có người con nhỏ tuổi chết, người bạn đển bảo, cháu còn
nhỏ có gì mà khóc đến thế. Vương Nhung nói câu này và hai người cùng khóc.
Anh có
thấy:
Ông Vương
Nhung tự tay cầm bàn ngà,
Ngày ngày
tính toán lòng chưa vui sướng,
Đài Tam
công đổ, cây mận ngon tàn,
Bạc vàng
tiêu tán người khác hưởng.
Nguyên tác:
Quân bất
kiến:
Vương
Nhung nha trù thủ tự tróc,
Nhật nhật
cối kê thường bất túc.
Tam công
đài khuynh hảo lý tử,
Kim tiền
tán tác tha nhân túc.
Bài Phúc
Thực Đình. Nguyễn Du có câu thơ nhắc đến Nguyễn Tịch:
Hợp bạn
khó tìm người mắt biếc,
Gỡ đầu
thêm rối cõi lòng ta.
Tụ đầu
nan đắc thường thanh mục,
Lý phát
đương tri vị bạch tâm.
Nguyễn Tịch
gặp người tri kỷ như Kê Khang thì mắt xanh, gặp kẻ tục thì mắt trắng.
Cũng như bao người xưa chịu ảnh hưởng của Tam Giáo: Phật, Nho, Lão. Ở Đạo Phật
Nguyễn Du chọn tư tưởng Thiền Tông, Ngài Huệ Năng, bài bác chữ nghĩa mơ hồ Kinh
Kim Cương chỉ để bọn ngu tăng đời sau đọc điếc tai người ta, trong bài Phân
Kinh Thạch Đài. Ở Khổng Giáo, Nguyễn Du chỉ nhắc đến Mạnh Tử qua Cây Liễu Xưa
đền Mạnh Tử. Nguyễn Du không đi thăm khu di tích Khổng Tử 30 Km gần đó cũng
không nhắc đến một lời Thánh Khổng. Ở đạo Lão Nguyễn Du đi thăm Hoàng Hạc Lâu,
Nhạc Dương Lâu nơi có di tích Phí Vân Tiên, Lã Đồng Tân. Nguyễn Du bài bác
Vương Nhung, người biển lận, giàu có làm cả đời chỉ cho người khác hưởng.
Nguyễn Du có thiện cảm với Kê Khang trong Trúc Lâm Thất Hiền, tiếc cho khúc
Quảng Lăng Tán bị thất truyền, nhạc đàn tỳ bà thời Nguyễn Du phân nửa là điệu
nhạc của người Hồ Khương. Nguyễn Du thương xót cho Lưu Linh chỉ uống rượu,
chẳng ra trò trống gì: Tỉnh đem trong sạch nhìn chi đó, Tang tác thương thay
một cánh bèo. Nguyễn Du không nhắc trực tiếp đến đến Lão , Trang. Bài
Hành Lạc Từ tư tưởng Lão Trang bàng bạc với quê hương Hồng Lĩnh, với thú vui
làm người đi săn núi Hồng.
Paris
22-7-2016
PHẠM TRỌNG
CHÁNH
*Tiến sĩ
Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne.